Chân lý tuyệt đối - Dân Làm Báo

Chân lý tuyệt đối

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Sau đây là truyện ngắn "CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI" (Cao-Đắc 2014, 84-101) trong tuyển tập truyện ngắn "LỬA CHÁY TRONG MƯA," do Cao-Đắc Tuấn viết và Hellgate Press, Oregon, U.S.A. xuất bản. Sách có bán trên các trang mạng của Hellgate Press (www.hellgatepress.com), Amazon, và các nơi bán sách khác. Mỗi truyện trong "LỬA CHÁY TRONG MƯA" đều có phần ghi chú thích đáng về lịch sử và sự kiện. Văn bản có bản quyền. Tác giả có sự chấp thuận của nhà xuất bản cho gởi đăng truyện này trên trang mạng Dân Làm Báo (danlambao). Phiên bản tiếng Việt được dịch từ nguyên tác tiếng Anh, "FIRE IN THE RAIN," và có thêm phần chú thích về chính tả (thí dụ như diễn hành/ diễu hành, phản ánh/ phản ảnh, xụp đổ/ sụp đổ, sử dụng/ xử dụng, lập lại/ lặp lại) và đường lối dịch của người dịch và cũng là tác giả.

*
Chân lý tuyệt đối
Năm 1284-1285

Thăng Long, mùa Thu năm 1284

Vị quan thái giám biết có chuyện nghiêm trọng xảy ra khi Hoàng đế Thiệu Bảo Trần Khâm ra lệnh ông không cho phép bất kỳ người hầu triều đình nào đi theo ngài và cha ngài, Thái Thượng Hoàng Bảo Phù Trần Hoàng, trong lúc hai vị đi bộ trong khu vườn đá. Thiệu Bảo và Bảo Phù là niên hiệu trị vì của hai vị. Hoàng đế Thiệu Bảo và cha ngài hiếm khi thảo luận vấn đề triều đình bên ngoài dinh họp, và họ cũng không bao giờ đi dạo trong khu vườn đá mà không có quân hầu theo sau họ. Đây là lần đầu tiên vị Hoàng đế yêu cầu như vậy. Xét đoán nét mặt họ trước khi họ bắt đầu cuộc đi dạo, ông thái giám biết Hoàng đế và cha ngài đang gặp khó khăn suy nghĩ trong tâm trí họ.

Tin đã được công chúng biết từ vài tháng nay. Quân Mông Cổ triều nhà Nguyên đang chuẩn bị một cuộc xâm lược lớn vào Đại Việt. Đây sẽ là cuộc xâm lược thứ hai của chúng. Kỳ đầu tiên xảy ra 26 năm trước đây. Nhưng cuộc xâm lược đó vắn tắt. Quân Mông Cổ bị đuổi ra khỏi Đại Việt chỉ sau nửa tháng chiếm đóng. Lần này, có vẻ là chúng sẽ khởi động một cuộc tấn công lớn. Các tin đồn nói rằng Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt, lãnh tụ Mông Cổ và người sáng lập ra triều đại nhà Nguyên, chỉ huy một đội quân ba trăm ngàn người, với dự tính xâm lược Đại Việt trong vài tháng. Lực lượng hắn sẽ được tham gia cùng quân Mông Cổ từ phía Nam dẫn đầu bởi Toa Đô, Thống đốc Quảng Châu, kẻ đã cố gắng chiếm Chiêm Thành trong vài năm qua mà không thành công.

Vị quan thái giám đóng cửa lối vào khu vườn đá và suỵt các tì nữ và quân hầu tò mò. Ông ra hiệu họ rời khỏi nơi đó; rồi ông ngồi lên ghế ở cửa vào và quan sát hai vị hoàng đế đi bộ trên lối khu vườn.

Khu vườn đá nằm phía đông cung điện bên trong thành Thăng Long. Khâm muốn xây khu vườn là nơi để tìm sự yên tĩnh sau một ngày mệt mỏi lâu dài tại triều đình. Phù hợp với nhiệt tình của anh với Phật giáo, thiết kế vườn rất đơn giản, nhưng thể hiện sự tinh khiết tinh thần. Ở giữa vườn đứng một cụm gồm ba tảng đá tượng trưng cho Đức Phật, giáo lý đạo Phật, và Phật tử. Một lối đi quanh co trát bằng những cục đá nhỏ chạy dọc theo chu vi vườn và bao quanh mấy tảng đá. Lối đi không có ngõ vào và ngõ ra, tượng trưng cho triết lý căn bản Phật giáo về cuộc sống không có khởi đầu và kết thúc. Mấy hàng cây nhỏ, cắt tỉa gọn gàng mọc dọc theo lối đi. Nửa tá băng ghế gỗ nhỏ nằm rải rác xung quanh. Hai băng ghế đứng cạnh một ao nhỏ có nước trong veo bao phủ bởi những cụm hoa sen trắng nổi lềnh bềnh.

Khâm thường đi bộ thong thả trên lối đi sau một ngày ngự triều mệt mỏi. Chiều nay, cha anh đến thăm anh cho một cuộc thảo luận quan trọng. Mặc dù không phải là đương kim hoàng đế, Thái Thượng Hoàng có ảnh hưởng đáng kể với con trai mình về các vấn đề triều đình.

Lên ngôi sáu năm trước đó ở tuổi hai mươi, Khâm đã trở thành một Hoàng đế trưởng thành và kinh nghiệm của Đại Việt. Anh có thể coi sóc việc triều đình một cách hiệu quả mà không cần sự giúp đỡ vua cha, nhưng theo truyền thống gia đình, anh thường tìm kiếm lời khuyên vua cha về những vấn đề quan trọng cho đất nước. Theo truyền thống hoàng gia khởi đầu bởi ông nội anh, vua Trần Thái Tông, khi thái tử được xem như có khả năng trị vì hoặc khi vị Thái Thượng Hoàng qua đời, Hoàng đế trị vì sẽ thoái vị ngai vàng mình nhường cho thái tử và trở thành Thái Thượng Hoàng. Thái Thượng Hoàng vẫn hoạt động trong vấn đề triều đình và sẵn sàng cho tư vấn. Truyền thống đó nhắm vào hai mục đích: mục đích thứ nhất là cho vị tân Hoàng đế một giai đoạn chuyển tiếp để ông dễ dàng trong việc đảm nhận trách nhiệm mới là người lãnh đạo tối cao quốc gia, và mục đích thứ nhì, có lẽ quan trọng hơn, là để ngăn chặn sự ganh đua giữa các anh chị em hoặc quan chức trong triều đình. Với vị cựu Hoàng đế vẫn còn hoạt động trong các vấn đề triều đình, ai muốn thách thức vị tân Hoàng đế phải suy nghĩ lại.

Khâm là một nhà lãnh đạo tài ba. Hai mươi sáu tuổi, anh đã thể hiện tài năng và đức hạnh mình là một minh quân. Cha anh, Hoàng, cũng là một người cai trị khôn ngoan và thông minh. Cùng với nhau, hai vị vua cha và con cùng trị vì trong sáu năm mà không có dấu hiệu suy đồi trong nhiều năm tới.

Cả hai đi trên lối đi một lúc mà không nói một lời. Đó là thói quen họ. Họ thường bắt đầu thảo luận sau một thời gian yên tịnh. Được một lúc, Hoàng ngồi xuống trên chiếc ghế dài bên cạnh mấy tảng đá. Khâm dừng bước và đứng trên lối đi, chắp tay ra phía trước. Cảnh một Hoàng đế trị vì giữ một tư thế kính trọng có vẻ khác thường, nhưng chẳng có gì lạ cho một vị vua Trần biểu lộ lòng kính trọng mình với vua cha.

"Con ngồi xuống đi," Hoàng nói, chỉ tay vào băng ghế đối diện.

"Vâng, xin phép cha." Khâm cúi nhẹ đầu và ngồi xuống.

"Việc triều đình hôm nay thế nào?" Hoàng hỏi.

"Thưa cha, cũng không có gì thực sự đáng kể, ngoại trừ Quốc công Tiết chế báo cáo nhận thư vua Chiêm Thành về sự tiến triển cuộc chiến chống Toa Đô."

Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn là anh mẹ Khâm và cũng là cha vợ Khâm. Ông cũng là vị tướng được sùng kính nhất trong triều đình nhà Trần.

"Thư nói gì?"

"Thưa cha, vua Chiêm Thành nói là quân Toa Đô đang kiệt quệ và chắc không còn tinh thần chiến đấu sau cuộc đấu tranh lâu dài trong đất Chiêm."

"Tốt lắm."

Mặt Hoàng suy tư. Ông trông già hơn tuổi ông bốn mươi bốn. Bên dưới chiếc mũ hoàng gia, những sợi tóc trắng vắt vưởng trên trán nhăn nheo. Nhưng đôi mắt cảnh giác ông sáng ngời.

"Thưa cha, có chuyện gì bận tâm cha?" Khâm hỏi.

Hoàng gật đầu. "Ừ, cha lo về kế hoạch của Hốt Tất Liệt."

"Chúng ta đã biết kế hoạch hắn. Hắn muốn Thoát Hoan tấn công chúng ta từ phía bắc và Toa Đô từ phía nam. "

"Đúng vậy, và chúng ta chuẩn bị cho chuyện đó như thế nào?"

"Kể từ hội nghị Bình Than, Quốc công Tiết chế và các Vương khác đã chuẩn bị cho việc phòng thủ vững chắc, bằng cách tổ chức quân đội và huấn luyện binh sĩ. Con đã giám sát tất cả hoạt động và hài lòng với sự tiến triển. Cuộc duyệt quân tại bến Đông Tân rất là uy dũng."

"Cha không thắc mắc gì về khả năng các Tướng và tinh thần binh lính chúng ta, nhưng cha vẫn không biết chúng ta có thể đương đầu với cuộc xâm lược. Người Mông Cổ nổi tiếng về máu tàn bạo và quân thiện chiến."

"Thưa cha, chúng ta đã đánh đuổi chúng 26 năm trước."

"Khâm con, con sinh ra ngay sau khi quân Mông Cổ rút lui. Con không biết sự thể như thế nào khi chúng xâm chiếm lúc đó."

"Cha đã nói với con về chuyện đó. Con biết chúng hung dữ và thiện chiến, nhưng chúng chỉ giỏi trên ngựa. Chúng không biết đánh nhau trên núi và sông rạch. Chúng ta biết rõ vì chúng ta đã gửi binh lính giúp xứ Chiêm Thành trong việc họ chống lại chúng."

Hoàng thở dài. "Đó chính là chuyện mà cha đang lo lắng."

Khâm ngạc nhiên. "Thưa cha, ý cha là gì?"

Hoàng chăm chú nhìn con trai mình. "Chúng ta phải dựa vào cuộc chiến tranh kéo dài với chúng để khiến chúng mệt mỏi. Chuyện đó có thể mất hai ba năm, như tại xứ Chiêm Thành. Dân ta sẽ phải làm gì trong những năm đó? Làm sao ta bảo vệ những người vô tội khỏi sự cướp bóc của chúng? Lần cuối chúng ở đây, chúng tàn sát tất cả dân Thăng Long. Cha không muốn chuyện tương tự lập lại."

Khâm cúi đầu giấu nét cau mày. Cha nói đúng. Làm sao chúng ta bảo vệ người dân vô tội khỏi sự khốc liệt của cuộc chiến tranh tàn nhẫn? Anh đã được kể về vụ thảm sát và cướp bóc, và chuyện đó đã làm phiền toái anh trong một thời gian. Thực tâm, anh không muốn tiến hành chiến tranh với quân Mông Cổ, nhưng đồng thời, anh cũng không thể chấp nhận yêu cầu chúng, vì anh biết chúng chỉ muốn xáp nhập Đại Việt thành một phần của lãnh thổ rộng lớn của chúng.

"Thưa cha, chúng ta nên làm gì?" anh hỏi.

Hoàng đặt tay lên vai con. "Cha biết con cũng có rắc rối. Cha đã suy nghĩ về chuyện đó trong vài ngày và cha có một ý tưởng."

Đôi mắt Khâm sáng lên. "Thưa cha, ý tưởng gì vậy?"

"Cha đã nói với con một lần về nguyên tắc căn bản của một chính quyền. Đó là nguyên tắc cai trị theo ý dân."

"Con hiểu." Anh thật sự hiểu, ít nhất là trên lý thuyết. Anh đã nghe cha mình nói điều đó hơn một lần, không phải chỉ với anh, mà còn với các vương Trần và các quan lại cao cấp. Anh biết dân là cốt lõi của chính quyền.

Khuôn mặt Hoàng trở nên long trọng. Ông nhìn thẳng vào mắt con trai mình. "Con, con có biết ý muốn dân về cuộc xâm lược Mông Cổ ra sao không?"

Khâm giật mình. Anh không chuẩn bị để trả lời một câu hỏi như vậy. Với anh, ý muốn dân được giao cho Hoàng đế, người được cho là đã được lựa chọn theo thiên mệnh. Không phải mình, qua sự được chọn làm hoàng đế, đại diện cho ý muốn dân hay sao? Tại sao mình cần phải biết ý muốn dân?

Hoàng mỉm cười. "Cha biết đó là một câu hỏi khó cho con. Chính cha cũng đã vật lộn với câu hỏi đó. Gần đây, cha có thêm thì giờ nghiên cứu lịch sử và triết lý của chúng ta và cha đã có nhiều ý tưởng hay."

"Thưa cha, con đang lắng nghe."

Hoàng đằng hắng. "Chúng ta lúc nào cũng được dạy để nghĩ rằng một hoàng đế được lựa chọn theo thiên mệnh và nếu ông ta mất thiên mệnh, người khác sẽ được lựa chọn để thay thế ông. Chính Thiên hoàng ban cho sức mạnh, trí tuệ và cơ hội để cho phép một Hoàng đế lên ngai vàng mình."

"Cha, chúng ta có thiên mệnh để cai trị đất nước không?" Khâm hỏi. Câu hỏi đặt ra bất ngờ, làm ngạc nhiên ngay cả chính anh. Đó là một câu hỏi anh chưa từng hỏi cha mình, nhưng đó cũng là một câu hỏi mà anh luôn luôn muốn được trả lời.

Hoàng suy nghĩ một lát và nói: "Con, cha không biết. Cha muốn tin rằng chúng ta có thiên mệnh để cai trị đất nước. Ông nội con trị vì ba mươi hai năm. Cha cai trị hai mươi năm. Con cai trị sáu năm cho đến nay. Ngoại trừ vài nhũng nhiễu bên ngoài, cả nước được thanh bình an lạc. Dân cư thịnh vượng. Năng suất cao. Có vẻ là chúng ta đang làm chuyện gì đúng."

Ông dừng lại thu thập ý nghĩ. "Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn thành sứ mệnh chúng ta. Từ những gì cha đã đọc và suy nghĩ, hình như là khái niệm truyền thống về thiên mệnh có thể không đầy đủ. Cha tin rằng chúng ta được lựa chọn là Hoàng đế, cho dù do một cuộc nổi dậy, chiếm đoạt quyền lực, hoặc bằng thừa kế, không phải vì chúng ta đã thỏa đáng được một số đòi hỏi, nhưng vì chúng ta được giao phó với một sứ mệnh. Và sứ mệnh đó là hành động theo ý muốn người dân của đất nước. Nếu một vị hoàng đế không đại diện cho ý muốn dân, hoặc được coi là không có khả năng làm điều đó, thì ông ta sẽ bị truất phế để người khác có cơ hội thực hiện sứ mệnh đó."

"Làm sao chúng ta biết ý muốn dân?"

Hoàng trầm ngâm. "Cha chưa nghĩ về chuyện đó cẩn thận cho lắm. Cha đã đọc sách và luận thuyết viết bởi nhiều học giả, nhưng cho đến nay cha vẫn chưa học được gì về chuyện đó. Ráng biết ý muốn dân chưa bao giờ được thực hiện trước đây. Không ở trong Đại Việt, không ở trong Trung Quốc, không ở trong bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới vương quốc với các hình thức chính quyền như của chúng ta."

"Thưa cha, xin tha thứ con vì nói điều này, nhưng cha có nghĩ lý do tại sao không ai viết về chuyện đó? Có thể là vì đó không phải là một ý tưởng hay?"

"Không, cha không nghĩ như vậy. Cha đã đọc một cuốn sách cổ về hình thức chính quyền của người Hy Lạp cổ đại và người La Mã về việc đại diện cho toàn dân. Vì vậy, ý tưởng việc dùng ý muốn dân trong việc cai trị đất nước không phải là hoàn toàn mới. Nó có thể là một ý tưởng hay bởi vì chính quyền họ kéo dài một thời gian lâu. Tuy nhiên, phong tục và truyền thống họ khác với chúng ta. Cái mà cha không tìm thấy là làm thế nào biết được ý muốn dân để duy trì thiên mệnh trong một chính phủ vương quốc của các vị vua và hoàng đế."

"Có lẽ vì hai hình thức không tương hợp. Giống như cố gắng bắn tên lửa trong nước."

Hoàng cười. "Hay lắm. Thí dụ tương tự của con rất là miêu tả."

Ông trở nên nghiêm trọng. "Nhưng thí dụ đó quá đơn giản. Cha nghĩ vấn đề phức tạp hơn nhiều. Cha đã dành thì giờ nghiên cứu sâu đậm giáo lý đạo Phật và cha khám phá được một chuyện thật tuyệt vời."

"Cha, xin cha khai sáng con."

Hoàng chỉ vào ao phủ đầy hoa sen. "Như con biết, Phật giáo dạy mối quan hệ giữa nhân và quả. Hoa sen là một loại cây nở hoa và gieo hạt giống cùng một lúc. Nó đại diện cho sự tồn tại cùng lúc của nhân quả. Đạt được mức độ của Phật trạng, ý thức thứ chín, là để có thể trộn lẫn nhân và quả để duy trì ý thức tinh khiết.

"Thiên mệnh có thể được xem như là hình thức của một ý thức căn bản tinh khiết như vậy, nơi nhân quả hiện hữu cùng lúc.Ý thức đó điều khiển hành vi của người cai trị. Nếu một người cai trị không làm theo cái hành vi quy định này, ông sẽ bị dân lật đổ. Vì vậy, hành vi ông ta là nguyên nhân của ý dân. Đồng thời, sự nổi lên của người cai trị được dân thúc đẩy. Nếu không có dân hỗ trợ, người cai trị không thể thành công trong việc đạt được hoặc giữ ngai vàng mình. Vì vậy, ý dân là nguyên nhân của sự thành công ông ta là người cai trị, sự thành công đó được duy trì bởi hành vi ông ta. Nói một cách khác, hành vi hay sự thành công của một người cai trị và ý dân đồng thời hiện hữu là nhân và quả lẫn nhau."

Khâm thất kinh. Anh đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Sự rõ ràng của lời cha anh như tinh thể pha lê. Sự thâm thúy như chiều sâu đại dương. Anh cảm thấy rộn rã và vui mừng.

"Thưa cha," anh nói, "chúng ta phải tìm cách để biết ý dân."

Hoàng gật đầu. "Đúng vậy, chúng ta bắt buộc phải. Chúng ta phải biết những gì dân Đại Việt muốn đối phó với nhà Nguyên. Cha không muốn nhìn thấy những bà mẹ khóc vì mất con, những người vợ khóc chồng, bởi vì hành động chúng ta trái với ý muốn họ."

Khâm đứng lên. Anh bước vào lối đi để nhặt một chiếc lá rơi. Một con chim bay qua, đậu trên đầu một nhánh cây run run, kêu chiêm chiếp một giai điệu ngắn, rồi bay đi. Âm thanh buồn của tiếng hót nó vẫn còn vương vấn trong bầu không khí. Khâm suy nghĩ về tiếng hót mà anh không hiểu. Con chim nói gì? Làm sao anh có thể hiểu ngôn ngữ nó khi anh là con người và con chim là con vật? Anh nhớ lại thầy anh có lần nói, "Ta phải nhìn vào thiên nhiên thật sự để trở thành Phật." Trở thành Phật là đạt được chân lý tuyệt đối. Nhưng nếu thiên nhiên không tự thể hiện trong một cách hữu hình mà anh có thể hiểu, thì làm sao anh có thể nhìn vào bản chất thiên nhiên thật sự? Thiên nhiên thật sự liên hệ với cai trị dân như thế nào? Cái móc nối đó phải là sự hiện hữu đất đai và sự sống còn của dân trên đất đai. Nhìn vào thiên nhiên là để biết ý muốn dân hoặc hiểu dân để cho dân sống còn và thịnh vượng. Đó là chân lý tuyệt đối.

Một câu chuyện thầy anh kể chợt loé ra trong óc anh. Đó là mẩu đối thoại giữa đức Phật và Vassakara, sứ giả vua Ajatasattu nước Magadha. Khi trả lời câu hỏi Vassakara về việc vua Ajatasattu có nên tấn công nước Vajjian, đức Phật nói,

"Miễn là người dân Vajjian họp thường xuyên, phân tán trong hòa đồng một cách thanh bình, thực hiện công việc họ trong hòa đồng, và kính trọng và lắng nghe các bậc trưởng lão, thì không những họ sẽ không bao giờ suy đồi, mà lại còn thịnh vượng."

Đương nhiên!

Khâm quay lại, mắt sáng ngời. "Thưa cha, chúng ta chỉ cần hỏi họ một câu hỏi trực tiếp."

"Con hỏi họ bằng cách nào?"

"Chúng ta sẽ tổ chức một hội nghị cho dân tham dự và chúng ta sẽ hỏi họ muốn đối phó với quân nhà Nguyên như thế nào."

"Hội nghị toàn dân?"

"Đúng vậy, thưa cha, đó là một hội họp của người dân," Khâm nói, giọng anh nhanh, mặt anh rạng rỡ. "Chỉ có thường dân tham dự. Sẽ không có quan lại, không có quan chức triều đình, không có đại diện chính quyền. Chúng ta sẽ thực hiện theo quyết định của đa số dân. Ta sẽ làm những gì họ muốn. Ta sẽ duy trì thiên mệnh bằng cách làm theo ý muốn dân."

"Con định mời bao nhiêu người ?"

"Chúng ta không thể mời tất cả mọi người bởi vì chuyện đó không thực tế để làm. Chúng ta sẽ chỉ mời các bậc trưởng lão, những người đã sống đủ lâu để biết những gì họ và gia đình họ muốn. Họ đại diện cho toàn dân."

Hoàng im lặng một chốc lát, rồi nói, "Đó là một diệu ý. Cha rất thích ý đó. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới vương quốc mà một hội nghị toàn dân đất nước được tổ chức."

Ông hơi cúi đầu về phía con mình. "Bệ hạ, quả nhân có thể có cái vinh dự chủ trì bữa yến tiệc cho dịp vô tiền khoáng hậu này được không?"

Thăng Long, 1284

Tiếng trống đã nổi lên một lúc rồi. Lúc đầu, không ai thèm để ý, nhưng khi nhịp trống đập kéo dài, sự tò mò của dân làng tăng dần. Họ nói chuyện với nhau và quyết định ra đền thờ ở lối vào làng.

Già Phú đang chơi cờ với ông bạn Khánh khi ông nghe tiếng trống khó chịu. Ông cố tập trung vào nước đi kế tiếp. Nhưng những âm thanh càng lúc càng trở nên bực bội hơn.

"Có chuyện gì vậy?" ông càu nhàu.

Một cậu bé, cháu ông, chạy vào. "Ông quan triều đình sắp đọc sắc lệnh Thái Thượng Hoàng."

Thật là bất thường mà triều đình phái viên chức đến làng. Mọi việc đều được trưởng làng thi hành.

"Mình đi coi xem chuyện gì vậy," già Khánh nói và đứng dậy trên thảm sàn.

Phú miễn cưỡng xỏ dép và theo Khánh ra ngoài.

Cao trên mặt đất, một viên chức triều đình trong một chiếc áo lụa xanh ngồi trên ghế với khuôn mặt uy nghiêm. Ông đang đọc lớn từ một mảnh giấy lụa vành tre. Một đám đông tụ tập quanh ông ta.

Phú chen lấn qua đám đông để đến gần viên quan hơn.

Viên quan dừng lại và nhìn lên đám đông. Ông quét mắt qua khán giả và hài lòng khi thấy những khuôn mặt sốt ruột.

Ông nhìn vào tờ giấy tiếp tục đọc. "Đây là lúc chúng ta quyết định trả lời thế nào. Câu hỏi là chúng ta có nên theo sự đòi hỏi quân Nguyên dưới hình thức đầu hàng hoặc chiến đấu chống lại chúng. Ta yêu cầu câu trả lời của các vị cho câu hỏi này càng sớm càng tốt. Các bô lão, tuổi trên 65, xin mời đến hội trường Diên Hồng để nói lên ý kiến các vị vào ngày thứ mười hai tháng chạp, giờ Ngọ. Ấn dấu Thái Thượng Hoàng Bảo Phù."

Một loạt trống nổi lên, báo hiệu kết thúc công báo. Viên quan ra hiệu cho binh lính ông đứng dưới. Họ lập tức đóng một miếng giấy có chứa sắc lệnh Thái Thượng Hoàng trên bảng gỗ gần cổng đền. Đây là cho những người không có dịp nghe công báo.

Đám đông giải tán nhanh chóng.

"Tôi không hiểu đây là chuyện gì," Phú nói khi bước về nhà với Khánh.

Khánh cau mày. "Ông không hiểu gì? Ông và tôi được mời tham dự hội nghị về việc đối phó với quân Nguyên."

"Tôi biết. Tôi nghe những gì lão ấy đọc. Nhưng tôi không hiểu tại sao lại là tụi mình? Mình biết gì về chuyện đầu hàng quân Nguyên hoặc đánh lại tụi nó?"

"Tôi cũng ngạc nhiên về điều đó. Tôi chưa bao giờ nghe một chuyện như thế. Triều đình cần vấn kế chúng ta? "

"Chuyện rất là khả nghi."

"Ông nghi gì?"

"Tôi chưa biết. Có lẽ họ định đầu hàng và sẽ báo cáo ai muốn đánh quân Nguyên."

Khánh phá lên cưởi. "Nhưng sao chỉ có đám già tụi mình mà không phải tụi trẻ? Giặc Nguyên có lợi gì bắt một đám già? "

Trong khi già Phú và Khánh đang cãi cọ về ý định thực sự của triều đình mời họ đến hội nghị toàn dân, cả thành Thăng Long và các huyện lỵ gần đó, hàng trăm người, già và trẻ, đang thảo luận nghiêm trọng sau khi họ đọc hoặc nghe bản công báo.

Cụ Mưu, sáu mươi bảy tuổi, không được khỏe trong vài ngày qua, nhưng sắc lệnh Thái Thượng Hoàng làm ông phấn khởi. Ông nghĩ về chuyện đó cả ngày. Đến tối, ông triệu tập bốn con và các dâu rể đến phòng.

"Tất cả các con biết về sắc lệnh Thái Thượng Hoàng, phải không?" Mưu, nhìn Thọ, con trai cả của ông.

Thọ gật đầu. "Thưa cha, đúng vậy. Chúng con nói về chuyện đó cả ngày ở ngoài đồng."

"Con muốn đánh hay hàng?"

Thọ liếc nhìn các em và em dâu rể. "Cá nhân con muốn đánh, nhưng nhiều người muốn đầu hàng. Họ không muốn mất thu hoạch ruộng lúa họ."

"Tại sao con muốn đánh?"

"Chúng ta không thể để cho quân Nguyên chiếm đất mình. Chúng sẽ không cho mình tự do và chúng sẽ cướp bóc mình."

"Nếu phe ta thua thì sao? Nếu ta thua, đàng nào chúng cũng sẽ chiếm đất mình và thậm chí còn kiếm cớ trừng phạt mình là đã khiến chúng phải chiến đấu."

"Chẳng thà con đánh và bị thua còn hơn là đầu hàng mà không biết sự thể như thế nào. Nếu mình đánh, mình có cơ hội thắng. Nếu mình hàng, mình không có cách nào thắng được nữa."

Mưu gật đầu hài lòng. Thọ đã chiến đấu trong quân lính nhà Trần trong cuộc tấn công Mông Cổ lần đầu tiên. Anh ta biết sự thể như thế nào. Mưu quay sang mấy người con khác.

"Con nghĩ mình nên đầu hàng," Trương, đứa con trai út, nói.

"Tại sao?"

"Lý lẽ anh Thọ dựa vào một cơ hội chiến thắng, nhưng nếu mình muốn có một cuộc sống dễ dàng chắc chắn, thì bằng cách đầu hàng mình sẽ chắc chắn rằng mạng sống mình sẽ được tha. Nếu chọn đánh nhau, mình sẽ làm quân Mông Cổ tức giận, và nếu mình thua, chúng sẽ tàn sát dân mình như lần trước."

Thọ lắc đầu. "Không, em sai rồi. Đầu hàng là hèn nhát, nó cho chúng thấy nhược điểm mình. Đầu hàng không cho em một cuộc sống dễ dàng chắc chắn. Mình biết lũ Hán như thế nào. Chúng hằng muốn cướp bóc nước ta cả bao nhiêu thế kỷ. Cho dù mình đầu hàng, chúng vẫn sẽ đặt ách và xiềng xích lên đầu cổ dân mình, thu thuế, nô lệ hóa mình, và buộc mình phải lao động nặng nhọc trong rừng, núi, và hầm mỏ. Chúng sẽ lấy đá quý hiếm, vàng, đồ trang sức, súc vật, người trí thức, và gái đẹp về đất chúng."

"Mông Cổ không phải là Hán."

"Chúng cùng một thứ."

"Ít nhất chúng sẽ tha mạng sống mình."

"Chuyện đó mình chưa biết. Ngoài ra, sống làm nô lệ thì có ích gì?"

"Chết và để vợ là góa phụ và con mồ côi cha thì có ích gì?"

"Nếu anh chết vì chiến đấu với kẻ thù, chị sẽ hãnh diện về anh. Các con anh sẽ hãnh diện về anh. Chúng nó sẽ lớn lên mạnh mẽ."

Mưu can thiệp. "Thôi, đừng cãi nhau nữa. Tao đã nghe đủ rồi."

Cụ nhìn Trương bằng tia nhìn khinh bỉ. "Trương, tao thất vọng về mày. Mày trẻ tuổi nhất, chỉ có 24 tuổi, mà mày đã mất hùng khí. Anh mày nói đúng. Sống như nô lệ thì có ích gì? Mày mất tự do và mày mất nhân phẩm mày. Đừng quên rằng chúng ta là con Rồng cháu Tiên không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù."

Hội trường Diên Hồng, Thăng Long, cuối tháng một năm 1285

Chưa tới giờ Ngọ, nhưng buổi yến trước hội nghị đã tới cao điểm. Thật là một quang cảnh đáng kể. Từng đoàn người hội tụ về Hội trường Diên Hồng từ mọi phố xá ở Thăng Long. Xe ngựa đến từng chiếc một, thả khách tại cổng vào. Bãi cỏ trước của Hội trường Diên Hồng gần đầy khách khứa. Hàng ngàn bô lão, trong đủ loại y phục, ngồi hàng này sang hàng khác trên những chiếc ghế gỗ xếp ngang qua bãi cỏ lớn. Đây là lần đầu tiên họ được dự một bữa tiệc hoàng gia và diện kiến Thái Thượng Hoàng. Vài cụ mặc quần áo nông dân với khăn xếp nâu trên đầu. Các viên chức triều đình và lính gác sải bước qua lại, dẫn khách đến chỗ ngồi. Một số kiên nhẫn nắm tay những cụ chỉ có thể bước chậm chạp, dẫn họ vào chỗ ngồi đặc biệt, quanh bàn riêng biệt, dành riêng cho những người khó khăn đi đứng.

Khi tiếng trống loan báo giờ Ngọ khua vang, bữa tiệc bắt đầu. Đoàn triều thần mang khay lớn chất đầy vịt quay, gà luộc, thịt heo, thịt bò nướng, cá hấp, và mọi loại món ngon. Khi các triều thần đặt khay trên bàn trước mặt khách, các bô lão hoảng kinh khi nhìn thấy thức ăn ngon mà nhiều người chưa từng bao giờ được nếm. Một số nhanh tay cầm đũa lên, nhưng bỏ xuống khi các viên chức triều đình lườm họ.

"Chờ Thái Thượng Hoàng đã," họ nói.

Những bình rượu lớn và nước trái cây được đặt ở hai đầu các bàn, bên cạnh mấy bình trà sơn mài, đĩa, tách, và đũa ngà voi.

Cao trên mặt đất, trước mặt khách, một chiếc bàn dài kê trên một bệ dành cho gia đình Thái Thượng Hoàng. Một loạt trống nổi lên và một quan chức triều đình trong chiếc áo đầy màu sắc loan báo lớn tiếng, "Thái Thượng Hoàng và gia đình ngài."

Mọi người đứng dậy và quay đầu về lối đi dẫn đến bệ. Thái Thượng Hoàng Bảo Phù Trần Hoàng dẫn đầu hàng nam nữ trong trang phục hoàng gia. Hoàng mặc đơn giản. Ông mặc một chiếc áo choàng xanh chật và mũ trắng. Mặt ông rạng rỡ. Ông vẫy tay chào đám đông với nụ cười thật tươi trên mặt. Các bô lão Đại Việt vui mừng khi thấy ông lần đầu trong 26 năm từ ngày ông lên ngôi. Ông không còn là một con dấu trên các chỉ dụ hoàng gia. Ông hiện hữu trong xương thịt và mỉm cười hiền từ với họ.

Ông đứng trên khán đài, mắt sáng ngời, giọng to và rõ lạ lùng. "Thưa các vị trưởng lão của Đại Việt, quả nhân, đại diện cho triều đình Đại Việt, xin chào mừng các vị đến Hội nghị Diên Hồng, hội nghị của dân và cho dân Đại Việt. Hãy bắt đầu tiệc. Hãy thưởng thức các món ăn ngon và rượu nồng."

Bữa tiệc bắt đầu ngay sau lời chào đón vắn tắt của ông. Các bô lão, không quen với thức ăn ngon nhưng phấn khởi với giây phút lịch sử của một hội nghị đầu tiên tổ chức tại triều đình vương quốc, ăn uống một cách thoải mái. Họ bắt đầu nói chuyện với nhau. Một số nói về con cháu, ruộng lúa mùa màng, cuộc sống, nhưng hầu hết tập trung đàm thoại về vấn đề đã mang mọi người cùng với nhau.

Già Phú chưa từng bao giờ có một bữa ăn ngon miệng như vậy trong cả đời ông. Ông chẳng thèm nghe những lời cãi cọ ồn ào xung quanh và cứ ăn miếng này sang miếng khác. Đặt đũa xuống, ông uống trọn ly rượu trắng ngọt. Trời! Họ lấy rượu này ở đâu vậy ta?

"Ông nghĩ mình có nên đầu hàng không?" Một cụ ngồi trước mặt ông hỏi.

"Đương nhiên rồi," Phú nói. "Làm sao mình chống lại ba trăm ngàn quân?"

"Có thật là nhiều như vậy không?"

"Con số này được phóng đại," Già Khánh nói, nhảy vào cuộc đàm thoại. "Tụi nó lan truyền tin đồn để đe dọa chúng ta."

"Đông bao nhiêu cũng chẳng quan trọng. Bọn chúng sẽ không trở về tay không như lần trước."

Mưu, ngồi bên cạnh Phú, cau mày. "Ông già, làm sao ông có thể nói một điều như vậy? Ông định để chúng nó tàn sát mình như lần trước hay sao?"

"Chúng sẽ không tàn sát nếu chúng ta đầu hàng."

"Ông thật sự nghĩ vậy sao? Sao ông có thể ngây thơ đến độ như vậy?"

Những người khác nhảy vào. "Tôi sẽ không đầu hàng."

"Chúng nó sẽ không chạm vào đất của tôi."

"Các con tôi sẽ tòng quân chống lại chúng."

Ý kiến khác nhau, họ giải thích, phân tích, lý luận, và cãi lại. Lời xưa được trích dẫn, thơ lịch sử được ngâm.

Đến cuối giờ Ngọ, bữa tiệc kết thúc. Hàng chục triều thần đến, dọn dẹp tất cả các bình rượu, khay, đĩa thức ăn, đũa, nhưng để bình trà và ly tách trên bàn. Các bô lão nhấp trà trong im lặng. Họ đã quyết định về vấn đề sẽ được đưa ra bởi Thái Thượng Hoàng.

Sau hai tiếng trống, Hoàng xuất hiện trở lại trên bục. Vẫn với nụ cười hiền hòa và giọng nói rõ ràng, mạnh mẽ, ông nói, "Các trưởng lão Đại Việt, quả nhân hy vọng các vị đã có thời gian tuyệt vời với các món ăn ngon và rượu ngọt nồng. Bây giờ chúng ta bắt đầu cuộc thảo luận về câu hỏi quan trọng quốc gia mà có thể quyết định số phận đất nước Đại Việt vĩ đại." 

Đám phục dịch triều đình dẫn mọi bô lão tới một khu đất bằng phẳng bên cạnh sân cỏ. Họ tạo thành những vòng tròn quanh một sân thượng cao với cầu thang ở hai bên dốc. Khu đất nhỏ hơn nhưng chỗ được xử dụng hiệu quả vì không có bàn ghế.

Bây giờ đã quá trưa. Mặt trời lên cao trên bầu trời, toả những tia sáng làm ấm áp mặt đất vào ngày thứ mười hai tháng 12 âm lịch. Kèm hai bên bởi bốn vệ sĩ, Hoàng sải bước từ bãi cỏ tới sân thượng. Các bô lão bước sang một bên nhường chỗ cho ông bước lên. Ông bước lên mấy bực thang và vẫy tay xua các vệ sĩ đi.

Đứng dưới bóng mát chiếc dù lớn, Hoàng quét mắt qua những bô lão đứng ngồi quanh ông. Ông thấy những khuôn mặt xương xẩu, những cặp mắt trũng, má hóp, tóc bạc trắng, da nhăn nheo, răng rụng, lưng còm. Trong chớp mắt, ông cảm thấy ngán ngẩm về những gì ông thấy. Đây có phải là những người dân Đại Việt? Đây có phải là những người sẽ quyết định ảnh hưởng đến tất cả cuộc sống và thế hệ sau này của đất nước? Nhưng chẳng bao lâu, một cảm giác xấu hổ chế ngự ông khi ông nhớ rằng nhiều năm trước đây, họ đã từng là nông dân, người làm ruộng, người trồng tược, thương nhân, thợ thủ công, lính đã làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình họ, để dậy dỗ trẻ em, bảo vệ đất đai họ. Nếu họ không phải là dân Đại Việt, thì ai bây giờ? 

Khi ông nhìn quanh, ông bắt gặp ba bóng người trên ngựa trên một đỉnh đồi xa xa. Các hình bóng quen thuộc, nhưng ông không thể nhớ họ từ đâu. Ông quay sang những bô lão đứng quanh ông với khuôn mặt chờ đợi. Đã tới lúc ông nói.

Ông cao giọng. "Các vị trưởng lão Đại Việt, các vị đại diện cho trí khôn ngoan người Đại Việt. Các vị ở đây ngày hôm nay để tham dự một quyết định tối hệ trọng cho đất nước ta. Cho dù kết quả hội nghị như thế nào, các vị được cám ơn vì đã đến đây. Quả nhân cảm ơn các vị. Triều đình Trần cảm ơn các vị. Đất nước này cảm ơn các vị."

Ông dừng lại. "Quân Mông Cổ của triều đại nhà Nguyên đang chuẩn bị xâm lược nước ta. Đại Hoàng đế người Mông Cổ và người sáng lập triều đại nhà Nguyên, Hốt Tất Liệt, giao phó cuộc xâm lược cho con trai hắn, Thoát Hoan, kẻ sẽ dẫn một đội quân mười vạn, có hai mươi vạn dân công và quân hậu cần hỗ trợ, tiến vào Đại Việt từ miền Bắc. Đại quân này sẽ phối hợp với quân lãnh đạo bởi tướng Toa Đô từ miền Nam. Chúng ta đang ở trong nguy cơ bị tấn công từ cả hai ngạnh. Chúng ta đã chuẩn bị bảo vệ đất nước chúng ta. Hoàng đế, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn, và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, cùng với các vương thần và tướng lãnh khác, đã huy động, đào tạo, và tổ chức quân ta trong hai năm qua. Chúng ta sẽ bảo vệ đất nước chống lại những kẻ hung tợn từ miền Bắc, trong tinh thần của hai chị em bà Trưng, bà Triệu, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, và Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, nhiều vị vẫn có thể nhớ, cách đây 26 năm, quân Mông Cổ nghiền nát quân ta trong cuộc xâm lược đầu tiên của chúng và chiếm đóng Thăng Long. Triều đình hoàng gia và quân ta phải rút về phương Nam để tránh đổ máu. Quân Mông Cổ đốt nhà, giết người vô tội trong lúc chúng chiếm đóng. Nhờ thiên ân, ván cờ quay ngược lại. Quân Mông Cổ bị bệnh và thiếu thực phẩm, vật liệu, vì vậy chúng đã phải rút lui về đất chúng. Nhưng đó là một bài học chúng ta sẽ không bao giờ quên.

"Bây giờ, chúng trở lại lần nữa, với ý định tương tự, ngoại trừ lần này chúng mạnh hơn rất nhiều và trang bị kỹ lưỡng hơn. Chúng yêu cầu chúng ta tuân theo yêu cầu cho chúng dùng đất ta trong chuyến viễn chinh tới Vương quốc Chiêm Thành. Nhưng rõ ràng đó là cớ cho chúng xâm chiếm đất nước ta với mưu đồ xáp nhập nước Đại Việt vào lãnh thổ chúng. "

Ông dừng lại. "Ta chỉ có hai lựa chọn. Trong lựa chọn thứ nhất, chúng ta đồng ý theo yêu cầu của chúng và để chúng chiếm đóng đất ta. Nói cách khác, chúng ta đầu hàng. Trong lựa chọn thứ nhì, chúng ta đồng tâm chiến đấu chống lại chúng, đánh đuổi chúng ra khỏi đất ta. Các vị tới đây để quyết định chuyện đó. Các vị tới đây để nói với Hoàng đế, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải phải làm gì. Bất cứ các vị quyết định thế nào, Hoàng đế sẽ làm theo. Hoàng đế sẽ lắng nghe lời khuyên các vị, theo sự khôn ngoan các vị, và đồng ý với quyết định các vị. Đó là ý muốn của người dân cai trị đất đai của người dân."

Ông cao giọng. "Các vị, các trưởng lão Đại Việt, bây giờ sẽ có một cơ hội để phát biểu. Hãy cho triều đình biết các vị muốn đầu hàng hay đánh."

Những tiếng nói nhỏ và thì thầm bắt đầu lan ra trong đám đông.

"Tôi nói ta đánh cho đến chết."

"Hãy chiến đấu."

"Chúng ta không thể chống lại chúng."

"Đầu hàng là cách tốt nhất."

"Chúng nó sẽ giết tất cả chúng ta nếu chúng ta chống lại chúng."

"Ta không thể để cho chúng nó cướp đất ta."

"Tôi thà chết còn hơn sống với chúng."

Hoàng giơ tay lên. "Hãy nghe những gì các vị muốn nói. Hãy nói to hơn. Các vị muốn đầu hàng hay đánh?"

Những tiếng nói lớn rải rác trong đám đông. Những nắm tay giơ lên trên không.

"Hãy đánh."

"Giết chúng."

"Đánh."

"Đầu hàng."

"Đánh."

Vài người đã bày tỏ ý đầu hàng lúng túng nhìn nhau. Họ đã không đoán trước họ là một thiểu số rất nhỏ. Họ không biết có nên tiếp tục la hét đầu hàng hoặc đổi phiếu. Già Phú nhìn quanh quất, nhưng vội tránh những tia mắt trừng trừng từ những người khác. Ông xoa cằm và gật gù, ra vẻ như đang suy nghĩ dữ dội lắm.

Hoàng hét lên, giọng ông to và mạnh mẽ. "Quả nhân không nghe rõ. Đầu hàng hay đánh?"

Đám đông trở nên kích động. Những cặp mắt sâu trũng sáng ngời lên. Những lưng còng đứng thẳng lên. Những miệng mất răng há to. Đám thiểu số quyết định không có lý do gì duy trì phiếu của họ. Đa số đã thắng và họ nên đổi phiếu. Già Phú giơ tay lên.

"Đánh!"

"Đánh!"

"Đánh!"

Những tiếng hét bây giờ thành một. Họ hét lên cùng một lúc với cùng một nhịp điệu. Tay nắm họ bóp chặt. Mắt họ tỏa sáng. Họ đấm vào không khí sau mỗi tiếng hét.

Hoàng hét lên, "Đầu hàng hay đánh?"

"Đánh!"

"Đầu hàng hay đánh?"

"Đánh!"

"Đầu hàng hay đánh?"

"Đánh!"

Các ông già tóc trắng, hầu hết ở tuổi bảy mươi hơn, biến thành một đám đông giận dữ. Như thể là họ tích tụ sự tức giận bên trong đã quá lâu và đến lúc giải thoát cơn giận dữ mãnh liệt. Mắt họ càng lúc càng sáng rực lên. Cánh tay họ càng lúc càng giơ cao hơn. Tiếng họ càng lúc càng to hơn. Chẳng mấy chốc, hàng ngàn tiếng trở thành một tiếng gầm như sấm độc nhất, lập lại với cùng một năng lực. "Đánh!" Tiếng hét bùng lên, nổ tung lên bầu trời, vang vọng quanh thành, xé toang không khí.

Niềm phấn khích tràn ngập Hoàng. Ông không ngờ một phản ứng như thế. Ông đứng sững trên sân thượng, để tiếng gầm thét của hàng ngàn tiếng nói đánh mạnh vào ông. Các triều thần, vệ sĩ, những người hầu đứng há hốc miệng hãi hùng, nhìn đám đông với vẻ mặt kinh hoàng. Đó là một cảnh họ chưa từng bao giờ thấy. Ngay cả lính bước trong các diễn hành quân sự cũng không thể tạo ra hàng loạt tiếng thét mạnh bạo và xé tai cùng lúc một cách hoàn hảo như vậy.

Âm thanh vang dội trên Thăng Long thành, lan tràn qua các đường phố trong nội thành và ra cả đến ngoại thành, nơi thường dân sống. Mọi người dừng hoạt động và nhìn về phía cung điện với vẻ mặt hoảng kinh. Họ biết về Hội nghị Diên Hồng và sắc lệnh của Thái Thượng Hoàng. Nhưng họ không ngờ nghe tiếng các bô lão trong cơn bùng nổ kỳ diệu như vậy.

"Đánh! Đánh! Đánh!"

"Đánh! Đánh! Đánh!"

"Đánh! Đánh! Đánh!"

Tiếng hét rung chuyển bầu không khí với một nhịp điệu rõ ràng, như những tiếng trống hùng tráng thúc giục những người lính trên bãi chiến trường đẫm máu, như những tiếng sấm mạnh mẽ xé trái đất trong cơn bão điên cuồng, như những đợt sóng khổng lồ lao vào mặt nước trong biển cả giận dữ. Trang nghiêm và hoành tráng.

Từ xa xa, trên đỉnh đồi, ba người ngồi trên lưng ngựa nghe những tiếng thét điếc tai.

Kèm hai bên bởi Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải, Hoàng đế Thiệu Bảo Trần Khâm mỉm cười, những giọt nước mắt lăn dài trên mặt anh.

*

GHI CHÚ LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN

Phần sau đây được trích từ Cao-Đắc (2014, 339-340).

CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI (1284 - 1285)

Ảnh hưởng Phật giáo trên triều đình nhà Trần đã được biết nhiều (Nguyễn 2009, 125-161). Vị vua sáng lập triều đại nhà Trần, Trần Thái Tông, là tác giả của ít nhất năm cuốn sách về Phật giáo. Trần Khâm (Nhân Tông) là người sáng lập phái Trúc Lâm sau khi rời khỏi cuộc sống hoàng gia. Không rõ là các vị vua Trần có áp dụng những nguyên lý Phật giáo để thúc đẩy chính quyền dân chủ, nhưng có bằng chứng về ảnh hưởng này. Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Nguyễn 2009, 131) ghi rằng những ý tưởng như 'thân mật với dân,' coi dân như 'gốc rễ,' được cụ thể hoá trong những diễn văn của Nhân Tông hoặc Trần Hưng Đạo và đã được thể hiện trong lời khuyên của Trúc Lâm với Trần Thái Tông năm 1236: 'Phàm làm đấng nhân-quân, phải lấy ý muốn của thiên-hạ làm ý mình.’ (Phần mở đầu của Thiền Tông Chỉ Nam, Khóa Hư Lục). Trong một câu chuyện (Narada 1991, 129-130), khi được hỏi về nước Vajjian, Đức Phật tuyên bố (1) miễn là dân Vajjians họp thường xuyên và tổ chức nhiều cuộc họp; (2) miễn là họ họp với nhau trong đoàn kết, tăng tiến trong đoàn kết và thi hành nhiệm vụ trong đoàn kết; . . .; (4) miễn là họ hỗ trợ, tôn trọng, kính nể và vinh danh các trưởng lão Vajjian, và chú ý tới lời nói xứng đáng của họ. . . - thì dân Vajjians sẽ không suy đồi, mà còn phát triển thịnh vượng.

Hội Nghị Toàn Dân tại Diên Hồng được ghi trong nhiều tài liệu lịch sử. ĐVSKTT (II: 53) ghi chú rằng "Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói 'đánh,' muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng." Ngô Sĩ Liên nhận xét: "Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi."(ĐVSKTT, II: 53) Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho các trưởng lão ở Diên Hồng không phải là về kế hoạch chi tiết để chống lại quân Nguyên, mà về Đại Việt có nên thỏa mãn lời đòi hỏi của quân Nguyên (nghĩa là đầu hàng) hoặc chống lại. Việc chuẩn bị phòng thủ đã xảy ra hai năm trước khi cuộc xâm lược thực sự, và có vẻ là triều đình nhà Trần đã sẵn sàng bảo vệ đất đai. Vậy thì, mục đích thực sự của Hội Nghị toàn dân tại Diên Hồng là gì? Người ta chỉ có thể phỏng đoán rằng Trần Thánh Tông muốn bảo đảm rằng Nhân Tông và sự chuẩn bị của các vương Trần cho cuộc chiến tranh sắp xảy ra là phù hợp với mong muốn toàn dân. Cũng có thể là các vua Trần muốn dùng tiếng nói các trưởng lão như công cụ tuyên truyền để tập hợp nhân dân chuẩn bị bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, vì Hội Nghị Diên Hồng được tổ chức chỉ một lần (thực ra nó là một hội nghị toàn dân duy nhất trong lịch sử Việt Nam), có vẻ là các vua Trần không có kế hoạch dùng nó như một công cụ tuyên truyền.

*

DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO

(Biên tập cho phần trích này)

Cao-Đắc, Tuấn. 2014. Lửa Cháy Trong Mưa. Dịch từ văn bản tiếng Anh bởi Cao-Đắc Tuấn. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.

ĐVSKTT. Ngô Sĩ Liên. 2004. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT), “Nội các quan bản" edition (1697). Dựa trên Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên; Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, and Lê Hy bổ sung. Dịch và ghi chú bởi Ngô Đức Thọ (Quyển I), Hoàng Văn Lâu (Quyển II & III) (1697), Quyển I, II, and III, Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, Việt Nam

Narada, Mahathera. 1991. The Buddha and His Teachings. Hoa Nghiem Buddhist Monastery. California, U.S.A.

Nguyen Tai Thu (Chief Ed.). 2009. The History of Buddhism in Vietnam (Cultural Heritage and Contemporary Change. Series IIID, South East Asia, Vol. 5) (Cultural Heritage and Contemporary Change. Series III, Asia), Council for Research in Values & Philosophy, Washington DC, U.S.A.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo