Ðòi dân chủ cần minh bạch, công khai - Dân Làm Báo

Ðòi dân chủ cần minh bạch, công khai

Ngô Nhân DụngGiới trí thức và thanh niên, sinh viên Hà Nội đã biểu tình trong hai tháng qua đã nhẫn nhục tự giới hạn mục tiêu đấu tranh của mình. Không ai nói đến mục tiêu quan trọng hơn việc đả kích Trung Quốc, không ai nói đến điều kiện tiên quyết để thay đổi chính sách đối ngoại, là người dân Việt Nam phải có quyền tự do quyết định vận mệnh nước Việt Nam!...

*

Trong cuốn tiểu thuyết Ðói (Sult) ấn hành năm 1899, nhà văn Knut Hamsun người Na Uy thuật một cảnh hai người đồng lõa nói dối lẫn nhau.

Nhân vật chính là một nhà báo trẻ đang không có việc làm thường xuyên; lại mới bị đuổi nhà vì không trả tiền thuê. Ngồi trong công viên, anh gặp một ông già ôm tờ báo cũ đến ngồi kế bên. Ông ta hỏi anh ta ở đâu. Không ai muốn tự giới thiệu mình vô gia cư, anh bịa ra một địa chỉ: Số 2, Khu Saint Olav. Trò chơi nói dối giữa hai người bắt đầu một cách vô hại như vậy.

- Số 2 hả? Ồ, tôi biết tất cả mọi người ở cái nhà đó. Này, cái anh chủ nhà tên là gì nhỉ?

- Happolati, anh ta lại bịa đại ra.

- À, cái thằng Happolati ấy!

Nhân vật kể chuyện tìm cách nói lảng sang chuyện khác nhưng ông già không tha, hỏi tiếp:

- Happolati, cha đó đi biển phải không nhỉ?

- Không, thằng em anh ấy mới đi biển. Anh này tên là Johann Arendt Happolati!

- Nghe tay đó giỏi lắm phải không?

Cuộc đối thoại toàn bịa đặt cứ thế tiếp tục, người kể chuyện khoe anh Happolati là một đại gia, buôn bán đủ thứ hàng, hàng da, giấy, lông vịt làm áo lạnh, mua từ bên Tầu, bên Nga, vân vân. Happolati còn sáng chế ra một loại máy điện để đọc được Kinh Thánh nữa. Có hồi anh ta làm đại sứ ở nước Ba Tư. Còn cô con gái anh ta thật đẹp mỹ miều, cô Ylajali, đẹp như một nàng công chúa. Còn bà vợ hắn thì béo ơi là béo. Ông già muốn chứng tỏ mình biết chuyện, góp thêm chi tiết:

- Cái anh Happolati này làm chủ nhiều nhà cửa lắm, tôi nghe nói vậy.

- Không, tôi không biết.

Hai người hào hứng trao đổi với nhau toàn những điều bịa đặt. Họ đồng lõa trong cuộc chơi giả dối này. Nhà báo thất nghiệp bịa một chuyện gì lại được ông già phụ họa. Cho tới lúc nhân vật chính chán quá, anh nói thẳng: Này, nói thật với ông, tôi bịa đấy! Toàn chuyện bịa cả. Cả ông nữa, ông cũng làm như cái thằng Happolati là có thật nữa! Tôi không quen bịa đặt dối trá như vậy bao giờ. Tôi chán lắm rồi!

Nói dối mãi chắc có lúc ai cũng thấy chán, dù chỉ là những lời nói dối vô hại. Nhưng nếu người ta phải tập nói dối mỗi ngày, ngày nào cũng nói đi nói lại những điều không có thật, những điều chính mình cũng không tin, thì chắc sống như vậy chán lắm! Vậy mà trên thế giới có những người phải nói dối suốt đời!

Một chế độ độc tài dựa trên một bộ máy đàn áp, nhưng luôn luôn phải có thêm một bộ máy dối trá đi kèm. Không những nhà nước nói dối, người dân cũng phải tập thói quen nói dối cho phù hợp, dễ sống trong chế độ. Dối trá trở thành một tập quán, một nét văn hóa đặc thù! Cứ như vậy, hai bên nhà nước và nhân dân đồng lõa nói dối lẫn nhau.

Nhiều người sống ở trong nước Việt Nam tới bây giờ mỗi ngày vẫn phải vừa sống vừa nói dối kiểu đó. Nhất là các nhà báo, các chuyên viên ngành truyền thông! Không nói dối không được! Ngay cả những người muốn xã hội sống thật hơn, sống lành hơn, đạo đức hơn, những người đang yêu cầu chế độ cộng sản phải thay đổi, có khi ra trước công chúng họ cũng phải đóng trò, không nói hết sự thật. Không phải họ nói xạo cho được yên thân, mà họ thành thật nghĩ rằng cần nói tránh, nói lảng, không nói hết các ý nghĩ của mình thì cuộc đấu tranh mới có hiệu quả

Gần đây khi các nhà trí thức và giới thanh niên ở Hà Nội và Sài Gòn đi biểu tình, họ phải nhắc đi nhắc lại, là họ không đòi chế độ thay đổi đường lối cai trị dân. Trước sau, chỉ hô một khẩu hiệu là phản đối chính sách xâm lược của chính quyền Trung Quốc mà thôi. Ðể khỏi bị đưa ra tòa buộc tội âm mưu lật đổ chế độ! Trong khi đó, ai cũng biết nhu cầu thật của nước ta là chế độ cần thay đổi một cách toàn diện; để tiến lên cho bằng thế giới chung quanh!

Làm cách nào chúng ta có thể chống một nước lớn đang lấn áp nước mình trong khi những người cầm quyền của nước mình cư xử rụt rè, yếu ớt, nhu nhược? Ngay cả khi tầu chiến của Trung Cộng đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, báo đài nhà nước cũng chỉ gọi đó là những “tầu lạ!” Không được phép gọi tên thật ra! Báo chí của Nhà nước nói dối và dạy dân cách nói dối. Người dân chỉ dám thì thầm bảo nhau: Tầu lạ, tầu quen, tầu nào cũng là Tầu cả! Nhưng chỉ nói thì thầm thôi!

Muốn chấm dứt cảnh nước ta bị nước “đồng chí anh em” lấn áp thì đảng Cộng Sản Việt Nam phải thay đổi chính sách đối ngoại. Nếu không, thì người dân phải thay đổi những người đang cầm quyền. Những cuộc biểu tình gần đây không dám nói thẳng sự thật đó. Muốn có chính sách đối ngoại mới thì phải cho người dân được quyền lên tiếng trước vấn đề trọng đại này. Nghĩa là người dân phải có quyền tụ họp, phải có quyền biểu tình và lên tiếng nói để bày tỏ thái độ. Tóm lại, là đòi cho người dân Việt Nam có những quyền công dân căn bản: Tự do hội họp và tự do phát biểu!

Chúng ta có thể hiểu rằng trong thâm tâm, những người đi biểu tình đều biết rằng nhu cầu lớn nhất của dân tộc Việt Nam là tự do dân chủ. Ðiều số 2 trong Hiến Pháp hiện hành viết: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...” Chỉ khi nào người dân Việt Nam được tự do bỏ phiếu chọn người lãnh đạo nước mình, thì những người cai trị mới thực sự chịu trách nhiệm với dân, phải lắng nghe ý kiến của dân. Chính sách đối ngoại hiện nay chỉ do một nhóm người độc quyền quyết định. Chính sách đó thất bại, chúng ta đã thấy từ dân chài lưới đến tầu nghiên cứu của Việt Nam vẫn bị tấn công, hải phận Việt Nam vẫn bị xâm chiếm. Ðã đến lúc người Việt Nam không thể chỉ hô hào đả kích người cầm quyền bên Trung Quốc không thôi. Phải đòi hỏi chế độ chính trị ở Việt Nam thay đổi hoàn toàn, để nhà nước thực sự phản ảnh ý nguyện của người dân.

Giới trí thức và thanh niên, sinh viên Hà Nội đã biểu tình trong hai tháng qua đã nhẫn nhục tự giới hạn mục tiêu đấu tranh của mình. Không ai nói đến mục tiêu quan trọng hơn việc đả kích Trung Quốc, không ai nói đến điều kiện tiên quyết để thay đổi chính sách đối ngoại, là người dân Việt Nam phải có quyền tự do quyết định vận mệnh nước Việt Nam!

Cuối cùng, thì mặc dù những người đi biểu tình hết sức nhẫn nhục, họ vẫn bị đàn áp, bị bắt bớ! Họ vẫn bị vu cáo tội “tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội,... tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị,” theo thông cáo của chính quyền thành phố Hà Nội! Nghĩa là người ta vẫn đe dọa dân, họ vẫn không công nhận người dân có quyền yêu nước... nhiều hơn Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản!

Cuối tuần qua, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo Sư Chu Hảo, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A và Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện đã gặp gỡ các người cầm quyền tại thành phố Hà Nội để “làm việc.” Cuộc trò chuyện diễn ra gần ba tiếng đồng hồ, nhưng bản tin của blog Nguyễn Xuân Diện chỉ tường thuật ông này nói, rồi ông kia nói, mô tả đến chi tiết trước mặt mỗi người “đều có 1 đĩa nhỏ có 1 chùm nho và 2 chiếc bánh ngọt và một ly nước trà xanh liên tục được chế thêm nước nóng” nhưng không hề cho độc giả biết hai bên đã nói những chuyện gì cụ thể! Không nhắc đến nhu cầu tự do dân chủ của người dân mà chỉ nhắc nhở “vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ” mà không nói rõ bất đồng ý kiến như thế nào.

Tất nhiên, những người họp mặt có thể đã đồng ý với nhau không tiết lộ những chi tiết về nội dung tranh luận, cho nên không kể hết. Nhưng, dù rất kính trọng quý vị đã đi họp, chúng ta cũng phải tự hỏi: Giữ im lặng như vậy để làm gì? Các cuộc biểu tình trong hai tháng qua là những hành động công khai, mục tiêu được minh bạch nêu lên trước cả thế giới. Có gì mà không dám nói thật, nói thẳng hết ra? Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, quý ông Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, đang mặc nhiên làm đại diện của một phong trào quần chúng. Người bi quan có thể lo ngại rằng khi giữ im lặng như vậy, quý vị đã “mắc mưu cộng sản!”

Ðảng Cộng Sản đang biến những cuộc biểu tình vì lòng yêu nước của hàng ngàn người dân thành một cuộc thảo luận giữa một nhóm nhà trí thức với chính quyền thành phố; mà lại thảo luận trong vòng bí mật! Họ cố ý biến những cuộc biểu tình mang tính chất toàn dân, toàn quốc, thành một biến cố địa phương trong thẩm quyền của một thành phố. Họ có thể đánh lạc hướng dư luận. Thay vì đặt ra vấn đề các quyền tự do căn bản của người dân, như quyền tự do hội họp, tự do phát biểu, họ sẽ dùng guồng máy tuyên truyền biến chúng thành một cuộc tranh luận có tính cách kỹ thuật về việc áp dụng Nghị định số 38/2005/NÐ-CP của ông Nguyễn Tấn Dũng!

Luật Sư Nguyễn Văn Ðài đã khẳng định: “Quyền biểu tình là vũ khí đấu tranh mạnh nhất và cuối cùng của nhân dân khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm sau khi tất cả các biện pháp giải quyết bằng thủ tục pháp lý khác không mang lại kết quả hài lòng cho nhân dân. Bởi ý nghĩa to lớn của quyền biểu tình và quyền biểu tình là quyền Hiến định nên nó không bị hạn chế bởi qui định của các văn bản dưới luật.”

Ðiều nguy hiểm là khi chọn lựa sự im lặng, không tường thuật đầy đủ và công khai các cuộc thảo luận với chính quyền, chúng ta đã bước vào đúng con đường mà đảng Cộng Sản muốn chọn. Sức mạnh của những người dân đi biểu tình trong hai tháng qua là tính chất minh bạch, công khai. Tự tước bỏ tính minh bạch công khai là “tự tước vũ khí của mình!”

Trong lúc đó, một nhu cầu lớn của dân tộc Việt Nam bây giờ chính là Sự Thật. Nhân vật của Knut Hamsun (Giải Nobel 1920) đã tự ý chấm dứt trò chơi bịa đặt, dối trá của anh ta, vì chán quá. Cả nước Việt Nam bây giờ cũng cần làm như vậy, vì lý do quan trọng hơn: Sống xứng đáng với phẩm giá con người. Cần nói sự thật: Chúng tôi muốn người dân Việt có quyền tham dự vào những quyết định lớn của quốc gia. Chúng tôi không chấp nhận để cho một nhóm người quyết định tất cả mọi việc, trong vòng bí mật của họ! Chúng tôi muốn các quyền tự do dân chủ phải được thi hành thật sự. Chúng tôi chấm dứt, không muốn đóng trò nữa! Nhiều khi, im lặng cũng là đồng lõa che giấu sự thật!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo