Chuyện phiếm về những cái đuôi - Dân Làm Báo

Chuyện phiếm về những cái đuôi

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Với những người phát minh ra, chúng lại không hề vô dụng. Vì chúng đã làm được chức năng là những chiếc vòi để tiền thuế của dân, tài nguyên đất nước qua đó chảy vào túi họ. Những kẻ phát minh ra "cái đuôi" này cũng không hổ danh là các "đỉnh cao trí tuệ". Chỉ khổ cho "cái thân mình" là nền kinh tế Việt Nam bị "cái đuôi" này bòn rút trở thành tiêu điều, xơ xác...

*

Hay tin ở Việt Nam có mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN các chuyên gia kinh tế ở Âu, Mỹ vô cùng ngạc nhiên. Mô hình kinh tế thị trường của họ đang dùng từ vài trăm năm nay vẫn tốt, hiệu quả. Tất cả các nước kinh tế phát triển, giàu nhất nhì thế giới đều dùng mà chưa từng nghĩ tới chuyện thêm thắt, cải tiến. Bỗng dưng có kẻ khi áp dụng lại "định hướng XHCN" cho nó, tựa như gắn thêm vào một "cái đuôi". Ngạc nhiên rồi thì tức, vì đó chính là kẻ trước đây đã từng phá bỏ giờ quay lại dùng nó. Nhưng vốn thực dụng, họ vẫn muốn tìm hiểu về cái mô hình lạ lẫm kia với hy vọng giúp được chút gì trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thế là một đoàn gồm toàn các chuyên gia kinh tế giỏi của các nước Âu Mỹ được gấp rút thành lập để thực hiện mục đích trên và ngay lập tức bay sang Việt Nam. Vì là sang học hỏi một mô hình kinh tế nên họ đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục nhập cảnh mà không gặp phải bất kỳ một sự sách nhiễu nào lại được lãnh đạo các cấp tiếp đón nồng nhiệt và tạo mọi điều kiện để làm việc. Với tác phong làm việc khoa học nên trước khi nghiên cứu cái đuôi "định hướng XHCN" phức tạp họ phải thu thập thông tin về đủ các loại đuôi kể cả của động vật.

So với các bộ phận khác trong cơ thể động vật, đuôi có vẻ “kém may mắn” hơn vì là bộ phận ở sau cùng. Nhưng nó lại không hề kém phần quan trọng. 

Nhờ cái đuôi ngoe nguẩy thay cho lời chào, chó luôn giành được cảm tình nhiều nhất của gia chủ trong số các vật nuôi trong nhà. 

Trong khi trâu, bò dùng đuôi để xua đuổi côn trùng, thì con công lại nhờ cái đuôi sặc sỡ thu hút bạn tình. 

Con thạch sùng đã bao phen hy sinh cái đuôi để cứu thân mình. 

Đuôi tắc kè thì được biết đến nhiều nhất trong bình rượu bổ nhằm gia tăng "khí phách" cho đàn ông.

Một đối tượng có thể có hai loại đuôi đó là đuôi có sẵn và đuôi được ghép thêm vào. Tất nhiên là chẳng có đối tượng nào lại muốn mất đi những cái đuôi có sẵn. 

Dù có còn rất “mẫn cán” khi trông nhà cho chủ nhưng nếu vì lý do nào đó mà mất đi cái đuôi để chào, các chú chó sớm muộn sẽ được các ông chủ khó tính “chuyển hộ khẩu” tới các nhà hàng 7 món. 

Còn chỉ cần sơ ý mà làm hỏng bộ đuôi sặc sỡ,“ công ta” sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời “sầu ôm gối chiếc”. 

Thạch sùng mất đuôi thì mọc lại nhưng trong thời gian chờ đợi ai là người sẽ cứu nếu chẳng may bị tóm.

Bình rượu bổ tắc kè dành cho các ông chồng mà thiếu đuôi thì người bực tức nhất chắc hẳn phải là các bà vợ. 

Ông thầy lang bốc thuốc theo sách trong câu chuyên tiếu lâm nọ sẽ phải ân hận suốt đời vì sơ ý đọc thiếu mất phần đuôi “tắc tử” trong câu “phúc thống phục nhân sâm tắc tử” dẫn tới hậu quả làm chết người. 

Trong vụ Thái Hà, báo Hà Nội mới đã cố ý cắt đi phần đuôi câu nói của tổng giám mục Ngô Quang Kiệt làm dư luận trên các báo nhà nước lấy cớ để công kích ngài. 

Ông chồng có bồ nhí bị vợ thuê người theo dõi rất bực mình và luôn muốn cắt bỏ “cái đuôi” ghép thêm vào một cách bất đắc dĩ này. 

Trong các cụm từ "chính quyền nhân dân", "quân đội nhân dân", "công an nhân dân", "tòa án nhân dân" thì "nhân dân" là những cái đuôi được đảng, nhà nước ghép vào nhằm mục đích tô vẽ thêm cho các khẩu hiệu "chính quyền của dân, do dân, vì dân", "quân đội trung với đảng hiếu với dân", "vì nước quên thân vì dân phục vụ",... Nhưng dù đã phải còng lưng ra đóng thuế để nuôi béo một đội ngũ "chính quyền", "quân đội", "công an",... khổng lồ cái đuôi chung này vẫn bị chính quyền "hành cho là chính". Bị công an, quân đội coi như "lực lượng thù địch" để đạp vào mặt, còng tay, bắt vào tù, đưa đi trại phục hồi mỗi khi họ tập trung giữ đất, kêu oan, khiếu kiện, bày tỏ lòng yêu nước. Bị bỏ mặc cho hải quân Trung Quốc bắn giết, bắt giữ, đánh đập khi đi đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Có một loại đuôi được ghép vào một cách hoàn toàn tự nguyện. Đó là “cái đuôi” nhà nước cộng sản Việt Nam tự nguyên là “cái đuôi” của cộng sản Trung Quốc. Quá trình lắp ghép tự nguyện nay được thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước. Khi cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, đảng cộng sản Việt Nam muốn tranh thủ sự giúp đỡ của người “ láng giềng tốt bụng” để chống Pháp nên đã tự làm đuôi của cộng sản Trung Quốc. Với vai trò là “cái đuôi” các chính sách của Trung Quốc đều được họ rập khuôn một cách máy móc và mù quáng gây nên bao đau thương, tang tóc cho dân tộc. Cải cách ruộng đất gây nên những cái chết oan uổng của hàng vạn người vô tội. Đày đọa, làm tê liệt ý chí, tài năng của các văn nghệ sĩ có tài trong vụ án “nhân văn giai phẩm” trong những năm cuối 50 của thế kỷ trước, chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp làm cho nông thôn nghèo đói, tiêu điều,... là những thảm cảnh mà người dân Việt Nam không bao giờ quên. 

Trong các thập niên gần đây, coi Trung Quốc là “thần tượng” cả về kinh tế lẫn chính trị, là chỗ dựa để tồn tại, “cái đuôi” nhà nước cộng sản Việt Nam ngày càng gắn chặt, lệ thuộc vào Trung Quốc. Từ những vụ việc chính trị như: đàn áp những người đấu tranh cho tự do dân chủ, cấm tự do ngôn luận,… Đến những vụ việc về kinh tế như: nạn làm hàng giả, chỉ chú trọng phát triển sản xuất bỏ mặc môi trường ô nhiễm,… Đến việc phát ngôn trên các diễn đàn ngoại giao. Nhà nước cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng, mẫu mực với vai trò “theo đuôi”, “rập khuôn” y hệt. Nhận thấy “cái đuôi tự nguyện” ngày càng lệ thuộc vào mình cộng sản Trung Quốc cũng không ngần ngại sử dụng các âm mưu thâm độc để “cái đuôi” đó ngày càng lệ thuộc hơn tiến tới trở thành một bộ phận chính thức của họ. Những hành động lấn đất, lấn biển, cướp đảo, khủng bố ngư dân Việt Nam luôn được đảng, nhà nước Việt Nam hoặc đồng tình, hoặc lặng im, hoặc phản đối lấy lệ là những biểu hiện đảng cộng sản Việt Nam dần trở thành tay sai, bộ phận không thể tách rời của cộng sản Trung Quốc. Cộng sản Trung Quốc một mặt khinh ghét “cái đuôi tự nguyện” này, nhưng một mặt vẫn lợi dụng nó để phục vụ cho mưu đồ bá quyền, thôn tính Việt Nam của họ.

Sau khi đã thu thập được một số lượng thông tin kha khá đoàn chuyên gia bắt đầu tiến hành công việc chính là nghiên cứu về cái đuôi "định hướng XHCN". Đến thời điểm này tuy quá trình nghiên cứu bị cản trở quyết liệt vì lý do "an ninh quốc gia". Nhưng đoàn đã được các nhà đầu tư nước ngoài hướng dẫn thủ tục "bôi trơn" nên công việc vẫn được tiến hành suôn sẻ, không gián đoạn. 

Tròn 6 tháng kể từ ngày bay sang Việt Nam bản nghiên cứu về cái đuôi "định hướng XHCN" đã được hoàn tất, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được công bố trên hầu hết các tạp chí khoa học xã hội, kinh tế của các nước Âu Mỹ, được xếp vào tốp 10 trong các phát minh có ý nghĩa nhất trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Đặc biệt nó là nguyên nhân khiến ngày 15/4/2012 vừa qua tổng thống Braxin đã đột ngột từ chối chuyến viếng thăm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dù đã được thỏa thuận từ trước. Để bạn đọc tiện theo dõi xin tóm lược một số nội dung chính đã được dịch ra tiếng Việt. 

Cuối những năm 80 đầu 90 Liên Xô và một loạt các nước công sản Đông Âu tan rã mà lý do chính là kinh tế. Các nước cộng sản còn sót lại trong đó có Việt Nam với mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp lạc hậu chuyên sống dựa vào nhận viện trợ mất chỗ dựa đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để tránh, một số nước trong đó có Việt Nam buộc phải quay trở lại với mô hình kinh tế thị trường mà họ đã xóa bỏ trước đây. Sự quay trở lại này được họ tự nhận là "cải cách", "đổi mới". Muốn cải cách kinh tế nhưng lại không muốn cải cách thể chế, khăng khăng duy trì chế độ độc đảng, các nhà lãnh đạo cộng sản đứng trước một vấn đề nan giải: Nền kinh tế thị trường không chấp nhận, song hành với một thể chế chính trị độc đảng, phi tự do dân chủ. Vì vậy họ khởi xướng, phát minh ra một mô hình kinh tế “nửa dơi, nửa chuột” đó là mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nó nhắm tới nhiều mục đích khác nhau. Lừa nhân dân là vẫn "kiên định" đi lên CNXH để cố bám vai trò lãnh đạo. Nhưng sự thực thì họ đã từ bỏ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa để biến thành các nhà "tư bản đỏ" có khối lượng tài sản khổng lồ, có con cái du học, sinh sống ở các nước tư bản. Quan trọng hơn cả là bằng mô hình này họ muốn nắm giữ kinh tế để thông qua đó kiểm soát người dân một cách tinh vi hơn cách kiểm soát bằng tem phiếu, tiêu chuẩn,... của thời quan liêu bao cấp hòng giữ vững quyền lực, lợi dụng làm giàu cho bản thân, gia đình, phe nhóm. 

Tuy khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN còn tù mù trong các tài liệu, trong các cách giải thích của các lãnh đạo cộng sản. Nhưng các chuyên gia cũng sơ bộ giải nghĩa được là: nền kinh tế được vận hành theo đúng nghĩa kinh tế thị trường, dưới sự điều tiết chủ đạo bởi các tập đoàn kinh tế tư bản nhà nước. Các tập đoàn này có nhiệm vụ làm chủ đạo nền kinh tế quốc dân. Như vậy cái đuôi "định hướng XHCN" chính là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Dĩ nhiên cái to thì thủ tướng, nhỏ hơn thì bộ chủ quản, nhỏ hơn nữa thì..., tất tật đều do "cán bộ nhà nước" trực tiếp nắm giữ. 

"Vừa đá bóng vừa thổi còi" những kẻ nắm giữ tha hồ sử dụng, giót vốn, ưu tiên, ban hành những chính sách có lợi nhất cho "cái đuôi" của họ. Hoạt động thì theo phương thức lời ăn lỗ nhân dân phải chịu, nợ xấu không trả được thì lấy tiền thuế, in thêm tiền, hoặc dành cho đời sau trả. Lỡ có sai phạm nhẹ thì bỏ qua, nặng thì nhận lỗi, trầm trọng thì nhận trách nhiệm chính trị và lôi ra vài "con dê tế thần". 

Đội ngũ các doanh nghiệp tư nhân là “sân sau” của các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm những lợi thế không nhỏ trong cạnh tranh. Vì chúng hoặc là của các quan chức nhà nước, hoặc của con cháu, họ hàng người thân hoặc phe nhóm. Được bảo kê của các quan chức lãnh đạo các“ cô chiêu, cậu ấm” với thế thượng phong thỏa sức cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân khác và làm giàu. Có rất nhiều doanh nhân làm ăn phát đạt nếu điều tra gốc tích chắc chắn nếu không phải là con cháu thì cũng là họ hàng hay hàng ngũ thân cận của các quan chức chính phủ. 

Trong môi trường cạnh tranh không lành mạnh này các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính ở vào thế bất lợi, bị chèn ép không thể phát triển được, mô hình kinh tế thị trường trở nên méo mó. 

Nhưng phần do được cưng chiều, quản lý kém, làm ăn theo kiểu lời ăn lỗ người khác chịu dễ nảy sinh tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Số phận các tập đoàn kinh tế nhà nước hay những "cái đuôi" còn tệ hại hơn. Sau nhiều năm hoạt đông chúng đều có chung một đặc điểm tham nhũng, thất thoát lớn, nợ nần nhiều, làm ăn không hiệu quả nhưng lương của cán bộ đặc biệt là cán bộ lãnh đạo lại cao ngất ngưởng. Và tất nhiên "cái đuôi" này cũng làm được chức năng "định" cho nền kinh tế Việt Nam tới "hướng" sụp đổ.

Dù vậy, với những người phát minh ra, chúng lại không hề vô dụng. Vì chúng đã làm được chức năng là những chiếc vòi để tiền thuế của dân, tài nguyên đất nước qua đó chảy vào túi họ. Những kẻ phát minh ra "cái đuôi" này cũng không hổ danh là các "đỉnh cao trí tuệ". Chỉ khổ cho "cái thân mình" là nền kinh tế Việt Nam bị "cái đuôi" này bòn rút trở thành tiêu điều, xơ xác. 

Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế quái gở nhất từ trước đến nay. Mô hình này góp phần làm gia tăng khủng hoảng kinh tế trong nước, trong khu vực có ảnh hưởng tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nó chỉ giúp cho các chế độ cộng sản còn sót lại kéo dài thời gian hấp hối. 

11/2012 




Trần Hoàng Lan


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo