Hai năm làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? - Dân Làm Báo

Hai năm làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?

Đối ngoại: Lẫn lộn giữa bạn và thù 
Nội bộ phe cầm quyền: Chủ quan khinh địch nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn giữ ghế Thủ tướng 
Nội trị: Đàn áp trí thức, thanh niên và coi thường nhân dân 

Âu Dương Thệ - Tại Hội nghị của Ban Tuyên giáo toàn quốc (9.1.13) bàn về tổng kết công tác 2012 và kế hoạch cho 2013 Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã phải đồng ý với Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn là, thay vì các đài, báo và toàn bộ bộ máy tuyên truyền "lề đảng" với 17.000 nhà báo, trên 800 báo, đài được chế độ trang bị cơ sở hiện đại, phương tiện ưu đãi và tài chánh rất đầy đủ lại không "định hướng được thông tin" theo hướng nhóm lãnh đạo mong muốn mà lại để cho một số blog điện tử độc lập ở trong và ngoài nước nắm chủ động, chiếm mất "trận địa":

“Chưa bao giờ chúng ta có một đội ngũ làm công tác tư tưởng đông đảo như bây giờ, phương tiện hiện đại nhanh nhạy như bây giờ, vậy mà mình lại để “trận địa” như thế. Phải làm sao? Hơn 800 cơ quan báo chí. Hàng ngàn ấn phẩm. 17 ngàn nhà báo. Một đội quân tuyên truyền miệng. Cả một hệ thống chính trị, dân vận. Nhưng xảy ra chuyện gì mình có nắm được cụ thể không; có định hướng được dư luận không; có tạo ra đồng thuận không? Hay bản thân mình cũng chập chờn, không biết thế nào lại đi hỏi, rồi bàn tán râm ran trong xã hội? (1) 

Người cầm đầu chế độ còn than thở tiếp về tình trạng phân hóa, mất đầu và vô phương hướng của cán bộ hoạt động trong công tác tư tưởng: “Những người làm công tác tư tưởng như người lái thuyền, tư tưởng có thông suốt thì thuyền mới qua sông, mỗi người chèo một hướng thì thuyền làm sao đi được”. (2) 

Lời kêu bi quan thảm thiết vào đầu năm của Nguyễn Phú Trọng không chỉ là sự trách móc, chỉ trích và nghi ngờ khả năng và lập trường giao động của những người làm trong bộ máy tuyên giáo tuyên truyền, dân vận của chế độ toàn trị, đứng đầu là Ủy viên Bộ chính trị Đinh Thế Huynh. Ở đây Nguyễn Phú Trọng cũng còn tự bộc bạch tâm trạng hết sức lo lắng và bi quan của chính mình về tương lai của chế độ toàn trị! 

Tâm trạng đầy bi quan và lo lắng được bộc lộ ra đúng vào dịp kỉ niệm hai năm ông Trọng làm TBT (1.2011-1.2013). Vì đâu ông Trọng đang đẩy chế độ toàn trị đến nông nỗi này? 

*** 

Lịch sử VN và thế giới phân biệt hai loại lãnh đạo, một đằng được coi là chính khách quốc gia, còn đằng kia chỉ coi như cầm đầu một đảng hay một nhóm chính trị. Một lãnh tụ được công nhận là chính khách quốc gia khi họ giải quyết thành công được các khó khăn đương thời về cả các mặt đối nội lẫn đối ngoại; khiến cho đất nước độc lập, hưng thịnh và nhân dân ấm no hạnh phúc. Một người lãnh đạo tồi thì chỉ biết thu vén riêng cho nhóm, cho đảng, mà quên đại cục, coi thường nhân dân. Họ không chỉ bất lực không giải quyết được các khó khăn đương thời mà còn làm cho nó trở nên bất trị hoặc tồi tệ hơn! 

Từ Đại hội 11 (11.1-19.1.2011) ông Trọng đã trở thành TBT, đứng đầu chế độ toàn trị. Ở địa vị này ông Trọng là người cầm cân nẩy mực trong mọi lãnh vực quan trọng, từ đề ra mục tiêu, định phương hướng, tới cách giải quyết các vấn đề hệ trọng nhất của đất nước và những bức xúc trong xã hội. VN hiện nay đang đứng trước ba vấn nạn lớn nhất là: 1. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa; 2. Sự bùng nổ các tệ trạng tham nhũng, chạy chức chạy quyền và kinh tế đang bên bờ vực thẳm; 3. Các quyền sống căn bản của nhân dân đang bị tước đoạt... Sau hai năm cầm quyền ông Trọng đã giải quyết các vấn nạn trên như thế nào? Ông đã cải thiện nó hay đang làm khó khăn hơn, tồi tệ hơn? Nhận định và đánh giá các giải pháp và kết quả của nó chúng ta có thể thẩm định được khả năng lãnh đạo cũng như tư cách của Nguyễn Phú Trọng như thế nào, đồng thời có thể tiên liệu tương lai...

Qua các hoạt động trong hai năm làm TBT ông Trọng đã để lại hai cái mốc lớn để có thể nhận định về tư duy, lập trường, năng lực, tác phong và uy tín của người đứng đầu chế độ xét về mặt đối ngoại, đối nội và nội bộ nhóm cầm đầu chế độ toàn trị. Hai cái mốc đó là chuyến thăm Trung quốc tháng 10. 2011 và đúng một năm sau là Hội nghị Trung ương 6 (10.2012). 

Để tiện theo dõi, bài tổng kết hai năm hoạt động trong tư cách TBT của Nguyễn Phú Trọng được chia làm ba phần: đối ngoại, nội bộ đảng cầm quyền và thái độ cư xử với nhân dân. 

I. Đối ngoại: Lẫn lộn giữa bạn và thù 

Trong chính sách đối ngoại, một nhà lãnh đạo có tầm vóc quốc gia phải có tầm nhìn xa và rộng, hiểu rõ được bối cảnh thế giới đương thời, hướng tiến tới của lịch sử nhân loại, biết nhận diện kẻ thù, biết kết bạn đồng minh chiến lược, phân biệt rõ bạn và thù. Nghĩa là phải biết nhìn cân nhắc về chính nước mình, hiểu rõ tương quan lực lượng giữa những chủ lực quốc tế của thời đại. Chỉ khi đó mới có thể bảo vệ tối đa và hữu hiệu được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tài nguyên quốc gia, làm cho thù nể, bạn hữu trọng, không nhất thiết phải dùng tới chiến tranh. 

Ngược lại, người cầm đầu một chế độ thiếu tầm nhìn thì thường lẫn lộn giữa bạn và thù, lấy thù làm bạn và coi bạn là thù, ôm ấp những mộng tưởng không có thực. Nguy hiểm hơn nữa là lấy mộng làm thực, đề ra mục tiêu, kế hoạch và tập trung sức lực của nhân dân và tài nguyên đất nước vào những việc không tưởng. Những lãnh tụ như vậy chỉ được lịch sử coi là người cầm đầu một tổ chức chính trị chứ không được nhìn nhận là một chính khách có tầm vóc quốc gia. 

Mọi người Việt yêu nước, các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và các quốc gia dân chủ trên thế giới đều ý thức được rằng, nhóm cầm đầu Bắc kinh đang theo đuổi chính sách bành trướng, tăng cường quốc phòng để bảo vệ và mở rộng sức mạnh kinh tế, tôn thờ chủ nghĩa dân tộc quá khích để thực hiện "Giấc mơ vĩ đại nhất của Trung quốc". Chủ trương này đã được chính Tập Cận Bình, tân TBT và Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCS Trung quốc vừa mới tuyên bố công khai chỉ ít ngày sau khi nhậm chức: 

"Hiện nay, mọi người đều đang thảo luận giấc mơ Trung Quốc, tôi cho rằng, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ vĩ đại nhất của dân tộc Trung Hoa kể từ cận đại đến nay." (3) 

Nghĩa là họ Tập đang nuôi một giấc mơ tái lập đế quốc trở lại như thời vài thế kỉ trước, trong đó Bắc kinh là thiên triều, Trung quốc là trung tâm và các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á là các chư hầu! 

Hiện nay Bắc kinh đang tìm cách lấn chiếm các đảo của Nhật, Nam Hàn và Phi luật tân… Riêng với VN, sau khi chiếm được Hoàng sa và một phần Trường sa, nay Bắc kinh còn muốn chiếm trọn biển Đông, giết hại ngư dân và ngăn cản VN khai thác kinh tế trong khu vực thềm lục địa của VN. Các hành động xâm lấn ngang ngược trắng trợn này rõ như ban ngày này chắc chắn ông Trọng phải biết. 

Nhưng thật vô cùng lạ lùng, từ khi lên làm TBT Nguyễn Phú Trọng lại càng ngày càng theo đuổi chính sách thân thiện vô điều kiện với Bắc kinh! Ông Trọng không chỉ tuyên bố vô trách nhiệm "Tình hình biển Đống không có gì mới" khi làm Chủ tịch Quốc hội. Đến khi làm TBT Nguyễn Phú Trọng còn vận dụng bằng nhiều cách khác nhau và chấp nhận tối đa các yêu sách của Bắc kinh để được họ mời sang thăm. Từ tâm lí nhẹ dạ tự thỏa mãn như đứa trẻ được tặng cái kẹo, nên ông Trọng đã tự khen và hết lời ca ngợi lòng tốt của Hồ Cầm Đào đã cử "đặc phái viên" sang chúc mừng liền khi ông được cử làm TBT (11.2011): “Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như... Đảng Cộng sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội”! (4) 

Tới cử liên tiếp ba phái đoàn cấp cao là Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn làm "đặc phái viên của lãnh đạo VN" (6.11), Thứ trưởng Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (8.11) và Bí thư trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Thượng tướng Ngô Xuân Lịch (9.11), khi ấy còn là Trung tướng, làm tiền trạm chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh. Theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng, ông Sơn đã hứa với Bắc Kinh là "Hai bên nhấn mạnh cần phải kiên trì bất di bất dịch thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt không ngừng phát triển lên phía trước theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". (5) 

Trong khi đó, Nguyễn Chí Vịnh tin vào lòng dạ của Bắc Kinh: "Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam" (6) Còn Ngô Xuân Lịch thì hứa với Bắc Kinh "Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết." (7). Mặc dầu chính vào thời gian đó Bắc Kinh đã hai lần liên tiếp cho các tầu hải giám xâm phạm hải phận VN và cắt dây cáp các tầu của Tập đoàn dầu khí VN đang thăm dò đầu khí trên thềm lục địa VN. 

Một khi tin và hứa với Bắc Kinh như vậy thì dĩ nhiên họ phải nghe theo lệnh của Bắc Kinh cấm thanh niên, trí thức và văn nghệ sĩ VN biểu tình chống xâm lấn của Bắc Kinh. Cho nên tướng Vịnh đã thề với Bắc Kinh là "kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn."(8). Và tướng Lịch cũng vậy: "Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại, chia rẽ tình cảm đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc của các thế lực thù địch".(9) 

Nếu nhìn lại thời điểm trước khi Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh thì thấy rất rõ là, thái độ bề tôi quị lụy trước thiên triều, lập trường thỏa hiệp vô điều kiện của ba phái đoàn tiền trạm do Nguyễn Phú Trọng cử sang Bắc kinh trên đây đã chấp nhận toàn bộ yêu sách ba điểm của Thượng tướng Quách Bá Hùng, khi ấy là Ủy viên Bộ chính trị kiêm Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương ĐCS Trung Quốc, đưa ra vài tháng trước đó trong cuộc hội đàm với Phùng Quang Thanh và gặp Nguyễn Phú Trọng tại Hà nội vào tháng 4. 11: 

"Một là, tăng cường tiếp xúc chiến lược, nắm vững định hướng đúng đắn phát triển quan hệ Trung-Việt; hai là, coi trọng tuyên truyền hướng dẫn, tích cực tạo bầu không khí hữu nghị, đoàn kết, hợp tác Trung-Việt; ba là, làm phong phú nội dung giao lưu, nỗ lực nâng cao trình độ hợp tác thiết thực giữa quân đội hai nước." (10) 

Không những thế, cũng vào thời điểm đó Bắc Kinh còn bồi thêm một cú đấm đe dọa Hà nội. Ngày 21.6. 11 tờ Hoàn cầu Thời báo, một bộ phận của Trung ương Đảng CS Trung quốc, đã viết bài bình luận đe dọa dạy cho VN một "bài học thứ hai": 

"Thương thuyết với Việt Nam về một giải pháp hòa bình, hay trả lời sự khiêu khích bằng cách phản kích về chính trị, kinh tế, hay thậm chí cả quân sự. Chúng ta phải minh bạch về khả năng lựa chọn thứ hai, để Việt Nam phải tỉnh táo về vấn đề Biển Nam Trung Hoa." (11) 

Cho nên chỉ ít ngày sau Nguyễn Phú Trọng đã cử liên tiếp ba phái đoàn sang nhận chỉ thị của Bắc Kinh, như đã trình bày ở trên. Sau khi các yêu sách của Bắc Kinh được chấp thuận toàn bộ thì Đới Bỉnh Quốc, khi ấy là nhân vật cao nhất phụ trách ngoại giao Trung quốc, mới sang VN (9.11) xoa đầu và vuốt mặt Nguyễn Phú Trọng với câu nói "Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trong trái tim tôi" (12) và bật đèn xanh cho Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh. Chỉ ít ngày sau Nguyễn Phú Trọng mới được Hồ Cẩm Đào mời sang thăm Trung quốc. 

Chính vì thế kết quả chuyến đi đầu tiên trong tư cách TBT (11.-15.10.2011) là kí Hiệp định "Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa." (13) Trong đó chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh là chỉ thảo luận song phương với Bắc Kinh chứ không quốc tế hóa cuộc tranh chấp biển Đông! Nghĩa là ở đây ông Trọng, trong tư cách người đứng đầu chế độ, trước dư luận quốc tế chỉ nhìn nhận chính thức những gì mà ba phái đoàn tiền trạm của ông đã thỏa thuận với Bắc Kinh. Kết quả này đã đạt được ngay trong cuộc "hội đàm hẹp" giữa Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng chỉ vai giờ sau khi tới Bắc Kinh. Trong đó họ Hồ đã dùng cách nói với ông Trọng như thiên triều ra lệnh cho chư hầu: 

"Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ rõ, trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết, không nên áp dụng hành động làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp, xử lý những vấn đề xuất hiện bằng thái độ bình tĩnh và mang tính xây dựng, không để những vấn đề liên quan ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước Trung Quốc-Việt Nam cũng như hòa bình và ổn định của Nam Hải..." (14) 

Yêu sách trên của Hồ Cẩm Đào đã được Nguyễn Phú Trọng chấp nhận toàn bộ, việc này thể hiện rõ trong Thông báo chung ngày 15.10: 

"Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông." (15) 

Hãy kiểm điểm lại tình hình bang giao Việt-Trung 15 tháng sau chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng với tư cách TBT (10.11 - 1.13), những câu hỏi nghiêm khắc phải được đặt ra là: Căn cứ vào các thỏa thuận theo Điểm 5 của Thông báo chung trên đây thì tình hình biển Đông đang "ổn định""hòa bình", hay đang trở nên rất căng thẳng? Bên nào, Bắc Kinh hay Hà Nội, đang có những "hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng tranh chấp"? Ai đang phải giữ thái độ nhẫn nhục, kiềm chế và ai đang tỏ thái độ xâm lấn ngang ngược? Tư cách tự xem làm bề tôi của ông Trọng có được thiên triều Bắc Kinh nể nang đáp lại hay không? 

Từ tháng 5.2011 tới tháng 11.2012 Bắc Kinh đã ba lần cho các tầu hải giám và tầu đánh cá Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam và cắt dây cáp của các tầu thăm dò đầu khí của Tập đoàn Dầu khí VN. Cả ba lần này Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng tư lệnh quân đội, đã hoàn toàn im lặng. Trong khi đó Bắc Kinh lại công khai gọi thầu quốc tế để khai thác dầu khí trong các khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ còn thiết lập các cơ quan hành chánh của hai quần đảo này, xây phi trường quân sự và cho quân đồn trú tại đây. Mới đây Bắc Kinh còn cho đóng dấu hình "lưỡi bò" vào các hộ chiếu Trung Quốc để đòi quốc tế thừa nhận một thực tế như biển Đông là thuộc Trung Quốc. Cũng trong thời gian này nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục cho các tầu hải quân tấn công, giết hại ngư dân Việt Nam và tịch thu tầu thuyền đánh cá của họ gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời cho hàng ngàn tầu đánh cá Trung Quốc tràn xuống biển Đông. 

Không chỉ lấn chiếm công khai biển Đông, thời gian qua nhà cầm quyền Bắc Kinh còn thực hiện kế hoạch cướp sân sau của chế độ CSVN ở Kampuchia và Lào, tức là đe dọa trực tiếp phía lưng của VN. Lợi dụng Kampuchia làm chủ tịch Asean trong năm 2012 nên Bắc Kinh đã dùng tiền bạc và viện trợ mua chuộc chính quyền Hun-sen ngăn cản không cho thảo luận vấn đề biển Đông trong các hội nghị cấp cao và cấp ngoại trưởng, tạo ra mâu thuẫn và phân hóa trầm trọng giữa các nước thành viên Asean, khiến cho cả Thông báo chung của các hội nghị này đã không ra được, hoặc phải viết nhẹ nhàng trở nên vô ý nghĩa. Trước những sự kiện này dư luận quốc tế đã rất bàng hoàng xúc động, bất bình với Bắc Kinh và thất vọng với nhóm cầm đầu Hà nội. Chính mới đây Nguyễn Chí Vịnh cũng đã phải nhìn nhận những bất lợi rất lớn này. (16) 

Trong khi Bắc Kinh công khai lấn chiếm ngang ngược biển Đông và tìm cách cô lập VN với các nước khu vực và quốc tế thì chế độ toàn trị đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục coi Bắc Kinh là "BẠN". Việc này đã được chính Nguyễn Phú Trọng nói trước Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.2012, không lâu trước việc Bắc Kinh cho các tầu hải giám cắt dây cáp của Tập đoàn đầu khí VN ở ngay trên lãnh hải của VN. Trước trên 1000 cán bộ cao cấp từ quân đội, công an, chính phủ và các cơ quan trung ương và địa phương Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: "BẠN [tức nhóm lãnh đạo Bắc Kinh - ghi chú riêng của tác giả] thường nhấn mạnh, không để bị "Tây hóa, tha hóa, thoái hóa!" (17) 

Với tư cách TBT đứng đầu chế độ, tuyên bố trên đây ông Trọng không chỉ sai lầm nghiêm trọng về lập trường mà còn sai lầm nghiêm trọng cả về thái độ. Ông phát biểu công khai như thế trước trên một ngàn cán bộ cao cấp và được truyền đi rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Việc này tạo ra hoang mang lớn trong nội bộ ĐCSVN, trong quân đội và gây bất bình rất mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân. Vì ông Trọng đã đánh lạc hướng đấu tranh của nhân dân và tạo thờ ơ, tê liệt ý chí của các lực lượng an ninh quốc phòng. Không những thế, lập trường và thái độ sai lầm nghiêm trọng của ông Trọng còn đưa tới nghi ngờ và khinh thường của bạn bè quốc tế đối với VN, về ý chí và chủ tâm thực sự của nhóm cầm đầu CSVN trước cuộc xâm lấn công khai và trắng trợn của Bắc Kinh! 

Hiện nay Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường và thái độ cực kì sai lầm và nguy hiểm này, lẫn lộn giữa bạn và thù. Đầu tháng 1 vừa qua khi thăm đồn biên giới ở Lào Cai, trong tư cách là TBT và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Nguyễn Phú Trọng vẫn lập lại chủ trương "hữu nghị, hợp tác với tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em" với Bắc Kinh. (18), đồng thời lại vẫn không cho phép báo chí nêu đích danh Bắc Kinh đã gây tội ác trong cuộc chiến biên giới 1979. Thật vậy, mới đây một liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống phương Bắc vào cuối thập niên 70 của thế kỉ trước được đưa về chôn cất tại quê nhà, nhưng báo chí chế độ, từ tờ Cộng sản, Nhân dân, Quân đội nhân đân tới Công an nhân dân không dám nêu công khai viết là liệt sĩ này đã bị hi sinh trong cuộc chống chiến tranh xâm lược của chế độ Bắc Kinh. (19) Chỉ còn vài tuần nữa là dịp kỉ niệm 34 năm chiến tranh xâm lược của phương Bắc, nhưng tới lúc này các nghĩa trang của bộ đội và thường dân đã hi sinh hoặc bị giết trong cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc vẫn vắng bóng khói nhang và thăm viếng tưởng niệm như các năm trước đây. Trong khi ấy, cuối tháng 12 vừa qua Nguyễn Phú Trọng lại cho tổ chức lễ kỉ niệm cấp Nhà nước (tức cao nhất) dịp 40 năm "Điện biên phủ trên không", mời và tiếp trọng thể phái đoàn quân sự Trung Quốc sang và vẫn kết án Mĩ là "đế quốc"(20). Chủ trương sai lầm và bảo thủ, chọn thù làm bạn như vậy thì làm sao có thể gây được sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền Mĩ cũng như các đồng minh của Mĩ ở Á châu và trên thế giới! 

Trung Quốc hiện nay đã trở thành cường quốc thứ 2 về kinh tế, tài chánh và thương mại. Nhưng về các mặt chính trị, xã hội, dân tộc tự trị... thì Trung Quốc lại rất yếu và là những quả bom nổ chậm. Vì thế có thể ví Trung Quốc như anh khổng lồ chỉ đi bằng một chân. Cho nên chế độ toàn trị Bắc Kinh hoàn toàn không vững, không mạnh, phải nói là rất bất ổn. Việc này được chứng minh cụ thể là, trước và trong Đại hội 18 nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải bắt giam nhiều người chống đối, kiểm duyệt gắt gao Internet, gây khó khăn cho kí giả quốc tế theo dõi Đại hội. Nếu họ được lòng dân và ổn định thực sự như trong các xã hội dân chủ đa nguyên ở Mĩ và Âu châu thì không cần phải sử dụng những giải pháp kìm kẹp như vậy. Gần đây các vụ tham nhũng, giết người của gia đình cựu Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai và họ hàng của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đang làm rung động uy tín chế độ toàn trị. Chỉ ít tuần sau Đại hội 18 trên 70 trí thức và chuyên viên hàng đầu Trung Quốc ngày 25.12.12 đã gởi kiến nghị cho nhóm lãnh đạo mới vạch rõ tình hình rất nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc: 

“Nếu những cải cách hệ thống mà xã hội Trung Quốc đang đòi hỏi khẩn cấp tiếp tục bị ghìm nén và tình trạng tham nhũng và bất bình xã hội tích tụ lại đến mức độ nguy hiểm và bùng nổ thì lúc đó Trung Quốc sẽ một lần nữa để lỡ cơ hội cải cách hòa bình và sẽ chìm sâu trong hỗn loạn của một cuộc cách mạng bạo lực,”. Và còn cảnh báo: "Nếu không cải cách thì sẽ không có Đại hội Đảng lần thứ 19". (21) 

Xuyên qua Đại hội 18 thì mọi người đã thấy, trong hội trường các bức hình của Marx, Lenin và Mao đã không còn được trương. Trong khi ấy tư tưởng đưa Trung Quốc mau chóng trở thành cường quốc của Đặng Tiểu Bình lại được đề cao. Tập Cận Bình, TBT mới và Chủ tịch Quân ủy trung ương, còn công khai đi xa hơn khi tuyên bố sẽ thực hiện "Giấc mơ vĩ đại nhất của Trung Quốc" dưới thời ông, như nói trên. Đầu năm nay Bắc Kinh còn đưa tin, quân đội Trung Quốc được lệnh chuẩn bị cuộc chiến trong năm 2013. (22) 

Tóm lại, tất cả những sự kiện trên đây là những sự thực mà Nguyễn Phú Trọng không thể phủ nhận được. Nó chứng minh rằng, nhóm cầm đầu Bắc Kinh đang thực hiện từng bước sách lược xâm lấn được đằng chân lân đằng đầu đối với các nước trong khu vực, nguy hiểm nhất là đối với VN. Bắc Kinh đang dùng sức mạnh kinh tế, thương mại để chèn ép. Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của VN và mức nhập siêu của VN với Trung Quốc trong năm qua đã lên tới khoảng 12 tỉ USD. Đặc biệt nguy hiểm là họ mua chuộc và lũng đoạn những người có quyền lực nhất trong ĐCSVN. Bắc Kinh còn phân hóa, mua chuộc các bạn hữu của VN trong khu vực và cô lập VN với quốc tế. Bên cạnh việc sử dụng sức mạnh "mềm" này Bắc Kinh còn đang phô trương sức mạnh "cứng" để giương oai diễn võ quân sự nhằm thôn tính biển Đông của VN và các nước trong khu vực. 

*** 

Bắc Kinh đã triển khai thành công chính sách nham hiểm này đối với VN đặc biệt trong hai năm qua dưới thời Nguyễn Phú Trọng làm TBT. Sở dĩ như vậy là vì trong quan hệ với Bắc Kinh ông Trọng đã chọn tư thế bầy tôi của một chư hầu đối với thiên triều như trong các thế kỉ trước. Tuy vậy, nhóm cầm đầu Bắc kinh vẫn chẳng coi ông Trọng ra gì. Cụ thể như mới đây Tập Cận Bình không thèm tiếp "đặc phái viên" của ông Trọng cử sang để chúc mừng họ Tập vừa nắm chức TBT.(23) Trong khi ấy ông Trọng vẫn phải trịnh trọng tiếp "đặc phái viên" của Tập Cận Bình sang thông báo kết quả Đại hội 18. (24) Những sự kiện này đã chứng tỏ ông Trọng đã lẫn lộn giữa bạn và thù, Bắc Kinh đang lấn chiếm và thôn tính VN, nhưng lại được coi là "bạn". Không những thế, ông Trọng còn giữ thái độ và tư duy lạc hậu vẫn xếp VN phải thần phục phương Bắc như các thế kỉ trước. Lập trường này cho thấy, Nguyễn Phú Trọng đã đặt ưu tiên cho sự tồn vong của ĐCSVN và những người cầm đầu đảng này (như một số triều đình VN nhu nhược trước đây) cao hơn sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của VN! 

Chính những sai lầm cực kì nghiêm trọng của Nguyễn Phú Trọng suốt trong hai năm làm TBT đã khiến cho nhóm cầm đầu Bắc Kinh đã có thể thực hiện sách lược được đằng chân lân đằng đầu, tiếp tục công khai lấn chiếm biển đảo của VN, giết hại ngư dân VN, đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chia rẽ VN với các nước trong khu vực và cô lập VN với cộng đồng quốc tế! 

Những sự kiện dẫn chứng trên đây qua hai năm hoạt động trong vai trò TBT, là người đứng đầu Đảng và chế độ toàn trị, Nguyễn Phú Trọng đã tự chứng minh trước nhân dân VN và thế giới là: Chính vì ông đã tin tưởng mù quáng, nên đã chọn thái độ quị lụy và lập trường đầu hàng, thỏa hiệp lười biếng với Bắc Kinh! Chính vì thế, Nguyễn Phú Trọng trở thành người tiên phong phất cờ và mở đường cho Bắc Kinh lấn chiếm biển Đông, bòn rút tài nguyên, giết hại ngư dân VN và đang gây ra mối họa trước mắt cho độc lập và chủ quyền của VN cũng như danh dự của tổ quốc! 

(Xin theo dõi phần II: Nội bộ phe cầm quyền: Chủ quan khinh địch nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn giữ ghế Thủ tướng)

19.1.2013 

gửi Danlambao



___________________________________

Ghi Chú:

(1) Lao động 10.1.13
(2) Công an nhân dân 10.1.13(3) Đài Bắc kinh (BK) 30.11.12
(4) Cùng tác giả, "Tháng 6. 2011 là cái mốc lịch sử: Đảng đang chống lại nhân dân!" http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/adt306.htm
(5) Bản Thông tin chung Trung quốc-VN ngày 25.6.11 http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/adt306.htm
(6) Thông tấn xã VN (TTXVN) 30.8.2011
(7) Quân đội nhân dân 16.9.2011
(8) TTXVN 30.8.2011
(9) TTXVN 17.9.2011
(10) Đài BK 13.4.2011
(11) Như (4)
(12) Chính phủ 7.9.11
(13) Về chuyến đi Bắc kinh của ông Trọng xem bài của cùng tác giả "Những hệ lụy nguy hiểm cho VNsau chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng!" http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/nptdibackinh.htm
(14) Đài BK 11.10.2011
(15) Thông báo chung 15.10.2011
(16) Phỏng vấn của báo Tuổi trẻ 1.1.13.
(17) Nguyễn Phú Trọng diễn văn tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.12
(18) Quân đội nhân dân 6.1.13
(19) Tuổi trẻ 6.1.13; BBC 7.1.13
(20) Cộng sản 29.12.2012
(21) BBC 17.1.2013
(22) RFI và BBC 15.1.13
(23) Đài Bắc kinh 18.11.2012
(24) Đài Bắc kinh 2.12; Cộng sản 2.12.2012


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo