Nếu vinh danh - hãy vinh danh cho đúng cách - Dân Làm Báo

Nếu vinh danh - hãy vinh danh cho đúng cách

Này - thôi đừng đểu giả, thôi đừng điếm đàng, 
Nếu vinh danh thì hãy vinh danh cho đúng cách

Bình Minh (danlambao) Bài này, đã được viết với tựa đề - Mùa Báo Hiếu, xin vinh danh Mẹ - và dự định gửi đăng nhân ngày lễ Vu Lan vừa qua để tặng cho một người đàn bà mà tôi chỉ biết qua hình ảnh trên các trang mạng. Vì bận rộn trong công việc nên phải gác bài viết qua một bên, khi nhớ lại thì bài viết đã không còn thời gian tính nữa. Mấy hôm nay nhân đọc những bài báo nói về chuyện xây tượng Bà Mẹ Việt Nam tại Tiên Sa, tôi không thể không giới thiệu bài này đến bạn đọc để chia xẻ sự trân trọng của chúng ta đến người Mẹ Việt nam.

Mọi năm cứ đến mùa Vu Lan tôi lại viết những lá thư cho riêng Mẹ, thủ thỉ tất cả những nỗi niềm, kể lể những tự ti dấu kín mà tôi không thể tỏ bày cùng ai. Mẹ đã dạy tôi bài học làm người, đã nhẫn nhục cưu mang nhìn tôi hèn nhát, nên chỉ có Mẹ mới là nơi chốn tìm về và chỉ có Mẹ mới tha thứ những ngỗ nghịch tôi mang. 

Bây giờ đang mùa báo hiếu, tự cài lên áo đóa hoa màu trắng, lòng tôi ngổn ngang, nhớ Mẹ vô vàn. Mẹ đã không còn, nhưng tôi vẫn muốn viết cho Mẹ, tâm sự cùng Mẹ. Lá thư cho Mẹ năm nay, sẽ không là những tiếng thì thầm mặc cảm, cũng không là những giọt lệ bất lực, mà là những tiếng nói dõng dạc từ ý chí từ trái tim, vì ... Mẹ ơi, con đã tự giác. 

Năm xưa, một buổi tối, họ xông vào nhà lục lạo. Họ trói giữ tra hỏi Bố, rồi đánh đập và cuối cùng bắt Bố ra đi. Tôi nhớ, Bố đi giữa các họng súng kềm, ngóai cổ lại nhìn, 5 đứa con nhỏ đang mếu máo ngơ ngác giữa tiếng khóc nấc nghẹn của Mẹ. Từ đó Bố biệt tăm, người ta bảo có lẽ Bố đã bị thủ tiêu. Sau ngày Bố đi, Mẹ tôi rất vất vả vì phải chạy gạo nuôi đàn con nhỏ trong một xã hội đầy những hận thù chia rẽ. Tính nhút nhát nơi tôi lớn dần, hình ảnh Bố bị đánh đập khi tôi vừa 10 tuổi đã in đậm vào lòng khiến tôi sợ hãi bạo lực hung tàn. Rồi những hất hủi nơi lớp học, và những hà hiếp ngòai đường phố khiến tôi càng co dúm lại - chỉ muốn yên thân một mình trong thế giới của riêng tôi. Cảm nhận được nỗi mặc cảm ấy, Mẹ đã gần gũi, khuyến khích tinh thần tôi rất nhiều. Mẹ ít nói và hay kể chuyện, có những câu chuyện - Mẹ gọi chuyện làm người - được kể đi kể lại nhiều lần. Nhưng với đầu óc bé nhỏ tự ti, tôi không thấy một chút gì đặc sắc trong các câu chuyện kể. 

Tôi đã sống thụ động, rất thụ động - không biết nói, không biết tỏ bày. Tôi ù lì trước những kêu than trong xã hội, trước những bất công khốn khó chung quanh. Hoặc quá lắm tôi chỉ đưa mắt nhìn để rồi tối về bụng bảo dạ - may quá không phải mình. Tôi đã cố chống chế, biện minh cho thái độ trốn tránh của mình - để rồi cứ mãi cúi mặt không dám ngẩng nhìn những người chung quanh. 

Và làn sóng phản đối Trung Quốc xâm lấn Hòang Sa Trường Sa bùng lên. Tôi thấy trong tôi có những ray rức lạ kỳ. Đọc những bài viết, hiểu được sự bạc nhược và đồng lõa trong âm mưu xâm lược của Trung Quốc nơi các người lãnh đạo hiện tại, trong lòng tôi dấy lên những bất bình, nhưng nỗi nhút nhát cố hữu khiến tôi không dám lên tiếng hoặc tham gia biểu tình với các anh chị. Ai có rủ tôi cũng đều tránh né, tách rời vì biết bao cái “nếu“ ích kỷ cho riêng bản thân - đang là cội rễ bám chặt trong tâm, cuồn cuộn trong đầu. Tôi quên bẵng mất một chữ nếu đáng sợ hơn cả trăm nghìn lần cái nếu bị bắt, đó là - nếu tôi mất nước. 

Bỗng đâu hình ảnh người đàn bà áo trắng hiển hiện trên màn ảnh nhỏ mỗi lần tôi lên mạng tìm đọc tin tức biểu tình. Người đàn bà không quen biết đã thay đổi con người tôi hòan tòan. Bà chính là người Mẹ, vâng người Mẹ Việt Nam đang tất tả, chạy ngược, chạy xuôi để cứu lấy quê hương rách nát. Là người đàn bà, tuổi khoảng 80, luôn luôn có mặt trong tất cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Hà Nội. Nhìn hình ảnh Mẹ, áo trắng mũ trắng đi đầu, cùng các anh chị em xuống đường vung tay cao, cương quyết bảo vệ lãnh thổ, mà nước mắt tôi ràn rụa. 

Chao ôi, hình ảnh Mẹ, hiên ngang quá và thiết tha vô cùng. 

Tôi như hồi sinh. 

Tôi phải tự chuyển mình quật khởi. Tôi phải đạp lên những ích kỷ riêng tư của chính bản thân, phải đạp lên những sợ hãi vô cớ, để dành lại quyền sống, để dành lại quyền làm người cho con, cho cháu tôi sau này. Chỉ vì an phận, nhút nhát, không ý thức, tôi đã đánh mất gần hết cuộc đời của mình. Người Mẹ áo trắng đã khiến tôi vỡ óc ra và hiểu một cách tường tận rằng : 

Chỉ có chính chúng ta, vâng - chính chúng ta, mới giải thoát lấy chính mình. 

Hình ảnh của Mẹ, người đàn bà áo trắng trong các cuộc biểu tình, làm lòng tôi bứt xúc. Tôi thèm, thèm được sống hiên ngang như Mẹ. Tôi phải bước ra nhận lãnh phần trách niệm của mình không thể để cho người khác gánh vác hộ. Lúc này chính là cơ hội cho tôi chuyển mình, cho dù có bị dọa nạt bắt bớ. Thú thực, đến ngày hôm nay, tôi mới được sống trong cái cảm giác ngạo nghễ tự tin của một con người. Bao chục năm qua, vì quá yếu mềm, nhu nhược tôi đã đánh mất niềm tin mà Mẹ đã vun trồng. 

Mùa Vu Lan năm nay, chúng con xin vinh danh Mẹ: những bà Mẹ mà lòng yêu Tổ Quốc lớn hơn cả những sợ hãi bắt bớ, cương quyết xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng, những người Mẹ bằng xương bằng thịt thật sự, với trái tim thể hiện tình yêu nước ngút ngàn chứ không phải là những bà mẹ anh hùng hư cấu vô tri vô giác. 

Lần nữa, chúng con xin trân trọng vinh danh Mẹ. 

Viết thêm ngày 27/9/2011: 

Không người từ mẫu Việt Nam nào vui sướng chấp nhận việc tạc hình tượng phi lý tốn cả trăm tỉ đồng khi cả triệu người con đang thiếu thốn đói rách tả tơi. 

Hãy dùng 410 tỉ đồng cứu đói. Mua gạo phân phát đến các bà mẹ bằng xương bằng thịt đang lết từng bước chân trên hè phố bán rong độ nhật hoặc đang phải đi ăn mày từng hạt cơm rơi cho đám con nheo nhóc. 

Hãy dùng 410 tỉ đồng chuộc lại những cô gái Việt trần truồng đã và đang bị bán cho bọn đàn ông nước ngòai mua dâm để gỡ đi phần nào tội lỗi tạo ra nỗi “nhục quốc thể”. 

Này - thôi đừng đểu giả, thôi đừng điếm đàng, 
Nếu vinh danh thì hãy vinh danh cho đúng cách. 

27/9/2011 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo