Nho Giáo và văn minh phương Đông cùng âm mưu Hán hóa - Dân Làm Báo

Nho Giáo và văn minh phương Đông cùng âm mưu Hán hóa

Trần Việt Bắc (Danlambao) - Đã có rất nhiều sách vở và tài liệu viết về Khổng Tử và Nho giáo, tuy nhiên trong thời điểm mà Trung Quốc đang bành trướng thế lực trên toàn thế giới, người viết - một người Việt xa xứ  - cũng muốn nêu lên nhận xét riêng của mình về Nho giáo và Khổng Tử, dù biết đây chỉ là "tiếng kêu trong sa mạc". Đây là một đề tài khá lớn, liên quan đến nhiều vấn đề như tôn giáo, tư tưởng, xã hội, văn hóa, chính trị, v.v..., vì thế người viết chỉ dám góp nhặt những tài liệu và tạm thời lạm bàn sơ lược trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình.

Mới đây Trung Quốc đã thiết lập nhiều viện Khổng học trên thế giới để quảng bá về ngôn ngữ, văn hóa của Hán tộc. Tính tới tháng 7 năm 2010 đã có 316 viện Khổng học trên 94 quốc gia (nguồn: Wikipedia). Sự kiện này có mục đích gì? Âm mưu Hán Hóa toàn cầu?

Khổng Tử người khởi xướng Nho Giáo đã được người Trung Hoa xưng tụng là "Vạn thế sư biểu" (ông thầy của vạn đời) và là "Thánh nhân". Vậy xin thử phân tích để xem Khổng Tử có đúng như thế không?  Học thuyết của ông ảnh hưởng như thế nào tới ngày nay? Có phải học thuyết này là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội?  

Như chúng ta đã biết, kể từ thời nhà Tiền Hán, về chính trị và xã  hội, Nho giáo với học thuyết của Khổng Tử đã coi như là nền tảng của văn hoá Trung Hoa. Sau đó qua các thời Đường, Tống, Nguyên , Minh, Thanh, Nho giáo đã bị biến thái dần thành Đường Nho, Tống Nho, Minh Nho, v.v…Học thuyết của Khổng Tử đã bị thay đổi khá nhiều.Việt Nam đã bị ảnh hưởng một cách đặc biệt bởi Tống Nho từ khi có nền độc lập. Cả hai quốc gia Trung Hoa và Việt Nam đã đi sau nền văn minh Tây phương một bước khá xa , lịch sử trong hai ba thế kỷ trước đây đã minh chứng điều này. Trung Hoa thì bị lục cường xâu xé, rồi lại bị Nhật chiếm đóng, Việt Nam thì bị mất vào tay người Pháp. Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi Nho Giáo, nhưng đã nhận ra những gì không hợp và đã sớm canh tân để đuổi kịp nền văn minh của phương tây; nên đã trở thành một quốc gia hùng cường từ thời vua Minh Trị.

Câu hỏi được đặt ra: Có phải Nho giáo và Khổng học là nguyên nhân cản trở sự tiến bộ và văn minh của phương đông?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết xin có nhận xét qua về  thời Khổng Tử sống (551 - 479 TCN):

Thời Xuân Thu của Trung Hoa (khoảng 770 - 476 TCN).

Tên này có nguồn từ sách Xuân Thu của Khổng Tử, trước giai đoạn này có khoảng 170 nước lớn nhỏ, nước lớn xâm chiếm các nước nhỏ hơn. Những nước này là nước chư hầu và phải nghe mệnh lệnh của nhà Tây Chu, kinh đô ở Tràng An tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Nhà Tây Chu bị các bộ lạc phía tây uy hiếp nên dời kinh đô về phía đông là Lạc Dương, từ đây gọi là nhà Đông Chu, khởi đầu thời Xuân Thu, thế lực nhà Chu lúc này rất yếu và cần các chư hầu bảo vệ.  Sau đó các quí tộc nổi lên dành ngôi bá chủ để sai khiến các nước chư hầu nhỏ hơn. Chiến tranh xảy ra liên miên.  Khởi đầu là Trịnh Trang Công (743 - 701 TCN) nước Trịnh, rồi:
Tề Hoàn Công (685 - 643 TCN) nước Tề,
Tống Tương Công (650 - 637 TCN) nước Tống,
Tấn Văn Công (636 - 628 TCN) nước Tấn,
Tần Mục Công (659 - 621 TCN) nước Tần,
Sở Trang Vương (613- 591 TCN) nước Sở,
Ngô  vương Phù Sai (Cơ Phù Sai 495 - 473 TCN) nước Ngô,
Việt vương Câu Tiễn (496 - 465 TCN) nước Việt.

Thời Chiến Quốc (475 - 211 TCN)

Cuối thời Xuân Thu, các nước lớn thôn tính các nước nhỏ hơn, lập thành 7 nước là Yên, Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu và Yên. Chiến tranh xảy ra liên miên giữa các nước này- thời Chiến Quốc. Giai đoạn chót, nước Tần mạnh nhất, thôn tính 6 nước khác lập thành một nước Trung Hoa thống nhất với hoàng đế đầu tiên là Tần Thủy Hoàng.

Bách Gia chư tử (770 - 220 TCN)

Trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc, biên giới các nước không rõ rệt, binh lực đồn trú trong các thành trì để tránh bị tấn công bất ngờ, nhưng dân chúng từ nước này qua các nước khác khá dễ dàng. Những người du thuyết đi từ nước này qua nước khác để mong được trọng dụng, các tư tưởng gia và các môn đồ bôn ba các nước để truyền bá học thuyết của mình. Đây là thời mà "trăm nhà tranh tiếng", nhiều trường phái tư tưởng nở rộ, những học thuyết từ thời kỳ này đã ảnh hưởng nước Trung Hoa tới ngày nay. Có những trường phái nổi bật như:

- Khổng Tử và  Mạnh Tử với tư tưởng "Khổng Giáo" hay "Nho Giáo",  đề cao chữ "nhân", “ngũ thường", "đạo tại tâm", thuyết "chính danh", "trung dung", v.v...

- Hàn Phi Tử với tư tưởng "Pháp gia", dùng luật pháp để cai trị và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật

- Lão Tử và Trang Tử với tư tưởng "Đạo Giáo": sách "Đạo Đức kinh" và học thuyết "vô vi".

- Mặc Tử với tư tưởng "Mặc Học" và học thuyết "kiêm ái phi công": mọi người đều bình đẳng và phải thương yêu nhau, không chiến tranh, cũng như không làm thì không thể sung túc no đủ, v.v...

- Tuân Tử với tư tưởng về "trí thức và kinh nghiệm", "đạo ngoại tâm" và "nhân chi sơ tính bản ác"   

Khi Trung Hoa thống nhất (221TCN), Tần Thủy Hoàng đã áp dụng tư tưởng “Pháp Gia” một cách triệt để, những học thuyết khác bị ông hoàng đế này gạt sang một bên, Khổng Giáo đang được phổ biến bị ngăn cấm với việc đốt sách và chôn sống học trò, các tư tưởng ngược với đường lối cai trị đều bị triệt để cấm đoán. Khi nhà Tần sụp đổ, nhà Hán dựng nghiệp thì tư tưởng của Khổng Giáo, sau khi đã được biến dạng thành Hán Nho,  hợp với đường lối cai trị nên được các hoàng đế Trung Hoa cổ võ, Nho Giáo được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Bằng cách lèo lái bởi những kẻ cầm quyền, Nho Giáo đã là tư tưởng được truyền bá và ảnh hưởng đến ngày nay, trong khi các tư tưởng và học thuyết khác bị mai một vì không phù hợp với quan điểm của sự tập trung quyền lực.

A-Tiểu sử Khổng Tử

 (Tóm tắt theo chương “Khổng Tử Thế Gia” trong sách Sử Ký (SK) của Tư Mã Thiên)  

Khổng Tử sinh ở nước Lỗ, năm 552 TCN (trong thời Xuân Thu), tên là Khâu, tên tự là Trọng Ni. Tổ tiên trước kia là người nước Tống. Cha của ông là Thúc Lương Ngột,   “Lương Ngột khi đã quá tuổi, lấy Nhan Thị, hai người cầu tự ở núi Ni Khâu sinh Khổng Tử. Khi còn nhỏ, Khổng Tử thích chơi trò bày các khay để cúng và chơi trò tế lễ”   (SK).

 “Khổng Tử nghèo hèn, đến khi lớn lên làm lại cho họ Quý. Việc tính toán đo lường đứng đắn, nên được làm chức coi súc vật. Súc vật đông đúc sinh đẻ nhiều, nên được làm tư không. Được ít lâu, Khổng Tử rời khỏi nước Lỗ, bị ruồng bỏ ở nước Tề, bị đuổi ở nước Tống và nước Vệ, bị nguy khốn ở giữa miền nước Trần và nước Thái, cuối cùng lại trở về nước Lỗ.”   (SK)

Khổng Tử trở về nước Lỗ khi đã 68 tuổi, tiếp tục dạy học và soạn kinh sách cho học thuyết của mình . Ông mất  năm 479 TCN, thọ 73 tuổi.

Theo như truyền tụng, Khổng Tử soạn các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu. Sách Luận Ngữ là một kinh điển quan trọng của Nho học ghi lại các lời dạy của Khổng Tử , do học trò của ông chép lại.

Cuộc hành trình của Khổng Tử qua các nước thời Xuân Thu
(Ghi lại theo sách“Sử Ký, Khổng Tử Thế Gia” ):  

Đến nước Chu: “Khổng Tử đến đất Chu hỏi về lễ. Khổng Tử yết kiến Lão Tử ở đấy.” 

Về lại nước Lỗ: “Khi Khổng Tử ở Chu về nuớc Lỗ, học trò càng nhiều.” 

Sang nước Tề: “Sau đó ít lâu nước Lỗ có loạn, Khổng Tử đến nước Tề làm tôi ở nhà họ Cao Chiêu tử để được yết kiến Tề Cảnh Công... Các quan đại phu nước Tề muốn giết Khổng Tử.... Khổng Tử bèn ra đi, trở về nước Lỗ. Bấy giờ Khổng Tử bốn mươi hai tuổi.” 

Về lại nước Lỗ: “Lỗ Định công cho Khổng Tử làm quan cai trị thành Trung Đô. Được một năm, cả bốn phuơng đều noi theo xem là mẫu mực. Từ chức quan cai trị thành Trung Đô, Khổng Tử được thăng làm tư không, rồi được làm đại tư khấu... Khổng Tử 56 tuổi, rời chức tư khấu, quyền giữ chức tướng quốc... Quý Hoàn Tử nhận nữ nhạc của Tề, ba ngày không nghe việc chính sự... Khổng Tử bèn ra đi.” 

Sang nước Vệ: “Khổng Tử bèn đến nước Vệ ở trọ tại nhà Nhan Trọc Trâu, anh vợ của Tử Lộ... Khổng Tử ở đấy mười tháng, đoạn rời khỏi đất Vệ, định đi qua đất Khuông, để đến nước Trần...”

Đến nước Trần: “Khổng Tử đi qua đất Bồ...” 

Về lại nước Vệ: “Sau hơn một tháng lại trở về nước Vệ, ở trọ tại nhà Cừ Bá Ngọc.” 

Sang nước Tào: “Rời khỏi nước Vệ, đi qua nước Tào.” 

Sang nước Tống: “Khổng Tử rời khỏi nước Tào đến nước Tống, Quan tư mã của nước Tống tên là Hoàn Khôi muốn giết Khổng Tử.” 

Đến nước Trịnh: “Khổng Tử đến nước Trịnh, thầy trò lạc nhau.” 

Đến nước Trần: “Khổng Tử bèn đến nước Trần , ở trọ tại nhà viên quan giữ thành là Trịnh Tử hơn một năm... Khổng Tử ở Trần ba năm. Lúc bấy giờ, các nước Tần và Sở tranh cường với nhau và lần lượt đánh bại Trần; nước Ngô cũng đánh Trần. Trần luôn luôn bị đánh phá. Khổng Tử bèn rời khỏi đất Trần, đi qua đất Bồ.” 

Sang nước Vệ: “Khổng Tử liền đến đất Vệ... Vệ Linh Công già, lười biếng việc chính sự, không dùng Khổng Tử.” 

Đến nước Thái: “Năm sau, Khổng Tử từ đất Trần đến đất Thái... Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp... Khổng Tử rời bỏ đất Diệp trở về đất Thái... Khổng Tử dời đến ở đất Thái ba năm.” 

Đến đất Diệp: “Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp.” 

Đến nước Thái: “Khổng Tử rời bỏ đất Diệp trở về đất Thái... Khổng Tử dời đến ở đất Thái ba năm.” 

Đến nước Sở: “Các quan đại phu đất Trần và đất Thái bàn nhau: ...Nếu ông ta được dùng ở nước Sở thì các quan đại phu đang được dùng ở đất Trần đất Thái sẽ nguy mất... Họ bèn bàn nhau cho bọn đày tớ vây Khổng tử ở ngoài đồng, không cho đi. Khổng Tử hết lương ăn, những người đi theo đều ốm không ai dậy được,... Khổng Tử sai Tử Cống sang Sở. Sở Chiêu Vương đem binh đón Khổng Tử, kết quả Khổng Tử mới được thoát.” 

Sang nước Vệ: “Khổng Tử bèn rời nước Sở trở về nước Vệ. Năm ấy, Khổng Tử sáu mươi ba tuổi.” 

Về lại nước Lỗ: “Khổng Tử trở về nước Lỗ. Khổng Tử đi đã 14 năm, bây giờ mới trở về nước Lỗ... nước Lỗ chung quy vẫn không dùng Khổng Tử. Khổng Tử cũng không xin làm quan.”

Khổng Tử và các học trò của ông du hành qua rất nhiều nước thời Xuân Thu , để truyền bá Nho học, mà các học trò của ông gọi là cái “Đạo” - Đạo của Nho Gia hay Nho Giáo.

Có lẽ vì Khổng Tử  đi quá nhiều nơi đông dân cư để rao giảng học thuyết của ông, nên Nho học đã được phổ biến rộng rãi hơn hẳn những trường phái khác.

 Ghi chú:  địa danh trên bản đồ với phiên âm tiếng Việt
Lỗ (Lu), Vệ (Wei), Tống (Song), Thái (Cai), Sở (Chu), Tào (Cao), Yên (Yan), Tề (Qi), Tần (Qin), Tấn (Jin), Ngô (Wu), Việt (Yue), Trần (Chen), Trịnh (Zheng)

Chiết Giang (Zhejiang), Hồ Bắc (Hubei), Hà Nam (Henan), Hà Bắc (Hebei), An Huy (Anhui), Giang Tô (Jiangsu), Sơn Đông (Shandong), Sơn Tây (Shanxi), Liêu Ninh (Liaoning), Cát Lâm (Jilin), Hắc Long Giang (Heilongjiang), Nội Mông (Inner Mongolia).

B. Kinh sách và học thuyết của Nho học

Chúng ta hậu thế thường được nghe nói tới “Tam tòng, tứ đức”, “Tam cương, ngũ thường” cũng như   “Thi, thư, lễ, nhạc” khi được nghe nói về Nho Giáo. Ngoài ra còn những câu như   “Quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung ; phụ sử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”  v.v... Tuy nhiên, những gì thường nghe về “Nho” ngày nay đã bị biến đổi và thêm thắt, cũng như đã bị làm cho sai lạc so với triết thuyết nguyên thủy của Khổng Tử. Rồi từ  “Nho học”; khi được đa số quần chúng tin theo con đường (“đạo”) này, đã biến đổi thành “Nho Đạo” hay "Nho Giáo”, vì thế “Nho Học” hay “Nho Giáo” đều đã được dùng một cách hoán chuyển, mặc dù không có thần thánh nào được tôn thờ trong “Nho Giáo”.

Để có thể biết được những gì do chính Khổng Tử dạy, chúng ta nên tìm hiểu những tài liệu sớm nhất viết về ông và những học thuyết cũng như sách của ông được ông và học trò của ông ghi lại.

Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN) ghi lại trong Sử Ký (SK), “Khổng Tử Thế Gia  (KTTG)” như sau: 

 “Khổng Tử lấy  thi, thư, lễ, nhạc  dạy học trò. Số học trò đến ba ngàn người. Có 72 người thông thạo cả lục nghệ. Còn những người chỉ học một phần như Nhan Trọc Trâu thì rất nhiều. Khổng Tử dạy  bốn điềuvăn học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa;   bỏ bốn điều: không có định kiến trước, không nhất thiết phải theo một mặt, không cố chấp, không chỉ thiên về mình. Khổng Tử cẩn thận trong việc trai giới, chiến trận, ốm đau: ít nói về lợi, mệnh và nhân. Khi người ta chưa cảm thấy tức tối muốn biết, thì Khổng Tử chưa giảng, khi nêu một góc mà người ta chưa thấy cả ba góc thì Khổng Tử chưa dạy”.  

Học thuyết cũng như thân thế của Khổng Tử được ghi lại một phần trong “Khổng Tử Thế Gia” qua các câu nói của ông với các học trò. Những lời dạy bảo của ông cũng được ghi lại một cách đầy đủ hơn trong sách “Luận Ngữ”, sách này do các môn sinh biên soạn.

Viết về học thuyết của mình, Khổng Tử nói là ông chỉ thuật lại chứ không sáng tạo ra điều gì mới: “Thuật nhi bất tác... (trong sách Luận Ngữ)

Các kinh sách căn bản của Nho học  

Các kinh điển căn bản của Nho Giáo là   “Ngũ Kinh” : Thi, Thư, Lễ, Nhạc Kinh Dịch và Xuân Thu.

 “Trong thời Khổng Tử, nhà Chu đã suy, lễ nhạc bị bỏ, Kinh Thi, Kinh Thư thiếu sót. Khổng Tử theo dấu vết của lễ thời Tam đại, đề tựa Kinh Thư, kinh này chép sự việc tự thời Đường, Ngu cho đến thời Tần Mục Công (SK, KTTG).

Kinh Thi: là sách sưu tập các câu ca dao, hay thi ca cổ của dân chúng thời Xuân Thu gồm 305 thiên.

Ngày xưa Kinh thi có tất cả hơn ba ngàn thiên. Đến thời Khổng Tử, Khổng Tử bớt những thiên trùng điệp, lấy những thiên có thể có ích cho lễ, nghĩa. … Tất cả ba trăm linh năm thiên này đều được Khổng Tử đánh đàn và hát để làm cho nó hợp với điệu nhạc Thiều, Vũ, Nhã, Tụng. (SK, KTTG)

Kinh Thư: cũng gọi là “Thượng Thư”, sách ghi lại các câu nói của các vua chúa cũng như các quan lại thời nhà Thương (thế kỷ 14 đến 11 TCN) và nhà Tây Chu (Thế kỷ 11 TCN đến 770 TCN). Nguyên bản đã bị Tần Thủy Hoàng đốt, một phần đã tìm được thời Hán Vũ Đế.  

Kinh Lễ và Nhạc: cũng gọi là “Lễ Ký”, sách ghi lại các nghi lễ, tôn giáo, phong tục (quan, hôn, tang tế) từ thời Khổng Tử trở về trước. Ngoài ra kinh Lễ còn viết thêm về nhân nghĩa, đạo đức, cách cư xử. Tương truyền nguyên thủy là 130 thiên, một số lớn các thiên bị thất lạc, ngày nay còn 39 thiên. Kinh Nhạc bị Tần Thủy Hoàng tiêu hủy, ngày nay chỉ còn một thiên là “Nhạc Ký” trong kinh Lễ. Kinh Nhạc giúp cho lễ nghi thêm long trọng.  

Nhà Chu noi gương hai triều đại trước, lễ nghi nhà Chu rực rỡ làm sao! Ta theo nhà Chu”. Vì thế phần truyện trong Kinh Thư và Lễ ký là do Khổng Tử làm. (SK, KTTG)

Kinh Dịch: cũng gọi là sách “Chu Dịch”, là một bộ sách nói về nhân sinh quan và triết lý cổ thời. Được dùng như một phương tiện để bói toán. Theo truyền thuyết thì sách này do vua Phục Hy (một ông vua trong huyền thoại của Trung Hoa, khoảng 28 thế kỷ TCN) làm ra. Khổng Tử không liên quan đến bất cứ sáng tác nào của sách này, ông chỉ viết thêm chú giải cho các quẻ. “Quan trọng nhất vẫn là chú giải đầu tiên, tức Thập Dực, cũng gọi là Thập Truyện. Đại đa số các học giả Trung Hoa thời xưa cho Thập Dực là công trình của Khổng tử (Nguyễn Hiến Lê).

 “Khổng Tử thích Kinh dịch, thích các phần tự, thoán, hệ, tượng, thuyết quái, văn ngôn. Khổng Tử đọc Kinh dịch làm cho cái dây da để buộc các thẻ tre đứt ba lần. Khổng Tử nói: -Nếu cho ta thêm vài năm nữa thì ta sẽ hiểu Kinh dịch một cách toàn vẹn”. (SK, KTTG)

Kinh Xuân Thu: cũng gọi là Lân Kinh, đây là một quyển sử sớm nhất của Trung Hoa được ghi lại theo lối “biên niên” từ năm 722 TCN đến 481 TCN - thời Xuân Thu - do Khổng Tử biên soạn.

“Khổng Tử nói: - Không, không! Người quân tử lo rằng mình chết rồi mà cái tên của mình không được nhắc đến, nếu đạo của ta không được dùng thì ta biết lấy gì để làm đời sau thấy ta. Bèn dựa vào Sử ký làm ra Kinh Xuân thu, chép từ thời Lỗ Ai Công (năm 722 - 712 trước công nguyên), đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai công (năm 481 trước công nguyên), bao gồm 12 đời vua. Căn cứ vào chỗ vua Lỗ là họ với nhà Chu cho nên Khổng Tử đưa vào đấy những việc của thời Tam đại... Học trò học Xuân thu, Khổng Tử nói: - Đời sau biết Khâu là căn cứ vào Xuân thu, bắt tội Khâu cũng là căn cứ vào Xuân thu.” (SK, KTTG)

Ngoài “Ngũ Kinh” còn có   “Tứ Thư” là các sách Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung và Mạnh Tử.

Sách Luận Ngữ: là sách do các môn sinh của Khổng Tử ghi lại lời dạy của ông, cũng như những lời bàn luận với người cùng thời. Đây là quyển sách chủ yếu của Nho gia. Nội dung của sách này đề cập đến các vấn đề triết học, tôn giáo, chính trị, cách xử thế. Sách này nói về nhân sinh quan của Khổng Tử cũng như về sự phân loại con người ai là “Thánh Nhân”, “Quân Tử” và “Tiểu Nhân”.

Sách Đại Học: là sách dạy về luân lý dành cho những người được xếp vào hàng cao đẳng. Sách do Tăng Tử (Tăng Sâm) viết, gồm 11 chương. Tư tưởng của sách nói về cách trị quốc với hai phần: 3 điều chủ yếu và 8 điều chuyên tâm.

Ba điều chủ yếu: “minh đức”, “tân dân” và “chí ư chí thiện”.

Tám điều chuyên tâm: “cách vật”, “trí tri”, “thành ý”, “chính tâm”, “tu thân”, “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ”.

Sách Trung Dung: là sách nói về thuyết Trung Dung do Khổng Tử đề ra, sách này do cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, học trò của Tăng Sâm viết. Đại ý nói là ý nghĩ và hành động phải ở mức trung hoà, không cực đoan, không thái quá và bất cập, chủ yếu là sống theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để là một người “quân tử”.

Sách Mạnh Tử: là sách do Mạnh Tử, học trò của Khổng Tử viết. Đây là sách nói về học thuyết của Mạnh Tử, được triển khai từ tư tưởng của Khổng Tử . Gồm những điều như  “nhân chi sơ tính bản thiện  , duy dân  “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh và nhân trị.

Học thuyết của Nho học   

“Khổng Tử dạy  bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa; (SK, KTTG).

Sách Luận Ngữ, “Thuận nhi đệ thất (7-24)” viết: “Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín”. 

Một cách đại cương thì học thuyết của Khổng Tử có mục đích giáo hoá con người để họ có lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Học thuyết này đưa ra mẫu người quân tử để noi theo: người quân tử phải là người có đủ “ngũ thường” là  nhân, nghĩa, lễ trí, tín, ở thứ bậc nào thì sống cho đúng địa vị đó (“chính danh”) và sống thì không thái quá cũng không bất cập (“trung dung”).

Ngoài “ngũ thường”, chúng ta còn nghe là người quân tử còn phải có đủ “tam cương”, là phải tuân giữ lễ “vua-tôi”, “cha-con”, “chồng-vợ”,  rồi “tam tòng tứ đức” mà sau này được thêm vào và dành cho phụ nữ. Theo như học giả Phan Khôi - một người theo Khổng học từ nhỏ - thì nguyên thủy của Khổng học không có “tam cương”, trong bài “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta” ông viết như sau: “Đức Khổng Tử chưa hề xướng ra cái thuyết tam cương. Và xét tra các sách từ đời ngài về trước cũng chưa hề có cái thuyết tam cương. Thuyết tam cương mới bắt đầu có từ nhà Hán, thấy ra trong sách Bạch hổ thông của Hán nho. Sách ấy có nói rằng: “Quân vi thần cương ; phụ vi tử cương ; phu vi thê cương”. Bởi đó người ta gọi là tam cương.” (nguyên văn là chữ “cang” thay cho chữ “cương”).

Khổng Tử chỉ nói trong sách Luận Ngữ, “Nhan Uyên đệ thập nhị (12-11)”: “Quân quân , thần thần , phụ phụ , tử tử” là làm vua thì ra vua, làm tôi ra tôi, con ra con, sống cho đúng danh phận. Đây là thuyết “Chính Danh” của Khổng học.  

Khổng học hay Nho học chia xã hội ra làm ba hạng người: “Thánh nhân” là các bậc hiền giả, “Quân tử” là những người đức độ, chân chính, “Tiểu nhân” là những kẻ có hành động không hợp với “đạo đức”.

Trong bài “ "QUÂN TỬ-TIỂU NHÂN" THEO KHỔNG GIÁO” của học giả Trần Trọng Kim, ông đã viết về hai hạng người này như sau:

“Khổng Giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là: Quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quý là hay, tiểu nhân là tiện là dở. Vậy trước khi bàn đến các mục khác, thiết tưởng nên nói rõ tư cách của người Quân tử và kẻ tiểu nhân khác nhau thế nào thì sau xem mới rõ mọi ý nghĩa.
Con đường thẳng là con đường Đạo đức Nhân nghĩa; con đường cong queo là con đường gian ác quỷ quyệt. Trong hai con đường đó ta phải chọn lấy một con đường mà đi. Đi con đường thẳng là người Quân tử, có nhân cách hoàn toàn. Đi con đường cong là người tiểu nhân hèn hạ”.

Lúc đầu chữ Quân tử là nói người có địa vị tôn quý, mà chữ tiểu nhân là người thường nhân  không có địa vị gì trong xã hội... Về sau dùng rộng nghĩa ra, gọi  Quân tử là người có đức hạnh tôn quý và gọi tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ.    

Nhận định theo Hán tự thì:

 “Quân”   () : Vua, người làm chủ cả một nước.
Chữ “Tử”( ) có khá nhiều nghĩa như là “con”, “thầy”, tước “tử”,...
Theo ý nghĩa của Hán tự thì “quân tử” là con vua.
Vậy lúc đầu theo như ông Trần Trọng Kim thì “Quân Tử”(con vua), là hạng người ở giữa “Thiên Tử” (con Trời) và “Tiểu nhân” (những người dân nhỏ bé), họ là những người ra làm quan, giúp vua cai trị đám “tiểu nhân”.

Khổng học với quan niệm về “Ngũ thường”: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín

Quan niệm về chữ “nhân ”: Khổng Tử nói về chữ “nhân” khá nhiều trong sách Luận Ngữ (110 lần). Nói một cách tóm lược về chữ “nhân” là thương người, là cách cư xử giữa người với người.

Câu nói của Khổng tử thường được nhắc tới về việc này là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.  

Nguyên văn theo sách Luận Ngữ, “Nhan Uyên đệ thập nhị (12-2): “Tử viết: xuất môn như kiến đại tân , sử dân như thừa đại tế ,   kỷ sở bất dục , vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán” (khi ra ngoài làm việc phải như  tiếp kiến khách quý và sai khiến dân phải như tiến hành việc tế lễ, đừng làm những gì mà  mình không muốn điều người khác làm cho mình. Có thế người dân trong nước cũng như người thân trong gia đình mới khỏi oán hận”

Vài nét điển hình về chữ “Nhân” trong Luận Ngữ:

Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-3)”: “Tử viết: Duy nhân giả năng háo nhân, năng ố nhân”  . (Khổng tử nói: Chỉ người có lòng nhân mới biết thương người ghét người đúng cách mà thôi).

Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-5)”: “Quân tử khứ nhân ô hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị.” (Người quân tử phải nỗ lực làm điều nhân đức, nếu không có “nhân” sao có thể mang danh là người quân tử. Nhân cũng là điều cốt yếu của người quân tử, không thể trong bất cứ lúc nào mà xa điều nhân đức).

Quan niệm về chữ   “nghĩa : Khổng Tử  nói về chữ “nghĩa” cũng khá nhiều (27 lần), tuy nhiên ông không có một sự xác định rõ ràng về “nghĩa” chính xác như thế nào. Đại cương là lấy “Lễ”, “Khiêm”, “Tín” để cư xử với mọi người theo công bình và lẽ phải, vì điều “nghĩa” thì ngược với điều “lợi”. Tuy nhiên câu hỏi sẽ được đặt ra: thế nào là công bình, thế nào là lẽ phải?

Vài nét điển hình về chữ “Nghĩa” trong Luận Ngữ:

Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (15-17): “Quân tử nghĩa dĩ vi chất: Lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi, Quân tử tai!”. (Quân tử lấy nghĩa làm cốt: lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu thật là quân tử vậy thay!)  

Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-16): “Tử viết: “quân Tử dụ ư nghĩa , tiểu nhân dụ ư lợi.”  
Quân tử hiểu rõ điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ điều lợi.

Sách Luận Ngữ, “Dương Hóa thập thất (17-23): “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng, Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo”. (Quân tử chuộng nghĩa, quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn. Tiểu nhân có dũng mà không cò nghĩa thì làm đứa ăn trộm).

Quan niệm về chữ   “Lễ : Khổng Tử  rất chú trọng về chữ “Lễ”, chữ này lập đi lập lại nhiều lần (79 lần) trong sách Luận Ngữ, chính ông đã soạn kinh Lễ và ông cũng là người chuyên việc tế  lễ. Một cách tổng quát là chữ “Lễ” của Khổng học chỉ cách người đối xử với người (bàn rộng về chữ  “nhân, nghĩa, trí, tín”) và với quỷ thần, trời đất. “Lễ” là kính người, kính trời đất. Vì thế chữ “Lễ” vừa có tính cách nghi thức và luật lệ,vừa có tính cách luân lý.

Vài nét điển hình về chữ “Lễ” trong Luận Ngữ:

Sách Luận Ngữ, “Học nhi đệ nhất (1-12): “Hữu tử viết: lễ chi dụng, hoà vi quí...” (Hữu tử viết: Trong việc giữ lễ, hòa thuận là điều quan trọng...)

Sách Luận Ngữ, “Học nhi đệ nhất (1-13): “Hữu tử viết: tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã; cung cận ư lễ, viễn sỉ nhục dã. Nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã”. (Hữu tử viết: hứa điều gì mà hợp nghĩa thì phải làm, cung kính hợp với lễ thì tránh được sỉ nhục. Đối với người thân không mất lòng thì mới xứng đáng với họ hàng).

Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ tam (3-3): “Tử viết: “nhân nhi bất nhân, như lễ hà?...” (Khổng tử nói: Người không có nhân thì sao có l được?...)

Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ tam (3-19): “Định Công vấn: “quân sử thần thần sự quân , như chi hà? Khổng Tử đối viết “quân sử thần dĩ lễ , thần sự quân dĩ trung”. ((Lỗ) Định Công  hỏi: Vua quan đối với nhau như thế nào cho phải? Khổng tử đáp: Vua dùng lễ đối với các quan, các quan dùng lòng trung đối với vua).

Sách Luận Ngữ, “Lý nhân đệ tứ (4-9)”: “Tử viết: Năng dĩ lễ nhượng vi quốc hồ, hà hữu. Bất năng dữ lễ nhượng vi quốc, như lễ hà”. (Khổng Tử nói: Người cầm quyền cai trị dùng lễ  khiêm tốn, thì trị quốc đâu khó. Cầm quyền mà không dùng lễ khiêm tốn, như vậy không có lễ”.
Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ tam (8-2): “Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỷ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo...” (Cung kính mà thiếu lễ thì khổ, cẩn thận mà thiếu lễ thì nhút nhát, cương dũng mà thiếu lễ thì loạn, thẳng thắn mà thiếu lễ thì nóng nảy...”
Quan niệm về chữ “Trí ”: Khổng Tử không nói nhiều về chữ “Trí” trong Luận Ngữ. “Trí” là sự sáng suốt để phán đoán đâu là những điều nhân, nghĩa, lễ và tín mà người quân tử nên noi theo.
Điển hình về chữ “Trí” trong Luận Ngữ:
Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-2)”: “Tử viết: “...Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân”. (...Người nhân an vui với lòng nhân. Người trí làm lợi ích cho lòng nhân).
Quan niệm về chữ “Tín ”: Khổng Tử  nói về chữ “tín” tương đối nhiều (37 lần). Tín là những điều đáng tin tưởng, như đã hứa thì phải làm, như đã thề thì phải tuân theo
Vài nét điển hình về chữ “Lễ” trong Luận Ngữ:  
Sách Luận Ngữ, “Học nhi đệ nhất (1-4): “Tăng Tử viết: ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vi nhân mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyện , bất tập hồ?” (Mỗi ngày ta xét ba điều: Làm việc cho ai có hết lòng không? Đối với bạn có vẹn chử tín không? Đạo thầy truyền có học không?)
Sách Luận Ngữ, “Vi chính đệ nhị (2-21): “Tử viết: Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã, Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?” (Khổng tử nói: Kẻ mà không đáng tin, không biết có làm được điều gì tốt. Như cái xe bò mà không có ngáng vai; như xe ngựa mà không có đà lôi, thì làm sao mà kéo xe đi được?)
Sách Luận Ngữ, “Thái bá đệ bát (8-16)”: “Tử viết: cuồng nhi bất trực, đồng nhi bất nguyện, không không nhi bất tín, ngô bất tri chi hỹ”. (Khổng tử nói: cuồng vọng mà không ngay thẳng, dốt mà không trung hậu, thực thà mà không thủ tín, ta chẳng biết hạng người đó như thế nào?)
Khổng học với học thuyết “Chính Danh” và “Trung Dung”

Học thuyết “Chính Danh”    
Học thuyết “Chính danh” là một học thuyết chính của Khổng Tử. Thuyết này nói về vị trí cách hành xử của mỗi người trong xã hội, làm vua thì phải xứng đáng cho ra vua, bề tôi phải giữ đúng cương vị của bề tôi, người cha trong gia đình phải sống cho đúng nghĩa của người cha, phận làm con phải hành xử bổn phận của người con.
 “Quân quân , thần thần , phụ phụ , tử tử”   là làm vua thì ra vua, làm tôi ra tôi, con ra con, sống cho đúng danh phận.
Tư Mã Thiên đã viết về Khổng Tử và học thuyết này như sau:
 “Học trò Khổng Tử giữ lại có nhiều người làm quan ở Vệ, nên vua Vệ muốn trao chính trị cho Khổng Tử. Tử Lộ nói:
- Nếu vua Vệ giao chính trị cho thầy thì thầy sẽ làm cái gì trước?
Khổng Tử nói:
- Chắc chắn phải  chính danh trước!
Tử Lộ nói:
- Sao thầy viển vông thế,  chính danh  để làm gì?
Khổng Tử nói:
- Anh rõ thực là quê mùa quá!  Cái danh mà không chính thì lời nói không đúng với sự thực, lời nói không đúng với sự thực thì việc không thành, việc không thành thì không làm cho lễ, nhạc phồn thịnh, lễ nhạc không phồn thịnh thì hình phạt không đúng, hình phạt không đúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu.   Phàm người quân tử đã làm điều gì thì có thể nói tên việc đó, và nhất định làm được việc đó. Người quân tử chớ cẩu thả trong lời nói của mình.” (SK, KTTG)
Nhiều học giả cổ kim cho rằng học thuyết “Chính danh” của Khổng Tử  đã giúp trật tự trong xã hội phong kiến xa xưa được ổn định.  
Học thuyết “Trung Dung”    
Học thuyết “Trung Dung” của Khổng Tử không thấy được đề cập đến trong sách Luận Ngữ. Thuyết này do Khổng Tử dạy cho các học trò sau này, được cháu nội của ông là Khổng Cấp, học trò của Tăng Tử viết lại. Đại cương là người quân tử phải hành xử “không thái quá, không bất cập”, đừng cực đoan. Trong sách này đưa ra những lời chỉ bảo của Khổng Tử như:
 “Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung”. (Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì trái trung dung).
Đây là một học thuyết khó hiểu, theo học giả Phan Khôi: “Nhưng chính đức Khổng Tử lại nói rằng: “Lẽ trung dung thật là tột vậy thay, đã lâu rồi, người ta ít làm theo được!”.
Ông Phan Khôi là một môn sinh của “cửa Khổng sân Trình” viết: “...Theo người hiểu thì trung dung là thế nào không biết, chớ theo tôi, tôi không hiểu,... thì trung dung thật là một cái thuyết lôi thôi lắm, như tôi đã nói nẻ nóc ra trên kia. Rút lại nó là thế nào mặc lòng, tôi chỉ đánh cho một cái dấu hỏi lớn rằng: Tôi không biết một cái thuyết mà chính người lập ra nó đã trối rằng “gươm đao có thể xông vào, chớ không có thể làm theo nó được”, thì thôi, còn lập ra làm chi?”.    
Sự biến thái của Nho giáo qua các triều đại   
Khổng Tử xây dựng học thuyết Khổng; với mong muốn kiến tạo một xã hội theo kiểu mẫu nhà Tây Chu, ông đã qua đời với mộng ước không thành! Tuy nhiên các môn sinh theo Khổng học đã tiếp tục phổ biến học thuyết này một cách rộng rãi. Đáng kể nhất là  Mạnh Tử  (372–289 TCN), ông là học  trò của Khổng Cấp, chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, khác với quan niệm của Khổng Tử, Mạnh Tử được coi như ông tổ thứ hai của Nho giáo sau Khổng Tử.
Thời Xuân Thu (770 - 476 TCN) chuyển qua thời Chiến Quốc (475 - 211 TCN), dù tư tưởng Đạo gia (của Lão Tử) được truyền bá song hành với Khổng học, nhưng cũng đã có nhiều trường phái tư tưởng khác nổi lên (“Bách gia chư tử”), đáng kể là tư tưởng Pháp gia của Hàn Phi Tử; mà trường phái này đã ảnh hưởng đến xã hội Trung Hoa rất nhiều. Khi nhà Tần thống nhất, Tần Thủy Hoàng đã áp dụng tư tưởng của Pháp gia một cách gay gắt, các trường phái khác đều bị đàn áp, đặc biệt là Khổng học với sự kiện đốt sách và chôn học trò. Nhà Tần bị diệt vong, nhà Hán thống trị (206 TCN - 220), Khổng học thành Nho giáo, rồi trở thành quốc giáo từ thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt (156TCN - 87TCN, 54 năm làm vua), mà các học giả gọi thời này là Hán Nho. Sau đó đến các triều đại kế tiếp, Nho giáo đã biến thái khá nhiều, tuy nhiên vẫn trường tồn ở Trung Hoa qua 20 thế kỷ. Vài nét sơ lược về sự biến đổi của Nho Giáo qua thời gian:
Hán Nho
Tần Thủy Hoàng chết (210TCN), Hồ Hợi lên thay là Tần Nhị Thế. Nhà Tần suy vong, Trung Hoa lâm vào cảnh rối loạn, lúc này Nho học bớt bị đàn áp và tiếp tục được phổ biến. Lưu Bang và Hạng Vũ tranh hùng, Lưu Bang thắng thế thiết lập triều đại nhà Hán. Hán Cao Tổ Lưu Bang vốn là kẻ thô lỗ, coi thường các nhà Nho: “Bái Công không thích đạo Nho. Thấy những người khách nào đội mũi nhà Nho đến Bái Công liền giật mũ đái vào trong. Khi nói với người ta thường mắng nhiếc, không thể lấy tư cách nhà nho mà thuyết phục ông ta được”. (SK, Lịch Sinh, Lục Giả liệt truyện). Tuy nhiên khi lên làm hoàng đế, trong các bề tôi nhà Hán có một Nho gia là Thúc Tôn Tông (? - ~194 TCN). Ông này đã từng làm quan của nhà Tần, rồi theo Hạng Vũ sau đó lại theo nhà Hán. Khi cung Trường Lạc xây xong, ông và các đệ tử bày ra nghi thức cung đình, Hán Cao Tổ rất vui lòng vì thấy mình tỏ được cái oai và sự tôn quí của một vị hoàng đế qua những nghi thức này. Các đệ tử của ông đều được làm quan. Hán đế thấy có thể dùng Nho học để củng cố uy quyền, các Nho gia đã được trọng dụng.
Tới thời Hán Vũ Đế, một Nho gia đã từng làm “bác sĩ” dưới thời Hán Cảnh Đế là Đổng Trọng Thư (179 TCN - 104 TCN) đã đưa ra kiến nghị lấy Nho giáo làm quốc giáo, “bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học”. Hán Vũ Đế chấp thuận và cho ông này làm tướng quốc. Kể từ đó chế độ thi cử để tuyển người ra làm quan đặt căn bản trên kinh điển của Nho Giáo. Đổng Trọng Thư cũng là một lý thuyết gia về Nho Giáo, ông đã pha trộn Nho học nguyên thủy với các học thuyết khác (Pháp gia, Âm Dương gia) để đưa ra chủ trương “Thiên Nhân cảm ứng", chủ  trương dùng cả “nhân trị” và “pháp trị”. Bên ngoài thì giả nhân đức , mà ẩn tàng thì luật pháp gắt gao. Tất cả chỉ với mục đích thống trị và bảo vệ nền quân chủ chuyên chế.
Đổng Trọng Thư cũng là người đề ra “tam cương” (quân thần, phụ tử, phu phụ) và ông cũng đề cao chữ “tín” trong “ngũ thường”. Tác giả Trịnh Hiểu Giang (Zheng xiao Jiang) đã có nhận định khá chi tiết về Đổng Trọng Thư: “Ông mở ra một phương pháp bảo toàn tính mệnh cho những kẻ làm bầy tôi là phải tận tâm tận lực phục vụ cho ông vua... Từ cách đặt bày chính trị của Đổng Trọng Thư, người ta dễ dàng thấy tính tàn khốc của chính thể chuyên chế và cảnh bi thảm của các bầy tôi trong thời đại ông vua là đấng tối cao. Vì những cố gắng về  học thuật và chính trị của Đổng Trọng Thư, Nho học trở thành học thuyết chính thống của xã hội thời xưa rộng ra ở Trung Quốc. Tư tưởng của Đổng Trọng Thư trong lịch sử Trung Quốc cũng sinh ra ảnh hưởng to lớn kéo dài mãi không dứt”.

Khổng học đã đi vào một khúc quanh chính trong lịch sử từ thời Tiền Hán (Tây Hán) bởi Thúc Tôn Thông - người đã đưa Nho học của Khổng Mạnh vào chính trị, và Đổng Trọng Thư - người đã biến cải và đã nâng địa vị của Nho học lên hàng độc tôn. Nho học trở thành Nho giáo và là quốc giáo, qua quyết định của Hán Vũ Đế với mục đích phục vụ cho quân quyền.

Đường Nho

Nho giáo giữ địa vị độc tôn, người dân muốn tiến thân phải học kinh điển của Nho giáo để có thể thi đậu làm quan. Tuy nhiên khá đông dân chúng vẫn theo các tôn giáo khác. Phật giáo du nhập vào Trung Quốc khoảng từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Đời nhà Đường, Phật giáo được phát triển vì có sự cổ võ của triều đình. Lão giáo cũng được phục hồi và biến thái thành Đạo giáo có tính cách tu luyện huyền hoặc. Thời Đường là một thời nổi bật của văn hóa Trung Hoa, Nho học được coi như là nền móng của chế độ. Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 - 649) dùng các nhà Nho để soạn lại bộ sách “Ngũ kinh chính nghĩa” do Khổng Dĩnh Đạt  (574 - 648) làm chủ biên. Đây là bộ sách tiêu chuẩn cho khoa cử của Nho giáo đời Đường và các triều đại sau này.  

Tống Nho

Nho giáo từ thời Hán qua thời Đường đã không có những thay đổi nhiều. Đến thời nhà Tống, Nho giáo tại Trung Hoa trong thế kỷ 11 đã có những thay đổi đáng kể. Nho giáo tuy gọi là “giáo” nhưng chú trọng nặng về xã hội. Lão giáo hay Đạo giáo chú trọng nhiều về triết lý của đời sống, một phần đã biến dạng thành những niềm tin có tính cách huyền bí, như “tu tiên”, luyện đan, v.v... và các tu sĩ theo Đạo giáo được gọi là những đạo sĩ. Quần chúng đã biến tư tưởng của Đạo giáo thành những hình thức có tính cách mê tín. Phật giáo chú trọng đến duy tâm và hầu như không trực tiếp liên quan đến vấn đề chính trị (dù đã có vài hoàng đế say mê Phật pháp), tuy nhiên cũng đã có những ảnh hưởng lớn đến xã hội Trung Hoa.

Các Nho gia thời Tống - những người làm quan, trực diện với xã hội - một số cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng của Đạo gia, những người này đã làm thay đổi quan niệm về Nho khá nhiều, họ pha trộn Nho giáo với quan niệm về siêu hình học của Đạo giáo. Thời Bắc Tống (960 - 1127), điển hình là Trương Tái (1020-1077), Chu Ðôn Di (1017-1073) và học trò của ông là hai anh em Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107). Trình Di với chủ trương phân biệt giai cấp giữa nam và nữ, ông này đưa ra chủ trương “phu xướng phụ tùy” và nêu lên tiết hạnh của người phụ nữ: “Có người hỏi ông, “Gái góa nghèo bơ vơ, có thể tái giá không?” Ông nghiêm chỉnh trả lời rằng, “Chết là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn”.  Rồi câu thành ngữ  “Cửa Khổng sân Trình” - “ sân Trình” ở đây chỉ Trình Tử (Trình Di).

Bắc Tống đã bị người Kim diệt năm 1127, một hoàng thân của triều Tống là Triệu Cấu (Tống Cao Tông) chạy về phía nam dựng nên nhà Nam Tống. Dù có chiến tranh liên tục với quân Kim phía bắc, nhưng Nho học trong thời này đã có một thay đổi lớn.

Người tạo nên khúc quanh này là Chu Hi (1130-1200), ông là người phát triển tư tưởng của Trình Hạo và Trình Di cộng thêm với tư tưởng của Phật giáo, đưa ra một học thuyết có tính cách vừa duy lý vừa duy tâm, dù quan niệm chủ yếu vẫn là Nho giáo. Các học giả gọi học thuyết của ông là “Tân Nho giáo”. Ông chủ trương   “cách vật trí tri” (đối với sự vật, phải biết rõ nguyên lý, để có thể hiểu thấu đáo sự vật), đây là “Lý học” của Chu Hi. Ông cũng đề ra chủ thuyết an phận “Tồn thiên lí, khắc nhân dục” (muốn giữ cái “lí” của trời thì phải chế ngự cái “muốn” của người), thuyết này được ảnh hưởng bởi quan niệm “diệt dục” của Phật giáo. Chu Hi là người viết sách chú giải Tứ Thư (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung và Mạnh Tử) cũng như kinh Thi và kinh Dịch. Học thuyết của Chu Hi trở thành một học phái chính trong các triều đại kế tiếp (Nguyên, Minh, Thanh) và ảnh hưởng đến các nước chung quanh, đặc biệt là Việt Nam.

Minh Nho

Nhà Nam Tống bị nhà Nguyên (Mông Cổ) diệt năm 1279, sau gần một thế kỷ ngự trị Trung Hoa, nhà Nguyên bị nhà Minh (1368-1644) nổi lên đánh đuổi. Để thiết lập nền quân chủ chuyên chế, nhà Minh cũng giống như các triều đại trước, đã dùng Nho gia trong việc cai trị, vì thế Nho giáo vẫn vững mạnh. Tuy nhiên vì ảnh hưởng Tống Nho, nền giáo dục có tính cách từ chương vẫn được áp dụng.  

Thời điểm này xuất hiện một nhà tư tưởng là Vương Dương Minh (1472-1528). Ông có tên thật là Vương Thủ Nhân, có tài cả văn lẫn võ, đã từng làm tướng đi dẹp loạn nhiều lần, tổ chức quân đội rất có qui củ. Ông phê bình “Lý học” của Chu Hi, cho là khó mà có thể tìm ra “đạo lí” từ sự vật (sau 7 ngày nghĩ về “lý” của cây trúc, ông đã không tìm ra được “đạo lý” gì!). Sau một thời gian dài suy nghĩ, ông cho là không thể tìm ra “đạo” từ sự vật, mà “đạo” từ trong tâm, tu tâm dưỡng tánh, làm lành, lánh ác mới biết được cái đạo của Trời. Ông đề ra học thuyết “Tâm học” là trí lương tri” (cố gắng để biết thế nào là những điều tốt) và “tri hành hợp nhất” (biết được điều tốt lành thì phải lập tức thi hành, biết và làm phải đi đôi với nhau). Học thuyết của ông có tính cách thực dụng và bớt tính cách từ chương, dù cốt lõi vẫn là Nho giáo, được các học giả gọi là “Nho Giáo cải cách”. Học thuyết của Vương Dương Minh được phát triển khá rộng từ cuối thời Minh sang đến thời nhà Thanh. Tuy nhiên tư tưởng này vẫn bị lấn áp bởi tính cách từ chương và khoa cử của Tống Nho.

Vài nét sơ lược và tóm tắt về tiến trình của Nho giáo với những nhà tư tưởng tiêu biểu:

- Khổng Tử với Khổng học nguyên thủy.
- Mạnh Tử với nhận định “nhân chi sơ tính bản thiện” chủ trương “vương đạo” và “dân vi qúi...”.
- Đổng Trọng Thư với “Tam Cương” và “độc tôn Nho học” để phục vụ nền quân chủ chuyên chế.
- Trình Hạo, Trình Di hội nhập quan niệm siêu hình của Đạo học vào Nho giáo
- Chu Hi với “Lý học” và sự hội nhập quan niệm Đạo học cũng như tư tưởng Phật giáo vào Nho Giáo.
- Vương Dương Minh với “Tâm học” và “tri hành hợp nhất”.

Còn tiếp (C. Mặc học với sự phê bình về Nho học)


danlambaovn.blogspot.com

___________________________________

Tài liệu tham khảo:

- "Sử Ký" của Tư Mã Thiên, bản dịch của dịch giả Nhữ Thành và bản dịch của dịch giả Phan Ngọc.
- "Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm" của Lâm Hán Đại và Tào Dự Chương, dịch giả Trần Ngọc Thuận, nhà xuất bản Trẻ.
- "Luận Ngữ" của Khổng Tử, dịch giả Phùng Hoài Ngọc, Đại Học An Giang 2010
- "Luận Ngữ" của Khổng Tử, nguồn tại:  http://philong58.blogspot.com/2010/09/oc-luan-ngu.html
- "Luận Ngữ" của Khổng Tử, nguồn tại: http://duyviet.org/cu/khongnho/luanngu.htm
- "Đại Học" của Khổng Tử, nguồn tại: http://duyviet.org/cu/khongnho/sachdaihoc.htm
- “Mặc học” của Nguyễn Hiến Lê.
- "Mặc Tử", "Mozi", nguồn: http://ctext.org/mozi
- “墨子” (Mặc Tử, bản Hán văn), nguồn tại: http://www.xys.org/pages2/mozi.html
- "Nho Giáo" của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2001.
- "Kinh Thi" của Khổng Tử, dịch giả Tạ Quang Phát, NXB VH 2004, nguồn tại: http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=584692
- "Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta" của Phan Khôi, nguồn tại: http://lainguyenan.free.fr/pk1929/caianhhuong.html
- "Tống Nho với phụ nữ" của Phan Khôi, nguồn tại: http://www.viet-studies.info/Phankhoi/PKhoi_TongNhoVoiPhuNu.htm
- "Quân tử tiểu nhân theo Khổng giáo" của Trần Trọng Kim, nguồn tại: http://www.banthedao.org/QuanTuTieuNhan.html
- "Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay" của Lưu Hiểu Ba, nguồn tại: http://www.vietthuc.org/2012/11/27/hom-qua-cho-nha-tang-hom-nay-cho-gac-cua-ban-ve-con-sot-khong-tu-hien-nay/
- "Nho Giáo đại cương" của Nguyễn Ước, nguồn tại: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=329
- “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương, nguồn tại: http://ttvnol.com/f_484/322358
- “Tìm hiểu cuộc đời” của Trịnh Hiểu Giang (Zheng xiao Jiang), dịch giả Nguyễn An, nguồn tại: http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=297542&mpage=1
- “Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức” của Lưu Á Châu.
- “Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hóa” của Lưu Á Châu, bản dịch của Nguyễn Hải Hoành, nguồn tại: http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/03/t%c6%b0%e1%bb%9bng-l%c6%b0u-chu-bn-v%e1%bb%81-van-ha/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo