Nguyễn Tuyên (Danlambao) - Bắt đầu có đá từ ‘quần chúng’ ở phía công an được ném vào giáo dân. Rồi có đá ném về phía công an từ một nhóm ‘người lạ’, đứng bên phía giáo dân. Một số giáo dân cũng ném đá theo họ. Khi được hỏi các anh chị lấy đá đâu mà ném, thì bà con Mỹ Yên nói họ không có mang theo đá, nên chỉ lấy đá bên đường. Sau đó, có nhiều đá do nhóm ‘người lạ’ mang đến... Liệu ném đá như vậy có làm chấn thương công an không?: không ảnh hưởng gì cả, vì họ trang bị áo chống đạn và mũ bảo vệ...
*
Tôi không mấy khi xem báo đài Nhà nước. Dịp này họ nói về Mỹ Yên nhiều quá, làm tôi quan tâm theo dõi. Tôi có thói quen đọc báo ngược, có nghĩa là hiểu ngược lại điều báo nói. Và cách hiểu ngược này - trớ trêu thay - lại chính xác hơn.
Là một người thực tế, tôi âm thầm đến thăm Mỹ Yên, để lắng nghe những người chứng kiến vụ việc kể lại. Họ là những người dân không có tiếng nói. Tôi ghi lại những lời họ kể về ngày đau thương 4/9/2013 như sau.
Buổi chiều hôm đó, khoảng 30 người nhà của hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải - hai nạn nhân bị giới cầm quyền bắt cóc - đến trụ sở UBND xã Nghi Phương để nhận lại hai người thân, theo giấy cam kết của Chủ tịch xã. Phần lớn họ là phụ nữ, đi với hai bàn tay không. Họ không mang hung khí gì cả.
Tại sân trụ sở xã lúc đó đã có mấy trăm công an, cảnh sát, dân phòng, chó nghiệp vụ. Các loại vũ khí được trang bị như một cuộc chiến. Cảnh sát áo chống đạn, đội mũ bảo hiểm, có khiên che thuẫn đỡ.
Trên đồi phía sau làng, có một đội quân án ngữ.
Ai ném đá?
Người nhà của hai nạn nhân tiến vào trụ sở thì bị cảnh sát chặn đường. Rồi có cãi nhau và xô xát. Người dân kéo đến càng lúc càng đông.
Bắt đầu có đá từ ‘quần chúng’ ở phía công an được ném vào giáo dân. Rồi có đá ném về phía công an từ một nhóm ‘người lạ’, đứng bên phía giáo dân.
Một số giáo dân cũng ném đá theo họ.
Khi được hỏi các anh chị lấy đá đâu mà ném, thì bà con Mỹ Yên nói họ không có mang theo đá, nên chỉ lấy đá bên đường. Sau đó, có nhiều đá do nhóm ‘người lạ’ mang đến.
Được hỏi liệu ném đá như vậy có làm chấn thương công an không, thì có mấy người trả lời không ảnh hưởng gì cả, vì họ trang bị áo chống đạn và mũ bảo vệ.
Ai đánh dân?
Hiện trường lúc ấy rất hổn độn và căng thẳng. Hơi cay đã được sử dụng.
Bỗng có mấy tiếng nổ lớn. Giáo dân chạy tán loạn. Cảnh sát và chó đuổi theo. Cảnh sát dùng dùi cui và roi điện thẳng tay đánh đập giáo dân.
Những người bị đánh máu chảy đầy mặt, và bị bắt lên xe. Có người liệt, không đi được, bị kéo lê trên đường như kéo khúc gỗ!
Nhiều người chạy vào nhà dân ven đường. Cảnh sát phá cửa xông vào đánh túi bụi. Có mấy tay cảnh sát chạy đến sau, không còn dân nữa, liền đập phá các xe máy giáo dân dựng bên đường.
Tổng cộng có khoảng 150 người bị đánh, trong đó có hơn 30 người bị thương nặng. Nạn nhân bị đánh vào đầu, vào mặt, vào bụng. Có người bị bể mủi, có người bị hư mắt, có người bị chấn thương sọ não. Chị Trần Thị Thủy đang mang thai cũng bị đánh.
Hai tượng thánh bị đập vỡ tại nhà anh Nguyễn Văn Văn.
Những nhóm ‘người lạ’
Theo lời kể của những người giáo dân đến sau, ở xa hàng rào cảnh sát. Họ thấy có những nhóm ‘người lạ’ không rõ từ đâu tới. Đó không phải là giáo dân Mỹ Yên.
Có nhiều ‘người lạ’ đứng thành từng nhóm riêng, ở bên phía giáo dân, nhưng không lẫn lộn với giáo dân. Họ ném đá trước. Nhưng cảnh sát không đánh họ.
Lại có những thanh niên lực lưỡng, mặc áo phông bó sát người, đứng lẫn lộn phía sau giáo dân. Họ xô giáo dân về phía trước. Họ là những kẻ chỉ điểm. Họ chỉ ai thì cảnh sát đánh người đó.
Trong các hình ảnh trên truyền hình và báo chí, có cả giáo dân và ‘người lạ’ ném đá.
Nạn nhân bị đánh hầu hết là giáo dân Mỹ Yên. Chỉ có vài người đi đường ở trong số họ.
Sợ máy ảnh
Có một người đang chụp hình, thì có một ‘người lạ’ chỉ tay về người chụp hình. Lập tức, người chụp hình bị đánh tới tấp. Cái máy hình bị đập vỡ. Người đó gục xuống, gượng dậy không nổi. Người đó nhờ mấy người bên cạnh đỡ dậy, nhưng họ lắc đầu đi qua.
Nhiều người không dám chụp hình, vì sợ bị đánh. Khá nhiều điện thoại của giáo dân bị tịch thu; cho đến bây giờ vẫn chưa trả lại. Có vài máy ảnh được trả lại, nhưng bị xóa hết hình.
Những con người hùng hổ nhưng lại sợ cái là máy ảnh!
Đó là sự thật trần trụi, trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân địa phương. Họ là những con người đơn sơ, chất phác và chân thật.
Nếu bạn muốn biết sự thật thì hãy đến hỏi họ.