Ai đứng sau vụ phá chùa Pháp Biên? - Dân Làm Báo

Ai đứng sau vụ phá chùa Pháp Biên?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA Chùa Pháp Biên bị đập phá từ năm 2010 nhưng chính quyền chưa trừng trị những kẻ phá hoại một cách thoả đáng, mà ngược lại không cấp phép xây dựng ngôi chùa mới theo đơn yêu cầu của tín đồ Phật giáo trong xã.

Vị sư lỡ đường ...

Chùa Pháp Biên thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị đập phá vào chiều tối 25/8/2011Từ năm 1999 người dân ấp Hồ Tràm xã Phước Thuận thuộc huyện Xuyên Mộc Bà Rịa đã tập trung của cải mỗi người một ít, dựng lên mái chùa đơn sơ với cái tên Pháp Biên nhằm chia sẻ lời kinh tiếng kệ với nhau sau những ngày làm lụng vất vả.

Niềm tin vào Phật pháp khiến họ gần nhau hơn và từ ngôi chùa này đã giúp họ hiểu rõ hơn giáo lý nhà Phật qua các buổi thuyết giảng của nhiều tăng sư trong ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất như thầy Thích Thanh Tịnh, Phó đại diện và thầy Thích Vĩnh Phước, thư ký của ban đại diện Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.




Photo courtesy of gdptthegioi.org

Thế rồi cơn bão năm 2006 ập tới tàn phá ngôi chùa bé nhỏ này khiến nhiều phật tử từ phương xa về đây cứu trợ cảm thấy mủi lòng. Một lần nữa, đạo hữu cũng như tăng ni nhiều nơi đã phát tâm cúng dường để xây dựng nên ngôi chùa Pháp Biên mới khang trang hơn cũ.

Thế nhưng Phật tổ từ bi hình như vẫn còn thử thách với chúng sinh của ngài khi gửi tới ngôi chùa bé nhỏ này một vị sư mà cho đến hôm nay không một ai biết tông tích thật của ông. Chỉ biết do lỡ độ đường nên cửa chùa Pháp Biên mở rộng để đón người con của Phật, pháp danh Thích Thiên Thanh vào chùa cùng phát huy đạo pháp.

Sự việc tồi tệ đã tới sau khi vị sư này yêu cầu chùa Pháp Biên chấp nhận ông như một người chính thức cai quản ngôi chùa này với lý do là ông ta muốn hợp thức hoá sự có mặt của ông với tăng ni cũng như với chính quyền sở tại. Trước đề nghị bất ngờ và vô lý này ban Hộ tự của chùa Pháp Biên không thể đồng tình, ông Trần Văn Thường, một thành viên trong ban Hộ tự cũng là người cúng dường đất riêng của gia đình ông để xây chùa cho biết:

"Không biết người của công an hay của ai thì không biết nhưng mà thấy cái cách của ông ta là không tu mà lại tổ chức bè phái trong chùa…Cho ông ấy ở tạm thời ba tháng thôi nhưng sau đó ông lập bè phái phá chúng tôi. Ông ấy đề nghị ở lại chùa chúng tôi không chấp nhận vì ông có vẻ là người không tu hành và đi làm việc với giáo hội nhà nước, chúng tôi không chấp nhận việc làm không đúng chánh pháp cho nên không đồng ý. Ông bắt tay với chánh quyền, ông muốn chiếm chùa để giao cho Phật giáo quốc doanh."

Câu chuyện này không mới đối với Việt Nam khi nhà cầm quyền chủ trương dùng nhiều thủ thuật để tiêu diệt những ngôi chùa hay nhà thờ tại những nơi heo hút. Người ta còn nhớ vụ Tu viện Bát Nhã, tranh chấp biến thành bạo động và tăng ni làng Mai đã phải tan tác sau khi những kẻ côn đồ đội lốt phật tử vây đánh tăng nhân khiến ngôi tu viện này phải chứng kiến biết bao điều ô trọc.

Chùa Pháp Biên cũng thế, năm 2010 sau khi không được sự đồng ý của Ban hộ tự, theo lời của những người trách nhiệm ngôi chùa Pháp Biên cho biết ông Thích Thiên Thanh đã dẫn côn đồ tới đập phá và san bằng ngôi chùa này thành đống gạch vụn.

... dẫn côn đồ phá chùa?



gdptthegioi.org-250.jpg
Đống đổ nát chùa Pháp Biên. Photo courtesy of gdptthegioi.org


Trước những hành vi côn đồ này, Ban hộ tự của chùa Pháp Biên đã làm mọi cách để nhà nước cứu giúp họ nhưng không cách nào thành công. Ông Lê Văn Phúc trưởng ban hộ tự của chùa Pháp Biên kể lại:

"Ngay tức thì tôi báo bằng điện thoại sau buổi sáng đó thì buổi chiều chúng tôi đưa đơn khẩn cấp lên Uỷ Ban xã thì Uỷ ban có tổ chức một cuộc họp nhỏ….tức là có ba người thôi, bên ấy một người bên này hai người. Họ giải thích rằng đây là chuyện nội bộ của các người, các ông làm rồi các ông phá chúng tôi không chịu trách nhiệm."

Thấy sức yếu thế cô lại nằm trong khu vực quá xa xôi với thành phố, người dân tại Hồ Tràm tiếp tục gom góp những gì mà họ có được tiếp tục xây dựng tại nhà “Đoàn quán” nơi thường có sinh hoạt của Gia đình Phật tử một mái nhà nhỏ để tiếp tục thờ tự. Khi được hỏi lần này thì chùa Pháp Biên có xin phép để cất chùa hay không, ông Trần Văn Thường cho biết:

"Cái chuyện xin phép thì không xin nữa vì trước đây chúng tôi đã xin liên tiếp 6 năm mà họ không cho. Họ không ký giấy mà không nói bất cứ một lý do nào. Liên tiếp 6 -7 năm không ai cho phép hết."

Ngôi nhà được gọi là chùa này thật ra rất thô sơ nhưng vẫn không qua khỏi kiếp nạn. Khi đang dựng lên thì chính công an xã, công an huyện với gần 150 người, trang bị như đối phó với những thành phần bạo động tới ngay nơi xây dựng để phá cái mà họ gọi là xây dựng chùa bất hợp pháp.

Ông Thường cho biết nhận xét của ông trước việc ra tay này của chính quyền địa phương như sau:

"Chúng tôi nói cái điều đáng nói hôm nay là điều chính quyền đã ra tay và đã công khai đàn áp đó là điều đáng nói còn vấn đề dập phá trước đây thì không đáng nói. Chúng tôi đánh giá rằng lần trước thì cũng chính quyền âm mưu mà thôi chứ không phải tự phát của một nội bộ nào khác."

Tự do tín ngưỡng tuy được hiến pháp Việt Nam công nhận nhưng cho tới nay rất nhiều oan trái vẫn xảy ra đối với các giáo phái không nằm dưới sự chỉ đạo của những nơi đã được quốc doanh hoá. Bức xúc của đạo hữu nhiều tôn giáo hiện nay vẫn là cách mà nhà nước thường dùng để đàn áp tôn giáo; đó là sử dụng thành phần bất hảo vào các chiến dịch đập phá nơi thờ tự hay gây bạo động với tín đồ dưới danh nghĩa “người dân bức xúc và tự phát”.

Ném đá giấu tay không phải là giải pháp. Chính việc chỉ dẫn cho người dân thi hành pháp luật một cách minh bạch mới là cách thuyết phục nhất khiến họ phải theo mà trong lòng không uất ức, thù hằn.

2011-09-08





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo