Lại một lối nói lạ, có thể cần phải mổ xẻ nghiêm khắc: Quốc hội của Đảng và cũng là của dân (QĐND). Nói như vậy thì Quốc hôi trước hết là của đảng, sau đó mới là của nhân dân? Tác giả Ngọc Thư này cùng Ban biên tập báo Quân đội ND hãy đọc lại Điều 83, Hiến pháp 1992 để tự coi lại mình có quá trớn hay không: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam …“, không một chữ nào trong điều này nói rằng Quốc hội là “của đảng”. Chớ lẫn lộn và quá đà, từ chỗ “lãnh đạo” rồi biến thành thứ sở hữu. Từ chỗ muốn “bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”mà thành ra chính mình lại “xuyên tạc” theo một chiều hướng khác hay sao? Ngay như Điều 4, dù có nói đảng là “đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” thì cũng hoàn toàn không thể hiện đảng là chủ sở hữu của cơ quan quyền lực cao nhất này.
Hãy xem thêm, đã nói bậy như vậy, mà lại còn lý sự vòng vo con kiến: “Quốc hội của Đảng, nhưng không phải theo nghĩa sở hữu trong kinh tế, mà đây là trách nhiệm sứ mệnh lịch sử trao cho, là tình cảm của Đảng với nhân dân, với đất nước, với dân tộc. Chính vì thế, muốn Quốc hội thực sự là của dân thì phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.”
-----
Làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình”
Quốc hội của Đảng và cũng là của dân
QĐND - Chủ Nhật, 22/05/2011, 22:3 (GMT+7)
QĐND - Dường như đã trở thành một quy luật, cứ mỗi khi Đảng, Nhà nước ta có những đợt sinh hoạt chính trị, thì ngay lập tức các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại tập trung xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng internet.
Gần đây nhất, trong dịp cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, thì các thế lực thù địch lại tung lên mạng, phát trên đài xuyên tạc thể thức bầu cử, vu cáo vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Quốc hội. Họ đặt câu hỏi đầy ẩn ý: “Quốc hội của Đảng hay của dân?”… và cho rằng, chỉ có dân chủ của các nước phương Tây mới là dân chủ, nhân quyền thực sự (!)
Về mặt khoa học, khái niệm dân chủ, nhân quyền, là khái niệm chung, nó chỉ tồn tại trong các văn kiện của Liên hợp quốc, còn giá trị thực của khái niệm đó luôn luôn gắn liền với “nội luật hóa các công ước quốc tế” của từng nước, nhằm phù hợp, thích ứng với mô hình cụ thể ở mỗi quốc gia, dân tộc. Sự khác biệt của các mô hình dân chủ, nhân quyền giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới là tất yếu, nó bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong văn kiện: “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” tại Hội nghị nhân quyền quốc tế năm 1993, ở Viên (Áo).
Hiện nay, hơn 190 quốc gia trên thế giới đang tồn tại, với nhiều chế độ chính trị - thể chế quốc gia khác nhau, nhưng không có quốc gia nào tự nhận mình là phi dân chủ, cũng như không ai được phép gán cho những quốc gia đó là độc tài, hay quân phiệt. Ở mỗi quốc gia, việc lựa chọn hệ tư tưởng nào-chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội; thể chế chính trị nào-đa đảng hay một đảng lãnh đạo, cầm quyền; tam quyền phân lập hay phân công phối hợp; mô hình kinh tế nào-chủ nghĩa tự do hay kinh tế thị trường xã hội, đều thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia-dân tộc mà không ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc.
Về lịch sử, trong khi nhiều nước, ngay từ sau các cuộc Cách mạng dân chủ tư sản, như ở Anh năm 1689; Mỹ năm 1776; Pháp năm 1789… người dân đã ít nhiều được hưởng chế độ dân chủ, các quyền công dân và quyền con người, thì hàng trăm năm sau ở các thuộc địa (trong đó có nước ta) người dân vẫn sống trong chế độ thực dân - phong kiến mà thực chất vẫn là chế độ nô lệ hiện đại, chẳng có “mẫu quốc nào” chia sẻ giá trị dân chủ, nhân quyền với các dân tộc thuộc địa.
Thực chất dân chủ và nhân quyền ở nước ta là do nhân dân ta đổ máu đấu tranh mới giành được từ khi nhân dân ta, được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, năm 1945.
Sự thật là trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng ngót một thế kỷ qua (từ năm 1930 đến nay), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng đến mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ sở lịch sử, chính trị và pháp lý quang minh chính đại, được nhân dân tôn trọng, tin cậy trao cho. Vai trò đó được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất ghi nhận trong Hiến pháp - Bộ luật gốc của Quốc gia. Quy định đó cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc cũng như các công ước quốc tế về quyền con người. Điều 1 “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”, năm 1966 quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc có quyền quyết định thể chế chính trị… của mình”. Điều đó có nghĩa là, các dân tộc có toàn quyền quyết định chế độ xã hội, hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, Hiến pháp và pháp luật, trong đó có vai trò của đảng cầm quyền.
Về mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, đặc trưng thể chế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là ở sự lãnh đạo toàn diện, thông qua đường lối chính sách, thông qua tổ chức Đảng và vai trò của cán bộ, đảng viên. Đặc trưng này không phải là sự áp đặt của Đảng mà được hình thành trong lịch sử, được nhân dân tôn trọng. Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 12 nhiệm kỳ Quốc hội qua chỉ nhằm đạt đến mục tiêu “Quốc hội ta thật sự đại biểu cho lợi ích của nhân dân” như lời Bác Hồ dạy. Và trong thực tế, Quốc hội nước ta ngày càng làm tròn trọng trách là cơ quan quyền lực Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các kỳ họp Quốc hội đã ngày càng được đổi mới theo hướng dân chủ cởi mở, nhất là các phiên chất vấn thành viên Chính phủ. Nhiều chương trình, dự án kinh tế xã hội do Chính phủ đề xuất, sau khi thảo luận đã được Quốc hội thận trọng cân nhắc, điều chỉnh, thậm chí dừng lại để nghiên cứu thêm... Còn trong các kỳ bầu cử, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số; tỷ lệ đại biểu nữ; tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng luôn luôn được coi trọng. Ví dụ như nhiệm kỳ khóa XI, đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XII, chiếm 17,6%, trong khi tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số nước ta chỉ chiếm 13% dân số Việt Nam. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII là: 25,8%, còn ở Thái Lan cũng thời điểm đó: 11,7%, Ma-lai-xi-a: 23,7%, In-đô-nê-xi-a: 11,6%, Xin-ga-po: 24,8%, Lào: 25,2%, Cam-pu-chia: 19,5%...
Những dẫn chứng trên là cơ sở để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và khẳng định rằng, Quốc hội nước ta là Quốc hội của Đảng và đồng thời cũng là Quốc hội của dân. Quốc hội của Đảng, nhưng không phải theo nghĩa sở hữu trong kinh tế, mà đây là trách nhiệm sứ mệnh lịch sử trao cho, là tình cảm của Đảng với nhân dân, với đất nước, với dân tộc. Chính vì thế, muốn Quốc hội thực sự là của dân thì phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, để mãi mãi làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, để xứng đáng là Đảng cầm quyền, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân thì Đảng ta phải luôn luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, của từng đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đảng là đạo đức, là văn minh”; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chống bao biện, “lấn sân” làm thay. Hiện nay ở nơi này, nơi khác, địa phương này, địa phương khác, nhất là ở cấp cơ sở không phải không còn hiện tượng Đảng làm thay chính quyền, thay hội đồng nhân dân, những hiện tượng đó phải kiên quyết được khắc phục.
NGỌC THƯ
http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/www.qdnd.vn/Quoc-hoi-cua-Dang-va-cung-la-cua-dan/6305431.epi