Jeffrey Thái (Danlambao) - Tự trọng, nói một cách ngắn gọn nhất, có nghĩa là tôn trọng chính bản thân mình. Định nghĩa rõ hơn, lòng tự trọng là phẩm chất giúp con người nhận thức được giá trị của bản thân mình (về năng lực, tính cách, niềm tin...), trong mối tương quan với các cá thể khác trong xã hội.
Xã hội loài người vốn được cấu trúc theo dạng hợp quần, trong đó các cá thể luôn có những tác động trực tiếp vào nhau, đôi khi hỗ trợ, đôi khi đối kháng. Việc nhận thức được giá trị của bản thân, thông qua lòng tự trọng, giúp các cá thể tồn tại và phát triển vững vàng, vượt qua được các mâu thuẫn đối kháng thường xuyên nảy sinh trong quá trình sống hợp quần đó. Bên cạnh đó, lòng tự trọng cũng đóng vai trò như một rào cản đạo đức cơ bản nhất, giúp con người soi rọi lại giá trị nhân bản của bản thân, và qua đó, mỗi cá thể góp phần hỗ trợ cho sự sống của các cá thể khác và, nói chung, sự phát triển tốt đẹp của toàn xã hội.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được bàn về lòng tự trọng ở khía cạnh thứ hai, tức là nghiêng về phương diện đạo đức nhiều hơn. Xin được nói về nó, trước hết, ở phạm vi cá nhân, và sau đó, ở một bình diện khác cao hơn - bình diện quốc gia.
Điều trước tiên cần xác định là lòng tự trọng là một sản phẩm của ý thức, và do đó, chỉ có con người mới có lòng tự trọng (vì con người là động vật duy nhất có ý thức phát triển hoàn chỉnh). Với đặc tính đó, vô hình trung, lòng tự trọng chính là thước đo giá trị nhân bản của con người, giúp phân biệt giữa con người và các loài động vật khác. Một lòng tự trọng ít nhiều khiếm khuyết, hao hụt là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái đạo đức đang diễn ra ở một con người. Và khi một con người (được cho là) hoàn toàn không còn có lòng tự trọng nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là, giá trị nhân bản của con người đó đã bị phủ nhận: cá thể đó chỉ còn đơn thuần tồn tại như một động vật. Trong xã hội loài người, những con người - động vật như thế không thể hòa hợp với các cá thể khác và chẳng thể có được một đời sống tốt đẹp.
Có một điều mà người viết tự nhận thấy, qua kinh nghiệm sống cá nhân, là: Ở xã hội của các nước phát triển (như các nước phương Tây), lòng tự trọng (self-esteem hay self-respect) thường được đề cập đến nhiều hơn (ở khía cạnh thứ nhất) như là khả năng nhận chân ra được các giá trị hữu dụng của bản thân, và từ đó, có phương hướng phát triển cá nhân thích hợp. Việc nhận chân đó, đi kèm với sự phát triển, giúp con người có được niềm tin (trust) ở chính bản thân mình, và đồng thời, gieo được niềm tin về mình nơi người khác. Do đó, để lên án một con người nào đó đã những hành động hay hành vi ứng xử vô đạo đức, đi ngược lại các nguyên tắc đạo lý chung, người ta thường hay nói "Tôi không tin anh nữa" (I don't trust you any more).
Trong khi đó, ở các nước kém phát triển hơn (như các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam), trong những trường hợp như thế thì chúng ta lại có thói quen viện dẫn đến lòng tự trọng nhiều hơn, đại khái như: "Bạn còn lòng tự trọng không mà lại hành xử như thế?" Câu hỏi này vừa như một lời cáo buộc, phán xét, vừa như một lời nhắc nhở, khiển trách, tùy trường hợp. Ở đây, dường như chúng ta trông cậy nhiều hơn vào sự tự ý thức (hay vào lương tâm) của cá nhân người đó. Do đó, khi chúng ta cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng về ý thức, về lương tâm nơi người đó, thì chúng ta thường buông lời phán quyết cuối cùng là: "Bạn là một con người hoàn toàn không còn lòng tự trọng nữa". Sau lời cuối đó, hiếm khi nào chúng ta còn nghĩ, hay nói, hay có bất cứ một mối liên hệ nào với con người như thế.
Để giải thích cho sự khác biệt đó trong cách phản ứng, tôi cho rằng nó xuất phát từ sự khác biệt về xã hội. Ở những xã hội văn minh hơn, thường con người ta mặc nhiên trao niềm tin cho nhau. Con người luôn được mặc định là vô tội, cho đến khi nào có đầy đủ chứng cớ pháp lý để kết tội. Chính vì mặc định về niềm tin đó mà khi bị hụt hẫng, cái mà người ta cảm thấy mất mát chính là niềm tin. Trong khi đó, ở những xã hội kém văn minh hơn, hay những xã hội mà con người vốn đã chẳng thể tin nhau, thì vấn đề lại không phải là niềm tin - cái vốn đã không có, mà lại là lương tâm, là ý thức. Họ chỉ còn biết đánh động vào lương tri con người như một cứu cánh sau cùng. Nói là cứu cánh sau cùng vì ở những xã hội như thế, thường thì luật pháp cũng khá lỏng lẻo, con người chẳng dám trông chờ.
Xét cụ thể vào cuộc sống xã hội của người dân Việt, chúng ta dễ dàng thấy là lòng tự trọng là một khái niệm thật phổ biến, với những đặc thù rất riêng mang tính dân tộc. Câu hỏi được đặt ra là: Sống như thế nào thì được xem là tự trọng? Đây là một câu hỏi mở, có rất nhiều đáp án khác nhau, tùy theo điều mà bạn đang muốn mổ xẻ. Cá nhân tôi xin được trình bày ở đây một đáp án mang tính khái quát lớn.
Đáp án đó chính là nguyên tắc: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", dịch ra tiếng Việt là "Những gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác". Đây là câu nói cổ xưa của Đức Khổng Tử mà rất nhiều người biết. Riêng tôi đã có dịp đọc nó từ ngày còn rất nhỏ, vì nó được in trên lịch (ngày) treo tường. Cũng cùng một ý nghĩa như thế, người Mỹ có câu: "Treat others the way you want to be treated", dịch ra là, muốn người khác đối xử với mình như thế nào, thì hãy đối xử với họ đúng như thế. Đây là câu nói mà đa số người Mỹ dùng rất thường xuyên trong đời sống hằng ngày.
Câu nói của Đức Khổng Tử thoạt nghe có vẻ đơn sơ, nhưng lại hàm chứa một triết lý sống lớn. Nó thể hiện được lòng tự trọng của con người, và nêu lên được mối tương quan nên có và cần có trong mối liên hệ con người. Hãy xét xem: Không ai muốn đau khổ hay nghèo khó cả, phải không? Thế thì đừng gây đau khổ và đừng làm cho người khác đói nghèo. Không ai muốn mình bị xúc phạm hay thóa mạ cả, phải không? Thế thì đừng bao giờ xúc phạm hay thóa mạ người khác. Không ai muốn tính mạng mình bị đe dọa, hay mình bị ngược đãi cả, phải không? Thế thì đừng đe dọa và ngược đãi người khác... Thực hiện đúng nguyên tắc đó thôi, chúng ta sẽ có được một đời sống tự trọng và xã hội sẽ trở thành một nơi chốn bình an. Đó là một sự tự trọng đúng nghĩa được dựa trên cơ sở tôn trọng (quyền lợi, nhân phẩm và tính mạng của) người khác.
Tiếc thay, nguyên tắc nghe dễ thế, mà con người vốn vô minh nên không phải ai cũng nhớ, cũng làm. Xâm phạm nguyên tắc đó chính là nguyên nhân lớn nhất làm lòng tự trọng của con người bị tổn hại và phá hủy. Phần lớn con người đều quên hay không ý thức được mối tương quan giữa mình và các cá thể khác. Họ chỉ muốn mình tồn tại, phát triển và thịnh vượng, mà không hề màng đến sự tồn tại, thịnh vượng và phát triển của người khác. Điều đó không chỉ phá hoại các riềng mối xã hội, mà còn làm cho sự phát triển chung của toàn xã hội trở nên mất cân đối và chông chênh.
Chúng ta vừa bàn đến lòng tự trọng ở những người dân thường. Bây giờ hãy xét đến lòng tự trọng ở những con người có chức trách cao hơn - những con người lãnh đạo xã hội. Nếu lòng tự trọng ở một người dân thường chỉ quan trọng một, thì ở những người có chức quyền, nó quan trọng và có sức ảnh hưởng hay tàn phá nhiều lần hơn. Chức quyền càng lớn, sức ảnh hưởng và tàn phá càng ghê gớm.
Trong học thuyết chính trị của mình cách đây hàng nghìn năm, Đức Khổng Tử đã có nêu lên những đòi hỏi căn bản của ông về người cầm quyền như sau: Người cầm quyền nên học tự kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính gương của mình, và nên đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm. Nếu xét kỹ thì ta sẽ thấy rằng ba cái "nên" mà ông nêu ra đó đều xoay quanh lòng tự trọng, cũng như xoay quanh nguyên tắc sống tự trọng (cũng của chính ông) mà chúng ta vừa xét đến ở trên. Theo đó, ta thấy, chung qui, điều đòi hỏi cơ bản và thiết yếu nhất ở một người cầm quyền chính là lòng tự trọng. Một người cầm quyền có lòng tự trọng hẳn sẽ biết thương yêu và quan tâm đến người dân của mình, biết đặt quyền lợi của người dân đen lên trên hết.
Nhìn vào xã hội VN hiện nay, chúng ta thấy điều gì đang diễn ra? Chúng ta thấy có hàng ngàn dân đen ngày đêm kêu oan cho những mảnh đất, mà họ cho là gần như bị cướp trắng. (Điều đó nói lên họ đã không được quan tâm và thương yêu). Chúng ta thấy nạn tham nhũng hoành hành trên diện rộng trên toàn đất nước, đưa VN xuống hàng thứ 123 trong tổng số 176 quốc gia, trên bảng xếp hạng tham nhũng thế giới năm nay của tổ chức TI (Transparency International). (Điều đó cho thấy có nhiều các viên chức cầm quyền đã từ lâu không còn nghĩ đến việc làm gương cho ai cả). Và rồi, chúng ta thấy dư luận quần chúng đang mải bàn tán xôn xao về văn hóa... từ chức. (Dân chúng muốn các nhà cầm quyền từ chức vì họ đã không chịu học cách để tự kỷ luật mình).
Điểm qua những điều đó, và đối chiếu với những đòi hỏi cơ bản của Đức Khổng Tử về người cầm quyền, chúng ta có thể rút ra một kết luận hoàn toàn khả tín là: Chúng ta đang có rất nhiều những người cầm quyền không có lòng... tự trọng. Việc thiếu vắng lòng tự trọng ở các vị này gây một sự ngạc nhiên lớn. Người ta ngạc nhiên là vì một con người bình thường không có lòng tự trọng đã là một điều rất đáng xấu hổ. Một người có trách nhiệm lớn với xã hội, với người dân mà lại không có lòng tự trọng thì chắc hẳn họ không còn biết xấu hổ là gì nữa. Người dân cứ thế mà cảm thấy bẽ bàng thêm.
Một câu hỏi gây chấn động lớn, xuất phát từ thực trạng đó, chính là:
Khi một xã hội được cầm quyền bởi một lượng lớn những người không có lòng tự trọng, thì còn có thể sót lại một khoảng trống nhỏ nhoi nào trong đời sống xã hội, để lòng tự trọng của người dân có chỗ để sống còn hay không?
Một xã hội mà lòng tự trọng - rào cản đạo đức cơ bản của con người - không còn có chỗ sống sót thì tương lai của nó sẽ như thế nào là một điều không khó đoán. Đó là điều mà những người có lòng với dân tộc, với đất nước chắc hẳn không khỏi phải day dứt với chính mình.
08/12/2012
Jeffrey Thái