Ngoại giao Mỹ nhận xét giới trí thức không chấp nhận nỗ lực của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn dùng ký ức về ông Kiệt để đánh bóng hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách...
*
BBC - Điện tín từ Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại Tp HCM, được Wikileaks công bố, nhận định giới trí thức tại Sài Gòn tin rằng những ý tưởng và sự cởi mở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhất định sẽ tạo nguồn cảm hứng cho họ nhằm đi tiếp con đường cải cách và dân chủ cho Việt Nam mà ông đã chọn.
Tuy nhiên bức điện đề ngày 05/06/2009 cho hay giới trí thức nói về thực trạng tiếp tục có khoảng trống trong phe cải cách bởi không có nhân vật nào vào lúc này có cả uy tín cải cách lẫn công trạng cách mạng mà ông Kiệt có được.
Họ nói hầu hết các ý tưởng của ông Kiệt bị giới lãnh đạo Đảng tảng lờ, kể cả khi giới lãnh đạo muốn vay mượn di sản của ông.
Ngoại giao Mỹ nhận xét giới trí thức không chấp nhận nỗ lực của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn dùng ký ức về ông Kiệt để đánh bóng hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách.
Điện tín cho hay giới quan sát chính trị tại Tp HCM nói với ngoại giao Mỹ rằng họ xem việc Văn phòng Thủ tướng ra chỉ thị cho các báo phải đăng trên trang nhất một bài báo của ông Dũng viết, ca ngợi ông Kiệt như người tiên phong trong nỗ lực hòa giải dân tộc…. hai ngày trước dịp giỗ đầu của ông Kiệt chính là động thái này.
Vào thời điểm đó, ông Dũng cũng được xem có động thái muốn lấy lòng giới trí thức theo phe cải cách lớn tiếng phản đối chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên một nguồn khả tín nói với các nhà ngoại giao Mỹ ở Tp HCM rằng kể như những gì trong một năm qua (2008-2009) cho thấy ông Dũng và chính phủ Việt Nam thiếu tôn trọng ý tưởng và mong muốn của ông Kiệt ra sao, và thủ thuật của Thủ tướng Dũng cho thấy bị “phản tác dụng”, khiến ông thất bại trong nỗ lực kiếm điểm cho mình.
Trong giai đoạn tiền Đại hội Đảng X, ông Kiệt đã viết một bức thư gửi giới lãnh đạo Đảng thúc giục Đảng tự thay đổi theo hướng dân chủ.
Cố thủ tướng Kiệt vào lúc đó cũng khuyên Bộ Chính Trị (15 ủy viên) chuyển giao thẩm quyền quyết định cho Trung ương Đảng (150 ủy viên)
Trước khi từ trần, ông Kiệt cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch mở rộng Hà Nội quá hấp tấp nhưng giới lãnh đạo Đảng không nghe và Quốc hội sau đó thông qua kế hoạch này.
Ý nguyện của ông Kiệt trong di chúc như không muốn lấy tên ông để đặt tên đường phố cũng như không muốn có lăng mộ riêng cho mình đã bị giới chức cấp tỉnh phía nam tảng lờ và thực hiện theo ý của họ.
“Sự ra đi quá sớm” của ông Kiệt để lại một khoảng trống cần có người thay và phe cải cách hiện nay thiếu một nhà lãnh đạo thực thụ, theo Nguyễn Trung, một cây bút có khuynh hướng cải cách nhận định.
Tuy nhiên giới ngoại giao Mỹ nhận định trong điện tín này rằng trong lúc chưa có ai có thể thay ông Kiệt trong vị trí cầm lái, nhiều trí thức vẫn tin rằng cỗ xe cải cách rốt cùng sẽ đi theo hướng mà cố thủ tướng đã chọn.
'Diễn biến hòa bình'
Ngoại trưởng Warren Christopher tới Hà Nội (08/1995) khi Hoa Kỳ mở sứ quán tại đây sau 20 năm.
Sự đồng thuận và chia rẽ trong giới chóp bu chính trị Việt Nam cũng như các chủ đề khác được đề cập trong những bức điện mà Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại TP HCM gửi đi ngày 04/11/2004, ngày 15/02/2007, và 09/04/2008.
Trong điện tín đầu, ông Kiệt được đề cập nói việc cho rằng Hoa Kỳ tìm cách dùng cải cách kinh tế để phá hoại Đảng – còn được gọi là “diễn biến hòa bình” không còn mấy thuận tai nữa.
Tuy nhiên, ông Kiệt đồng ý rằng có những người trong Đảng, “các đồng chí cao tuổi hơn và các quan chức chính phủ” vẫn không muốn cải cách kinh tế vì “sẽ tạo ra bất ổn xã hội”.
Tức là giới lãnh đạo Đảng đánh đồng bất ổn xã hội với khả năng Đảng bị mất dần vị thế kiểm soát xã hội.
Không giống như lúc còn tại vị, ông Kiệt vào lúc đối thoại với giới ngoại giao Mỹ ở Tp HCM (tháng 10 năm 2003, trước thời điểm điện tín được gửi) tin rằng phe bàn lùi chỉ là thiểu số và sẽ không cản trở được tiến trình cải cách.
Ông Kiệt cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng phe có tư tưởng “diễn biến hòa bình” trong Đảng và Chính phủ sẽ không thể cản trở được việc Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ song phương.
Ông dẫn chiếu tới các điểm mốc như Thỏa thuận Mậu dịch Song phương Hoa Kỳ-Việt Nam (BTA) như một “điều kiện tiên quyết cần có” để Hà Nội và Washington giải quyết các vấn đề khác trong quan hệ hai nước.
Ông Kiệt được trích dẫn nói “giới lãnh đạo Việt Nam có chung quan điểm là không có lý do gì khiến quan hệ Việt-Mỹ lại không thể dựa trên khuôn mẫu quan hệ song phương của Hoa Kỳ với Nhật Bản hoặc quan hệ rất thân thiện mà Việt Nam đã phát triển với Pháp”.
Tuy nhiên điện tín này nhận xét rằng chỉ có duy nhất chủ để tự do tôn giáo là ông Kiệt nói không giống người có đầu óc cải cách lắm và ông tỏ ra tương tự như những đại diện thường thấy khác trong Đảng.
Ông Kiệt được trích dẫn nói với Đại sứ Hoa Kỳ Michalak trong điện tín gửi ngày 09/04/2008 rằng Hoa Kỳ và Việt Nam những mục tiêu về nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ như nhau tuy lộ trình thực hiện khác nhau.
Liên quan tới tham nhũng, ông Kiệt được trích dẫn trong bức điện ngoại giao Mỹ gửi ngày 15/02/2007 nói tham nhũng là sự đe dọa lớn nhất và duy nhất cho Đảng Cộng Sản Việt Nam và đất nước.
Ông nói rằng không thể đánh bại được tham nhũng nếu không có “Đổi mới Chính trị” ở Việt Nam.
Tuy nhiên ông Kiệt không bàn về thể chế độc đảng mà chỉ thúc giục đi tới dân chủ nội bộ nhiều hơn và tạo ra hệ thống kiểm tra chéo trong Đảng và trong Chính phủ.
Điện tín này đề cập tới việc ông Kiệt nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế toàn diện, trong đó có đề xuất tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho giới doanh nghiệp.
Nỗ lực này của ông đã bị phe bảo thủ áp đảo vì phe này cương quyết duy trì lập trường rằng Đảng và Nhà nước phải “ngồi chiếu trên” trong mâm cỗ kinh tế.