Cánh Cò - Chiều hôm trước tôi nhận được cú điện thoại của cô em từ trong TPHCM gọi về. Đã khá lâu, hai chị em không nói chuyện nhiều với nhau như vậy. Đặt chiếc điện thoại xuống tôi vẫn còn nghe tiếng cười nhỏ nhẹ của em. Đối với tôi, buổi chiều hôm ấy đáng ghi nhớ và cảm giác thương yêu lẩn quẩn trong tôi mãi.
Em cũng theo nghiệp cầm phấn như tôi và cha. Số em may mắn hơn, được du học và trở về với tấm bằng TS của Pháp, cả nhà mừng và cứ ngong ngóng theo dõi tin em đi dạy từ nơi này sang nơi khác. Cuối cùng thì em vào TPHCM và nhận làm việc tại một trường có tiếng. Tôi trút hết nỗi lo thất nghiệp thay em.
Lâu lâu tôi lại thấy tên em trên mặt báo. Không hiểu sao bỗng dưng em lại viết báo, đó là chuyện lạ. Em vốn ghét báo chí Việt Nam vì cứ mở tờ báo ra là hình như toàn chuyện xấu của xã hội. Em giữ lập trường báo chí chỉ giúp bọn nhà giàu khoe của. Này nhé, đại gia này có bao nhiêu tòa lâu đài, em chân dài kia có bao nhiêu bộ đồ ngoại đáng giá, chàng nhạc sĩ nọ có bao nhiêu đô la sau khi làm một vòng trình diễn khắp nước…những thông tin này làm cho người nghèo lơ láo thêm và mặt bọn có tiền cứ vênh lên như chiếc bánh đa oằn mình dưới lửa.
Em thích dùng từ Sài gòn, không như tôi, lưỡi cứ dính vào thành phố mang tên Bác. Tôi thích Sài gòn nhưng sao mỗi lần gọi lại thấy một điều gì đấy âm thầm chặn lại ngang cổ. Cảm giác quay lưng lại với những gì tôi học từ tấm bé, bên ngôi trường thấp lè tè và luôn luôn đối diện với hình của Bác trong lớp học khiến tôi lặng lẽ hối lỗi. Tôi như bao thiếu nữ cùng tuổi khác có nỗi sợ hãi không tên khi suy nghĩ điều gì đó có thể đi ngược lại những gì tôi học được về nhân thân của Bác.
Nỗi sợ hãi ấy không thành hình một cách rõ rệt nhưng chúng hiện diện và bắt rễ trong óc của chúng tôi từ khi còn thơ dại. Tôi nói chuyện này với em và chừng như ngay lập tức em bảo tôi bị nhồi sọ quá nặng. Tôi không tin mình bị nhồi sọ, điều tôi mang máng hiểu có lẽ do tôi quá uỷ mị nên dễ bị cảm giác tự hối chăng?
Tôi đeo nặng cái ám ảnh ấy cho đến một hôm, chính xác là ngày 5 tháng 6 vừa qua, ngày mà cuộc biểu tình nổ ra tại Sài gòn mới làm tôi lau đi hình ảnh của Bác nằm đau đáu trong tim tôi bấy lâu nay.
Không có một điều gì cụ thể khiến tôi thấy mình dễ chịu khi thoải mái gọi hai tiếng Sài gòn thay thế cho 5 chữ thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy câu nói: “biểu tình tại Sài gòn” có chất kết dính vô hình hơn là dùng một cụm từ thừa. Không cần đặt từ “thành phố” trước hai chữ Sài gòn nó vẫn không mất đi cái chất, cái hồn của thành phố. Người Sài gòn đi biểu tình, người Sài gòn ăn nhậu, người Sài gòn thế này, người Sài gòn thế kia….tôi như đứa bé, thoát cái vòng vây già cỗi hơn 45 năm hay nói văn hoa hơn là “thoát nỗi sợ hãi” một cách rất… Sài gòn.
Tôi chia sẻ điều này với em và rất bất ngờ em đã lặng đi một hồi lâu rồi nói với tôi: Em cũng vậy!
Em cũng vậy! ba chữ ngắn ngủi làm tôi thương em biết ngần nào! Nỗi sợ là điều mà ai cũng có, nhưng sợ một hình ảnh, một biểu tượng, một cái gì đó vô hình nghe sao quá kinh khủng. Nó không còn là nỗi sợ sinh lý nữa mà trở thành nỗi ám ảnh. Ám ảnh luôn đi đôi với ác mộng và tôi thở phào khi biết em tự chữa lành căn bệnh của mình.
Em kể cho tôi nghe em thoát nỗi sợ như thế nào.
Lúc rảnh, em thường viết những suy nghĩ của mình trước những vấn đề nhỏ nhất và gửi đăng báo. Ban đầu viết vì vui sau dần dà viết vì bị thúc bách. Xa hơn nữa em viết vì cảm thấy nếu không viết sẽ khó ngủ và cảm giác như đang bị theo dõi. Mình theo dõi mình. Mình ngờ vực mình và có gì giông giống như thế.
Cho tới một hôm bài viết đã làm công an để ý và một sĩ quan an ninh đã đến trường để gặp Ban giám đốc. Em được cho biết là bên nội chính khuyên em nên nghĩ đến tương lai của mình và ngòi viết nên dành để phục vụ nhân dân, hơn là phục vụ một điều gì đó mơ hồ, có thể làm hại cho sự nghiệp của em.
Nghe xong em sợ điếng hồn. Em cảm thấy bị theo dõi, bị nhìn từ mọi phía và tệ hại hơn nữa là ngay cả khi vào lớp em cũng thấy ánh mắt của sinh viên thay vì chăm chú nghe em giảng, lại như đang làm công việc của một tay điềm chỉ, sẵn sàng báo công an bắt em…
Em bỏ viết và bỏ luôn cả lên lớp trong một tuần lễ. Em nằm vật nằm vã như một con nghiện bị cai thuốc. Em suy sụp và chừng như không còn chỗ dựa. Cho đến một hôm em ngồi bật dậy, “chat” với một người bạn lớn tuổi tại Pháp, nơi em theo học trong bốn năm trước. Bạn em nói ông ta cũng vừa vượt qua nỗi sợ để ký tên vào bức thư ngỏ gửi cho cấp lãnh đạo Hà Nội.
Là người từng sống tại các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, em kể cho tôi nghe sự kinh hoàng của những người chống cộng. Một người bị cộng đồng kết án là cộng tác với chính quyền trong nước có nghĩa là anh ta sẽ không thề nào làm ăn hay hoạt động gì tại nơi anh đang định cư. Hình ảnh của anh ta sẽ bị tạt một loại acit vô hình, tự động tan chảy và biến mất trong cộng đồng. Đó là cái giá phải trả nếu muốn hoà hợp hoà giải với chính quyền Hà Nội.
Vừa kể vừa cười nhỏ nhẹ, em bảo ông bạn của em không còn sợ khi ký tên vào bức thư ngỏ vì nếu không ký thì cuộc đời ông sẽ vĩnh viễn hối hận. Ông nhìn những cuộc biểu tình tại Hà nội như một tấm gương can đảm và ông cảm thấy bao nhiêu năm ăn học của mình trở thành vô ích nếu không mạnh dạn đặt tay vào ký một chữ ký bình thường nhưng đầy bất trắc về sau này. Em kể với tôi, khi nghe xong em bừng tỉnh. Các cuộc biểu tình đã giúp rất nhiều người nhận ra nỗi sợ vô lý của mình. Sợ những thứ rất mơ hồ và có kẻ đã biến những hình ảnh mơ hồ này thành cụ thể. Em thở to trong điện thoại như đang leo núi. Tôi biết em cố gắng vượt thứ ngôn ngữ bình thường của một nhà giáo để nói thứ ngôn ngữ của người bị bịt kín mắt trong chiếc nhà tù tự ngã.
Thế là chị em tôi thoát.
Và may mắn thay nhiều người khác cũng tự thoát như hai chị em tôi.