Bộ trưởng đột phá (50 ngày của các Bộ trưởng) - Dân Làm Báo

Bộ trưởng đột phá (50 ngày của các Bộ trưởng)


Đào Tuấn  Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi đắc cử chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng liên tục sử dụng động từ mạnh là "đột phá". "Để thực hiện giải pháp đột phá trong đầu tư hạ tầng, ngành giao thông phải xây dựng được cơ chế đột phá, trước hết là cần đột phá về cơ chế huy động nguồn lực, về phương thức và hình thức đầu tư, cũng như đột phá về thủ tục triển khai dự án. Xây dựng cơ chế đột phá này là điều kiện để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện giải pháp đột phá".

5 lần đột phá trong chỉ hai câu.

Thực ra, cũng chẳng có gì lạ khi một trong 3 khâu "đột phá chiến lược" của Chính phủ mới chính là hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là một trong hai "đột phá".

Bộ trưởng Thăng khẳng định ông sẽ đột phá vào 3 vấn đề bức xúc, trong đó có ùn tắc giao thông.

Theo từ điển, đột phá có nghĩa là chọc thủng, phá vỡ. Còn có nghĩa là tạo ra một chuyển biến mới một cách mạnh mẽ.

Quả thực là Bộ trưởng đã "chiến đấu ngay với công việc", như lời ông hứa hẹn, nhưng theo một cách cũ rích, rất xúc phạm từ "đột phá"- xuất phát từ tư duy của một người từ lâu đã không còn đi xe máy, cũng chưa từng đi xe bus công cộng. Tại cuộc làm việc với TP HCM, ông đề nghị "sớm có lộ trình hạn chế xe máy, trước hết cấm ở một số tuyến phố, sau đó mở rộng ra đường vành đai 1, 2. Không chỉ xe máy, Bộ trưởng còn tiến xa hơn, đột phá hơn khi bàn đến chuyện hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố. Ông lập luận: “Những thành phố văn minh hiện đại trên thế giới làm được tại sao mình không làm được".

Lại thêm một lối tư duy IQ "Tôi đi nước ngoài".

“Không phải chỉ có mỗi Việt Nam thu phí xe ôtô vào trung tâm thành phố. Trên thế giới và trong khu vực cũng đã có nhiều nước thực hiện dự án này".

Lại thêm một lần "Tôi đi nước ngoài".

Sau khi Bộ trưởng Thăng bật đèn xanh cho Thành phố trong việc đưa ra dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), một "đối tác" của Thành phố HCM trình đề xuất lập 36 trạm thu phí để thu phí tất cả xe ôtô vào khu vực các quận 1 và 3 (với mức phí từ 30-50 ngàn/lượt). ITD tính toán, khi áp dụng thu phí sẽ giảm được khoảng 40% lượng xe ôtô vào, từ đó sẽ giảm được tình trạng kẹt xe tại khu vực nội thành. Và Sở GTVT rất nhanh nhảu kiến nghị với Thành phố thực hiện ngay vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2012.

Hạn chế, một hình thức cấm đoán- xe máy thì bao nhiêu % dân số có tiền mua ô tô. Cấm luôn cả ô tô rồi thì dân sẽ đi bằng gì? Một lẽ rất "luyện" là sẽ trông vào phương tiện giao thông công cộng.

Đến câu chuyện phương tiện giao thông công cộng để thay thế thì không thấy Bộ trưởng so Hà Nội, TP HCM với "Những thành phố văn minh hiện đại trên thế giới" nữa. Mở ngoặc cái trong khi việc hạn chế, hoặc cấm "cần phải làm sớm" thì đường sắt trên cao ở Hà Nội là câu chuyện của tương lai, còn tàu điện ngầm- phương tiện thay thế mà Bộ trưởng nói, dứt khoát không thể có được trong nhiệm kỳ của ông Thăng.

Thu phí vào nội thành, tăng thuế trước bạ, tăng cường xử phạt, phân luồng, xẻ vỉa hè, bịt ngã tư, ngày chẵn ngày lẻ theo biển và đặc biệt là biện pháp hạn chế xe máy, cấm ô tô.... Ngành giao thông từ bao năm nay rối đến mức cứ thấy ai có cái gì liền đem về áp dụng ở Việt Nam cái đó, bất chấp đặc thù giao thông.

Nhưng hạn chế, hay cấm đoán, chỉ càng chứng tỏ sự bất lực của những người ban hành lệnh cấm.

Nếu chỉ là cấm, có lẽ chả cần phải có bằng tiến sĩ, có chức vụ bộ trưởng mới có thể làm.

Không thể ngồi xe biển xanh mà bàn chuyện hạn chế xe máy của dân chúng.

Không cứ là thăng thì có thể lên giời mà chém gió chuyện dưới đất.

Không thể "đi nước ngoài" rồi bê nguyên về Việt Nam.

Không thể chưa một lần di chuyển bằng xe bus mà buộc dân chúng phải làm cá hộp trong những chiếc quan tài bay.

Và hạn chế, hay cấm, cũng là một hình thức cũ rích không thể gọi là đột phá được, thưa Bộ trưởng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo