Minh Anh (Phía Trước) - Trừ các cấp quản lí có IQ cao, người trong cuộc đã nhất trí rằng nền giáo dục Việt Nam đáng sợ và đáng ghét. Nhưng ngược lại, tôi thấy nhiều môn học tại Việt Nam hiện nay rất đáng thương, trong đó Đạo đức và Giáo dục Công dân (GDCD) là hai ví dụ điển hình.
Học sinh và giáo viên nghĩ gì?
Đạo đức và Giáo dục Công dân từ lâu đã bị học sinh và giáo viên hất hủi. Mỗi lần đề cập đến hai môn học này thì học sinh…cứ trợn mắt và ngoảnh mặt! Học sinh ngáy ‘o o’ khi học chúng và thậm chí, giáo viên cũng muốn nghỉ phép khi phải nhận dạy hai môn này. Các môn này bất đắc dĩ trở thành một cuộc ‘hành tỏi’ giữa thầy với trò. Và cứ mỗi lần tên chúng được xướng lên, mọi nạn nhân trong lớp đều lắc đầu ngán ngẩm.
Hai môn học này thường bị xem là những môn “phụ” nhất trong các “môn phụ”, tức là thừa thãi và đáng bỏ đi. Trong quan niệm của cả nhà giáo, phụ huynh lẫn học trò, cái đáng học là những “môn chính” như Toán, Văn, Anh, Lí, Hóa, hay bét nhất là môn Sinh. Những môn khác có thể hoặc nên hi sinh để có thêm nhiều thời gian cho các môn chính vừa nêu. Thời còn học trung học, tôi và bạn bè hiếm khi đụng tới sách Đạo đức và GDCD vì trong thực tế các môn học này bị cắt tiết thường xuyên, và thầy cô cho ‘mở phao’ khi đến ngày thi cử.
Một đặc điểm tội nghiệp nhất thường thấy ở các trường – khó tin nhưng có thật – là không hề tồn tại thầy Đạo đức hay cô GDCD. Suốt 12 năm làm trò, tôi chưa bao giờ được nghe nói có thầy cô nào dạy hai môn này một cách chuyên nghiệp. Chúng luôn được đứng lớp bởi một giáo viên Văn học, Lịch sử, Địa lí, hoặc thậm chí một nhân viên hành chính của nhà trường. Tệ hơn, nhiều nhà giáo coi chúng như một công việc làm thêm. Và tất nhiên không ai nhắc đến việc giảng dạy chúng khi giới thiệu nghề nghiệp của mình. Hay nói một cách khác, chúng xem ra không phải một nguồn hãnh diện.
Nhưng có nên giữ thái độ này?
Tôi không tán thành lối kì thị môn chính – môn phụ nhưng chúng ta thường thấy hiện nay. Phải chăng “môn chính” là những môn học hữu dụng, cần thiết, và vì thế, đáng học hơn? Thức tế thì đó chỉ là tên gọi mà nhiều người tùy tiện gán cho những môn thi của dăm kì thi quan trọng.
Vậy thì sự xem thường “môn phụ” chỉ là biểu hiện của tâm lí tôn sùng bằng cấp – một cái dại mà người Việt cần phải bỏ ngay. Chúng ta không thể vừa chống “bệnh thành tích trong học đường”, vừa hô hào học trò “tập trung vào các môn chính”.
Nếu ngưng phát điên vì điểm số và mấy mảnh bằng, chúng ta sẽ lập tức yêu quí hai “môn phụ” Đạo đức và GDCD. Một xã hội phải triển cần có một nền đạo đức chuẩn mực và ngược lại, chẳng có xã hội nào phát triển đươc nếu thiếu một nền giáo dục ra hồn. Mà tìm đâu ra chỗ đứng cho những tài năng khoa học, nghệ thuật trong một đất nước lạc hậu và thiếu văn minh?
Môn Đạo đức và GDCD cũng tương tự, chúng cho chúng ta biết mình, đồng bào và đồng loại của mình có những quyền gì hay ít nhất – các quyền ấy cụ thể như thế nào và từ đâu mà ra. Có thể bạn rất giỏi Toán học, Văn học hay Ngoại ngữ, nhưng bạn sớm muộn sẽ lâm nguy nếu không để tâm đến hai môn quan trọng ấy. Đơn giản là vì bạn thiếu hiểu biết về các quyền cơ bản của một công dân, do đó, chính bạn là người sẽ chịu thiệt nặng nề nhất khi bị người khác vi phạm hợp đồng chung sống, hoặc cũng có thể bạn sẽ kí một hợp đồng tệ hại, dung dưỡng cho độc tài và bất công. Trong mọi trường hợp, bạn chính là người chịu tổn thất vì sự kém hiểu biết về các quyền của chính mình.
Và nhu cầu thực tế của đất nước thì sao?
Kết luận chung của mọi bài báo – dù lề trái hay lề phải – là cuộc khủng hoảng đạo đức đang đưa xã hội Việt Nam vào cảnh hỗn loạn và bế tắc. Ngoại trừ những đồng bào mang hai quốc tịch, cho đến thời điểm này tại VIệt Nam vẫn chưa người Việt nào được hưởng đầy đủ các quyền công dân. Thậm chí, đa số người dân còn chưa có chút ý thức nào về các quyền căn bản của mình. Dân tộc Việt Nam – trên mọi lãnh vực – cần học bổ túc Đạo đức và GDCD hơn ai hết.
Cái gì sẽ đến, nếu Đạo đức và GDCD được giảng dạy tốt hơn, khiến người Việt rành quyền công dân hơn?
Dân Việt sẽ không bao giờ cam chịu trước một xã hội tham nhũng, bạo quyền, bất công hay cướp đất. Họ sẽ không chấp nhận những lãnh đạo thất học với những chính sách lợi ích nhóm mà không phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, lợi ích của dân tộc.
Họ sẽ yêu cầu một nền an ninh, giáo dục, y tế xứng đáng hơn hiện nay. Họ sẽ đòi các quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do lập hội đoàn, tự do thông tin, tự do bầu cử và ứng cử. Họ sẽ lên tiếng và phản kháng, đóng góp các ý kiến xây dựng cho đất nước. Tất cả là những việc đó là chuyện bình thường và thường thấy ở các xã hội văn minh.
Họ sẽ hiểu chính trị chỉ là quá trình tìm kiếm giải pháp chung cho những vấn đề chung của đất nước. Họ sẽ thấy chính trị cũng ảnh hưởng đến chính cá nhân, gia đình họ. Chính trị từ đó trở thành bình dân và gần gũi.
Nếu các môn Đạo đức và GDCD được giảng dậy tốt hơn, người dân ý thức rõ hơn về các quyền căn bản thì Việt Nam hẳn sẽ là một Việt Nam rất khác. Việt Nam sẽ từ giã độc tài và tiến nhanh về dân chủ. Việt Nam sẽ không mất biển, mất đảo, không có Quốc hội nghị gật hoặc không bán bauxite Tây Nguyên cho láng giềng ‘bốn tốt’. Và tất nhiên với một đạo đức tốt và biết rõ về quyền hạn của mình – kể cả các nhà lãnh đạo – thì với tiềm năng hiện nay, Việt Nam đã trở nên lớn mạnh trong nhiều vấn đề, trong đó Việt Nam không nhân nhượng trong vấn đề Biển Đông như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua. Một Việt Nam mới hẳn sẽ mang lại nhiều phúc lợi cho nhân dân và niềm tự hào dân tộc đối với thế giới bên ngoài. Và chắc chắn Việt Nam sẽ đáng yêu hơn bao giờ hết.
Nhưng những tin vui ấy chưa đến vì dân Việt vẫn mù quyền công dân. Học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa – dù có trường có dạy mười lớp Đạo đức và GDCD thì vẫn chỉ sản sinh ra những ‘con cừu’.
Vì sao?
Chỉ vì giáo viên, phụ huynh và học trò?
Không hẳn.
Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo, một cách vô lí đến khó tin, ấn định rằng hai môn học này là hai môn học vẹt. Họ cũng tự sinh ra một chương trình học vừa dài dòng, vô dụng, và nghiêm trọng hơn hết – là sai! Trong các môn Đạo đức và GDCD, họ thay thế những kiến thức tối thiểu về quyền con người bằng những những bài giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Và các quyền của công dân, đáng lẽ phải được xem là hiển nhiên, lại được trình bày không khác gì những phúc phận mà nhà nước ban phát.
Ai muốn học vẹt? Ai cần học về một chủ nghĩa đã chết trong thực tế cuộc sống? Và nếu có người học chúng, thì những tư tưởng này có giúp ích gì trong đời sống hàng ngày không?
Hay chúng chỉ làm tình trạng nô lệ trí óc thêm trầm trọng, kìm giữ dân tộc trong độc tài?
Như Trần Dần đã viết, “Tôi khóc những chân trời không có người bay / Lại khóc những người bay không có chân trời.” Những thanh niên, sinh viên Việt nam rồi sẽ ra sao trong một đất nước ‘học vẹt’, và một chính quyền khiếp sợ quyền công dân và đạo đức?
M.A.
© 2011 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC số 44