Nền hành chính Việt Nam: Đầu voi - đuôi chuột - Dân Làm Báo

Nền hành chính Việt Nam: Đầu voi - đuôi chuột

J.B Nguyễn Huy (Danlambao) - Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp tục cống hiến cho nhân dân những phát ngôn hùng hồn, hoành tráng về sự tận tụy hết mình của đội ngũ khoảng 2,3 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đang thực thi nghĩa vụ hành pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, tính đến ngày 31/12/2012, số lượng cán bộ công chức được tuyển dụng là 525.481 người và đội ngũ viên chức khoảng 1,7 triệu người.

Nguyễn Thanh Bình (Nguồn Internet)
Sau khi một số vị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn một số vấn đề liên quan tới cán bộ, công chức viên chức trong thời gian qua, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%. Tới đây sẽ có tổng kết rõ hơn”.

Nếu tính theo như lời Ông Bộ trưởng Bình nói thì cả nước Việt Nam chỉ có 23.000 cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Việt Nam hiện tại có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, như vậy chia bình quân mỗi tỉnh chỉ có 365 người không hoàn thành nhiệm vụ?

Đã từ lâu, trong bộ máy Việt Nam, từ đảng đến chính quyền các bộ, ngành, cơ quan từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố lên đến Trung ương đã hình thành bộ máy văn phòng, cơ quan nghiên cứu, tổng hợp, cơ quan, phòng, ban chuyên trách rất đầy đủ, hầu như không thiếu một góc nào. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia... Cứ theo bài ấy, nhiều năm, nhiều cơ quan, nhiều ngành chỉ có tăng biên chế, ít khi và khó mà giảm được. Từ đó, sinh ra mộ bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế nhà nước trong mảng hành chính sự vụ này ngày càng đông. 

Nhìn vào tình hình, ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ, công chức, viên chức hiện nay để so sánh với con số 1% mà vị Bộ trưởng đầu ngành về quản lý nhân sự trong bộ máy hành chính Việt Nam khẳng định thì ai cũng thừa hiểu con số đó lố bịch tới mức nào.

Một bộ máy với nhiều lỗ hổng trong cách quản lý, nhiều vết rạn trong hoạt động, nhiều bất cập trong quy trình thi cử đầu vào, nhiều máy chém trong cách phục vụ nhân dân như vậy mà con số đưa ra của Bộ trưởng Bình thật nhẹ nhàng và êm dịu: 1%.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông nhà đảng Cộng sản Việt Nam rầm beng, tán thưởng tinh thần của Nghị quyết Trung Ương 4 của đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) - Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay, ấy vậy mà kết quả của nó ở đâu?

Sau hơn một năm triển khai, chắc kết quả đầu tiên được công luận biết tới sau Nghị quyết Trung Ương 4 là con số 1% của Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thanh Bình.

Sẽ có nhiều hướng suy nghĩ sau con số này, nhiều người có thể trầm trồ ngợi ca sự trong sạch của các đảng viên đảng Cộng sản vẫn được giữ từ các thế hệ tiền bối (chiến tranh thì chẳng có gì để tham), và cũng có nhiều người sẽ đặt một dấu hỏi lớn trong suy nghĩ!?

Người dân quê Miền Trung có một câu rất quen thuộc về công chức như sau: “sống dựa, ăn theo, nói leo, mách lẻo, tìm cách trèo, báo cáo lươn lẹo”. Có nên nói Ông Nguyễn Thanh Bình - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như vậy?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo