Nghĩ từ chữ "cựu" nghĩ đến "tù nhân lương tâm" (phần 1) - Dân Làm Báo

Nghĩ từ chữ "cựu" nghĩ đến "tù nhân lương tâm" (phần 1)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Một hội thành lập vào ngày 18/02/2014 có tên "Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam", gồm có 83 thành viên - trong đó có những người đã và đang... ở tù (Bùi Thị Minh Hằng) hay "tù treo" (Đinh Nhật Uy, Nguyễn Phương Uyên) - những người này vì những lý do đều nằm trong bản dịch của blogger Huỳnh Khánh Vy [*], nói về định nghĩa "tù nhân chính trị".

Hội này có [1]:

Hai (02) vị Đồng Chủ tịch: Bs Nguyễn Đan Quế và Lm Phan Văn Lợi.
Hai (02) Điều phối viên: Phạm Bá Hải và Nguyễn Văn Đài.
Một (01) Chủ tịch Hội đồng Cố vấn: HT Thích Không Tánh.

Cùng với 4 ban: Ban Thông Tin, Ban Xã Hội, Ban Pháp Chế, Ban Đối Ngoại. Ngoài ra, có một "Hội đồng Cố vấn hội CTNLT".

"Cựu" có nên dùng trong mọi trường hợp?:

Nhiều người biết chữ "Cựu Ước" [2] và "Tân Ước" [3] xuất phát từ Kinh Thánh của Công Giáo, trong đó: Cựu Ước" chỉ phần đầu của toàn bộ Kinh Thánh Kitô giáo và "Tân Ước" chỉ phần cuối của Kinh Thánh Kitô giáo - ra đời sau năm 45 sau công nguyên tới trước năm 140 sau công nguyên. 

Cội rễ đó có lẽ dẫn đến trong ngôn ngữ hàng ngày, người Việt đã vận dụng để dùng từ "cựu" chỉ cho cái xảy ra trước so với từ "tân" để chỉ cái xảy ra sau? 

"Cựu" và "tân" luôn liên quan mật thiết, bổ sung, chỉnh sửa, cả mở rộng và nâng cao ý nghĩa trên thực tế cuộc sống trong xã hội loài người? Có vẻ, "cặp từ" này tiếp tục làm cho thực tế hữu ích (về kinh nghiệm), tiếp tục tác động lên tư tưởng và hành động trong quá trình sự việc, hiện tượng diễn ra mang tính liên tục? Không những thế, hai từ mang đầy ý nghĩa này vẫn tác động lẫn tác dụng qua lại với nhau trong hiện tại và cả tương lai của quá trình thải loại và tiếp nhận của lịch sử tiến hóa không bao giờ ngừng nghỉ? 

Nói cách khác, "cựu" và "tân" có mối liên hệ chặt chẽ theo phạm trù "Nguyên nhân - Kết quả", không tách rời nhau suốt cả quá trình vận động liên tục. Vận động là tuyệt đối, đứng yên là tương đối. "Vận động - Đứng yên" cũng là một cặp phạm trù trong triết học, bất kể đó là trường phái triết học nào. 

Một ngữ nghĩa nào đó, nó liên quan đến cả "tiền bối" - "hậu bối", "tiên sinh" - "hậu sinh", "tiền nhiệm" - "kế nhiệm", "di chúc" - "kế thừa" v.v...? Phải chăng thế, mới có câu "Sóng sau xô sóng trước" hay "tre già măng mọc" v.v...?

Chúng ta cũng biết những ngạn ngữ: "Thủ Cựu Bài Tân" hay "Tống Cựu Nghinh Tân". Dù góc độ nào, những sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh từ "cựu" và từ "tân" để chúng ta quan sát, nghiên cứu từ đó loại bỏ hoặc gìn giữ; tiếp nhận và phát triển; dù đối tượng là vật thể hay phi vật thể. 

Thậm chí, trong cuộc sống đa dạng, phong phú và đầy những yếu tố (khách quan & chủ quan) bất ngờ không ai đoán trước được, có những thời đoạn "cựu" và "tân" hoán đổi cho nhau và bổ sung cho nhau chặt chẽ, nghĩa là "cựu" trở thành "tân" và "tân" có thể biến thành "cựu" để cho những "tân khác" sinh ra, dựa trên sự tiếp thu từ cái đã diễn ra. Lý luận này được thể hiện rõ nét, từ một trong các lĩnh vực đời sống - lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, ví dụ: thời trang, âm nhạc, ẩm thực v.v... mà chúng ta hay gọi là "trào lưu" và/hoặc "làm mới". 

Những năm gần đây người ta cũng nhắc lại tư tưởng "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của Phan Châu Trinh - một tư tưởng ngỡ đã rất xưa, đang được nhìn nhận lại và đánh giá cao trong bối cảnh "tranh tối tranh sáng" giữa sự rệu rã và suy tàn của chế độ CS cùng xã hội dân sự dần hình thành và đang phát triển? Đó góp phần lý giải thêm tính chất "cựu" và "tân" như phân tích trên?

Ngay cả trong lĩnh vực: chính trị, quân sự, đối ngoại v.v... hiện nay, quá trình này vẫn diễn ra. Minh chứng, sự bất ổn từ Ukraine cùng mâu thuẫn giữa Nga đối với Mỹ và phương Tây đang làm nhiều người lo lắng một "chiến tranh lạnh" (cựu) sắp tái diễn? Và nếu đó biến thành sự thật, có vẻ mức độ "cựu" đã trở thành "tân" với ý nghĩa: "mới hơn", "dữ dội hơn" và "khốc liệt hơn" so với quá khứ?

Trong cuộc sống, chúng ta thấy người đời và cả sách báo thường gọi: Cựu Tổng thống, Cựu Thủ Tướng, Cựu Đại Biểu Quốc Hội, Cựu Dân Biểu, Cựu Bộ Trưởng, Cựu Hoa Hậu, Cựu Vô Địch Thể Thao Thế Giới (môn gì đó) v.v... hay Cựu trào [4]. Người ta cũng gọi: Cựu Học Sinh (trung học), Cựu Sinh Viên (đại học), Cựu Quân Nhân, Cựu Chiến Binh (cụm từ này được xem xét ở phần dưới) [5] v.v...

Tuy nhiên, rất lạ lùng, khi trên Google nhan nhản tìm thấy: Cựu Linh Mục, Cựu Hòa Thượng, Cựu Kỹ Sư, Cựu Bác Sĩ, Cựu Cử Nhân, Cựu Giáo Sư, Cựu Tiến Sĩ, Cựu Nhà Báo, Cựu Nhà Văn, Cựu Nhà Thơ, Cựu Nhạc Sĩ, Cựu Ca Sĩ, Cựu Họa Sĩ, Cựu Luật Sư v.v... [6]

Dù "các cựu" nói trên có thể họ không còn làm việc theo chuyên môn, chuyển nghề hay song song làm một vài việc khác, nghỉ hưu hoặc không còn tiếp tục nghiên cứu chuyên môn hay sáng tác, sáng tạo trong lĩnh vực mà trước đây họ làm, thậm chí họ ngồi tù hay đã qua đời vì lý do tự nhiên, ngoại cảnh khách quan hoặc yếu tố con người tác động v.v... thì việc gọi "các kiểu cựu" như thế quả là "thần sầu quỷ khóc" cho tiếng Việt - vốn đã hỗn loạn kinh khiếp - hiện nay!. 

Cách gọi "cựu" như thế, nhất định sẽ làm nhạc sĩ Tô Hải khóc thét lên, mặc dù ông không còn sáng tác nhạc từ rất lâu (!). Hoặc giả nhạc sĩ Việt Khang đang ngồi trong... "nhà đá", giờ đây ở ngoài đời, phải chăng người ta gọi anh là: Cựu nhạc sĩ - Cựu ca sĩ - Cựu đánh trống [**] - Đương kim tù nhân lương tâm (?!) Trong tương lai, khi anh mãn hạn tù và anh tiếp tục được gọi là: cựu tù nhân lương tâm - đương kim nhạc sĩ - đương kim ca sĩ - đương kim tay trống (?!).

Và ngay cả tiến sĩ - bác sĩ Lê Hành, một lúc nào đó được mời trong một chương trình kỷ niệm "hát hò" nào đó, lúc đấy một "cựu" M.C hay "đương kim" M.C nào đó sẽ "hiên ngang": Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị, "cựu ca sĩ - đương kim tiến sĩ - bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Lê Hành" sẽ xuất hiện trở lại sân khấu với nhạc phẩm... (?)

Cũng có thể nó làm cho ngay cả ông Hữu Ước (nghe tin đã nghỉ hưu [7]) choáng váng mày mặt với đủ "các loại cựu": Cựu nhà báo - Cựu nhà thơ - Cựu nhạc sĩ - Cựu nhà nghiên cứu văn học - Cựu nhà biên kịch - Cựu tổng biên tập báo CAND - Cựu trung tướng công an - Cựu... đủ thứ và cả "cụ hưu trí"(?!)

Có lẽ còn thiếu... "Cựu Tù Nhân" (chưa bàn đến "Cựu tù nhân lương tâm") trong cách mà các trang báo gọi hiện nay (?). Nếu quả thật, một lúc nào đó nó cũng xuất hiện như: "cựu nhà thơ", "cựu nhà văn" v.v... quả là một đại thảm họa trong tiếng Việt? Hy vọng trong tương lai không phải nhìn thấy... "cựu tướng cướp" "nổi tiếng" nào đó mãn hạn tù, tiếp tục xuất hiện trong những vụ cướp khác (!). Nên chăng gọi: Bạch Hải Đường, Tín Mã Nàm, Đại Cathay cho đến Năm Cam, Dung Hà v.v... là các "cố - cựu tướng cướp"... lừng danh một thời (?).

Nhìn chung, khi sử dụng "cựu" không nên tách rời và coi như sự việc, hiện tượng đã qua không còn "dính líu" hay ảnh hưởng, tác động đến hiện tại, tương lai và cả khi so với "tân". 

"Cựu" cũng không có nghĩa là "cổ lỗ" hay "cái cũ" không còn "hoạt động" hiện tại, thay vào đó, nó nên được khẳng định ở giá trị lịch sử vẫn còn liên quan, hữu ích đến hiện tại và cả cho tương lai; không chỉ trong việc chiêm nghiệm đúc kết hay nghiên cứu mà nó còn mang cả giá trị văn hóa - tinh thần và cả giá trị vật thể - phi vật thể ở một góc độ nào đó. "Cựu" mang tính vĩnh cửu cho thế hệ về sau học hỏi và chiêm nghiệm. Không nên "đụng ai" nổi tiếng (dù ít hay nhiều) thì dùng chữ "cựu". Xin các "đương kim nhà báo" và các loại "nhà khác" hãy biết tiết chế và chừng mực cũng như hãy nghiên cứu kỹ "các loại cựu" để đừng "tàn phá" tiếng Việt một cách nhẫn tâm và thảm thương như thế!

Có nên sử dụng cụm từ "Cựu Tù Nhân Lương Tâm"?

"Tù nhân lương tâm" được đặt tên vào những năm đầu 1960, xuất phát từ chiến dịch "Lời kêu gọi cho Tổ chức Ân xá Quốc tế" [8] năm 1961.

Rất xa xưa, chữ "tù nhân" đã xuất hiện và được áp dụng phổ thông nhất cho tất cả những ai bị giam giữ trong một không gian lớn - nhỏ (tùy quan niệm và hoàn cảnh lịch sử) - gọi là "nhà tù", với một thời gian nhất định để đợi xét xử và sau đó bị trừng phạt vì tội lỗi, sai phạm của họ bị định ra, dù là khách quan hay chủ quan từ phía người nắm quyền xét xử. Đó là một nghĩa đen, chỉ ra tất cả những ai vi phạm luật pháp và luật lệ (những quốc gia còn áp dụng cả luật và cả lệ).

Theo đó, khi xã hội ngày càng phát triển, xuất hiện các cụm từ: "Tù nhân chính trị", "Tù nhân lương tâm". Những cụm từ này để chỉ những thân phận khác xa với những tội: giết người, cướp của, hiếp dâm, trộm cắp, lừa đảo v.v... thông thường gọi là "tù thường phạm". Một ngữ nghĩa nào đó, có thể nói, trong những thân phận tù đày này, mặc nhiên tự thân đã phân định "ngôi thứ" với "tù thường phạm"? Điều chỉ có trong các chế độ độc tài và những nơi còn tồn tại chế độ độc đảng toàn trị. Không thể chối bỏ!

"Trại Súc Vật" của George Orwell có viết: "Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác". Đó như là lời tố cáo đanh thép và không kém phần mỉa mai đối với chế độ cộng sản. Rất đau buồn, cho đến ngày nay nó vẫn đúng, khi nhà tù CS sử dụng "tù thường phạm" (thường gọi "đầu gấu" hay đại bàng") để hành hạ nhằm khuất phục "Tù Nhân Lương Tâm", trong khi có thể tránh tai tiếng trực tiếp.

Không những thế, nếu chúng ta "áp dụng" "học thuyết" này trong hoàn cảnh Việt Nam với Luật hình sự tại các điều 79, 86, 87,88, 258 v.v... sẽ thấy lồ lộ bản chất tàn ác và hiểm độc của người cộng sản đối với tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và cả tù nhân chiến tranh - như Cựu Đại Úy Nguyễn Hữu Cầu, Cựu Sĩ Quan Trương Văn Sương v.v...

Ngoại trừ trường hợp chịu án "tử hình" và đã thi hành án, tất cả tù nhân (nếu không chết trong quá trình thụ án) đều trở về để hòa nhập xã hội và được trả lại quyền công dân. Do đó, không thể gọi những ai đã từng ở tù là "cựu tù nhân". Ví dụ, mai này Lê Văn Luyện tự do, người ta không thể gọi Luyện là "cựu tù nhân" kèm theo những chữ "giết người" hay "cướp của" (chẳng hạn). Giả sử Luyện tái phạm trong một vụ việc tương tự nào đó, luật pháp sẽ xem xét để gọi là "người có tiền án". Ý nghĩa này cũng nói lên tính chất nhân bản, không mang tư tưởng kỳ thị với người đã chấp hành xong án tù. Điều rất nên suy ngẫm, trong một xã hội ngày càng phải văn minh hơn để theo kịp thế giới. Tuy nhiên, hiện nay giới công an, tòa án nói riêng và giới cầm quyền nói chung, thông thường sử dụng "người có tiền án tiền sự". Chữ "tiền sự" thật phi lý và vô nghĩa. Có lẽ chữ "tiền sự" gắn với những việc mà giới cầm quyền hay gắn kết với cái gọi là "vi phạm hành chính" chăng? 

Dù như thế, không nên "tội phạm hóa" chữ "tiền sự" như là một "tì vết" ghê gớm mang chất kỳ thị và luôn rình mò người gọi là "có tiền án tiền sự". Đó cũng phản ánh bản chất thâm độc và "thù dai", "để bụng" rất lâu của chế độ cộng sản Việt Nam suốt hàng chục năm qua, đặc biệt đối với người bất đồng chính kiến.

Ở một góc độ nào đó, khi cụm từ "Cựu Tù Nhân Lương Tâm" được sử dụng, dễ làm cho người ta hiểu lầm, ý nghĩa đó như là "việc ở tù đã xong", họ không còn trực tiếp chịu những đày đọa thể xác và tinh thần thường xuyên. Trong khi tất cả những ai mang danh "Tù Nhân Lương Tâm", dù ra khỏi nhà tù hay án treo, quản chế, họ vẫn đang gánh chịu nặng nề từ chế độ cộng sản, bất kể Việt Nam, Trung Quốc v.v... Thậm chí như LS. Lê Thị Công Nhân đã xong giai đoạn quản chế, nhưng giới cầm quyền vẫn không đối xử với chị như là một công dân bình thường như mọi công dân khác. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn - không có án quản chế và ra tù từ 12 năm về trước, vẫn liên tục bị bám theo rình mò, đánh đập và khủng bố tinh thần.

Ngoài ra, những người đang đấu tranh dân chủ - nhân quyền hiện nay, dù chưa thật sự bước vào "nhà tù" nhưng họ có khác gì "tù nhân lương tâm", ngoài việc vào "nhà đá" theo nghĩa đen? Nguyễn Hoàng Vi, Bùi Tuấn Lâm, Huỳnh Thục Vy, Châu Văn Thi, Anna Huyền Trang, Paulo Thành Nguyễn, Phương Nam Đỗ Nam Hải v.v... và hàng trăm người khác mà không thể nêu hết ra ngay một lúc. Thế cho nên, người đời mới gọi đến tên "nhà tù lớn" để nói về ý nghĩa này.

Mặt khác, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nhật Uy đang bị "án treo" (nhưng vẫn trong vòng kiềm tỏa và khủng bố, rình rập đủ kiểu) hoặc Bùi Thị Minh Hằng ngoài án tù 5 tháng không xét xử cách đây 2 năm, hiện đang bị nhốt tù tại Lấp Vò - Đồng Tháp, do đó, ý nghĩa chữ "Cựu TNLT" có vẻ không phù hợp với họ. 

Đối với thầy giáo Đinh Đăng Định, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, TS. Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Vũ Bình v.v... nên gọi "Tù Nhân Lương Tâm" hay "Cựu Tù Nhân Lương Tâm"?

Hiện nay, tại nước CHXHCNVN, người ở tù liên quan đến yếu tố chính trị, dù đã được trả tự do, dù còn hay hết hạn quản chế, dù chết nhưng nếu người thân vẫn còn đó, hầu như không một ai được thật sự yên ổn "làm ăn". Do đó, họ vẫn là Tù Nhân Lương Tâm - gọi hài hước - "đương kim TNLT". Họ vẫn trong vòng kiểm soát, theo dõi, khủng bố bằng tất cả các kiểu của giới cầm quyền. Việc sử dụng cụm từ "Cựu Tù Nhân Lương Tâm" cũng vô hình chung làm họ bị "đứt gãy" cả quá trình hy sinh, đấu tranh cho dân cho nước. 

Vì thế, cụm từ "Cựu Tù Nhân Lương Tâm", thiết nghĩ không nên sử dụng cho bất kỳ trường hợp nào liên quan đến đấu tranh dân chủ - nhân quyền, bất kể họ ở tù, hết án, quản chế, qua đời hay đang ở trong "nhà tù lớn".

(Còn nữa)

________________

[*] Con gái của tù nhân chính trị và giải Hellman - Hammet 2012 Huỳnh Ngọc Tuấn và em gái giải Hellman - Hammet 2012 - Huỳnh Thục Vy. http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2014/04/30/nghi-vien-au-chau-dinh-nghia-ve-tu-nhan-chinh-tri/




[4] Nghĩa là: triều đại trước hay lớp đi trước để lại nhiều ý nghĩa trong sự việc, hiện tượng, biến cố nào đó trong một giai đạon lịch sử nhất định và vẫn còn tác động, tác dụng cho các thế hệ về sau.

[5] Chữ "chiến binh" có vẻ là từ dùng thuộc thời đại "Chiếm hữu nô lệ" và "Phong kiến" mà chúng ta có thể tìm thấy ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_binh

Chữ "chiến binh" mà người CS sử dụng hiện nay, không cho thấy tính khoa học hiện đại trong quân sự. Đặc biệt, trong công nghệ quốc phòng hiện nay với vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, tàu ngầm thế hệ mới, vũ khí hạt nhân v.v... mà nhân loại đang rất lo ngại tính "hủy diệt hàng loạt" của chúng. 

Nói cách khác, "chiến binh" là từ quá xưa cũ, nó chỉ nên dùng cho diễn giải về lịch sử trung cổ hay nhiều lắm là những triều đại phong kiến thuộc thế kỷ 18 xa xưa. Nó có vẻ tốt hơn, khi phục vụ cho phim ảnh để giảng giải và phục dựng quá khứ lịch sử đã lụi tàn, hầu giúp cho quảng đại quần chúng học hỏi và thưởng thức những gì thuộc về dĩ vãng cũng như chiêm nghiệm cho hiện tại, góp phần cải thiện và hoàn thiện cuộc sống ngày nay. 

Tất nhiên, khi dùng chữ "chiến binh", chúng ta cũng có quyền "điện ảnh hóa", "cường điệu hóa" cũng như "thi vị hóa" cho sáng tác, nhưng không nên dùng với "tư cách" là ngữ nghĩa hiện đại, phổ quát mang tính chính thống, đặc biệt là trong xã hội thế kỷ 21. Do đó, cái gọi là "hội cựu chiến binh", nghe buồn cười, ấu trĩ và không có ý nghĩa thực tế cũng như kém tính hiện đại của ĐCSVN - một tổ chức luôn vỗ ngực "đỉnh cao trí tuệ". 

Có lẽ, người cộng sản rất "ghét" hay "sợ" chữ "quân nhân"? Nó dường như gợi nhớ về quá khứ Việt Nam Cộng Hòa - một cụm từ mà người cộng sản từng luôn muốn chối bỏ và phủ nhận tuyệt đối trong nhiều năm qua, sao cho tách khỏi trí não người Việt Nam? Vì thế, đọc bài "VĂN TẾ TƯỞNG NIỆM 74 CHIẾN SĨ HY SINH BẢO VỆ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA NĂM 1974", http://boxitvn.blogspot.com/2014/01/van-te-tuong-niem-74-chien-si-hy-sinh.html, trong có đoạn:

Nhớ các anh xưa
Tuấn tú khôi ngôi,
Thông minh lanh lợi.
Ruộng đồng cùng nương rẫy, bờ tre xóm bãi, cày cấy sớm trưa;
Mấy trăm năm chuyên cần, hai vụ mùa màng, mở mang lễ nghĩa.

Đoạn trích trên nghe có vẻ phù hợp để tế "bộ đội" của "QĐNDVN" hơn là tế "quân nhân" thuộc "Quân lực VNCH"? Lý do: Quân nhân thuộc "Quân lực VNCH" là một đội quân chuyên nghiệp, được huấn luyện và đào tạo bài bản, hiện đại (theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ) trong các trường quân đội được Mỹ bảo trợ cả về chuyên môn và văn hóa, đặc biệt để trở thành sĩ quan chuyên nghiệp đúng nghĩa thì quá trình đào luyện rất chỉn chu, khoa học và đảm bảo kế hoạch. Khẩu hiệu "Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm" ngắn gọn mà thiết thực; giản dị mà cao cả. Hầu như không người lính nào của QLVNCH có thể quên.

Tất nhiên, không có gì đáng trách bài văn tế nói trên, vì những người soạn bài (gồm: Phước Thu, Khắc Mai, Vũ Khiêu) đều là người thuộc "Bên Thắng Cuộc", nên tư duy nhầm lẫn về hình ảnh người lính QLVNCH khi soạn văn tế là điều dễ hiểu.

[6] Nếu bạn đọc chưa tin các loại "cựu" xin vào Google gõ thêm, sẽ thấy cả "một trời...cựu" như: "cựu minh tinh", "cựu ngôi sao", "cựu diễn viên điện ảnh", "cựu tài tử", "cựu tài năng", "cựu đại đức", "cựu hồng y" v.v... thật "kinh hoàng" với cách dùng "cựu" của nhiều "cụ nhà báo" hiện nay!

[**] Người viết còn tìm thấy cả một... "cựu tay trống" tại đây. http://www.baobinhdinh.com.vn/vanhoa-nghethuat/2008/3/56596/




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo