Giải thưởng văn học Nhà Nước và Hồ Chí Minh - Dân Làm Báo

Giải thưởng văn học Nhà Nước và Hồ Chí Minh

Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Việc hai giải thưởng được xem là quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng bị lũng đoạn bởi sự lạm dụng quyền thế của người chấm giải, cộng với cách công khai thao túng quyền đề cử bất kể dư luận đã nói lên sự thật về tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của Việt Nam ngày nay. Bốn người trong cuộc lên tiếng một lúc đã trở thành chuyện không lạ, khi tính khách quan của giải thưởng bị ông Hữu Thỉnh lợi dụng vị trí của mình để làm xấu đi nét đẹp của hai giải thưởng này...

*

Từ nhiều năm qua, hai giải thưởng được xem cao nhất nước là Giải thưởng Nhà Nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hai giải thưởng lớn

Theo văn bản Pháp lệnh về tiêu chí của hai giải thưởng này thì Giải thưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi người được đề nghị có những đóng góp cao hơn Giải thưởng Nhà nước về những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật.

Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố hai năm một lần và Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố năm năm một lần. Cả hai giải thưởng này đều được công bố vào dịp Quốc khánh 2-9.

nguyen-ngoc-200.jpg
Nhà văn Nguyên Ngọc. Photo courtesy of Trần Đỗ Liêm's blog.  

Nhà văn Nguyên Ngọc, từng là Tổng biên tập của tạp chí Văn Nghệ, tờ báo văn học lớn nhất nước cho biết hai giải thưởng này qua kinh nghiệm của ông như sau:

“Theo tôi biết, những giải thưởng chính thức của nhà nước thì người ta có phân loại ra Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao nhất, còn giải thường đứng hàng thứ hai là Giải thưởng Nhà Nước. Hai giải thưởng đó là như thế, tức là Giải thưởng Nhà Nước thì thấp hơn; Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao nhất. Có người được Giải thưởng Nhà Nước, rồi một số năm sau gì đấy thì được Giải thưởng Hồ Chí Minh, có thể như thế.

Người ta đánh giá là những tác phẩm mà người ta cho là nó có giá trị cao hơn tức là người đó có đóng góp nhiều hơn thì người ta đưa lên Giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn ở một cấp độ nào đó mà người ta thấy cũng xứng đáng giải thưởng nhưng mà nó chưa được cao như những cái kia thì người ta đặt nó ở Giải thưởng Nhà Nước."

Những lần trao giải cho các văn nghệ sĩ trước đây đã gây nhiều thắc mắc cho báo chí và dư luận. Không ít người được đề cử lãnh giải với sự nghiệp sáng tác mỏng manh và tác phẩm của họ không đủ sức thuyết phục đối với quần chúng. Có lẽ từ lý do này mà nhiều năm trôi qua những con người thật sự biết tự trọng đã quay lưng lại với hai giải thưởng này, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, ông nói:

“Tôi không quan tâm lắm cho nên không chú ý đến những ban chấm giải đó nhưng tôi biết có nhiều cấp lắm. Có cấp gọi là cấp cơ sở, ví dụ như là Hội Nhà Văn, thế rồi Hội Nhà Văn mới lên một cấp gì đó nữa, cấp Bộ, như là Bộ Văn Hóa, tức là Hội Nhà Văn đưa lên rồi cấp Bộ mới lọc một ít, sau đó cấp Bộ mới đưa lên một cấp cao hơn nữa là Hội Đồng Giải thưởng Nhà nước thì mới xong, tức là phải qua những cấp như vậy.

Tôi nghĩ rằng cũng tùy theo từng lúc, ví dụ ra hội đồng của Hội Nhà Văn thì mỗi kỳ nó một khác. Giải thưởng Hồ Chí Minh thì 5 năm một lần, những năm đầu tiên thì có thể nghiêm túc hơn, công bằng hơn. Rồi một lúc nào đó hội đồng của Hội Nhà Văn nó không có thể bằng lần trước. Hội đồng của các cấp khác cũng thế. Mỗi thời kỳ người ta lập hội đồng khác nhau. Tôi không quan tâm nên cũng không theo dõi nhiều nhưng tôi biết đại để nó là như thế.”

Bị lạm dụng quyền thế

huuthinh-giadinh.net.jpg
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Photo courtesy of giadinh.net

Tuy nhiên không phải ai cũng quay lưng lại với hai giải thưởng cao nhất nước này như nhà văn Nguyên Ngọc. Số tiền được trao cho người nhận giải ngày một cao hơn đã khiến cho lòng tham con người bị dấy động. Bên cạnh đó danh tiếng của giải thưởng cũng phần nào tăng trọng lượng cho tác phẩm của người nhận giải đối với những ai chưa biết rõ cách thức xét tuyển của ban chấm giải.

Nếu nói rằng một thành viên của Uỷ ban xét tuyển đưa tên mình vào danh sách xét tuyển thì khó mà ai tin được, tuy nhiên điều khó tin này đã xảy ra khi chính ông Hữu Thỉnh đưa hai tác phẩm “Thương lượng với thời gian” và “Trường ca biển” của ông vào danh sách.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo là người đánh động dư luận về việc này. Ông cho biết cặn kẽ sự việc như sau:

“Năm nay ông Hữu Thỉnh đưa ra hai tập thơ, một tập tên là "Thương lượng với thời gian". Tập "Thương lượng với thời gian" là tập thơ nhiều bài đã được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006. Tập "Thương lượng với thời gian" khi được giải thưởng thì tôi có viết một bài phê bình, phê tập thơ là dở và nhạt nhẻo, "thương lượng với thời gian" hay là "thương lượng với hội đồng chấm giải thưởng" ? Mà cái giải thưởng này chính ông Hữu Thỉnh là người trưởng ban lập ra cái giải thưởng và là người chủ tịch của hội đồng chấm giải thưởng, và là người ký cái giải thưởng, tức là ông ta ký cho chính ông ta.

Ông chấm cho ông và ông ký cho ông! Bài phê bình của tôi có tác dụng rất là mạnh đến nỗi vào ngày nhận giải thưởng, khi phát giải thì ông ta từ chối nhận giải nhưng không cho biết lý do. Bài viết của tôi đã vạch ra tập thơ "Thương lượng với thời gian" là một tập thơ rất nhạt. Bẳng đi một thời gian đến năm nay lại thấy ông ta trưng ra hai tập, đầu tiên gọi là "hội đồng giới thiệu để xét giải thưởng quốc gia của Hội Nhà Văn", trong lúc đó ông ta là chủ tịch, lại đưa tập thơ "Thương lượng với thời gian" ra để xét giải thưởng!

Tập thơ thứ hai là tập "Trường ca biển". Tập "Trường ca biển" này tôi đọc kỹ và tôi đang viết bài phê bình. Đây cũng là một tập thơ hết sức là tẻ nhạt, nói chung không có gì xuất sắc. Nó nhàn nhạt, nó không có gì đặc biệt.

Ông ta đưa hai tập thơ rất dở vào xét Giải thưởng Hồ Chí Minh vì ông ta là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông là bí thư đảng đoàn hai cơ quan này. Ông lại có tên trong ban chung khảo, tức là ban chấm giải thưởng Văn học Nghệ thuật, giải Hồ Chí Minh và giải Nhà nước của Nhà Nước Việt Nam. Ông ta ở trong ban chấm giải, ông ta chấm giải của ông ta, thì chắc chắn hai tác phẩm này của ông ta sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh sắp tới và họ sắp công bố.”

Không có giá trị

tranmanhhao-250.jpg
Ảnh - Nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo

Với nhận xét khá bi quan, nhà văn Trần Mạnh Hảo cho rằng người ta đang thi nhau đề nghị tác phẩm dở chứ không phải là tác phẩm hay như tiêu chí của pháp lệnh nhà nước về nội dung bắt buộc người được đề nghị phải có:

“Hai tác phẩm rất dở của ông Hữu Thỉnh mà được Giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh của nhà nước thì chứng tỏ cái giải thưởng đó không có giá trị. Cái giải thưởng này chắc là người ta thưởng cho người chứ không phải cho tác phẩm.

Tôi đang ngồi trước một chồng những tiểu thuyết, những truyện ngắn, tất cả những tác phẩm tôi đã sưu tầm lâu nay được đề cử vào Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, và nếu tất cả những ông này mà được giải thì đây là tập hợp những tác phẩm dở nhất và nhạt nhẻo nhất Việt Nam.

Giải thưởng Hồ Chí Minh theo họ là giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật tặng cho những tác giả có công lớn trong lãnh vực sáng tác văn học nghệ thuật thì lại được trao cho những tác phẩm dở và kém như thế. Tôi suy ra là Giải thưởng văn học Hồ Chí Minh người ta lấy tiêu chí dở để xét giải thưởng chứ không phải tiêu chí hay. Thế thì tiêu chí dở và nhạt nhẻo như thế thì giải thưởng này quá thành công rồi!”

Trong thời gian gần đây báo chí loan tin bốn nhân vật nối nhau từ chối tên mình trong danh sách người được xét tặng, đó là nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Sơn Nam.

Sự kiện cùng một lúc rút tên của ba cây viết nổi trội nhất nhì của nền văn học nước nhà và một cán bộ cao cấp từng giữ cương vị trong Ban bí thư Trung ương đảng đã dấy động nhiều câu hỏi của báo chí đặt ra cho cơ chế chấm giải cũng như tổ chức danh sách xét duyệt của hai giải thưởng này.

Không cần giải thưởng

000_Hkg5218915-250.jpg
Từ trái sang: Các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Nguyên Ngọc cùng xuống đường biểu tình chống TQ hôm 14/8/2011. AFP

Nếu dựa theo tiêu chí mà Pháp lệnh quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã ban hành thì rất nhiều người bị bỏ sót sau nhiều năm hai giải thưởng này thành hình, một trong những người xứng đáng được trao giải đó là nhà văn Nguyên Ngọc.

Theo điều 2 mục b của pháp lệnh quy định “Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam”.

Tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nhà văn Nguyên Ngọc được dạy trong mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa trong nhiều chục năm qua là một minh chứng rõ nét nhất cho sự đóng góp của ông. Nhiều thế hệ đã học “Đất nước đứng lên” như hành trang chuẩn bị cho tư cách sống của một thanh niên khi bước chân vào đời cũng như vào mảnh vườn văn học nước nhà.

Khi được hỏi lý do rút tên ra khỏi danh sách đề cử, nhà văn Nguyên Ngọc nay đã 80 tuổi cho chúng tôi biết:

“Từ đầu tôi vẫn nghĩ thế này, đối với một nhà văn, đối với người làm văn học hay cả nghệ thuật nữa thì thực ra tác phẩm của mình, công trình của mình, sự sáng tác của mình, việc đánh giá do người đọc, quần chúng với đối tượng họ đánh giá. Có thể đánh giá lúc này, bây giờ như thế này nhưng mà lâu dài thì ra sao? Có khi là bây giờ thấy nó ồn ào nhưng lâu dài người ta quên mất, cho nên tôi không quan tâm nhiều đến chuyện giải thưởng; tôi không cho rằng giải thưởng là quan trọng.

Chuyện mình làm được cái gì đó thì người đọc, hay thính giả, khán giả thì người ta đánh giá. Tôi nghĩ một nghệ sĩ chân chính thì người ta làm chứ người ta không hề nghĩ đến chuyện giải thưởng, thậm chí cũng không hề nghĩ đến chuyện đánh giá. Người ta làm vì người ta muốn bộc lộ cái gì đó, thậm chí là thỏa mãn một nhu cầu bộc lộ của mình. Chuyện đánh giá thì sau đó tự nó đến chứ thật ra không ai quan tâm nhiều đến điều đó đâu."

Tự trọng

ng-khoa-diem-200.jpg
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tạp chí Sông Hương Online. 

Với trường hợp rút tên của hai ông Sơn Nam và Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Trần Mạnh Hảo cho biết nhận xét của ông:

“Thực sự ra nếu ông Nguyễn Khoa Điềm mà không từ chối thì chắc chắn là ông ta được giải thưởng Hồ Chí Minh, vì thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm nói chung là có cái cõi riêng. Thơ của ông thực ra bây giờ chất lượng không bằng thời trước khi ông làm quan lớn, nhưng vẫn có phong cách.

Tôi nghĩ rằng nếu ông Nguyễn Khoa Điềm không rút thì chắc chắn được giải vì ông đã ở trong một vai trò rất lớn, là một quan đại thần trong Bộ Chính Trị nên cái uy tín chính trị của ông rất lớn, nó đảm bảo tác phẩm của ông chắc chắn được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên ông ta rút ra thì tôi nghĩ là ông không thích nằm trong cái dạng dở như vậy. Văn chương được xét giải Hồ Chí Minh năm nay kém như vậy cho nên ông ta thấy không thích nên rút ra, chứ chẳng phải cái ngày xuất bản thế nọ thế kia như ông ta lấy làm lý do. Ông không thích nằm trong cái dàn đồng ca dở đó, mà rút ra thế thì người ta càng trọng ông hơn là ông được giải.”

Nghèo nhưng thơm


son-nam-250.jpgNgười thứ tư được chú ý là nhà văn Sơn Nam. Ông qua đời và để lại cho gia đình một gia tài đồ sộ những tác phẩm viết về miền Nam đã được cả nước thừa nhận như một thư viện nhỏ chứa đầy các chi tiết quan trọng nhất của phương nam từ thời dân tứ phương đổ về đây khai quang lập ấp.

Gia đình nhà văn Sơn Nam đã chính thức thông báo yêu cầu rút tên ông ra khỏi danh sách đề cử giải thưởng và theo nhiều người thì đây là một hành động đáng kính phục, trong đó có nhà văn Trần Mạnh Hảo, ông nói:

“Gia đình ông Sơn Nam thì tôi rất phục. Gia đình ông không giàu có và nói chung là nghèo. Con ông Sơn Nam tôi biết, cả đời sống trong nghèo khó. Một giải thưởng nhà nước sẽ chắc chắn trao cho ông Sơn Nam, vì ông là một nhà văn lớn, không chỉ của Miền Nam mà của cả nước, nên họ sẽ trao cho ông. Mà trao thì sẽ được ít nhất gần 200 triệu. Hai trăm triệu là một số tiền lớn so với gia đình nghèo của ông Sơn Nam lắm chứ!

Thế nhưng gia đình rất là tư cách vì họ nghĩ đây là cái quyết định lớn, mà ông Sơn Nam đã mất rồi, ông không thể quyết định mà hình như ông có trối trăn lại là ông không thích những cái giải thưởng như thế, cho nên gia đình họ quá là tư cách đi, họ từ chối bởi vì số tiền đó quá lớn đối với họ nhưng mà họ từ chối. Tôi rất kính phục gia đình ông Sơn Nam.”

Việc hai giải thưởng được xem là quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng bị lũng đoạn bởi sự lạm dụng quyền thế của người chấm giải, cộng với cách công khai thao túng quyền đề cử bất kể dư luận đã nói lên sự thật về tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của Việt Nam ngày nay. Bốn người trong cuộc lên tiếng một lúc đã trở thành chuyện không lạ, khi tính khách quan của giải thưởng bị ông Hữu Thỉnh lợi dụng vị trí của mình để làm xấu đi nét đẹp của hai giải thưởng này.

2011-09-03




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo