Lê Đình Hiệp (Danlambao) - Trong phiên họp chất vấn Thủ tướng chính phủ tại Quốc hội ngày 14.11.2012 đại biểu Q phát biểu làm cả hội trường và những người theo dõi trên màn hình vô cùng ngạc nhiên và lạ lẫm: "Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động một cuộc phấn đấu của Chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình, để các quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm..."
Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao đại biểu Q lại nêu vấn đề công khai trước quốc hội? Chắc là ông đà thấy rõ những sai lầm, khuyết điểm của Thủ tướng trong điều hành công việc cuả cơ quan hành pháp? Ừ! Thì cứ cho là Thủ tướng có sai lầm đi, nhưng việc này đâu phải chỉ có mình ông phải chịu trách nhiệm? mà còn do lỗi ở cơ chế! Thế mà ông đã dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm trước toàn Đảng, trước Quốc hội của người đứng đầu về tất cả hạn chế, yếu kém trong tất cả các lĩnh vực, đã kiểm điểm nghiêm túc và sâu sắc. Đã thành khẩn nhận lỗi rồi, thì cần gì phải đặt vấn đề văn hóa từ chức? Nhất là khi Thủ tướng lại có 'quyết tâm' sữa chữa, bằng những biện pháp quyết liệt, nhằm chấn hưng nền kinh tế đang trên đà tuột dốc, đặng đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, mơ ước của toàn thể nhân loại tiến bộ!
Đây là tinh thần thực sự cầu thị, tinh thần cách mạng tiến công của một người đi theo cách mạng khi còn là một chú bé thiếu niên 12 tuổi. Ông là người được sinh ra từ cách mạng và cách mạng đã giáo dục và rèn luyện ông để đất nước có một thủ tướng trên cả tuyệt vời.
Đồng ý công khai là tốt, nhưng đâu cứ phải mọi việc đều phải công khai? Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, chỉ có thể nói trong nội bộ, theo kiểu đóng cửa bảo nhau, trên tinh thần thương yêu đồng chí, mà ta vẫn làm từ trước đến nay hay như chỉnh đốn Đảng vừa qua, phải tuyệt đối giữ bí mật, kể cả tên đồng chí, không cho địch lợi dụng. Nói không đúng lúc, chọn không đúng chỗ như ông Q, có lợi hay có hại cho cách mạng, là điều phải hết sức cân nhắc, nhất là đối với tầng lớp được coi là trí giả, thức giả, trong khi các thế lực thù địch và bọn phản động tuyên truyền xuyên tạc chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta. Nên nhớ rằng Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tất cả mọi quyền hành đều ở trong dân, các đồng chí lãnh đạo cao mấy cũng chỉ là đày tớ, là công bộc của dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân và lấy dân làm gốc. Nếu thủ tướng hoặc các đồng chí khác có mắc sai lầm, khuyết điểm thì cũng xuất phát từ động cơ 'trong sáng', không 'vụ lợi'. Nhẽ ra chúng ta phải cảm thông và bảo vệ họ như bảo vệ chính con ngươi của mắt mình.
Thủ tướng đã nói rất 'chân thành' và 'tha thiết': "Có thể nói gần suốt cả cuộc đời tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không xin và tôi cũng không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, nhà nước quyết định phân công giao phó cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện như tôi đã làm trong 51 năm qua...
... Đảng ta là Đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ thủ tướng chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ thủ tướng chính phủ. Trung ương phân công, quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ thủ tướng chính phủ, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của ban chấp hành trung ương Đảng, của quốc hội.”
Có thể nói thủ tướng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng rất cao trước đảng và quốc hội, lại được nhân dân “yêu mến”, “tin cậy”, hà cớ gì thủ tướng phải từ chức? Ở một nước XHCN như nước ta, có nền dân chủ pháp trị XHCN, cao gấp vạn lần so với cái gọi là dân chủ của bọn tư bản, không thể có chuyện văn hóa từ chức, khi đảng và dân yêu cầu. Chỉ có bọn tư bản giẫy chết mới tìm cách hất nhau bằng cách nói mỹ miều là “văn hóa từ chức”, vì người cầm quyền của họ yếu kém và thiếu nhân cách, làm cho nhân dân bất bình, phản đối và mới xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy.
Còn ở Việt Nam ta, xin đừng ai nghĩ đến chuyện đó. Cứ hơi một tý là từ chức thì lấy đâu ra người làm việc. Cũng may là ở nước ta chưa có “tiền lệ” này, nếu văn hoá từ chức trở thành hiện thực sẽ “nguy hiểm” biết chừng nào. Lãnh đạo các Bộ cứ bắt chước nhau, nhao nhao đòi từ chức cả, giống như đàn lợn đòi phá chuồng thì nội các chính phủ sẽ ra sao? Thủ tướng sẽ biến thành tướng “không quân” hoặc ông trại trưởng mà chuồng không có lợn và ai sẽ là người đầy tớ trung thành cho các ông bà chủ? Đảng và nhân dân còn cần thì cho dù có quá tuổi nghỉ hưu, có sức tàn lực kiệt, vẫn không được thoái thác nhiệm vụ, những người lính già vẫn phải vâng lệnh quốc dân ra trận và phải phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.
Đó là “mệnh lệnh” của TÔ QUỐC và của nhân dân đã trao cho họ, là “phẩm chất” và “bản lĩnh” của người cách mạng.
Ai nghĩ đến văn hóa từ chức ở nước ta lúc này, chỉ có thể nói đó là những thế lực thù địch, bọn diễn biến hòa bình và bọn phản động, không hơn không kém.
Hãy nói thẳng cho họ biết: Đảng đã cử, dân cứ tin là phải cống hiến hết sức mình, không kể thời gian cũng như tuổi tác.
Văn hóa từ chức à! Đợi đến mùa quýt nhé ! Xin các vị đừng có ảo tưởng !
19.11.2012
Lê Đình Hiệp