Nhiệt thành ủng hộ và cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump! - Dân Làm Báo

Nhiệt thành ủng hộ và cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump!

Phạm Văn (Danlambao) - Hôm thứ Ba, ngày 25 tháng 9 trong phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trum đã công khai nói thẳng và tỏ rõ ý chí chiến đấu đến cùng để xóa bỏ các chế độ độc tài, nhất là chủ nghĩa xã hội và chế độ độc tài-toàn trị cộng sản khi có mặt cả những người đại diện cho các thể chế xã hội này. Tôi đã nghe trọn bài phát biểu của ông trên một livestream có phần dịch sang tiếng Việt Nam. Là một người dân của dân tộc, nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, mang trong mình tinh thần yêu nước mới với nội dung cơ bản là hướng đến xây dựng một chế độ Tự do-Dân chủ ở Việt Nam, tôi rất xúc động và khâm phục ông. Tôi nhiệt thành ủng hộ và cảm ơn tư tưởng và ý chí của ông! 

Nhưng ở đây tôi sẽ không thể hiện sự ủng hộ và cảm ơn Tổng thống D. Trump bằng cách khẳng định và ca ngợi ông với việc ông đã chỉ ra rất đúng, rất rõ những hậu quả hết sức nặng nề, tai hại đã và sẽ còn tiếp tục có thể xảy ra bởi các chế độ độc tài, bởi chủ nghĩa xã hội với thể chế độc tài-toàn trị của nó đối với nhân loại, trực tiếp là đối với các dân tộc, nhân dân sống trong sự giam hãm, tù đầy của các chế độ này, dù rằng những gì ông nói rất đáng để có những lợi ngợi ca tốt đẹp nhất, hay nhất. Hơn thế, từ góc độ nghiên cứu chuyên môn của mình tôi muốn ủng hộ, cảm ơn ông bằng cách chỉ ra rõ ràng hơn cái nguyên nhân nhận thức, tư tưởng cơ bản đã đưa đến những hậu quả ghê gớm của chủ nghĩa xã hội, của chế độ độc tài-toàn trị cộng sản. 

Truyền thống tư tưởng triết học nổi bật ở phương Tây-châu Âu về con người là thấy ra, thừa nhận và đề cao con người cá nhân và điều này được xem là cơ sở cho mọi quan niệm, tư tưởng về xã hội, lịch sử. Nhưng triết học của K. Marx về con người, lịch sử lại khác. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra cái khiếm khuyết, sai lầm căn bản trong triết học của K. Marx là ở chỗ nói chung phủ nhận con người cá nhân, thay vào đó đề cao con người xã hội và đó được xem là nguyên nhân nhận thức, tư tưởng cơ bản dẫn đến các khiếm khuyết, sai lầm cũng rất căn bản trong các học thuyết kinh tế, nhất là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Tuy vậy, việc các nhà nghiên cứu nói về khiếm khuyết, sai lầm căn bản trong triết học của chủ nghĩa Marx theo tôi, không hẳn đã thật sáng tỏ hoặc theo những cách hiểu khác nhau, với những góc nhìn khác nhau. 

Điều khác biệt, cũng có thể xem là mới mà tôi thực hiện trong bài viết này là chỉ ra rõ ràng, cụ thể hơn cái khiếm khuyết, sai lầm ấy theo hiểu biết, lập luận của riêng mình. Theo tôi, khiếm khuyết, sai lầm căn bản trong quan niệm, tư tưởng của K. Marx về con người khi ông phủ nhận gần như hoàn toàn con người cá nhân, là ở chỗ ông hiểu rất khiếm khuyết, sai lầm, thậm chí rất lệch lạc về bản chất con người. 

Công bằng mà nói, trong thời trẻ (khoảng từ 1839 đến 1846) K. Marx có những luận điểm, tư tưởng triết học tiến bộ, tích cực về con người không chỉ đúng mà còn ở mức độ nào đó có sự phát triển hơn so với truyền thống tư tưởng phương Tây-châu Âu. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã có những ý kiến như thế. Có thể thấy rõ điều này trước hết được thể hiện toàn diện trong tác phẩm nổi tiếng của K. Marx là Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844. Ở đây K. Marx đã thể hiện tư tưởng đặc sắc của mình về con người với tư cách tồn tại con người. Theo ông cần phải hiểu con người là toàn bộ thế giới con người, là xã hội, là nhà nước, chứ không phải chỉ là cái thực thể là thân xác với tư tưởng, ý thức của nó. Ông thấy tồn tại con người một mặt là quá trình đối tượng (khách thể) hóa chủ thể, tức là quá trình những sức mạnh thể lực, tinh thần con người dưới dạng tiềm năng, từ cơ thể sống của nó đi vào thế giới sản phẩm, mặt khác là quá trình chủ thể hóa đối tượng (khách thể), tức là quá trình con người hưởng dụng những sản phẩm hoạt động của mình và nhờ đó không ngừng làm giàu thêm những năng lực thể chất và tinh thần của nó. Quá trình trên được hiểu trước hết trong lao động sản xuất của con người, công nhân. 

Đặc biệt, K. Marx nhận thấy rằng chính trong quá trình sản xuất bản chất của con người, của tồn tại con người không những được hình thành, xác lập, mà còn đồng thời được thể hiện ra. Ông hiểu bản chất ấy là cái tính người của con người và cái tính người ấy là cái xã hội, tính xã hội và nó được biểu hiện một cách cụ thể là hiểu biết, trí tuệ, ý thức, tinh thần nói chung, tính chủ thể, tự do, sức mạnh, khả năng lao động, sáng tạo, khả năng âm nhạc, thế giới cảm xúc, tình yêu thương giữa con người và con người, đặc biệt tình đồng loại có tính toàn nhân loại v.v... Ông cho rằng hoạt động lao động của con người với sự liên kết, tập hợp của đông đảo các cá nhân thành xã hội đã tạo nên tính chất, bản chất ấy của nó. Cho nên, con người sẽ không thể là con người theo đúng nghĩa, nếu như nó không sống, hoạt động thành xã hội, trong xã hội, nếu như nó không mang bản tính, bản chất xã hội. Thí dụ rất rõ chứng minh cho điều này là việc đứa trẻ được sinh ra với cơ thể con người của nó, nhưng nếu không được sống trong môi trường xã hội thì nó không thể trở thành con người thực sự. 

Căn cứ vào tư tưởng về bản chất con người ấy, khi xem xét tình trạng “tha hóa” của con người, của lao động trong chế độ tư bản chủ nghĩa đương thời, K. Marx cho rằng ở đây con người đã thủ tiêu, bị thủ tiêu tính người của nó, rằng con người đã đánh mất bản tính xã hội của mình. Ông nhận thấy hậu quả nặng nề nhất của tình trạng con người, lao động bị tha hóa là sự đối lập một mất một còn giữa tư bản, người sở hữu, có tài sản, sự giàu có và công nhân bị nghèo đói, bần cùng hóa, khốn khổ, ngu đần. Điều đó có nghĩa là sự liên kết giữa con người với nhau thành cộng đồng, xã hội, cái vốn làm cho con người đã trở thành con người “xưa kia”, giờ đây đã bị phá vỡ và trở thành cái chống lại bản thân con người, làm cho con người trở thành thù địch, chống lại nhau. 

Một cách cụ thể hơn nữa, K. Marx cho rằng những khả năng, sức mạnh của con người, tức là bản tính xã hội của nó được tạo nên bởi đời sống có tính xã hội của nó đã hoàn toàn bị tước mất ở người lao động và trở thành những cái chỉ thuộc nhà tư bản. Từ đó ông đặt cho mình nhiệm vụ là tìm ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng này và con đường đúng đắn nhất để có thể khắc phục nó, nhằm khôi phục và phát triển hơn bản tính xã hội của con người. Truy nguyên “đến cùng” tình trạng ấy, K. Marx đã “tìm ra” nguyên nhân cơ bản là sự tồn tại của chế độ tư hữu tư bản trước hết về tư liệu sản xuất. Từ đó, mệnh lệnh-hồi kèn xung trận cho giai cấp cần lao, rồi các dân tộc bị áp bức đã cất lên vang dội, “đánh thức” hàng triệu triệu con tim đau khổ “thức dậy” lao vào cuộc chiến “xóa bỏ chế độ tư hữu-thiết lập chế độ công hữu”!. Toàn bộ lý thuyết xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa đã được suy diễn ra chủ yếu từ cái mệnh đề này. Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sai lầm cả về lý thuyết và thực tiễn. Chúng không chỉ sụp đổ tan tành mà còn để lại những hậu quả, di chứng năng nề, khủng khiếp cho con người, loài người. Vậy, cần phải nhìn thấu nguyên nhân sai lầm của chúng trước hết ở nhận thức triết học về con người, nhất là về bản chất con người của nó. 

Mặc dù phải thừa nhận rằng tư tưởng của K. Marx cho rằng bản chất con người là tính người, tính xã hội, là bản chất xã hội của nó được nêu ra trong thời đại của ông là sâu sắc, nhưng thực ra nó rất khiếm khuyết, sai lầm và lệch lạc. Điều này trước hết nằm ở quan điểm hay nguyên tắc xuất phát của ông. K. Marx cho rằng “đời sống xã hội về thực chất là có tính thực tiễn” và ông hiểu thực tiễn ấy trước hết và căn bản là hoạt động lao động của đông đảo quần chúng lao động trực tiếp, cụ thể là của người công nhân-vô sản trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bằng cái nhìn chia xã hội thành hai mặt đối lập tuyệt đối và cụ thể hơn bằng quan điểm tuyệt đối hóa quan hệ giai cấp ấy, hầu như ông phủ nhận hoạt động lao động quản lý-gián tiếp hết sức cần thiết và quan trọng của nhà tư bản đương thời. Với quan điểm xuất phát ấy K. Marx đã từ bỏ-đoạn tuyệt với truyền thống tư tưởng triết học vĩ đại của mình về con người cá nhân. 

Cho nên, sai lầm thứ nhất mang tính tổng quát của học thuyết triết học K. Marx về con người đương nhiên là phủ nhận con người với tư cách cá nhân con người. Bởi vì, người tư sản, nhà tư bản chính là hiện thân sinh động nhất, sâu sắc, toàn diện và rõ ràng nhất của con người cá nhân trong thời đại của họ. Cho nên, nghiên cứu chính nhà tư bản, thực tế tồn tại của họ để thấy ra và khẳng định sự tồn tại con người cá nhân, ý nghĩa lớn lao không thể phủ nhận được của nó đối với tiến bộ lịch sử, đã trở thành viên đá thử đối với hành trình lý luận, tư tưởng của K. Marx và ông đã không thể vượt qua thử thách ấy. 

Sai lầm thứ hai và cả khiếm khuyết của K. Marx cũng từ quan điểm xuất phát và từ sai lầm nói trên là khi coi đời sống xã hội về thực chất là hoạt động của đông đảo những người lao động trực tiếp, tất nhiên K. Marx đã hiểu bản tính xã hội của con người một cách rất khuyết thiếu khi xem bản chất ấy, những đặc trưng người của con người chỉ được hình thành, xác lập chủ yếu trong hoạt động lao động có tính xã hội của đông đảo quần chúng, cụ thể là của người công nhân. Như thế, phải chăng những gì đặc trưng cho con người như tính chủ thể, tự do, trí tuệ v.v., mà K. Marx “cảm thấy” chúng tồn tại ở nhà tư bản, nhưng chỉ có thể hình thành trong một nền sản xuất thiếu sự chỉ huy tối cao của chính nhà tư bản, thiếu đi toàn bộ những hoạt động, quan hệ xã hội nhiều mặt khác? 

Sai lầm thứ ba và cả sự khiếm khuyết, thậm chí là lệch lạc của K. Marx là hệ quả của tất cả những điều trên là ở chỗ về thực chất ông đã tách rời bản chất con người ra khỏi con người cá nhân, biến nó thành những gì trừu tượng, trôi nổi, vô định. Cho nên, luận điểm triết học được xem là rất nổi tiếng của ông “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” trở nên trừu tượng, mơ hồ, khi người ta không biết “sự tổng hòa” này được thực hiện ở đâu, diễn ra như thế nào. Vì thế, tất cả những bàn luận rất hay về con người, tồn tại con người, những thuộc tính, đặc trưng, bản tính của nó, đặc biệt như tính chủ thể, tự do, kể cả tình đồng loại, hầu như bị đặt ở ngoài con người cá nhân hoặc có tính ngẫu nhiên, tự phát. Từ K. Marx, những người theo ông sau này càng mơ hồ khi không biết đặt những thuộc tính, cái bản tính con người vào đâu, cho nên hầu như họ suy tư, ý thức bằng những cái đầu “người cộng sản” “tiêu biểu” cho xã hội, cái chung, nhưng thực ra là trừu tượng, vay mượn. Vì không có tính chủ thể cho nên họ không có ý thức về trách nhiệm, càng không có năng lực chịu trách nhiệm và đó là thảm họa cho con người, xã hội. 

Nhưng toàn bộ thực tế lịch sử đã chứng minh rằng sự hình thành con người cá nhân gắn với sự hình thành sở hữu tư nhân, nhất là chế độ sở hữu tư nhân là một bước tiến quan trọng có ý nghĩa lịch sử lớn lao trong việc khẳng định bản tính xã hội của con người. Trong thời đại Khai sáng vĩ đại ở châu Âu người ta định nghĩa “con người là cá nhân độc lập được ban tặng một trí tuệ riêng” (Theo Những vấn đề triết học văn hóa, bản tiếng Nga 1984), có nghĩa rằng tồn tại của con người thực chất là sự tồn tại của cá nhân họ và những đặc trưng của nó là tính chủ thể, tự do và đặc biệt là trí tuệ. Như thế cũng có nghĩa là tất cả những gì được xem là đặc trưng cho tính xã hội hay tính người của con người như tự do, tính chủ thể (độc lập), trí tuệ, lương tâm, trách nhiệm, tình cảm v.v., chỉ có thể tồn tại trước hết ở những con người cụ thể, những con người cá nhân, những kẻ tư hữu, chứ không tồn tại ở cái con người xã hội chung chung, trừu tượng. Với những con người cá nhân ấy, đặc biệt trong xã hội công nghiệp tư bản chủ nghĩa, xã hội-cộng đồng không còn là sự cộng gồm của những cá thể đơn lẻ, trơ trụi, được liên kết bằng những sợi dây, áp lực bên ngoài như tín ngưỡng, tôn giáo, được xem như “những củ khoai tây trong một cái bao tải”. Trái lại, nó hiện ra là sự liên kết, ràng buộc bên trong chặt chẽ giữa những cá nhân độc lập không chỉ trong sản xuất kinh tế, mà còn đặc biệt bởi hệ thống pháp luật gắn với sự hình thành bộ máy nhà nước có khả năng cai quản xã hội trên phạm vi quốc gia. Không thể nghi ngờ được sự thật hiển nhiên là chính những con người cá nhân ấy đã dẫn dắt toàn bộ xã hội loài người tiến lên trên những bậc thang văn minh ngày càng cao hơn cho đến nay. 

Cần nói thêm là thực ra, trong nghiên cứu của mình K. Marx cũng đã từng có những ý kiến, nhận xét về con người cá nhân rất sâu sắc, tinh tế. Ông thấy “cá nhân là thực thể xã hội” (Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844), thấy sức mạnh, tính chủ thể của nó là ở khả năng làm chủ những sức mạnh tự nhiên, xã hội và bản thân, đặc biệt ông nêu một luận điểm quan trọng, sâu sắc: “Hậu quả tất yếu là: lịch sử xã hội của con người bao giờ cũng chỉ là lịch sử phát triển cá nhân của họ”, “những quan hệ vật chất là cơ sở của mọi quan hệ của họ” và chúng “chỉ là những hình thức cần thiết để thực hiện hoạt động vật chất và hoạt động cá nhân của họ” (Bức thư K. Marx gửi P.V. Annencop ngày 28 tháng Chạp năm 1846). Nhưng tiếc thay, những ý kiến, nhận xét này cùng với nhiều luận điểm khác trong nhiều tác phẩm của ông đã chỉ xuất hiện như những ngẫu nhiên, không tất yếu, tản mạn, không có hệ thống và hoàn toàn nhường chỗ cho tư tưởng về con người xã hội, nhất là về quần chúng lao động trực tiếp, cụ thể là về người công nhân-vô sản. 

Bởi thế, ở K. Marx tư tưởng về con người cá nhân đã không trở thành nguyên tắc, như cái neo chắc chắn có thể giữ cho những suy tư về con người, xã hội, về chính con người cá nhân, cả về tồn tại nói chung đi đến mục tiêu, bến bờ chân lý, dù rằng có lúc ông “khẳng định” điểm xuất phát của mình là “những cá nhân hiện thực”. Nhưng trên thực tế, sự khẳng định ấy đã không thắng được những cảm xúc của ông về số đông con người, quần chúng lao động trực tiếp, nhất là về những con người đang bị bóc lột, áp bức nặng nề, đang chịu cảnh đau khổ, đói rách cùng cực vốn được ông dành sự quan tâm lớn nhất. 

Cho nên, khi đối lập giữa nhà tư bản, kẻ tư hữu với người công nhân-vô sản một cách cực đoan, K. Marx đã không thấy được một sự thật quan trọng, lớn lao là sự hình thành sở hữu tư nhân và chế độ sở hữu tư nhân gắn với sự hình thành con người cá nhân đã làm cho cái xã hội, tính xã hội, bản chất xã hội của con người không chỉ có nội dung sâu sắc, cụ thể, mà còn có phương thức, hình thức tồn tại thực sự. Vì thế K. Marx đã nhìn sự “tha hóa” của con người, của lao động về cơ bản mang tính tiêu cực, trong khi chính sự “tha hóa” – “sự trở thành cái khác” ấy của con người, của lao động là một giai đoạn, một nấc thang hay là một sự phủ định bên trong tự thân của nó. Như thế, ông kém hơn cả W.F. Hegel khi “tiếp thu-kế thừa” tư tưởng của ông ta về “tha hóa”, vì ở ông này “tha hóa” đồng thời là một quá trình tích cực, tiến bộ. 

Vì không thấy được sự phủ định tất nhiên này cho nên những tư tưởng manh mún, tản mạn về con người cá nhân đã nhường chỗ cho sự tuyệt đối hóa con người xã hội ở K. Marx. Tuy nhiên, con người xã hội ấy nói chung bị hiểu là sự gộp chung theo số cộng giản đơn những cá nhân chưa phát triển, thành một tổng thể hỗn độn, tùy tiện. Học thuyết xã hội chủ nghĩa của K.Marx đã xa rời chính tư tưởng về bản chất con người, mặc dù còn khiếm diện của ông. Do đó, chủ nghĩa xã hội từ sự tưởng tượng ra ấy là một cấu trúc với những liên hệ mang tính áp đặt từ bên ngoài. Chính nó là cơ sở cho sự liên tưởng thuần túy mang tính tưởng tưởng của K. Marx và sau này cả Lenin, về các xã hội chưa phát triển trong đó không tồn tại chế độ sở hữu tư nhân, xem như những tiền đề-cơ sở thực sự cho tiến triển cộng sản chủ nghĩa. Nước Nga, nhất là Trung Quốc (ngoài tính đặc thù là chủ nghĩa dân tộc đại Hán) và Việt Nam đã thể hiện sự trung thành lớn lao, tuyệt đối với tư tưởng-tưởng tượng ấy của K. Marx, khiến cho ở đây, khốn nỗi con người không cần có trí tuệ, có rất ít trí tuệ và đạo đức, không cần là công nhân v.v... cũng có thể là người cộng sản “đích thực”, thậm chí trở thành những lãnh tụ cộng sản. Bản thân chủ nghĩa xã hội đã là một tư tưởng có tính áp đặt, trong các nước chưa phát triển tính áp đặt ấy càng nặng nề. Chủ nghĩa xã hội, lẽ ra có thể rất hay, nếu nó là người phản biện tích cực cho chủ nghĩa tự do-tư bản trong buổi đầu hoang dã của nó. Nhưng sai lầm của nó là “muốn” trở thành một cấu trúc lịch sử-tự nhiên. 

Giờ đây khi thời đại của cuộc cách mạng 4.0 đang trở thành một xu thế phổ biến, lôi cuốn mạnh mẽ các dân tộc, cộng đồng, các nước vào vòng xoáy quyết liệt của nó, vai trò của con người cá nhân không hề suy giảm, trái lại còn được nhân lên bội phần, với những đòi hỏi rất cao về những phẩm chất trí tuệ, nhân cách của nó - những phẩm chất chỉ có thể hình thành bằng con đường tổng hợp-phức hợp rất lớn. Như thế, xã hội sẽ là sự kết hợp của những cá nhân mang cái xã hội hết sức phức tạp, sâu sắc, lớn lao thậm chí có tính toàn nhân loại, vũ trụ, bằng cách đó nó liên kết với các cá nhân khác tạo nên những mạng lưới chống chéo, phức hợp những quan hệ tương tác, mà trong đó mỗi cá nhân, những nhóm cá nhân trở thành những nút lưới chắc chắn, mạnh mẽ của mạng lưới xã hội rộng lớn. Trong hệ thống mạng lưới ấy mỗi cá nhân, mỗi nhóm của nó thể hiện như một, những những chủ thể độc lập, tự do trong các liên hệ, tương tác ấy, khiến cho đời sống xã hội trở nên đa dạng, đa chiều, rất sống động và mở-phi tuyến tính. 

Ở ngay trong vòng xoáy tự nhiên của xu hướng ấy con người có lương tri, lãnh trách nhiệm-sứ mệnh lớn lao trước các cộng đồng, dân tộc và toàn nhân loại, rõ ràng không khỏi cảm thấy lo lắng, đau lòng và cả căm phẫn trước những sự cản trở rất vô lý của những thế lực đang đi ngược lại, nhất là những thể chế độc tài, những chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ độc tài-toàn trị cộng sản đã hết sức lỗi thời và trở nên quái dị, thậm chí đang công khai hoặc ngấm ngầm chống lại tiến trình tiến bộ-văn minh của con người, loài người. 

Thực ra, những chế độ xã hội chủ nghĩa trên thực tế chỉ còn là những cái vỏ bọc cho những kẻ cai trị cố duy trì thể chế chính trị mang tính “quân chủ” trái mùa, độc tài, hoặc độc tài-toàn trị, cố biến xã hội thành một kết cấu thống nhất-một chiều đóng kín để phục vụ cho những mưu đồ nhỏ nhen ích kỷ, tanh tưởi của chúng. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập các cấu trúc kinh tế-xã hội của chúng đã và đang là sự xuất hiện, phát triển của chính con người cá nhân với những đòi hỏi về những quyền cơ bản như tự do, hạnh phúc, quyền làm người, quyền được trở thành một dân tộc độc lập, để sống tự do trong nền độc lập ấy v.v... đang bị chính những chế độ này tước đoạt. Vì vậy, việc vạch ra một cách sâu sắc, chính xác hơn nữa gốc gác những khiếm khuyết, sai lầm trong học thuyết về chủ nghĩa xã hội là để góp phần tạo thêm một sức mạnh tấn công nữa nhằm đẩy những thế lực bảo thủ-phản tiến bộ ra khỏi những hang ổ cuối cùng của chúng. 

03.10.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo