Bệnh viện Mắt trung ương có tình người? - Dân Làm Báo

Bệnh viện Mắt trung ương có tình người?

Nguyễn Cầu (Bạn đọc Danlambao)Đây là câu chuyên có thật được tôi ghi lại từ anh Trần Văn Anh và chị Trần Thị Nghi, trú tại làng Chẵng, xã Hùng đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. 

Khi chị Nghi và em trai tìm được đến Bệnh viện Mắt trung ương ở 85 phố Bà Triệu, Hà Nội trời đã tối mịt. Sau khi khám và xem xét giấy chuyển viện và giấy tờ tùy thân vị bác sỹ trực kết luận chị bị áp xe mủ toàn nhãn, rồi chị được hướng dẫn về nằm chờ ở phòng cấp cứu lưu để nhập viện sáng hôm sau.

Co quắp trên chiếc giường bệnh viện cáu bẩn, chợt nhớ từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng anh Anh (em chị Nghi) lấy trong túi xách chiếc bánh mỳ khô queo mà anh đã mua ở bến xe Mỹ Đình bẻ làm đôi đưa cho chị một nửa rồi hai chị em nhâm nhi tí một cho qua cơ đói lòng. Vừa nhai mẩu ánh khô cứng anh Anh vừa kiểm lại số tiền mang theo trong người, tất cả chỉ có hơn 1 triệu đồng không biết phải xoay xở thế nào trong thời kỳ bảo giá, nhất là vừa có thông tin tăng giá hàng loạt các dịch vụ y tế, có những thứ tăng đến cả chục lần. Nhưng dù sao anh cũng đã có bảo bối là chiếc thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo mà chị Nghi đã được chính quyền địa phương cấp cho hồi đầu năm. Lòng bộn bề lo lắng nhưng trải qua một ngày dài vất vả anh cũng chập chờn thiếp đi trong tiếng xe cộ rầm rập và những tiếng còi chát chúa của những tay quái xế đất Hà thành. 

Chị Nghi năm nay 48 tuổi là hiện thân của một mảnh đời éo le, số phận nghiệt ngã luôn giáng xuống đầu chị. Hồi nhỏ chị bị sởi chạy hậu nên đã bị hỏng con mắt bên trái. Năm 40 tuổi chị lại bị gờ-lô-côm ác tính mắt phải, phải mổ đi mổ lại 4-5 lần nên mắt chỉ thấy lờ mờ, chỉ đủ cho chị lần hồi rau cháo qua ngày. Lần này tai họa lại tiếp tục đổ xuống đầu chị, cách đây 3 ngày con mắt mờ của chị bỗng lại trở bệnh, chị thấy mắt phải sưng tấy đỏ, mọi thứ trở nên tối sầm. Chị Nghi đã cố chịu đựng nhưng con mắt càng ngày càng đau nhức dữ dội. Đến hôm nay không thể chịu đựng được nữa nên chị mới gọi cậu Anh đưa chị lên bệnh viện tỉnh, hầu như ngay lập tức bác sỹ viết giấy chuyển viện cho chị lên bệnh viện Mắt trung ương. 

Một tốp xe máy ào ào lướt qua, tiếng động cơ làm anh Anh choàng tỉnh giấc. Nhìn bên cạnh thấy chị Nghi vẫn nằm thiêm thiếp, toàn thân chị nóng hầm hập như hòn than, vùng mắt chị sưng tấy, nước dịch vàng thấm đẫm cả miếng băng che mắt, miệng chị khô rộp. Định gọi bác sĩ trực, nhìn đồng hồ mới 4 giờ sáng nên anh chững lại. Thôi thì cố chịu đựng thêm một chút nữa chứ mình đâu dám làm phiền người khác vào giờ này. 

7 giờ, chị Nghi được một y tá hướng dẫn xuống phòng nhập viện. Sau khi kiểm tra toàn bộ giấy tờ nhân viên đón tiếp cho biết: 

- Giấy tờ của chị Nghi không hợp lệ nên không được hưởng bảo hiểm y tế.

- Chị có thể giải thích rõ hơn được không – anh Anh run run hỏi.

- Ngày tháng năm sinh không khớp giữa thẻ bảo hiểm và chứng minh nhân dân.

- Thế tôi phải làm thế nào thưa chị? 

- Anh sang quầy thu tiền để nộp tiền kí quỹ.

- Phải nộp bao nhiêu hả chị? 

- Tạm thu 10 triệu, ra viện sẽ quyết toán sau. 

Đất dưới chân anh Anh như tan chảy. MƯỜI TRIỆU một số tiền quá lớn so với khả năng của hai chị em anh. Lấy hết can đảm anh Anh năn nỉ người nhân viên: 

- Chị có thể giải quyết cho chị tôi nhập viện theo chế độ BHYT rồi tôi sẽ xin sửa đổi giấy tờ sau được không? 

- Không được, xin lại giấy tờ mới phải mất cả tháng trời – cô nhân viên đáp.

- Nhưng đây là trường hợp cấp cứu xin chị linh động giải quyết – anh Anh khẩn khoản.

- Đã vào đây ai chẳng cấp cứu – nhân viên đón tiếp thủng thẳng – không nộp tiền đến khi khỏi bệnh các bác trốn viện thì chết chúng tôi à. 

- Chúng tôi đâu dám – anh Anh đáp – chúng tôi có chứng minh thư, địa chỉ hẳn hoi mà. 

- Không được, giám đốc đã có lệnh trong mọi trường hợp nếu để thất thoát viện phí thì chúng tôi chỉ có cách mang tiền túi ra mà đền cho bệnh viện 

- Chị nhìn mắt chị tôi này – anh Anh bức xúc – chị ấy chỉ có 1 mắt duy nhất mà nay mắt đó đang sưng tấy mưng mủ không chữa nhanh thì làm sao qua khỏi? 

- Thôi anh đừng lằng nhằng nữa, còn bao nhiêu người đang chờ sau anh kia kìa. 

- Xin các chị rủ lòng thương, làm phúc cho người nghèo chúng tôi. 

- Ơ cái anh này nói dễ nghe nhỉ, tôi thương anh thì ai thương tôi. Giám đốc đã có lệnh nếu để thất thoát viện phí VÌ BẤT KỲ LÝ DO GÌ không những chúng tôi phải đền tiền mà còn bị cắt mọi khoản tiền thưởng trong 1 năm tiếp theo. 

Ông giám đốc chắc chắn phải là người đức cao vọng trọng sao ông ấy lại có thể ban một sắc lệnh lạnh lùng vô cảm như vậy – anh Anh nghĩ – ông ấy không nghĩ đến những người nghèo khổ sa cơ lỡ bước hay sao. Nghe nói nhiều nơi người ta còn khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo cơ mà. Dù gì đi nữa đây cũng là bệnh viện công lập, bệnh viện của Nhà nước, của nhân dân chứ có phải của một mình ông ấy đâu. Mình phải lên gặp ông ấy để trình bày mới được. 

Đặt chị Nghi ngồi đợi ở góc phòng, hỏi thăm một lúc anh Anh cũng đến được phòng giám đốc nhưng cửa phòng khóa anh Anh đánh liều gõ cửa phòng bên cạnh vì thấy có đèn sáng. Ông cán bộ phòng đó cho biết Giám đốc đang bận họp trên Bộ chiều tối mới về. 

Thất vọng tràn trề anh Anh quay lại phòng đón tiếp nơi chị Nghi đang ngồi đợi. Lúc này chị đã mê man vì sốt cao và đau đớn. Lay gọi mãi mới thấy chị mấp máy cặp môi khô nứt thều thào điều gì đó rồi chị lại thiếp đi. Anh Anh muốn thét lên "Trời ơi, sao các người nhẫn tâm đến thế, bệnh tình chị tôi nguy kịch đến như vậy mà các người không cho chị tôi vào điều trị chỉ vì chúng tôi không có tiền sao? Các người có còn lương tâm, tình người không vậy?" nhưng lời nói không thể thoát được ra khỏi cổ họng chát đắng mà chỉ là những tiếng nấc nghẹn ngào. Anh phải làm điều gì đó để cứu chị gái nhưng giữa chốn xa lạ, không người thân thích, không có một tài sản gì trong người thì làm sao anh có thể giết ai để kiếm ra 10 triệu bây giờ. Chỉ còn một cách duy nhất là phải về quê thì may ra mới có thể xoay xở được. Lòng rối tơ vò, trải mảnh ni lông xuống sàn cho chị Nghi ngả xuống vì lúc này chị không còn ngồi được nữa, anh Anh vội ra cổng thuê xe ôm đến bến Mỹ đình rồi bắt xe khách về nhà. 

Nghe chuyện của anh, họ hàng làng xóm ai cũng xót xa nhưng cũng chẳng ai giúp được gì. Quê anh nghèo xơ xác, nhà nào cũng lo chạy ăn từng bữa, trai gái tứ tán ra thành phố làm thuê, đường láng vắng vẻ tiêu điều. Nhờ anh trưởng thôn giới thiệu chỉ anh đến gặp bà D chuyên cho vay lãi trên chợ huyện. Nghe anh Anh trình bày hoàn cảnh bà D đồng ý cho anh vay 10 triệu với lãi xuất 3 ngàn không cần thế chấp, chỉ cần ký tên và điềm chỉ vào giấy vay. Anh Anh nhẩm tính với lãi xuất như vậy mỗi ngày anh phải trả 30 ngàn, 10 ngày là 300 ngàn như vậy anh vẫn có thể chịu được. Con mẹ cho vay nặng lãi này dù sao cũng còn chút lương tâm vì bình thường lãi xuất phải là 4 – 5 ngàn đồng 1 ngày cho 1 triệu đồng tiền vay. 

Cầm tiền trong tay anh Anh mới chợt nghĩ ra từ sáng tới giờ vẫn chưa có gì vào bụng, cả chị Nghi cũng vậy, không biết tình trạng của chị lúc này ra sao. Kìm nén cơn đau quặn trong lòng anh vội vã ra bến xe để về Hà Nội. 

Đến viện mắt trung ương đã 4 giờ chiều, anh chạy thẳng lên phòng đón tiếp. Lúc này bệnh viện đã vắng hoe, trong góc phòng vẫn thấy chị Nghi quấn ni lông nằm bất động. Hình như cả ngàn người đi qua đây không ai biết đến sự tồn tại của một người bệnh nặng đang nằm mê man dưới sàn nhà. Anh vội chạy lại sờ vào người vẫn thấy nóng rực, anh thở phào, dù sao chị vẫn còn sống. Nếu chị có mệnh hệ nào thì anh cũng không biết phải nói sao với mọi người. 

Nộp đủ 10 triệu ở quầy thu ngân anh Anh làm xong thủ tục nhập viện rồi dìu chị Nghi lên khoa điều trị. Sau khi khám cho chị Nghi, vị Giáo sư chủ nhiệm khoa nhanh chóng kết luận chị đã bị Viêm toàn nhãn và có nguy cơ nhiễm trùng máu, cần tiêm kháng sinh vào mắt ngay lập tức và truyền kháng sinh đường tĩnh mạch liên tục trong những ngày hôm sau. Tuy nhiên "do bệnh tình quá nặng nên dù đã được các Giáo sư, Bác sỹ đầu ngành hết lòng tận tâm cứu chữa nhưng con mắt của chị Nghi đã không qua khỏi". Sau 1 tuần điều trị Giáo sư trưởng khoa cho biết mắt của chị đã hoại tử toàn bộ nếu không múc bỏ sẽ gây nhiễm trùng máu có thể dẫn đến tử vong. Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện chị đã được phẫu thuật múc bỏ nhãn cầu. Năm ngày sau chị Nghi ra viện, hai mắt của chị một đã teo từ nhỏ, một đã múc nhãn cầu, phía trước cuộc đời chị là bóng đêm dày đặc vĩnh viễn ngự trị. 

Sau khi nghe kể câu chuyện này từ anh Anh, tôi cứ day dứt mãi với câu hỏi tại sao tại một cơ sở y tế công lập đầu ngành tuyến trung ương mà người ta lại có thể xử sự vô nhân tính đến như vậy. Nếu chị Nghi có đủ tiền để được nhập viện và điều trị từ sớm thì liệu con mắt áp xe mủ kia có thể cứu được và liệu may ra chị có thể được hưởng chút ánh sáng le lói? Câu hỏi này xin gửi tới ông giám đốc bệnh viện mắt trung ương. 

Tuyên quang, tháng 10 năm 2012 




* Đây là câu chuyên có thật được tôi ghi lại từ anh Trần Văn Anh và chị Trần Thị Nghi, trú tại làng Chẵng, xã Hùng đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Nhập viện ngày 06 tháng 09 năm 2012. Số điện thoại: 016 53 16 03 97


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo