Không cờ trắng - Dân Làm Báo

Không cờ trắng

Điện Biên Phủ - Ngày 7 tháng 5, năm 1954

Đợt pháo kích bỗng nhiên dừng lại, nhưng tiếng nổ lẻ tẻ vẫn còn vang lên từ phía đông trung tâm thung lũng. Những tia nắng yếu ớt chiếu qua các cụm mây thấp trên bầu trời, phản ánh trong các vũng nước to lớn do cơn mưa lúc sáng sớm tạo ra. Các cuộn dây kẽm gai dính chùm, mấy mảnh vỏ đạn, mấy chiếc dù trắng, và những xác chết rải rác trên mặt đất bùn lầy. Sau làn khói mỏng, mấy đầu người ẩn hiện như ma trên các hào và hố tan nát.

Mái thép cong trên hầm chỉ huy của thiếu tướng Christian de Castries, tướng chỉ huy đồn Điện Biên Phủ ở trung tâm thung lũng, đứng lạnh lùng trên mặt đất, bao quanh bởi hàng dây kẽm gai cong vòng nhưng vẫn còn nguyên vẹn và những lớp bao cát ép sát vào nhau. Một chiếc dù thả vật liệu trắng rách tả tơi, mắc kẹt trên một gốc cây gần đó, cuộn lên trong làn gió ấm áp.

Bên trong hầm, một cuộc họp các chỉ huy trưởng sắp diễn ra.

Christian de Castries, năm mươi mốt tuổi, ngồi sau một bàn nhỏ, bên cạnh là tham mưu trưởng ông, trung tá de Seguins-Pazzis. Ông chăm chú nhìn các tiểu đoàn trưởng của ông, đại tá Pierre Langlais, trung tá Marcel Bigeard "Bruno," trung tá Maurice Lemeunier, và thiếu tá Michel Vadot, đang bước vào phòng qua cánh cửa có màn che.

Castries có những nét đặc biệt trên mặt mà không ai có thể quên khi mới thoạt nhìn. Đôi lông mày đậm vắt qua cặp mắt to hõm và cái mũi khoằm cong nổi bật lên, ít người coi ông ta đẹp trai cho dù ông nổi tiếng qua hàng loạt chuyện liên hệ tai tiếng với nhiều phụ nữ thời đại. Có lời đồn là các trung tâm đề kháng, hay kháng điểm, nằm rải rác trong thung lũng được đặt theo tên tình nhân ông, mặc dù không thể tưởng tượng được là các tên đó theo đúng thứ tự chữ cái y như mật mã quân sự: Anne-Marie, Béatrice, Claudine, Dominique, Éliane, Francoise, Gabrielle, Huguette, Isabelle, và Junon.

Đẹp trai hay không, Castries trông đúng là viên tướng chỉ huy ngồi sau bàn ngổn ngang với giấy tờ, bản đồ, bút, và gạt tàn thuốc đầy mẩu thuốc lá. Ông mặc bộ đồng phục gọn gàng màu nâu vàng nhạt với huy hiệu hai sao nằm hãnh diện trên vai. Ông không phải là một người to lớn, nhưng tư thế ông trông oai vệ. Mái tóc muối tiêu nói lên kinh nghiệm, kinh nghiệm đời và kinh nghiệm quân sự. Được tướng Henri Navarre, Tư lệnh Quân đoàn viễn chinh Pháp Viễn Đông, và trung tướng René Cogny, chỉ huy Lực lượng đất liền ở Bắc Việt, lựa chọn kỹ lưỡng là người chỉ huy Điện Biên Phủ, Castries bị một số nhà quan sát coi là không thích hợp với chiến trận hào hố vì căn bản kỵ binh của ông. Nhưng sự nghiệp quân sự huy hoàng của ông, cộng với mối quen biết thân cận với Navarre, đã hoàn toàn hợp lý hoá sự bổ nhiệm, ít nhất là lúc ban đầu. 

Năm mươi lăm ngày qua đã chứng tỏ Castries quả thật là người chọn sai lầm cho công việc. Sau nhiều tuần chịu đựng pháo kích nặng nề, đánh cận chiến dữ dội, và vật liệu và tiếp viện suy giảm, Điện Biên Phủ bây giờ sắp xụp đổ toàn diện.

Sáng sớm nay, Castries nói chuyện vô tuyến với Cogny, cấp trên trực tiếp của ông tại Hà Nội, để báo cáo tình hình tuyệt vọng ở đồn và vòng vây địch đang thắt chặt. Castries hy vọng đạn dược và vật liệu sẽ được thả bằng máy bay, để có thể giữ đồn ít nhất cho tới ngày hôm sau. Nhưng khi Langlais và các tiểu đoàn trưởng ông bước vào phòng với vẻ mặt trầm trọng, ông biết tình hình không tốt đẹp.

Langlais, Lemeunier, và Vadot ngồi đối diện Castries, trong khi Bigeard đứng dựa vào tường, một điếu thuốc đang cháy đong đưa từ miệng anh. Vừa ngồi xuống, Langlais lấy ra một điếu thuốc nhăn nheo trong túi và châm lửa.

"Có gì phát triển mới không?" Castries hỏi, dán mắt lên Langlais.

Langlais, bốn mươi bốn tuổi, tay hút thuốc dây chuyền, rít một hơi dài. "Chúng tôi xem xét các không ảnh mới nhất và kết luận rằng chuyện phá vòng vây là tự sát."

"Mấy bức ảnh cho thấy gì?"

"Ba rãnh hào mới của tụi Việt ở Junon."

Bigeard bước gần bàn và hất tàn thuốc vào cái gạt tàn. "Không phải chỉ tại tụi Việt. Lính mình kiệt sức rồi."

Castries im lặng gật đầu. Ông biết lính ông kiệt sức như thế nào. Những đợt pháo kích liên miên và các cuộc tấn công biển người dã man của kẻ thù trong vài tuần qua đã làm mệt mỏi những kẻ lì lợm nhất, kể cả tiểu đoàn 6 nhảy dù ưu tú của Bigeard.

Ông dựa lưng vào ghế, cảm thấy lúng túng dưới tia nhìn các chỉ huy trưởng. Họ đến không phải để hỏi quyết định ông. Họ đã quyết định. Họ chỉ muốn ông gởi quyết định thay mặt họ tới chỉ huy trưởng ở các kháng điểm quanh trại.

"Như vậy là Albatross tiêu tan?" Castries hỏi, nhận ra đó chỉ là một câu hỏi lấy lệ. Chiến thuật Albatross được thiết kế để khởi đầu cuộc phá vòng vây về phía Lào.

Langlais liếc Bigeard. "Không hẳn. Đơn vị của Lalande vẫn có thể vượt qua. Tôi nói chuyện với hắn trước đó và hắn đồng ý."

Castries châm ống píp và nhìn chằm chằm vào một mục tiêu vô hình trong không, theo đuổi một ý nghĩ mơ hồ trong khi phì phèo ống píp.

"Thiếu tướng, chúng ta phải hành động ngay bây giờ," Langlais nói, rõ ràng khó chịu bởi sự im lặng của Castries.

Castries chuyển tia nhìn sang Langlais. "Được rồi, tôi sẽ liên lạc với trung tướng Cogny."

Langlais lắc đầu. "Không, ông ta không làm được chuyện gì khác hơn là những gì ông ta đã làm. Ngoài ra, mình kh̀ông còn thì giờ nữa. Mình càng chần chờ, lính mình càng chết thêm. Thương binh mình cần được săn sóc y tế khẩn cấp. Chúng ta phải báo cho Giáp là chúng ta sẽ ngưng bắn lúc 1730."

Langlais nói với thẩm quyền vững chãi của một sĩ quan chỉ huy phụ trách toàn bộ cuộc phòng thủ. Anh cho thấy rõ là anh không hỏi Castries chấp thuận. Đó không phải là một hành động phút chót của sự bất phục tùng hoặc sự vượt quá thẩm quyền dưới một cuộc bại trận sắp xảy ra. Langlais đã là sĩ quan chỉ huy thật sự sau sự xụp đổ của Beatrice, Gabrielle và Anne-Marie. Nhưng đây là lần đầu tiên anh nói với quyết tâm như vậy trước mặt các tiểu đoàn trưởng.

Castries không cho thấy dấu hiệu oán ghét hay tức giận. Ông gật đầu với vẻ điềm tĩnh trang nghiêm làm ngạc nhiên mọi người. "Được rồi, chúng ta sẽ ra lệnh các chỉ huy trưởng ngừng bắn lúc 1730."

Ông liếc nhìn đồng hồ. 2:45 PM. Lính ông sẽ có ít nhất hai tiếng để tiêu hủy tất cả vũ khí và dụng cụ trước khi đầu hàng.

Ông quay sang Bigeard. "Bruno, anh phải rời khỏi đây với lính anh. Tôi không nghĩ tụi Việt sẽ để anh sống sót nếu chúng bắt được anh."

Bigeard lắc đầu. "Cảm ơn thiếu tướng. Nhưng chuyện đó không cần thiết. Tôi muốn ở lại với lính tôi."

Mấy tiểu đoàn trưởng nhìn nhau mỉm cười. Chẳng có gì bí mật là tụi Việt Minh ghét Bigeard và lính anh. Họ đã gây ra thiệt hại trầm trọng cho quân Việt Minh trong những năm qua. Câu trả lời dũng cảm của anh không có gì là ngạc nhiên. Anh đã được biết về sự bất chấp nguy hiểm điên khùng và lòng trung thành hết sức với lính của anh.

Các chỉ huy trưởng đứng dậy và chào Castries, và ông chào lại. Khi họ đi ra cửa, Castries gọi giật lại, "Pierre, tôi có thể nói với anh một chút được không?"

Langlais quay trở lại. "Đương nhiên."

Anh gật đầu với mấy người kia khi họ đi ra.

Castries liếc nhìn Seguins-Pazzis. Viên tham mưu trưởng biết ý, gật đầu và bước ra ngoài, để lại ông một mình với Langlais.

Castries rít một hơi dài trên ống píp. "Tôi xin lỗi là chúng ta phải đến nỗi này."

"Chuyện đó cũng không hoàn toàn bất ngờ."

"Mình đã làm hết sức."

"Tất nhiên."

"Tôi không đổ lỗi thảm họa này vào bất cứ ai. Là người chỉ huy đồn, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm."

Langlais khựng lại. Anh đang sốt ruột muốn trở về vị trí chỉ huy để liên lạc với các sĩ quan và tự hỏi tại sao Castries lại nói với anh chuyện này. Nhưng nỗ lực chuộc lỗi đột ngột của Castries làm anh ngạc nhiên. Tuy sự vô ích của nó rõ ràng, cảm giác chiến hữu làm anh xúc động. Trong ba giờ, quân địch sẽ tràn vào mọi vị trí chỉ huy. Anh có thể không bao giờ thấy lại vị chỉ huy cấp trên lần nữa.

"Đó không phải lỗi thiếu tướng," Langlais nói. "Chúng ta đều biết kế hoạch đã hỏng từ đầu. Nếu lịch sử có đổ lỗi cho ai, để Navarre nhận lỗi đó."

Castries gật đầu. "Tôi đồng ý, nhưng đó cũng là lỗi tôi đã tự cho phép tôi chia sẻ ảo tưởng của ông ấy."

"Thiếu tướng không phải là người duy nhất. Bất cứ ai được chọn cho việc này đều làm điều tương tự, có lẽ thậm chí còn tệ hơn thiếu tướng nữa."

Castries cảm kích lời nhận xét của Langlais. "Cảm ơn về lời tử tế của anh."

"Hơn nữa, không ai có thể tiên đoán khả năng tụi Việt. "

Castries gật đầu. Một cảm giác đau nhói nổi lên trong tim ông. Đúng vậy, đó là sự thật. Ông nhớ lại sự nhiệt tình mù quáng của ông lúc ban đầu trận chiến, tăng thêm bởi sự tự tin của Navarre. Ai có thể tưởng tượng rằng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh Việt Minh, có thể huy động năm sư đoàn, một lực lượng lớn gần năm mươi ngàn binh sĩ chính quy, bao vây một đơn vị đồn trú xa xôi trấn đóng bởi mười sáu ngàn lính? Ai có thể tiên đoán được chúng có thể vận chuyển pháo nặng, gồm cả súng đại bác 105 ly, đi qua núi non hiểm trở và núp trong các hang động trên các ngọn đồi xung quanh thung lũng? Ai có thể tiên đoán được sự bất lực của không quân Pháp đã không phát hiện được các mục tiêu trên mặt đất và không cắt đứt được đường cung cấp kẻ thù thực hiện bởi đám công nhân mang trọng tải lớn lao trên xe đạp và lừa núi? Có những lời biện hộ và giải thích, nhưng cho dù các giải thích này hay như thế nào, cái kết quả cuối cùng mới đáng kể.

Castries thở dài. "Tôi chỉ thấy tội nghiệp cho lính mình."

"Tôi cũng vậy. Để tôi đi nói cho họ biết là mọi chuyện coi như xong rồi."

Langlais đứng dậy. Castries đặt ống píp vào cái gạt tàn và đứng lên.

"Pierre," Castries nói. "Tôi không biết tụi Việt có tôn trọng Công ước Geneva về cách đối xử tù nhân, nhưng trong trường hợp chúng ta không gặp nhau nữa, tôi muốn xin lỗi anh là đã không nghe theo lời anh khuyên. Lính ta xứng đáng thấy tôi thường xuyên hơn quanh các địa điểm và bệnh viện. Tôi có tội là đã tiêu diệt tinh thần chiến đấu họ bằng cách ẩn mình trong hầm này."

Langlais nhìn Castries. Trong khoảnh khắc, sự chân thành thật sự trong giọng nói Castries làm anh chấn động.

Tinh thần binh sĩ đã gây vấn đề cho cả trại từ khi bắt đầu trận chiến. Cho đến giờ, Langlais không nhớ số lính đào ngũ, nhưng anh biết hơn hai ngàn. Với một đồn phòng thủ bởi một lực lượng đánh trận khoảng mười ngàn, con số này quả là kinh khủng. Hầu hết trong số họ, đám mệnh danh "Đám Chuột Nam Yum," chỉ từ chối chiến đấu và ở quanh các vách đá nhìn xuống sông Nam Yum bởi vì họ không thể rời khỏi thung lũng. Tệ hơn nữa, nguồn lực, thực phẩm, vật liệu, và thậm chí cả gái mãi dâm phải được đóng góp để hỗ trợ họ. Làm sao lính anh có thể duy trì tinh thần chiến đấu khi họ biết hơn hai ngàn chiến hữu họ đang hưởng thụ cuộc sống trên các ngọn đồi ngay bên cạnh họ?

Langlais không biết sự xuất hiện hiếm hoi của Castries bên ngoài hầm chỉ huy có phải là nguyên do cho tinh thần xuống dốc cùng cực và số đào ngũ ngày càng tăng hay không. Ngay tại lúc này, anh không còn đầu óc nghĩ tới câu hỏi đó. Anh đã nêu vấn đề đó nhiều lần với Castries, đôi khi đưa đến cuộc đối đầu giận dữ và những lời nhục mạ, chỉ để được nói thẳng thừng là dẹp chuyện đó. Anh đã chán ngấy với hành vi không thể giải thích của Castries, hành vi gần như hèn nhát và vô trách nhiệm.

Nhưng chuyện đó không còn quan trọng nữa.

Hai người nhìn nhau trong im lặng.

Rồi Castries mở rộng cánh tay và sau một cái ôm vụng về ngắn ngủi, họ chào nhau trang trọng.

*

Mười bốn cây số từ trung tâm Điện Biên Phủ, tướng Võ Nguyên Giáp ngồi một mình bên bàn trong căn hầm kiên cố kín đáo, một phần của đường hầm dài trong một ngọn đồi xinh đẹp bao phủ với thảm cỏ xanh rì và những cây hạt dẻ cao và mê hoặc bởi giòng suối trong veo chảy rỉ qua những tảng đá.

Bốn mươi hai tuổi, Giáp trông trẻ và gọn gàng. Với thân hình nhỏ bé và nét mặt tử tế nổi bật bởi cái trán thụt lùi vĩ đại, ông ta không cho thấy hình ảnh một nhà chỉ huy quân sự, chứ đừng nói là viên tướng hàng đầu của toàn bộ quân đội Việt Minh với hơn một phần tư triệu lính chính quy. Thảo nào chức tướng ông ta bị người Pháp gọi một cách chế giễu trong ngoặc kép. Nhưng bên dưới vẻ mặt hiền hòa, "tướng" Giáp, một giáo viên dạy sử trở thành nhà chỉ huy quân sự, có một quyết tâm lì lợm và một bản chất tàn nhẫn.

Điện Biên Phủ là trận tấn công ở mức nhiều sư đoàn chống Pháp đầu tiên của ông ta, và ông ta quyết chí giành thắng lợi bằng bất cứ giá nào.

Trong sáu tuần giao tranh dữ dội và pháo kích không thương xót, các đồi được chiếm và bị chiếm lại, nhưng cuối cùng, vào giây phút này, gần chín mươi phần trăm Điện Biên Phủ đã rơi vào tay quân đội ông ta. Chiến thắng sắp đến. Toàn bộ đồn Điện Biên Phủ sẽ xụp đổ không lâu, có lẽ trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ. Đồng chí Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hài lòng. Hội nghị Geneva, đã tiến hành với các cuộc thảo luận về Đông Dương bắt đầu từ ngày mai, sẽ phải nhượng bộ cho những đòi hỏi của đại biểu Cộng sản Việt Nam, nhất là khi Nga và Trung Quốc về phía họ.

Nhưng ông ta không nghĩ đến chiến thắng chính trị ngay lúc này. Ông ta quan tâm nhiều hơn đến một chiến thắng quân sự toàn diện. Để đám chính trị gia khai thác chiến thắng quân sự của ông ta bất kỳ cách nào mà họ thấy phù hợp với vận động ngoại giao trong các cuộc họp kín và các cuộc thảo luận thỏa thuận, trong bữa ăn trưa và ăn tối. Ông ta bây giờ có một công việc cấp bách hơn.

Mắt ông ta tập trung trên bản đồ thung lũng trải rộng trên bàn. Bản đồ đầy các biểu tượng màu sắc chung quanh kháng điểm chạy dài theo hướng đông nam-tây bắc. Những mũi tên lớn cho thấy đoàn quân ông đang hội tụ vào trung tâm thung lũng.

Các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo và những chỗ khác được đánh dấu X màu đỏ, cho biết mấy chỗ đã bị chiếm bởi quân đội ông ta. Sáng sớm nay, tướng Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng, thông báo ông ta rằng các cứ điểm Pháp A1, C1, D1 cũng đã được chiếm. Những gạch đỏ, vẽ cho chiến hào do lính ông ta đào, bây giờ bao quanh cầu Mường Thanh trên sông Nam Yum, khoảng 200 mét cách hầm chỉ huy của Castries. 

Giáp gõ một cây bút chì đỏ lên bàn. Ông ta đã nghiên cứu bản đồ ngày qua ngày trong vài tháng qua và nhớ từng địa điểm, nhưng vị trí quan trọng duy nhất luôn luôn là trung tâm chỉ huy của tướng De Castries. Khi ông ta nghe Castries được thăng chức từ đại tá lên thiếu tướng ba tuần trước đó, ông mừng rỡ không tả. Một tướng hai sao. Không cần biết là hàng ngũ quân đội Pháp không có tướng một sao kể từ năm 1793 - không ai biết được chi tiết đặc biệt đó. Bắt được một tướng hai sao chắc chắn là hay hơn đại tá.

Nhưng nếu Castries trốn thoát? Nếu hắn lẻn ra ngoài và thoát tới một địa điểm bí mật nào đó? Kháng điểm Isabelle, sáu cây số về phía nam hầm chỉ huy của Castries, vẫn giữ vững vàng mặc dù bị hứng pháo kích nặng nề và lính tấn công. Đại tá André Lalande, sĩ quan chỉ huy ở đó, là một viên chỉ huy có tài. Castries có thể bỏ vị trí và theo Lalande trên đường trốn thoát về Lào.

Lính ông ta phải tấn công các cứ điểm còn lại quanh vị trí chỉ huy của Castries thật lẹ. Nhưng khi nào? Kế hoạch ban đầu của ông ta kêu gọi một cuộc tấn công ban đêm, nhưng Castries có thể tận dụng lợi thế màn đêm và thoát đi không bị phát hiện.

Giáp đặt cây bút chì xuống và suy nghĩ về các lựa chọn.

Tiếng gõ cửa gián đoạn suy nghĩ ông ta.

"Vào đi," ông ta nói to, vẫn nhìn chằm chằm vào bản đồ.

"Anh Giáp, chúng nó đang tan rã," một giọng quen thuộc nói. "Máy bay chúng lượn qua nhưng không thả đạn dược, vật liệu. Phi công chúng trở lại căn cứ sau khi nói tạm biệt với mặt đất."

Giáp nhìn lên. "Khi nào?"

Một nụ cười tươi sáng lóe lên trên khuôn mặt đẹp trai 39 tuổi của tướng Thái. "Vừa mới đây. Có vẻ chúng sửa soạn đầu hàng. Nhiều đứa giơ cờ trắng rồi."

"Nhưng đó chỉ là đám lính cá nhân."

"Castries và chỉ huy trưởng hắn sẽ đầu hàng sớm hay muộn. Can đảm không giống như ngu xuẩn."

"Chúng sẽ không đầu hàng, trừ khi minh buộc chúng đối diện thực tế."

"Tôi không biết chúng có sẽ tiếp tục đánh không. Quân ta thấy một đám đông lính chúng tẩu thoát bên bờ sông phía đông."

"Đó có thể để đánh lạc hướng cho một cuộc tháo vòng vây."

"Nhưng chúng không còn đường nào khác."

"Mình phải cẩn thận tối đa. Tôi muốn quân ta tấn công từ mọi hướng."

"Quân ta đang ở sát bên chúng, nhưng chuyện máy bay quay đầu lại và đám đông lính đang tẩu thoát chắc chắn nói điều gì đó."

"Đó có thể là dấu hiệu sự hoang mang trong cấp chỉ huy chúng."

Thái kéo ghế ngồi xuống. "Ta có nên tiếp tục kế hoạch ban đầu khởi động tổng tấn công khi đêm xuống?"

Giáp dừng lại. "Hãy giữ kế hoạch ban đầu. Tôi không muốn tạo ra lẫn lộn cho các chỉ huy trưởng của mình."

Thái ngập ngừng. "Vi Quốc Thanh có thể không thích chuyện đó đâu."

Giáp trừng mắt nhìn Thái. "Hắn biết cái quái gì?"

"Chuyện không phải là cái gì hắn biết, mà là cái gì hắn muốn."

"Tôi không quan tâm những gì hắn muốn. Đây là cuộc chiến của chúng ta. "

"Nhưng chúng ta không có cuộc chiến này nếu không có Trung Quốc."

Giáp rơi vào im lặng. Thái nói đúng. Nếu không có Trung cộng, sẽ không có chiến tranh chống Pháp. Quân đội ông ta có thể đã bị nghiền nát từ lúc đầu vì thiếu huấn luyện và thiếu vũ khí. Trung cộng cung cấp huấn luyện, cố vấn, và chuyển giao kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên sang quân đội ông ta. Nếu không có họ, quân đội ông ta sẽ không biết làm sao dùng các tay súng bắn tỉa để làm suy yếu tinh thần đối phương và làm sao dùng chiến tranh rãnh hào để xâm nhập vào tuyến phòng thủ phe địch. Quan trọng hơn, Trung cộng trang bị quân đội ông ta với khẩu pháo, súng phòng không, đạn dược, súng tiểu liên và xe lấy được từ Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên. Họ cũng chia sẻ thông tin tình báo với Việt Minh. Chính Vi Quốc Thanh đã tay giao kế hoạch Navarre bí mật thu được bởi một gián điệp Trung cộng cho đồng chí Hồ Chí Minh trước khi bắt đầu cuộc chiến. Nếu không có tài liệu bí mật đó, ông ta và các đồng chí đã không đem gần như toàn bộ lực lượng để bao vây Điện Biên Phủ.

Thái dịu giọng. "Anh Giáp, anh biết La Quý Ba chẳng ưa gì anh. Anh không muốn hắn dùng bất kỳ ý kiến ​​tiêu cực từ Quốc Thanh để làm mất uy tín anh."

Giáp gật đầu. "Vâng, tôi biết. Cảm ơn."

La Quý Ba? Giáp nghĩ. Tên ngu xuẩn đó tin rằng hắn là ông xếp lớn vì là chủ tịch của Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc. Hắn biết đếch gì về chính trị và cố vấn? Hắn bây giờ cả gan tuyên bố lấy công là đã huy động 200.000 nông dân trong việc vận chuyển vật dụng tới Điện Biên Phủ. Đúng là đồ ngốc! Chỉ vì hắn và các đồng chí hắn, quân đội Việt Minh bị thương vong nặng nề trong việc tấn công một cứ điểm Pháp ở đồng bằng sông Hồng cách đây vài năm. Cũng chính vì ý họ mở cuộc tấn công vào lúc đầu chiến dịch này mà hàng ngàn mạng quân Việt Minh đã bị phí phạm.

Tuy nhiên, dù ghét cay ghét đắng hắn, Giáp biết ông ta không thể gây va chạm với Trung cộng. Mao Trạch Đông tin tưởng Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ, và hai người này tin tưởng Vi Quốc Thanh và La Quý Ba. Các nhà lãnh đạo Trung cộng sẽ tin tất cả mọi chuyện Quý Ba và Quốc Thanh báo cáo với họ.

"Anh nghĩ Quốc Thanh muốn gì?" Giáp hỏi.

Thái cau mày. "Anh biết những gì hắn muốn. Hắn muốn chúng ta kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt để họ có thể đòi hỏi trên bàn hội nghị."

"Có gì khác hơn nếu chúng ta chờ đến đêm?"

"Chắc chẳng có gì khác về mặt quân sự. Nhưng nếu chúng ta bắt được Castries chiều nay, lúc ấy là buổi sáng ở Geneva và Paris, tin tức sẽ ngay lập tức được thông báo tại hội nghị."

Giáp nhìn Thái chằm chằm. "Được rồi. Hãy bắt đầu cuộc tổng tấn công mọi hướng về phía Mường Thanh 3:00 chiều nay."

"Hay lắm. Tôi sẽ chuẩn bị lệnh và gửi tới các chỉ huy trưởng."

"Nói với họ chẳng có lợi gì chờ đến đêm."

"Chúng ta có thể gặp khó khăn động viên quân ta, nhưng tôi hy vọng họ sẽ tuân lệnh."

Giáp cau mày. "Sao lại 'gặp khó khăn'?"

Thái ngừng lại. "Anh Giáp, anh biết tinh thần chiến đấu quân ta bây giờ rất là thấp. Phe mình bị thương vong nặng nề."

Giáp chìm vào im lặng. Ông ta thừa biết tinh thần binh sĩ thế nào. Vài chỉ huy trưởng đã báo cáo là nhiều vụ lính bất tuân lệnh cho tới khi bị dọa bắn.

Thái quan sát Giáp. "Có lẽ anh nên đi thăm binh sĩ ngoài mặt trận. Binh sĩ ta sẽ rất hứng khởi thấy anh hoặc chỉ thoáng thấy anh."

Giáp lắc đầu. "Anh biết là tôi không thể làm chuyện đó. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngoài chiến trường. Tôi ghét phải chạy núp khi tụi Pháp bắn đại pháo hoặc thả bom. Một vị chỉ huy tối cao chạy như vịt trông không ra thể thống gì hết."

"Anh chỉ đi qua một chút thôi. Sự xuất hiện của anh cho thấy anh lo lắng cho họ. Anh Giáp, hơn bảy ngàn thanh niên đã chết và hơn mười ngàn bị thương."

"Tôi chẳng cần biết quân ta chết bao nhiêu trong trận chiến. Cái chết họ chẳng có nghĩa lý gì so với sự tự do của dân tộc. Nói đám cán bộ chính trị làm việc tích cực hơn để huy động tinh thần binh sĩ."

Thái biết xếp ông sẽ không đổi ý. Ông gật đầu. "Anh nói đúng. Tôi sẽ soạn một lệnh đặc biệt cho các cán bộ chính trị."

"Mình phải làm nhanh. Tôi không muốn địch có thì giờ chỉnh đốn hàng ngũ. Chiến thắng sắp đến rồi."

Thái cười rạng rỡ. "Hẳn nhiên. Chiến thắng sắp đến rồi."

Giáp dựa lưng vào ghế và nhắm mắt lại. Tiếng nhạc Beethoven vang lên trong tâm trí ông ta với giai điệu nhẹ nhàng. Ông ta thấy màu rực rỡ của hoàng hôn đang ngủ, ngửi mùi hương thơm ngọt ngào của các loài hoa dại, nghe nhịp điệu mưa phùn rả rích, và để linh hồn trôi lềnh bềnh trong không khí. Trong niềm vui ngắn ngủi đó, chiến thắng chẳng còn quan trọng nữa.

*

Vào khoảng 1500, Seguins Pazzis truyền lệnh ngừng bắn của Castries tới tất cả các chỉ huy trưởng. Tất cả vũ khí, đạn dược, thiết bị, vật liệu, và các giấy tờ phải được phá hủy. Không một vật giá trị nào lọt vào tay đối phương. Giữa tiếng súng lẻ tẻ, tiếng nổ lớn nhỏ bởi sự cố tình phá hủy đạn dược, dụng cụ pháo binh, thùng súng đạn, xe tăng tràn ngập không khí như pháo nổ trong lễ mừng năm mới.

Castries đã sẵn sàng. Ông mặc bộ đồng phục màu nâu vàng nhạt thật sạch. Chiếc mũ Spahi màu đỏ tươi, một nhắc nhở đắc ý đến trung đoàn kỵ binh ngày nào của ông, đội chặt trên đầu. Băng huy chương rực rỡ hãnh diện treo trên ngực. Ông đã tự tranh luận nên đeo phù hiệu cấp bậc nào. Ông muốn đeo phù hiệu đại tá vì ông không thích huy hiệu hai sao làm tạm khi phù hiệu của Cogny, và các huy chương khác được thả dù nhưng lại rơi xuống tuyến đối phương ba tuần trước đó. Nhưng ông không còn phù hiệu đại tá nữa. Cái của ông đã được trao cho Langlais cho sự thăng chức của chính Langlais.

"Chúng tôi có thể làm giả phù hiệu đại tá cho thiếu tướng," Seguins-Pazzis nói đùa.

Castries mỉm cười. "Nếu tôi phải xài một huy hiệu giả mạo, tôi chẳng thà xài huy hiệu hai sao."

Ông vừa hút xong đầy píp thuốc lá Hoà Lan khi trung sĩ Millien gọi ông cho cuộc nói chuyện cuối cùng với Hà Nội. Langlais tham dự bằng cách lắng nghe với dây nghe của mình.

Pierre Bodet, tướng không quân phụ tá cho tướng Navarre, đang trên đường dây. "Tình hình thế nào rồi?"

"Chúng tôi bị tràn ngập," Castries nói với sự nhẫn nhục. "Ba kháng điểm ở phía đông Nam Yum đã bị chiếm. Bọn chúng đang bắn đàn ống Stalin." Đàn ống Stalin là biệt hiệu cho giàn hỏa tiễn đáng sợ Katyusha do Xô Viết làm và Trung Quốc sửa đổi.

Tiếng Bodet bị gián đoạn bởi âm thanh lách tách trên làn sóng. "Để trận chiến tự nó tàn. Nếu Lalande muốn tiếp tục Albatross, cho hắn làm chuyện đó. Anh đã làm một việc tuyệt vời. Chúng tôi sẽ không làm anh thất vọng."

'Chúng tôi sẽ không làm anh thất vọng'? Ông nói giỡn đó à. Mấy tiểu đoàn mà ông hứa gửi cho chúng tôi đâu rồi? Castries tự hỏi.

Castries đổi đề. "Khắp nơi, lính tôi bị thương. Họ rất cần được chăm sóc y tế. Tôi sẽ yêu cầu tụi Việt để Hồng Thập Tự thả dù các nhu liệu cho những người bị thương."

"Bộ chúng sẵn sàng nói chuyện với anh?"

"Tôi sẽ gửi người với cờ trắng để nói chuyện với chỉ huy trưởng của chúng."

Một sự im lặng ngắn xảy ra sau đó, đánh tan bởi tiếng ồn tĩnh điện. Castries nhìn Langlais, Langlais nhún vai.

Tiếng Cogny to và rõ trên làn sóng. "Anh nói gì về cờ trắng đó?"

"Vâng, trung tướng. Chúng tôi sẽ cho chúng biết . . ."

Cogny cắt ngang. "Anh bạn già, đương nhiên chuyện này phải chấm dứt, nhưng không phải dưới hình thức đầu hàng. Không cờ trắng. Không đầu hàng. Điều đó sẽ làm hỏng cả công việc huy hoàng mà anh đã làm."

Castries không nói nên lời trong giây phút. Không cờ trắng? Không đầu hàng? Nếu không phải đầu hàng, thì ông gọi là gì? Ông tìm tòi trong óc lẫn lộn của ông, những ngày tại trường kỵ binh Saumur, những cuốn sách quân sự mà ông thỉnh thoảng đọc, những cuộc nói chuyện với các sĩ quan khác, những người tốt nghiệp từ Saint Cyr, học viện quân sự ưu tú. Họ gọi nó là gì? Một thỏa thuận ngừng bắn? Không thể nào. Làm sao nó có thể là một thỏa thuận ngừng bắn khi quân phòng thủ đồn quyết định ngừng chiến đấu và để đối phương chiếm đồn? Cho dù ông là một người Pháp tự hào, ông thấy điều này hoàn toàn vô lý.

Nếu trí nhớ ông đúng, công ước Geneva thứ ba năm 1949 nêu rõ rằng những người lính rơi vào lực lượng địch sau khi đầu hàng hoặc đầu hàng toàn diện sẽ được bảo vệ y như những tù nhân bị bắt trong chiến trận. Cách duy nhất để lính ông được đối xử theo quy định công ước Geneva là đầu hàng. Cờ trắng là biểu tượng đầu hàng thông dụng. Nếu tôi không được phép giơ cờ trắng đầu hàng, lính tôi sẽ được đối phó thế nào? Ông biết Việt Minh không tham dự công ước Geneva thứ ba và họ có thể tuyên bố rằng họ không bị ràng buộc bởi các quy tắc của nó. Nhưng ít nhất đầu hàng sẽ buộc họ phải suy nghĩ kỹ càng về việc ngược đãi tù nhân. Họ không muốn mang tiếng xấu.

Như thể đọc được ý nghĩ ông, Cogny nghiêm nghị nói, "Anh bạn già, anh không được đầu hàng. Chuyện đó bị cấm. Tôi có một mảnh giấy ở đây và tôi không được uỷ quyền cho phép anh đầu hàng."

"Trung tướng," Castries nói, "Tôi chỉ muốn bảo vệ những người bị thương." Ông không còn đầu óc tranh luận với Cogny về quy định công ước Geneva. Ông đã chán ngấy với thái độ thờ ơ của Navarre và các chính trị gia ở Pháp.

"Anh ráng làm hết sức, nhưng không giơ cờ trắng. Anh hiểu không, bạn già?"

Castries dừng lại. "Hiểu, trung tướng."

"Rất tốt. Để ngọn lửa tự tàn."

"Chúng tôi đang hủy diệt mọi thiết kế. Các kho đạn đang nổ tung. Au revoir."

Giọng nhạt nhẽo của Cogny lẫn lộn với tiếng lách tách trên làn sóng. "Vậy thì, au revoir, anh bạn già."

Castries đặt miếng nghe xuống. Không cờ trắng. Chỉ có vậy thôi. Trong khi lính chúng tôi đang chết dần, họ không muốn thế giới thấy một lá cờ trắng trên vị trí chỉ huy. Trong một giây phút ngắn ngủi, ông nở một nụ cười cay đắng. Lệnh của Cogny thật sự không cần thiết. Một số lính ông đã giơ cờ trắng từ rãnh hố họ. Hơn thế nữa, ông cũng chẳng còn thì giờ để treo một lá cờ trắng trên hầm ông. Kẻ thù đã tràn vào trại quân từ mọi hướng. Chúng có lẽ đang tiến tới hầm chỉ huy ông ngay tại lúc này.

Ông quay lại, nhìn vẻ mặt trầm trọng của các sĩ quan ông.

Trong im lặng, ông chào từng người một. Langlais chào lại và vội vã ra khỏi cửa.

Máy truyền tin vô tuyến vang lên lời cuối cùng của trung sĩ Millien. "Trong năm phút, mọi thứ sẽ được phá hủy tại đây. Tụi Việt chỉ còn cách đây vài mét.”

*

Tạ Quốc Luật, ba mươi tuổi, đại đội trưởng đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, sư đoàn 312 Quân đội nhân dân, đứng trong một rãnh bùn hẹp và nhìn cầu Mường Thanh với cặp mắt mệt mỏi. Cây cầu gỗ nhỏ, với những tấm thép hình chữ nhật giằng chéo dựng đứng hai bên, trông tưởng như yên bình. Lúc đầu chiều, ít nhất hai khẩu súng máy bốn nòng cỡ 0,50 nằm bên kia cầu bắn không ngừng vào lính anh. Nhưng trong giờ qua, loạt đạn hầu như chấm dứt.

Từ chỗ anh đứng, anh không thấy súng hay toán quân bắn súng. Địa điểm yên tĩnh bất thường. Tin đồn lan truyền là bọn Pháp yêu cầu ngừng bắn tại 1700; đó ắt là lý do cho sự yên tĩnh bất ngờ này.

Anh quay lại và liếc nhìn lính mình, toán lính còn sót lại của đại đội từng có một trăm năm chục người. Họ đang đứng ngủ gà ngủ gật dọc theo rãnh bùn hẹp. Hôm qua, sau một trận dữ dội ở đồi C2, quân Pháp gọi là Éliane 4, đại đội anh bị thương vong nặng nề và chỉ còn 34 người. Sáng nay, lính anh tham gia với các đơn vị trung đoàn khác để chiếm đồi. Cuối cùng, họ bắt những người sống sót còn lại và sĩ quan địch tại cứ điểm. Cuộc chiến thắng rất tốn kém. Từ 34 người, chỉ còn năm ngườì sống sót, kể cả anh.

Luật ra lệnh cho toán lính mệt mỏi của anh nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng vào vị trí chỉ huy của tướng De Castries. Khoảnh khắc trước, anh nhận lệnh từ tiểu đoàn trưởng phái đại đội anh tham gia các đơn vị khác để tiến thẳng tới trụ sở De Castries qua cầu Mường Thanh. Họ sẽ liên kết với các đơn vị sư đoàn 308 đang di chuyển từ phương Tây.

Luật dựa lưng vào tường lởm chởm và cong đầu gối để cố thư giãn bắp thịt. Mặt trời xuống, nhưng hơi nóng vẫn bóp nghẹt không khí đầy khói. Đám mây trắng thấp lơ lửng trên cao, một cảnh hiếm thấy trong thung lũng dày xéo bởi mưa. Anh cần chút nghỉ ngơi. Anh chỉ ngủ ba mươi phút trong 36 giờ qua. Anh nhắm mắt lại, tâm trí lang thang với những hình ảnh và ý nghĩ mơ hồ. Những xác chết kinh tởm. Bãi bùn nhầy nhụa. Những quả bom lửa rực nóng. Cuộc đi xuyên rừng và đèo núi. Các bãi cỏ xanh trong thôn anh. Khuôn mặt xinh đẹp của vợ anh ba năm. Anh trôi dạt vào một giấc ngủ ngắn.

Âm thanh chói tai của đạn từ đại bác không giật 57 ly xé toang màn không khí, đánh thức anh. Một loạt tiếng nổ lớn vang lên, tung bụi và tỏa vài cụm khói lên không phía bên kia cầu. Anh mở mắt và phản xạ chụp khẩu tiểu liên, nhớ ngay nhiệm vụ mình do pháo kích 57 ly báo hiệu.

Bốn người lính cúi vai và chạy tới anh qua cái rãnh hẹp. Bùi Văn Nhỏ, Đào Văn Hiếu, Hoàng Đăng Vinh và Nguyễn Văn Lam, những người lính sống sót cuối cùng trong đại đội anh.

"Tới lúc rồi, thưa Đại úy?" Vinh hỏi.

"Ừ," Luật nói.

Anh quan sát chiếc cầu lần chót và nhảy ra khỏi rãnh. "Đi."

Súng tiểu liên trong tay, năm người đi qua cầu với bước chân thận trọng. Khi anh qua tới bên kia cầu, sự thiếu hoạt động địch khiến Luật bạo dạn lên. Anh đi nhanh hơn, lính anh theo sát sau anh.

Họ chạy qua hào và hố, không bận tâm đến mùi hôi thối từ những đống xác chết. Hơi nóng xế chiều không thể chịu đựng nổi, nhưng ý nghĩ bắt được tướng kẻ thù nôn nóng họ. Luật xiết chặt khẩu tiểu liên Thompson, cảm thấy chất kích thích vọt lên trong cơ thể. Anh ngửi mùi lửa cháy, thấy khói đen dày dặc đằng trước, và nghe những tiếng nổ lẻ tẻ từ xa. 

Anh chợt thấy hai xe tăng trên mặt đất gần một ngọn đồi thấp. Các tháp pháo xoay cà giật như thể mất điện đứt quãng. Luật ra hiệu lính anh chạy ra khỏi xe tăng và về phía các cấu trúc đen xám bên trái. Khi họ đến gần, hình ảnh mái thép cong hiện trên mặt đất sau làn khói kích thích Luật. Anh dừng lại.

"Đó có phải là hầm chỉ huy tụi nó không?" Hiếu hỏi, ráng lấy hơi.

"Ừ," Luật nói.

"Cái nào là hầm của De Castries?"

"Tôi không biết."

Anh quay lại và thấy một nhóm chiến hữu đang rảo bước về phía anh. Anh nhận ra thiếu úy Chu Bá Thế và trung đội anh ta.

"Chúng ta phải tìm De Castries trước mấy toán khác," anh nói với Hiếu.

Hiếu cười toe toét. "Đúng vậy, đại úy."

"Tiếc là mình không có một lá cờ," Nhỏ nói.

Hiếu gật đầu. "Chuyện sẽ hay hơn nếu mình có thể cắm cờ ta trên hầm De Castries ngay sau khi mình bắt hắn."

"Chẳng có ai mang theo cờ làm gì," Lam nói. "Chúng ta phải lo đánh nhau sống còn."

"Tôi chắc chắn là các cán bộ chính trị có một lá cờ," Vinh nói.

"Ừ, nhưng họ không ở đây."

"Họ sẽ đến sớm hay muộn, cùng với các nhiếp ảnh gia."

Luật cau mày. "Đừng nói chuyện vớ vẩn. Ráng tìm ra cái nào là hầm Castries."

Một người lính trong đồng phục quân Pháp bất ngờ nhảy ra. Thấy Luật và toán lính, hắn giơ tay cao quá đầu.

"Hầm tướng De Castries ở đâu?" Luật hét lên, chỉa súng vào tên lính đang run rẩy.

Không nói nên lời, tên lính chỉ vào một hầm có những cuộn dây kẽm gai bao quanh và một đống ăng-ten trên đầu. Vui mừng, năm người lính Việt Minh bỏ hắn ta và phóng đến mục tiêu. Họ nhanh chóng quay sang lối vào ở dưới mặt đất.

Luật dừng lại khi anh nhận ra có hai lối vào đường hầm dưới lòng đất ở hai đầu hầm. Anh ra hiệu Hiếu và Lam đến lối vào phía bắc và anh vẫy Nhỏ và Vinh theo anh tới cuối phía nam.

Theo dấu hiệu Luật, Nhỏ bắn một loạt đạn và ném hai quả lựu đạn qua chỗ mở ở dưới. Cơn nổ rung chuyển mặt đất và thổi bắn bụi cát và những tảng đá nhỏ, nhưng khi bụi cát lắng xuống, sự im lặng trở lại. Mấy người lính nhìn nhau.

Luật bậm môi. Anh không biết có ai trong hầm. Với các tiếng nổ, ai đó cũng phải chạy ra, trừ khi cả đám đều điếc.

"Hai cậu đứng đó," anh hét với Hiếu và Lam. "Đừng để tên nào chạy thoát."

Hiếu gật đầu và giơ tay cho một dấu hiệu trấn an.

Luật quay sang Nhỏ và Vinh. "Đi."

Họ chạy qua cửa, chỉa súng về phía trước và hét lên, "De Castries, ông ở đâu?"

Họ qua một phòng tối và trống rỗng, và hiểu sao lựu đạn nổ ở lối vào không có ảnh hưởng gì. Luật thấy ánh sáng từ phòng tiếp qua một cửa có màn che. Anh ra hiệu lính anh đi chậm lại, dùng mũi súng nâng bức màn lên, và bước qua cửa.

Căn phòng rộng lớn sáng sủa, với một miếng vải trắng khổng lồ trải dài trên trần, làm giật mình anh đại úy Việt Minh trẻ. Một nhóm người Pháp tập trung tại một góc quanh một viên sĩ quan mũi khoằm đội mũ đỏ và ngồi với vẻ mặt lạnh như tiền sau một cái bàn nhỏ. Họ trông bình tĩnh và nghiêm nghị, không có cảm xúc. Hai người đang đốt một đống giấy tờ đằng sau họ. Họ dừng lại khi thấy toán Việt minh.

"Haut les mains! (Giơ tay lên!)" Luật hét lên, chỉa súng thẳng vào họ.

Nhỏ và Vĩnh tản ra, nâng cao súng vào đám Pháp trong tư thế sẵn sàng bắn. Đám Pháp nhìn nhau và sau một lúc do dự, họ giơ tay lên. Nhưng viên sĩ quan mũ đỏ và vài người khác vẫn không nhúc nhích.

Luật quét mắt qua đám Pháp, tìm phù hiệu hai sao, nhưng anh không thấy. Anh gần như chắc chắn viên sĩ quan Pháp mũi khoằm mũ đỏ là tướng De Castries vì thái độ bệ vệ của ông, nhưng anh không nhận ra phù hiệu cấp bậc ông ta. Luật nhớ rõ lệnh chỉ huy trưởng anh bảo anh phải chắc chắn đó là tướng De Castries. Tướng Giáp đã nói rõ là ông không muốn bắt một kẻ mạo danh.

"Ai trong mấy người là tướng De Castries?" Luật hỏi bằng tiếng Pháp gần như hoàn hảo.

"Tôi là tướng De Castries," Castries nói với một giọng lạnh lùng.

Luật ra hiệu cho Vinh. "Mang hắn ra."

Vinh ngập ngừng di chuyển.

"Ra oai đi," Luật nói. "Cho chúng biết ai là người có quyền."

Khuyến khích bởi cấp trên cho phép, Vinh ưỡn ngực ra, trợn mắt lên, chỉa súng vào đám Pháp và bước về phía Castries. Castries, ngạc nhiên bởi hành động đe dọa của Vinh, đứng lên và chìa tay ra để bắt tay. Vinh ngập ngừng với cử chỉ thân thiện của viên sĩ quan địch. Không biết phải làm gì, anh thúc súng vào ngực Castries.

Castries hoảng kinh với sự hung hăng của người lính Việt Minh. Theo bản năng, ông lùi lại, la lên. "Xin đừng bắn! Chúng tôi đã đầu hàng."

Vinh hạ súng xuống và liếc nhìn Luật với vẻ mặt ngờ nghệch. "Hắn nói gì thế?" Haut les mains là cụm từ Pháp duy nhất mà anh biết.

Luật gật đầu và ra hiệu Vinh bước lùi lại.

Anh quay sang Castries. "Ra lệnh cho lính ông buông vũ khí và đầu hàng. Điện về Hà Nội và yêu cầu họ ngưng thả bom trên Điện Biên Phủ."

"Tôi đã làm điều đó năm phút trước rồi," Castries nói, mở to mắt.

Luật khựng lại. "Tốt! Vậy các ông ra khỏi đây."

Castries nhích ra từ sau bàn, tay cầm một cây gậy, và, không nhìn kẻ bắt mình, khập khiễng thẳng ra ngoài, dựa lên gậy như một người bị thương. Từng người một, nhân viên ông đi theo ông.

Tia nắng yếu ớt mờ dần, chiếu thành một màu xám trên mặt đất bùn rải rác hàng trăm chiếc dù trắng. Đám khói đen dày dặc bốc lên khắp nơi. Một chiếc xe tải đang cháy nằm trơ trọi gần một hố xụp đổ bao phủ bởi đống cát từ mấy bao cát bị rạch toang.

Đám người đầy bùn, những kẻ phòng thủ đồn Điện Biên Phủ, từ từ ngoi ra rãnh hào tan nát. Họ nhìn với vẻ kinh ngạc đám quân địch, một số trong quân phục Pháp mới toanh, tràn ngập mặt đất từng nhóm nhỏ. Càng lúc càng đông, lính Việt Minh bò ra hào trong đồng phục vải xanh nhạt nhẽo, nón lính bẹt xanh. Họ chạy về phía rãnh hào và hố của những kẻ phòng thủ, và la hét nói họ trèo ra. Lính Pháp, Algeria, Tunisia, Morocco, và Việt Nam quốc gia dần dần tạo thành một hàng dọc bước đi chậm chạp, tay giơ quá đầu, một số vẫn còn cầm miếng vải nhỏ trắng. Họ đi ngang qua đám lính Việt Minh, nhiều anh mặt non choẹt tuổi dưới hai mươi, vung vẩy súng tiểu liên và quát tháo ra lịnh bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Những người lính bị thương trong đồng phục rách tả tơi nằm rải rác trên mặt đất, chiến hào, và bao cát, mặt họ đen xầm với khói và máu khô. Vài người cầu xin nước uống. Vài người rên rỉ trong đau đớn. Một số nằm bất động, đưa những tia nhìn trống vắng của tử thần. Không ai chú ý đến họ. Lính Việt Minh đi ngang qua, chọc súng gắn lưỡi lê vào những người nằm bất động, và phá lên cười khi các thân hình giật nẩy hoặc hét lên.

Một làn gió nhẹ, mang theo mùi buồn nôn của những xác chết thối sình và khói đốt, phớt qua mặt Castries. Ông dừng lại giây lát và nhìn mái thép cong của hầm chỉ huy ông. Ông tin chắc rằng quân Việt minh sẽ cắm lá cờ đỏ sao vàng của họ trên hầm ông là một biểu tượng chiến thắng cho màn tuyên truyền chính trị. Nhưng ngay bây giờ, mái hầm trơ trần vững chắc đứng thách thức kẻ thù trong thầm lặng, cô độc và trang nghiêm. Chiếc dù thả vật liệu trắng lớn gần đó, mắc kẹt ở gốc cây mấy ngày, vẫy nhẹ nhàng như đang mỉm cười với ông.

Ông mỉm cười lại. 

"Không cờ trắng," ông nói thầm.



________________________________________

* Ghi chú: Truyện ngắn "KHÔNG CỜ TRẮNG" (Cao-Đắc 2014, 148-167) trong tuyển tập truyện ngắn "LỬA CHÁY TRONG MƯA," do Cao-Đắc Tuấn viết và Hellgate Press, Oregon, U.S.A. xuất bản. Sách có bán trên các trang mạng của Hellgate Press (www.hellgatepress.com), Amazon, và các nơi bán sách khác. Mỗi truyện trong "LỬA CHÁY TRONG MƯA" đều có phần ghi chú thích đáng về lịch sử và sự kiện. Văn bản có bản quyền. Tác giả có sự chấp thuận của nhà xuất bản cho gởi đăng truyện này trên trang mạng Dân Làm Báo (danlambao). Phiên bản tiếng Việt được dịch từ nguyên tác tiếng Anh, "FIRE IN THE RAIN," và có thêm phần chú thích về chính tả (thí dụ như phản ánh/ phản ảnh, xụp đổ/ sụp đổ, sử dụng/ xử dụng, lập lại/ lặp lại) và đường lối dịch của người dịch và cũng là tác giả. 

GHI CHÚ LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN

Phần sau đây được trích từ Cao-Đắc (2014, 345-356).

KHÔNG CỜ TRẮNG (1954)

Nhiều sách đã viết về trận Điện Biên Phủ và vai trò nó trong việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương thứ nhất. Hầu hết các tài liệu đồng ý về những điểm chính và các chi tiết quan trọng nhưng vài chi tiết không được báo cáo đầy đủ. Những chi tiết này gồm có mức độ giúp đỡ của Trung cộng và những chi tiết đặc thù vào ngày chót, ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Hỗ trợ của Trung cộng:

Sự hỗ trợ của Trung cộng cho Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ đã được công nhận rộng rãi. Trung cộng cung cấp cố vấn kỹ thuật, súng phòng không 37 ly, súng 105 ly, súng máy, súng trường tự động, súng tiểu liên, đạn dược, và xe vận tải (Fall 2002, 266, 298, 337; Morgan 2010, 115; Simpson 2005, 117; Windrow 2006, 148, 152, 294-295; Zhai 2000, 45-49). Đặc biệt, "Trung cộng áp dụng kinh nghiệm bắn tỉa và xây rãnh hào mà họ thu lượm ở Triều Tiên" (Zhai 2000, 47). "Cả chục chuyên viên quân đội Trung cộng từng đánh nhau ở Triều Tiên được gửi tới Điện Biên Phủ để trợ giúp trong việc đào rãnh" (sđd.). Vi Quốc Thanh là trưởng cố vấn quân sự và La Quý Ba là cố vấn chính trị (Morgan 2010, 181). Ngoài ra, Vi Quốc Thanh đưa "cho Hồ Chí Minh một bản sao kế hoạch Navarre mà Trung cộng lấy được" (Zhai 2000, 45). 

Trung cộng cũng giúp CHDCVN (Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam) trong chiến dịch cải cách ruộng đất, đã "thành công trong việc thỏa mãn nhu cầu của nông dân nghèo cho đất đai . . . như được chứng minh trong trận Điện Biên Phủ, khi hơn 200.000 nông dân chuyên chở vật liệu qua đồi núi và thung lũng để giúp QĐND" (Zhai 2000, 41-42). Vi Quốc Thanh sau này được Trung cộng cho là người tạo ra chiến thắng (Colvin 1996, 145).

Mối liên hệ giữa Việt Minh và Trung cộng "không phải lúc nào cũng được mô tả là thân mật và tin tưởng" (sđd., 64). "Giáp có lần than phiền với Trần [Canh] về La Quý Ba chỉ trích ông ta" (sđd.). Tuy nhiên, rõ ràng là nếu không có sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung cộng, Việt Minh "không thể nào đánh bại Pháp" (sđd., 62). 

Tinh thần chiến đấu và thương vong của Việt Minh:

Tinh thần chiến đấu quân Việt Minh xuống thấp nhất trong tuần lễ từ ngày 11 tới 18 tháng tư năm 1954. Vài đơn vị thậm chí còn không tuân theo lệnh (Fall 2002, 237). Trong vài trường hợp, lính Việt Minh bị ép buộc tiến tới vì bị dọa bắn bởi chính người của họ (sđd.). Giáp công nhận là ông ta phải vận dụng "tuyên giáo kiên trì về ý thức hệ và chính trị" ở mặt trận (O’Neill 1969, 155).

Thiệt hại Pháp gồm có 2.204 chết, 6.452 bị thương, và 3.610 mất tích. Số thương vong Việt Minh không được biết chính xác, nhưng ước lượng là 7.900 chết và 15.000 bị thương (Fall 2002, 484, 487).

Võ Nguyên Giáp:

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2013, Giáp chết, thọ 102 tuổi. Những ý kiến ​​về ông ta khác xa nhau. Trên một thái cực, nhiều sử gia coi Giáp là một nhà chỉ huy quân sự và chiến lược gia xuất sắc, đặc biệt trong vai trò chỉ huy quân sự cộng sản chính yếu trong hai cuộc chiến tranh: Chiến tranh Đông Dương thứ nhất và chiến tranh Việt Nam. Giáp được mô tả là một "thiên tài quân sự" (Currey 2005, xviii). Trên một thái cực khác, nhiều người coi ông là một viên chỉ huy quân sự bất tài có bản chất tàn bạo và hèn nhát. Ông ta là "một tướng với tài năng hạn chế" (Windrow 2006, 115) và bị ghê tởm cho "sự tàn nhẫn và áp bức" (Logevall 2012, 197). Đối với nhiều người, ông ta là một kẻ phản quốc và một người hiểm ác (Đặng 2013).

Giáp sinh năm 1911. Tuy có quan điểm chống Pháp, Giáp được người Pháp giúp đỡ rất nhiều trong thời trẻ. Ông ta và Đặng Thai Mai, sau này là cha vợ Giáp, được che chở bởi Louis Marty, giám đốc Việc Chính Trị và Dịch Vụ An Ninh Tổng Quát tại Đông Dương (Colvin 1996, 30; Currey 2005, 27-28; Hoang 1964, 54, fn 5). Chính Marty là người đã giúp Giáp hoàn tất chuyện học, bảo lãnh ông ta được nhận học vào trường trung học Albert Sarraut uy tín (Currey 2005, 28). Nhờ có sự giúp đỡ và ảnh hưởng của Marty, Giáp "có vẻ sống một cuộc đời được phù hộ vào cuối thập kỷ 1930" khi các đồng chí ông ta bị bắt, lưu đày, nhốt tù dài hạn, và ngay cả bị xử tử (sđd., 29). Sau này, Giáp chối bỏ mối liên hệ đó, một thái độ coi là "nhẫn tâm về người đã giúp ông ta hoàn tất chuyện học" (sđd., 27). Ông ta học tại Đại học Hà Nội, thi rớt kỳ thi tuyển năm thứ tư, nhưng sau đó được cấp licence en droit, một bằng giữa cử nhân và cao học/thạc sĩ (Pike 1986, 340; Hoang 1964, 54, fn 5), hoặc tương đương với bằng Cử Nhân Luật (Currey 2005, 36), nhờ một giáo sư Pháp tên là Kherian (sđd.) hoặc Quirian giúp đỡ (Colvin 1996, 31). Ông ta dạy lịch sử tại một trường trung học và được biết là say mê với chiến dịch quân sự của Napoleon (Currey 2005, 34; Pike 1986, 340). Ông ta gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1939 và trở thành người theo Hồ hăng hái. Trong những năm 1940, Giáp điều động mạng lưới hoạt động viên trên khắp miền Bắc Việt Nam để "thanh toán một cách hệ thống các địa chủ giàu có chống cộng" (Pike 1986, 340). Không có huấn luyện quân sự chính thức nào, Giáp được phong Tổng Tư Lệnh quân đội cộng sản, giữ chức Đại tướng bốn sao. Ông ta giữ chức vụ ông trong suốt Chiến tranh Đông Dương thứ nhất chống Pháp và Chiến tranh Việt Nam cho đến khi Văn Tiến Dũng thay thế ông ta vào năm 1974.

Cùng với Hồ Chí Minh, Giáp lừa dối dân Việt Nam bằng cách tuyên bố có sự hỗ trợ của quân Đồng minh lúc nắm giữ quyền lực bất hợp pháp vào năm 1945. Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Giáp, ngay sau diễn văn của Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập Việt Nam và sự hình thành nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam (Bắc Việt), đọc diễn văn mình, tuyên bố, "Hoa Kỳ ... đóng góp lớn nhất cho sự tranh đấu Việt Nam chống lại phát xít Nhật, kẻ thù chúng ta, và do đó, Cộng hòa Mỹ vĩ đại là bạn tốt của chúng ta" (Chen 1969, 113; Currey 2005, 105; Jamieson 1995, 196; Patti 1980, 248-255). Thực ra, Mỹ chỉ sử dụng Hồ là một hoạt động viên cung cấp thông tin tình báo về Nhật (Bartholomew-Feis 2006, 155; Logevall 2012, 85). Một toán nhỏ từ Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (Office of Strategic Services - OSS) huấn luyện cán bộ Việt Minh dùng thiết bị vô tuyến điện và súng cầm tay, gồm cả súng carbines, súng tiểu liên, súng cối và lựu đạn (Bartholomew-Feis 2006, 166, 209). Nói sự giúp đỡ nhỏ nhặt này là "đóng góp lớn nhất cho sự tranh đấu Việt Nam chống lại phát xít Nhật" là lời nói láo trắng trợn. Hồ và Giáp khai thác sự giúp đỡ của Mỹ và xử dụng nó như một vũ khí tâm lý mạnh mẽ để giành chiến thắng trong niềm tin và tin cậy của dân Việt Nam. Nếu không có tuyên bố về giúp đỡ của Mỹ, sự thu giữ chính phủ và tuyên bố độc lập của Việt minh sẽ không nổi lên một cách nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy (Lacouture 1968, 269).

Giáp chịu trách nhiệm cho cái chết hàng ngàn người quốc gia Việt Nam lúc đầu cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất. Năm 1946, Hồ tới Pháp để thương lượng với Pháp về những vấn đề chính trị liên quan đến nước Việt Nam tự do. Trong lúc "ông ta vắng mặt và với chỉ thị của ông ta, Võ Nguyên Giáp tiến hành việc tiêu diệt có hệ thống những người quốc gia chống Việt minh” (Huyen 1971, 163). Nhiều người quốc gia phải bỏ trốn khỏi nước trong cuộc thanh trừng năm 1946 (Nguyễn Công Luận 2012, 49-50; Currey 2005, 120). "Trong các cuộc thanh trừng bắt đầu tháng 3 năm 1946 và lên mức tột đỉnh vào mùa hè, hàng ngàn lãnh tụ triển vọng của chủ nghĩa quốc gia không cộng sản bị giết" (Lind 1999, 241). Hàng ngàn người quốc gia, thân nhân và bạn bè họ, bị chôn sống (Colvin 1996, 51; Nguyen 1983, 121). Một trong những kỹ thuật dùng bởi người của Giáp "là trói nạn nhân lại với nhau theo lô, như gỗ bè, và quăng họ vào sông Hồng, khiến nạn nhân chết đuối khi trôi ra biển" (Pike 1986, 340-341). Giáp thậm chí đã ra lệnh hành quyết một lãnh tụ Việt Minh nổi tiếng, Nguyễn Bình (sđd.; Colvin 1996, 71-72), và sau đó thú nhận với một người bạn là ông ta bị buộc phải làm chuyện đó (Pike 1986, 341).

Tài năng Giáp là nhà chỉ huy quân sự đã bị xem xét nghiêm trọng. Các sử gia Pháp được biết là viết về Giáp to tát, có lẽ "như để xoa dịu cái bản ngã Pháp bị bầm tím" (sđd.). Giáp có thắng và thua. Chiến thắng của ông ta được cho là không phải do lối suy nghĩ thông minh, mà là do sức làm việc, táo bạo, và kế hoạch tỉ mỉ (sđd.).Thất bại của ông ta, tuy nhiên, "rõ ràng là do thiếu sót nghiêm trọng của một viên chỉ huy quân sự " (sđd.). Tướng Nguyễn Sơn lên án Giáp là một kẻ "thất học về quân sự" được "lên chức cao chỉ nhờ có các móc nối chính trị" (Colvin 1996, 145). Lê Duẩn khăng khăng rằng Giáp không phải là một viên chỉ huy thực sự và "thực ra, ông ta chẳng chỉ huy gì cả" (Currey 1996, 75). Trường Chinh "luôn cho rằng [Nguyễn Chí] Thanh là một vị tướng có tài hơn Giáp" (sđd.) và "tuyên bố Giáp không đủ tài chỉ huy quân đội" (sđd., 76). Trận Điện Biên Phủ, được ca ngợi là chiến thắng lớn nhất của Giáp, đã giành chiến thắng không phải bằng kỹ năng hoặc lãnh đạo của Giáp, nhưng bởi sự hỗ trợ lớn từ Trung cộng và thủ đoạn lừa đảo lợi dụng nông dân Việt Nam và kêu gọi lòng yêu nước của lính Việt Nam. Chiến thuật của Giáp "chẳng có lộ ra một chút chớp sáng nguyên thủy gì cả" trong khi "các chỉ huy trưởng Pháp ở mọi cấp, về tài chiến thuật, rõ ràng là vượt quá đối thủ của họ" (Windrow 2006, 493). Sự hỗ trợ của Trung Quốc đã được báo cáo rõ (xem ở trên), nhưng sự đóng góp của lính và nông dân Việt Nam ít được biết đến. Để huy động lực lượng hỗ trợ hậu cần, Giáp dựa vào nông dân nghèo với lời kêu gọi lòng yêu nước và hứa hẹn cho đất trong chiến dịch cải cách ruộng đất (Zhai 2000, 38). Hai trăm ngàn nông dân tham gia vào việc vận chuyển lớn của nguồn cung cấp qua núi non và thung lũng để giúp quân đội Việt Minh (sđd., 42).Với sự hỗ trợ Trung cộng ngày càng tăng bao gồm cả xe tải, đạn dược, pháo (thí dụ, súng 105 mm) (Macdonald 1993, 133; Simpson 2005, 117; Zhai 2000, 47-49), một cuộc vận động khổng lồ của 47.500 quân tổ chức thành năm sư đoàn, 70.000 phu khuân vác và người lao động, và một lực lượng cung cấp cuối cùng gần 300.000 người (Simpson 2005, 35) nhờ vào cuộc kêu gọi lừa đảo cho lòng yêu nước (Lind 1999, 230) buộc giới trí thức và công nhân "dẹp sự khác biệt của họ sang một bên," (Nguyen Lien-Hang T. 2012, 100), Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ, phòng thủ bởi một lực lượng kết hợp khoảng 20.000 quân chiến đấu (Fall 2002, 479-482), trong 55 ngày. 

Ai cũng biết chuyện Giáp coi thường mạng người, kể cả lính của ông ta; chính ông ta cũng thừa nhận chuyện đó. Giáp có tiếng là dùng chiến thuật "biển người" trong trận chiến. Sau chiến tranh với Pháp, có báo cáo Giáp nói, "Cứ mỗi phút, hàng trăm ngàn người chết trên trái đất. Mạng sống hoặc cái chết của một trăm, một ngàn, chục ngàn người, ngay cả đồng bào chúng tôi, chỉ có ý nghĩa chút ít" (trích trong NYTimes 2013). Trong Chiến tranh Đông Dương thứ nhất chống Pháp, Giáp sẵn sàng hy sinh hàng ngàn mạng lính trong một trận. Vào tháng Giêng năm 1951, lực lượng Giáp tấn công Vĩnh Yên nhưng bị "đẩy lùi và mất từ sáu đến chín ngàn người chết" (Macdonald 1993, 100). Họ bị đánh bại hơn nữa trong các trận sau đó gần Hải Phòng và sông Đáy "để lại vài ngàn người chết trên chiến trường" (sđd., 101; Colvin 1996, 91-94; Currey 1996, 77;Windrow 2006, 115; Woodruff 2005, 116). Trận Điện Biên Phủ hao tốn Việt Minh 7.900 người chết và 15.000 người bị thương (Fall 2002, 484, 487). Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng Giáp tàn nhẫn giết chết hàng chục ngàn thường dân, kể cả đàn bà và trẻ em, ở Nam Việt Nam. Đáng chú ý nhất, ít nhất 3.000 nạn nhân vô tội thiệt mạng trong vụ thảm sát Huế năm 1968 và hơn 1.000 trong năm 1972, trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị. Lực lượng Giáp bị đánh bại trong hầu hết các trận trong Chiến tranh Việt Nam, từ Tết Mậu Thân năm 1968 đến cuộc tấn công Mùa hè năm 1972. Cuộc tấn công cuối cùng vào năm 1975 không phải là một thành công quân sự của cộng sản. Thay vì vậy, nó chính yếu là một cuộc chiến chính trị thắng được trên đất Hoa Kỳ. Giáp "được trao cho một chiến thắng mà ông không ngờ lúc đó, và cũng không xứng đáng" (Pike 1986, 342). Thực ra, "về phân phối vinh quang , . . . chẳng có tướng QĐND nào xứng đáng" (sđd.). Thiệt hại của cộng sản trong suốt cuộc chiến Việt Nam thật là đáng kinh ngạc. Phe cộng sản chịu 1.100.000 tử vong; Mỹ bị 58.286 người chết và QLVNCH mất 220.000. Bình luận về Giáp, tướng William Westmoreland nói, "Một sự coi thường mạng sống con người có thể làm một kẻ thù ghê gớm, nhưng nó không tạo ra một thiên tài quân sự. Bất kỳ chỉ huy trưởng Mỹ nào chịu thiệt hại trầm trọng như tướng Giáp sẽ không kéo nổi ba tuần" (trích trong NYTime 2013, trích trong Đặng 2013).

Trong khi bất tài, tàn bạo và tàn nhẫn là những đặc điểm cơ bản của Giáp, sự hèn nhát của ông ta cũng rất trứ danh. Ông ta bị chỉ trích thậm chí bởi các đồng chí ông ta. Lê Duẩn tấn công ông ta "một cách hằn học là 'nhát như thỏ đế' và 'run rẩy trong trận.' " (Currey 1996, 75). Trong suốt hơn ba mươi năm là Tổng tư lệnh, ai cũng biết ông ít khi ra ngoài chiến trường. Ngay cả trong trận Điện Biên Phủ, ông ta gần như ở trong hang đá, ngoài tầm pháo địch, hơn bốn tháng trời (Bùi 2013; Morgan 2010, xv, xvii, 521; Simpson 2005, 51-52). Ông ta tránh đối đầu với các đối thủ chính trị. Ông ta nhắm mắt làm ngơ trước các chiến dịch các đối thủ ông ta đưa ra để tiêu diệt những người bạn và cấp dưới ông ta (Đặng 2013), chắc là để bảo vệ công việc ông. Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm là một phong trào của giới trí thức, văn sĩ và thi sĩ phản đối chủ nghĩa Stalin và tư tưởng chính trị của Mao Trạch Đông (Thụy 2012, 809). Khi phong trào này bị nghiền nát bởi chính phủ của Hồ vào năm 1955, một số văn sĩ và thi sĩ bị bắt và gửi đi cải tạo. Nhiều người là bạn và đồng chí của Giáp. Thí dụ như nhà thơ Trần Dần tham gia trong trận Điện Biên Phủ và ký giả và thi sĩ Nguyễn Hữu Đang là đồng chí thân cận với Giáp. Giáp hoàn toàn im lặng trong cuộc khủng bố họ mặc dù ông có quyền lực giúp đỡ họ, lúc ông ta đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Vào những năm 1960, trong chiến dịch Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đưa ra để xét lại những người chống đối Đảng, một số cộng sự viên gần gũi với Giáp (ví dụ, tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Văn Vịnh, đại tá Lê Trọng Nghĩa, đại tá Lê Minh Nghĩa, thứ trưởng Lê Liêm) bị cáo buộc có hành vi chống Đảng hoặc là gián điệp (Nguyen Lien Hang T. 2012, 91-92). Giáp biết những lời buộc tội là bịa đặt nhưng ông không nhấc một ngón tay giúp đỡ bạn bè mình (Đặng 2013). Cùng với Hồ, Giáp bị bộ chính trị mạnh mẽ, đứng đầu là Lê Duẩn, gạt ra ngoài lề nhưng ông ta vẫn im lặng và thậm chí tạm thời biến mất, dùng lý do sức khoẻ, trong lúc Duẩn lên nắm quyền (Nguyen Lien Hang T. 2012, 97, 104-106). Năm 1974, sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Văn Tiến Dũng thay thế Giáp là tổng tư lệnh QĐND. Sau khi thống nhất đất nước, Giáp bị tước chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1980 và ghế trong Bộ Chính trị năm 1982 (sđd., 303). Ông ta "bị vất đi như một chiếc giày cũ rích" (Currey 2005, 313). Bộ chính trị Đảng tiếp tục làm nhục Giáp bằng cách bổ nhiệm ông lãnh đạo ủy ban về khoa học và kỹ thuật, một việc kỳ lạ dưới sự nghiệp quân sự cho là xuất sắc của ông. Thay vì nghỉ hưu hoặc nhường chức cho người có trình độ gỉỏi hơn, Giáp nhận việc đó. Năm 1984, càng làm nhục thêm, bộ chính trị Đảng bổ nhiệm Giáp đứng đầu ủy ban về kế hoạch gia đình (Currey 2005, 314). Một chức như vậy là quá nhục nhã khiến nhiều người nhạo báng ông ta bằng các câu thơ, thí dụ như:

Ngày xưa Đại tướng cầm quân,
Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em.
(Đặng 2013).

Mặc dù ông ta bị thất sủng và thậm chí bị hạ nhục bởi chính phủ khi còn sống, Giáp được cho một quốc tang chu đáo. Hàng chục ngàn người trải hàng trên đường đến phi trường, nơi quan tài sẽ được bay đến quê ông ta, tỉnh Quảng Bình. Trong khi hàng ngàn người Việt Nam công khai than khóc cái chết của ông, hàng triệu người khác âm thầm than khóc cái chết của những người thân yêu đã bị giết bởi Giáp và các đồng chí ông ta.

Ngày cuối cùng, ngày 7 tháng 5 năm 1954:

Nhiều nguồn mô tả nhiều chi tiết vào những ngày chót, kể cả buổi họp giữa Castries và các chỉ huy trưởng và cuộc đàm thoại giữa Castries và Cogny (Fall 2002, 400-408; Morgan 2010, 549-554; Roy 2002, 278-282; Simpson 2005, 164-166; Windrow 2006, 608-609). Tuy nhiên, một vài chi tiết đặc trưng không được biết một cách chắc chắn về ngày cuối cùng, ngày 7 tháng 5 năm 1954. Một số những chi tiết này là: (a) cờ trắng có được dựng lên trên hầm của Castries hay không; (b) danh tính các thành viên của toán Việt Minh vào hầm Castries và giữ Castries và nhân viên ông; (c) các trao đổi đối thoại chính xác giữa người toán trưởng Việt Minh và Castries trong hầm, đặc biệt, Castries có nói "Đừng bắn tôi," hoặc "Xin đừng bắn" hay không; (d) có lá cờ Việt Minh treo trên hầm Castries ngay sau khi Castries bị bắt giữ hay không. Như trình bày dưới đây, câu trả lời cho các câu hỏi trên, theo thứ tự tương ứng: (a) Không; (b) Tạ Quốc Luật, Bùi Văn Nhỏ, Hoàng Đăng Vinh, Đào Văn Hiếu, and Nguyễn Văn Lam; (c) Tạ Quốc Luật bảo Castries ra lệnh cho lính ông đầu hàng và gọi Hà Nội yêu cầu Pháp chấm dứt thả bom xuống Điện Biên Phủ, và Castries quả thật thốt lên, "Đừng bắn (tôi)"; (d) Không.

Một nguồn tài liệu mà hầu như không được đề cập đến trong các sách Tây phương là các bài viết tin tức về Việt Nam được chính phủ chấp thuận cho đăng trên Internet. Việc các tác giả Tây phương dè dặt, miễn cưỡng, hoặc thiếu dùng các tài liệu Việt Nam có thể là do một số lý do. Trước hết, những tài liệu Việt Nam được công bố với sự chấp thuận chính phủ rất ít được tin tưởng, trừ khi nội dung là trung lập chính trị. Thứ hai, nguồn Việt Nam thường được xuất bản trong ngôn ngữ Việt Nam, không dễ cho người Tây phương đọc. Thứ ba, đăng trên Intenet được biết là không hoàn toàn chính xác. Vì ít nhất những lý do này, những tài liệu tiếng Việt xuất bản dưới sự kiểm soát hoặc phê duyệt của chính phủ CHXHCN Việt Nam không đáng tin cậy. Tuy nhiên, có những trường hợp mà dùng các tài liệu này có thể hữu ích, đặc biệt là thông tin trung lập chính trị như danh tính các thành viên của nhóm vào hầm Castries. 

1 - Cờ trắng có treo trên hầm Castries không?

Chắc chắn Pháp coi chuyện giơ cờ trắng là quan trọng. Navarre và Cogny từ chối ra lệnh Castries đầu hàng, chứ đừng có nói là giơ cờ trắng trên hầm Castries. Tầm quan trọng của việc giơ cờ trắng được ghi nhận kỹ lưỡng trong cuộc đàm thoại radio cuối cùng giữa Castries và Cogny. Cuộc đối thoại có vẻ chú trọng vào sự biểu hiện của biểu tượng đầu hàng, và không chú trọng vào những xác chết nằm bừa bãi trên mặt đất hoặc sự sống còn của những người còn sống. Trong khi Navarre và Cogny chú tâm vào biểu tượng của danh dự quân đội, Castries thì quan tâm nhiều hơn về những người bị thương (Windrow 2006, 615).

Mặc dù rõ ràng là Castries nhận lệnh không đầu hàng hoặc giơ cờ trắng, vẫn còn tranh luận là cờ trắng có thực sự giơ lên trên hầm Castries hay không, hoặc cho tới lúc hết hoặc tạm thời trước khi được mang xuống. Đa số các tài liệu đồng ý là không có một lá cờ trắng nào được giơ lên (Fall 2002, 410; Simpson 2005, 167). Trung sĩ Kubiak tin là lúc đó anh có thấy một lá cờ trắng bay trên hầm Castries, nhưng một số nói rằng nó không phải là cờ trắng mà là một cái dù hàng hóa trắng và lớn vắt qua một gốc cây (Fall 2002, 404; Roy 2002, 280, 283). Một số tài liệu cho rằng một lá cờ trắng được kéo lên, mặc dù không chính xác rõ rệt ở trên hầm Castries (Currey 2005, 203).

2 - Danh tính của các thành viên của toán Việt Minh vào hầm Castries.

Danh tính mấy người Việt Minh bắt De Castries không được ghi rõ (Windrow 2006, 616), và có thể ghi sai trong các sách Tây phương, nhưng những danh tính đều được biết đến trong các tài liệu Việt Nam. Tài liệu Tây phương quy cho trung đội trưởng Chu Ta The (Roy 2002, 283) hoặc Đại úy "Tạ Quang (sic) Luật" (Simpson 2005, 166-167) Trong một loạt các bài báo, các nguồn tin Việt Nam xác định các thành viên với tên đầy đủ: Tạ Quốc Luật, Bùi Văn Nhỏ, Hoàng Đăng Vinh, Đào Văn Hiếu và Nguyễn Văn Lam (Phạm 2011). Vì tên của các thành viên trong toán không có ý nghĩa chính trị thực sự, an toàn để chấp nhận nguồn tin Việt Nam, đặc biệt là có bằng chứng thật về các phỏng vấn với các thành viên này (thí dụ, Vinh và Hiếu).

3 –Lời trao đổi giữa Castries và Tạ Quốc Luật và Castries có nói, "Đừng bắn tôi!" hay không.

Điều gì được nói giữa Castries và mấy người lính Việt Minh không được ghi lại rõ ràng trong các tài liệu Tây phương, nhưng tài liệu Việt Nam mô tả rất chi tiết. Một tài liệu Tây phương chỉ nói rằng đó là "một trao đổi ngắn gọn liên quan đến lệnh ngừng bắn" (Simpson 2005, 167). Fall (2002, 410) viết rằng Castries hỏi viên sĩ quan địch là ông có thể nói với lính ông ngừng bắn và Đại úy Luật trả lời rằng chuyện đó không cần thiết vì lính Pháp đã bỏ cuộc không cần lệnh ông.

Trung sĩ Passerat de Silans được báo cáo là xác nhận rằng khi nhìn những khẩu súng tiểu liên nhằm vào ông, Castries la lên, "Đừng bắn tôi" (Roy 2002, 283), nhưng theo Roy, câu này không có vẻ là của Castries, người có thể hỏi anh lính Việt Minh có bắn không trong cố gắng thay đổi thái độ đe dọa của toán lính (sđd.). Tuy nhiên, Roy không giải thích lý do tại sao câu này không có vẻ là của Castries. Không có lý do tại sao Silans nói dối, và không có bằng chứng cho thấy Silans bị mất trí nhớ hoặc thính giác của Silans bị suy yếu. Điểm quan trọng nhất, câu của Silans được kiểm chứng bởi câu của người lính Việt Minh chỉa súng tiểu liên vào Castries lúc đó (xem dưới đây). Người Pháp có thể coi chuyện một ông Tướng la lên "Đừng bắn tôi" là một biểu hiện hèn nhát, nhưng đó có thể không như vậy đưới quan điểm của Việt Minh.

Theo Hoàng Đăng Vinh, người lính Việt Minh chỉa súng tiểu liên vào Castries, Tạ Quốc Luật ra lệnh Vinh tạm giữ Castries (Phạm 2011). Vinh bước tới trước và Luật nhắc anh ta ra oai. Vinh trừng mắt nhìn Castries, ưỡn ngực ra, đặt ngón tay lên cò súng và tới gần Castries, người đứng lên và chìa tay ra để bắt tay. Vinh không hiểu tại sao Castries muốn bắt tay, và hét lên, "Giơ tay lên!" và chọc súng vào bụng Castries. Castries lùi hai bước, run rẩy, và nói với Vinh bằng tiếng Pháp nhưng Vinh không hiểu những gì Castries nói vào lúc đó vì anh không biết tiếng Pháp, nhưng Luật sau đó nói với anh rằng Castries nói, "Xin đừng bắn (tôi). Chúng tôi đầu hàng" (Phạm 2011).

Đào Văn Hiếu, một người lính trong toán, nhớ lại rằng Tạ Quốc Luật nói với De Castries bằng tiếng Pháp, "Ông phải đầu hàng ngay bây giờ. Ông đã thua rồi. Ông phải ra lệnh lính ông hạ vũ khí và gọi radio tới Hà Nội yêu cầu họ không thả bom vào Điện Biên nữa" (Thái 2011).

4 - Lá cờ Việt Minh có được cắm trên hầm Castries ngay sau khi Castries bị bắt không?

Theo câu chuyện kể bởi một trong năm người lính Việt Minh bắt De Castries, quân Việt Minh không cắm lá cờ đỏ sao vàng trên hầm De Castries ngay sau khi bắt De Castries. Tuy nhiên, Bernard Fall (2002, 410) có vẻ chắc chắn rằng ba chiến sĩ Việt Minh, kể cả trung đội trưởng Chu Bá Thế, cắm lá cờ đỏ sao vàng trên hầm chỉ huy Điện Biên Phủ vào khoảng 5:40 chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954 vì hàng ngàn người thấy nó, và nhiều người trong số họ đề cập chuyện đó với ông. Martin Windrow (2006, 616) khẳng định vào khoảng 5:40 chiều, một lá cờ Việt Minh lớn màu đỏ, thêu vàng được giơ lên trên hầm chỉ huy, cắm bởi tướng Vương Thừa Vũ của Sư đoàn 308.

Tuy nhiên, Hoàng Đăng Vinh, một trong những chiến sĩ Việt Minh bắt Castries, nói rằng không có một lá cờ đỏ sao vàng nào được cắm trên trên hầm De Castries ngay sau khi Castries bị bắt. Vinh thông báo Tổng cục Chính trị vào tháng 5, năm 1984 để nói với cán bộ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và tại Hội nghị các tổ chức tin tức ở Điện Biên tháng ba năm 1994 về vấn đề này. Theo Vinh, chuyện bắt De Castries xảy ra lúc khoảng 17:00 trong vùng núi nơi không còn ánh nắng và không ai cắm cờ để chụp hình. Chuyện chụp hình và quay phim / video do nhà sản xuất phim Karmen (Liên Xô) hợp tác với các nhà làm phim Việt Minh trong việc làm bộ phim / video. Trong lúc quay phim, kịch bản gồm có cảnh cắm cờ để nhấn mạnh chủ đề chiến thắng. Ba người lính được chọn để vẫy cờ và mang súng trên hầm Castries như trong các hình ảnh được phổ biến, không phải là thành viên của toán Luật. Họ là những binh lính từ Sư đoàn 316, người chỉ đơn thuần là tái tạo lại thời điểm vinh quang chiến thắng (Nguyễn 2004). Vì cắm một lá cờ trên hầm Castries ngay sau khi bắt ông tiêu biểu niềm tự hào và vinh đự quốc gia, chuyện một người lính nhân chứng Việt Minh bác bỏ nó và chính phủ Cộng sản cho phép câu tuyên bố ông ta được in ra công khai rõ ràng khẳng định tính xác thực của lời Vinh nói. Hơn nữa, câu Vinh nói có vẻ phù hợp với tình hình lúc đó. Bấy giờ là cuối chiều, các người lính Việt Minh kiệt sức, và những người chiến đấu Pháp đang đi ra hào và hầm hố. Trong sự phấn khích và lẫn lộn phân loại các người đầu hàng, không ai nhớ cắm một lá cờ, giả sử có sẵn cờ.

De Castries:

Nhiều sách cho biết chi tiết về cuộc đời và con người của De Castries (Fall 2002, 54-56; Morgan 2010, 208; Roy 2002, 63-65; Simpson 2005, 25; Windrow 2006, 300-301). Một bài báo đăng ngày 18 tháng 4 năm 1954 (PalmBeach 1954) mô tả De Castries là người thích hút píp Hòa Lan, giữ gìn bề ngoài tuyệt hảo, đội mũ Spahi đỏ, và sống như là vị "tướng lãnh quý phái" trong cuộc vây hãm.

DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO

(Biên tập cho phần trích này)

Bartholomew-Feis, Dixee. 2006. The OSS and Ho Chi Minh: Unexpected Allies in the War against Japan. University Press of Kansas, Kansas, U.S.A.

Cao-Đắc, Tuấn. 2014. Lửa Cháy Trong Mưa. Dịch từ văn bản tiếng Anh bởi Cao-Đắc Tuấn. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.

Chen, King C. 1969. Vietnam and China, 1938-1954. Princeton University Press, New Jersey, U.S.A.

Colvin, John. 1996. Giap: Volcano Under Snow, Soho Press, New York, U.S.A.

Currey, Cecil. 1996. Giap and Tet Mau Than 1968: The Year of the Monkey, in “The Tet Offensive,” Eds. Marc Jason Gilbert and William Head, Praeger Publishers, Connecticut, U.S.A.

_________. 2005. Victory at any cost, Potomac Books, Inc., Virginia, U.S.A. 

Fall, Bernard B. 2002. Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press, U.S.A.

Hoang Van Chi. 1964. From Colonialism to Communism. Frederick A. Praeger, New York, U.S.A.

Huyen, N. Khac. 1971. Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh. The Macmillan Company, New York, U.S.A.

Jamieson, Neil L. 1995. Understanding Vietnam. University of California Press, California, U.S.A.

Lacouture, Jean. 1968. Ho Chi Minh: A Political Biography. Translated from the French by Peter Wiles. Translation edited by Jane Clark Seitz. Random House, New York, U.S.A.

Lind, Michael. 1999. Vietnam: The Necessary War. Simon & Schuster, New York. U.S.A.

Logevall, Fredrik. 2012. Embers of War. Random House, New York, U.S.A.

Macdonald, Peter. 1993. Giap: The Victor in Vietnam. W.W. Norton & Company, New York, U.S.A.

Morgan, Ted. 2010. Valley of Death: The Tragedy at Dien Bien Phu That Led America into the Vietnam War, Random House, U.S.A. 

Nguyen, Lien-Hang T. 2012. Hanoi’s War. The University of North Carolina Press, North Carolina, U.S.A.

Nguyen Van Canh (with Earle Cooper). 1983. Vietnam Under Communism, 1975-1982. Hoover Institution Press, Stanford University, California, U.S.A.

Nguyễn Công Luận. 2012. Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier. Indiana University Press, Indiana, U.S.A.

O’Neill, Robert J. 1969. General Giap – Politician and Strategist. Frederick A. Praeger, New York, U.S.A.

Patti, Archimedes L.A. 1980. Why Viet Nam? Prelude to America’s Albatross, University of California Press, California, U.S.A.

Pike, Douglas. 1986. PAVN – People’s Army of Vietnam. Da Capo Press, New York, U.S.A.

Roy, Jules. 2002. The Battle of Dienbienphu, Second edition, Carroll & Graf Publishers, New York, U.S.A.

Simpson, Howard R. 2005. Dien Bien Phu: The Epic Battle America Forgot, Potomac Books Inc., Virginia, U.S.A.

Thụy Khuê. 2012. Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc (Nhân Văn Giai Phẩm and the issue of Nguyễn Ái Quốc). Tiếng Quê Hương, Virginia, U.S.A.

Zhai, Qiang. 2000. China and the Vietnam Wars, 1950 – 1975. The University of North Carolina Press, North Carolina, U.S.A.

Windrow, Martin. 2006. The Last Valley: Dien Bien Phu and the French Defeat in Vietnam, Da Capo Press, U.S.A. 

Woodruff, Mark W. 2005. Unheralded Victory: The Defeat of the Viet Cong and the North Vietnamese Army, 1961-1973, Presidio Press, New York, U.S.A. 2005.

NGUỒN INTERNET

Cần lưu ý rằng nguồn Internet có thể không vĩnh viễn. Một blog có thể gỡ bỏ bởi tác giả, một bài báo có thể bị xóa, hoặc một Website có thể bị đóng cửa.

Bùi Tín. 2013. Tướng Võ Nguyên Giáp, Như Tôi Từng Biết (General Võ Nguyên Giáp, as I once knew him). Đăng 4-10-2013. http://www.voatiengviet.com/content/dai-tuong-vo-nguyen-giap-nhu-toi-tung-biet/1763195.html (truy cập 18-10-2013).

Đặng Chí Hùng. 2013. Những sự thật cần phải biết (phần 19) - Sự thật về Võ Nguyên Giáp (The Truths That Must Be Known (part 19) – The truth about Võ Nguyên Giáp). Đăng 5-9-2013. http://danlambaovn.blogspot.com/2013/09/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-19-su.html#.Ul0Flirn_mQ (truy cập 15-10-2013).

Nguyễn Đoàn. 2004. Về lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát (About the victory flag on the bunker of De Castries), April 24, 2004. http://www1.laodong.com.vn/pls/bld/folder$.view_item_detail(99381) (truy cập 29-9-2013).

NYTimes. 2013. Gen. Vo Nguyen Giap, Who Ousted U.S. From Vietnam, Is Dead. Đăng 4-10-2013. http://www.nytimes.com/2013/10/05/world/asia/gen-vo-nguyen-giap-dies.html?pagewanted=3&src=recg (truy cập 9-10-2013).

PalmBeach. 1954. Between Cologne And Tobacco, De Castries Defends Bastion. The Palm Beach Post, 18-4-1954. http://news.google.com/newspapers?nid=1964&dat=19540418&id=EdsiAAAAIBAJ&sjid=DM0FAAAAIBAJ&pg=2954,3168383 (truy cập 29-9-2013).

Phạm Hoàng Hà. 2011. Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 3) (Meeting with the men who captured General De Castries (Part 3), 23-4-2011 http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/296/296/296/147053/Default.aspx (truy cập 29-9-2013).

Thái Dương. 2011. Gặp người bắt sống tướng De Castries (Meet the man who captured General De Castries), 8-5-2011. http://www.nguoiduatin.vn/gap-nguoi-bat-song-tuong-de-castries-a4393.html (truy cập 30-9-2013).


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo