Sinh viên Hà Nội với Phong trào “Không Bán Nước”. - Dân Làm Báo

Sinh viên Hà Nội với Phong trào “Không Bán Nước”.

CTV Danlambao - Sau hơn hai tuần lễ, tính đến nay các hoạt động ủng hộ Phong trào “Không Bán Nước” đã được tổ chức tại ít nhất 4 địa điểm trong cả nước với 6 lần thực hiện.

Hoạt động mới nhất vừa được diễn ra vào hôm 24 tháng 6, một nhóm sinh viên tại Hà Nội đã tổ chức phát nước miễn phí và tờ rơi có nội dung nói về chủ quyền biển đảo cho người dân. Điều đáng chú ý là các bạn trẻ này từng nhiều lần xuống đường biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung cộng xâm lược và đều là nạn nhân của một loạt các hành vi đàn áp, sách nhiễu của chính quyền như bị bắt bớ, câu lưu, hành hung thậm chí bị buộc phải thôi học.

Mới đây nhất là ngày 18 tháng 5, ít nhất ba trong số những bạn trẻ này là Lê Đức Hiền, Hạ Long và Lý Quang Sơn đã bị công an Hà Nội bắt giữ trái phép khi xuống đường biểu tình phản đối giàn khoan HD 981.

Khi được hỏi vì sao hưởng ứng Phong trào này, một bạn cho biết:

Mời nước miễn phí cho người dân lao động trong mùa hè nóng bức là chuyện nên làm. Nó thể hiện tấm lòng của tụi em. Và tụi em cũng muốn qua việc làm nho nhỏ của mình thể hiện trách nhiệm với Dân tộc. Muốn nói với các cô chú bác, anh chị em rằng nếu nước mất thì nhà tan. Lịch sử cha ông ta chưa bao giờ khuất phục ngoại bang. Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn gây hấn với Việt Nam; chúng xây dựng khu hành chính Tam Sa để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta. Chúng bắt giết ngư dân Việt Nam ngay trên biển của chúng ta; chúng vẽ ra đường lưỡi bò để chiếm biển Đông, chúng cắt cáp rồi bây giờ lại cắm cái giàn khoan HD981 ngay trên vùng biển chủ quyền của chúng ta…

Người dân trong đó có chúng em đi biểu tình phản đối Trung Quốc thì bị bắt bớ, đánh đập. Trong khi truyền thông nhà nước thì đưa tin không trung thực. Giờ tụi em đi phát nước miễn phí, nói cho bà con biết hành động xâm lược của Trung Quốc với hy vọng họ hiều về hiện tình đất nước. Chúng em chỉ nghĩ đơn giản, là một công dân thì phải có trách nhiệm với Dân tộc mình. Người dân VN luôn bị “trách” là vô cảm nhưng chúng em nghĩ điều đó chỉ đúng 1 phần thôi. Cái chính là họ bị bưng bít sự thật. Nếu có ai nói cho họ biết sự thật, em tin chắc họ sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn. Ai cũng yêu nước, yêu Tổ quốc mình chỉ có điều không biết hoặc không có cơ hội thể hiện thôi.

Đề cập về những khó khăn khi thực hiện hành động “Không Bán Nước”, một bạn khác chia sẻ:

Chúng em cũng có gặp một số trở ngại. Nhiều người rất e dè khi nhận tờ rơi. Sau khi chúng em giải thích thì họ có đọc và nói: “Ồ, toàn là những điều hiển nhiên là sự thật”. Chúng em nghĩ, chắc họ bị… nhiễm lời tuyên truyền lề đảng rằng những ai đi phát tờ rơi, hay nói về chủ quyền biên đảo đều là “kẻ xấu”, là “thế lực thù địch” nên mới có những biểu hiện như thế. Có người thậm chí còn… dặn chúng em là: “Đừng có đi biểu tình nhé, biểu tình là bị bắt đấy”. Thế là lại phải giải thích. Thế mới biết, người dân ta khổ và thảm hại cỡ nào. Đến quyền lợi chính đáng của mình mà còn nghĩ đó là điều pham pháp.


Thay mặt cho nhóm, bạn Lê Đức Hiền đã chia sẻ một vài suy nghĩ khá thú vị về ý nghĩa của việc ủng hộ và tham gia phong trào Không Bán Nước: 

Theo em thì khi xuống đường biểu tình ôn hòa hay hưởng ứng phong trào không bán nước đều là những việc làm xuất phát từ trách nhiệm và tình yêu với đất nước. Em nghĩ việc Không Bán Nước, tức là nói cho đầy đủ là phản đối giàn khoan HD 981, phát nước miễn phí, phát tờ rơi và tiếp cận với người dân để trao đổi với họ về chủ quyền biển đảo thì tác dụng của nó là không hề nhỏ hơn việc xuống đường biểu tình.

Việc phát tờ rơi, Không Bán Nước không cần phải có nhiều người cũng thực hiện được. Và quan trọng là việc tiếp cận với quần chúng là vô cùng cần thiết. Tụi em thấy một người phụ nữ yếu ớt, hơn nữa lại là một người tù bị quản chế như chị Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng còn dám làm thì tụi em không có lý do gì không làm. Chị Như Quỳnh ở Nha Trang, vướng bận con nhỏ chị ấy cũng làm được. Rồi gần đây nhất là nhóm anh Bạch Hồng Quyền, chú Trương Văn Dũng, chị Mai Phuơng Thảo và anh Lê Thiên Nhân đã thực hiện việc này.

Và tụi em còn biết sau khi thực hiện việc này thành công, nhóm anh Nhân cũng như chú Dũng lại tiếp tục tham gia biểu tình phản đối chuyến thăm của Dương Khiết Trì ngay sau đó rồi cả hai cùng bị bắt. Nhất là trường hợp chú Tuyến ở Sài Gòn, chú chỉ có một mình mà đã hai lần quẩy gánh nước đi dạo mời bà con với những thông điệp về tình yêu đất nước khiến ai cũng thấy cảm động và thú vị nữa. Em hy vọng đây sẽ là một việc làm được nhiều người hưởng ứng để nó thật sự trở thành một "phong trào" và diễn ra khắp nơi trên quê hương Việt Nam. Nhưng đó chỉ là ước mong thôi, khó thành hiện thực bởi không phải ai cũng muốn làm và dám làm. Nhất là khi việc làm này bị không ít người cho là… buồn cười. 

Nhóm sinh viên này cho biết họ sẽ tiếp tục huởng ứng phong trào Không Bán Nước vì thấy được tác động tích cực của nó lên xã hội. Và họ cũng đóan trước sẽ gặp rắc rối, thậm chí bị “chơi xấu”, bị gây sự, bị sách nhiễu, thậm chí có thể bị bắt giữ hay hành hung nhưng các bạn cho rằng đấy chính là biểu hiện rõ nhất của hiệu quả công việc các bạn đang làm.

“Thật nực cười khi nhà nước, các ông lãnh đạo đảng phản đối giàn khoan HD981 nhưng lại đi bắt bớ người dân chỉ vì cũng hành động như mình. Và rõ ràng chúng em bị trà đạp nhân quyền chỉ vì bày tỏ thái độ, quan điểm một cách ôn hòa về chủ quyền đất nước". Một người tham gia Phong trào Không bán nước ngày 24.6 đã chia sẻ.






CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo