Đỗ Hiếu, phóng viên RFA - Sau tháng 4 năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc kết thúc, hòa bình được vãn hồi.
Nhưng cũng từ đó, đã có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, vì không chấp nhận chế độ cầm quyền Hà Nội, không chịu sự thống trị của chủ nghĩa công sản.
Làn sóng vượt biển, vượt biên tìm tự do bắt đầu từ năm 1976 và kéo dài suốt hai thập niên, gây chấn động dư luận toàn cầu, với hàng triệu người được đến định cư ở thế giới bên ngoài, nhưng cũng có hàng trăm ngàn người chìm đắm ngoài biển cả.
Bỏ xứ ra đi vì bị đàn áp
Đối với người Thượng Tây Nguyên, chuyện rời bỏ bản làng chỉ diễn ra dồn dập trong vòng gần 10 năm nay, khi Hà Nội mạnh tay đàn áp quyền làm người, xóa bỏ niềm tin tôn giáo, bằng súng đạn, nhà tù.
Từ trung tâm giam cầm những người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp, không giấy tờ tùy thân hợp lệ, Truyền Đạo Y Soái, sắc tộc Êđê, 37 tuổi, trước đây thuộc một Hội Thánh Tin Lành, Vùng Tây Nguyên kể lại với phóng viên Ban Việt Ngữ, có dịp vào nhà tù thăm một số người Việt:
“Em bị bắt vì không có giấy tờ, trong tù khổ lắm, lương thực, cơm nước không có đủ, mỗi ngày chỉ có mấy nắm tay cơm, phòng giam trên 100 người, chỗ nằm không có, bệnh tật nhiều lắm vì ở đây lây bệnh người này qua người nọ, dịch vụ y tế rất kém. Trong tù có người chết, có cả những trẻ em, đau bệnh ban đêm, không ai đưa mình đi bệnh viện, ai chưa từng sống nơi đây thì chưa biết được nỗi khổ này. ‘Trăm nghe, không bằng một thấy’, chỉ nghe thì chưa hiểu được nỗi khổ như thế nào.”
Một nữ tù nhân người Thượng khác, cô Ro Zohen ngồi tù đã gần 4 năm qua cho biết:
“Dạ, sắc tộc Êđê, năm nay cháu 26 tuổi, đã rời đất nước Việt Nam năm 2007, qua Thái Lan, không có giấy tờ nên bị bắt, giờ họ cứ để ở đây chứ không biết bao lâu nữa.”
Một thân, một mình ra đi, xa cha mẹ, anh chị em, bỏ quê quán, không biết sẽ về đâu, vì sao cô quyết định lên đường qua xứ Thái, cô Ro Zohen nói:
“Không chịu sự đàn áp của chính quyền Việt Nam cộng sản, nên phải bỏ nhà, bỏ người thân mà ra đi.”
Cô nhớ lại những cơn sóng gió bùng phát ở Tây Nguyên, với những cuộc biểu tình liên tục của người Thượng để đòi quyền sống và được tự do theo Đạo:
“Cháu cách trung tâm mà người ta đi biểu tình, năm 2001, mấy chục cây số cho nên vùng của cháu không đi biểu tình được, mới đi nửa đường bị người ta chặn hết, nhưng theo cháu được biết, người ta đàn áp rất mạnh, công an mặc thường phục đánh đập quá trời, dùng thuốc xịt hơi cay, đánh đập dã man có rất nhiều người chết, nhiều người bị bắt vào tù sau khi biểu tình.”
Bị cắt đứt mọi liên lạc với người thân vì có lần công an gây khó dễ cho cha mẹ của cô:
“Không liên lạc được vì cháu sợ nguy hiểm cho ba mẹ, sau khi qua đến Thái Lan, lâu thiệt là lâu mới liên lạc được với ba mẹ, chính quyền Việt Nam đã tới nhà ba mẹ cháu, mời đến đồn công an điều tra, rồi tịch thu điện thoại, sau đó ngày nào họ cũng tới nhà để điều tra, nên cháu không dám gọi điện cho ba mẹ.”
Truyền Đạo Y Soái cũng kể về những sự liên lụy mà gia đình anh gặp phải khi anh vượt thoát ra nước ngoài:
“Gia đình em gặp rất nhiều khó khăn, lúc ra đi, khi còn ở ngoài (tù), có nghe được tin tức ở nhà, vợ em bị công an bắt cóc trong lúc đưa con đi học. Ra khỏi cổng nhà, xe của cảnh sát, công an chờ cách cổng khỏang 100 mét, bắt lên phòng công an huyện, điều tra từ sáng tới tối, lúc con tan trường bữa thì không thấy mẹ, sau khi thả ra, vợ em vẫn bị mời liên tục.”
Mong thoát cảnh tù
Về nguyện vọng và mong ước, Truyền Đạo Y Soái trình bày tâm tư của mình và những người đồng cảnh ngộ:
“Những người tù chính trị ở đây ai cũng mong muốn được ra khỏi nơi này, được sống tự do bất cứ nơi nào mà UN (Liên Hiệp Quốc) đưa đi, đều chấp nhận, vì về Việt Nam không được, ở Thái cũng không được, mong sớm có giấy tờ. Về Việt Nam, thì không muốn trở vào tù như thế này đâu, rất nguy hiểm. Ở đây không ai giúp đỡ, có người ở tù rất lâu, có người 2 năm, người 4 năm, ốm yếu, chân tay còn xương không, mong chờ thế giới bên ngoài mà không ai ngó tới, không ai đến thăm.”
Cô Ro Zohen, đã một lần trải qua cuộc giải phẫu, nằm y viện ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, hy vọng cuộc sống cơ cực hiện thời sớm kết thúc:
“Mong các tổ chức có thẩm quyền giúp đỡ cho cháu, thoát ra khỏi cuộc sống trong nhà tù này để cháu có được tự do. Hoàn cảnh cháu đang chịu bây giờ, không biết mô tả như thế nào, vào đây nhiều khi họ không chiụ được, bị điên, bị khùng. Cháu bị nhốt cùng với mấy trăm người, không có đủ chỗ, nhiều khi phải ngủ ngồi. Có nhiều người bị ghẻ lở, ngứa, vì sinh hoạt không đầy đủ như ở ngoài. Con nói tiếng Việt không được rành, không trả lời được nhiều, mong được thông cảm.”
Số người Việt sang tỵ nạn tại Thái Lan rất đông, gồm nhiều thành phần khác nhau, như các nhà dân chủ, blogger, giáo dân Cồn Dầu, cùng tín hữu các tôn giáo khác, người Thượng, người Hmong, công nhân xuất khẩu lao động, họ trông chờ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cứu xét từng trường hợp, cấp quy chế ty nạn chính trị, để được nhận đi định cư tại một quốc gia thứ 3.
Có những trường hợp chứng minh được lý lịch, hoạt động trong quá khứ, hồ sơ hợp lệ, chờ đợi quá lâu, nhưng vẫn chưa được UN công nhận, nên họ nhờ cậy các tổ chức nhân quyền, nhân đạo, từ thiện, quan tâm đến số phận của họ, sống không nhà cửa, không việc làm, không giấy tờ và không có ngày mai.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/monta-live-in-thai-prison-dh-05172011171702.html