Yêu nước mình: Trọng tội ở đất nước chỉ có Thơ Một Vần : Việt Nam - Dân Làm Báo

Yêu nước mình: Trọng tội ở đất nước chỉ có Thơ Một Vần : Việt Nam

Mặc Lê - Đọc 2 ấn phẩm mới nhất của nhà xuất bản Giấy Vụn: “Bài thơ Một Vần” tác phẩm thơ Bùi Chát, và “Bài thơ của một người yêu nước mình” tác phẩm thơ Trần Vàng Sao


1.
Niềm Chung Riêng Của Hai Thế Hệ Lịch Sử:

Chỉ trong tháng 11, mà đọc liên tục hai tập thơ đều… có trọng lượng tương đối khá, thì quả tình hơi bị mệt!

Tuy nhiên, một sự mệt có ý nghĩa và cần thiết! Giống như được làm tình với hai người phụ nữ đẹp… liền tù tì!
Tôi cam đoan một số quí vị “đạo đức” lỡ đọc bài này đang chau mày và mắng thầm là thằng cha viết về thơ, về một thứ “linh thiêng” lại bằng giọng điệu gì đâu, không nghiêm túc!

Xin quý vị “đạo đức” này vui lòng… ngưng đọc! Và đừng đọc nữa!

Ở một đất nước như thế này, đất nước Việt Nam … luôn kiên cường chống giặc (đủ thứ giặc! Trong đó thứ giặc gian manh và ngu dốt là… kinh khủng nhất!), mà cứ luôn nghiêm túc, chắc chết và chết chắc!

Ở một tổ quốc mà:

Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người

Tổ quốc!
. . . . . . . . . . . .

Thế giới cũng vút lên bằng bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót

(Bùi Chát. Bài Thơ Một Vần. Rồi, tôi, trang 38)

Và:

tôi yêu đất nước này những buổi sớm mai
không ai cười không tiếng hát trẻ con

(Trần Vàng Sao. bài thơ của một người yêu nước mình, trang 11)

tôi không thấy gì nữa
tôi la thật to
và bước ra ngoài sân khấu
tôi rớt hoài trong một vũng đen sâu
trời vẫn không mưa được cho mát

(TVS. Như trên, khoảng trống ngoài sân khấu, trang 19)

Trước đây, Bùi Chát đã từng giễu cợt và giễu nhại ở rất nhiều trong những bài thơ và những tập thơ một cách nghiêm túc!

Còn Trần Vàng Sao trong BTCMNYNM đã nghiêm túc một cách giễu cợt qua bao năm tháng đọa đày!

Cứ tưởng tượng một nơi mà buổi sáng chung quanh không có một nụ cười và hoàn toàn vắng tiếng trẻ con!!!
Thì còn gì để mà thấy! Con người (những con người thực sự) chẳng có chọn lựa nào khác và điều tất yếu là phải bước ra (hay bị đẩy ra) khỏi sân khấu cuộc chơi cuộc đời cuộc sống… và rớt hoài rớt mãi trong một vũng tối đen sâu!

Và văng vẳng bên tai là tiếng nói của bầy súc vật, đang mơ hành vi của những con người!

Bởi niềm tin đã được đặt nằm dưới gót!!!

Những gì còn lại cực kỳ chua sót và thảm thê. Và có thể đặt tên cho nó là gì: những cái còn lại?

im
im đi
hãy im đi và dong hai tay lên
không được động đậy
tất cả là thù
tất cả đều đói
tất cả đều thèm ăn
tất cả không có máu
tất cả không có cơm
tất cả bị đàn áp
tất cả đều ở tù
tất cả đều câm
tất cả đều mù
tất cả đều ngu
tất cả là Việt Nam
còn lại là
tau
những thằng tau
những thằng tau
những thằng tau
bí danh
muôn năm
muôn muôn năm

(TVS. Như trên, A Di Đà Phật, trang 68)

Tất cả đều phải bị khống chế hoặc biến chất hay biến mất! Chỉ còn lại là “những thằng tau”. Những “thằng tau” nuôi giấc mơ “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” theo kiểu Đông Phương Bất Bại của Kim Dung! Những “thằng tau” thống trị kiểm soát kềm chế con người của cả một dân tộc bằng thứ lề thói giáo điều bẩn thỉu đê tiện và ngu si nhất của một chủ thuyết ngợi ca Lao Động (chân tay) nhưng tác giả của nó [Karl Marx: 1818-1883] lại chẳng hề có một ngày lao động (chân tay) nào trong đời:

-Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
-Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
-Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được suy nghĩ khác với các ông nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
-Các ông cho chúng tôi được ghét các ông chống đối các ông nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được là người Việt Nam nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
. . . . . . . . . . . . . .
-Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!

(BC. Như trên, Thói, trang 18, 19, 20, 21, 22)

Đấy không phải là những lời xin xỏ! Mà là những lời tuyên ngôn.

Thế hệ Trần Vàng Sao sinh năm 1941 đã bị mất hết, mất tất cả! Đến thế hệ Bùi Chát sinh cuối thập niên 70 thế kỷ trước, 1979, Bùi Chát muốn đòi lại tất cả, tất cả những cái mà anh, cha, ông mình, những thế hệ đi trước đã bị tước đoạt, và các thế hệ hiện tại đang chịu hậu quả. Đòi bằng giọng điệu rất ư lịch sự… mỉa mai và cay đắng!

Nhưng chẳng biết “những thằng tau” sẽ nghĩ sao và có hiểu ra những điều khốn nạn và đắng cay đã dập lên bao nhiều thế hệ của con người và đất nước Việt Nam?
Song le:

trời vẫn không mưa được cho mát

(TVS. Như trên. khoảng trống ngoài sân khấu, trang 19)

Cho tới giây phút hiện tiền này! Trời vẫn không mưa… cho được mát.


2.
Đối Thoại Với Vách Tường – Đối Thoại Với Đầu Gối:

Trần Vàng Sao luôn khao khát nắng mưa… cho cuộc đời anh. Và ở hầu như rất nhiều những câu thơ cuối, anh đã kêu lên niềm khao khát đó, hoặc là những câu buông thõng… bất chợt, đẩy bài thơ vào một cõi thật hoang vu:

đến chiều trời sẽ mưa dông rất mát

(TVS. Như trên. tôi được ăn thịt, trang 21)

trời cứ chưa nắng to được

(TVS. Như trên. đưa vợ đi đẻ, trang 23)

tôi đứng đọc cái bảng cắm trên đường Trần Hưng Đạo
CẤM MUA BÁN ĐỔI CHÁC

(TVS. Như trên, không có đề, trang 41)

không biết ở nhà mấy đứa con có lấy áo quần
phơi ngoài dây thép vào không

(TVS. Như trên, buổi trưa giữa đường tôi núp mưa, trang 51)

cuối cùng đứng ở một góc chợ
chờ trời mưa thật to

(TVS. Như trên, lúc đó, trang 53)

Vân vân.. .. . . . .

Mưa, nắng; và những điều bất chợt thật bình thường là những câu thơ kết của Trần Vàng Sao… trong suốt nhiều bài thơ nặng nề nghẹt thở. Tức là ông đang dắt người đọc đi qua những trầm trầm hay chát chúa của cuộc sống, của thời cuộc, của xã hội, của nghĩ suy… hốt nhiên Trần Vàng Sao thảy vào một câu kết chẳng ăn nhập gì như là một cách để ông tự xả hơi chăng? Không! Ông chẳng phải đang tự xả hơi mà đang tự cứu chính ông! À! Những chuyện tày trời không cách gì giải quyết thì lo ngay chuyện túc thì… chuyện lo được mà còn có thể chưa chắc xong… như không biết ở nhà mấy đứa con có lấy áo quần đang phơi vào không vì trời đang mưa!!!!

Ở Bùi Chát lại khác, những câu thơ kết của họ Bùi thường dồn người đọc vào những vấn nạn sừng sững, choáng ngợp:

Không lúc nào ngơi nghỉ
Việc nghĩ đến họ
Cầu
Nguyện

(BC. Như trên. Không Thể Khác, trang 14)

Bùi Chát cầu nguyện cho ai?
Cho những kẻ mà:

Những người anh em
Đã phản bội chúng tôi
Đã ném chúng tôi vào ngục
Đã nhuộm đỏ màu da chúng tôi
Cho những giấc mơ ngột hứng của họ

Những người anh em
Vẫn lừa lọc chúng tôi
Vẫn tước đoạt ánh sáng, giọng nói chúng tôi
Vẫn dọa dẫm chúng tôi
Bằng súng và thực phẩm
. . . . . . . . . . . . . . . .

(BC. Như trên. Không Thể Khác, trang 14)

Ai muốn thừa kế di sản của họ?

(BC. Như trên. Ai?, trang 16)

Họ là ai?
Họ là bóng ma của thời đại. Họ là….:

Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ

Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn

Những người cộng sản
Anh em chúng tôi

Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
. . . . . . . . . . . . . .

(BC. Như trên. Ai?, trang 16)

Sự thực, cái di sản của những người cộng sản đã luôn có kế thừa: Đó là sự gian manh và ngu dốt! Những người cộng sản đã cố nhồi nhét sự gian manh và ngu dốt vào xã hội con người dưới chế độ của họ.

Bùi Chát còn nữa, những câu kết cho những bài thơ với tình huống luôn bất ngờ và hóm hỉnh:

Giữ mãi lời thể xưa

(BC. Như trên. Đường Kách Mệnh, trang 28)

Gió chiều nào
Ta tào lao chiều ấy

(BC. Như trên. Khó Thấy, trang 30)

Tiếng chào đời con gọi meo meo

(BC. Như trên. Rồi, Tôi, trang 38)

Bỏ lửng. Tạt ngang. Tạo những tình huống… cho người đọc phải động não! Đó là Bùi Chát.

Thơ của Trần Vàng Sao suốt từ đầu tới cuối tập, hầu như 10 bài thì đã hết 7, 8 nhắc tới cái Đói. Cái Đói của bao tử, của thân xác.

đời cúi thấp giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau hột muối
vui sao khi còn bữa đói bữa no

(TVS. Như trên, BTCMNYNM, trang 10)

này những thằng hề đói bụng làm trò cho mọi
người coi chơi
. . . . . . . . . . .
mày đói mà có chết được đâu

(TVS. Như trên, khoảng trống ngoài sân khấu, trang 18)

tôi đói bụng và muốn nhắm thật lâu hai con mắt
lại rồi ngủ quên

(TVS. Như trên, đứa bé thả diều trên đồng và vắt cơm cúng mả mới, trang 26)

Trong thơ Trần Vàng Sao là ngộp đầy những cơn đói, những thiếu ăn thiếu mặc. Còn nhiều nhiều nữa những câu thơ tang thương cho thân phận làm người Việt Nam dưới cơn mưa khô bằng màu cờ đỏ!

dưới sông mặt trời đỏ ối
chung quanh tôi tiếng la và cờ
những xác chết khô đen ở bên kia đứng ngả
nghiêng như những cây que cắm trên bãi cát

(TVS. Như trên. ø ø ø, trang 81)

hòn đạn bắn vào đầu
hòn đạn đồng thối
quá khứ như một đống phân
tương lai treo ngọn cờ đỏ

(TVS. Như trên. nhân dân và tôi, trang 118)

Ở Bài Thơ Một Vần của Bùi Chát cũng là những cơn đói! Nhưng không phải những cơn đói thực phẩm cho cái bao tử, cho sự sống vật chất. Cũng là rách nát, nhưng không phải áo rách quần nát không che nổi xác thân… Mà là những cơn đói, những cái đói cái khát dân chủ, tự do, công bằng, bình đẳng, hợp lý, trí tuệ, tiến bộ…v.v… Đói khát quyền làm người trong một thời đại văn minh!

Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ

(BC. Như trên. Không Thể Khác, trang 14)

Những mất mát này còn kinh khủng hơn cái đói xác thân. Bởi khi đó, chỉ còn là nỗi sợ!

Thực phẩm cho cái bao tử, trong kế sách toàn vẹn của nhà nước cộng sản, chỉ là một trong những thứ vũ khí để họ sử dụng với nhân dân họ:

Những người anh em
Vẫn lừa lọc chúng tôi
Vẫn tước đoạt ánh sáng, giọng nói chúng tôi
Vẫn dọa dẫm chúng tôi
Bằng súng và thực phẩm

(BC. Như trên. Không Thể Khác, trang 14)

Biểu trưng nhất cho cái đói khát tự do và đói khát quyền làm người là ở bài Thói mà tôi đã trích dẫn bên trên từ trang 18 tới trang 22 của Bài Thơ Một Vần Bùi Chát.

Màu đỏ, màu cờ cộng sản và cũng là màu của máu, trong Bài Thơ Một Vần được họ Bùi tô rất đậm như một ám ảnh kinh hoàng của thới đại:

Tôi đứng trước một ngã tư
Đèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ

(BC. Như trên. Đèn Đỏ, trang 24)

Những cây gì trên đường nào không biết nữa
Tự dưng thu về trổ rực hoa đỏ
Và chiều nay đương kẹt xe ở đó

(BC. Như trên. Không Đề, trang 32)

Và Bài Thơ Một Vần, như một lời báo động tuyệt vọng:

Màu đỏ
Như loài cỏ

Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ

Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm
thế nào!? Đành bỏ ngỏ… !!!

(BC. Như trên. Bài Thơ Một Vần, trang 26)

Ở BTCMNYNM của Trần Vàng Sao, có 3 trang nằm chen giữa những bài thơ, không in bài thơ nào mà chỉ có bia mộ những bài thơ đã bị giết:

Trang 15 ghi:

những trang này
dành cho bài
SÂN KHẤU II
đã bị tịch thu ngày 26 tháng 1 năm 1972
Tai K65 – thị xã Sơn Tây

Trang 48 ghi:

những trang này dành cho bài
BẢN THÁNH CA
CỦA MỘT NGƯỜI
DỰA CỘT ĐÌNH LIẾM LÁ BÁNH
đã bị tịch thu ngày 26 tháng 1 năm 1972
Tai K65 – thị xã Sơn Tây

Và trang 82:

những trang này
dành cho bài
NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐÃ ĐI QUA
NHỮNG CON ĐƯỜNG SẼ ĐI TỚI
và những bài khác
đã bị tịch thu ngày 26 tháng 1 năm 1972
tại K65 thị xã Sơn Tây

Những mộ bia thơ! Cơn hốt hoảng thường trực kể từ khi mùa Thu không biết từ đâu về nở rộ đầy hoa đỏ. Từ đó, lý lịch mỗi cá nhân con người Việt Nam thành lịch sử của máu và tội ác. Lý lịch từng con người Việt Nam phải được tự cố gọt dũa sao cho an toàn bản thân và gia tộc. Trần Vàng Sao viết “lời khai của một thằng hề mất trí” như là “phần khai bổ sung lý lịch” của ông. Khai về những chuyện khóc cười chơi đùa với các con và bầy trẻ trong xóm, để cuối cùng ông viết:

bây giờ mà có một cục cơm nguội ăn không cũng
được

lý lịch của tôi đã khai rõ ràng ngang đây
tôi làm dấu một gạch chéo để sau đừng ai thêm
thắt
/
/
/
/
/
/
/
/

(TVS. Như trên. lời khai của một thằng hề mất trí, trang 31)

Cái gạch chéo in trong tập thơ rất dài, từ bên phải cuối bài thơ choáng xuống tận bên trái cuối trang giấy!

Cái gạch chéo bảo vệ sự an toàn! Mà có an toàn được hay không lại là chuyện khác!

Bùi Chát, trong bài Hoa Sữa lại đưa ra một biểu trưng khác nữa:

Trông thấy dáng cây từ xa, tôi thật sự
Muốn chết
Hoa sữa gợi nỗi đau chuyện bị chèn ép
Chúng cướp dưỡng khí, dường cô lập tôi
giữa rừng người
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Vẻ lãng mạn tồi tàn
Mùi hoa nhắc nhớ mùa thu đương trị
(BC. Như trên. Hoa Sữa, trang 50)

Nhiều văn, thi, nhạc sĩ đã chổng mông, gò lưng ca ngợi mùi hoa tanh tưởi này, mùi của xác chết trẻ con!!! Ở một đất nước chưa có tự do, chưa có quyển làm người, những mùi tanh thối… cũng thành … thơm tho!!!

Hai nhà thơ, hai thế hệ khác nhau, và ở khoảng giữa còn có những thế hệ làm gạch nối. Hai nhà thơ với những bài thơ mà phần kỹ thuật dường như không được quan tâm cho lắm! Nhưng hai nhà thơ với hai thủ pháp có những đặc thù và chữ ký riêng. Nhất là Bùi Chát! Tôi đã đọc nhiều tập thơ của họ Bùi. Tôi thấy rằng ở Bài Thơ Một Vần, Bùi Chát đã bước đi một bước qua một lãnh thổ khác của thơ ca. Và ở lãnh thổ mới này, thơ Bùi Chát đã tự mang trên hai vai một gánh nặng của sự đối mặt. Đối mặt với thời sự và thời cuộc để tìm cái thời thế cho một tương lai được Làm Người của dân tộc Việt.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại của cả Trần Vàng Sao và Bùi Chát ở hai tâm thế và bối cảnh lịch sử xã hội không giống nhau. Chỉ có điểm giống nhau là cả hai cuộc đối thoại đều vang đụng vào vách tường… và chiêu thức cuối cùng là chỉ có thể cúi xuống đối thoại với cái đầu gối của chính mình!!!


3.
Yêu Nước Mình: Trọng Tội Ở Việt Nam!

Như là một truyền thống mấy trăm năm rồi, những người Việt Nam yêu nước đều… bị kết tội và ở tù! Thậm chí, còn có thể bị xử tử hình nữa!

Từ Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học v.v… dưới thời Pháp đô hộ Việt Nam, những người Việt Nam nào yêu nước Việt Nam bèn tất nhiên bị kết tội là phản động, phá rối trị an của nhà nước bảo hộ. Chuyện như vậy thì còn hiểu được! Pháp là quân xâm lược, là thực dân mà!

Tuy nhiên, Việt Nam bây giờ đã thống nhất lãnh thổ, đã độc lập rồi nhưng còn… tự do thì ở đâu? Đất nước Việt Nam đang do chính những người Việt Nam… cai trị mà! Những người Việt Nam đang cai trị Việt Nam nhưng Việt Nam vẫn chưa có tự do, thì người dân chưa… có quyền làm người.

Hãy nghe Trần Vàng Sao yêu nước. Trong bài thơ của một người yêu nước mình, từ cái tựa cho tới nội dung, anh lập đi lập lại để khẳng định là mình yêu nước! Nhưng tôi tâm đắc nhất là hai câu này:

tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
(TVS. Như trên. bài thơ của một người yêu nước mình, trang 13)

Tình yêu này thật xót xa! Tình yêu nước xót xa này của Trần Vàng Sao hẳn nhiên là một trọng tội!!!

Sau hơn “bốn ngàn năm” dựng nước, giữ nước và phát triển… đất nước, đến hơn giữa thế kỷ 20, con người Việt Nam vẫn cuốc bẫm cày sâu!!! (bài thơ TVS làm năm 1967), và dường như, cho tới hôm nay sau khi thống nhất lãnh thổ hơn ba mươi năm, người dân có thể bớt… cuốc bẫm cày sâu, có miếng ăn … khá hơn chút xíu. Nhưng những “người anh em cộng sản” của Bùi Chát vẫn tiếp tục làm đất nước và con người Việt Nam lầm than trong vấn đề cuộc sống và suy nghĩ và nhiều thứ khác, như quyền làm người… vẫn còn bị tước đoạt như trong bài thơ “Thói” của Bùi Chát.

Vậy Bùi Chát cũng là một người yêu nước:

Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Các ông cho chúng tôi được chờ các ông
đến bắt nhé!

(BC. Như trên. Thói, trang 20 và 22)

Sau khi “xin phép” được yêu nước xong. Chắc là vẫn không được cấp giấy phép, nên Bùi Chát bèn choang thêm một “điều” xin xỏ nữa: các ông cho chúng tôi chờ các ông đến bắt nhé!

Rõ ràng là ở Việt Nam hiện nay, yêu nước vẫn là một trọng tội!


Ngày 1 tháng 12 năm 2009

Mặc Lê

Tác giả gửi cho danlambao


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo