Alexander Vuving - 27 Tháng 7, 2014
“Tìm hiểu sâu vào câu hỏi này không những làm sáng tỏ quyết tâm của Trung Quốc, mà còn khám phá những bài học có giá trị về cách đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh.”
Alexander Vuving (The National Interest) / Người dịch: Đỗ Tùng (Danlambao) - Trong bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày 02 tháng 5, Trung Quốc (TQ) đơn phương triển khai giàn khoan dầu HD-981 trị giá 1 tỷ đô-la để khoan ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Giàn khoan ban đầu được dự kiến sẽ ở lại cho đến ngày 15 tháng 8, nhưng vào ngày 15 tháng 7 TQ thông báo rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc và sẽ được chuyển tới đảo Hải Nam. Việc rút giàn khoan đi là một quyết định đơn phương và bất ngờ cũng như việc triển khai. Khi giàn khoan này được cắm trong khu vực tranh chấp, nó đã gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Trung-Việt kể từ năm 1988.
Như với các cuộc khủng hoảng tương tự khác, bế tắc này cũng là một trận chiến của ý chí. Nếu quyền lực là chìa khóa để chiến thắng một cuộc xung đột quốc tế, sự quyết tâm cũng không kém phần quan trọng. Bên nào với quyết tâm lớn hơn có thể giành chiến thắng ngay cả khi nó là bên yếu hơn. Với chủ quyền của mình bị đe dọa, hai quốc gia thử nghiệm quyết tâm của nhau để xem ai sẽ chớp mắt trước.
Trong bối cảnh đó, việc thu hồi giàn khoan của TQ một tháng trước thời hạn không chứng minh được quyết tâm của mình. Như vậy thì TQ đã chớp mắt trước? Tìm hiểu sâu vào câu hỏi này không những làm sáng tỏ quyết tâm của TQ, mà còn khám phá những bài học có giá trị về cách đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh. Trong số rất nhiều những lời giải thích có thể có, chúng ta hãy xem xét ba giải thích đáng tin cậy nhất.
Cú đánh của Thiên Nhiên
Lý do đơn giản nhất, và thoạt nhìn thì cũng là lý do thuyết phục nhất, việc TQ di chuyển giàn khoan là thời tiết xấu. Một ngày trước khi rút giàn khoan, thời tiết tại địa điểm giàn khoan trở nên xấu, cảnh báo trước của cơn bão Rammasun đang đi tới. Được xem như là một “siêu bão” Rammasun đã được dự kiến sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam ở gần đó trong ba ngày nữa, vào ngày 18. Mặc dù Hoàng Sa về phía tây nam, nơi mà giàn khoan đang cắm, đã được dự báo sẽ không nằm trực tiếp trên con đường của bão Rammasun, không ai có thể đảm bảo rằng cơn bão nghiêm trọng này sẽ không gây thiệt hại cho cấu trúc giàn khoan, tàu bè và con người tại nơi đó. Mặc dù giàn khoan HD-981 được cho là có thể chịu được bão mạnh, sẽ có quá nhiều rủi ro nếu giàn khoan và các tàu hộ tống nằm ở giữa đại dương trong thời tiết xấu.
Lúc đó TQ phải đối mặt với hai sự lựa chọn. Một là di chuyển giàn khoan xa hơn về phía nam để tránh khỏi con đường đi của cơn bão. Làm vậy sẽ di chuyển giàn khoan sâu hơn vào EEZ của Việt Nam, và sẽ tạo ra nhiều vấn đề lớn hơn về hậu cần cho đội tàu bảo vệ trong khi leo thang cuộc xung đột với VN. Một lựa chọn khác là di chuyển giàn khoan vào gần bờ của TQ hơn và ra khỏi vùng biển mà VN tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ cho phép giàn khoan được neo tại một nơi cạn hơn, và không đòi hỏi phải có nhiều tàu bè để bảo vệ giàn khoan. TQ đã chọn cách thứ hai, là cách ít rủi ro hơn, và thông báo rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc của mình. Thông báo này cũng là sự lựa chọn tốt hơn cho TQ. Nếu tuyên bố tạm thời rút giàn khoan đi thì phải quay trở lại ngay sau cơn bão chấm dứt. Khi kéo giàn khoan trở lại sẽ bị một đội tàu thuyền lớn của VN chận lại và TQ sẽ có nguy cơ mất mặt vì không thể cài đặt giàn khoan tại vị trí cũ.
Tuy nhiên lý do “thời tiết xấu” sẽ không giải thích được một sự kiện liên quan. Vào ngày 15, cùng ngày với giàn khoan bắt đầu dời đi, TQ thả tất cả mười ba ngư dân VN bị bắt giữ trong cuộc khủng hoảng giàn khoan. Đây có phải là kết quả của một thỏa thuận sau hậu trường với VN hay chỉ vì TQ nhận thức rằng cuộc khủng hoảng đã đạt đến giới hạn của nó?
Một thỏa thuận ngầm
Chúng ta không biết có hay không một thỏa thuận bí mật đã thành hình, nhưng những gì chúng ta biết có dấu hiệu một mặc cả ngầm đã diễn ra. Trong khi tàu thuyền của TQ và VN chơi trò mèo và chuột gần giàn khoan dầu gây nhiều tranh cãi, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã tìm cách thương lượng với Bắc Kinh, và BK đã trả lời với bốn điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Điều kiện đầu tiên là VN phải chấm dứt quấy rối giàn khoan dầu và tàu bè hộ tống của TQ. Thứ hai, VN không được tranh chấp quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa của TQ. Điều kiện thứ ba là VN không được theo đuổi các thủ tục pháp lý chống lại tuyên bố và hành động của TQ ở Biển Đông. Và cuối cùng, VN không được dính líu đến một bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, trong vấn đề song phương này.
Hai điều kiện đầu tiên về mặt chính trị là điều không thể đáp ứng đối với bất kỳ chính phủ nào tại Hà Nội. Nhưng Hà Nội đã quyết định hai chuyện tạo tín hiệu nhượng bộ hai điều kiện kia. Mặc dù đã có một chiến dịch lớn trong các phương tiện truyền thông nhà nước và một vài kêu gọi mạnh mẽ từ một số cá nhân đòi đưa Bắc Kinh ra tòa, tập thể lãnh đạo của VN đã quyết định không nộp các hồ sơ pháp lý để kiện TQ. Họ cũng hoãn lại chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, mà ban đầu đã được phê duyệt và dự kiến vào tháng Sáu sau cuộc điện đàm giữa Minh với người đồng nhiệm Mỹ John Kerry vào ngày 21 tháng 5. Việc TQ rút giàn khoan đi và phóng thích ngư dân VN có thể được hiểu như một hành động đối ứng của sự xuống thang.
Ngoại trừ có một thỏa thuận bí mật mà trong đó Hà Nội có thể cam kết sẽ nhượng bộ nhiều điều quan trọng hơn, thỏa thuận ngầm gợi ý ở trên chỉ đáng chú ý vì tính chất đối xứng của nó và sự mong manh của sự nhượng bộ ở cả hai phía. Giống như động tác xuống thang của TQ, sự nhượng bộ của VN không có giá trị nhiều và có thể đảo ngược. Thay vì gửi Bộ trưởng Ngoại giao Minh, VN cử người đứng đầu phía đảng CS của thành phố Hà Nội là Phạm Quang Nghị đi Hoa Kỳ ngày 20 tháng 7, chỉ một vài ngày sau khi giàn khoan được rút. Là một thành viên của Bộ Chính trị, Nghị về mặt chính trị ở cấp cao hơn Minh, là người chưa được ngồi vào bậc thang cao nhất của chính trị VN. Hơn nữa, Nghị được biết là thân cận với tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng, là người ở cấp cao nhất trong cả nước. Chuyến đi Mỹ của Nghị sẽ mang lại một số cảm nhận trực tiếp cho Trọng, từ đó sẽ định hình chuyến đi của Minh, mà bây giờ được dời lại vào tháng Chín.
Các hành động pháp lý chống lại TQ là một cái gì đó mà Hà Nội sẽ phải trì hoãn cho dù khi không có áp lực của TQ. Trong khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi trước với kế hoạch chuẩn bị cho việc kiện TQ ra tòa, hầu hết các thành viên chủ chốt khác của Bộ Chính trị không chắc rằng việc kiện cáo này sẽ là lựa chọn tốt nhất. Sợ bị TQ trả đũa cộng thêm khả năng tòa án sẽ có một phán quyết bất lợi, và thực tế là không có phán quyết nào có thể được thực thi mà không có sự đồng ý của TQ là những yếu tố chính trong tính toán của họ.
Sự nhượng bộ của Hà Nội có phải là lý do để Bắc Kinh xuống thang? Nếu có thì cũng chỉ đóng một phần nhỏ vì những nhượng bộ này mong manh và rẻ tiền. Lý do thật sự làm cho TQ phải xuống thang cuộc xung đột là trên thực tế một số diễn viên, bao gồm cả VN và Hoa Kỳ, đã tăng đáng kể mức trần cho phép những hành động đối phó với TQ. Phản ứng của Bắc Kinh có thể trông giống như kết quả một thỏa thuận ngầm, nhưng bản chất thực sự của nó là một cái gì khác.
Những lát salami dày thêm
Nếu chúng ta xét hành vi của TQ qua lăng kính của chiến thuật cắt lát xúc xích salami thì sẽ thấy nó rõ nghĩa nhất. Đây là phương pháp đặc trưng của Bắc Kinh để thực hiện yêu sách về chủ quyền lãnh thổ của mình và thay đổi tình trạng hiện tại trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điểm mấu chốt của chiến thuật cắt salami là phải đánh đúng điểm cân bằng mong manh giữa sự gây hấn và sự kiềm chế để các hành động của bạn đủ để thay đổi thực tế hiện trường nhưng không đủ để tạo ra một lý do chính đáng cho những người khác quyết định chống lại bạn. Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng sự cân bằng mong manh này đã đạt đến giới hạn của nó và cơn bão Rammasun đã cho TQ một lý do tốt để xoa dịu căng thẳng mà không bị mất mặt.
Việc triển khai giàn khoan HD-981 ở vùng đặc khu kinh tế của VN đã gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Vì TQ bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn một cách hung hăng trong một thời gian rất lâu, nhận thức của thế giới của TQ đã thay đổi theo chiều hướng xấu. Chúng ta đã thấy các thành viên của Quốc hội Việt Nam gọi TQ là một kẻ thù, một chuyện không thể có trước biến cố giàn khoan. VN cũng làm sống lại những ký ức về chiến tranh với TQ, đó là một điều cấm kỵ trong hai thập kỷ qua. Trong giữa tháng Bảy, lần đầu tiên Hà Nội kỷ niệm các vụ đụng độ quân sự ở Vị Xuyên gần biên giới Việt-Trung trong các năm 1984-1988, với những câu chuyện về cuộc chiến tranh đẫm máu được các phương tiện truyền thông VN loan tin rộng rãi, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công khai ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của những người VN đã tham gia cuộc chiến. Tất cả những điều này chưa từng xảy ra trước đây và cùng với các mối đe dọa của một thực tế liên minh với Hoa Kỳ đã chỉ ra một sự thay đổi lớn trong cách Hà nội tiếp cận Bắc Kinh.
Tại Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 7, Thượng viện nhất trí thông qua một nghị quyết (S.Res.412) lên án hành động cưỡng chế của TQ và thúc giục TQ rút lui giàn khoan và các lực lượng hàng hải liên quan. Nghị quyết cũng “đưa ra chính sách của Mỹ liên quan đến hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phản đối những tuyên bố vi phạm đến các quyền hạn, sự tự do, và những sử dụng hợp pháp trong vùng biển.” Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ có ảnh hưởng và các học giả bắt đầu kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với TQ. Một ví dụ là ở trang ý kiến của tờ báo Washington Post có bài viết tựa đề “Hoa Kỳ phải kềm chế việc lấn chiếm lãnh thổ của TQ” của Michèle Flournoy và Ely Ratner. Một ví dụ khác là chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers nhận xét rằng Hoa Kỳ phải phản ứng cứng rắn hơn những tuyên bố chủ quyền của TQ và phải làm cho các đồng minh và đối tác trở nên mạnh mẽ hơn.
Tóm lại xu hướng chung là việc TQ đơn phương đưa giàn khoan vào trong đặc khu kinh tế VN đã tạo thêm động lực cho một số quốc gia, gồm có Nhật Bản, Philippines, Australia, Ấn Độ và Việt Nam, điều chỉnh tư thế quân sự của họ và sắp xếp chính sách đối ngoại để chống lại sự hung hăng của TQ một cách hiệu quả hơn. Nhìn thấy xu hướng này và sự thay đổi trong nhận thức của các nước liên quan, TQ chắc chắn phải cảm thấy rằng hành động gây hấn của họ đã gây tổn hại cho chiến lược và uy tín của TQ.
Vậy thì sao đây?
Trong nhiều năm, các đối thủ của Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam và Hoa Kỳ, đã chấp nhận một chính sách kềm chế vì sợ khiêu khích con rồng khổng lồ. Họ đã tự tạo ra giới hạn đối với những gì họ cảm thấy nên làm trong việc đối phó với cường quốc đang nổi lên này. TQ, về phần mình, đã khéo léo khai thác nỗi sợ hãi này với chiến lược cắt xúc xích. Chiến lược cắt xúc xích có hiệu quả khi phía bên kia thiếu quyết tâm để thoát khỏi sự tự kiểm duyệt, vì sợ hãi tình hình có thể leo thang. Sự thành công của chiến lược cắt xúc xích dựa vào một thủ đoạn: nếu bạn có thể làm cho đối thủ tự kềm chế một cách đơn phương, bạn có thể giành chiến thắng mà không cần chiến đấu. Khi đã hiểu như vậy, dĩ nhiên cách đối phó với thủ đoạn đó là: bạn phải cho đối thủ của bạn thấy rằng kềm chế không thể là đơn phương.
Biến cố giàn khoan mà TQ tạo ra là kết quả của một quá trình lâu dài của chiến lược cắt xúc xích. Nhưng cũng chính vì biến cố này TQ đã tạo cơ hội cho các nước đối thủ của họ phá vỡ những giới hạn mà lâu nay đã hạn chế hành động của các nước đó. Kết quả của cuộc khủng hoảng này cho thấy rằng TQ không khác bao nhiêu so với các diễn viên khác - TQ cũng có nỗi sợ hãi riêng về tình hình có thể leo thang.
29/07/2014
Nguyên tác: Did China Blink in the South China Sea?
Tác giả: Dr. Alexander L. Vuving là Associate Professor ở The Asia-Pacific Center for Security Studies, Honolulu.
______________________________________
Lời bàn của người dịch:
Quan điểm và suy luận của tác giả dựa vào những quan sát chính thức, nên không đề cập mối quan hệ phức tạp giữa hai đảng CS Tàu và Việt. Đây là quan hệ cộng sinh, được viết rõ ràng ở 4 chữ cuối của “16 chữ vàng”: vận mệnh tương quan - hay nói nôm na là “tao chết thì mày cũng chết”. Vì vậy theo thiển ý của người dịch tác giả đã bỏ sót một cách giải thích khác.
Việc triển khai giàn khoan của TC đã làm “sáng mắt” dân Việt, không ai nghi ngờ gì nữa tham vọng bành trướng của TC, và điều này đã làm đảng CSVN lâm vào thế khó xử, nên họ buộc phải cho phép dân chúng biểu tình chống Tàu trong một chừng mực có thể kiểm soát được, và Nguyễn tấn Dũng phải mạnh miệng trong chuyện kiện Tàu. TC cũng biết là phải bảo vệ CSVN, không thể để mất chính quyền vào tay dân chúng, vì CSVN là “đồng chí” duy nhất của họ ở VN. Không có sự tiếp tay của CSVN thì không bao giờ TC có thể thôn tính VN, nghĩa là sẽ không kiểm soát được Biển Đông, không thực hiện được “giấc mơ Đại Hán”. Do đó họ phải rút giàn khoan về, và hai bên đều có thể tuyên bố “thắng lợi”!