Trần Minh Quân - Hay chính tư duy những nhà quản lý giao thông đô thị lại đang bị bế tắc? Phải chăng trước khi đi tìm lời giải cho ùn tắc giao thông thì họ phải giải quyết cái sự bế tắc trong suy nghĩ?
LTS: Giao thông đô thị luôn là bài toán khó, hầu như chưa có lời giải. Mới đây, TP Hồ Chí Minh chủ trương quy định xe ô tô đi vào thành phố phải theo ngày chẵn, lẻ dựa trên biển số xe chẵn, lẻ. Tuần Việt Nam chúng tôi vừa nhận được bài viết "Chống ùn tắc giao thông hay chống bế tắc tư duy" của tác giả Trần Minh Quân. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết này. Rất mong nhận được sự trao đổi, tham góp ý kiến của các quý bạn đọc gần xa về bài toán quản lý giao thông đô thị, nhân chủ trương này.
Tư duy "ngựa quen đường cũ"
Cứ ngỡ rằng sau khi bị dư luận phản đối gay gắt 1 "sáng kiến" có giá trị "tối kiến"- giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông bằng cách: Xe biển lẻ, đi vào ngày lẻ, xe biển chẵn đi vào ngày chẵn của một vị lãnh đạo Sở Giao thông công chánh Hà Nội năm 2002, sẽ được những người chuyên hoạch định chính sách về giao thông ở các thành phố khác rút kinh nghiệm. Thế nhưng sau gần 10 năm, 1 lần nữa "sáng kiến" ấy lại được nêu ra. Lần này là áp dụng cho TP.HCM, một thành phố có tiếng là năng động và phát triển nhất cả nước.
Theo đề xuất này, những xe ôtô có biển số chẵn được phép đi vào nội thành các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, những xe có biển số lẻ đi vào nội thành các ngày thứ 3, 5, 7. Riêng ngày Chủ nhật, tất cả xe ôtô được lưu hành vào nội thành.
Điều đáng nói là "sáng kiến" này không phải là lần đầu tiên được đề xuất cho TP.HCM mà nó đã được gợi ý lần đầu tiên từ năm 2003 và mãi cho đến năm 2007 đã được Ban An toàn Giao thông chính thức đệ trình lên UBND TP.HCM .
Cũng như những lần trước đây, kiến nghị cho xe lưu thông vào thành phố theo ngày chẵn, lẻ như một sự hài hước, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Đa phần đều cho rằng đây là một kiến nghị đi ngược lại với xu hướng phát triển, thiếu thực tế, không khả thi và sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khác liên quan.
Trước tiên phải công nhận rằng, khi có nhu cầu cần thiết người ta mới tham gia giao thông, không ai lại tự dưng ra đường để được hít khói bụi hay thưởng thức món "đặc sản" kẹt xe, tức là nhu cầu đi lại phát sinh do cuộc sống, do công việc bắt buộc. Đó là một nhu cầu hiển nhiên, hợp lý và diễn ra liên tục trong cuộc sống hằng ngày. Khi số lượng ô tô và lưu lượng xe tham gia giao thông tăng, chứng tỏ rằng mọi người đang tất bật với công việc, kinh tế đang phát triển, xã hội đang vận hành một cách năng động.
Nhưng thực tiễn chẳng bao giờ theo ý định đầy chủ quan của người quản lý.
Nếu chẳng may 1 người có xe mang biển số chẵn mà lại có nhu cầu đi lại trong ngày lẻ- như vợ họ đau đẻ chẳng hạn thì sao đây? Hay là bà vợ cũng phải chờ ngày chẵn mới được phép đau?
Trong tình huống khẩn cấp, đương nhiên, họ có thể phải mượn xe hoặc nhờ người khác đưa đi, cũng có thể họ đi taxi, thậm chí với những người có tiền, họ sẵn sàng mua thêm một chiếc xe khác có biển số lẻ để thay đổi phương tiện đi lại mỗi khi có nhu cầu. Nhưng người dân sẽ nghĩ thế nào về những quy định "kỳ quặc" này. Và liệu họ có thể tâm phục, khẩu phục với những cái đầu quản lý đó không?
Khi đó, quy định về việc tham gia giao thông theo biển số xe chẵn, lẻ không những không có tác dụng mà còn gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Đó là chưa kể những hệ lụy khác liên quan như nạn "cò" làm biển số xe chẵn, lẻ có thêm đất sống và tha hồ hoành hành.
Về tính khả thi, kiến nghị này sẽ phát sinh một lực lượng người và phương tiện giám sát vô cùng lớn.
Liệu có gì đảm bảo rằng với một thành phố lớn như TP.HCM và thực trạng phương tiện kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu quan sát và kiểm tra (như camera) như hiện nay sẽ quan sát đầy đủ hết mọi ngóc nghách, mọi tuyến đường? Ngoài ra, khi phát hiện có xe vi phạm, nếu CSGT cho dừng xe để phạt thì sẽ làm tăng thêm nguy cơ ùn tắc giao thông.
Nếu không đảm bảo đủ lực lượng và phương tiện kiểm tra thì làm thế nào để đảm bảo tính công bằng cho mọi phương tiện? Đó là chưa nói đến trong kiến nghị này, không có điểm nào nhắc đến đối tượng áp dụng là xe tư nhân hay xe công. Nếu chỉ áp dụng cho xe tư nhân thì sẽ càng làm tăng thêm tình trạng mất công bằng trong xã hội.
Liên tiếp trong thời gian qua, những đề xuất, kiến nghị, trong đó có cả những kiến nghị đã được áp dụng vào thực tế của ngành giao thông công chánh ở các thành phố lớn ít nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận và người dân. Đó là những quy định như không cho xe ngoại tỉnh lưu thông vào thành phố Hà Nội năm 2004, quy định mỗi người chỉ được đứng tên 1 xe gắn máy, hay không cho đăng ký mới xe ở các khu vực nội thành... Những quy định này chẳng những không khả thi mà còn tạo điều kiện cho hiện tượng lách luật như nhờ người khác đứng tên hộ hay người có nhu cầu mua xe sẽ mang ra ngoại thành đăng ký ...
Chống bế tắc tư duy trước?
Những quy định kiểu này đã khiến cho báo chí tốn rất nhiều giấy mực nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy, hiện tượng kẹt xe vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.
Một số ý kiến cho rằng phương án cấm xe lưu thông theo số xe chẵn, lẻ đã được nhiều nước khác áp dụng. Sở dĩ người ta áp dụng được và có thể thành công bởi rất nhiều nguyên do. Đó là ý thức của người dân khi tham gia giao thông, phương tiện giao thông công cộng đảm bảo được những yếu tố như an toàn, đúng giờ, tiện lợi, ... Trong khi đó tại Việt Nam tất cả những điều này hoàn toàn chưa được đáp ứng.
Để giải quyết bài toán giao thông, cần có những nghiên cứu nghiêm túc về thực trạng và tìm ra nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc mới mong có những giải pháp hợp lý. Trong đó việc phân luồng giao thông, di dời các trung tâm thương mại, hành chính, nơi tập trung nhiều người như bệnh viện, trường đại học... ra ngoại thành là những việc làm cần thiết thì ít ai quan tâm. Đường phố thì không được mở rộng hay xây mới, trong khi các cao ốc, văn phòng cho thuê... vẫn lù lù mọc lên ngay giữa trung tâm thành phố thì mãi mãi không thể tìm ra lời giải cho bài toán kẹt xe.
Kể từ khi "sáng kiến" này được nêu ra cho thành phố Hà Nội, gần 10 năm sau những người làm công tác quản lý giao thông lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn: không kiểm soát nổi thì cấm, không có giải pháp gì cũng cấm nốt! Có chăng khác Hà Nội là trước đây cấm xe gắn máy, thì bây giờ TP.HCM lại áp dụng cấm xe ô tô.
Hay chính tư duy những nhà quản lý giao thông đô thị lại đang bị bế tắc? Phải chăng trước khi đi tìm lời giải cho ùn tắc giao thông thì họ phải giải quyết cái sự bế tắc trong suy nghĩ. Và chỉ khi nào họ thoát ra khỏi lối mòn tư duy cũ kỹ mới mong có những giải pháp thích hợp.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-10-chong-un-tac-giao-thong-hay-chong-be-tac-tu-duy-