C20 E209 F312 (danlambao) - Một đấu sĩ trên võ đài có thể dùng hư chiêu, thế nhưng khi đã ra đòn thật thì phải trúng. Bởi nếu không trúng, trúng nhưng không đạt hiệu quả mong muốn thì thậm tệ nhất là đấu sĩ sẽ trở thành người chiến bại. Nhẹ hơn thì đó là hành động làm tổn hao khí, lực, tạo ra sự sơ hở đưa bản thân vào thế bất lợi.
Rộng hơn là trong lĩnh vực quân sự, lĩnh vực thường không có mặt của “trọng tài” như là trên sàn đấu, sự sơ xuất thường không chỉ trả giá bằng một mạng người, một đòn đánh hụt có thể kéo theo sự sụp đổ của cả một đế chế, có thể lãnh hậu quả là sự hủy diệt vô số phương tiện chiến tranh, xóa sổ nhiều ngàn người. Trận đánh tái chiếm cao điểm 1509 (Hà Giang) ngày 2 tháng 4 năm 1984 trong cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược là một ví dụ điển hình.
Theo một số nguồn tin, do kế hoạch tác chiến bị lộ từ hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, Trung Quốc biết rõ kế hoạch và phương án tác chiến của ta, biết rõ ngày giờ nổ súng... Thay vì sử dụng bộ binh chốt giữ đánh phản xung phong như thường lệ, điều này khó có thể hiệu quả trước quy mô trận đánh, một đòn trí mạng với sự tập trung lực lượng rất lớn và quyết tâm chiến đấu rất cao của Quân đội Việt Nam, Trung quốc đã sử dụng pháo binh với quy mô rất lớn. Khi tất cả các lực lượng của Việt Nam đã tập trung vào vị trí chuẩn bị xung phong đánh chiếm cao điểm - viên đạn đã lên nòng. Trung Quốc bất ngờ pháo kích phủ đầu cấp tập, dày đặc gần 20 tiếng đồng hồ liên tục. Theo số liệu tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Việt Nam bị thất bại nặng nề, số tử sĩ đếm được khoảng 3700 người - “đấu sĩ” bị “chặn đòn” và đốn ngã trước khi kịp tung ra cú quyết định. Hệ quả kéo theo là cao điểm 1509 cùng hàng trăm km2 lãnh thổ của Việt Nam đã lọt vào tay Trung Quốc. 1509 bây giờ đã bị thay tên (Lão Sơn) và là một điểm du lịch của Trung Quốc, các cựu chiến binh Trung Quốc thường tới đây để “kỉ niệm chiến thắng” và “thăm chiến trường xưa”!
Đó là cái giá phải trả của một đòn đánh hụt, dù là cú đánh mang tinh thần chính nghĩa. Trung Quốc trong trận đó không phải là tay võ sĩ thượng thừa, nhìn mắt, nhìn vai đối thủ mà biết trước đòn đánh, đó chỉ là một đối thủ “dưới cơ” nhưng trong lợi thế kín đáo của kẻ phòng thủ và lại giỏi về gian kế, “đấu sĩ” Việt Nam thì lộ mình trong thế tấn công và bất ngờ bị “chém” ngang lưng với sự tiếp tay tình cờ bởi chính “sư phụ” của mình! Đó là cái giá của công tác “phòng gian, bảo mật”, cái giá phải trả khi giặc ở ngay trong nhà của ta, giặc ở ngay sau lưng ta!
Xin hãy ý thức rõ hơn về việc “nối giáo cho giặc”, rước giặc vào nhà, “gọi giặc là cha” dù là vô tình hay hữu ý!
Một thành công lớn được xây dựng nên bởi nhiều thành công và cả những thất bại nhỏ. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!” - chúng ta xuống đường chống Trung Quốc xâm lược hôm nay với những giọt mồ hôi rơi xuống, những mất mát về tiền bạc, thời gian. Thậm chí cả máu và danh dự (có thể bị bắt, bị đàn áp, có thể bị “đạp vào mặt”). Nhưng tất cả những thứ đó chưa thể so sánh với những mất mát trong một trận đánh thực sự trên chiến địa, những mất mát khủng khiếp của chiến tranh – điều mà chúng ta có thể vãn hồi bởi những hành động của ngày hôm nay. Trong trường hợp xấu nhất nếu có thể xảy ra, chúng ta không thể tránh khỏi một cuộc chiến bất đắc dĩ thì những giọt mồ hôi, những mất mát của ngày hôm nay vẫn có giá trị như những giọt mồ hôi của người lính đổ xuống thao trường. Vì vậy, trên mặt trận không có tiếng súng trên đường phố này, (chưa có tiếng súng) chúng ta cũng phải chiến đấu với một tinh thần hết sức nghiêm túc, với một ý chí quyết tâm cao nhất, với ý thức “phòng gian, bảo mật” tốt nhất. Dù là trong những hành động và công việc nhỏ nhất!
Có thể liệt kê khá nhiều ví dụ về “những đòn đánh hụt” trong các trận đấu chưa có tiếng súng vừa qua nhưng tôi chỉ xin nêu ra một ví dụ sau đây:
“Chiếc áo biểu tình”.
- Mẫu áo được thiết kế gồm hai loại có màu nền khác nhau, đen và trắng. Ý tưởng thiết kế này là phù hợp với tiêu chí thiết kế sản phẩm thương mại, nó tăng thêm sự phong phú của sản phẩm, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Thế nhưng trong một đám đông cùng biểu hiện một ý chí (biểu tình) thì ý tưởng này lại vô cùng bất cập. Hai màu áo tương phản nhau cùng xuất hiện trong một đội ngũ sẽ làm cho người ta có cảm giác về một sự thiếu nhất quán, đối chọi nhau, chia thành hai phe rõ rệt. Nó không biểu đạt được hình ảnh, tiếng nói của một khối đoàn kết thống nhất.
- Thông điệp và ngôn ngữ biểu đạt đưa ra không mạnh mẽ, đơn giản, rõ ràng. Nó vô cùng khó hiểu với những người “ngoài cuộc”, với đại đa số các tầng lớp nhân dân. Mẫu áo màu đen, một màu không nói lên sự minh bạch và chính nghĩa, trong nhiều nền văn hóa, màu đen luôn tượng trưng cho sự hắc ám. Vì thế hình ảnh của những người biểu tình sẽ không gây được cảm giác thân thiện, và lôi cuốn cảm tình của cộng đồng, trong nước và quốc tế, thậm chí còn gây ra sự phản cảm!
Trong trường hợp là mẫu áo màu trắng (cả hai mẫu áo chỉ khác nhau màu nền) thì thông điệp đưa ra cũng không khá hơn là bao. Mảng màu xanh nước biển được khoanh lại bởi đường chữ U màu đỏ rất đậm nét, mảng này tượng trưng cho Biển đông với ý nghĩa là “Trung Quốc coi Biển đông như cái ao nhà” (theo như lý giải của một số trang mạng kêu gọi mua áo đi biểu tình). Thực sự nếu không phải là người trong cuộc mà chỉ là một người ngẫu nghiên nào đó lần đầu tiên nhìn thấy, nếu được hỏi đây là cái gì? Ý nghĩa ra sao? Tôi dám chắc anh ta sẽ trả lời: “Tôi mà hiểu được chắc chết liền!” Vậy đối tượng mà nhà thiết kế nhằm tới là ai? Nhằm tới đại đa số cộng đồng, những người có thể chưa hề được cập nhật thông tin về tình hình biển đảo đang bị Trung Quốc xâm lược hay đối tượng nhằm tới là những người ít ỏi trong cuộc? Thông điệp như vậy khác nào việc “Tôi kể chuyện quê tôi nhưng chỉ mình tôi biết … một mình tôi hiểu”. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất, giả sử người ta có hiểu thông điệp đó một cách khiên cưỡng và khá dài dòng “Biển đông là ao nhà của Trung Quốc”. Liệu họ có thắc mắc “thông điệp đó đưa ra nhằm mục đích gì”? Để kêu gọi sự phản đối hay cổ vũ, động viên? Hoàn toàn có lý khi người ta có thể nghĩ như vậy bởi thông điệp quan trọng nhất thể hiện sự phản đối “hai gạch chéo” được thể hiện hết sức mờ nhạt, yếu đuối. Chưa nói đến việc người ta có thể nhầm lẫn đó là cái dấu “tic” biểu hiện sự lựa chọn, sự đồng ý! Trong hầu hết mọi trường hợp, hình ảnh của dấu gạch chéo biểu hiện sự phản đối, sự ngăn cấm đều phải mạnh mẽ, đậm nét rõ ràng, đơn giản. Thực tế thông điệp này trên các mẫu áo đã được thể hiện ra sao? Đó là hai cái gạch chéo phất phơ, nhỏ bé và mờ nhạt trông vô cùng yếu ớt! Trông như những “nét mác” trong văn tự Trung Quốc, chữ Hán xưa với sự mô phỏng những vết xước của bút lông … Trong nghệ thuật thư pháp thì “nét bút” này có thể được đánh giá là mạnh mẽ, bay bổng … Oái oăm thay, trong tổng thể ngôn ngữ hình ảnh được trình bầy với ý nghĩa, mục đích cụ thể của các cuộc biểu tình, hai cái “nét mác” để biểu hiện sự phản đối này lại vô cùng yếu ớt.
Nếu coi thông điệp của biểu tượng này là một “cú đánh”, tôi cho rằng cú đánh này đã trượt rồi, cùng lắm chỉ sượt qua chút xíu ngoài da. Mặc dù kết quả, mục đích của các cuộc biểu tình có đạt được, có giành được những thắng lợi nhất định nhưng những thắng lợi đó là nhờ có nhiều ‘cú đánh trúng đích” khác. Đây vẫn là một cú đánh trượt!
ĐÁNH PHẢI TRÚNG! Cú đánh đơn giản thường là cú đánh nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất. Xin được đề xuất một mẫu áo đơn giản như sau:
- Trên nền áo trắng thể hiện thông điệp (chữ, hình ảnh) TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC hoặc TRUNG QUỐC HIẾU CHIẾN … bằng màu đen, đỏ đậm, rõ, nổi bất trên nền màu trắng (màu đen, đỏ thể hiện sự hắc ám ghê rợn …). Chúng ta cần nhận diện, đưa ra chính xác hình ảnh, tính chất của sự kiện vì hình ảnh của sự kiện đó đã được phát tán, công bố trên phạm vi quốc tế, một sự nhân diện lờ mờ sẽ làm cho thông điệp thiếu sức nặng và “đánh trượt mục tiêu”.
- Thông điệp về sự xâm lược này bị phủ nhận (gạch chéo) bởi thông điệp thứ hai, hai gạch chéo màu đen, đậm nét rõ ràng (màu đen trong thông điệp này thể hiện sự kiên quyết xóa bỏ,”xóa sổ”), hai gạch chéo như vậy là tín hiệu của của sự ngăn cấm, phản đối, hủy bỏ … được sử dụng rộng rãi khắp thế giới, sử dụng một tín hiệu đã được quốc tế hóa là một lựa chọn tối ưu trong “tuyên truyền”! Đó chính là tiếng nói chung, ngôn ngữ chung của cả thế giới. Một cách biểu đạt mang bản sắc của một cá nhân, một nhóm nhỏ có thể có những giá trị “nghệ thuật” nhất định nhưng sẽ không hiệu quả trong trường hợp này (biểu tình).
- Bên dưới tất cả những nội dung trên cần có một hàng chữ nhỏ, màu phù hợp (trong trường hợp này là chữ màu đen và được nhân mạnh bằng màu đỏ ở chữ “O” và dấu “!”). Hàng chữ này chính là slogan của các tổ chức khác nhau (có thể tùy ỳ thay đổi) nói lên tiêu chí, định hướng, chính kiến... của các tổ chức đó (Sự đoàn kết giữa các nhóm có tiêu chí, mục đích có thể khác nhau nhưng đều nằm dưới một thông điệp chung, một mục đích chung. Đó là sự thống nhất, sự nhất trí, đồng lòng trong việc CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC!).
- Tùy thuộc vào từng trường hợp sử dụng cụ thể và điều kiện in ấn, mọi người có thể thêm vào biểu tượng của Biển đông (hình ảnh màu xanh lam như mẫu bên dưới) thông điệp sẽ có tác dụng mạnh hơn trong vấn đề cụ thể là “tình hình Biển đông. Nếu không thêm biểu tượng này thì thông điệp sẽ tập trung hơn vào việc bài trừ Trung Quốc xâm lược nói chung.
- Những màu đen, đỏ, trắng, xanh kết hợp với nhau tuy rất đơn giản nhưng hiệu quả tạo hình lại rất cao, trong ngôn ngữ tạo hình những màu đó đều mang ý nghĩa rõ rệt và dễ hiểu, ngôn ngữ tạo hình cô đọng có tính khái quát cao và cũng có thể coi đó là một thứ “siêu ngôn ngữ” như “ngôn ngữ âm nhạc” vậy.
- Nội dung của slogan và mọi nội dung văn bản khác nếu có, có thể là tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung Quốc… để có thể áp dụng phù hợp ở các quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ.
- Sử dụng một cách biểu đạt nhất quán về hình thức, đơn giản, dễ hiểu sẽ có tác dụng hướng ý thức và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Việc này không khác gì việc quảng bá và phát triển thương hiệu của các thương hiệu lớn, danh tiếng.
Hi vọng rằng mong muốn “phát triển thương hiệu” này cũng là mong muốn của nhiều người, của đông đảo đồng bào Việt Nam yêu nước cũng như của các tổ chức và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Thân ái!
P/S: Sau đây là một số gợi ý của người thiết kế biểu tượng này trong trường hợp biểu tượng được dùng trong những trường hợp khác nhau như: Logo, Avatar, in trên các khổ giấy tiêu chuẩn, A4, A3 … in trên áo, trên băng rôn, biểu ngữ …
Người thiết kế không giữ bản quyền biểu tượng này, mọi người có thể tùy ý sử dụng, phát tán theo ý thích nhưng cũng xin lưu ý một điều: Không nên sửa chữa quá nhiều so với nguyên mẫu để khỏi làm sai lệch ý nghĩa, tinh thân của biểu tượng so với thiết kế gốc (xem bài viết ở trên).
Chú ý: Về một số logo hoặc biểu ngữ ví dụ dưới đây phần màu xanh lam biểu tượng cho Biển đông hơi bị nhạt màu (do tổn hao chất lượng khi chuyển định dạng và nén file hơi nhiều) nên khi sử dụng mọi người có thể chủ động chỉnh cho màu đậm thêm một chút sẽ đẹp và hiệu quả hơn.
Cuối cùng tôi cũng phải nói rằng người viết bài và thiết kế biểu tượng này không hề có ý chê bai những thành quả hoặc những đóng góp của những người đi trước, cũng như không hề nghĩ rằng những gì bản thân đã làm ở đây là hoàn hảo. Tất cả chỉ là tinh thần đóng góp những gì nhỏ bé nhất mà mình có thể có, với khả năng của mình, với mong muốn mọi thứ luôn được hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Mong muốn sự phát triển tiếp tục từ mọi người!
Xin cảm ơn!
Một số ví dụ biến thể về nội dung và màu sắc của biểu tượng.
Biểu tượng trên nền vuông dùng lam logo hoặc Avatar
(nội dung phù hợp với ngôn ngữ ngoại giao, lịch sự).
Biểu tượng trên nền vuông dùng lam logo hoặc Avatar
(nội dung phù hợp với ngôn ngữ ngoại giao, lịch sự).
Biểu tượng trên nền vuông dùng lam logo hoặc Avatar
(nội dung mang tính mạ lị phù hợp với đông đảo giới bình dân).
(nội dung mang tính khách quan, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân).
Khi dùng những biểu tượng trên cho biểu ngữ, truyền đơn, áo thì không dùng khung màu đen.