Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Có một câu bình luận trên một bài viết về Mậu Thân năm nay: “Nếu Bộ Thông tin Truyền thông đã sớm nhờ Google hay Facebook xóa sạch mọi bài viết phản động, và bộ Công an đã sớm ra tay bắt giữ những cây viết phản động, dám vu khống đảng từng thất bại về mặt quân sự và chính trị trong biến cố cách đây 50 năm, thì vinh quang của đảng nhân cuộc “Tổng công kích và nổi dậy năm Mậu Thân” đã rạng ngời biết mấy!”.
Quả thế, rầm rộ hơn dịp kỷ niệm 40 năm, lần này đảng và nhà nước ta đã tung toàn lực, vận dụng mọi phương tiện, nghĩ ra đủ cách thế để làm cho nhân dân, nhất là giới trẻ thấy được -theo kiểu nói của Bí thư thành Hồ Nguyễn Thiện Nhân tại lễ mừng chính thức hôm 31-01, rằng "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do, được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Các hoạt động chào mừng đó gồm một lễ nghi cấp nhà nước, đủ mặt tứ trụ triều đình, các cựu tổng bí thư, cựu thủ tướng, những cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia, những buổi giao lưu gặp gỡ cựu chiến binh mặt trận năm nào, những bài viết của một số lãnh đạo chính trị cao cấp, những buổi biểu diễn văn nghệ với những vở kịch ca khúc vừa sáng tác, những biểu ngữ tuyên truyền trong học đường cho trẻ nhỏ…Dàn báo chí công cụ cũng tới tấp nhảy vào cuộc qua các bài viết sắt máu như: “Lễ cấp Quốc gia kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công xuân Mậu Thân”, VietnamNet; “Xuân Mậu Thân 1968: Thiên hùng ca bất diệt”, Pháp Luật TP. HCM; “50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Bản hùng ca bất diệt”, Đại Đoàn Kết; “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là bản anh hùng ca bất tử”, Tiền Phong; “Tổng tiến công Xuân Mậu Thân làm nên ‘dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ’, Thanh Niên; “50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước”, Thanh Niên. Các hành động khủng bố lại được đưa ra ca ngợi: “Cuộc tấn công của Biệt động Sài Gòn 50 năm trước”, VNExpress; “Lãnh đạo TP HCM thăm gia đình biệt động Sài Gòn có hàng loạt hầm vũ khí”, VNExpress; “Mật thư viết trên cánh tay cô gái”, Pháp Luật TP.HCM; “Những đòn sấm sét mang tên “Biệt động Sài Gòn–Gia Định”, SGGP… Tất cả đều nhằm nhồi sọ nhân dân rằng đó là cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam chống lại chế độ Mỹ Ngụy, ủng hộ Cách mạng, và là thắng lợi do nghệ thuật quân sự của Đảng ta, biết nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ…(theo chủ tịch nước Trần Đại Quang và bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch).
Nhiều tay Việt cộng nằm vùng tại Huế còn sống cũng câng mặt phát biểu: “Thanh niên, sinh viên đòi đi theo bộ đội, đi theo Cách mạng. Đòi đi bằng được. Ra đi mà có hàng trăm người là sinh viên, học sinh đi cùng chứ không phải chỉ có những người đã làm Cách mạng rồi. Sinh viên, học sinh Huế gánh thương binh của Cách mạng mà đi. Không có băng-ca, thiếu võng, họ vác lên người mà chạy. Chạy 5km, 3km mới ra khỏi cửa Chánh Tây. Nổi dậy là như vậy đó. Do tình cảm cả. Tất cả tình cảm, hiến dâng, cống hiến, đó là sự nổi dậy của người dân”. (Nguyễn Hữu Vấn, BBC 6-2-2018).” “Huế là nơi duy nhất đã đạt được cả hai mục tiêu "tấn công" và "nổi dậy". Sở dĩ Huế giữ được hai mấy ngày đó là nhờ sự đóng góp của dân chúng…. Tinh thần tấn công và nổi dậy là ở toàn quốc, nhưng tổ chức nổi dậy được thì chỉ có Huế thôi” (Nguyễn Đắc Xuân, BBC 12-02-2018).
Nhưng cái gọi là “nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ” như Trần Đại Quang nói chính là việc trắng trợn phản bội cam kết hưu chiến 7 ngày mà nhà cầm quyền Hà Nội và công cụ của họ là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã đưa ra trước (từ hạ tuần tháng 10-1967), và sau đó chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mới tán thành nhưng cũng chỉ giới hạn trong 3 ngày Tết thôi. Thếlà đêm 29 rạng ngày 30-01-1968 - đúng thời điểm Giao thừa âm lịch, theo bài thơ hiệu lệnh của HCM trên đài Hà Nội, và lợi dụng việc đa phần quân nhân VNCH được nghỉ phép ăn Tết, cũng như lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam được bãi bỏ - nhiều đơn vị quân đội miền Bắc và du kích miền Nam ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà đồng loạt nổ súng. Ở các chiến trường còn lại - do hiểu lệnh cách khác - đã khởi chiến vào đêm 30 rạng ngày 31-01-1968 (tức đêm 1 tết). Và chỉ trong vòng 2 ngày, Cộng quân đã tiến vào 41 thành phố, thị xã, 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế, nghĩa là đánh vào các khu dân cư. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng đều choáng váng trước kiểu “tự nguyện ngừng bắn” này của Việt cộng.
Choáng váng là phải, vì Dân tộc VN từ ngàn xưa đều xem ngày Tết có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Bởi lẽ đó đó là thời gian dành cho đoàn tụ gia đình, yêu thương hòa giải, cầu mong an lành cho nhau và hy vọng tương lai tốt đẹp. Đó là lúc người ta đốt nén hương dâng lên tổ tiên và những ai đã khuất trong niềm tưởng nhớ di huấn và kỷ niệm của họ; đó là lúc cha mẹ con cái họ hàng sum vầy trong tinh thần xí xóa chuyện cũ, sống giây phút hiện tại cách đầm ấm, bên “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, pháo tết, bánh chưng xanh”; đó là lúc mọi người cầu chúc cho nhau và hứa hẹn với nhau những điều tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và lịch sử bao cuộc chiến tranh trên đất nước, VC đã tung ra một cuộc tấn công nhắm những người cùng da vàng máu đỏ tại các khu vực cư dân đông đúc vào chính những giờ khắc linh thiêng nầy. Tiếng pháo đã chen lẫn tiếng súng! Rượu hồng đã hòa vào máu đỏ! Bánh tét đã trộn lẫn với thịt người! Bài hát “Chuyện một đêm” của nhạc sĩ Anh Bằng đã diễn tả tất cả sự tàn nhẫn đó.
Nhưng rồi, quân đội miền Nam, phối hợp với binh lính Mỹ, đã nhanh chóng đẩy lui các cuộc tấn công của VC. Lâu lắm là 3 ngày, chỉ trừ tại Huế, nơi VC cố chiếm để làm thủ đô của Mặt trận Giải phóng miền Nam nên đã tung ra 10 ngàn bộ đội và giữ được 26 ngày. Để tỏ ra là cuộc nổi dậy của quần chúng, một thời gian ngắn trước đó, Hà Nội đã lập ra cái gọi là Lực lượng Liên minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình, với những tên VC nằm vùng như Lê Văn Hảo, Đào Thị Xuân Yến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hữu Vấn…. và với lá cờ gồm ba mảnh, giữa màu đỏ có ngôi sao vàng, hai bên màu xanh dương. Sáng sớm ngày mùng hai Tết, lá cờ này được treo lên kỳ đài trước Ngọ Môn.
Nhưng cái mà Nguyễn Đắc Xuân gọi là “sự nổi dậy thành công của nhân dân, đặc biệt tại Huế”, đó chính là việc y với “đoàn thanh niên vũ trang” do y cầm đầu khởi sự đi bắt các viên chức chính quyền, công an cảnh sát, thân hào nhân sĩ, thậm chí cả sinh viên bạn học. Đó chính là việc VC lập tòa án nhân dân tại quận II (trường trung học Gia Hội) với Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chánh án còn các phụ thẩm là Hoàng Kim Loan, Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Hữu Vấn, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Thị Đoan Trinh… (chứng từ của thiếu tá Liên Thành và bác sĩ Alje Vennema). Tại đó, tòa án này đã tuyên án rồi xử tử ngay trên 200 người mà VC gọi là ác ôn và chôn ngay tại chỗ. Đó chính là việc Bắc quân vào nhà thờ Phủ Cam đêm mồng 6 Tết, bắt đi khoảng 400 tráng niên và thanh niên hiền lành vô tội đang trú tại đó, dẫn lên Khe Đá Mài rồi hạ sát hai ngày sau, để trả thù việc bị binh sĩ VNCH đánh trả từ sáng ngày mồng 2 Tết. Đó chính là những mồ chôn tập thể hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn xác mà sau khi VC rút lui, người ta dần dần tìm thấy ở Bãi Dâu, Chùa Tăng Quang Tự, ở các quận ngoại thành như Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Nam Hòa…. Những nạn nhân này bị giết bằng những hình thức man rợ như dùng báng súng, cuốc xẻng bửa đầu, đóng cọc xuyên từ hậu môn lên, đâm lưỡi lê vào bụng, cột thành chùm chôn sống, xả súng liên thanh và ném lựu đạn vào đoàn người bị trói chặt… (hơn cả Đức quốc xã vốn chỉ giết người Do Thái bằng hơi ngạt rồi đem vào lò thiêu).
Và cái mà Nguyễn Hữu Vấn gọi là “thanh niên, sinh viên đòi đi theo bộ đội, đi theo Cách mạng. Đòi đi bằng được. Ra đi mà có hàng trăm người là sinh viên, học sinh đi cùng chứ không phải chỉ có những người đã làm Cách mạng rồi”, trong thực tế đó chính là hơn 600 thanh niên quận I (Thành Nội) và quận II (Gia Hội Bãi Dâu) bị bắt gia nhập quân Mặt trận GPMN khi VC rút đi, ai không theo thì bị bắn tại chỗ. Tại Gia Hội, người ta đã khám phá ra xác của 18 thanh niên bị bắn chết vì không chịu đi theo VC. Tổng kết: số thường dân bị giết chết và mất tích tại Huế vào khoảng 7 ngàn, gồm viên chức hành chính, bác sĩ kỹ sư, tu sĩ linh mục, giáo sư nghệ sĩ, tiểu thương lao động, quân nhân về hưu, sinh viên học sinh, thường dân trẻ nhỏ…
Người ta tự hỏi tại sao VC lại có thể thản nhiên tàn sát đồng bào ruột thịt và là thường dân vô tội như thế. Có thể giải thích bằng 4 nguyên nhân. Một là do tiêm nhiễm chủ thuyết duy vật, phủ nhận tâm linh, linh hồn, nhân vị, CS coi rẻ sinh mạng con người. Họ sẵn sàng thí lính trong các cuộc tấn công bằng chiến thuật biển người (điển hình như trận Điện Biên Phủ, trận Cổ Thành Quảng Trị); họ sẵn sàng giết dân như trong cuộc Cải cách Ruộng đất, cuộc Tấn công Mậu Thân, cuộc Học tập cải tạo (quân cán chính VNCH bị cầm tù). Hai là CS chủ trương “bắt lầm và giết lầm còn hơn bỏ sót”. Điều này Việt cộng học tập từ Tàu cộng trong cuộc Cải cách ruộng đất. Trong biến cố Mậu Thân, nhiều người đã phải uổng mạng vì chết thế cho người thân đang là binh sĩ, cảnh sát, công chức mà VC muốn giết nhưng vắng nhà hay đã thoát được. Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thái Hòa về Hoàng Phủ Ngọc Phan là một ví dụ. Ba là CS chỉ biết lấy căm thù làm động lực, vừa là động lực cho lịch sử, vừa là động lực cho “cách mạng”. Trước khi các cán binh miền Bắc xâm nhập miền Nam tết MT, Lê Duẩn đã giáo dục họ về lòng căm thù cũng như hứa hẹn là dân sẽ theo quân Giải phóng, nên khi không thấy dân nổi dậy theo mình, lại còn bỏ chạy về phía quốc gia, VC đã tàn sát không thương tiếc. Bốn là CS theo nguyên tắc: cứu cánh biện minh cho phương tiện, nên sẵn sàng lừa gạt, bạo hành, phản bội lời hứa, chà đạp truyền thống, coi thường đạo đức để đạt mục tiêu.
Ngoài ra, CS luôn chủ trương viết lại lịch sử sau khi toàn thắng, nên cứ 10 năm lại làm rùm beng về “chiến thắng MT”. Họ lại kiêu căng không thèm hối hận vì các tội ác đã gây cho đất nước và đồng bào. Mà nếu như thế thì toàn dân chưa thể tha thứ được.
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 285 (15-02-2018)
Ban biên tập