Ỏng bụng muốn trèo cây cao - Dân Làm Báo

Ỏng bụng muốn trèo cây cao

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Ngày 25/2/2013 Việt Nam tuyên bố sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2013-2016 và ngày 28/7/2013 đã chính thức nộp đơn. Tuy nhiên để trở thành thành viên của tổ chức này Việt Nam tiếp tục phải giành được quá bán số phiếu thuận trong cuộc bầu bổ sung 18 thành viên mới vào ngày 12/11 tới. Với thể thức chọn 4 trong 5 ứng viên của khu vực châu Á (chỉ loại 1), giỏi vận động, tuyên truyền lại được sự ủng hộ của các nước khối ASEAN, các nước trong phong trào không liên kết, các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh nhiều khả năng Việt Nam sẽ đạt được nguyện vọng. Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) là một tổ chức liên chính phủ, trực thuộc Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ra đời ngày 5/3/2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chấm dứt hoạt động cùng thời điểm. Nó gồm 47 quốc gia là thành viên đại diện cho các khu vực trên toàn cầu, được lựa chọn thông qua bầu cử trong Đại Hội Đồng, hoạt động theo nhiệm kỳ 3 năm. Có các chức năng và nhiệm vụ sau: 

- Thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia. 

- Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia. 

- Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người. 

- Đưa ra những khuyến nghị với Đại hội đồng về sự phát sự phát triển của luật quốc tế về quyền con người. 

- Thực hiện việc đánh giá định kỳ toàn thể việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia. 

- Thông qua đối thoại và hợp tác để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người. 

- Hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự trong các hoạt động về quyền con người. 

- Báo cáo hàng năm về hoạt động với Đại hội đồng. 

Như vậy để làm tròn nhiệm vụ, thành viên của HĐNQ phải là các quốc gia gương mẫu về nhân quyền. Vì Ủy ban Nhân quyền đã hoạt động không hiệu quả, để cho các quốc gia phi nhân quyền thao túng nên thay thế nó bằng Hội đồng Nhân quyền được coi là một sự cải tổ trong Liên Hiệp Quốc. Tuy vậy việc phân định số lượng thành viên theo khu vực đã tạo điều kiện cho một số quốc gia độc tài, độc đảng thường xuyên vi phạm nhân quyền lọt vào tổ chức này. Cu Ba, LiBi, Trung Quốc đã từng là thành viên và sắp tới có thể là Việt Nam. Theo Wikipedia “Nhân quyền, hay quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật”

Mặc dầu đã khẳng định: “Mọi người sinh ra đều có quyền sống, quyên tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc và đây là những quyền không ai có thể xâm phạm được” trong “Tuyên ngôn độc lập” nhưng kể từ đó tới nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhà nước cộng sản vẫn một mực khi thì công khai, khi thì ngấm ngầm tước bỏ, hạn chế các quyền đó của người Việt Nam. Cải cách ruộng đất 1953-1956 với chủ trương ”trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” và phương châm “thà chết oan 10 người còn hơn bỏ sót 1 địch” họ đã công khai tước bỏ mạng sống của hàng vạn người vô tội. Đòi tự do sáng tác, vạch ra sai lầm trong cải cách ruộng đất, hàng chục văn nghệ sĩ ưu tú đã phải “sống dở, chết dở” vì bị nhà nước quy kết là “phản động” trong vụ án “nhân văn giai phẩm” diễn ra vào những năm 1955-1958. Cuộc chiến Nam Bắc 1954 hoàn toàn có thể tránh được nếu nhà nước cộng sản không quyết tâm dùng bạo lực để “nhuộm đỏ” miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là cuộc chiến “nồi da nấu thịt” đã tước đi mạng sống của hàng triệu người Việt Nam và kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử chính là họ. Nếu hiểu quyền sống theo nghĩa rộng là quyền có cuộc sống tốt nhất trong điều kiện cho phép thì thời bao cấp bằng chế độ “tem phiếu hộ khẩu” nhà nước cộng sản đã để cho dân miền Bắc “vừa đủ sống” để dễ bề điều khiển, khống chế. Sau khi hội nhập thế giới, ký kết vào các công ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thì quyền sống của người dân Việt Nam đã được nhà nước cộng sản “đảm bảo” theo nghĩa: Không còn tình trạng hàng loạt người bị tước bỏ tính mạng một cách tùy tiện nữa. Nhưng vẫn còn:

- Hàng vạn người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm do quy hoạch giao thông không hợp lý, cơ sở hạ tầng xuống cấp vì bị cán bộ nhà nước tham nhũng bớt xén nguyên vật liệu, ý thức chấp hành giao thông kém, sự tha hóa của lực lượng cảnh sát giao thông. 

- Hàng chục người chết vì lũ lụt hàng năm vì rừng bị phá dần, vì các công trình thủy điện xả lũ bất ngờ. 

- Đặc biệt, xuất hiện nhiều thêm những cái chết oan uổng do công an - lực lượng giám sát thi hành pháp luật của nhà nước- gây ra, những cái chết tức tưởi của ngư dân trên biển của mình bởi Trung Quốc vì nhà nước hèn đã không bảo vệ cho họ. 

- Thêm nữa môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại gây bệnh tật cũng âm thầm tước đi sinh mạng của không biết bao nhiêu người Việt Nam. 

- Và tương lai, bùn đỏ trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên, sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận có thể tước bỏ sinh mạng của hàng triệu người bất kỳ lúc nào.

Khi quyền sống đã bấp bênh thì quyền tự do chỉ là thứ quyền xa sỉ. Thời bao cấp, chiến tranh đói rét, chết chóc, thông tin bị bưng bít nhà nước cộng sản đã dễ dàng dùng các chỉ thị, nghị quyết của đảng để tước đoạt hầu hết các quyền tự do cơ bản của con người. Thời mở cửa, hội nhập, dù biết rằng nới rộng các quyền tự do dân chủ là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhưng bản tính dối trá cộng với nỗi lo mất địa vị lãnh đạo nhà nước cộng sản vẫn một mực chây ỳ không chịu thực thi hoặc tìm cách hạn chế các quyền tự do cơ bản trong các công ước quốc tế mà họ đã ký kết. Tự do ngôn luận, tự do hội họp lập hội, tự do tôn giáo, tự do biểu tình đều được nêu trong hiến pháp để che mắt quốc tế. Nhưng hầu như tất cả trong số đó đều bị “cái đuôi theo quy định của pháp luật” cùng điều 4 hiến pháp, các điều 79, 88, 258 trong bộ luật hình sự và nhiều điều luật khác trong hệ thống “luật rừng” vô hiệu hóa. Quyền tự do biểu tình bị hoãn vô thời hạn do chưa ban hành luật biểu tình nên nhà nước cộng sản buộc phải “chuyển đổi” các cuộc biểu tình ngoài ý muốn của họ thành “tụ tập gây rối nơi công cộng” để xử lý theo pháp luật. Danh sách những người bị bắt, bị đánh đập, bị sách nhiễu vì “lợi dụng những quyền tự do này nhằm...” ngày một nối dài, xếp hạng tự do báo chí của Việt Nam ở tốp cuối, còn đàn áp tự do internet thì ở tốp đầu là những bằng chứng xác thực nhất tố cáo sự vi phạm các quyền tự do của nhà nước cộng sản. 

Ngăn cấm những quyền tự do cơ bản trên là hành động thường thấy ở các nhà nước độc tài, độc đảng còn có thể hiểu được. Nhưng những người mang khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trên áo, mũ, tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, những người giúp đỡ dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng bị ngăn cấm sách nhiễu, bắt bớ, đánh đập nói gọn là tự do yêu nước, tự do làm từ thiện bị ngăn cản thì hết sức kỳ quặc! Không thể hiểu nổi? Từ cổ chí kim chưa từng thấy đâu có một nhà nước như vậy!

Ở một xứ mà quyền sống không được đảm bảo, quyền tự do bị tước đoạt thì đừng mơ tới quyền được pháp luật bảo vệ còn quyền mưu cầu hạnh phúc tất nhiên là hão huyền. Chính vì vậy tù nhân Nguyễn Thanh Chấn đã phải nhờ tới sự thức tỉnh lương tâm của kẻ giết người mới giải oan được cho mình. Và biết bao cô gái Việt Nam đã phải chịu cảnh trần truồng nhục nhã trước bọn đàn ông ngoại quốc hòng mưu cầu hạnh phúc nơi đất khách quê người. 

Câu thành ngữ “Ỏng bụng muốn trèo cây cao” có nghĩa bóng giống câu “Cứt nát còn đòi có chóp”. Chúng ám chỉ những kẻ không lường được mình cố tình muốn làm những việc vượt quá khả năng. Thành tích nhân quyền luôn ở tốp đội sổ trong bảng xếp hạng nhưng nhà nước cộng sản vẫn muốn ứng cử vào hội đồng nhân quyền họ chẳng khác nào một kẻ “ỏng bụng” hay “bè cứt nát” trong các câu thành ngữ trên.

11/11/2013 

(trước ngày bầu bổ sung Hội đồng Nhân quyền) 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo