Ăn cướp có Licence: Ba lần đổi tiền ở Việt Nam sau năm 1975 - Dân Làm Báo

Ăn cướp có Licence: Ba lần đổi tiền ở Việt Nam sau năm 1975

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Sau ngày 30/4/1975, tiến trình bình định và vô sản hóa miền nam Việt Nam được bộ chính trị đảng cộng sản với 17 đảng viên Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miểu), Nguyễn Văn Linh (Nguyễn văn Cúc), Võ Chí Công (Võ Toàn), Chu Huy Mân (Chu Văn Điều), Tố Hữu tự Lành (Nguyễn Kim Thành), Võ văn Kiệt (Phan Văn Hòa) và Đỗ Mười (Nguyễn Duy Cống) quyết định, nhằm tiêu diệt mọi giai cấp cũ trong xã hội VNCH, phá vỡ, kiểm soát, chiếm đoạt mọi cơ cấu kinh tế trọng yếu trên toàn miền và nỗ lực bần cùng hóa người dân miền nam trong âm mưu phải cào bằng hố cách biệt quá lớn trong sinh hoạt đời sống của người dân hai miền nam – bắc, dưới hai chế độ tự do – cộng sản, hòng khỏa lấp sự tuyên truyền dối trá từng liên tục diễn ra suốt hàng mấy thập niên qua tại miền bắc.

Tựu trung có bốn biện pháp chính nhắm đến hai mục tiêu tiên quyết, gồm trả thù nhân dân miền nam bằng chính sách tập trung học tập cải tạo và đi xây dựng vùng kinh tế mới, song hành với chủ trương chiếm đoạt, cướp bóc triệt để mọi tài sản, bất động sản, các cơ sở kinh tế của người dân và của chính phủ VNCH thông qua chính sách cải tạo công thương nghiệp (đánh tư sản) và đổi tiền được Hà Nội cho áp dụng dai dẳng từ 1975 đến đầu thập niên 90. 

Tất cả đều được thực hiện dưới chiêu bài xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư liệu sản xuất tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ giai cấp tư sản bóc lột, ngồi mát ăn bát vàng, tập thể hóa sản xuất và tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên cả nước, bằng các lực lượng chiếm đóng là công an và quân đội miền bắc và bởi bạo lực cách mạng, tức là một mỹ danh mỹ miều, trơ trẽn, che đậy cho sự thật trần trụi đó chỉ là bốn cú đánh có tính tiêu diệt tàn bạo, nặng nề nhất, được đảng cộng sản xử dụng để đánh phủ đầu người miền nam, triệt tiêu mọi cơ cấu trong xã hội miền nam khi chiến tranh mới vừa chấm dứt và hầu như không có gia đình nào ở miền nam tránh khỏi. 

Trong khi những chuyến tàu thủy kinh hoàng đưa hàng chục ngàn người tù quân, cán, chính VNCH, lưu đày khổ sai ra vùng rừng núi thâm sơn cùng cốc ngoài miền bắc, những chuyến xe đò chạy than xộc xệch đày đọa hàng trăm ngàn, hàng triệu thân nhân người tù đi về mọi miền hoang vu, để "có sức người sỏi đá cũng thành cơm", thì nương theo thế cướp đoạt công khai đầy thắng lợi theo kiểu lẽ phải thuộc về phía kẻ mạnh - đang ở đỉnh cao của cơn bão táp, người người, nhà nhà, cán bộ, đảng viên, cơ quan, dân sự, quân sự, từ nhỏ đến lớn, trung ương hay địa phương, từ miền bắc vào, từ trong rừng ra, từ ngang nhiên chiếm hữu, cướp đoạt, đến xin giúp đỡ, thu lượm, nhặt nhạnh…. thi nhau vơ vét, xâu xé, xẻ thịt con mồi miền nam. Liên tục và ồ ạt là những đoàn xe vận tải dân, quân sự chạy nối đuôi nhau hàng ngày trên quốc lộ 1, cũng như không ngớt các chuyến xe lửa nặng nề, chở đủ thứ chiến lợi phẩm, do đủ thứ lực lượng, cơ quan nhà nước, của đủ mọi loại đảng viên, cán bộ, bộ đội cướp đoạt, hay xin xỏ được từ miền nam, cứ đều đặn ngược ra các tỉnh miền bắc. 

Chỉ tính riêng về mặt tài chánh – ngân hàng, số tài sản lưu động gồm tiền mặt nội tệ VNĐ, ngoại tệ USD và quý kim các loại của chính phủ VNCH để lại hoàn toàn nguyên vẹn, trở thành chiến lợi phẩm bị Hà Nội tịch thu, có văn bản kiểm kê chính thức (không tính phần đã bị những đoàn thể, nhiều cá nhân tẩu tán, chiếm đoạt mờ ám lúc giao thời) cũng đã rất lớn. 

Vàng lưu trữ tại ngân hàng quốc gia có 1.234 thoi vàng nguyên chất, nặng 12 – 14kg mỗi thoi, có tuổi vàng 9997 – 9998, nặng tổng cộng 15,7 tấn (chưa tính các loại đồng tiền cổ bằng vàng nguyên chất, được nhiều quốc gia khác nhau đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19, như đồng tiền vàng 20USD Double Eagle của Hoà Kỳ nặng 33,4 gam vàng, tiền vàng Pesos của Mexico, hoặc đồng vàng Napoleon của Pháp… mà ngoài giá trị nguyên thủy của vàng, khi tính theo giá trị tiền cổ còn cao rất nhiều lần so giá trị vàng nội tại của nó). Số vàng này cộng sản vu cáo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chiếm dụng, chuyển ra ngoại quốc để làm của riêng suốt từ 1975 đến 2006, trong khi trên thực tế đã bị Hà Nội chuyển qua Lienxo, cùng với số vàng nữ trang, vàng lá các loại của tư nhân miền nam bị Hà Nội chiếm đoạt vào các đợt đánh tư sản, vàng nộp lệ phí cho cộng sản để được vượt biên bán chính thức theo "phương án 2" trong hai năm 1978 - 1979, tổng cộng lên tới 40 tấn, bị đúc lại từng thoi nặng 1kg theo tiêu chuẩn Nga, để bán ra trên thị trường vàng Âu châu và Lienxo trong giữa thập niên 80. 

Vàng của VNCH ký gởi tại ngân hàng Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih – Thụy Sĩ có 5,7 tấn, cũng bị Hà Nội tìm cách thu hồi thông qua cái gọi là chính phủ cách mạng lâm thời miền nam, sở hữu chủ kế thừa hợp pháp VNCH, để đem ra bán trên thị trường Tiệp Khắc vào cuối thập niên 80. 

Số ngoại tệ dự trữ của VNCH ký gởi tại các ngân hàng Hoa Kỳ và Thụy Sĩ có 252,2 triệu USD và số nội tệ trong toàn bộ các kho, quỹ của hệ thống ngân hàng VNCH có 150 tỷ VNĐ. 

Tính tới tháng 6/1974, tổng số tiền VNĐ do ngân hàng quốc gia Việt Nam phát hành là 313,5 tỷ đồng, đưa ra lưu hành trên thị trường tiền tệ 229,8 tỷ đồng và dự trữ 83,7 tỷ đồng. Qua tháng 5/1975 tổng số tiền VNĐ đã phát hành tăng lên 615 tỷ đồng và lưu hành trên thị trường khoảng 440 tỷ đồng. 

Trước số hiện kim VNCH lưu hành quá lớn, vẫn còn giá trị mạnh khi thanh toán, giao dịch trên thị trường tiền tệ miền nam và nhất là sau khi đã phân phối, chi xài hết số nội tệ tồn trữ của ngân hàng quốc gia VNCH, như chi cho quân đội miền bắc hơn 100 tỷ, chi mua lúa ở đồng bằng sông Cửu Long chở ra miền bắc 20 tỷ và chi cho quân khu 5, quân khu Trị - Thiên 15 tỷ, Hà Nội mới tiến hành đổi tiền lần thứ nhất trên toàn cỏi miền nam Việt Nam ngày 22/9/1975. 

Mục đích của việc đổi tiền là củng cố thế chính danh cho chính phủ cách mạng lâm thời – chế độ nào, đồng nội tệ đó – cho phù hợp với các thỏa thuận kế thừa vai trò hội viên của VNCH tại các định chế tài chánh quốc tế như ngân hàng thế giới (WB), quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) và nhất là để kiểm soát, tước đoạt số hiện kim của cải trong xã hội, bần cùng và cào bằng mức sở hữu tài chánh của tất cả mọi người dân miền nam xuống mức thấp nhất và ngang nhau, trong khi mức sở hữu tài chánh của dân miền bắc vẫn được giữ nguyên vị, thể hiện rõ bản chất một vụ cướp tiền của mọi công dân VNCH vừa kinh hoàng, vừa đại quy mô và bằng luật do đảng cộng sản và nhà nước cộng sản Việt Nam ban hành. 

Thời gian đổi tiền được quy định từ 11 giờ trưa đến 23 giờ tối ngày 22/9, tức chỉ có 12 giờ đồng hồ, cho 70.000 nhân viên vừa quân đội, công an, nhân viên ngân hàng và sinh viên học sinh làm nhiệm vụ thu và đổi tiền trên toàn miền nam Việt Nam, có liên quan sinh tử đến cuộc sống của hơn 21 triệu người dân. 

Đồng tiền VNCH thuộc loại tiền tệ có giá trị trao đổi trên thị trường tiền tệ quốc tế (conversibility currency), từ loại có trị giá từ 50 đồng trở lên đều bị cấm lưu hành, phải hủy bỏ, đổi qua đồng bạc cách mạng lâm thời, hay còn được gọi là "tiền giải phóng" gồm 8 trị giá từ 10 xu đến lớn nhất là 50 đồng và là loại không thể chuyển đổi trên thị trường tiền tệ thế giới (non transferable currency). 

Tỷ giá giao hoán ấn định giữa ba loại tiền đồng đang lưu hành trước ngày 22/9/1975, gồm tiền VNCH, tiền miền bắc và tiền cách mạng, chỉ là đơn thuần là một quyết định duy ý chí, không dựa vào bất cứ một tiêu chuẩn gì về tiền tệ, hay một nghiên cứu tài chánh nào khác và cũng bị thay đổi tùy theo vùng, miền địa lý. 

Theo đó, trên các tỉnh từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào, 500 đồng VNCH đổi bằng 1 đồng tiền mới. Mỗi gia đình, căn cứ theo tờ khai gia đình phải kê khai và giao nộp hết số hiện kim VNCH đang có và được phép đổi 100.000 đồng trong hạn định theo tỷ giá giao hoán, tức bằng 200 đồng tiền mới để sở hữu ngay. Phía bắc đèo Hải Vân, tức từ Thừa Thiên – Huế trở ra các tỉnh miền bắc, việc đổi tiền cũng theo trình tự như trên nhưng tỷ giá giao hoán thay đổi, cứ 1.000 đồng VNCH đổi được 3 đồng mới, do đó mỗi gia đình trong vùng sẽ được sở hữu ngay tối đa là 300 đồng tiền mới. 

Đối với các gia đình kinh doanh, sản xuất quy mô trung bình và lớn, được đổi thêm 100.000 đến 500.000 đồng tiền VNCH và phù hợp với tỷ giá giao hoán. 

Phần tiền VNCH kê khai còn lại sau khi đổi ngay lần đầu tiên, đối với từng gia đình được đổi thêm 100.000 đồng, đối với cơ sở sản xuất được đổi thêm một triệu, cũng quy ra tiền mới theo tỷ giá giao hoán, nhưng phải bỏ vào trương mục ngân hàng cho nhà nước quản lý (?). Các phần dư ra sau các hạn định này đều bị hủy bỏ. 

Tỷ giá giao hoán giữa đồng tiền miền bắc và đồng tiền mới của miền nam, quy định 1 đồng miền bắc bằng 0,66 đồng tiền mới, trong khi tỷ giá hối đoái cũng thay đổi, 1USD bằng 1,51 đồng tiền mới, hay bằng 2,90 đồng tiền miền bắc. 

Do đó sau đổi tiền, mỗi gia đình người dân miền nam Việt Nam chỉ còn cầm được trong tay 200 tới 300 đồng tiền mới, bằng 303 đến 454,5 đồng miền bắc và trên lý thuyết coi như cũng tương đương với 132,5 đến 198,5USD. Trên thực tế, vì đồng tiền mới là loại bất khả chuyển nhượng trên thị trường tiền tệ quốc tế, tỷ giá hối đoái cũng do Hà Nội tự áp đặt, nên quy đổi theo tỷ giá VNCH hiện hành thì người dân chỉ còn sở hữu tương đương khoảng gần bằng 100USD. 

Số tiền ký thác vào trương mục ngân hàng cũng bị đóng, tới đầu năm 1976 cộng sản Hà Nội mới để cho người dân miền nam rút nhỏ giọt 30 đồng mỗi tháng, nhưng chỉ đến cuối năm thì khóa luôn vĩnh viễn, coi như tài sản ký gởi của người dân hoàn toàn mất trắng. 

Hậu quả trước mắt là mọi đồng tiền làm ăn giành dụm, chắt chiu suốt cuộc đời người dân miền nam đều bị đảng cộng sản Việt Nam trắng trợn cướp bóc gần như sạch sẽ, tài sản bị đánh đồng hạng và ở dưới đáy so với cộng đồng dân chúng miền bắc. Rất nhiều người vì quá uất ức phải tìm đến phản ứng tiêu cực là tự vẫn, trong khi nhiều tay cán bộ cùng đinh cộng sản lại giàu lên bất ngờ, do nhận "đổi giúp" tiền, theo tỷ lệ ăn chia 6 – 4, thậm chí là 8 – 2, vẫn được người dân miền nam cay đắng chấp nhận, còn hơn là bị nhà nước cộng sản cướp. Rất nhiều dân nghèo miền nam, cảm tình viên cộng sản vở mộng, do không có tiền đổi thì cũng chẳng được đảng cấp khống cho 200 hay 300 đồng như mọi người có tiền để đổi và như đảng đã luôn phủ dụ trước đó sẽ san bằng giàu nghèo trong xã hội (?), trong khi các gia đình miền bắc có lợi thế vẫn giữ nguyên tích sản hiện kim, nên đã ồ ạt đổ xô vào miền nam mua lại mọi thứ tài sản, nhà cửa với giá rẻ như cho vì người dân VNCH đã bị bần cùng và không còn đường khác để lựa chọn. 

Tổng số tiền VNCH lưu hành trên thị trường bị Hà Nội thu gom trong cuộc đổi tiền lần thứ nhất, ngày 22/9/2975, là 486 tỷ đồng, trong đó 77% là cướp đoạt từ người dân miền nam. 

Cuộc đổi tiền lần thứ hai diễn ra ngày 3/5/1978 và có phạm vi trên toàn quốc, nhằm... Xóa bỏ tư sản mại bản, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư sản dân tộc, thí điểm xây dựng các hợp tác xã và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp cỡ nhỏ... (Nghị quyết hội nghị 24 trung ương đảng, khóa III, 09/1975) và đổi tiền là một vũ khí quan trọng của mọi nhà nước cộng sản trong tiến trình đó. Hà Nội cho đổi tiền để vừa chỉ còn lưu hành một đồng tiền chung, vừa để ngăn cản khả năng yểm trợ vật chất cần thiết cho mọi ý thức kháng cự, vô hiệu hóa cơ hội tự phát nẩy sinh ra các hoạt động kinh doanh, sản xuất, các thị trường kinh tế ngầm ngoài tầm kiểm soát và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho chủ trương tiếp tục tịch thu tài sản, của cải trong dân, đẩy mạnh cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại miền nam, tức đẩy nhanh hơn tốc độ bần cùng, vô sản hóa miền nam. 

Ngày 1/4/1978, ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam thông qua nghị quyết số 08/NQ/TW cho nhà nước CHXHCNVN cụ thể hóa ra hai sắc lệnh số 87-CP và 88-CP do Phạm Hùng ký ban hành ngày 25/4/1978, quyết định về việc thống nhất tiền tệ trên cả nước và hạn định tiền mặt được quy đổi, nhưng giữ kín đến ngày 3/5/1978 mới công bố và chính thức áp dụng. Theo đó, hai loại tiền tệ đang lưu hành song hành tại Việt Nam, đều bị cấm xử dụng, những ai sở hữu tiền cũ thì phải đem đổi lấy tiền mới. 

Tỷ giá giao hoán giữa hai loại tiền cũ với đồng tiền mới cũng thay đổi theo miền địa lý. Từ bắc vỹ tuyến 17 trở ra, 1 đồng tiền mới bằng 1 đồng tiền cũ. Từ nam vỹ tuyến 17 trở vào, 1 đồng tiền mới bằng 0,8 đồng tiền cũ. 

Hạn ngạch được phép đổi tiền cũ lấy tiền mới, cũng quy định thay đổi theo vùng cư trú. 

Dân thành thị mỗi người được đổi tối đa 100 đồng tiền mới, một gia đình hai người đổi tối đa 200 và từ người thứ ba trở đi được đổi thêm 50 mỗi người, nhưng tổng số đổi không vượt quá 500 đồng tiền mới cho một gia đình. 

Dân vùng nông thôn mỗi người được đổi tối đa 50 đồng tiền mới, một gia đình hai người được đổi tối đa 100, từ người thứ ba trở đi được đổi thêm 30 mỗi người, nhưng tổng số quy đổi tối đa không được vượt hơn 300 đồng tiền mới cho một gia đình. 

Số tiền cũ còn lại phải khai báo, quy đổi theo tỷ giá mới và giao nộp vào ngân hàng. Khi cần thì người dân chủ sở hữu có thể xin rút ra, nếu… có lý do chính đáng (?) và chứng minh được nguồn gốc số tiền là do bản thân "lao động chân chính" không phải do "bóc lột qua sức lao động của người khác"(?). 

Cũng như lần đổi tiền đầu tiên, mọi hậu quả trong đợt đổi tiền lần thứ hai chỉ duy nhất giáng xuống đầu mọi gia đình dân chúng tại miền nam lãnh đủ. Đồng tiền mới đổi năm 1975 bị phá giá trong khi đồng tiền miền bắc vẫn giữ nguyên giá trị cũ và tuy theo quan điểm lý thuyết của chế độ, mục tiêu của cuộc đổi tiền lần này là nhằm đến việc tiêu diệt giới tư sản miền nam, nhưng trên thực tế mọi tầng lớp trong xã hội miền nam đều phải gánh chịu chung những ảnh hưởng rất tai hại và nặng nề. 

Đối với giới tư sản và các thành phần trung lưu trong xã hội miền nam, sau nhiều đợt chính quyền cộng sản tước đoạt, tịch thu, trưng thu, trưng mua tượng trưng, hay cưỡng bách... phải tự nguyện hiến tặng cho nhà nước nhà cửa, mọi tài sản, tích sản đã và đang đầu tư, tích lũy trong hệ thống công, thương nghiệp tư doanh hiện hành diễn ra trong suốt hai năm 1976 - 1977, nay lại tiếp tục bị chiếm đoạt đồng tiền một cách trắng trợn và bất nhân, thông qua chủ trương bắt buộc phải ký thác ngân hàng số tiền vượt hạn ngạch quy đổi cho mỗi gia đình, cho nhà nước quản lý (?), mà sau đó hầu như đều không thể lấy lại vì có quá nhiều đòi hỏi ràng buộc, ngăn cản, phi lý đến ngang ngược của kẻ cướp. 

Thời điểm đổi tiền cũng xảy ra vào lúc Hà Nội mới thiết lập sự quản lý hành chánh xã hội ở miền nam bằng biện pháp hộ khẩu. Hộ khẩu quyết định tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống của người dân, tất nhiên sẽ là công cụ chứng minh quan trọng nhất khi đổi tiền, nhưng đây cũng là lúc cộng sản đang tích cực lùa người dân miền nam Việt Nam vào những vùng kinh tế mới - kiểu đem con bỏ chợ, sống không nổi, họ phải trôi giạt về lại chốn cũ, thì nhà cửa không còn, hộ khẩu không có nên cũng không thể đổi được số tiền ít ỏi rơi rớt sót lại, nên cuộc sống đã cùng cực, lại càng thêm thê thảm. 

Trong khi đó, trên bình diện toàn xã hội, ảnh hưởng bởi tư tưởng tự mãn, tự kiêu, cho đảng cộng sản Việt Nam quang vinh vô địch, bách chiến bách thắng, là đỉnh cao trí tuệ loài người và là lương tâm thời đại, Hà Nội ngã hẳn về phía Lienxo, chấp nhận đóng vai trò đạo quân tiền phong, trong mũi xung kích bành trướng ý thức hệ cộng sản ra khắp Đông nam Á của đệ tam quốc tế. 

Dù đang trong hoàn cảnh bị Hoa Kỳ cấm vận, các quốc gia Âu châu, Nhật Bản đã ngừng những chương trình viện trợ, Hà Nội vẫn giáo điều, chìm đắm trong các nhận định ấu trĩ cộng sản, tả khuynh, tiếp tục lòe bịp người dân, khỏa lấp khó khăn hiện tại và nhắm tới một tương lai huy hoàng trên giấy. Từ dự tính mỗi đầu người sẽ có được hai quả trứng một năm và bảo đảm sẽ có đủ nước chấm (?) cho tất cả mọi gia đình trên toàn quốc như kế hoạch năm năm 1976 - 1980 đề ra, đến vẽ vời ảo tưởng nhảy vọt, chỉ cần hai kế hoạch năm năm là đủ đưa Việt Nam vào hàng các quốc gia trung bình tiên tiến của thế giới (tức đã phát triển tương đối văn minh, giàu có). 

Không khác gì thói ba hoa, lừa bịp của đảng cộng sản Lienxo khi mới cướp được chính quyền Nga Sa hoàng, luôn giương cao khẩu hiệu hòa bình, ruộng đất, bánh mì và câu nói khoác lác, mị dân… Rồi sẽ có bánh mì và có tất cả... đã đi vào lịch sử của V. I Lénin, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong thư chúc tết năm 1976, cũng đã tỏ ra không hề kém cạnh khi... mơ giữa ban ngày và tuyên bố chỉ trong vòng mười năm tới, mỗi gia đình Việt Nam sẽ có đủ một radio, một tivi và một tủ lạnh. 

Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định chỉ trong hai mươi năm nữa, Việt Nam sẽ bắt kịp và rồi vượt qua Nhật Bản để trở nên một quốc gia tiên tiến?! từ đó đẩy mạnh chủ trương, hoạch định và thực hiện liên tiếp các chương trình, kế hoạch kinh tế "đi tắt, đón đầu" đầy thiển cận, chủ quan, giáo điều, đồng thời tích cực bắt lính trên toàn miền nam Việt Nam, để vừa có thể tiêu diệt bớt thành phần con dân Ngụy một cách hợp lý, vừa có nhân lực đáp ứng cho nhu cầu trước mắt của đệ tam quốc tế cộng sản là tiếp tục tiến chiếm Cambodia, tạo ra thế uy hiếp cạnh sườn Thailand và công khai chống lại đàn anh Trung cộng. 

Do vậy chỉ trong vòng 10 năm ngắn ngủi... Việt Nam đã hầu như hoàn toàn bị cô lập. Các nước cùng khu vực lo lắng sau khi chiếm Cambodia thì Việt Nam sẽ đưa sức mạnh quân sự ra toàn vùng Đông Nam Á. Trung cộng thì ra sức đặt vấn đề Việt Nam xâm lược Cambodia và có mưu đồ lập lại liên bang Đông Dương hầu làm chủ vương quốc Lào và luôn Cambodia... (Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao CHXHCNVN, Hồi ức và suy nghĩ, 2005). Trong nước cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội cũng đã lên tới cao điểm, ảnh hưởng đến toàn bộ các mặt hoạt động của nền kinh tế quốc dân, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều giảm đến mức thấp nhất, khiến... Cả nước trải qua những cơn đói xanh mặt (...). Người người nhìn nhau ngờ vực. Nhà nhà soi mói vào bếp của nhau. Ngay cả những người đã từng một thời hân hoan, vui mừng trước chiến thắng và thống nhất đất nước, nay cũng phải bừng tỉnh, vì cái giá phải trả quá lớn... (Trần Khải, 30/4 và thuyền nhân, 2002). Mọi mặt sinh hoạt của toàn xã hội đều suy đồi nghiêm trọng đến mức gần như phá sản vào năm 1985. 

Để chống đỡ và hy vọng cứu vãn được tình hình, hội nghị trung ương lần thứ 8 trong tháng 6/1985 của đảng cộng sản Việt Nam, thông qua quyết nghị thực hiện một cuộc cải cách lớn về giá, lương, tiền, còn gọi là cuộc tổng điều chỉnh giá lương tiền và tiến hành cuộc đổi tiền, cướp tiền lần thứ ba. 

Đại kế hoạch được xướng xuất và chỉ đạo bởi ba giáo sư kinh tế xã hội chủ nghĩa, gồm Đoàn Trọng Truyền, chủ nhiệm ủy ban vật giá nhà nước, bộ trưởng phủ thủ tướng, Trần Phương (Vũ Văn Dung) phó chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Trần Quỳnh, chủ nhiệm ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Tất cả đều đặt dưới quyền của Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành), đệ nhất phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng chính phủ CHXHCNVN, thay mặt bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam trực tiếp chỉ huy và điều động. 

Dù Hà Nội cố sức giấu diếm, che đậy, nhưng tin đồn đổi tiền cứ loan truyền âm ỹ trong dân chúng, do tình hình kinh tế ngày càng thêm kiệt quệ không còn có thể "lấy thúng úp voi" được, nên để đánh úp dân, đảng cộng sản thông qua các hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát, cực lực bác bỏ mọi tin tức liên quan đến kế hoạch đổi tiền, vu khống và chụp mũ đó chỉ là âm mưu đánh phá của các thế lực thù địch, phản động. Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 12/9/1985 trong bài viết "Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương" đã đe dọa "với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản, mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để ". Sáng 14/9 cũng chính các hệ thống tuyên truyền này – thô bỉ chẳng khác gì các hạng mặt chai, mày đá – lật lọng loan báo giới nghiêm, công bố quyết định của Phạm văn Đồng, thủ tướng nhà nước CHXHCNVN về việc phát hành tiền mới và thu hồi tiền cũ. 

Cũng theo luận điệu ngụy biện cho hành vi ăn cướp, Hà Nội khẳng định đổi tiền là hoạt động tiến hành cải cách kinh tế, để đưa nền kinh tế tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững lên chủ nghĩa xã hội, cụ thể là phát động một cuộc cách mạng về giá, lương, tiền trong cả nước và đổi tiền là để bảo đảm cho giá trị của đồng tiền, giữ vững giá trị đồng lương và ổn định giá cả sinh hoạt (?). Chủ tịch ủy ban thành phố Sài Gòn là Phan Văn Khải cũng trơ tráo lên báo lươn lẹo ngụy biện "nhà nước đổi tiền là vì lợi ích của nhân dân lao động"(?). 

Quyết định 01/HĐBT/TĐ do Phạm Văn Đồng ký ngày 13/9, quy định tỷ giá đồng tiền mới bằng 10 lần đồng tiền cũ, áp dụng trong việc thu, đổi tiền đang lưu hành, chuyển đổi tiền của tài khoản ngân hàng, trên sổ sách chi thu và trong tính toán giá trị tất cả các tài sản, vật tư, hàng hóa, cùng mọi khoản chi trả khác. 

Quyết định số 02/HĐBT/TĐ cũng do Phạm Văn Đồng ký cùng ngày, quy định thu đổi ngay 4 loại tiền lớn 100, 50, 30, 20 đồng, các loại tiền từ 10 đồng trở xuống vẫn lưu hành, nhưng tất cả đều quy đổi theo tỷ giá giao hoán 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới. Mức tiền đổi ngay quy định theo đơn vị gia đình. Hộ gia đình độc thân, hay mỗi người trong hộ tập thể được đổi tối đa 15.000 tiền cũ quy ra 1.500 tiền mới. Mỗi hộ gia đình từ hai người trở lên, được đổi tối đa 20.000 cũ bằng 2.000 tiền mới. Các hộ kinh doanh công thương nghiệp có môn bài bậc cao, loại 1 và 2 được đổi 50.000 tiền cũ, quy ra 5.000 tiền mới. Các số tiền vượt mức quy đổi ngay, phải nộp lại và có hai cách giải quyết sau, đối với thành phần cán bộ viên chức nhà nước, công an, lực lượng võ trang và nhân dân lao động, nhà nước khuyến khích gởi vào các quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, riêng đối với số tiền thu nhập bất chính do đầu cơ, buôn lậu, bóc lột người khác đều phải tịch thu, nhập vào tài khoản ngân sách của tỉnh, thành phố và đặc khu. 

Với quy định người dân phải giao nộp hết số tiền sở hữu trong vòng 3 – 5 ngày và chỉ được nhận lại một mức hạn định khắt khe, thì rõ ràng đây chỉ là một hành vi nhà nước ăn cướp tiền của dân bằng luật. Chưa hết, đổi tiền rồi cộng sản bắt đầu cho in tiền vô tội vạ, gọi là để phục vụ cho nhu cầu cải cách lương và giá. Mới hơn ba tháng sau ngày đổi tiền, ngân hàng nhà nước cộng sản đã tung ra lưu hành một số tiền cao gấp 1,4 lần so với trước, khiến lạm phát phi mã bùng nổ tạo ra đỉnh cao trong nghệ thuật nhà nước tước đoạt tiền và bần cùng hóa nhân dân. 

... Chỉ trong vòng bốn tuần lễ sau khi đổi tiền, giá cả của hầu hết các loại nhu yếu phẩm đã đồng loạt tăng lên gấp mười lần, lại kéo giá đồng tiền mới xuống bằng giá trị đồng tiền cũ. Trong khi đó, tình trạng thiếu thốn gia tăng nhanh đến mức nạn đói đã trở thành một nguy cơ thực sự tại các tỉnh miền bắc và miền trung, nhất là ở những vùng đang gặp thêm thiên tai bão lụt (Lê Mạnh Hùng, Việt Nam sau 1975: Đổi mới và sự sụp đổ của ý thức hệ cộng sản, 2009). 

Mới đổi tiền, giá 1kg gạo bao cấp là 0,04 đồng, trên thị trường chợ đen là 0,12 đồng, đến đầu 1988 đã tăng lên 2.500 đồng một kg, mức độ lạm phát hơn 20.000 lần, nhanh chóng dìm cuộc sống người dân xuống mức thê thảm đến tận cùng. Đổi tiền người dân có 10 đồng, bị nhà nước cướp 9 đồng, chỉ còn 1 đồng, sau đổi tiền tới lượt lạm phát như con nước lũ cuốn trôi mất hết những gì gọi là của cải, tài sản và làm hàng triệu người lâm vào cảnh tán gia bại sản. Hàng ngàn, hàng vạn chuyện đau khổ liên quan tới đồng tiền sau cuộc đổi tiền như bán con bò, nhận lại con gà, hay tiền mua một căn nhà bị ép gởi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa đến khi kết toán chỉ còn đủ để gặm vài khúc bánh mì… trở thành câu chuyện thời đại cộng sản, mà các thống đốc ngân hàng "tài ba, bản lãnh của chế độ trong suốt thời kỳ đó đến gần đây, như Nguyễn Duy Gia, Lữ Minh Châu, Cao sĩ Kiêm, Đỗ Quế Lượng… đều chứng tỏ có đủ phẩm chất máu lạnh cộng sản khuyên người dân hãy coi đó là rủi ro của thời cuộc, cũng như "nhân nghĩa bà Tú Đễ" cho rằng nhà nước cũng rất muốn bù đắp thiệt thòi cho người dân, nhưng không thể, nên chúng ta (?) đành phải chấp nhận và coi đó là một giai đoạn lịch sử mà chúng ta (?) đã phải trải qua. 

03/2018. 


________________________________________

Tham khảo:

USAID (United States Agency for International Development), Việt Nam Economic Data, 4 – 6/1974. 
Huy Đức – Trương Huy San, Bên thắng cuộc, 2013. 
Hà Minh Thảo, Ba lần đổi tiền, 04/2015. 
Nguyễn Ngọc Chính, Hồi ức một đời người, 2016. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo