Bài thi viết "Cộng sản & Tôi": Ngày đi & ngày về - Dân Làm Báo

Bài thi viết "Cộng sản & Tôi": Ngày đi & ngày về

...Ngày đi bạn tiễn đến bến sông 
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng 
Nay gặt xong rồi cày đã khắp 
Quê nhà tôi vẫn chốn lao lung... 

Học xong phổ thông ấy là lúc bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với nhiều khát vọng viễn vông, vài ba đứa con nhà chẳng kể là quan lớn hay quan bé mặt mày lúc nào cũng hớn hở chờ nhận giấy báo vào đại học, trung cấp này nọ, chúng rộn ràng thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau về một tiền đồ tươi sáng, bố mẹ chúng thì khỏi nói: ai cũng hết sức mãn nguyện và tự hào về sự trưởng thành của con cái. Còn hầu hết lũ con nhà đại tá điền, con nhà buôn gánh bán bưng thiếu trước hụt sau thì cả nhà thấp thỏm chờ đợi cái ngày không xa đoàn cán bộ thôn, ấp, xã hân hoan đến nhà trao cho cái: Bảng gia đình vẻ vang. Gia đình tôi nằm trong số đó.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 18 tháng 10 năm 1974 bí thư chi bộ thôn, thôn đội, bí thư đoàn, ban quản trị hợp tác xã, hội phụ nữ, hội bô lão lần đầu tiên có mặt đông đủ tại cái nhà tranh ọp ẹp đêm ngủ nếu tỉnh giấc thấy cả bầu trời thơ mộng đầy sao, chỉ tội cho con mực lần đầu tiên thấy cảnh đông người thì thất kinh sủa liên hồi cho đến khi mỏi miệng nằm bệt một chỗ mồm ứa ra cả đống nước bọt. Quyết định ghi rõ: Ngày 25 tháng 10 năm 1974 thanh niên Lại Hoàng Hùng có mặt tại BCHQS huyện để thực hiện lệnh tổng động viên theo QĐ số... 

Trong thôn tôi lần này có hai người cùng với tôi được vinh dự lên đường nhập ngũ, cái an ủi lớn lao mà cũng là duy nhất cho bọn tôi trong thời khắc ngắn ngủi là ngày mai đồng hành ra sa trường vẫn còn có kẻ cùng nhau sống chết. Nhà tôi liên tục tiếp đón bà con lối xóm đến thăm, theo kế hoạch thôn xóm tổ chức liên hoan tại sân kho hợp tác vào lúc 7 giờ tối ngày 24/10 nhưng lúc khoảng hơn bốn giờ chiều hôm ấy chẳng may có chuyện xảy ra mà tí nữa tôi có dịp kể lại, ấy là việc em tôi, thằng Cường bị trâu húc gãy mấy cái xương sườn. 

Từ bốn năm giờ chiều đoàn thanh niên cử bốn tốp mỗi tốp một cái loa gò bắng thiếc tỏa đi theo bốn hướng trong làng: Loa loa loa... Đồng bào chú ý, tối nay 7giờ 30 đảng bộ, chính quyền và các ban ngành tổ chức tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ, xin mời đồng bào thu xếp công việc ra sân kho hợp tác xã liên hoan tiễn đưa thanh niện lên đường nhập ngũ.. loa loa loa.... Ngoài sân kho không khí tưng bừng như ngày hội lớn, từ xa nghe rộn rã tiếng trống của đội nhi đồng thôn. Bài hát năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to, vì độc lập... được phát liên tục. Gọi là sân kho hợp tác nhưng cũng chỉ đủ kê hai dãy bàn học trò mỗi dãy chừng năm sáu cái, trên bàn bày nào bánh kẹo, thuốc lá, bát uống trà. Bàn chủ tọa hình chữ nhật thì có thêm lọ hoa, phí sau là khẩu hiệu: TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN QUYẾT TÂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM. 

Hai chiếc đèn măng sông đủ làm cái sân cỡ hơn trăm mét vuông sáng tựa ban ngày, Lũ trẻ con đứa nào cũng đen nhẻm, còm cõi tóc tai bù xù thích thú đuổi nhau chạy vòng quanh sân tiếng kêu chí chóe, hơn 6 giờ mọi người bắt đầu tề tựu, nhiều người biết chừng đem theo cả ghế, người không có ghế thì lấy tàu lá cục gạch ngồi tạm nét mặt ai nấy đều lộ rõ vẻ vô tư, gần đến giờ thì hai dãy bàn kín chỗ khi xuất hiện các ban ngành, đoàn thể. Chúng tôi ba tân binh có mặt được ưu ái ngồi gần bàn chủ tọa. Mấy người đi ngang thấy tôi thì hỏi ngay: Sao thằng Cường nhà mày có sao không. Tôi trả lời: Dạ cũng không sao. 

Nguyên do là từ đầu năm nhà tôi được phân công nuôi một con trâu cho hợp tác xã (HTX), con trâu đực này to khỏe và rất hung dữ. Hàng ngày nhiệm vụ chăn thả trâu là của tôi, hôm được tin tôi nhập ngũ bố tôi lên báo ông chủ nhiệm là nhà tôi trả lại trâu cho HTX vì không có người đi chăn, ông chủ nhiệm bảo phải báo trước một tháng mới sắp xếp giao cho người khác được. Bố tôi lý sự: Sao con tôi đi bộ đội không báo trước một tháng. Ông chủ nhiệm nói: Việc nhà nước ông không biết nhưng ở HTX từ xưa đến nay vẫn thế. Xem chừng không xong và thấy cũng có lý bố tôi ra về, cũng vì tôi không còn đi chăn trâu nữa nên thay vào đó là thằng Cường em tôi, nó mới học lớp năm nhưng trông nó ai cũng đoán chỉ khoảng bảy, tám tuổi. 

Chiều hôm ấy thằng Cường đưa trâu ra đồng, gần một giờ sau có người chạy ngang qua ngõ gọi to: Bác Lực ơi, trâu húc chết thằng Cường rồi. Cả nhà tôi hốt hoảng chạy ra, mới được chừng trăm mét thấy anh Long gần nhà tay ôm thằng Cường chạy về, đặt lên cái chõng tre nó nằm thoi thóp, mẹ tôi, chị tôi khóc la thảm thiết, mấy chục năm sau khi mẹ tôi đã mất còn chị tôi cũng ngoài sáu mươi tôi vẫn không quên cái âm thanh sầu thảm não nề cuối buổi chiều đông năm ấy. Mẹ tôi, chị tôi theo thằng Cường lên bệnh viện, cũng may vì thế mà hôm sau mẹ tôi, chị tôi không có mặt khi người ta đọc tên tôi để ra xếp hàng lên xe, nếu mẹ tôi, chị tôi có mặt lúc đó chắc rằng tôi sẽ khóc. 

Lại nói chuyện ở sân kho HTX, mọi người đang chờ bí thư chi bộ thôn lên phát biểu bỗng nghe tiếng còi tuýt tuýt, tất cả cùng nhìn ra thấy đi đầu là tay thôn đội trưởng miệng ngậm còi đồng vai khoác súng trường oai phong lẫm liệt, theo sau là 5 thanh niên người quần dài, kẻ tà lỏn trông như đám người đi hôi cá, thằng thì trọc lốc thằng thì râu tóc bờm xờm tất cả đều khô như xác ve, nhìn mặt thằng nào cũng thất thần như vừa phạm tội sát nhân bị bắt ngay tại hiện trường, phía trước mỗi thằng đeo một tấm bảng: AI CŨNG NHƯ TÔI THÌ MẤT NƯỚC. Phía sau cùng là hai tay dân quân ăn mặc có phần tươm tất, tay xách súng đi kèm hai bên. Dẫn đoàn hùng binh đi về phía góc sân, tay thôn đội trường quay lại hô to làm mấy người yếu bóng vía phải giật mình: Dừng lại, nghiêm, Điểm danh: 1- Lê Văn Tại. 2- Trần Thanh Thủy. 3- Hà Văn Dậu. 4- Đinh Văn Túc. 5- Lê Văn Thái: Vắng. Mọi người xì xầm: Thằng Thái điên. 6- Đỗ Như Sâm. Bên trái quay. Năm con lật đật quay về phía mọi người, mặt cúi gằm, chả ai thèm nhìn đến chúng, chả ai lạ gì cái mặt bọn chúng vì chúng bị đấu tố nhiều rồi. 

Khen thay cho ai là tác giả của cái trò đấu tố, cái trò này xuất xứ từ đâu? Có từ khi nào? Nhưng chắc chắn không ai có thể tưởng tượng nó kinh khủng đến mức nào. Nhìn những kẻ đang đứng góc sân đằng kia thì ai cũng phải nghĩ rằng chúng bị điên hoặc sắp bị điên. Cứ mỗi lần đem một tên ra đấu tố tại sân đình thì những tên khác phải ra đứng nghe, chứng kiến vì vậy tên nào cũng có dăm bận phải ra đình hóng mát. Thằng Thái một đêm từ đình làng trở về thì vợ đã đem con bỏ đi từ bao giờ. Không có hộ khẩu, không có chế độ, không còn quyền lợi gì, hết phương xoay sở hắn phát điên, người ta thấy hắn suốt ngày lội bì bõm ở cái ao giữa làng. Dãi nắng dầm mưa đã dần biến hắn từ một thanh niên cường tráng, nay trông gày gò như con vượn đói có mái tóc vàng hoe, ai cho nó điếu thuốc lá thuốc lào nó lập tức cúi gập người như để tạ ơn. 

Tay bí thư chi bộ đen lùn giọng khàn khàn: Kính thưa bà con cô bác, hôm nay làng ta vinh dự tiễn đưa những người con ưu tú của quê nhà lên đường tòng quân giết giặc... xin chúc các đồng chí lập nhiều chiến công. Hắn chỉ tay qua góc sân, nơi năm kẻ khốn nạn đang đứng: Còn kia là những thanh niên được đảng nhà nước nuôi cho ăn học, được rèn luyện dưới mái trường XHCN nhưng không chịu phấn đấu, chỉ biết lo cho thân mình ăn chơi hưởng thụ. Tuy sức dài vai rộng nhưng lười biếng, trốn tránh nghĩa vụ...

Rồi đến các hội, các đoàn thể lên đọc lời chúc mừng, dặn dò tân binh trước lúc chia tay... Ông Tiến thương binh loại 4 thay mặt nhóm bộ đội phục viên, xuất ngũ trong thôn lên căn dặn đôi lời trước khi các em lên đường, ông chúc các em lên đường giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Ông nói thêm: Rất tiếc hiện nay nhiều cán bộ chưa gương mẫu, con em ba bốn đứa thì đứa nào cũng luôn được ưu tiên học hành trong khi còn nhiều gia đình có hai ba con cùng trong quân ngũ. Ví dụ như... ông nói đến đây tay bí thư chi bộ sấn tới đề nghị thôi không nói nữa, thế là ông giận dữ yêu cầu phải để ông nói hết, cãi vã xảy ra. Tay bí thư ra hiệu, hai thanh niên to khỏe xuất hiện kè ông rời khỏi sân kho, trong chốc lát mọi việc trở lại như cũ, hôm sau người ta ai cũng biết chú Tiến đêm qua bị bắt lên đồn công an vì gây rối trật tự. 

Chương trình vẫn tiếp tục, thanh niên ưu tú Trần Thanh Tuấn thay mặt tân binh lên phát biểu cảm tưởng. Không khí liên hoan ấm cúng, chương trình văn nghệ rộn ràng sôi nổi, đứa con trai thằng Thủy mới ba bốn tuổi được chị nó dắt đi chơi ngang qua chỗ thằng Thủy đang đứng, trông thấy bố nó kêu lên: Bố ơi. Thằng Thủy tức thì hai tay ôm lấy mặt khóc giống lên như cha chết, tay thôn đội trưởng quát cho mấy câu: Câm. Thằng Thủy như tỉnh cơn mê ngoan ngoãn như một đứa trẻ biết tội đứng thẳng người theo tư thế nghiêm. Hai đứa con thằng Thủy thấy có người dám quát cả bố nó thì hồn vía chẳng còn, đứa chị nhanh chóng kéo đứa em ba chân bốn cẳng chạy te tua như gà con mất mẹ. 

Khi tay bí thư chi đoàn đang hát dở dang bài thanh niên quê tôi là chiếc gậy hành quân, đặt cho tên gọi là chiếc gậy trường sơn... thì bất ngờ thằng Túc đeo cái bảng đang đứng ở góc sân bỗng khuỵu xuống, người mềm như bún, mồ hôi vã ra, mọi người xúm lại kẻ xức dầu, người giật gió không hiểu tại sao? Lão Bùng gần nhà thằng Túc như hiểu ngay cớ sự chẳng nói gì chạy ngay về lao vào vườn bẻ được khúc mía dài chừng ba đốt, quay lại nơi thằng Túc đang nằm như cái xác không hồn, lão đưa khúc mía lên miệng nhai trệu trạo rồi tay thì cạy, lão nhổ tí nước mía vào miệng thằng Túc. Lạ thật chỉ có tí nước mía pha dãi pha đờm mà sao công hiệu hơn cả tiên dược, miệng thằng Túc chóp chép chừng hai ba giây sau thì hai mắt từ từ mở ra. Lão Bùng nhổ thêm cho mấy hớp nữa thì hai mắt thằng Túc mở to nhìn lão tỏ vẻ biết ơn. 

Đúng lúc ấy con Thân vợ thằng Túc từ đâu chạy vào miệng mếu máo: Chồng cháu bị tập trung từ 12 giờ trưa nên không được ăn cái gì, cháu đem cho chồng cháu mấy củ khoai mà người ta canh gác không cho ăn... trời ơi sao khổ thế hở anh ơi. Nước mắt giàn giụa nó nhanh chóng xốc thằng Túc lên dìu về cứ như chuột tha mèo, cái áo rách chằng dọc chằng ngang phơi trước ánh đèn chói lòa chẳng che hết được cái thân còm, thằng dân quân ngó ngang rồi trề cặp môi vừa thâm vừa dày: Thế mà cũng gọi là vú, không bằng hai quả chanh khô. Túc được dìu về, tôi không biết từ đó về sau thằng Túc có còn phải đeo cái bảng cùng mấy thằng khốn nạn trong làng nữa hay không? 

Buổi sáng hôm sau tân binh tập trung lên xã để chuẩn bị chuyển về BCHQS huyện. Trời đổ mưa nhưng mưa không nhiều lắm, mưa giăng giăng, cờ xí rợp trời đỏ thắm, anh tiễn em, bạn bè tiễn nhau, cha mẹ tiễn con, kẻ khóc người cười buồn vui lẫn lộn. Thế là: Từ khi anh thôi học, là khi anh khoác áo chinh nhân, từ khi anh xa nhà... chuyện nay tạm dừng, ba tháng sau khi đang đóng quân ở Đồng Hới chờ lên đường đi Nam, tôi nhận được thư nhà báo tin thằng Cường bị trâu húc chỉ gảy có ba cái xương sườn nay đã đi học trở lại còn con trâu HTX đã xẻ thịt, cái thư với mấy dòng chữ ngắn ngủi xóa hết mọi lo âu theo tôi cả ngày lẫn đêm mấy tháng trời. Chiều chiều nhìn về phương nam, những đám mây đỏ rực lơ lửng nơi chân trời, sa trường không làm tôi nản bước. 

Sau mấy chục năm xa nhà, đầu năm 2014 tôi ghé thăm người chị gái ở Hà Nội, gặp thằng Sơn bạn học cũ người xóm bên, hai đứa rủ nhau về thăm quê. Mất khoảng hơn hai giờ đi xe máy thì về tới đầu làng, quê tôi là bãi bồi ven sông, trước đây chưa có thủy điện Hòa Bình năm nào cũng hai ba bận nước ngập khắp vùng, cũng nhờ vậy mà ao hồ cá tôm rất nhiều, đất đai màu mỡ. Nghĩa trang chính của làng tôi nằm ở cuối cánh đồng ngoài ra còn một nghĩa trang nhỏ nằm trên một quả đồi cách làng chừng hơn cây số phòng khi có người chết trong mùa lũ lụt. Xung quanh khu nghĩa trang này là những nương sắn, bãi khoai, bắp đã cứu cho cả làng tôi nhiều năm khốn khó. Về làng lần này toàn bộ khu nghĩa trang trên đồi và vùng lân cận trồng rau đậu năm xưa không còn nữa, từ xa thấy nhà cửa san sát. 

Bụng đói hai chúng tôi tấp vào quán phở, người đàn bà khoảng ngoài 40 nhìn có vẻ sang trọng có lẽ từ nơi khác đến không nhận ra hai chúng tôi gọi hai đứa giúp việc ra ngay có khách, hai tô phở nhanh chóng được đưa lên cũng khá ngon, lúc đang ăn một đứa con gái cỡ chừng 20 tuổi trông cao ráo khá xinh đẩy chiếc xe tay ga từ trong nhà ra ngoài phóng đi, phía sau quán là một căn biệt thự nguy nga, bóng người đàn ông bước thấp bước cao từ ngoài sân đi vào nhà rồi khép cửa lại. 

Xơi xong tô phở hai thằng ghé vào quán nước kế bên, trong quán vài ba thanh niên đang chuyện trò rôm rả chẳng ai nhận ra hai chúng tôi. Hỏi thăm thì là toàn bộ khu này đã được một người tàu thuê mấy chục năm để nuôi tằm. Được biết giống tằm mà ông người tàu đem qua rất kỳ lạ to gấp chục lần con tằm VN, hàm răng sắc lẻm tiếng kêu như chuột, cái rau gì, cây gì cũng ăn, lớn nhanh như thổi còn sinh sản thì có khi loài kiến loài mối cũng phải thua. Nghe nói chỉ cần bắt một cặp giống thả vào vườn nhà thì vài ba tháng sau kén giăng đầy từ trong nhà ra ngoài ngõ, lũ tằm con thì đổ nước sôi hay xịt thuốc rầy cũng không chết vậy nên tằm giống được nuôi trong những dãy nhà cao tầng được bảo vệ có khi còn nghiêm cẩn hơn cả dinh tổng tống Hoa Kỳ. Không riêng gì làng tôi mà khắp cả vùng ai cũng nói: Chẳng may vài ba con tằm được thả ra ngoài không chóng thì chầy mấy chục vạn người ven sông hết đường sinh sống. 

Vùng đất khi xưa trồng đậu trồng cà nay được ông chủ người tàu giao khoán lại cho các hộ dân trong vùng trồng nguyên liệu nuôi tằm, cũng chẳng hiểu là cỏ gì, cây gì nhưng cứ quăng xuống đất vài ba tháng sau còn khiếp hơn cả cỏ tranh không có cách gì diệt nổi, dễ nó, hạt nó lan tỏa khắp vùng biến toàn bộ vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi thành màu xanh bát ngát. Mỗi nhà hơn sào thu hoạch đầu này chưa xong ngoảnh lại phía sau đầu ruộng bên kia cây cỏ đã cao ngang đầu. Nghe chưa hết đầu đuôi câu chuyện hồn vía bay bổng trời xanh, nhìn qua thằng bạn mặt mũi xanh lè, tôi trả tiền nước nôi, cả hai rời quán. 

Để khỏi hoài nghi hai đứa chạy xe vào khu nhà cao tầng, lời đồn không sai: Những dãy nhà kiên cố được đổ toàn bê tông, đường rộng thênh thang trải nhựa phẳng lỳ, hoa thơm cỏ lạ cây cối xanh tươi, nơi đây chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Đi về phía cổng lớn có phiến đá cẩm thạch trên gắn chi chít chữ tàu, tay bảo vệ người Việt to cao bước ra khoát tay đuổi chúng tôi đi nơi khác, tôi ngỏ ý muốn được vào phía trong tham quan một tý, y lộ rõ vẻ khó chịu và dứt khoát: Không thể được. Chúng tôi đành bất lực quay xe ngược lại phóng về đầu làng. Cái nhà kê đơn bán thuốc của ông lang y người tây ngày xưa sau nhiều thăng trầm làm lớp học cho trẻ, làm cửa hàng tạp hóa, bỏ không dài dài sau đó trở thành đồn công an nay đã bị đập bỏ hoàn toàn thay vào đó là căn nhà một trệt một lầu to tướng sơn màu vàng nhạt, xung quanh tường rào xây cao trên gắn gắn những tấm vỉ sắt đầu nhọn hoắt, bên ngoài là cổng lớn trên có biển đề: ĐỒN CÔNG AN NHÂN DÂN. 

Đi ngang qua đồn công an thấy hai người một già một trẻ đang đứng nói chuyện, tôi nghe có người gọi tên: Hùng phải không? ồ: cả Sơn nữa, chà chà... Chúng tôi dừng lại. À Lập, trời ơi lâu quá... Thằng Lập học cùng bọn tôi năm cấp 3 nhưng chỉ đến lớp 9 thì nó bị đuổi học vì đánh thầy giáo. Thằng Lập hồi trẻ ngỗ ngược, chúng đôi gọi là Lập điên, nhà lập nghèo bố mẹ làm thuê quanh năm thiếu, ăn chủ yếu là khoai và sắn vậy mà anh em nhà nó thằng nào cũng phầm phập như trâu, chúng tôi hay chê nó chẳng biết phân biệt đúng sai dẫu vậy nhưng nó khá thật thà. Bây giờ tuổi gần sáu mươi nghĩ lại thấy thẹn, phân biệt chuyện đúng sai đâu có dễ chẳng riêng gì mình, cứ chọn lấy vạn người mũ cao áo dài, tiến sỹ giáo sư bảo phân tích chuyện đúng sai chưa chắc ông nào làm nổi. 

Thằng Lập về già trông chững chạc, nó giới thiệu đứa thanh niên đứng nói chuyện hồi nãy là con trai út của nó năm nay hai bảy tuổi mới học xong ngành công an, xoay sở chạy chọt cả năm mới xin được về gần nhà. Hỏi thăm nó có vợ chưa, thằng Lập tỏ ra vui vẻ: Sắp rồi, cũng người làng, nhà nó có quán phở phía trước nhà đấy. À thế ra sáng nay chúng tôi ăn phở tại quán nhà vợ tương lai của nó. Thằng Lập chẳng biết chúng tôi ra ngoài làm gì như thể muốn thanh minh mình bây giờ khác ngày xưa nó buột miệng: Thời gian trôi đi nhanh quá, năm sau là tớ được 20 năm tuổi đảng rồi, nhìn đứa nào bây giờ cũng già. Chúng tôi khen đứa con dâu tương lai nhìn xinh xắn. 

Chia tay thằng Lập chạy xe dọc làng, một phụ nữ cùng một đứa trẻ đang khiêng buồng chuối cả hai vừa đi vừa nhón chân để buồng chuối khỏi kéo lê trên đất. Xe chạy ngang người phụ nữ kêu lên: Anh Hùng. Đó là con Sửu con nhà bác Ty ở gần nhà tôi năm nào. Chúng tôi dứt khoát phải vào chơi nhà nó, nhiều người hàng xóm nghe tin có người từ xa về thăm quê tấp nập kéo đến. Đủ các thứ chuyện linh tinh trên trời dưới biển, hỏi thăm tiền cho ông người tàu thuê đất có nhiều không, mấy tay thanh niên có vẻ nhanh mồm nhanh miệng: Tiền cho thuê một mét vuông đất cả năm trời không đủ để mua chục trứng gà. Rồi đến cái chuyện đấu tranh đòi bồi thường hoa màu bị bắt, cả làng vây kín đồn công an đòi người, chuyện con Sửu đẻ trong đồn công an... cơ man nào là chuyện, mọi người cứ than: Mãi chẳng thoát nghèo. Thằng Sơn đi cùng tôi bất chợt lôi từ trong cặp ra một tấm hình cỡ bằng cuốn vở học trò: Một người đàn ông phương phi béo tốt đang ngự trên bộ ghế trạm trổ rồng rắn như cái ngai vàng, nền nhà lót đá hoa cương nguy nga bóng lộn nhìn không thua cung điện. Mọi người như muốn hỏi: Ông ta làm gì mà giàu thế. 

Thằng Sơn đùa: Nuôi tằm, trồng dâu. Thế ông ta là người Tàu à. 

Không. Sơn giải giải: Ông ấy không phải là người Tàu nhưng ông ấy dâng nước ta cho Tàu, nhà ông ấy ở ngay giữa thủ đô giàu lắm. Vợ lớn ông ta đã chết, không lâu sau đó một người đàn bà khác chồng con đang hoàng nhưng vẫn qua lại với thằng con trai ông ta và đã trở thành vợ ông ta, bà vợ nhỏ này kém ông ta khoảng vài ba chục tuổi hiện vẫn phây phây, bà này là đại biểu quốc hội nhìn oai lắm nhưng cũng như bao kẻ khác trong quốc hội hầu như chẳng ích gì cho dân. Đầu năm trước tàu đưa tàu HD 981 vào khoan dầu ở vùng biển VN cả quốc hội chẳng ai nhắc đến vì bận thảo luận luật nhà thơ. Trông khả kính nhưng chẳng ai coi ông ta ra gì vì cái tật hễ cứ thấy đàn bà con gái sắp đi qua là thò tay vào quần gãi dái miệng thì bô lô ba la: Phải trồng cây gì, nuôi con gì? Ai cũng biết ông ta nói láo vì nếu trồng cây gì? Nuôi con gì? Thì năm trăm năm chắc không làm nổi cái nền nhà mà ông ta đang ở. 

Chiếc xe con bóp còi inh ỏi chạy ngang qua, từ trong đám người ai đó chửi xéo: Mẹ bố cái thằng song sinh với yêu quái, đi đâu mà lúc nào cũng thấy tò tí te. Thằng Sơn nghe hình như không hiểu người đó nói gì? 

Hỏi thăm chuyện thủ đô, thằng Sơn hững hờ: Thì cũng như đây thôi, biểu tình này nọ. Ơ thế ở Hà Nội cũng có cướp đất à?. Ờ cướp đất thì đâu mà chẳng có, nhưng phần lớn là biểu tình phản đối tàu xâm lược. Cả lớp người nhào lên: Biểu tình chống Tàu?. Khi nào có ông về dẫn bọn này theo với. 

Đừng có đùa, lo mà làm ăn... biểu tình chống Tàu ăn đòn te tua ra vào trại như cơm bữa. Thật không? Sao thế? 

Thì thế chứ sao, Chị Bùi Thị Minh Hằng nhà cao cửa rộng, tiền bạc ngồi ăn cả đời không hết chỉ vì biểu tình chống tàu mà trắng tay, nhà cửa cứ đêm đến là bị công an đổ cứt vào lối đi, mấy lần chủ tịch thành phố chỉ đạo công an giả danh côn đồ bắt cóc đánh đập đưa vào trại giam, gần đây lại bị chính quyền từ tỉnh đến huyện vu là gây rối TTCC bị đi tù nay vẫn chưa ra. Chị Trần Thị Nga ở Hà Nam bị cướp xe máy, hai mẹ con bị công an giả danh côn đồ truy sát số lần mười ngón tay đếm không xuể. Chị Trần Thị Hài... ôi nếu kể ra cả ngày không hết chuyện. 

Thế không có ai đấu tranh cho các chị ấy à? 

Câu hỏi làm nét mặt thằng Sơn trở nên nghiêm trang: Có chứ rất nhiều người đấu tranh và sẵn sàng hy sinh nhưng không đạt kết quả bởi rất nhiều nguyên nhân, nếu hôm nay không nói rõ tôi e rằng mình có lỗi với tất cả mọi người mà lỗi này suốt đời tôi sẽ không bao giờ hoàn lại được. Hai mắt lộ rõ vẽ uất hận bị dồn nén, chưa bao giờ tôi thấy thằng Sơn xúc động như thế, giọng nó to và rõ: 

Vấn đề đầu tiên: Là do hiến pháp. Hai năm trước nhà nước VN phát động phong trào kêu gọi mọi người tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp mà đến bây giờ ai cũng biết là trò bịp bợm nhưng vẫn có một sự kiện thu hút dư luận cả nước là: 72 lão trí thức tiếng tăm đệ trình QH bản dự thảo hiến pháp sửa đổi với hy vọng không bỏ lỡ cơ hội canh tân phát triển đất nước. QH không nhắc đến, nhà nước gạt sang một bên. NP Trọng là TBT ĐCS không giữ chức vụ gì trong hệ thống chính quyền, xét cho đúng chỉ là một thường dân vô tích sự dám ngang nhiên thoá mạ 72 vị đại lão trí thức là thành phần thoái hóa biến chất, sự việc trên gây phẫn nộ trong dư luận. Nguyễn Đắc Kiên bị buộc thôi việc... Trọng không phải là cá biệt còn có những kẻ khác cũng đứng đầu ĐCS ký kết với tàu những hiệp định liên quan đến vận mệnh dân tộc. Nội dung ký kết không được phổ biến cho toàn dân, nhà nước VN không những không trừng trị về tội phản quốc của những kẻ bán nước còn bao che giữ bí mật cho chúng. 

Vấn đề tiếp theo là nhà nước: CNCS đã lỗi thời, cái nôi của CNCS là Liên Sô không còn, cả thế giới vứt học thuyết Mác-Lê vào sọt rác. Nhưng ĐCSVN vẫn kiên trì theo đuổi học thuyết mà như người ta nói: Nó chống lại nhân loại. Hàng ngàn kẻ đĩ bợm văn chương được nhà nước phong hàm giào sư, tiến sỹ nhờ cái học thuyết ấy chỉ làm mỗi việc tuyên truyền bịp bợm. Từ thủa vua Hùng dựng nước đến nay chưa bao giờ TQ từ bỏ âm mưu thôn tính VN, năm 1979 TQ xâm lược giết hại dã man đồng bào ta, hiến pháp nước ta ghi rõ: TQ là kẻ thù truyền kiếp của NDVN. Thế nhưng ngày nay..... Tướng quân đội, tướng công an cử nhiều đoàn sỹ quan cao cấp sang học kẻ thù... Từ trung ương đến địa phương quan chức nhà nước ai cũng giàu sang, mọi nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi thể chế là điều không thể chấp nhận đối với quan chức đảng và nhà nước..... Đấu tranh chống TQ xâm lược, đấu tranh đòi dân chủ, đòi được trực tiếp chọn ra bộ máy nhà nước điều hành xã hội phải bị đàn áp... Thế nên... là phải chịu bắt bớ, tù đày...

Vấn đề tiếp theo: Là....... Vậy nên anh chị em cân nhắc cho hành động của mình. 

Không. Bọn em sẽ đi, các anh cứ về đưa bọn em đi, thì cũng là vào đồn cả thôi bọn em quen rồi, công an ác ôn thì đâu chả thế. Con chó thấy người lạ vào nhà còn lao ra sủa, tàu sang cướp nước nếu cứ im lặng chẳng lẽ mình thua cả chó. Vì thời gian có hạn, biết rằng rơi vào đề tài biểu tình thì khó mà rừng lại, thằng Sơn vung tay: Rồi, yên chí cứ chuẩn bị tinh thần đi bây giờ bọn tôi bận phải đi đây. Kẻ ở người đi chừng như xúc động ai nấy giơ tay vẫy vẫy liên hồi mà miệng chỉ nói được một tiếng: Chào... chào... 

Chiếc xe tay ga chở hai thằng ra ngõ, Sơn quay đầu lại phía sau nói to: Nhục quá ông ơi, bọn mình không đáng đổ bô cho mấy bà nhà quê, cứ tưởng học được mấy chữ, làm được vài bài thơ con cóc là oách nay mới thấy thật không bằng giống lợn giống chó. Tôi hỏi: Mày sao có tấm hình? Sơn nói đứa cháu làm ở tòa soạn báo tiền phong cho vì xếp của nó đi chúc tết tranh thủ cơ hội chụp hình chung với anh tổng về in tặng cấp dưới mỗi đứa một cái để thị uy mượn oai hùm nhát khỉ, còn chỉ đạo phải đăng hình này lên báo do hắn phụ trách. Lũ ong ve trong cơ quan vừa muốn nịnh xếp vừa muốn đánh bóng tên tuổi rằng ta đây quen biết cũng lại phát tán cho người thân, người thân lại tặng người thân thế nên bây giờ ở Hà Nội hình anh tổng ngự trên ngai rồng nhiều hơn vé số. 

Đi thêm một đoạn phía trước một chiếc xe con bóng lộn đi ngược chiều, hình như nhận ra người quen chiếc xe chạy chậm dần cửa kính hạ xuống một người trong xe thò đầu ra tay vẫy vẫy. Hai thằng tôi dừng lại, trên xe một người đàn ông ăn mặc bảnh bao bước xuống tập tễnh tiến về phía chúng tôi và chìa tay ra. Sung phải không?. Anh Hùng, em nhận ra hai anh từ xa, tay xiết tay như không thể rời. Một người phụ nữ mở cửa xe thò đầu ra: Ồ thế ra là hai bác rồi ngoảnh mặt hướng về phía thằng Sung, hai anh đây sớm nay ăn ở quán nhà mình thế mà em không biết là người quen. Tôi tiếp lời: Biết rồi, biết rồi xin chúc mừng sắp có rể hiền. Cả hai vợ chồng thằng Sung tỏ vẻ ngạc nhiên: Sao bác biết? Thì anh mới gặp anh Lập xong. 

Thằng Sung tức thì mặt biến sắc giọng giận dữ hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ vô phước nào đó: Không biết là cái giống gì mà không biết nhục, thằng bố nếu không nhờ em thì muôn năm làm quần chúng, thằng con học mới lớp 9 trường làng đi trung cấp công an lạy lục mãi em mới xin giúp cho về đây làm gần năm nay, ra ngoài thì hống hách về đồn thì đứa nào sai cũng chạy có cờ, rể riếc gì thứ ấy đúng là thấy sang bắt quàng làm họ, gà rừng cứ muốn làm công... Biết thằng Sung làm công tác đảng, như bao kẻ khác khả năng nói của nó là vô tận nên tôi cứ phải chờ thời cơ để xen ngang. Chờ mãi, chờ mãi... may quá... nó nhổ bãi nước bọt. Tôi chớp ngay thời cơ: Người ta nói vậy mình có con gái không gả thì thôi đâu có sao. Thế cháu gái nhà em đã đi làm chưa?. Dạ thưa, cháu mới học xong kế toán kiểm toán, nộp hồ sơ rồi anh họ cháu làm ở Hà Nội hứa sẽ xin cho cháu làm ở Vietell, nếu cháu không thích thì chuyển sang VNPT, ổn định cái là cháu đi học cao học lấy cái bằng thạc sỹ, thời buổi này bằng cấp quan trọng bậc nhất đấy. 

Tôi lựa lời: Học gì thì học lớn rồi cũng phải chồng phải con chứ. Thằng Sung tỏ ra phấn khởi: Rồi bác ạ, hồi đi học cháu có quen một anh nhà ở Hà Nội bây giờ đang làm ở bộ giao thông chả là chú ruột của anh ta làm thứ trưởng bộ giao thông nhà giàu lắm. Tháng trước em có nhờ người quen trên Điện Biên mua hộ cho cái pín cọp đường xa sợ hỏng nên họ tẩm thuốc bắc sấy khô, cái này to lắm sấy khô mà nặng gần ba cân lông da còn nguyên thế mới quý. Tôi đùa: Sao không kèm chai rượu cho đủ bộ. 

Thằng Sung nhìn tôi như bác sĩ nhìn bệnh nhân tâm thần tỏ vẻ thương hại: Anh đi nhiều mà chả hiểu tí gì, rượu nhà ông ấy còn nhiều hơn nước lã nhà anh, cả một cái kho cơ man nào là rượu chai rẻ nhất cũng gần chục triệu có chai vài trăm triệu. Lúc đem pín cọp đến nhà ông ấy quý lắm, hỏi chuyện cháu gái nhà em ông ấy nói: Khó khăn cứ đến gặp tôi, tôi hắt hơi một cái thì khối nơi trải thảm đỏ ra đón cháu. Thằng Sơn đứng bên xen vào: Này hỏi thực ông bạn nhé: Cái ấy giá bao nhiêu?. Thằng Sung hãnh diện: Hơn hai trăm triệu. Thằng Sơn cướp lời: Hàng đểu rồi ông ơi. Ông xếp gần nhà anh con bác tôi làm tướng ở bộ công an chơi một cái chưa đến hai cân mà chi gần tỷ bạc. Thằng Sung nghe nói chưa dứt câu mặt mày tái mét đứng không vững hai chân run bần bật miệng lắp bắp: Chết em rồi các bác ơi, các bác có cách gì cứu em không? Ông ấy mà biết hàng đểu thì tương lai, cơ nghiệp nhà em chấm dứt từ đây. 

Thương cho cái bộ mặt bỗng trở nên hiền từ một cách thảm hại, thằng Sơn trấn an: Sư phụ của lão ấy nếm thử cũng không thể nào biết được, dù là pín trâu hay bò thì khi bào chế vẫn phải bơm tí tinh dầu của cọp vào thế nên giả thì chỉ là 70 phần trăm thôi, công hiệu vẫn rất phi thường. Thằng Sung tha thiết mời hai chúng tôi về nhà nó chơi nghỉ lại đêm rồi mai về Hà Nội, khéo léo khước từ xe chúng tôi lại bon bon. 

Thằng Sơn thắc mắc câu chửi nghe giữa đám đông lúc nãy, tôi giải thích cho nó: Mẹ thằng Sung đẻ nó sinh đôi, thằng em song sinh mắt mũi chẳng có, hai ngày sau thì chết, người làng vẫn gọi nó là anh em song sinh với yêu quái, nó hiện là bí thư chi bộ ấp, năm 1986 có thằng em bị đánh chết trong đồn công an huyện. Tôi hỏi Sơn: Sáng nay thằng Sung thấy mình ăn phở trong quán nó từ ngoài sân đi vào nhà rồi đóng cửa lại mày biết không? Thế tại sao mày biết là pín đểu? Thằng Sơn cười ngất ngây: Tao đến cứt cọp còn chưa được ngửi thì biết đâu là pín đểu, nói tầm bậy cho vui ai ngờ thằng Sung tưởng dân chơi hóa ra cũng vậy, đúng là thằng mù dọa thằng chột. 

Trời đổ về chiều cái bụng bắt đầu sôi, tạt vào quán bún ven đường tôi lẩm bẩm một mình: Chắc phải viết cái bài nuôi tằm ở quê lên báo. Sơn nghe nói cười to: Mày điên rồi phải không? Bao nhiêu vụ tày trời ở Vũng Áng, Tây Nguyên báo chí đăng rần rần còn chả ăn ai, mấy cái chữ của mày không bằng phân bón ruộng bộ mày tưởng là cái chi chi. 




 _________________________________________




...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 25/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo