Văn hóa Việt cộng: Văn hóa đồ đểu và văn hóa lưu manh - Dân Làm Báo

Văn hóa Việt cộng: Văn hóa đồ đểu và văn hóa lưu manh

Giáo Già (Danlambao) - Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã lên tiếng mời Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh sang Hoa Kỳ, đặc biệt là sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trong phần lãnh hải của VN nhưng từ tháng 5/2014 tới nay, hơn hai tháng qua, ông Phạm Bình Minh đã chẳng đi đâu cả. Dư luận cho rằng Bộ Chánh trị chẳng cho ông đi. Bất ngờ Bộ Chánh trị lại cho Phạm Quang Nghị, một ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội viếng thăm nước Mỹ. Điều này khiến người theo dõi tình hình ngạc nhiên vì Phạm Quang Nghị chẳng có chút kinh nghiệm ngoại giao, lại chẳng bao giờ đảm trách công việc ngoại giao.

Chuyến đi của Phạm Quang Nghị được thực hiện từ ngày 21/7, nhưng đến hơn hai ngày sau báo chí của CS Việt Nam mới dè dặt đưa tin. Trong khi đó, báo chí Mỹ và các hãng thông tấn ngoại quốc gần như không loan tin về chuyến công du của người ủy viên Bộ Chánh trị không dược Mỹ mời này. Điều khiến dư luận chú ý là một tháng trước Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, đã đến Hà Nội để dạy dỗ các lãnh đạo CSVN về lòng trung thành của đám thái thú đang có mưu toan vượt ra ngoài vòng tròn đỏ của 16 chữ vàng và 4 tốt, được hai bên kiên quyết giữ vững.

Trong cái lặng lẽ của chuyến đi, bất ngờ người ta được biết Phạm Quang Nghị có cuộc gặp Thượng Nghị sĩ McCain của Hoa Kỳ, sau khi Thượng nghị viện Mỹ đã đồng loạt biểu quyết bản Nghị quyết số 412, yêu cầu Trung Quốc trở về nguyên trạng trước thời điểm tháng 5/2014. Đồng thời, trước đó, phát biểu tại trường Đại học Quân sự West Point, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng đã nói thẳng khả năng Mỹ có thể điều quân tới khu vực Biển Đông, nếu tại đây xảy ra xung đột. Nó cho thấy Mỹ có thể là một đối tác chiến lược hoặc một đối tác quân sự hỗ trợ cho CS Việt Nam, làm tác động đến tâm lý những người bảo thủ ở Hà Nội khiến Bộ Chánh trị quyết định cho người được coi là ứng cử viên sáng giá cho cương vị Tổng bí thư CSVN là Phạm Quang Nghị lên đường diện kiến chính giới Mỹ qua McCain.

Có điều bất ngờ không ai đoán nổi là trong cuộc gặp vị Thượng Nghị sĩ nhiều thế giá trên chánh trường và trong Quốc Hội Mỹ Phạm Quang Nghị đã long trọng tặng vị Thượng Nghị sĩ này món quà “độc đáo” mà theo bài viết của phóng viên báo Tuổi Trẻ Phạm Thanh Long, người tự nhận là có đi theo phái đoàn của ông Nghị và chứng kiến tận mắt lúc trao bức hình [xem hình], xin được trích nguyên văn đoạn rất đáng lưu ý:

Đó là hai tấm ảnh, lớn bằng khổ giấy A4, vừa mới chụp trước ngày đoàn lên đường, ghi lại tấm bia tại đường Thanh Niên bên hồ Trúc Bạch. Chính nơi đây 47 năm về trước vị thiếu tá phi công hải quân John McCain đã bị quân và dân Việt Nam bắt làm tù binh…

…Chả thế mà đã có lần ngài (McCain) đề nghị với các vị khách Việt Nam khi sang thăm nước Mỹ, rằng ngài rất mong thành phố Hà Nội luôn quan tâm, giữ gìn vệ sinh cho khu vực xung quanh tấm bia. Nghe nói những lần tới thăm Việt Nam, ngài đã từng dừng xe để chụp ảnh bên tấm bia này...

Có điều cũng nên ghi nhận là trên tất cả báo CSVN, đều có đăng bài: “Cuộc gặp đặc biệt Phạm Quang Nghị – John McCain” trong đó có đoạn Phạm Quang Nghị nói nguyên văn:

Nhưng, trước khi kết thúc, tôi muốn tặng ngài một tấm ảnh. Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết. Còn ngài thích, thì tùy ngài”.

Bảo rằng “Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết”; nhưng truyền thông VC lại cho công bố nó trên tất cả các báo cho mọi người biết; đó là chưa kể theo “thông lệ… ngoại giao” trước khi tặng quà VC phải thăm dò ý của Thượng Nghị sĩ McCain và Tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Mặt khác, màn trao tặng bức hình chỉ là trình diễn trước dư luận với sự ưng thuận của Bộ Chánh trị, cho mọi người thấy lại cái “anh hùng” của “nhân dân… ta anh hùng” theo đúng cung cách “cao ngạo” sở trường của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN; nhưng thực tế lại cho mọi người thấy rõ thêm một lần nữa cái “đểu” của Đảng và Nhà nước “ta”.

Cũng nên biết thêm, có một điều rất đáng tiếc là việc tặng quà này chỉ có báo chí VC là làm “ầm ỹ”, tưởng như vậy là “ngon lành” lắm; nhưng nó lại làm lộ rõ bộ mặt bần tiện của Đảng và “Nhà nước... ta giàu đẹp” đến nỗi không có tiền để mua một tấm khuôn để lộng bức hình cho nó được “tử tế”, cho nó “xứng đáng” với món quà của một ủy viên Bộ Chánh trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tự nhận là “giàu sang bực nhứt VN” [xem hình].

Có điều càng đáng tiếc hơn nữa cho thân phận Phạm Quang Nghị là Nghị đã không được gặp Ngoại trưởng Mỹ. Thay vào đó, chỉ có Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới gặp để chào và chuyển lời thăm hỏi của ông John Kerry. Thêm nữa, tại Washington, Phạm Quang Nghị chỉ có những cuộc làm việc với Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng là ông Thomas Shannon, và một Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách đối ngoại là ông Tony Blinken. Như vậy, nhân vật cao cấp nhất mà Phạm Quang Nghị được tiếp xúc là Thượng Nghị sĩ John McCain và Patrick Leahy, Chủ tịch thường trực Thượng viện Mỹ; không như lần Nghị đi Bắc Kinh cách đây mười tháng.

Giáo Già gọi món quà của Phạm Quang Nghị là quà “đểu” vì nó thể hiện cái “đểu” của CSVN, như chúng đã nhiều lần “đểu” trong quá khứ… “ngoại giao”; điển hình như:

- Sang Pháp thì tặng ảnh chụp Tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 

- Sang Thái Lan thì tặng ảnh chụp Tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút; 

- Sang Campuchia thì tặng một công trình nghiên cứu về công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam;

- Sang Nhật Bổn thì tặng bản sao bức ảnh nổi tiếng của cụ Võ An Ninh chụp đống sọ người chết đói năm Ất Dậu ở trại Giáp Bát; 

- Sang Đức thì tặng tranh cổ động “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc”; 

- Sang Vatican thì tặng chỉ dụ cấm đạo Tây dương của vua Minh Mạng; 

Sang Trung Quốc thì tặng cọc Bạch Đằng… [Xin xem toàn văn bài viết “Báo cáo vệ sinh của thành phố Hà Nội” của Bà Phạm Thị Hoài, có đề cặp tới món quà “đểu” này, đăng trong phần Phụ đính].

Cứ tưởng McCain rất giận khi nhận món quà “đểu” này, nhưng không ngờ nhìn vào bức hình chụp in trên các báo VC ai cũng thấy ông cười rất tươi, như thể thích thú lắm. Nó thể hiện cái “văn hóa… ngoại giao” của Mỹ. Thích hay không thích cũng cứ… cười.

Mặt khác, nhìn vào quá trình lập quốc và bang giao quốc tế, ai cũng thấy người Mỹ theo chủ nghĩa thực dụng và rất thực tế. Với họ “không có bạn vĩnh viễn” mà cũng “không có kẻ thù lâu dài”; chỉ có “quyền lợi quốc gia là trên hết”. Nhận thấy trong hoàn cảnh hiện tại, xét về quyền lợi, giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay có rất nhiều điểm chung: Đó là Biển hình Biển Đông. Đây là vùng biển của Việt Nam, nó cũng là một trong những nguồn lợi lớn của Việt Nam về phương diện kinh tế, nó cũng là giá trị lịch sử của dân tộc của Việt Nam. Phần Mỹ, đó là con đường hàng hải quan trọng trên cả hai lãnh vực kinh tế và quân sự. Mỹ cần bảo vệ Biển Đông, phần biển của Việt Nam, nên họ cần sự chấp thuận của VN trên lãnh vực “hợp tác chiến lược”. Mỹ không bảo vệ Việt Nam, họ chỉ bảo vệ Biển Đông, họ không thể để VN nhượng bộ hoặc đầu hàng Trung Quốc làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ.

Do vậy, McCain chỉ “cười cười” rồi chuẩn bị lên đường sang Hà Nội [xem hình], cho dầu có được Phạm Quang Nghị ngỏ lời “mời” hay không.

Từ đó, bản tin của RFI ngày 7-8-2014 loan đi cho biết: “Theo Sứ quán Mỹ tại Hà Nội, ba hồ sơ quan trọng là an ninh khu vực, nhân quyền và thương mại sẽ được phái đoàn Nghị sĩ Mỹ thảo luận với cấp lãnh đạo Việt Nam”

Tại Hà Nội ông McCain không bàn về chuyện tấm bia, mà chỉ bàn về chuyện an ninh, nhân quyền và thương mại. Do vậy, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Thượng Nghị sỹ John McCain đã trả lời báo giới nguyên văn như sau: 

…Các nhà lãnh đạo của Việt Nam thừa nhận còn nhiều việc phải làm, vì một lý do trên hết: Nó là điều tốt cho Việt Nam – cho sự ổn định, thịnh vượng và thành công của Việt Nam. Như Thủ Tướng Chính Phủ cho biết trong lời phát biểu đầu năm của mình, ‘Dân chủ là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. ‘Chế độ ở Việt Nam, ông nói, phải làm tốt hơn về dân chủ, và Đảng CSVN phải giương cao ngọn cờ dân chủ…’” [Giáo Già in đậm].

Đồng thời, thay lời kết, ông nói:

Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ chuyển những lời đáng ghi nhận này thành những hành động mạnh dạn, chẳng hạn như trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân sự, và cuối cùng làm rõ trong pháp luật và chính sách rằng quyền lực nhà nước là hạn chế và các nhân quyền phổ quát - các tự do phát biểu, lập hội, thờ phượng, xuất bản, và truy cập thông tin - được bảo vệ cho tất cả công dân… (Bản tin của BBC ngày 11-8-2014) [Giáo Già in đậm].

Trong khi đó, đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) của VC không ngần ngại cho hay, chiều 8/8/2014, tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đoàn Thượng viện Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam gồm Thượng Nghị sỹ John McCain (Đảng Cộng hòa, tiểu bang Arizona) và Thượng nghị Sỹ Sheldon Whitehouse (Đảng Dân chủ, tiểu bang Rhode Island), nói rằng: 

Các Thượng Nghị sỹ (Hoa Kỳ) đã chia sẻ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số nhận định về tình hình thế giới và khu vực hiện nay, bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vấn đề tự do hàng hải và tình hình căng thẳng vừa qua ở biển Đông, cho rằng việc tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế là hết sức cần thiết đối với tất cả các nước… (Ngoài ra) các Thượng Nghị sỹ (cũng) đề xuất một số biện pháp về hợp tác song phương trong thời gian tới, khẳng định Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đều mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau với Việt Nam trên các lĩnh vực và các kênh, trong đó có quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam.” 

Nhận xét chung của các nhà quan sát thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cứ luận điệu cũ chỉ lập đi lập lại những gì thực sự cần thiết và có lợi cho họ mà không hề có một cử chỉ thiện chí tối thiểu đáp lại những khuyến nghị của Hoa Kỳ. Báo chí trong nước không hề nhắc đến chủ đề “nhân quyền”, một trong những nội dung trọng tâm bậc nhất của chuyến thăm này, vì đó là điều Đảng và Nhà nước không muốn cho người dân biết. Nó thể hiện cái “văn hóa đồ đểu” cố hữu của CSVN. Nhưng, ngày trước làm như vậy thì được, chớ bây giờ, với thời đại của Internet, mọi bưng bít trở thành trò hề, nên mức độ “đểu” ngày càng trầm trọng thêm.

Chưa hết, cái “văn hóa đồ đểu” đó của CSVN còn được đệm thêm bằng cái “văn hóa lưu manh”, thể hiện qua hành động bắt giam người tù lương tâm làm “con tin” để thương lượng trao đổi khi bị áp lực của quốc tế lên án những hành động vi phạm nhân quyền của Đảng và Nhà nước, như vừa trả tự do
cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh để làm dịu dư luận khi thương nghị về TPP, mà vẫn cứ giam cầm Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 2 người tù lương tâm có cùng một vụ án, để mong có thêm những thương lượng tiếp khi bị quốc tế áp lực hơn nữa(?). Chúng còn lưu manh hơn nữa là buộc người sắp được chúng trả tự do phải “nhận tội” rồi mới được thả, trong khi tất cả đều vô tội và cương quyết không nhận tội…

Cái “lưu manh” đó vừa được thể hiện thêm một hình thức mới nữa, được áp đặt lên người tù chánh trị kiên cường bất khuất Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, khi chúng buộc gia đình phải “đóng án phí để... đặc xá?!” như tin được con của ông là Nguyễn Trí Dũng đăng trên Đàn Chim Việt và một số diễn đàn, cho biết gia đình đã nhận được giấy mời [phóng ảnh đính kèm] viết rằng “đại diện gia đình ông Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày) đóng án phí bốn trăm ngàn đồng trong vụ án hình sự Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do (CLBNBTD) với gợi ý là để ‘đủ điều kiện được xem xét giảm án-đặc xá.

Tin cũng cho biết thêm là “Việc gửi một "giấy mời... đóng án phí" với gợi ý về việc trả tự do cho ông Hải rất có thể đến từ một nhu cầu cải thiện hình ảnh khẩn cấp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam… Xin nhắc lại câu nói của cha tôi trong những lần gặp trước đây: ‘Bố có thể ở tù đến chết để cho tất cả mọi người được biết đến thực trạng của người tù chính trị ở Việt Nam’."

Chuyện “văn hóa đồ đểu” và “văn hóa lưu manh” của CSVN chắc vẫn còn dài; nhưng chiều dài của nó đang bị thời đại Internet rút ngắn, ngày càng ngắn hơn, với sự tham gia tích cực của tuổi trẻ, của các blogger chẳng những hết sợ bạo lực, hết sợ mọi thủ đoạn đàn áp của công an; lại càng lúc càng có thêm những phát kiến ngoạn mục, trong nỗ lực “chống Tàu diệt Việt cộng” đồng nhịp với những áp lực của quốc tế lên án CSVN vi phạm nhân quyền và nhu nhược trước sự lấn lướt của Trung Quốc, không để VN trở thành nô lệ của Bắc Kinh.



_________________________________________

Phụ đính:

Báo cáo vệ sinh của thành phố Hà Nội
Tháng 8 3, 2014

Phạm Thị Hoài

Thời “Ngoại giao Tháp Rùa“, như trong chuyến thăm châu Âu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu năm ngoái mà tôi đã có dịp miêu tả, tuy nhạt nhẽo rẻ tiền nhưng “không chết thằng Tây nào”, đã kết thúc và Việt Nam đang bước vào kỉ nguyên mới với “Ngoại giao bắt sống giặc lái” mà ông Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa mở đầu trong chuyến thăm Hoa Kì chăng?

Cục Lễ tân Nhà nước đã chuyển định hướng khai thác, từ thủ công mĩ nghệ sang một vốn liếng vô tận khác: lịch sử dày đặc cả nỗi nhục mất nước lẫn chiến công giữ nước và thành tích xâm lược của người Việt chăng? Sang Pháp thì tặng ảnh chụp Tượng đài kỉ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ? Sang Thái tặng ảnh chụp Tượng đài kỉ niệm Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút? Sang Campuchia tặng một công trình nghiên cứu về công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sang Nhật tặng bản sao bức ảnh nổi tiếng của cụ Võ An Ninh chụp đống sọ người chết đói năm Ất Dậu ở trại Giáp Bát? Sang Đức tặng tranh cổ động “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc”? Sang Vatican tặng chỉ dụ cấm đạo Tây dương của vua Minh Mạng? Sang Trung Quốc tặng cọc Bạch Đằng? Và một lần nữa Hoa Kì, hợp tác quân sự mở ra, có dịp thăm Học viện West Point, nơi có mộ tướng Westmoreland trong nghĩa trang quân đội nổi tiếng thì sẽ tặng bản chụp bản thảo viết tay bài báo của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13/6/1968 – kí bút danh “Chiến sĩ” – nhan đề “(Đại) bại tướng Vét Mỡ Lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ“? So với bài báo này, lời lẽ trên tấm bia “Bắt sống giặc lái” còn có thể coi là rất nhã nhặn. Chiến tranh mà. Chiến tranh không nói lời lịch sự.


Song trước những bàn luận xôn xao, ông Phạm Quang Nghị đã trả lời phỏng vấn của báo Tiền phong, giải thích thêm, rất giản dị, về món quà đặc biệt đó: “Ngoài ra, trước khi sang Mỹ, tôi được biết, ngài John McCain từng gặp nhiều quan chức Việt và nhắn nhủ nhờ thành phố Hà Nội giữ gìn vệ sinh cho khu vực xung quanh tấm bia ở hồ Trúc Bạch. Và đó cũng là lý do tôi muốn tặng ông ấy tấm ảnh.”


Thưa nước Mỹ, thưa ngài Thượng Nghị sĩ John McCain trước đây là tên giặc lái Jchn Sney Macan bị chúng tôi bắt sống, Hà Nội xin báo cáo là theo nguyện vọng của ngài, tình hình vệ sinh ở khu vực xung quanh chỗ ngài giơ tay đầu hàng được chúng tôi ngày đêm đảm bảo. Ảnh chụp đây làm chứng.

Hình như nhà văn trào phúng Mỹ Mark Twain từng định kể câu chuyện này, song cuối cùng bỏ cuộc vì không dám tin rằng nó còn thuộc sở trường của mình.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo