Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Tôi từng chiêm ngưỡng bức tượng đài giải phóng! - Dân Làm Báo

Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Tôi từng chiêm ngưỡng bức tượng đài giải phóng!

Nguyễn Thị Ngọc (Danlambao) - Bốn Mươi Năm Nhìn Lại. Nhìn lại để thấy cái gì nếu không phải là những tang thương khốn cùng mà hàng triệu người dân Miền Nam Việt Nam gánh chịu triền miên… từ một cuộc “giải phóng”? Ôi! Chuyện dài bất tận. Xin ghi lại đây một nét nhỏ dấu ấn giải phóng ở nông thôn để hậu sinh có một cái nhìn vào sự thật trần truồng của cuộc giải phóng mang tính trấn lột man rợ thời thượng cổ. Cam đoan đây là chuyện thật một trăm phần trăm như một đóng góp nhỏ vào chủ đề “Cộng sản và tôi”.

Giải phóng cái gì?

Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng do nghề nghiệp và sinh kế – dạy học và công chức, chúng tôi sống trong thành phố. Sau 30/4/1975, chúng tôi buộc trở về làng quê thay vì đi Kinh tế Mới (KTM), nên có dịp sống chan hòa trong cảnh lầm than của người dân thôn quê Miền Nam Việt Nam dưới chế độ mới tự nhận “cách mạng giải phóng”!

Mặc kệ bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước ngày đêm ra rả trên các loa phóng thanh công cộng lên án, kết tội “Mỹ-ngụy” làm cho dân khổ, dân rách, dân đói. Mặc kệ những cái loa huênh hoang tán tụng “đảng ta làm cho toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành.” Thực tế, từ khi đảng CS từ Miền Bắc giày xéo Hiệp Định Paris xua quân vào xâm chiếm Miền Nam Việt Nam lấy danh nghĩa “giải phóng”, toàn Miền Nam rơi vào cảnh đói rách bần cùng chưa từng thấy trong lịch sử. Thậm chí đến cái ăn, cái mặc tối thiểu của người dân cũng lần lượt biến đi. Như giả dụ, nếu ai đó còn giữ được một cái áo đẹp, thì chưa chắc dám đem ra mà mặc…, “khoe sang” với hàng xóm láng giềng! Hoặc giả ai đó còn cất giấu được chút đỉnh tiền vàng, cũng chẳng dám mua lấy cho mình miếng thịt ngon hay con cá tươi! Nói chi tới cao lương mỹ vị!

Vì khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng có những rình rập, bắt bớ, quy chụp, kết án! Cả trong gia đình, trong dòng họ, bà con hàng xóm, đâu đâu đầy dẫy tai vách mạch rừng.

Con nít thì học chẳng ra học. Tới trường, tới lớp các cháu chỉ nghe những bài giảng tố cáo “tội ác của Mỹ-ngụy” và lao động vất vả dưới khẩu hiệu “lao động là vinh quang”. Nhiều em bỏ học, lang thang đầu đường xó chợ, cù bơ cù bất ăn xin, ăn mày và nhặt rác. Có đứa nhập bè, nhập đảng kéo nhau đi ăn cướp, ăn giật. Đặc biệt, những đứa trẻ gọi là trẻ lai, hay con cái “ngụy quân, ngụy quyền” bị hất hủi, bị thầy cô giáo mới chửi rủa thậm tệ giữa trường, giữa lớp, bị xếp vào loại đối tượng nguy hiểm mà các bạn cùng lớp được lệnh không được quan hệ, cách ly và phải luôn canh chừng!

Nhiều lắm những mẩu chuyện dài “giải phóng”! Tất thảy đều “cải tạo”, cải tạo văn hóa tư tưởng, công thương nghiệp, cải tạo nông nghiệp… Càng cải tạo, càng rách bươm. Riêng cái gọi là chính sách cải tạo nông nghiệp bất nhân trên làng quê tôi gây cho tôi cái cảm giác kinh hoàng rằng không sớm thì muộn, người nông dân sẽ chết đói chẳng khác nào người dân miền Bắc hồi năm 1945 đã ngã chết hàng triệu vì sự tàn ác dã man của quân phiệt Nhật.

Cán bộ đảng và nhà nước CSVN sau Tháng Tư 1975, miệng thì hô hào “vì nhân dân quên mình,” tay thì vơ vét của dân. Cán lớn, cán nhỏ thi nhau bê về Bắc từ thượng vàng tới hạ cám chẳng tha món gì! Vì vậy, bên cạnh câu nói mỉa mai “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, trong dân gian nẩy sinh nhiều câu ca dao, đồng dao cười ra nước mắt, như:

Nhà ai giàu bằng nhà cán bộ?
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên?
Dân tình thất đảo bát điên
Đảng viên mặc sức vung tiền vui chơi.
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ đoạt đài (radio, TV), cướp xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho cán bộ xây nhà, xây sân...
Trồng bông thay lúa.

Chẳng bao lâu sau ngày 30/4/1975, cộng sản toàn trị nhân danh “cách mạng vô sản chuyên chính dưới ngọn cờ Mác-Lê bách chiến bách thắng”, dùng đủ biện pháp tàn bạo nhất để bần cùng hóa người dân Miền Nam Việt Nam.

Riêng tại làng quê tôi, biện pháp thâm độc nhất của cộng sản là tạo nên một trận đói quy mô theo mô thức giết người mà quân đội Phù Tang đã thực hiện năm 1945 tại Miền Bắc. Hồi đó, quân Nhật giết người Việt bằng biện pháp “TRỒNG ĐAY THAY NGŨ CỐC”. Còn nay sau 1975, cộng sản Việt Nam phát động “TRỒNG BÔNG THAY LÚA.”

Cha tôi có kể rằng nạn đói năm Ất Dậu 1945 giết chết hơn hai triệu người Việt Nam ở miền Bắc sau khi Nhật đánh chiếm ba nước Đông Dương năm 1944. Người dân Việt bị cưỡng bức nộp lúa đong gạo cho quân đội Nhật qua chính sách sưu cao thuế nặng. Quân Nhật thu tém hết phần lúa gạo trong các kho dự trữ của Việt Nam rồi tung ra chiến dịch “Trồng đay thay ngũ cốc” buộc nông dân ngưng trồng lúa và các loại hoa màu để chỉ trồng cây đay mà thôi, nhằm mục đích làm cạn kiệt nguồn lương thực, cắt đứt mạch sống của người dân Việt.

Quân phiệt Nhật thành công trong âm mưu gây nên trận chết đói hơn hai triệu dân Việt mà sử sách Việt Nam không hề quên:

Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa
Như muốn bắt những gì vô ảnh…
Như những bộ xương còn dính chút da,
Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí!
….
Hết lúa rồi, hết sạch cả ngô khoai,
Hết củ chuối, hết nhẵn khô cả sắn
(Bàng Bá Lân – Đói - 1957)

Bây giờ sau 30/4/1975, chính sách thâm độc bạo tàn của Nhật được lặp lại nguyên xi ở Miền Nam Việt Nam mà thủ phạm là đảng và nhà nước vô sản chuyên chính: Phát động chiến dịch TRỒNG BÔNG THAY LÚA.

Có lẽ vì là xã toàn tòng Công giáo, xã tôi bị liệt vào loại “đối tượng nguy hiểm”, được chiếu cố chọn làm xã thí điểm đi đầu chiến dịch này.

Trước năm 1975, nhờ đồng lúa quê tôi, người dân trong xứ chưa hề lâm vào nạn đói. Lúa gạo dư ăn dư để. Cả cư dân các làng xã xung quanh cũng được giáo xứ bán lúa với giá rẻ. Phần còn lại thì trữ trong kho lẫm, “tích cốc phòng cơ – trữ lúa phòng đói”, nên kho lẫm Nhà Chung lúc nào cũng đầy lúa cho tới kỳ giáp hạt. Người dân không hề thiếu gạo. Cánh đồng ruộng lúa làng quê tôi ngày nào mênh mông “cò bay thẳng cánh” đầy màu mỡ, là sức sống của cả dân làng lẫn các thôn xã xung quanh, nay đang bị đẩy vào ngõ cụt để rồi bị vùi giập tức tưởi.

Dưới chính thể mới, lúa gạo quê tôi bị cướp đoạt và thu tém vào tay nhà nước xhcn. Đồng ruộng đặt dưới sự quản lý của cái cơ chế hạ tầng có tên là Hợp Tác xã Nông Nghiệp (HTX/NN). Kể từ đây, nông dân bắt đầu trắng tay, đầu tắt mặt tối vẫn thất thu, vẫn phải còng lưng cày sâu cuốc bẫm dưới họng súng.

Một hôm, vào dịp canh tác xuân hè, bất ngờ lệnh trên ban xuống buộc phải ngưng ngay việc trồng lúa, chuyển đất đai trồng lúa sang trồng cây bông vải. Vậy mà cả thôn, cả xã, huyện tới tỉnh chẳng hề có lấy một tay kỹ thuật hay chuyên gia nào về trồng trọt loại cây công nghiệp này. Vẫn “tất cả cho cây bông vải.” Không phải chỉ là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh! Mềm sống, chống chết! Từ tờ mờ sáng đã nghe inh ỏi tiếng phèng la não bạt và loa phóng thanh hò hét “nhà nhà thi đua ra đồng, người người hăng hái trồng bông”.

Bài ca “trồng bông thay lúa” hòa nhịp với những tiếng gào thét hăm dọa nghe lạnh xương sống! Sức người sức của, phân bón, thuốc trừ sâu… đổ hết vào cây bông vải. Hệ thống dẫn thủy nhập điền trong khu vực ưu tiên phục vụ cây bông vải. Người ta gọi đó là "cuộc cách mạng cây bông vải" hay là “cuộc cách mạng công nghiệp hóa nông nghiệp.” Nông cơ, nông cụ tân tiến chưa chắc đã đủ sức làm nổi “sứ mạng công nghiệp hóa” huống hồ là lao động chân tay!

Dân quần quật chết xác mà chẳng được gì, còn đảng thì cứ gào cách mạng công nghiệp hóa. Trong khi chẳng một quan chức hay cán bộ nào có chút i-tờ về kỹ thuật trồng loại cây công nghiệp này để hướng dẫn chuyên môn. Toàn mộ đám cưỡi ngựa xem hoa, làm láo báo cáo hay! Nông cơ nông cụ thời Việt Nam Cộng Hòa phục vụ khắp các cánh đồng nay vụt biến đi hết. Sức người thay sức máy và thân người thay cả sức trâu bò, kéo cày, kéo bừa. Cách mạng nông công nghiệp như vậy đó. Dân đói rách càng thêm đói rách, tả tơi! Cháo lỏng cũng chẳng có mà húp.

Người ta vẫn ra rả: “Cây bông vải mở ra viễn ảnh sáng ngời. Công ăn việc làm dư dật cho người nông dân với các ngành nghề ‘mang tính công nghiệp’, như kéo sợi, dệt vải, nhuộm vải, may hàng xuất khẩu, vân vân. Từ đây không cần vải bố tư bản nữa; vải tốt, áo đẹp, ta tự sản xuất lấy, ê hề! Thành quả cách mạng vĩ đại tiến lên công nghiệp hóa nông nghiệp là đó”!!!

“Thắng lợi ắt về ta!” Hồ hởi lắm! Nào ngờ, rễ cây bông vải hút hết cả phân bón lẫn chất phì nhiêu của đất, mà thân cây bông thì vẫn cứ èo uột! Sâu bọ chẳng những gia tăng phá hoại cây bông vải mà còn tấn công sang các khu vực trồng lúa các xã ấp xung quanh. Cả cây bông vải ở xã tôi lẫn cây lúa ở các nơi khác gần đó đều nhanh chóng già cỗi, gục chết trước khi đơm hoa kết trái.

Gạo lúa biến đi, vải vóc nào thấy chi!

Quê tôi không còn nữa cánh đồng ruộng màu mỡ mà trước 1975 ai đi trên quốc lộ 1 nhìn thấy cũng tấm tắc khen ngợi và thích thú dừng lại đôi phút hít thở mùi thơm ngát của lúa mới! Người dân làng tôi đang rách rưới tả tơi, mà chờ vải từ cây bông vải thì quả là há miệng chờ sung! Cánh đồng bông vải nhanh chóng biến thành những miếng đất khô cằn mất hết nhựa sống như thân phận héo hon của người dân đầu tắt mặt tối “mà chẳng nên công cán gì”!

Trước đây, người dân ở đây chưa lâm cảnh đói rách tệ hại đến như vậy. Cha mẹ ông bà tôi nói, ngay thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1939 và trận đói năm Ất Dậu 1945, dân xã tôi chẳng những đã không đói, mà còn cứu đói nhiều người nhiều nơi khác. Thế mà nay người dân quê tôi trở nên cùng cực đến như vậy!

Hết lúa rồi, hết sạch cả ngô khoai,
Hết củ chuối, hết nhẵn khô cả sắn!

Chẳng biết ở đâu có “quy hoạch trồng bông thay lúa” như ở làng tôi không, nhưng nghe nói khắp miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dân chúng đều đói! Có lẽ kiểu cách “bần cùng hóa” hoặc “vô sản hóa” mỗi nơi mỗi khác, muôn màu muôn vẻ chăng?

Hình tượng dưới đây là hình ảnh có thật chính mắt tôi mục kích vào cái thời mà bây giờ ở Việt Nam người ta gọi là THỜI BAO CẤP, một lối gọi chối từ trách nhiệm lịch sử, trong khi sự thật đó là thời kỳ ĐẠI KHỦNG BỐ TRẮNG của nền thống trị CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN bạo tàn nhất.


Tượng đài giải phóng.

Thời thơ ấu, tôi rất mê đọc truyện cổ tích Việt Nam, nay hãy còn nhớ chuyện Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung:

Chử Đồng Tử là con trai duy nhất của Chử Cù Vân. Chử Cù Vân nghèo, làm ăn sa sút lại nhà bị cháy, chỉ còn có mỗi cái khố. Hai cha con họ Chử thay phiên nhau mặc cái khố ấy mỗi khi đi ra ngoài. Lúc bị bệnh nặng sắp mất, người cha dặn con giữ cái khố lại để mà mặc, còn xác ông cứ chôn trần. Chử Đồng Tử là người con có hiếu không nỡ để cha chết trần truồng, nên dùng chiếc khố độc nhất ấy mà liệm cha. Chôn cất cha xong, Chử Đồng Tử không còn gì để mà che thân. Anh đợi đến đêm mới ra câu cá, ban ngày thì dầm nửa người dưới nước, chờ gặp ghe thuyền mới mon men rề tới bán cá hoặc xin ăn!

Chuyện anh chàng Chử Đồng Tử nghèo đến độ trần truồng không còn mảnh vải che thân có thể là chuyện hư cấu hoang đường do óc tưởng tượng dân gian thêu dệt để răn đời. Cái kết cuộc câu chuyện cuối cùng lại là một cái kết “có hậu” với hình ảnh người thanh niên họ Chử lấy được nàng công chúa Tiên Dung, ái nữ kiều diễm của Vua Hùng Vương thứ ba. Cái kết ấy làm bài học luân lý dạy học trò “ở hiền gặp lành” hay tuyệt.

Giờ đây, dưới chế độ Cộng sản, trước mắt tôi, cảnh trần truồng vì nghèo không có mảnh vải che thân là chuyện thật trăm phần trăm không hề được cái kết “có hậu” như trong truyện cũ tích xưa. Trần truồng vì bị bần cùng hóa. Con người trần truồng hiển hiện trước mắt tôi, bằng xương bằng thịt, ngay ngày Tết Nguyên Đán.

Tết năm ấy (vào đầu thập niên năm 1980), giáo xứ tôi không còn thấy nữa bóng dáng những chiếc áo dài muôn màu rực rỡ thướt tha trên các nẻo đường làng hay trong nhà thờ vào các ngày Chúa Nhật hay đại lễ! Người ta nói đàn bà, con gái Miền Nam bị buộc phải mặc áo cộc như đàn bà con gái Miền Bắc xã hội chủ nghĩa để san bằng khoảng cách ăn mặc giữa Nam và Bắc. “Để đàn bà con gái Miền Bắc đừng oán hận chế độ về sự ăn mặc nghèo nàn kệch cỡm của mình”. Vì lẽ đó mà nhà cầm quyền CSVN tạo nên tình trạng khan hiếm vải vóc khắp cả nước?!

Vải chỉ còn được bán theo chế độ phân phối theo phiếu hay sổ mua hàng tại các cửa hàng quốc doanh, phần lớn vải mục, vải thô bán kiểu gian trá xén bớt, đổi hàng. Tuy nhiên, giả sử người dân được tự do mua bán vải, chọn vải, thì dân nông thôn mấy ai còn tiền để mà mua vải sau mấy đợt đổi tiền kiểu quân cướp dựng trò trấn lột. Đến trẻ em cũng không có được chiếc áo, chiếc quần lành mặc ngày Tết tung tăng vui xuân! Huống hồ là người lớn (làm gì có quần áo đẹp)! Ba ngày đầu xuân và cả những ngày sau đó đường sá vắng người đi lại.

Những cái Tết tiêu điều ở nông thôn quê tôi bắt đầu từ cuộc giải phóng sau 30/4/1975 ấy!

Riêng tôi ngày đầu năm cố giữ chút lệ xưa, đi chào thăm và chúc mừng Năm mới vài người họ hàng thân thiết dù chồng tôi đang ở trong tù.

Vào một buổi chiều chạng vạng tối, tôi đi thăm người cô họ tôi tên là H.T.

Bằng bàn tay lao động cần cù, dù là đi làm thuê làm mướn với nghề mộc, hai vợ chồng ông bà H.T trước đây cũng đã tự tạo được cho mình một cơ ngơi tương đối đầy đủ, một chỗ đứng coi như khá giả trong làng. Nhà không cao, cửa không rộng, nhưng từ cửa ra vào đến cửa sổ đều gỗ quý, tường xây gạch, mái lợp ngói, sân lát gạch, thoáng mát, trông khá bề thế. Con cái đều có cái ăn cái mặt đầy đủ, tươm tất và được học hành tử tế.

Năm 1979, ông H.T. lâm bệnh, không còn tiền chạy thầy, chạy thuốc hay vào nằm bệnh viện. Ông ra đi tức tưởi, bỏ lại bà H.T. và bầy con nheo nhóc. Bà H.T. lần lượt “giải phóng” hết những gì ông bà đã sắm được từ trong nhà ra tận cổng ngõ. Đến bộ cửa, khung cửa cũng tháo ra bán. Cái mái ngói cũng giỡ đi, thay vào bằng những tấm tôn han rỉ người ta đã loại bỏ. Rồi gạch lát sân cũng theo nhau bay đi hết. Bà H.T. nhanh chóng đi tới chỗ khánh kiệt, trắng tay. Kiếp nghèo đói bám lấy bà và con cái bà! Nhờ ơn đảng ơn bác bao la trời tru đất diệt!

Bước chân vào túp lều tối tăm của bà, nghe tiếng thở khò khè, lần trong bóng tối, tôi đụng phải chiếc võng trên đó có ai đang nằm co ro! Chờ một lát cho ánh sáng trở lại với mắt mình, tôi bàng hoàng thấy một cô gái không áo, không quần nằm úp mặt trên chiếc võng rách. Bà H.T. từ đằng sau nhà vội chạy vào, nói với tôi trong tiếng sụt sùi:

- Cháu L của tôi đấy! Quần áo nó giặt, phơi chưa khô, thấy cô nó mắc cỡ!

Cô L là con gái 16 tuổi khá duyên dáng của bà H.T. không ngờ nay nông nỗi cùng cực đến như vậy. Nhìn quanh quẩn khắp nhà, không thấy gì khác ngoài hai manh chiếu rách vung vãi dưới đất. Trong khu bếp nấu ăn gần đó chỉ có mỗi cái nồi đen thui, móp méo và mấy chén bát sứt mẻ... Bên cạnh là một cái thùng rỉ sét, dường như là thùng đựng gạo. Mở nắp ra xem: Thùng rỗng không!

Mấy đứa nhỏ từ ngoài chạy vào, trần truồng như nhộng, cả trai lẫn gái. Thấy người lạ, chúng vụt chạy nấp sau cái vách nhà loang lỗ.

Bà T.H. nói:

- Chưa bao giờ nhà tôi “nếm mùi” cùng cực như thời “cách mạng giải phóng” này! Chẳng còn biết Tết nhứt là cái giống gì. Con cái tôi cứ chiều tối, cởi áo quần ra giặt để sáng hôm sau lại mặc. Ngày mai các cháu đi kiếm củ rừng, rau dại mang về nấu ăn đỡ đói!

Tội nghiệp! Một đứa con trai nhỏ của bà H.T. ăn củ nần ngộ độc mà chết cách đây không lâu. Củ nần là một loại “khoai độc” trong rừng miền Trung, người dân quê muốn tự cứu đói mình đành ăn loại khoai độc ấy, nhưng nếu không biết cách khử độc, độc sẽ giết chết người. Dân nhà quê Việt Nam tin sống chết đều là do “số”, và số của đứa bé nó mỏng manh quá, đành chịu! Trước tình cảnh bi thương của gia đình, bà H.T. ngậm câm, chẳng hề dám mở miệng than thở với ai. Bởi vì, dưới chế độ mới, kêu ca là phản động – là đỗ lỗi cho chế độ, là oán trách, kích động mầm mống phản loạn.

Loa "cách mạng" không ngừng rêu rao tố cáo tội ác Mỹ-ngụy, cái “chế độ bóc lột nhân dân đến tận xương tủy” làm cho dân đói rách, lầm than. Còn Cách mạng giải phóng thì lúc nào cũng giải phóng cái đói cái nghèo của dân. Thế nên kẻ nào nói Cách mạng gây nên đói khổ, kẻ ấy là phản động, là tay sai của Mỹ-ngụy, của các thế lực thù địch, là xuyên tạc, bôi xấu… chống phá Cách mạng! Đáng trừng trị.

Đến nay, hình ảnh cô gái khỏa thân trên chiếc võng rách vẫn còn ám ảnh tôi khiến tôi tự hỏi: Phải chăng hình ảnh ấy là biểu tượng sinh động nhất đáng tạc thành “bức tượng đài giải phóng” tiêu biểu của một thời Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, giải phóng đến cái áo cái quần đàn bà con gái!

(Tháng Ba 2015)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo