Đỗ Hiếu, phóng viên RFA- Bắt đầu từ 7 giờ sáng nay cho đến 7 giờ chiều chủ nhật 22 tháng 5, 2011, trên 60 triệu cử tri cả nước đi bầu 500 đại biểu Quốc hội và hơn 3800 đại biểu Hội đồng Nhân Dân các cấp tỉnh, huyện, xã cho nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày hội toàn dân
Báo đài trong nước nói, đây là năm đầu tiên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân Dân các cấp được tổ chức cùng một ngày, thể hiện một sự đổi mới quan trọng, đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống pháp quyền nhà nước Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý dành nhiều chương trình, tiết mục, bài vở kêu gọi cử tri xem bầu cử hôm nay là một ngày vui, cử tri phải sáng suốt hoàn thành trách nhiệm và vinh dự của mình hầu chọn lựa những đại biểu có tài, đức, có tâm, thiện chí, nhiệt tình, sẵn sàng gánh vác công việc quốc gia, đại sự, tạo bước tiến quan trọng, để đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Trong một cuộc trao đổi với đài chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội đơn vị Lạng Sơn cho biết công cuộc chuẩn bị cho ngày toàn dân đi bầu đã hoàn tất:
“Vừa qua tôi có tham gia một số đoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng Bầu cử và của Ủy ban Thường vụ quốc hội, đi một số địa phương. Chúng tôi đánh giá các công việc chuẩn bị của địa phương là tốt, cũng có một số sai sót nhỏ, chúng tôi kịp thời góp ý để các địa phương điều chỉnh.”
Từ Saigon, bà Phước, một cử tri vừa đầu phiếu xong kể lại:
“Cũng lai rai, từ từ, chứ không đông nghẹt vậy, dặn sao, biểu sao thì làm vậy, chứ tụi em đâu có biết, về nhà em, em không rành, người ta biểu sao mình làm vậy thôi. Người nào đắc cử, chắc có lẽ cũng thông qua cho mình biết.”
Ông Liêm, một cử tri vùng Đông Hà, Quảng Trị nói về bổn phận của một công dân, trong ngày bầu cử Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân:
“Tôi ở vùng thôn quê, thấy bà con đi bầu cũng nhiều và rất êm ả, chứ không có gì trở ngại, còn ở thành phố thì chưa biết. Cái nớ thì tùy theo mỗi người họ nhận định, ai mà làm công dân thì cứ đi bầu theo chủ trương chung, mỗi người đều có nhận xét riêng, chứ còn không có ai ở nhà được. Vùng thôn quê thì họ cứ đi bầu, họ cứ học tập, mà đa số những người dân ít biết chữ, họ tới họ nhờ những người làm việc giúp, họ gạch, rồi bỏ (phiếu) thôi.”
Chuẩn bị treo băng-rôn tuyên truyền cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 22/5/2011. AFP Photo.
Đảng cử dân bầu
Cũng có những cử tri không đi bầu, bà Nguyễn Thị Lan, một ứng cử viên đại biểu quốc hội, bị hội đồng tuyển cử trung ương loại, nhất định không tham gia đầu phiếu:
“Bầu cử này chỉ mang tính chất hình thức thôi, bản thân tôi thấy là bị cướp mất quyền tự do, dân chủ, gạt tôi ra khỏi danh sách mà không có lý do gì, theo đúng luật. Những người bầu vào, thì theo sự lựa chọn, sự chỉ đạo của đảng cộng sản hết, chính vì điều đó cho nên tôi không đi bầu cử, cả gia đình tôi không đi bầu cử vì chúng tôi có đi bầu cử hay không thì cũng ghế nào, người đấy ngồi rồi. Không có cái ‘chính’ nào cả mà lại có ‘quyền’ cướp hết cái quyền dân chủ của chúng tôi, chẳng có cái ‘chính đáng’ nào cả mà có ‘quyền’ để đàn áp người dân.”
Một trong những người kêu gọi và vận động tẩy chay bầu cử, một vị lãnh đạo tinh thần, một trong các thành viên sáng lập khối Dân chủ 8406, từ Huế, linh mục Phêrô Phan Văn Lợi nói lên lập luận của mình:
“Cộng sản Việt Nam gọi ngày 22 tháng 5 là ngày hội của toàn dân, thực chất đó là ngày ‘ô nhục’ của đất nước, vì đây là cuộc bầu cử giả hiệu, chỉ tạo ra môt quốc hội gồm những ‘tôi trung của đảng’, đa số các ứng cử viên đều là đảng viên, có một số ngoài đảng nhưng được đảng chọn lọc rất kỹ, có cảm tình, dễ vâng lời đảng.
Trong tiến trình chọn lọc các ứng cử viên, có nhiều trò ngăn chặn những ai có thành tâm, thiện chí, cũng bị gạt ra không cho ứng cử. Ai không đến phòng phiếu sẽ bị gặp rắc rối, thậm chí tại nhiều nơi, các cán bộ còn trân tráo yêu cầu các người đi bầu phải bầu cho ai và không bầu cho ai nữa.
Nói tóm lại, cuộc bầu cử này vừa mang tính cưỡng bức, vừa mang tính giả tạo, lại tốn tiền của đất nước, 700 trăm tỷ đồng Việt Nam. Nó xứng đáng để bị người dân tẩy chay, cả mấy tuần nay, trên khắp cả Việt Nam, rất nhiều thành phố lớn, người ta đã thấy nhiều truyền đơn, biểu ngữ, tẩy chay bầu cử, dưới nhiều dạng khác nhau.”
Một trong những thanh niên, sinh viên, tham gia trực tiếp vào cuộc vận động yêu cầu tẩy chay cuộc bầu cử ngày 22 tháng 5, anh Hậu, là tên anh tự giới thiệu, với mong ước đất nước Việt Nam có ‘hậu vận’ sớm được tự do, dân chủ, cho biết về nguyên nhân, khiến anh và các bạn trẻ hành động như vậy:
“Cùng quý khán thính giả đài Á Châu Tự Do, từ những năm gần đây qua tiếp xúc được với những thông tin thật trên các trang mạng, em mới thấy được sự lừa bịp của đảng cộng sản Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam.
Đã qua 12 lần bầu cử của đảng cộng sản Việt Nam, anh thấy đó, người dân Việt Nam, luôn luôn lo sợ bị trù dập và gây khó khăn, cho nên họ phải đi bầu như một cái máy, là lớp trẻ, em nghĩ rằng, tương lai đất nước là tương lai của lớp chúng em, em phải tự sánh vai mình vào trách nhiệm đó, theo lời kêu gọi của các niên trưởng, chúng em phải vượt qua nỗi lo sợ để nói lên cho thế giới biết ‘trò hề bịp bợm’ của việc bầu cử Quốc hội cộng sản Việt Nam, vì vậy em đã thật sự mạnh dạn tham gia việc rải truyền đơn để tẩy chay bầu cử lần này.”
Tin tức phổ biến trên mạng cho hay một số cử tri vây quanh, phản đối phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Bắc Giang, vì ông không thực hiện đúng những gì đã cam kết, khi được bầu làm đại biểu quốc hội hồi năm 2007.
Mặt khác, người dân Hải Phòng cũng thắc mắc vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại ra ứng cử tại đơn vị 3 Hải Phòng? Là thủ tướng chánh phủ, không biết ông Dũng có hiểu rõ nhu cầu cấp thiết của cử tri vùng này hay không, để nói lên nguyện vọng của họ?
Theo dư luận thì, danh sách trúng cử vào quốc hội đã có sẵn chứ không cần chờ đến ngày chính thức công bố kết quả, chậm nhất là vào chủ nhật 29 tháng 5 tới đây.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/60-mil-voters-have-participated-dhieu-05222011144625.html