Những tấm chân tình ngày cuối năm - Dân Làm Báo

Những tấm chân tình ngày cuối năm

Tâm ạ, hãy tạm quên đi những gương mặt vô cảm, quên đi những nụ cười lạnh lùng, tàn ác của những bộ đồng phục màu xanh trong tòa án Phú Yên. Hãy biết rằng, bên cạnh những tâm hồn rừng rú ấy vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm chân tình từ xa, xa lắm nhưng cũng gần, gần quá bên em. Hãy dìu dắt nhau bằng những tấm chân tình này. Và từ những vòng tay ấm đó, sẽ cho chúng ta niềm hy vọng chan hòa vào một ngày trên đất nước Việt Nam sẽ không còn những nhà tù giam giữ những con tim biết yêu thương...

Ca Dao (Danlambao) - Một năm buồn, một năm vui, một năm hạnh phúc hay một năm đầy những oan khiên, rồi cũng sẽ khép lại, mọi người lại tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng, tiếp tục chúc cho nhau những điều mong đợi ở 365 ngày trước mặt.

Trong những ngày cuối năm cuống cuồng vội vã ấy, người ta quên đi một người tù vừa mới nhận bản án nghiệt ngã 15 năm, người ta không để ý đến một người vợ lã chã dòng nước mắt thống thiết gọi tên chồng, người ta không biết ở mãnh đất Phú Yên có hai đứa con trai tủi thân lặng lẽ dìu Mẹ đang oằn người trong nỗi đau, bỏ lại sau lưng người Cha mắt nhìn theo đau đáu một vòng ôm.

Trở về căn nhà dột nát, người con trai trưởng gói trọn những dòng nước mắt của Mẹ, những uất ức của em vào những con chữ trong lá thư gửi cho Cha. Lá thư sẽ không bao giờ đến được tay người nhận. Nhưng hàng chục ngàn người khác đã thay người Cha đọc lá thư này.

"Thư cho Ba trong tù" được đăng trên Dân Làm Báo ngày 27/12/2013. Ngay ngày đầu tiên đã có 17 comments, 3 ngày sau đã có 35 comments. Nhưng, con số comments không phải là chỉ số yêu thương mà nội dung của những comments mới là những thông điệp của tình người.

Hương Giang: Buồn muốn khóc.

Thạch Nguyên vò võ một tâm tình: “Đọc thơ em, lòng tôi se thắt, một vài giọt lăn, thương em, thương Mẹ, thương Ba, thương những gương hy sinh cũng như thương cả chính mình...”

Phạm Đức nhắn nhủ “Cháu và Gia đình không đơn độc, những người yêu công lý và cương quyết tiêu diệt ác thú Cộng sản luôn luôn bên cháu và gia đình cháu”.

Và kêu gọi: “Tôi mong tất cả mọi người hãy quyên góp giúp đỡ cho gia đình bác Ngô Hào trong khả năng theo tinh thần “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”.

Chu Mot phẩn uất “Một bản án nghiệt ngã, bất công, một người tù vô tội, một gia đình lý tán, một hoàn cảnh não lòng...”

Người đưa tin hy vọng “Bác Ngô Hào sẽ sớm đoàn tụ với gia đình”.

Bà Năm Trầu: “không ngăn được dòng nước mắt”.

Và chắc chắn không phải chỉ có Bà Năm Trầu mà nhiều người đàn ông khác, trái tim tưởng chừng khô khan cũng đã phải vội dấu đi những dòng nước mắt chảy vội bởi những dòng chữ từ con tim của một người con hiếu thảo.

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng hiện đang còn bị quản chế ở Sài Gòn, Ngô Minh Tâm là một học trò giỏi và là một người con hiếu thảo. Những ngày Ba bị bắt và ra tòa sơ thẩm, Tâm đã liên lạc với Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, người đã dạy trường Tâm đang học để hỏi thăm kinh nghiệm về nhà tù CSVN, để chia sẻ với thầy Hoàng nỗi đau và sự bất lực của mình trước bản án bất công của chế độ. Tâm đang học cuối năm thứ ba Đại học Bách khoa, ngày đi học, đêm dạy thêm và làm bất cứ việc gì có thể với hy vọng nhỏ nhoi là mãnh bằng đại học sẽ là cứu cánh cho cả gia đình. Mảnh bằng Đại học ở Việt Nam dù nhẹ như mây trời, vẫn là niềm mong ước của bất cứ bậc Cha Mẹ nào.

Lá thư cho Ba ấy không chỉ dừng lại trên khoảng không gian của Dân Làm Báo, nó được chuyển đến các diễn đàn và ở đó, nó cũng đã gợi lên những giọt lăn tăn. Dù người ta chưa từng nghe tên ông Ngô Hào, dù người ta không biết Ngô Minh Tâm là ai. Nhưng người ta đã đau cùng với Tâm một nỗi đau. Những người không quen ấy muốn được san sẻ cùng Tâm nỗi oan nghiệt của một kiếp người, kiếp làm người trong một đất nước Việt Nam bất hạnh.

Và, chỉ có ở đây, chỉ có lúc này người ta mới thấy được tình người nở rộ, ngay cả trong những giây phút tất bật của những ngày cuối năm. Những email được chuyển đi vội vã, và cũng rất nhanh, tấp nập những email phản hồi, nhắn hỏi: 

- Xin cho địa chỉ gia đình cháu Tâm để tôi gửi chút quà biếu.
- Gửi về đây có an toàn không? có nhận được không?
- Cho tôi địa chỉ hội Thương Phế Binh để tôi chuyển thư cho họ.
- Bên tôi sẽ tổ chức gây quỹ!...
- Tôi muốn giúp đỡ, phải làm sao, đồng đội của tôi mà!
- Ông Hào không phải đồng đội của tôi, tôi không đi lính, nhưng đồng hương. Tội quá!
- Bà vợ ông Hào bệnh nặng quá, gửi chút tiền cho bả trị bệnh, trong thư thằng nhỏ nói thuốc gửi, tháng có, tháng không...

Và tôi cũng khóc, khóc vì những giọt chân tình của người- người gửi cho một người không quen. Niềm tin về con người tưởng đã ngủ yên sau những trăn trở về lòng người nay bỗng thức giấc. Như một ngôi vườn được tưới mát sau một trận mưa rào, tình người trở dậy, rực rỡ trong nắng mai. Vẫn còn đó những trái tim, vẫn còn đó những chân tình của con-người dành cho con-người, không mất mát, nó chỉ cần được đánh thức đúng lúc, đúng nơi.

Tâm ạ, hãy tạm quên đi những gương mặt vô cảm, quên đi những nụ cười lạnh lùng, tàn ác của những bộ đồng phục màu xanh trong tòa án Phú Yên. Hãy biết rằng, bên cạnh những tâm hồn rừng rú ấy vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm chân tình từ xa, xa lắm nhưng cũng gần, gần quá bên em. Hãy dìu dắt nhau bằng những tấm chân tình này. Và từ những vòng tay ấm đó, sẽ cho chúng ta niềm hy vọng chan hòa vào một ngày trên đất nước Việt Nam sẽ không còn những nhà tù giam giữ những con tim biết yêu thương.

30/12/2013




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo