Thanh Phương (RFI) - Hôm qua 27/5, một quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết là đại diện của Bộ này đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối hành động của tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của một tàu Việt Nam trên Biển Đông.
Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 26/5 ở một nơi nằm cách mũi Đại Lãnh ( Phú Yên ) 120 hải lý, mà theo Hà Nội, hoàn toàn nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chiếc tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn tại lô 148 đã bị ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động và cắt đứt cáp thăm dò.
Trong bản công hàm trao cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, Việt Nam cho rằng hành động nói trên của Trung Quốc « Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC ) ». Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh « Không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam».
Cho tới nay, Trung Quốc thường xuyên bắt giữ các ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng biển đang tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây mà tàu tuần tra của Trung Quốc đụng độ với một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, ở một địa điểm nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam. Vào tháng 3 vừa qua, đã từng xảy ra đụng độ tương tự giữa tàu thăm dò của Philippines với tàu tuần tra Trung Quốc trên Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học Viện Quốc phòng Úc, được hãng tin Reuters trích dẫn hôm qua, nhận định rằng vụ mới xảy ra thể hiện sự leo thang của Trung Quốc trong hành động gây hấn với Việt Nam. Theo ông Carl Thayer, « Trung Quốc xác quyết một cách trơ trẽn chủ quyền của họ bằng những hành động như vậy, và họ có ưu thế về đội tàu để thực hiện điều đó».
Theo nhận định của hãng tin Reuters, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam càng khiến cho các nước láng giềng Đông Nam Á thêm lo ngại về thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong việc xác quyết chủ quyền trên Biển Đông.
Vụ này xảy ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines vừa cam kết là sẽ « hành xử có trách nhiệm » tại những vùng biển tranh chấp và tìm một giải pháp hoà bình cho các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Sau chuyến viếng thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo những vụ xâm nhập và đụng độ ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Theo các chuyên gia về an ninh, trên thực tế cuộc chạy đua vũ trang này đã diễn ra rồi. Nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đang tăng cường lực lượng hải không quân, mua thêm hoặc đặt mua thêm chiến hạm, chiến đấu cơ và tàu ngầm.
Vụ tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh mà Trung Quốc đang đẩy mạnh thăm dò và khai thác dầu khí vùng Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gay gắt của nước này. Theo báo chí Trung Quốc, ngày 23/5 vừa qua, một dàn khoan khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000 m đã được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc ( CNOOC ). Dàn khoan này sẽ được lắp đặt trên Biển Đông và sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí vào tháng 7. Nhưng hai nước Việt Nam và Philippines cũng đang đẩy mạnh thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, kể cả tại những vùng đang tranh chấp với Trung Quốc. Khả năng tái diễn các vụ đụng độ ngày càng lớn.
Qua hành động xâm nhập hải phận Việt Nam và cắt đứt dây cáp của tàu Việt Nam, có lẽ Trung Quốc muốn « nắn gân » để xem phản ứng của Việt Nam như thế nào. Nhưng mục đích cũng có thể là gây tâm trạng bất an cho các nhà đầu tư ngoại quốc đang hoặc có ý định hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Thanh Phương