Báo chí VN và biểu tình chống độc tài - Dân Làm Báo

Báo chí VN và biểu tình chống độc tài

Nam Nguyên, phóng viên RFA - Nhà nước Việt Nam thể hiện một thái độ đáng chú ý là không ngăn chặn báo chí truyền thông đưa tin về làn sóng biểu tình lật đổ độc tài ở Tunisia, Ai Cập và đang lan rộng ở Trung Đông, Bắc Phi.

AFP photo - Hàng ngàn người dân cũng đang xuống đường đòi thay đổi chế độ ở Iran hôm 16/2/2011.

Thông tin phong phú

Sự kiện này được mô tả là trái ngược với Trung Quốc, nơi chính quyền ngăn chặn hầu hết các thông tin nóng và hình ảnh liên quan tới vấn đề này.
Trả lời Nam Nguyên, ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng thư ký Báo Doanh Nghiệp, nguyên trợ lý Phó tổng biên tập báo Du lịch từ TP.HCM phát biểu:

“Tôi nghĩ những cuộc xuống đường ở Tunisia rồi ở Ai Cập dẫn đến việc Tổng thống Mubarack phải từ chức mà báo chí Việt Nam đưa tin, ít ra cũng phản ánh được một tinh thần thoáng mở của báo chí Việt Nam đối với những sự kiện chính trị quốc tế. Phải công bằng nói rằng những vấn đề này ở thời điểm cách đây trên 10 năm thì chắc khó thể nói đầy đủ và phong phú như hiện nay.

Những thông tin chúng tôi xem được trên báo hàng ngày, trên TV trên báo mạng, thì đó là một điều đáng mừng mặc dù cái mừng này cũng có giới hạn thôi, nó chậm nhưng ít ra cũng phản ánh được rằng những thông tin như những vụ biểu tình ở Tunisia ờ Ai Cập đã không bị ngăn cản trên báo chí Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh điều đó không có nghĩa Việt Nam thực sự có tự do báo chí.”

Thông tin về cách mạng Hoa Lài ở Tunisia thành công lan sang Ai Cập và cũng thành công với sự ra đi của Tổng thống  Hosni Mubarack, được báo đài trong nước đưa tin thận trọng vào lúc đầu nhưng sau đó chuyển sang mức độ dồn dập. Trên các báo mạng, có lẽ Vietnam Net chuyển tải sớm nhất với nhiều hình ảnh sống động, dù không để ở trang ngoài mà đưa vào phần quốc tế. Nhưng dần dần nhiều báo điện tử khác đã đưa bài và hình ảnh ngay trên trang ngoài, tình trạng tương tự xảy ra đối với các báo in truyền thống.

000_Nic538697-250.jpg

Hàng triệu dân Ai Cập đã xuống đường đòi thay đổi lãnh đạo. AFP photo

Gần đây, ngày 16/2 báo mạng VnExpress có bài và ảnh ngay trang ngoài với tựa đề Vết dầu Ai Cập loang dần khắp Trung Đông, tờ báo dẫn nhập: “Làn sóng biểu tình đòi cải cách chính trị âm ỉ tại Trung Đông thực sự bùng nổ kể từ khi Tổng thống Mubarack bị hạ bệ tại Ai Cập. Hàng loạt điểm nóng mới như Bahrain và Yemen đang tìm cách lặp lại kịch bản ở Cairo.” Tờ báo mạng cũng đề cập chuyện người biểu tình Iran bất lợi, hoặc Libya mặt trận mới với biểu tình rung chuyển thành phố Benghazi. 

Thông thoáng có chủ đích

Chúng tôi trao đổi với Luật sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ở Hà Nội. Theo cách nói của ông, mà chúng tôi cảm nhận thì có thể hiểu rằng giới lãnh đạo Việt Nam nhận thức rằng việc đưa tin và hình ảnh đầy đủ về các diễn biến ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Algeria, Syria, Iran…là việc có tác dụng tốt, người dân sẽ lo sợ sự xáo trộn nhất là sự kiện Việt Nam bảo đảm an toàn lương thực, trong khi vấn đề này  là một phần nguyên nhân gây ra biến động ở Trung Đông, Bắc Phi. LS Trần Lâm tiếp lời:

"Đưa tin không có hại mà có lợi thì cứ đưa tin, cái nào có hại mà ít lợi thì ta không đưa, cái nào đáng lẽ phải đưa gấp đôi nhưng có hại cho ta thì ta lại thu hẹp lại. Người ta chỉ đạo hàng ngày, chỉ đạo tỉ mỉ như thế từng việc một. Ở cái chuyện biến động ấy người ta không có che chắn gì cả, tôi cũng nghĩ rằng tại sao nó công khai, điều đó thực tế có chỗ rất hay.

Tôi theo dõi thì cái công khai ấy hiện nay đưa tin phong trào cách mạng chống độc tài trên thế giới như thế, thì ai cũng nghĩ rằng ở nước ta chính quyền kỳ thị, người ta không kỳ thị. Đó là điểm không kỳ thị, còn điểm có tác động gì tới thanh niên hay không, thì thanh niên hiện nay một số người hiểu về độc tài còn nông cạn lắm. Độc tài người ta nghĩ nó khác, vì thế người ta thấy cái đó hình như không liên quan đến Việt Nam. Còn các bạn trên thế giới thì cho rằng cái độc tài nào cũng như độc tài nào, rồi nghĩ rằng cái đó sẽ kích động đến lòng người thanh niên Việt Nam, vấn đề này tôi theo dõi trong ít ngày nay thì tôi thấy không có vấn đề gì cả.”

Báo chí Việt Nam cũng có những bài đáng chú ý như Saigon Tiếp Thị điện tử ngày 12/2 với “Sức mạnh Internet trong cách mạng hoa lài”, tờ báo dẫn nhập ‘Cuộc cách mạng ở Ai Cập và Tunisia thành công một phần nhờ vai trò của các mạng xã hội như Twitter, Facebook và cả Wikileaks. Facebook và Twitter đã kết nối mọi người lại với nhau, thực hiện thành công các cuộc xuống đường lớn trên cả nước.

Đối những quan điểm cho rằng người dân Việt Nam an phận, sợ xáo trộn, muốn bảo vệ những phúc lợi nhất định mà họ đang có cho nên những biến chuyển ở Tunisia, Ai Cập, Libya….khó gây ảnh hưởng cho họ. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhận định:

000_Par6072544-250.jpg

Người biểu tình chống chính phủ ở Yemen ném đá vào một trạm cảnh sát hôm 17/2/2011. AFP photo

“Tôi có nói với bạn bè những buổi sáng uống cà phê với nhau là chuyện xảy ra ở Cairo và chuyện xảy ra ở Bắc Kinh chỉ khác nhau ở một chỗ thôi. Đó là khi những xe tăng của quân đội tiến vào quảng trường ở thủ đô Cairo và khi người dân đứng dang tay ngăn cản xe tăng thì xe tăng dừng lại. Điều này đã ngược lại khi người dân đứng dang tay ngăn cản xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh nhiều năm trước…khác nhau ở chỗ đó.”                    

Báo in, truyền hình Nhà nước cũng tới được vùng nông thôn nơi cư trú của 70% dân số Việt Nam. Một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi là báo đài Nhà nước đưa tin khá nhiều về các sự kiện ở Ai Cập. Ông nói:

“Thông tin thế giới nhà nước Việt Nam đưa tin khá đầy đủ, nhưng mà họ không bàn luận sâu về vấn đề đó. Tôi nghĩ họ không chặn đâu, dân vẫn coi được bình thường. Chương trình thời sự buổi tối của Đài VTVcũng có nói, mấy ngày nay nói khá nhiều. Theo tôi biết người nông dân họ không quan tâm, thậm chí những chuyện trong nước họ còn không để ý nói chi xa xôi những chuyện đó. Thí dụ ở địa phương tôi, nhiều người còn không biết tên ông chủ tịch xã nữa là. Cũng có một số ít người có chút đỉnh kiến thức thì họ quan tâm thôi, nói chung họ không quan tâm nhiều đâu.”

Khi lên mạng để xem báo chí Việt Nam nói gì về làn sóng biểu tình chống độc tài lan rộng từ Tunisa sang Ai Cập rồi sang nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên về một lượng thông tin khổng lồ được các báo tải lên mạng. Hiện nay báo chí đang chạy theo các bài viết về thời kỳ hậu Mubarack ở Ai Cập, rồi 70 tỷ USD của gia đình nhà độc tài đang cất dấu ở đâu.

Những điểm nóng khác như Libya, Bahrain, Yemen đang được báo chí Việt Nam cập nhật từng giờ. Dù là định hướng có chủ đích như cách nhìn của Luật sư Trần Lâm, thì ít nhất các nhà báo cũng cảm thấy thoải mái thực hiện nghiệp vụ để phục vụ độc giả.      

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-s-media-and-the-events-in-tunisia-egypt-nn-02182011171321.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo