Viết tặng các bloggers S, PBT, Sphinx, PN và các bạn tôi tham gia biểu tình hôm 5/6/11 và 12/6/11. Các bạn là thần tượng của tôi.
Biển Đông đang dậy sóng, thứ sóng tham vọng của chủ nghĩa bành trướng đại Hán. Những giọt nước mắt Việt Nam đã bắt đầu ứa ra từ biển Đông. Báo chí VN, năm thì mười hoạ mới đăng những tin ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công, đâm chìm, bắt người đòi tiền chuộc.
Trước thái độ xâm lăng trắng trợn, càng ngày càng hống hách của bọn Tàu cộng ở biển Đông, trước những cái chết thảm khốc của ngư dân Việt, những kẻ lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng Sản “bách chiến bách thắng”, những tướng lãnh của cái quân đội lúc nào cũng dương dương tự đắc là “kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã hoàn toàn bất lực.
Những khuôn mặt hốc hác, hoảng loạn, đầy thương tích của các ngư dân Việt Nam nghèo khổ về từ cõi chết, chẳng làm động lòng trắc ấn của những lãnh tụ chóp bu trong bộ chính tri. Buồn thay , khi đất nước đứng trước hiểm họa diệt vong đến từ phương Bắc, thì đại bộ phận người dânViệt Nam vẫn hoàn toàn thờ ơ, một phần vì họ bị chính quyền cộng sản toa rập với kẻ thù bưng bít hết mọi thông tin, phần khác sau hơn 60 năm cai trị, đảng CS đã tiêu hủy mất lòng tự hào và kiêu hùng của dân tôc Việt. Người dân đã an phận sống trong kiếp nô lệ dưới sự cai trị man rợ của CS. Tệ hại hơn là người dân Việt đã khoán trắng việc bảo vệ đất nước cho đảng CS. Cảnh những người lính hải quân VN bị giặc Tàu xả súng giết ở Trường Sa làm lạnh gáy người xem, hay cảnh những ngư dân bị bắt trên lãnh hải Việt Nam bị bọn Tàu hành hạ, người Việt chỉ đuợc biết qua các hình ảnh trên internet do chính kẻ thù cung cấp để bôi nhọ dân tộc chúng ta. Có thể nói rằng, chính kẻ thù đã cung cấp những chi tiết chính xác nhất về tội lỗi làm ô nhục oai linh tổ quốc của đảng Cộng Sản VN.
Hôm nay, xin mời bạn theo nhà báo Trần Tiến Dũng đến Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, một tỉnh ven miền Trung, để thấy trên 2000 km biền của Việt Nam đã trở thành biển chết. Biển của chúng ta hôm nay là BIỂN MẤT NƯỚC.
Về miền Trung những ngày biển Ðông “dậy sóng”
Ðêm áp thấp ở duyên hải Trung Phần
Một giờ khuya, chiếc xe đò hiệu Liên Thành dừng lại cho khách ăn khuya ở một quán bên đường thuộc địa phận Phan Thiết. Tôi vào quán, gió khuya vùng biển thổi áp người. Một vùng áp thấp mới vừa hình thành ở biển Ðông.
* Trong quán cơm khuya
Theo thông lệ, cánh tài xế là những người có bữa ăn khuya thịnh soạn nhất. Từ ngoài có thể nhìn thấy bữa ăn họ gồm đủ ba món canh, xào, mặn dành cho người khá giả. Những món như mực xào, lẩu cá bóng biển, tôm rim... với dân miền biển và du khách, không phải là đặc sản cao cấp gì.
Nếu ai dám tiên đoán vào một ngày không xa những món hải sản bình thường nhất sẽ trở nên đắt giá đều sẽ bị cho là người dựng chuyện nói láo hoặc điên khùng. Bây giờ mà nói với họ về bữa ăn trong một ngày nào đó của các gia đình bình thường người Việt Nam sẽ chỉ toàn là những đồ hải sản vụn thì có lẽ họ sẽ cho là đồn nhảm, dù qua các phương tiện thông tin nhiều người có biết việc Trung Quốc cấm biển xa, việc ngư dân bị bắt đòi tiền chuộc, tin xấu lan truyền rằng “tàu lạ” liên tục đâm chìm các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam.
Gió vẫn cứ áp vào mặt những người khách đường dài. Tôi ngồi ở một góc quán và nghe bên tai vang tiếng đấu hót của nhóm sinh viên trường Ðại Học Hồng Bàng đang đi nghỉ Hè. Một nam sinh viên đang nói đến viễn cảnh đi du lịch nước ngoài của mình, cô gái bạn của anh hỏi rằng anh lấy tiền đâu mà đua đòi với con cái các đại gia. Cô không tin, nhưng một chàng trai khác trong nhóm nói “Mày mơ lên đời để được đi chớ gì, quên đi con, kiếp trâu bò cười với mày thì có.”
Anh chàng sinh viên mơ đi du lịch nước ngoài lại nói. “Tại sao mày chắc tao không cưới được con đại gia .Tao còn tính mua du thuyền đi du lịch nữa là.” Một cô gái khác trong nhóm nói với vẻ mặt suy tư. “Ðừng nói xạo nữa đi, dám ló mặt ra biển Trung Quốc nó bắt hết, có tiền chuộc mạng không mà tía lia cái miệng.” Câu nói phát xuất từ thực tế trên làm cả nhóm im lặng.
Rõ ràng là trong tâm tư những người trẻ này có lo lắng về số phận biển Ðông. Nhưng tâm lý công dân về chuyện này có một điểm tiêu cực chung là: Biết Trung Quốc đang cướp biển của dân tộc, biết thì ai cũng biết nhưng không được phép nghĩ, không được phép bàn, lâu ngày sinh tâm lý chỉ chờ coi giống như coi phim cướp biển hay giống như nghe người già kể chuyện ma chuyện quỉ.
* Viễn cảnh biển tối
Tôi kêu tính tiền, dĩa cơm khuya của tôi với món mực xào dưa leo được tính giá 45 ngàn đồng. Ở Việt Nam, nếu nhà xe tấp vào quán nào là người đi xe bắt buộc phải ăn, không ai có quyền chọn lựa và rất lạ là ít ai thắc mắc chuyện mắc hay rẻ, mọi người cứ ngơ ngơ mở túi tiền ra cho chủ quán tha hồ móc, na ná như chuyện một phần biển Ðông của tổ tiên bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm rồi, ngư dân Việt Nam nào dám vào sẽ bị bắt đòi tiền chuộc. Chuyện vô lý đến mức tưởng như có thể gây căm phẫn nhưng ai ngờ chỉ tạo được hiệu ứng tâm lý là: Miễn chính mình không bị “chém đứt đầu” là mừng.
********
Từ dĩa cơm với vài miếng mực xào, tôi bỗng nhớ đến chuyện truyền hình quốc gia VTV, trong mục thời sự, có đưa tin việc mực đông lạnh đã thúi sình được nhập khẩu, tất nhiên truyền thông nhà nước không nói rõ quốc gia xuất xứ, nhưng mọi người dân đều đoan chắc là từ Trung Quốc. Những container mực thúi sình này sau khi vượt qua biên giới được dân kinh doanh bất lương ở Hà Nội cho tắm tẩy bằng oxy già, loại dùng để rửa vết thương rồi tung ra thị trường trở thành hàng hải sản cao cấp.
********
Ở một quốc gia có gần hai ngàn cây số bờ biển, hiện nay có hàng triệu ngư dân ngày ngày bám biển mà phải chịu ăn mực đông lạnh đến thúi sình thì đau xót quá. Tôi đoán chừng mấy lát mực tôi đã ăn với giá cắt cổ không chừng cũng nằm trong diện được nhập khẩu rồi chế biến bằng thuốc rửa ghẻ. Tôi có một cậu em, cậu em này kể, từ vùng biển Phan Rang người anh bà con điện vào nói đã gởi theo xe đò vô cho mấy ký mực tươi và vài con cá mặt quỉ. Sau khi cậu em tôi ra bến xe đò miền Ðông nhận về một cái thùng xốp nhỏ, khui thùng ra, số mực và cá còn tươi rói, bữa cơm ngày đó của gia đình của cậu em được ăn món biển tươi chính hiệu.
********
Cậu em nói, “Mấy đứa con em sau khi thè lưỡi nhe răng ăn thử món mực hấp gừng, tưởng nó khen mực tươi Phan Rang ngon, ai dè nó nói. Mực gì mà nhai ghê miệng quá, chắc là mực tẩy oxy giống trên tin truyền hình. Sau đó không đứa nào thèm đụng đũa nữa.”
Nhiều người, nhất là tuổi trẻ ngày nay, có khi không còn phân biệt được đâu là thực phẩm độc hại, đâu là thực phẩm tươi sạch. Nhưng đó không phải là lỗi ở họ, bởi đất nước đang phải đối diện với một sự thật kinh người là cả vùng biển bao la bát ngát của tổ quốc, những vùng biển giàu tài nguyên hải sản nhất, những vùng biển xa quanh các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đã và sẽ tiếp tục bị Trung Quốc cấm khai thác.
*********
Chủ nghĩa Ðại Hán mà nhà cầm quyền độc tài Trung Quốc đang theo đuổi một khi ra lệnh cấm biển đối với ngư dân Việt Nam, điều đó có nghĩa là các bữa ăn bình thường của từng gia đình nghèo người Việt, trước mắt và tương lai chỉ còn lại những mớ hải sản vụn, loại trước đây chỉ để làm nước mắm loại rẻ tiền và làm thức ăn gia súc.
Việc thay đổi thực phẩm trong từng bữa ăn của người Việt Nam có thể là hiệu quả của việc hội nhập kinh tế toàn cầu, những mác hàng có xuất xứ đa quốc gia đang ngày càng nhiều đã cho phép người tiêu dùng thêm quyền chọn lựa. Chuyện củ cà rốt, bắp cải, su hào... nhập cảng từ Trung Quốc giết chết hàng trong nước thì dù đau lòng nhưng phần nào đó cũng là lẽ thường của sự cạnh tranh. Vấn đề ở đây chính là tài nguyên từ biển Việt Nam lại bị Trung Quốc độc chiếm, cấm người Việt Nam khai thác và từ đó những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ tài nguyên biển của tổ tiên trớ trêu thay lại chính là lợi nhuận của “tàu lạ”.
Ngoài trời mưa từng đợt bởi ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới vẫn tiếp tục ập tới. Chuyến xe đêm đi qua những đoạn quốc lộ xốc dằn như một con thuyền tròng trành trong gió bão.
Câu chuyện tivi buổi sáng
Sau khi chào hỏi cả nhà cậu em bà con, tôi được mời nằm võng nghỉ lưng. Gia đình cậu em đang mở tivi, tôi bỗng nhiên giật mình khi phát hiện cả nhà người em họ đang coi một bộ phim tìm hiểu lịch sử Trung Quốc. Ở Việt Nam, phim Trung Quốc dã sử và hiện đại luôn chiếm vị trí hàng đầu về thời lượng của hàng chục đài truyền hình là không lạ. Nhưng trước mắt tôi là cảnh phim kể về chuyện hai người trẻ yêu nhau rồi cùng đưa nhau vượt bức tường thời gian để trở lại thăm viếng địa danh, những sự kiện trọng đại của lịch sử Trung Hoa.
Trong phim lúc này là cảnh hai người trẻ thời hiện đại đang rơi vào giữa vùng chiến trận của xứ Ðông Ngô vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên. Tôi nghĩ đến việc ở Sài Gòn các doanh nghiệp thay vì tốn tiền quảng cáo, họ kết hợp với chính quyền phát động phong trào “Dân Ta Học Sử Ta”, sau đó những cờ phướn, áp phích, ghi tên cách danh nhân và những sử liệu treo đầy cây xanh, cột đèn trong sự hờ hững của người đi đường, trong gió mưa nắng cháy. Ngược lại, hàng ngày, hàng giờ từ tivi của mỗi gia đình Việt Nam, các bộ phim Trung Quốc cứ ngang nghiên quảng bá hình ảnh chủ nghĩa Ðại Hán từ cổ xưa đến hiện đại trong sự tò mò thích thú.
Cảng cá trong buổi sáng không nắng
Cậu em họ chở tôi đi cảng cá Ðông Hải. Trước mắt tôi cái cảng cá vào loại lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận này vẫn tràn ngập sắc màu của tàu thuyền. Sự tấp nập của cảng cá là nét bình thường của dân vùng biển. Cậu em họ nói, “Ðể em kiếm vài con cá bò hòm về trưa anh em mình nhậu. Hôm gởi vào anh mấy con cá tắc kè, nhưng loại đó không ngon bằng cá bò hòm đâu. Dân biển lưới được cá bò hòm là để lại ăn không bán.”
Cậu em họ tôi làm nghề mộc, nhưng sinh ra ở vùng này chắc là sành những thứ đặc sản riêng của dân biển. Hôm cậu ấy gởi vào mấy con cá mặt quỉ, thật ra đó không phải tên đúng của loài cá đó, nhưng trên mâm nhậu chúng tôi nhìn thấy con cá có mặt xấu quá nên tự gọi là cá mặt quỉ, lúc ra đây rồi mới biết đó là cá tắc kè. Các loại hải sản cao cấp ở các nhà hàng sang trọng Sài Gòn lúc này đều có giá rất đắt, nhưng giá đắt không phải là do quí hiếm mà là do phải nhập cảng.
Ở Sài Gòn người ta có thể ăn đồ hải sản từ Úc, Châu Phi hay cả các vùng biển lạnh cực Bắc, nhưng khó có cá bò hòm, cá tắc kè, ốc vôi... những loại này có lẽ đã trở thành phần thưởng của biển dành riêng cho dân đi biển của mỗi địa phương.
Sau khi đi cả khu chợ không kiếm được con cá bò hòm nào, chúng tôi phát hiện một bà bán cá có bán mỗi một con cá tắc kè. Khi hỏi thăm bà để mua thêm, bà nói, “Có một con thôi, về nướng nhậu đỡ đi. Ðời bây giờ ở đâu mà có nhiều.”
Những vùng biển ven bờ ngày càng cạn kiệt còn biển xa thì đã thuộc quyền của Trung Quốc. Và một điều đáng suy nghĩ là phải chăng đến một con cá ngon, cá lạ “ truyền thống” của ngư dân Việt Nam mà còn bị tước đoạt, bị thay đổi xuất xứ chủ quyền thì huống gì số phận các chiếc tàu cá và các ngư dân.
********
Một bà bán cá gần đó thấy chúng tôi lăng xăng tìm cá đặc sản, bà chỉ vào mấy bao cá nhỏ, mời chúng tôi mua. Bà nói nửa đùa nửa thật, “ Tập ăn đặc sản này đi. Chiên xù hay nấu ngót đều ngon. Mai mốt Trung Quốc nó ăn hết có đâu mà kén chọn.” Loại cá mà bà bán không một xứ giàu tài nguyên biển nào lại nỡ khai thác, loại cá mà ngay cả bà cũng không biết tên, chúng nằm chồng chất trong mấy cái túi ni-lông, những con nằm sát bao, mở to những đôi mắt viền đỏ như oán trách.
Từ những đôi mắt các con cá đã chết trong bao nhựa trắng đục khiến người ta không thể không nghĩ rằng, ngay từ hôm nay, để đủ thực phẩm nuôi sống cho số dân trên 80 triệu, và số sinh mỗi năm tăng hơn cả triệu người, thì chắc rằng trong vùng biển ít ỏi còn lại của chủ quyền Việt Nam, những đàn cá nhỏ vô tư bơi lội để trang điểm cho cho vẻ đẹp của biển cũng đến hồi vắng bóng.
Ngư dân và mặt biển không bình yên
Chúng tôi đi về phía phải của cảng cá, nơi có các vựa cá lớn, cũng là nơi có những người làm nghề lựa mực, lựa cá thuê. Toàn cảnh khu này trông như một xí nghiệp ngoài trời và đó là một nét chấm phá sinh động khác của đời sống một tỉnh nghèo trong những ngày biển động.
Cậu em họ bà con vỗ vai tôi, tay cậu chỉ về phía một đống cá đen ngòm, nếu không có màu máu cá tươi vương vãi thì trông đống cá này giống hệt những miếng gỗ vừa mới được cưa xẻ. Cậu em nói, “Cá nạn đó anh, trông ghê chưa, đây mới là phần đầu của con cá.” Tôi ngạc nhiên khi nghe tên loài cá này. Nhiều lần hỏi lại cậu em để tránh gọi sai, giọng dân Phan Rang không khó nghe lắm, nhưng tôi muốn cậu em đánh vần cho chắc ăn, nhưng cậu em nói, “Anh cứ kêu là cá nạn như em cho rồi. Ai biết viết sao cho đúng chính tả.”
Tôi hiểu đây cũng là một loại cá đuối nhưng to lớn hơn những loại cá đuối mà dân Sài Gòn nhìn thấy ở siêu thị hay trên truyền hình. Dù không muốn khiên cưỡng gán ép nhưng tên loài cá này vẫn khiến một người lạ như tôi liên tưởng đến những vấn nạn đang chực chờ những người làm nghề biển, những vấn nạn có nguyên nhân từ những tham vọng lãnh thổ của chủ nghĩa đại Hán. Trên sân cá, một người thanh niên đang gắng sức đưa những miếng cá nạn lên xe ba-gác, máu cá tươi dính đầy người cậu, máu thấm loang cả một khoảng sân cảng cá.
Những vấn nạn của đời ngư dân
Chúng tôi đến nhà anh C. trong một xóm chài gần cảng cá. Buổi sáng, xóm chài này thật yên vắng, những người đi biển về trong đêm ngủ tràn ra cả sân nhà trong thời tiết oi bức ngột ngạt. Chúng tôi đánh thức anh C., nhà anh trống hoác, trên nền gạch của căn nhà nhỏ mới xây chỉ thấy mền chiếu và vài người đàn ông đang ngủ lăn lóc, ngoài ra không thấy vật dụng sinh hoạt gì.
Ở quán cà phê mà chúng tôi uống chỉ có bàn chúng tôi và một bàn khác gồm khoảng năm người đàn ông, qua hỏi thăm họ đều là dân làm nghề biển. Anh C. kể, “Ðáng ra giờ này tôi ở biển chớ đâu có ở nhà, biển thất quá nên nấn ná lại vài hôm. Dân Phan Rang chưa có ai bị nạn, nhưng ngoài Quảng thì tôi có nghe mấy vụ bắt tàu, đâm tàu, sợ lắm, nhưng bỏ biển thì lấy gì sống, tôi có sáu thằng con trai cùng làm nghề, tụi nó đâu có học hành hay nghề nghiệp gì khác.”
Anh vừa nói vừa rít thuốc lá, vẻ mặt anh bình thản, vẻ bình thản lạ lùng của người dầy dạn cả đời chỉ biết hướng mũi tàu theo các luồng cá, bất chấp mọi hiểm nguy. Anh cho biết, chỉ từ Tháng Giêng đến Tháng Tư anh mới liều đi biển hướng Ðông Bắc, những tháng còn lại không dám ra vùng biển quanh Hoàng Sa vì sợ bão và sợ Trung Quốc. Ngư trường quen thuộc của anh ở phía Ðông Nam, gần các vùng biển chồng lấn với Indonesia và Malaysia, từ vĩ tuyến 12 trở vào tuy biển chật, ít cá lớn nhưng an toàn hơn.
Anh nói, “Malaysia và Indonesia có cho dân Việt Nam khai thác biển của họ với điều kiện phải ký hợp đồng, tiền thế chân là hơn 30 ngàn đô la, mỗi tháng đóng thuế cho họ tới hơn 1,600 đô la, ai giàu mới dám chơi. Nhưng thường là chơi với Malaysia, chớ Indonesia khó chơi lắm, mà họ có cho mình đánh bắt thoải mái đâu, họ khoanh vùng có tàu họ kiểm soát, thành ra cũng vậy thôi. Tụi tôi cứ canh không thấy tàu tuần là vào, mà cũng dễ canh tàu tuần của họ lắm, bởi tàu tuần đi tới đâu thì có máy bay theo đó, từ xa cũng thấy.”
Từ chuyện anh kể chúng tôi phần nào hình dung được chuyện mưu cầu cơm áo của ngư dân nghèo trên vùng biển hạn hẹp và cạn kiệt của lãnh hải phía Nam. Thật không hiểu nỗi vì sao với cả một vùng biển chủ quyền như vậy mà thể chế hiện hành vẫn không làm gì, cứ bỏ mặc ngư dân tự bơi, tự thích ứng với những luật lệ khắc nghiệt của các quốc gia có chung quyền lợi biển ở các vùng chồng lấn. Ngư dân Việt Nam vốn hiền lành và biết tôn trong luật lệ, nhưng vì sao để họ phải vì miếng cơm manh áo mà biến thành dân chợ trời trên biển.
Trở lại chuyện những tàu bị nạn ở vùng biển quanh Hoàng Sa anh C. kể, “Cứ canh không có tàu tuần là chờ tới đêm là vào khai thác. Biển của mình mà tụi nó bắt mình rồi đòi hối lộ. Dù không thấy cờ nhưng ai cũng biết đó là tụi Trung Quốc, tụi này đòi ăn hối lộ thì tổ cha hơn thiên hạ. Mỗi lần bị chúng bắt là phải hối lộ cả ngàn đô mới được thả. Ði biển cũng giống như anh đi xe trên đường vậy. Bị bắt mà không đủ tiền hối lộ kể như là tiêu, thành ra lúc nào cũng phải có đô la lận lưng. Tụi Tàu nó thấy đô la mặt giãn ra như thấy thần thấy thánh.”
Chúng tôi hỏi lại anh rằng nếu ai cũng đem theo tiền hối lộ thì sao vừa rồi ngoài Quảng có mấy chiếc tàu bị Trung Quốc đâm, ngư dân bị bắt đòi tiền chuộc. Anh C. thở ra một hơi dài, nói, “ Xứ Tàu nó cũng giống xứ mình vậy thôi, lâu lâu cấp trên nó mở chiến dịch thì nó cũng phải làm gắt. Nó phải bắt bớ phải hành hạ người ta nó mới yên chỗ để tiếp tục nhận hối lộ chớ. Chỉ giận là giận mấy ông nhà mình giỏi toe toe cái miệng mà chẳng dám làm gì.”
Chúng tôi mời anh C. buổi chiều vào thành phố uống vài chai bia. Anh C. từ chối cho biết chiều nay anh đi biển. Với một người sinh trưởng trong một dòng họ truyền đời là ngư dân như anh, biển của tổ quốc dù có muôn vàn cạm bẫy, hiểm nguy vẫn cứ là nơi duy nhất cung cấp nguồn sống. Nếu khát khao của anh chỉ là được làm nghề bình yên trên biển thì ngược lại những vấn nạn từ cái xấu và điều ác đang bủa vây như hiện nay lại từng ngày từng giờ đe dọa hút cạn kiệt tài sản và sinh lực của anh.
Không có gì là quá đáng khi cho rằng cái thời mà biển Việt Nam bình yên và giàu có đã vĩnh viễn trôi qua.
(Ngưng trích)
**********
Những thảm cảnh của ngư dân Việt Nam chẳng làm động lòng trắc ẩn những người lãnh đạo CS hèn mạt. Thôi thì, tôi và những người tuổi trẻ thế hệ tôi, vì nỗi ngậm ngùi của dân tộc mà cất tiếng nói, mà chiến đấu. Qua những cuộc biểu tình xuống đưòng vừa rồi, chúng tôi chỉ muốn bày tỏ sự phẫn nộ trước tên bành trướng xâm lược, chúng tôi không muốn có chiến tranh, nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc. Vậy mà, chúng tôi đã ăn đá, ăn đạp, ăn dùi cui, ăn những cú lên gối tận tình tàn bạo của an ninh chìm, an ninh nổi. Những tên côn đồ, du đãng, đội lốt “công an nhân dân” và tinh thần bảo vệ chế độ của chúng đã giết chết nhiệt tình của tuổi trẻ, đã dồn chúng tôi vào bước đường cùng. Chúng tôi chiến đấu trong cô đơn, nhưng vẫn tin chắc có ngày:
“Kèn tự do đắc thắng nơi nơi;
Khai mạc bình minh, khai mạc cuộc đời;
Ôi tôi sống và tôi chờ đợi;
Ngày triệu triệu trái tim bùng nổ tung trời…!”
Lỗ Rốn,
17/6/11