CTV Danlambao - Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley tuyên bố Hoa Kỳ đã rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ vì đó là một cơ chế đầy tính đạo đức giả, chia rẽ, thiên vị và chỉ biết phục vụ cho tổ chức này.
Thành lập vào năm 2006 HĐNQ đã bị chỉ trích là cho phép nhiều quốc gia vi phạm nhân quyền trở thành thành viên và theo bà Haley - đó là một sự nhạo báng đối với nhân quyền. Với sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bà Nikki Haley đã lên án hội đồng là "tổ chức bảo vệ những kẻ đàn áp nhân quyền".
Đặc phái viên Nikki Haley và Bộ trưởng Mike Pompeo |
Việc rút khỏi HĐNQ ngay lập tức đã tạo ra nhiều phản ứng.
Người đứng đầu của của Liên Hiệp Quốc đặc trách về Nhân Quyền, ông Zeid Ra'ad al-Hussein cho rằng đây là một điều đáng thất vọng nhưng không ngạc nhiên.
Tổng thư ký LHQ António Guterres thì mong rằng Hoa Kỳ vẫn là một thành viên.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng đây là một quyết định "đáng tiếc" vì mặc dù cần cải cách nhưng HĐNQ là tổ chức rất quan trọng để đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm về nhân quyền".
Nga đã nhanh chóng nộp đơn tái ứng cử thành viên của hội đồng cho nhiệm kỳ 2021-2023 để "tiếp tục hoạt động hiệu quả của mình tại Hội đồng nhân quyền nhằm duy trì đối thoại bình đẳng và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền".
Một số các tổ chức nhân quyền quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại rằng hành động của Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực giám sát và giải quyết các trường hợp lạm dụng nhân quyền trên khắp thế giới.
Đây không phải là mâu thuẫn đầu tiên giữa Hoa Kỳ và HĐNQ. Chính quyền Bush đã quyết định tẩy chay hội đồng khi nó được thành lập vào năm 2006 với nhiều lý do tương tự. Đại sứ của Liên Hiệp Quốc vào những năm sau đó là ông John Bolton, hiện cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Trump, là người phê bình UNHRC mạnh mẽ nhất. Hoa Kỳ chỉ chính thức gia nhập HĐNQ vào năm 2009 khi Obama đắc cử tổng thống.
Một số nhà hoạt động cũng đồng ý với những lý do chỉ trích của chính phủ Hoa Kỳ đối với HĐNQ, nhưng không đồng ý với hành động rút khỏi hội đồng này. Họ tin rằng Hoa Kỳ cần tiếp tục là thành viên để chủ động cải cách hội đồng từ bên trong.
Vào năm 2013, Việt Nam - với hồ sơ vi phạm nhân quyền dày đặc bởi nhà cầm quyền CSVN - đã được bầu làm thành viên của HĐNQ. Bất chấp sự phản đối rộng rãi của người Việt Nam lẫn rất nhiều tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế, bất chấp những bằng chứng vi phạm nhân quyền trầm trọng xảy ra liên tục tại Việt Nam, Hội đồng Nhân Quyền LHQ đã chấp thuận nước CHXHCN Việt Nam trở thành quốc gia thành viên với 184 phiếu thuận trong tổng số 192 phiếu bầu.
Cũng vào năm 2013, bên cạnh CHXHCNVN thì Tàu cộng, Nga, Saudia Arabia, Algeria trở thành quốc gia thành viên của HĐNQ.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 2006 để thay thế Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này gồm có 47 thành viên quốc gia với nhiệm kỳ ba năm. Mỗi năm hội đồng nhóm họp 3 lần để duyệt xét hồ sơ vi phạm nhân quyền, ghi nhận, khuyến cáo những vi phạm và tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên trình bày về những thành quả cải thiện nhân quyền.
20.06.2018