M Goonan/Asia Times (Lê Quốc Tuấn. X CafeVN chuyển ngữ) - ... Các chuyên gia về an toàn công nghiệp cho biết, trên khắp đất nước, tai nạn tại các cơ xưởng lọc dầu, hầm mỏ và nhà máy là phổ biến hơn so với mức chấp nhận được... Tiềm năng về tai nạn hạt nhân và khả năng đáp ứng với rủi ro của chính phủ đã bắt đầu khiến các nước láng giềng phi hạt nhân - chưa kể đến các công dân của họ - phải lo lắng... Nhưng với tương lai tăng trưởng kinh tế và giấc mơ công nghiệp của ông Dũng đang bị hiểm nghèo, các mối lo lắng ấy sẽ phải rót vào những lỗ tai điếc...
*
Tin từ TP.Hồ Chí Minh - Tình trạng thiếu điện đang xảy ra có lẽ tiêu biểu cho trở ngại lớn nhất đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sức thu hút như một cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Theo ước tính của chính phủ, chỉ để cung ứng đủ cho nhu cầu, mỗi năm đất nước này sẽ cần phải thêm 4.600 MW công suất điện từ nay đến năm 2016.
Trong khi, nhờ thức tình từ trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng Ba đã hủy diệt các nhà máy hạt nhân ở Nhật, những nước khác trong khu vực đã suy nghĩ lại về chương trình điện hạt nhân của họ, Việt Nam vẫn bám chắc vào những kế hoạch đầy tham vọng của mình. Trong hai thập niên tới, với các trợ giúp từ Nga, Mỹ và Nhật, Việt Nam dự định sẽ xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân. Lò phản ứng đầu tiên, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đang được xây dựng.
Quyết định theo đuổi năng lượng điện hạt nhân của Hà Nội đã có từ giữa những năm 1990 khi những cải cách về thị trường bắt đầu bén rễ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020 trở thành một điểm đến chính trong lịch trình phát triển kinh tế của mình, nhưng nạn hạn hán tại các đập thủy điện và sự suy giảm nguồn cung cấp than đá đã gây nên nạn cúp điện thường xuyên và đặt tham vọng công nghiệp của ông Dũng vào sự ngờ vực.
Nạn cúp điện là căn bệnh kinh niên đặc hữu ở Việt Nam. Các tin tức địa phương năm ngoái đã cho thấy những trường hợp khách du lịch bị kẹt trong thang máy khách sạn giữa thời gian mất điện. Các máy phát điện tại những khu nghỉ mát sang trọng phục vụ cho khách ngoại quốc và tại các doanh nghiệp cao cấp khác cũng thường xuyên bị quá tải. Bloomberg đã trích lời ông Mattias Duehn, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Châu Âu, nói rằng "việc cắt điện ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam và có thể hướng các đầu tư đi nơi khác".
Trong khi những áp lực này đã thúc đẩy các kế hoạch hạt nhân của chính phủ, vẫn còn đó những lo ngại cả ở trong và ngoài nước về khả năng quản lý an toàn cơ sở hạt nhân của Việt Nam. Theo Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, tình trạng thiếu hụt cán bộ kỹ thuật sẽ là một trở ngại chính.
Một khó khăn khác là việc xử lý thiên tai. Vào tháng Mười năm ngoái, một tai nạn khai thác bauxite ở Hungary đã châm lại ngọn lửa tranh luận và chỉ trích về các kế hoạch xây dựng mỏ bauxite ở Việt Nam trong khu vực Tây Nguyên. Trước khi cơn sóng bùn đỏ độc hại gần tràn đến dòng Danube của Hungary, nhiều giới chức, gồm cả một số vị cao niên hưu trí và các viên chức Việt Nam vẫn còn phục vụ đã kêu gọi hãy tạm hoãn kế hoạch bauxite này.
Không rõ là các quan chức ấy có phản ứng tương tự như thế sau sự kiện gần đây ở Nhật Bản đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng hạt nhân và mối lo ngại về an toàn trên toàn thế giới về điện hạt nhân hay không. Thật vậy, cuộc tranh luận trong nội bộ về lợi hại của điện hạt nhân đã được tổ chức sau cánh cửa đóng kín và chúng ta không hề có nhiều thông tin trên báo chí địa phương.
Kể từ sau thảm họa hạt nhân của Nhật Bản, báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát đã đăng tải những bản tin có nội dung tái khẳng định kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân của chính phủ và nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các nhà máy "cũ kỹ" ở Nhật Bản với công nghệ hiện đại an toàn hơn sẽ được triển khai ở xứ sở này.
Điều này có nguyên nhân từ việc được biết là các báo chí địa phương đã xem các kế hoạch hạt nhân của chính phủ là vấn đề "nhạy cảm", nghĩa là các nhà báo sẽ phải chấp nhận rủi ro nếu đưa tin lạc đường lối của chính phủ. Tuy nhiên, các tin tức đã có gây ra một số hoảng loạn. Vào tháng ba, một số bản tin sai trái cho rằng mưa phóng xạ từ thảm họa ở Nhật Bản đã rơi xuống thành phố Hà Nội khiến các bậc cha mẹ phải đổ xô đến trường để đón con cái của họ về.
Vương Hữu Tấn, viện trưởng viện Năng lượng hạt nhân của Việt Nam, đã tái khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng các tai nạn ở Nhật Bản không làm thay đổi kế hoạch xây dựng một số lò phản ứng hạt nhân ở Việt Nam. "Chúng tôi hiểu được bản chất của vấn đề ở Nhật Bản", ông Tấn cho biết. "Họ sử dụng các loại lò phản ứng cũ, được xây dựng cách đây 40 năm ... các thiếu sót ấy đã được cải thiện ở các lò phản ứng thế hệ mới".
Ông nói thêm rằng những mối đe dọa tiềm năng từ các trận động đất, sóng thần và biến đổi khí hậu sẽ được tính đến trong thiết kế của các lò phản ứng.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề đặc biệt cấp bách, với việc các nhà khoa học về môi trường đổ lỗi cho một loạt các khó khăn mới xuất hiện, bao gồm sự gia tăng các cơn bão và thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, mực nước biển dâng cao dọc theo bờ biển dài của đất nước và việc nước mặn xâm nhập vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long nơi gieo trồng phần lớn các vụ mùa của đất nước.
Tất cả các cơ quan quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, Oxfam và Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc, đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhất bởi sự biến đổi khí hậu. Có thể cho rằng điều này đã góp thêm tai ương trong việc gia tăng điện năng của đất nước này.
Theo Cơ quan Quản trị Thông tin về Năng lượng của Mỹ, các trận hạn hán năm ngoái và các sự kiện này đã hạ thấp đáng kể mức nước trong các đập thủy điện, vốn chiếm 20% - các tính toán khác còn tính cao đến 40% - tổng cung cấp điện năng của đất nước. Trong khi đó, nguồn cung cấp than trong bản địa đang suy yếu, buộc đất nước phải bắt đầu nhập khẩu điện từ kẻ thù lịch sử của mình là Trung Quốc.
Tất cả những yếu tố này đã đưa đến sự cương quyết của các quan chức và việc thiếu vắng các cuộc tranh luận công khai về phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên các nhà phân tích còn cảnh báo rằng hiện nay Việt Nam không có cơ sở hạ tầng hoặc khả năng chuyên môn để đảm bảo một cuộc chuyển tiếp hạt nhân êm thắm. Bên cạnh việc cung cấp điện không thống nhất, họ còn lưu ý đến việc nhiều tuyến đường trên cả nước vẫn còn trong trạng thái cổ quái và hệ thống thoát nước không thể xử lý được những cơn mưa lớn.
Các chuyên gia về an toàn công nghiệp cho biết, trên khắp đất nước, tai nạn tại các cơ xưởng lọc dầu, hầm mỏ và nhà máy là phổ biến hơn so với mức chấp nhận được. Đồng thời, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng bão nhất trong khu vực; riêng các khu vực Trung Bộ đã bị bão nhiều và lớn hơn trong những năm gần đây.
Trong khi chính quyền có xu hướng phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa bão, cơ chế đáp ứng tổng quan của đất nước đối với các thảm họa chẳng những không tập trung mà còn thiếu phối hợp nữa. Ví dụ như, các trận động đất thì do một cơ quan chính phủ đảm trách, trong khi sự cố tràn dầu khí lại được một cơ quan khác xử lý. Cũng không có một cơ chế trung ương hoặc một chiến lược thống nhất để xử lý các thảm họa về công nghiệp.
Tiềm năng về tai nạn hạt nhân và khả năng đáp ứng với rủi ro của chính phủ đã bắt đầu khiến các nước láng giềng phi hạt nhân - chưa kể đến các công dân của họ - phải lo lắng. Một cuộc biểu tình chống hạt nhân đã được tổ chức bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok vào tháng Tư, với việc một người phản đối đã đệ trình một lá thư trình bày nỗi lo sợ vì nhà máy hạt nhân đầu tiên được xây dựng tại Ninh Thuận sẽ chỉ cách biên giới Thái Lan 800 km.
Nhưng với tương lai tăng trưởng kinh tế và giấc mơ công nghiệp của ông Dũng đang bị hiểm nghèo, các mối lo lắng ấy sẽ phải rót vào những lỗ tai điếc.
M Goonan, là bút hiệu của một nhà báo tự do tại Việt Nam.
Nguồn: Asia Times