Bị cướp đất, 2,500 dân vây nhà Bí thư Đà Nẵng - Dân Làm Báo

Bị cướp đất, 2,500 dân vây nhà Bí thư Đà Nẵng

Ðà Nẵng (NguoiViet) - Sáng ngày 6 tháng 9, khoảng 2,500 cư dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng đã bao vây nhà riêng của ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy đòi “xử” công ty xây dựng dự án Gloden Hills cướp đất.

Một người dân tham gia vụ bao vây cho báo Người Việt biết: “Sự việc bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 6 tháng 9 xung quanh nhà ông Nguyễn Bá Thanh ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Ðà Nẵng.”

Nguồn tin kể: “Sáu giờ sáng chúng tôi có mặt đầy đủ, theo thứ tự, từ trước ra sau, cách nhau 50m, giãn ra, đến nhà ông Thanh. Chúng tôi bọc hậu cửa sau và đứng dàn hàng ở cửa trước.”

Bị buộc phải trực tiếp đối thoại với người dân, cuối cùng ông Nguyễn Bá Thanh phải xuất hiện và ngồi nghe người dân ca thán về sự hy sinh của họ cho một dự án ra đời.




Cư dân Ðà Nẵng gay gắt chỉ trích công ty xây dựng dự án xử ép dân. (Hình: báo Thanh Niên)


Nhà cầm quyền thành phố, mà Nguyễn Bá Thanh là người quyền lực cao nhất, chủ trương cướp đất đai tài sản của hàng ngàn gia đình, ăn chịu với các công ty tư nhân đầu tư xây dựng các khu đô thị.

Vụ cướp đất cướp nhà, cướp cả nghĩa trang của giáo dân giáo xứ Cồn Dầu gây căm phẫn và chống đối dữ dội hồi năm ngoái, dẫn đến các cuộc đàn áp đổ máu. Nay đến dự án Golden Hills City của công ty Trung Nam Land, một công ty con của tập đoàn Trung Nam.

Khoảng 3,000 gia đình đã bị buộc phải di dời để cho công ty Trung Nam xây dựng “khu đô thị sinh thái” Golden Hills City với tổng diện tích 400 hecta. Họ vốn là các gia đình nông dân, sống với ruộng đất. Nay bỗng dưng trở thành những kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp, không biết phải làm gì để sống.

Rất nhiều người bị mất đất, mất nhà chưa tìm được nơi nương tựa vì chủ đầu tư chưa bồi thường xong. Ðã vậy, trong giai đoạn đổ đất làm nền kéo dài hơn 1 năm qua, chủ đầu tư và công ty xây dựng đã bỏ mặc người dân phải ngày đêm hứng bụi.

Nhiều cuộc biểu tình, chống đối của người dân đã xảy ra nhưng trước sức mạnh cường quyền, người nông dân chịu đựng hết thua thiệt. Theo luật lệ, nhà cầm quyền phải lo đền bù và giải quyết chỗ tái định cư cho người dân trước khi bị giải tỏa. Thực tế khác hẳn.



Hình phối cảnh dự án khu đô thị Golden Hills City. Chủ đầu tư là công ty Trung Nam. (Hình của công ty Trung Nam)

Một người đàn ông 43 tuổi, cư dân xã Hòa Liên cho Người Việt biết: “Sở dĩ chúng tôi kéo xuống nhà ông Thanh vì chúng tôi quá bất bình về chuyện đền bù đất. Thực giá của đất chúng tôi đắt gấp sáu lần giá mấy ông đền bù. Nếu như đền bù thỏa đáng, thì chúng tôi mới có thể mua lại đất mà duy trì đời sống, đền ở mức giá hiện tại, chúng tôi không mua được đất chứ đừng nói đến làm nhà.”

Người này kể thêm rằng, “vàng thì mỗi lúc một tăng giá, tiền bồi thường thì chậm chạp. Khi chúng tôi được nhận tiền, có khi là đổi một miếng đất để mua một bát phở. Ðiều này chúng tôi nói không ai nghe và chúng tôi cần ông Thanh giải quyết thỏa đáng!”

Một người khác giấu tên kể rằng, “Giá đất chỗ chúng tôi, nếu bán cho tư nhân phải là 6 triệu đồng đến 9 triệu đồng trên một mét vuông, nhưng khi đền bù, người ta chỉ đền bù có 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Một số bà con không nằm trong diện tích khu Golden hill vẫn dính đền bù bởi con đường đi qua, đây là giá đền bù đất con đường mở rộng, tôi nghĩ giá đất trong khu Golden cũng vậy thôi. Nếu không có gì khuất tất, người ta không kéo nhau xuống dây làm gì cho tốn thời giờ.”

Người này nói tiếp: “Tất cả những gì các tờ báo (trong nước) đã đưa tin đều chỉ đúng một nửa, nghĩa là đúng chỗ chúng tôi có kéo xuống nhà ông Thanh. Nhưng chuyện đền bù không thỏa đáng, chuyện chính quyền toa rập với doanh nghiệp để ăn chặn thì không có tờ bào nào dám đưa tin. Nếu chỉ đơn giản là di dời, đến bù thì chúng tôi cần gì kéo nhau xuống đây! Chúng tôi bị oan!”

Một nguồn tin khác cho Người Việt biết, “đã có sự đe dọa, và những người kéo xuống nhà ông Thanh có nguy cơ rồi sẽ bị bắt dần dần.”



Anh Nguyễn Văn Tuấn cùng các vết thương bị chém trong đêm 29 tháng 8 có mặt tại trụ sở Ban điều hành dự án Golden Hills. (Hình: VTC)

Bản tin báo Thanh Niên ngày 7 tháng 9, 2011, cho hay: “Tại cuộc đối thoại với cư dân xã Hòa Liên, ông Nguyễn Bá Thanh đã đổ hết trách nhiệm cho đơn vị ‘làm công tác đền bù, bố trí tái định cư không công khai, không minh bạch, không rõ ràng.’”

Cuối cùng, ông Thanh hứa hẹn sẽ “buộc công ty đầu tư chỉ được đổ đất làm nền khi đã bồi thường tiền cho dân đầy đủ.”

Thực tế, đã 3 lần công ty xây dựng thuê côn đồ hành hung người chỉ trích họ đến nỗi mang thương tích phải vào bệnh viện điều trị. Sự căng thẳng gia tăng dẫn đến cao điểm là vụ hàng trăm cư dân kéo đến đập phá văn phòng ban điều hành của công ty xây dựng hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Người dân huyện Hòa Vang đang chờ xem ông Thanh thực hiện lời hứa của mình tới đâu. (LT-TN)


*

Đà Nẵng đối thoại với dân vùng giải tỏa

Đăng Nam (TuoiTre) - Sau một loạt sự cố liên quan đến dự án khu đô thị Golden Hills của Công ty Trung Nam (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), sáng 6-9 lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có cuộc đối thoại với gần 2.000 người dân vùng giải tỏa Hòa Liên (Hòa Vang).

Tại đây nhiều bức xúc trong đền bù giải tỏa bấy lâu nay đã được người dân giãi bày thẳng thắn.

Dân quá thiệt thòi, ô nhiễm khắp nơi

Cuộc đối thoại do ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - chủ trì đã diễn ra trong không khí rất “nóng”. Có lẽ chưa bao giờ người dân vùng quê nghèo Hòa Liên này lại mang trong mình tâm trạng đầy bức xúc đến như vậy. Theo ông Trần Trung Long (thôn Quan Nam 3), nhiều chính sách đền bù chưa hợp lý nhưng lại không được điều chỉnh kịp thời nên dẫn đến phát sinh những sự cố đáng tiếc.

Ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng (ngồi) - nói chuyện với một người dân vùng giải tỏa Hòa Liên - Ảnh: Đ.NAM
Ngay như dự án khu đô thị Golden Hills, nhà đầu tư là Công ty Trung Nam đổ đất vây quanh làng trong khi dân chưa đi khỏi nên mùa mưa tới chắc chắn sẽ ngập. “Nhà dân bây giờ như cái hồ cá, mùa khô thì bụi phủ đầy còn mưa đến thì ngập úng... Dân không chịu nổi mới đứng ra chặn xe chứ chẳng sướng ích gì. Vậy nhưng chính quyền không đứng ra giải quyết mà đưa công an đến khiến dân bức xúc” - ông Long nói.

Còn ông Ngô Văn Tước (thôn Quan Nam 5) bức xúc: “Có trường hợp cán bộ đo đạc sai nhưng bắt dân phải làm đơn “xin” lại phần đất thiếu. Đã vậy giá cả đền bù bất nhất: ban đầu là 21 triệu đồng/sào đất nông nghiệp rồi lên 29,5 triệu đồng, sau đó lên 35 triệu đồng và nay là 42,5 triệu đồng/sào đất. Vậy nên ai đi trước là thiệt thòi, dân kêu trời không thấu”.

Nhưng bức xúc nhất vẫn là chuyện đền bù không minh bạch, nhiều cán bộ của các ban đền bù giải tỏa làm ẩu dẫn đến sai nhưng khi dân hỏi lại thì làm lơ. Ông Phạm Đản lo lắng lâu nay dân Hòa Liên đã phải “ăn bụi, ngủ chung với bụi”, sắp tới nếu chính quyền không có giải pháp thì dân sẽ phải “ăn nước, ngủ chung với nước” vì ngập úng. Dân bức xúc mới bao vây Công ty Trung Nam, vậy mà chính quyền từ huyện đến TP ở đâu chẳng thấy, quá lúng túng trong xử lý.

Bí thư phê bình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng

Gần 2.000 người dân đến dự cuộc làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về các vấn đề đền bù giải tỏa và ô nhiễm môi trường tại Hòa Liên - Ảnh: Đ.NAM
Ghi nhận tất cả những bức xúc của người dân vùng giải tỏa, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng mục đích giải tỏa trắng vùng Hòa Liên là muốn kéo vùng quê nghèo này về gần hơn với đô thị và TP khang trang, giàu đẹp hơn. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng đó đã phát sinh một số vấn đề gây xáo trộn cuộc sống người dân, ô nhiễm môi trường trong quá trình triển khai các dự án, dân mất ruộng nên không biết làm gì, nhất là những người lớn tuổi... Vì thế cả TP phải xắn tay vào giải quyết những vấn đề phát sinh.

Ông Thanh yêu cầu phía Công ty Trung Nam phải rà soát các tuyến đường vận chuyển đất đá, san lấp và phải tăng cường từ 10 xe tưới nước hiện tại lên 20 chiếc để đảm bảo hạn chế thấp nhất ô nhiễm bụi đất. Các ban quản lý dự án tái định cư lập danh sách xem xét nghiên cứu ưu tiên cho các hộ dân nằm trên các tuyến đường vận chuyển được tái định cư trước. Yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương hoàn tất các khu tái định cư để phân đất cho dân làm nhà. Phía Sở Xây dựng, nhà đầu tư phải có giải pháp kịp thời chống ngập cho các khu dân cư ở Hòa Liên sau khi các dự án san lấp mặt bằng tổ chức đổ đất vây làng.

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng yêu cầu UBND TP Đà Nẵng xem xét đền bù luôn đối với các khu đất nông nghiệp chưa đến kỳ giải tỏa trắng nhưng bị ảnh hưởng không sản xuất được. “Không phải chờ đến khi giải tỏa mới đền bù. Bây giờ đền bù luôn cho dân, còn khi nào giải tỏa thì tính sau” - ông Thanh yêu cầu. Riêng với các chính sách đền bù tái định cư, ông Thanh yêu cầu Ban quản lý đền bù giải tỏa số 3 phải “tinh lược nhưng đầy đủ rồi in ra thành tờ rơi phát đến từng hộ dân để họ đọc và hiểu các chính sách, chủ trương của TP, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài”. Riêng những khu đất dù nằm cạnh nhau nhưng do khác xã, phường nên giá đền bù lệch nhau thì nay nghiên cứu để đền bù bằng nhau.

Với tư cách bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch HĐND TP, tại cuộc gặp gỡ này, ông Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thắn phê bình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng “xoay xở, phản ứng rất chậm trước những bức xúc của người dân vùng giải tỏa Hòa Liên, mà cụ thể là vụ người dân bao vây khu nhà điều hành của Công ty Trung Nam dẫn đến những điều không tốt cho cả hai bên”.

Không đình chỉ nhà máy ô nhiễm thì đình chỉ giám đốc sở

Trước những phàn nàn của người dân về tình trạng gây ô nhiễm bụi và tiếng ồn của hai nhà máy thép DaNa Ý và Thái Bình Dương tại Khu công nghiệp Thanh Vinh, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường phải có giải pháp chấn chỉnh ngay. Ông Thanh quyết liệt: “Nếu phát hiện các nhà máy vi phạm phải đình chỉ ngay, còn nếu anh Điểu (ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) không đình chỉ các nhà máy này thì tôi đành phải đình chỉ chức vụ giám đốc của anh Điểu vậy. Nếu không anh Điểu thử dọn nhà lên đó ở một tuần xem có chịu nổi không mà bắt dân phải chịu”.

Phát hiện Công ty Trung Nam múc trộm đất

Ngày 6-9, qua kiểm tra bất ngờ tại tiểu khu 16 thuộc rừng đặc dụng Nam Hải Vân, các cán bộ Hạt kiểm lâm Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã phát hiện gần mười xe ben của Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam đang múc trộm đất rừng để san lấp dự án khu đô thị Golden Hills (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Theo ước tính, có khoảng 500m3 đất rừng Nam Hải Vân đã bị vận chuyển đi nơi khác trong gần nửa tháng qua. Tại hiện trường, những người tham gia múc đất không xuất trình được giấy phép khai thác nên lực lượng chức năng đã lập biên bản đình chỉ thi công.



*

Vụ hơn 1.000 người dân bao vây khu điều hành dự án Golden Hills: Chính quyền Đà Nẵng đối thoại khẩn cấp với dân

TT - Sáng 31-8, chính quyền TP Đà Nẵng đã phải tìm cách ngồi lại đối thoại khẩn cấp với người dân vùng giải tỏa Hòa Liên (huyện Hòa Vang) nhằm xoa dịu những bức xúc vốn đã âm ỉ lâu nay.

Trước đó, vào đêm 30-8, hơn 1.000 người dân Hòa Liên ùn ùn kéo đến bao vây lần 2 khu nhà điều hành dự án khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú (Golden Hills) của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và lắp máy Trung Nam, đồng thời đập nát những gì còn sót lại bên trong tòa nhà.

Trăm nỗi bức xúc

Sáng 31-8, khi hàng trăm người dân đang ngồi đối thoại với lãnh đạo huyện Hòa Vang, chủ dự án Golden Hills và các cơ quan chức năng tại trụ sở UBND xã Hòa Liên thì tại khu nhà điều hành dự án (tổ 37 P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu), hàng trăm người dân vẫn còn tập trung để bày tỏ sự bức xúc.

Tại buổi đối thoại, người dân vùng giải tỏa đã phản ảnh những vấn đề nóng bỏng như ô nhiễm môi trường, áp giá đền bù, bố trí tái định cư, thất nghiệp và chuyện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho dân... tất cả đang còn rất mù mờ. Ông Đặng Tấn Đỡ (thôn Quan Nam 5) bức xúc: “Chúng tôi sẵn sàng ra đi nhưng việc đền bù phải thỏa đáng, phải đảm bảo cuộc sống cho dân chứ ô nhiễm thế này theo các vị có sống được không? Đất tái định cư chưa có mà bắt người dân di dời thì biết ở đâu?”.

Theo ông Đỡ, lo lắng nhất của dân địa phương lúc này là thất nghiệp. Thanh niên trong làng không có công ăn việc làm, sống lang thang nên dễ dẫn đến bất ổn về an ninh trật tự. “Dân chúng tôi cũng không điên gì mà trưa đứng bóng lại ra chặn xe ben. Nhưng vì không chịu nổi, trẻ con thì luôn sống trong cảnh lo tai nạn và bệnh tật vì xe ben nên bà con mới lao ra phản ứng”. Riêng vụ ông Nguyễn Tuấn bị nhóm năm người lạ đi trên hai ôtô lao vào nhà chém trọng thương vào đêm 29-8, người dân yêu cầu chính quyền phải làm rõ tổ chức, cá nhân nào đứng sau vụ việc này.

Nhiều người dân còn bày tỏ bức xúc việc nhà đầu tư cho đổ đất bao quanh làng khi công tác di dân chưa thực hiện. Nếu lũ tràn về sẽ nhấn chìm cả làng.

“Chúng tôi nhận thấy có lỗi với bà con”

Theo ông Nguyễn Nhu - phó trưởng ban giải tỏa đền bù đầu tư và xây dựng số 3, việc người dân phản ảnh chuyện nhận đất tái định cư trên giấy là có thật. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên các dự án tái định cư Hòa Liên 3, 4 bị chậm trễ. Theo ông Nhu, để người dân yên tâm, phía TP đã có quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ bị giải tỏa.

Tại cuộc gặp, ông Trần Đình Hồng - bí thư Huyện ủy Hòa Vang - cho biết trên địa bàn huyện hiện có 67 dự án, trong đó có 59 dự án đang triển khai và sẽ có 18.000 hộ dân bị ảnh hưởng do bị giải tỏa, thu hồi đất. “Bức xúc của người dân là rất chính đáng vì có liên quan đến đời sống của họ. Trong khi đó các cơ quan chức năng nhiều bộ phận chưa làm hết trách nhiệm, chưa giải thích thỏa đáng. Chúng tôi nhận thấy có lỗi với bà con” - ông Hồng nói.

Xe chở “đầu gấu” là của Trung Nam

Chiều 31-8, đại tá Nguyễn Đình Chính - phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng - cho biết đã khởi tố vụ án chém ông Nguyễn Tuấn vào đêm 29-8 tại thôn Quan Nam 5, xã Hòa Liên, đồng thời Công an Q.Liên Chiểu đã khởi tố vụ án phá hoại tài sản xảy ra tại khu điều hành dự án Golden Hills trong các đêm 29 và 30-8. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành triệu tập những đối tượng nghi vấn và mời đại diện các đơn vị có liên quan để điều tra.

Xác nhận với Tuổi Trẻ chiều 31-8, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc dự án Golden Hills - cho biết trong số hai ôtô chở người đi chém ông Tuấn vào đêm 29-8 chính xác có một xe của Công ty Trung Nam mang biển số 56S-0956. “Chiếc xe này do ban điều hành dự án Golden Hills quản lý và người lái xe là anh Giác. Hiện công ty đang tìm cách liên lạc với anh Giác nhưng không được” - ông Tiến cho biết.

San lấp mặt bằng có cốt nền cao hơn đường làng 4m

Những ngày qua, người dân ở các thôn Vân Dương 1, Quan Nam 2, 5, Trung Sơn... thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hết sức lo lắng vì chỉ sau cơn mưa nhỏ đã khiến con đường qua thôn Vân Dương 1 chìm trong nước. Không chỉ ngập đường mà đồng ruộng nhiều khu vực cũng chìm trong nước.

Ông Phạm Đình Nhơn, trưởng thôn Vân Dương 1, than thở: “Chủ đầu tư các dự án trên đã đổ đất bao vây tứ phía quanh làng. Họ cho san lấp tất cả kênh, mương thoát nước trong làng ra sông Cu Đê nên bây giờ chỉ cần cơn mưa nhỏ là cả làng đã lội bì bõm”. Nguyên nhân ngập úng, theo ông Nhơn, là do các dự án khu đô thị Golden Hills, khu tái định cư Hòa Liên 2, 3, 4, dự án Khu công nghiệp Thanh Vinh mở rộng... đã đổ đất san lấp mặt bằng có cốt nền cao hơn 4m so với đường làng.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, phó Ban chỉ huy phòng chống bão lụt TP Đà Nẵng, cho biết đầu tháng 8 khi người dân báo cáo sự việc mới tiến hành kiểm tra thì té ngửa khi các kênh, mương thoát nước tại xã Hòa Liên bị lấp kín. Ban chỉ huy chống bão lụt TP Đà Nẵng đã đề nghị chủ đầu tư các dự án liên quan nhanh chóng có biện pháp trả lại hiện trạng các tuyến kênh mương. Tuy nhiên, đến thời điểm này các chủ đầu tư vẫn phớt lờ, chưa có động tĩnh gì.

Theo ông Thắng, nếu không khai thông trả lại hiện trạng các tuyến kênh mương như trước đây thì sẽ rất nguy hiểm trong mùa lũ sắp đến. “Hằng năm hồ thủy lợi Hòa Trung, một trong hai hồ lớn nhất Đà Nẵng, tràn nước về vùng xã Hòa Liên. Nếu tình trạng các cống, đường dẫn nước thoát ra sông Cu Đê bị bịt kín như thế này thì khả năng xảy ra lũ lớn cục bộ cho các thôn Quan Nam 2, 5, Vân Dương 1, Trung Sơn... là không tránh khỏi”.


H.KHÁ - Đ.NAM




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo