Chuyện ô nhục và chuyện cao cả - Dân Làm Báo

Chuyện ô nhục và chuyện cao cả

Dương Hà à, anh Toàn không mong chú Vũ phải hy sinh. Anh cũng không mong chú ấy thành anh hùng. Anh chỉ chúc mừng Dương Hà đã có riêng cho mình một người chồng cao cả. Hôm nay, nói thật lòng với Dương Hà nhé: trong vụ xử án, điều mọi người như anh lo nhất là chú ấy lú lẫn sao đó lại nhận tội và xin khoan hồng. Chú ấy đã hành động cao cả. Thế là đủ. Đủ cho chú Vũ. Đủ cho tất cả. Nếu ngày mai anh chết, nếu anh không chờ được bảy năm nữa để bắt tay chú Vũ, em nhớ nhắn lại cho nó rằng anh rất yêu nó...

*

Trò chuyện giữa luật sư Dương Hà và nhà giáo Phạm Toàn

Phạm Toàn – Chào Dương Hà. Đừng buồn. Đời còn nhiều người buồn hơn mình. Phải tự ra lệnh: cấm buồn!… Nào, bây giờ nói chuyện bình tĩnh. Thật nực cười. Mỗi lần tôi gọi điện cho Dương Hà, đều thấy nhạc hiệu “Mời anh hãy đến quê hương chúng tôi”. Đó là một giai điệu đẹp chứa đựng những tình cảm đẹp của cả một dân tộc khi vẫn còn hăm hở đi theo tiếng gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hôm nay, liệu Dương Hà còn nghĩ là mình sẽ hăm hở như thế không?

Dương Hà – Em hơi mệt. Lát nữa em và anh trò chuyện dài dài. Bây giờ, em rất muốn anh kể cho nghe hôm nay tình hình ở bên ngoài Tòa án ra sao? Anh kể cho vui vào. Kể những điều tích cực ấy. Em nghe loáng thoáng có cả bà cụ hơn tám mươi tuổi cũng đến để ủng hộ tinh thần cho nhà em…

Phạm Toàn – Có chuyện đó. Nhưng tôi đứng hơi xa. Đứng gần thì có khi thiệt mạng. Tôi thấy Công an áo đen xô đẩy dân. Mình không thích đụng độ. Nhưng nhìn cảnh xô xát, thấy buồn vì hai bên cứ như kẻ thù của nhau. Ai đã làm cho khẩu hiệu “Công an là bạn dân” mất ý nghĩa? Ai? … Có một ông khiếm thị cũng lần mò tới. Công an áo đen định đánh ông ta. Nhưng lật nón, thấy con mắt lòi trắng ra, họ cũng chùn tay… Họ hỏi “ai chở ông đến đây?” Ông ấy nói “Tôi đi xe buýt”. Một bà cụ hơn tám mươi. Tôi hỏi “cụ đến đây làm gì?” Bà cụ nói “ông Luật sư ông ấy vì dân thì tôi là dân tôi cũng vì ông ấy chứ?”

Dương Hà – Ôi thế cũng bất ngờ chứ nhỉ?

Phạm Toàn – Có cái bất ngờ rất đẹp, và cũng có cái không bất ngờ cũng rất đẹp… Chẳng hạn người đi đến Tòa để định bụng ủng hộ chú Vũ thì có vẻ nghèo, quần áo không đẹp. Quần áo không đẹp, nhưng tấm lòng lại rất đẹp. Và những con số thống kê tưởng như rất đẹp thì lại chẳng có mấy ý nghĩa. Còn lực lượng Công an thì ăn mặc đẹp, trang bị đẹp, cái khiên cũng đẹp, cái dùi cui cũng đẹp, cái còng số 8 cũng bóng lộn rất đẹp… Lẽ ra, sứ mệnh các bạn đó là phải đi tìm kẻ địch. Lâu lắm chẳng có mục “Đọc truyện đêm khuya” với “Câu chuyện cảnh giác” nữa… Cũng chẳng có vụ án gián điệp nào cả. Chẳng nhẽ thời nay không sót lại thằng con trai họ Triệu nào nữa hay sao?

Dương Hà – Họ Triệu nào kía, anh?

Phạm Toàn – Triệu Đà … Triệu Đô … ấy!

Dương Hà – Anh làm em muốn bật cười rồi đó. Bây giờ em kể chuyện bên trong. Vòng ngoài như vậy là để bảo vệ cái ngớ ngẩn, dối trá, ở bên trong… Em thấy thương anh Vũ chồng em quá. Những người ngồi ghế chủ tọa thật thảm hại. Họ tìm cách bắt nạt và hạ nhục chồng em. Nước không có mà uống. Chồng em đề nghị cho uống nước, họ nói rõ to “Bị cáo đề nghị chính đáng, cho phép bị cáo uống nước”. Nói to như thế quả là tiểu nhân! Và cái tiểu nhân càng lộ rõ khi Luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu Tòa cho coi bằng chứng. Họ không biết làm gì nữa, họ đuổi LS Hải ra.

Phạm Toàn – Cái ông Hải cũng quá quắt! Hai cái bằng chứng hôi hám hôm ở Sài Gòn họ có thu thập đâu? Còn bằng chứng những ý kiến về dân chủ hóa đất nước, về bảo vệ Tổ quốc chống bọn “nước lạ” xâm lược dần dần từng bước, thì những bằng chứng ấy đều đã nằm trong đầu óc nhân dân… Có ông Hoa Đà thì cũng chẳng làm cách gì bổ đầu dân ra mà trưng bằng chứng ra.

Dương Hà – Thôi anh, không giễu họ nữa, thế là đủ rồi. Bây giờ em muốn anh trong tư cách nhà giáo dục, anh phân tích em nghe: vì sao nên nông nỗi này?

Phạm Toàn – Dễ như bỡn. Bản chất của chế độ xã hội không còn đúng như lý tưởng Hồ Chí Minh nữa. Chỉ có một nguyên nhân đó thôi. Người ta thay đổi rồi, và người ta co cụm lại để chống lại một số người vẫn còn ngây thơ đòi hỏi “của dân, do dân, vì dân”… Chỉ có một nguyên nhân đó thôi. Với cụ Hồ Chí Minh, mọi việc thật đơn giản: "Chính phủ mà không làm trọn nhiệm vụ của mình, và không thỏa mãn yêu cầu của người dân, thì người dân có quyền lật đổ chính phủ đó". Bây giờ người ta lật đổ xong nhân dân rồi. Nhân dân bị buộc phải từ chức hết rồi. Thế đó!

Dương Hà – Làm tất cả vì quyền lợi của họ?

Phạm Toàn – Phải! Vì quyền lợi phe nhóm! Và cả vì sĩ diện hão của phe nhóm nữa. Chẳng nhẽ “mình” to thế này, “mình” oai thế này, “mình” trí tuệ thời đại thế này, mà lại phải chịu đối thoại đồng thuận với bọn thư sinh?

Dương Hà – Bây giờ, em nên làm gì?

Phạm Toàn – Tôi nghĩ là em có hai việc. Việc của người vợ yêu chồng, và việc của người công dân yêu nước.

Dương Hà – Người vợ yêu chồng phải làm gì?

Phạm Toàn – Phải lo cho chú ấy không bị bọn đầu gấu quấy rầy khi chịu án. Một chế độ rất hà khắc sẽ được tung ra để hãm hại chú ấy. Họ lại xử phúc thẩm như sơ thẩm: không cho tranh cãi gì hết, không cho phóng viên Tây Ta tham gia, không cho Nhân quyền Nhân bản chi chi hết được tham gia theo dõi… Hôm nay, tôi gặp cậu phóng viên AFP, cái anh cu lông mày rậm ấy. Thấy nó đang cười, lông mày rung bần bật. Hỏi nó có chuyện gì mà cười? Nó bảo “Mình vừa bị người ta đuổi, vì lý do ở đây đang bận xử án”…

Dương Hà – Chồng em bị đau tim. Hôm nay khi đang cãi ở Tòa, lúc 10g10 anh ấy kêu tôi hơi bị đau tim cho tôi nghỉ một chút nhưng ông Chủ tọa phiên tòa cứ hối thúc: nói đi, nói đi. Rõ ràng chồng em có hiện tượng không bình thường. Mọi khi thường là hay bị cơn đau vào ban đêm. Hôm nay chắc chắn là mệt lắm. Ôi, em thấy lo lắng lắm…

Phạm Toàn – Sẽ còn phải lo nhiều. Vì ngoài bổn phận với người chồng yêu nước, em còn có bổn phận công dân và là công dân có học, một người trí thức.

Dương Hà – Vâng, em lắng nghe …

Phạm Toàn – Hà còn phải nghĩ đến sứ mệnh công dân và là công dân có học, có ý thức với cộng đồng. Suy đến cùng, đất nước còn lạc hậu vật vã tham nhũng thế này là do tầng lớp trí thức chưa chịu nhúc nhắc. Toàn thể bộ máy này ít học quá, ít hiểu biết việc đời quá. Thế là được chút ít quyền lợi đã sướng âm ỉ. Từng người đều ngoi lên thi nhau hơn kẻ khác một cái đầu, trong khi cả cộng đồng đang cùng nằm dưới đáy giếng nhân loại. Toàn thế chúng ta chỉ cần tuần tự thực hiện đúng công việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Năm nay chưa xây xong, thì sang năm xây tiếp. Roma không hoàn thành công việc xây dựng nó chỉ trong một đêm.

Dương Hà – Thế còn chồng em?

Phạm Toàn – Thời nào cũng cần có người hy sinh vì nghĩa lớn. Lịch sử thì dài, đời cá nhân con người thì ngắn. Đừng nghĩ đến thắng lợi nhỡn tiền thì mọi việc rất đơn giản. Nhà văn Pháp Louis Roubaud từng viết cuốn sách Việt Nam (in năm 1931) mô tả 13 đồng chí Việt Nam lên máy chém. Tất cả lần lượt xếp hàng. Nguyễn Thái Học xếp hàng cuối cùng. Bọn thực dân Pháp định làm thế để khủng bố tinh thần ông giáo Học. Nhưng ông vẫn bình tĩnh đợi đến lượt, không chen ngang, không chạy chọt để được cơ cấu sớm… May mà năm in cuốn truyện đó, người Pháp không bắt ông nhà văn kia và khép tội “tuyên truyền chống nhà nước…”

Dương Hà à, anh Toàn không mong chú Vũ phải hy sinh. Anh cũng không mong chú ấy thành anh hùng. Anh chỉ chúc mừng Dương Hà đã có riêng cho mình một người chồng cao cả. Hôm nay, nói thật lòng với Dương Hà nhé: trong vụ xử án, điều mọi người như anh lo nhất là chú ấy lú lẫn sao đó lại nhận tội và xin khoan hồng. Chú ấy đã hành động cao cả. Thế là đủ. Đủ cho chú Vũ. Đủ cho tất cả. Nếu ngày mai anh chết, nếu anh không chờ được bảy năm nữa để bắt tay chú Vũ, em nhớ nhắn lại cho nó rằng anh rất yêu nó.

04-04-2011

Phạm Toàn ghi lại

Dương Hà xem lại

http://boxitvn.wordpress.com/2011/04/05/chuy%E1%BB%87n-nh%E1%BB%A5c-v-chuy%E1%BB%87n-cao-c%E1%BA%A3/

 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo