Ông Trọng đã có cờ để phất? - Dân Làm Báo

Ông Trọng đã có cờ để phất?

Phạm Trần (Danlambao) - Âm mưu chà đạp lên Hiến pháp để cướp quyền được biểu tình của dân và tranh quyền Lập pháp với Quốc hội đang diễn ra trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyện này đã được bạch hóa tại phiên họp ngày 17/02/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội hoãn thảo luận dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp cuối cùng (thứ 11) của Quốc hội khóa XIII, dự trù diễn ra từ ngày 21/3 đến 6/4/2016.

Theo lời ông Hà Hùng Cường thì trong Chính phủ “vẫn còn những ý kiến khác nhau về nhiều nội dung của dự án luật” do Bộ Công an chủ động soạn thảo có hợp tác của hai Bộ Tư Pháp và Quốc Phòng.

Ông Cường không cho biết “còn khác nhau” ở chỗ nào, nhưng tại một phiên họp với Quốc hội cuối năm 2015, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: “Bộ Công an được Chính phủ giao soạn thảo Luật Biểu tình để trình Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật Biểu tình đã xây dựng xong và đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, về một số vấn đề nhạy cảm, hiện các bộ liên quan chưa cho ý kiến, như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

Do vậy, nếu đưa Luật Biểu tình vào để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp ý kiến các bộ liên quan.” (Báo Người Lao Động/ ngày 11/12/2015)

Tuy nhiên, Tướng Nam không nói ra hay báo chí Việt Nam không được phép viết ra những vấn đề được gọi là “nhạy cảm”. Hai bộ Công An và Quốc Phòng vẫn thường nêu ra nỗi lo người biểu tình sẽ lợi dụng Luật để chống đảng, chống nhà nước và chống luôn cả Trung Quốc nên đã tìm mọi cách trì hoãn trình ra Quốc hội, dù Bộ Công An được giao trách nhiệm soạn Luật biểu tình.

Dự Luật này đã bị Chính phủ xin lùi thêm từ kỳ họp thứ 9 tháng 6/2015 sang kỳ họp 11 năm 2016 nên tại phiên họp ngày 17/2 (2016), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã nói thẳng: “Dự án Luật Biểu tình đã lùi quá nhiều lần. Chỉ một ngày trước phiên họp này, Chính phủ lại gửi tờ trình xin tiếp tục lùi nữa. Đề nghị UBTVQH có ý kiến chính thức với Chính phủ về việc này”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đặt vấn đề: “Chính phủ ý kiến thế nào về vấn đề này? Tại sao cứ lùi mãi thế, không làm được hay không chịu làm, cứ bàn ra bàn vào mãi rồi. Quốc hội, Bộ chính trị đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi?". 

Ông Hùng, người sẽ nghỉ hưu khi Quốc hội Khóa XIII chấm dứt nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV ngày 22/05/2016 nói thêm: “Tôi thấy chương trình kỳ họp thứ 11 đã khá nặng rồi, không nên bổ sung thêm nữa. Nhưng Luật Biểu tình thì đã có trong chương trình và cũng đã điều chỉnh thời hạn nhiều lần rồi, nay không trình được phải báo cáo rõ trách nhiệm trước Quốc hội, chứ UBTVQH không thể quyết nghị cho lùi được. Phải có lý do rất chính đáng cho việc này” (Báo Giáo dục Việt Nam, 17/02/2016)

Đáng chú ý, theo lời Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thì không những Quốc hội mà cả Bộ Chính trị cũng đã đồng ý đem Dự Luật Biểu tình ra thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp chót của Quốc hôi XIII, nhưng Chính phủ vẫn không tuân thì coi như Cơ quan Hành pháp đã “bóp chết” nó mà chưa có hy vọng sẽ được hồi sinh tại nhiệm kỳ khóa Quốc hội XIV (2016-2021).

Vậy trách nhiệm trì hoãn Luật Biểu tình có quy về Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng hay nằm gọn trong sân của 3 Bộ Công An, Quốc Phòng và Tư Pháp?

Không thấy phía Chính phủ giải thích nó đang bị nghẽn ở đâu, nhưng ai cũng biết hai Bộ Quốc Phòng và Công An có tiếng nói lớn nhất trong công tác soạn thảo.

Người đứng đầu Bộ Công An Trần Đại Quang đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa đảng XII đồng ý đề cử vào chức Chủ tịch nước, chỉ còn chờ được Quốc hội chấp thuận. Nhưng Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ nghỉ hưu, sau ngày Quốc hội chấp thuận người thay thế.

Tuy vậy, trách nhiệm trì hoãn Luật biểu tình của hai ông Quang và Thanh không nhỏ vì là những người đứng đầu. Cũng chẳng ai tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu cả hệ thống lãnh đạo đảng và nhà nước, không can dự gì vào quyết định xin Quốc hội đừng vội thảo luận Luật biểu tình. 

Và có ai dám đánh cá rằng Ban Tuyên giáo và Quân Ủy Trung ương của Quân đội không quan tâm đến Luật biểu tình, bởi vì Dự luật biểu tình cũng quan hệ đến công tác chống “diễn biến hòa bình” và chống “các thế lực thù địch” của đảng và quân đội. 

Đảng cũng đang lo Luật biểu tình sẽ mở đường cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên tăng nhanh và giúp cho các Tổ chức xã hội dân sự lớn mạnh để đe dọa đảng cầm quyền.

Quốc phòng ngồi lên hiến pháp

Cũng nên biết, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng còn kiêm nhiệm chức Bí thư Quân ủy Trung ương nên chuyện hai phe bảo vệ tư tưởng đảng và trong quân đội chưa đồng tình với Dự luật biểu tình cũng không ai ngạc nhiên. 

Vì vậy việc nại cớ còn “một số vấn đề nhạy cảm” mà hai Bộ Quốc Phòng và Tư Pháp còn rụt rè, hay “vẫn còn những ý kiến khác nhau” trong Chính phủ về Luật Biểu tình nên chính phủ xin hoãn trình ra Quốc hội đã chứng minh có một thế lực trong đảng không muốn cho dân được biểu tình theo quy định của Hiến pháp.

Nhưng chẳng nhẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không biết Điều 25 của Hiến pháp đã viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"?

Do đó chừng nào chưa có Luật cho dân thực hành quyền biểu tình thì đảng và nhà nước đã công khai chà đạp lên Hiến pháp.

Bằng chứng này đã được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) của Quốc hội, Nguyễn Kim Khoa, phê phán có “nhiều nội dung không hợp lý” trong văn thư giải trình chống Luật biểu tình của Bộ Quốc phòng.

Đó là:

“Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cho rằng đây là đổi mới về chính trị. Chúng tôi cho rằng nhận thức như vậy là không đúng. Đây là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là đổi mới chính trị.

Thứ hai, Bộ Quốc phòng cho rằng chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm. Chúng ta đang làm cái này để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chứ không phải là chờ ổn định rồi làm.

Thứ ba, Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết Nghị định rồi mới xây dựng luật. Chúng tôi thấy rằng, Nghị định 38 bây giờ đã trái với Hiến pháp. Chúng ta mà làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, không phù hợp với Hiến pháp, trong đó rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Ông Khoa nói thẳng: “Văn bản Bộ Quốc phòng gửi, nhiều nội dung các đồng chí kiến nghị không hợp lý. Tôi cũng đề nghị các đồng chí bên Chính phủ nghiên cứu trình tự xây dựng pháp luật ưu tiên thực hiện Hiến pháp. Chúng ta hiện nay không có trình tự rõ ràng, kể cả các luật liên quan tới quốc phòng.”

Báo chí Việt Nam trích lời ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng: "Biểu tình là quyền tự do công dân được Hiến pháp quy định và là nội dung được luật hóa cuối cùng nên sự cần thiết là hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

“Nghị định 38 là hạn chế quyền công dân và con người. Nếu cứ dùng để quản lý an ninh quốc gia và trật tự xã hội, hạn chế quyền công dân là trái với Hiến pháp. Tôi đi khảo sát các đơn vị của Bộ công an đều yêu cầu phải làm ngay.”

Ông Khoa nói: "Qua nghiên cứu thẩm tra dự thảo Luật Biểu tình của Bộ Công an gửi sang, chúng tôi thấy rất công phu và có thể trình ra được, không có gì phức tạp… Chúng ta không thể chỉ sửa nóc nhà. Cái chúng ta không làm, cái không cần thì các đồng chí lại làm”.

Nguyễn Tấn Dũng- Luật biểu tình

Thì ra Bộ Quốc phòng là thủ phạm chính của âm mưu bóp chết Dự án Luật biểu tình trong trứng nước. Bộ này đã cố ý diễn giải với chủ tâm chống "đổi mới về chính trị" để không cho dân thực thi quyền làm chủ đất nước.

Và khi Bộ Quốc phòng đặt điều kiện phải “chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm” luật Biểu tình là hành động cực kỳ phản động và phản dân chủ. Nhưng lấy tiêu chuẩn nào để đo lường, hay cơ chế nào của nhà nước có khả năng và thẩm quyền đánh giá mức độ chính xác Việt Nam đã được “bảo đảm an ninh quốc gia” và “trật tự an toàn xã hội” ?

Còn chuyện Bộ Quốc phòng đề nghị ra thêm Nghị định hay tu sửa Nghị định 38/2005/NĐ-CP, ban hành ngày 18 tháng 3 năm 2005 (thời Thủ tướng Phan Văn Khải) “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công” thì Tướng Phùng Quang Thanh và Tướng Công an Trần Đại Quang hãy banh tai ra mà nghe câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 25/11/2011.

Ông Dũng nói: "Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này nhưng Nghị định của chính phủ hiệu lực thấp chưa đáp ứng yêu cầu, tầm vóc như Hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Chính phủ mới thấy phải kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có bộ luật, một luật biểu tình. Luật đó phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật, đồng thời luật đó có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân.” (ViệtNamNet, 25/11/2011)

Nếu ý của ông Dũng chưa chọc thủng được những cái đầu tăm tối của hai Bộ Công an và Quốc phòng thì họ hãy giương mắt to ra để hình dung khi ông Thủ tướng giải thích Chính phủ đã căn cứ vào đâu để đề nghị Luật Biểu tình.

Bắt đầu bằng câu hỏi của Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): "Xin đồng chí Thủ tướng Chính phủ cho cử tri biết rõ thêm về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật có Luật biểu tình?”

Ông Dũng đáp: "Về căn cứ đề nghị xây dựng Luật Biểu tình, thái độ, chủ trương của Chính phủ khi dân bày tỏ lòng yêu nước.

Căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH đưa vào chương trình xây dựng Luật biểu tình, có mấy căn cứ Chính phủ thảo luận, đề nghị:

Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp (1992) điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình. Tôi muốn nói ngắn gọn là căn cứ thực hiện Hiến pháp.

Thứ hai, trên thực tế, các vị đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc thấy rõ một thực tế trong cuộc sống của chúng ta đã có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Có thực tế như thế. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền mà được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như vậy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, đã xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại xã hội.

Thứ ba, trước thực trạng như thế, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước đã ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này. Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét ý kiến của Chính phủ.” (ViệtNamNet, 25/11/2011)

Bây giờ sự việc đã đi ngược lời giải trình rất được lòng dân thời 2011 của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng chẳng nhẽ vì ông Dũng đã mất quyền và hết cả thế trong hệ thống cai trị sau Đại hội đảng XII nên ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người thắng cuộc, đã lật ngược thế cờ để phất? -/-

(02/016)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo