Thật trong nhà, giả ngoài đường - Dân Làm Báo

Thật trong nhà, giả ngoài đường

Trần Vinh DựViệc che dấu ý nguyện thật có những hậu quả khôn lường về mặt xã hội... Nó làm giảm hiệu quả của các tương tác xã hội và ngăn cản việc truyền đạt các thông tin trung thực... Nó làm cho các cấu trúc đáng ghét có cơ hội tồn tại lâu dài...  Nó làm cho các cấu trúc đáng ghét có thể bị đổ vỡ vào lúc mà không ai có thể đoán được...

Bài toán cho cách mạng ở Libya cuối cùng cũng có lời giải. Mặc dù chưa bị bắt giữ, số phận của nhà độc tài một thời Moammar Gadhafi hiện nay cũng không khác mấy so với số phận của Sadam Hussein hồi năm 2003 khi chế độ do ông này cầm đầu sụp đổ. Kết cục này chắc chắn cả Gadhafi và Hussein có nằm mơ cũng không nghĩ ra. Và nói cho công bằng thì có hàng triệu người khác chắc chắn cũng không thể nghĩ ra được rằng các chế độ hà khắc mà hai ông dựng lên ở Libya và Iraq lại có thể sụp đổ trong một thời gian ngắn. 

Câu chuyện ở Libya và Iraq đương nhiên không giống nhau. Trong trường hợp của Hussein, chế độ của ông ta tan rã trực tiếp do sự tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Trường hợp của Gadhafi, chế độ của ông bị chính dân mình loại bỏ (với sự hậu thuẫn của NATO). 

Dù là những sự ra đi này dưới hình thức nào, một ẩn ý quan trọng trong các trường hợp này là sự không đoán định được (unpredictability) của ngày tàn của các chế độ hà khắc. 

Vào mấy tháng cuối năm 2007 tình hình Miến Điện hết sức căng thẳng. Nhiều người đã hi vọng nền chính trị của Miến Điện sẽ có một cuộc chuyển đổi hòa bình. Thế nhưng cuối cùng thì máu dân thường lại một lần nữa thấm dưới lòng đất Rangoon mà chế độ quân sự của Than Shwe vẫn vững như bàn thạch. 

Quả thật câu chuyện ở Miến Điện đã làm tôi hết sức xúc động. Tôi biết đến cuộc đấu tranh của họ từ nhiều năm trước và đã rất thú vị khi đọc các bài viết của Aung San Suu Kyi. Lần này, khi hàng chục ngàn tu sĩ Phật giáo xuống đường, tôi đã có một chút hi vọng cho họ, tuy nhiên, khi nhìn vào một số bức ảnh chụp (từ trước khi có đàn áp xảy ra) tôi đã nghĩ lại. Những bức ảnh như thế này gợi tôi nhớ về một chủ đề kinh tế chính trị mà tôi đã hầu như quên bẵng đi. 

Khi nhìn vào những bức hình tuần hành ở Rangoon (Yangon) bạn thấy gì? Đương nhiên là bạn sẽ thấy một cuộc tuần hành của giới tu sĩ. Nhưng hãy gạt qua một bên chuyện tu sĩ khác người thường, thì bạn sẽ thấy đây là một cuộc tuần hành của một bộ phận dân chúng Miến Điện. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy không phải ai cũng tham gia tuần hành. Có rất nhiều người đứng trên lan can các tòa nhà ven đường nhìn xuống. Nhiều người trong số này có thể không đồng ý với chế độ quân sự của Than Shwe và muốn chế độ này ra đi, tuy nhiên họ đã không tham gia. 

Ý Nguyện và sự Che Dấu Ý Nguyện 

Timur Kuran, một giáo sư kinh tế đang làm việc tại Đại học Nam California, xuất bản một cuốn sách lấy tựa là “Private Truths, Public Lies: The Social Consequences of Preference Falsification” - tạm dịch là “Thật Trong Nhà, Giả Ngoài Đường: Các Hậu Quả Xã Hội của việc Che Dấu Ý Nghuyện Thật”. Cuốn sách này đã tạo ra được một ảnh hưởng khá rộng lớn trong các nghiên cứu chính trị, xã hội học, cũng như lịch sử. Các nghiên cứu tiếp theo như của John Ginkel và Alastair Smith cùng nhiều công trình khác đã phát triển thêm lý thuyết này. 

Quan sát chính của Timur Kuran là trong nhiều tương tác xã hội, con người thường có khuynh hướng che dấu ý nguyện thực sự của mình. Thí dụ bạn được mời tới ăn cỗ tại một gia đình khác, khi chủ nhà mặt tươi như hoa hỏi bạn có ngon miệng không thì mặc dầu bạn không thích đồ ăn họ nấu lắm những cũng thường phải hớn hở trả lời lại “ngon lắm, rất tuyệt, rất lạ miệng…” – tóm lại bạn phịa ra rằng bạn thích trong khi có thể bạn thực sự không thích. Một thí dụ khác: khi bạn dự họp cơ quan đoàn thể hay công ty, nhiều khi bạn không thích các phát biểu của lãnh đạo công ty, quan chức hay các nhân vật tham gia cuộc họp nhưng bạn không đứng lên phản đối, thậm chí nhiều khi còn vỗ tay nồng nhiệt ủng hộ các phát biểu đó. 

Trong những tình huống như vậy, bạn đã không thể hiện ra ngoài cái ý nguyện thực sự của mình. Timur Kuran gọi đó là “preference falsification” – tôi dịch là “che dấu ý nguyện thật”. Những tương tác xã hội - mà trong đó bạn thường che dấu ý nguyện của mình - nhiều vô kể. Từ chuyện khen người yêu đẹp, khen vợ nấu cơm ngon, hay khen đứa bé mới sinh nhà hàng xóm giống bố như đúc… tới những chuyện xa xôi như vỗ tay trong hội nghị hoặc im lặng trước các bất công trong xã hội. 

Khuynh hướng tự nhiên là nếu bạn nghĩ rằng chi phí để sống thật/nói thật quá cao thì bạn sẽ che dấu ý nguyện thật của mình. Thí dụ khi đi ăn cỗ nhà người khác mà bạn chê cỗ không ngon thì bạn có thể nghĩ trong đầu “nếu nói thật rằng mình thấy cỗ không ngon thì ngượng chết đi được” hoặc trong khi họp hội nghị “mình mà nói trắng ra ông xếp thù mình rồi đuổi việc thì khổ”. Cái chi phí mà bạn nghĩ ra trong đầu phụ thuộc cả vào đặc điểm khách quan của tình huống lẫn hệ giá trị của bạn. Nếu bạn là người bộc trực, hoặc nếu bạn là người không chịu được bất bình, thì khả năng là bạn sẽ dám nói thẳng nói thật hơn. 

Việc che dấu ý nguyện thật có những hậu quả khôn lường về mặt xã hội. Ít nhất cũng có 3 hậu quả to lớn sau: 

Nó làm giảm hiệu quả của các tương tác xã hội và ngăn cản việc truyền đạt các thông tin trung thực. Việc này quá rõ nên tôi không bàn thêm. 

Nó làm cho các cấu trúc đáng ghét (từ dùng của Timur Kuran) có cơ hội tồn tại lâu dài. Thí dụ bạn thực sự không thích chuyện cấm báo chí tư nhân, nhưng bạn luôn che dấu ý nguyện thật đó và kết quả là gì? Giấc mơ báo chí tư nhân mãi vẫn chỉ là giấc mơ. Timur Kuran dẫn ra ví dụ về sự tồn tại dài lâu của hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, cũng như sự tồn tại của cái gọi là “Affirmative Action” – một điều luật quy định về phân biệt đối xử với người thiểu số ở Mỹ như là các bằng chứng về sự tồn tại lâu dài của các cấu trúc đáng ghét với tư cách là hệ quả của việc che dấu ý nguyện thật. 

Nó làm cho các cấu trúc đáng ghét có thể bị đổ vỡ vào lúc mà không ai có thể đoán được. Thí dụ như sự sụp đổ cái rụp của hệ thống Liên Xô – Đông Âu hồi cuối thập niên 80. Cái ý này là một phát hiện khá sâu sắc của Timur Kuran mà tôi sẽ khai triển ra dưới dạng một mô hình ở phần tiếp theo. 

Trường hợp Miến Điện 

Quay lại trường hợp của Miến Điện. Nếu tôi kẻ một đường thẳng nối từ 0 tới 1, ở vị trí số 0 là người muốn cải tổ hệ thống chính trị Miến Điện nhiều nhất, còn ở vị trí số 1 là người muốn giữ nguyên những gì đang có. Cụ thể hơn, điểm 0 có ý nói rằng dù chẳng có ai khác đòi chuyển đổi thì tôi vẫn đòi. Điểm 1 nói rằng dù cả 100% dân chúng đòi chuyển đổi thì tôi vẫn khăng khăng không muốn chuyển đổi. Chắc sẽ ít bạn phản đối khi tôi đặt Aung San Suu Kyi và nhóm của bà vào vị trí số 0 vì bà là thủ lĩnh tinh thần của phong trào. Còn ở vị trí số 1, tôi sẽ đặt Than Shwe – thống tướng đứng đầu chế độ quân sự Miến Điện – và các thuộc hạ thân cận của ông. Chắc các bạn cũng không phản đối vì nếu như có chuyển đổi chế độ thì Than Shwe nhiều khả năng sẽ bị treo cổ. 

Giữa 0 và 1 thì sao? Chắc chắn sẽ có những người không nằm ở giữa hai thái cực, mà nằm đâu đó trong đoạn nối từ 0 tới 1. Thí dụ một sinh viên tham gia phong trào đấu tranh, nếu cậu (hay cô ta) thấy có hàng ngàn người đang biểu tình ngoài đường, nhưng nếu có quân đội tới là cậu (hay cô ta) sẽ rút lui ngay. Một cô chủ cửa hiệu tạp hóa thì trong lòng chỉ ủng hộ những người tuần hành thôi chứ cô không tham gia được trừ phi cả thành phố Rangoon xuống đường hết lượt. Một anh lính trong đoàn quân của Than Shwe không mặn mà lắm với thủ lĩnh của mình, nhưng cũng muốn bảo vệ chủ vì đó là miếng cơm manh áo của anh ta. Nếu binh sĩ này thấy người người khắp nơi dồn dập tuần hành thì có khi anh ta cũng buông vũ khí đi theo họ, nhưng nếu chỉ thấy vài thành phố lẻ tẻ có tuần hành thì anh ta vẫn sẽ cầm chắc súng để đi đàn áp. 

Tóm lại nếu tôi dần dần bỏ từng người Miến Điện lên đoạn 0-1 thì có thể họ sẽ lấp đầy đoạn này và làm cho nó tương đối liên tục. Tuy nhiên, cũng có thể là đoạn này không được liên tục cho lắm và có những khoảng trống trong đó. Thí dụ nó khá liên tục từ 0 tới 0.5 và từ 0.6 tới 1, nhưng lại bị đứt đoạn từ 0.5 tới 0.6. 

Ai là người trong xã hội Miến Điện biết được cái trục 0-1 này? Không có ai cả. Vì vấn đề “preference falsification” hay là “che dấu ý nguyện thật” mà không ai có thể biết được những người khác trong xã hội nghĩ gì và nếu mình bộc lộ ý nguyện thật của mình thì chuyện gì sẽ diễn ra. Nếu người ta biết rõ được cái trục 0-1 này thì có nhiều khả năng là người ta sẽ trả lời được câu hỏi: cách mạng ở Miến Điện liệu có thành công được hay không. 

Cỗ Xe Xã Hội, Phản Ứng Dây Chuyền và Tính Bất Ngờ 

Các bạn học về kinh tế và kỹ thuật chắc không lạ gì khái niệm bandwagon. Nôm na thì nó là cái xe goòng. Giả sử cỗ xe xã hội (social bandwagon) của Miến Điện được một nhóm các tu sĩ và sinh viên – những người ở gần điểm 0 nhất – khởi động. Liệu những người khác có nhảy lên chuyến xe này hay không? Timur Kuran trả lời (một cách đơn giản) rằng nó phụ thuộc vào việc đoạn 0-1 mà tôi nói ở trên có liên tục hay không. Nếu như nó liên tục, thì logic sau đây sẽ xảy ra: Giả sử mức sẵn sàng xuống đường của tôi là 0.4, nếu tôi thấy những người ở mức cao hơn tôi một chút đều xuống đường thì tôi cũng sẽ tham gia. Nếu tôi thấy người ở mức cao hơn tôi không xuống đường thì tôi sẽ không xuống. Như thế nếu đoạn 0-1 là một đoạn liên tục thì cú hích đầu tiên của các tu sĩ và sinh viên – những người ở gần điểm 0 nhất – sẽ khai nổ một phản ứng dây chuyền làm cho ngày càng nhiều người xuống đường. Kết quả là ngay cả những người ở gần điểm 1 cuối cùng cũng nhảy lên cỗ xe gòng này. Và như thế cách mạng Miến Điện sẽ thành công. 

Thế tại sao ở nhiều nơi chuyển đổi lại thành công và nhiều nơi lại không thành công? Timur Kuran giải thích rằng nếu đoạn 0-1 không liên tục, thì cỗ xe chạy đến chỗ đứt gãy sẽ phải dừng lại. Thí dụ như chỗ đứt gãy nằm giữa 0.3 và 0.4 thì cùng lắm ngòi nổ ban đầu chỉ làm cho 30% dân chúng xuống đường và cỗ xe sẽ dừng lại ở đó chứ không tiến thêm được nữa. Cũng may là các xã hội luôn vận động và có thể đoạn 0-1 tại một thời điểm nào đó bị đứt gãy nhưng tại thời điểm khác lại trở nên liên tục. Những người ở điểm 0 thì luôn hì hục tìm cách đẩy chiếc xe gòng, nhưng đôi khi cỗ xe chạy thẳng một mạch, đôi khi ách lại chỉ sau một chuỗi ngắn vì vướng phải đứt gãy. Vấn đề là vì preference falsification nên chẳng ai biết đoạn 0-1 nó ra sao cũng như nó đang tiến hóa như thế nào. Việc không thể đoán được này giải thích tại sao chuỗi diễn biến ở Đông Âu và Liên Xô cũ lại khiến cho cả thế giới bất ngờ. 

Vượt Qua Kuran 

Timur Kuran đã đưa ra một quan sát đặc biệt thú vị. Tuy nhiên mô hình của ông để giải thích các cuộc cách mạng xã hội xem ra còn quá đơn giản. Điểm được nhiều người chỉ ra là nó bỏ ra ngoài khả năng phản ứng của giới cầm quyền – trong trường hợp Miến Điện là chế độ quân sự của Than Shwe. Hai tác giả John Ginkel và Alastair Smith trong một nghiên cứu đăng trên Journal of Conflict Resolution đã khái quát hóa mô hình của Timur Kuran theo đó giới cầm quyền có khả năng đưa ra các nhượng bộ cho công chúng và đàn áp những người đấu tranh. Rõ ràng là bài toán này thực tế hơn bài toán mà Kuran mô hình hóa. Tuy nhiên, kết quả mà 2 ông tìm ra lại không khác kết quả từ mô hình của Kuran là bao nhiêu. Cụ thể John Ginkel và Alastair Smith đã chứng minh được: 

1. Các chính quyền kiểu như ở Miến Điện hiện nay sẽ cố gắng nắm quyền đến cùng (hold on to power until the bitter end), sẽ sụp đổ một cách bất ngờ thay vì từng bước đánh mất năng lực kiểm soát xã hội. 

2. Vai trò của những người ở điểm 0 (những “dissidents” – theo cách dùng từ của John Ginkel và Alastair Smith) rất quan trọng và phương pháp hành xử của chính quyền đối với họ như thế nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc chuyển đổi. 

3. Mặc dù nhượng bộ là một hành vi chứng tỏ sự yếu đuối từ phía chính quyền, đôi khi họ vẫn sử dụng giải pháp này vì nó làm giảm xác suất cách mạng xã hội sẽ nổ ra (tăng nhượng bộ làm cho công chúng nói chung ít muốn xuống đường hơn). 

Nếu các bạn có khả năng giải bài toán, các bạn có thể mở rộng bài toán ra thêm nữa. Thí dụ một hướng mở mà theo tôi là thú vị là nghiên cứu thêm khả năng tuyên truyền của chính quyền và vai trò của những người bất đồng chính kiến trong việc đảo ngược nội dung tuyên truyền: thay vì tăng cường đàn áp, chính quyền có thể tăng cường đầu tư vào tuyên truyền, qua đó tăng chi phí mà giới bất đồng chính kiến phải gánh chịu khi họ muốn đảo ngược nội dung tuyên truyền. 

Các bạn cũng có thể nghiên cứu để rút ra các kết luận về ảnh hưởng của công nghệ và tình hình thế giới đối với kết quả của trò chơi. Thí dụ việc tăng cường phổ biến Internet và Blog khiến cho việc tuyên truyền của chính quyền thêm khó khăn, hay việc tham gia vào các hoạt động quốc tế và nắm giữ các vai trò trong cộng đồng quốc tế khiến cho một chính quyền không có khả năng đàn áp dã man như chế độ cô độc của Than Shwe có thể làm. Tuy nhiên, trước khi bạn thử làm một lý thuyết gia kinh tế chính trị như John Ginkel và Alastair Smith thì tôi phải lưu ý trước là bài toán rất khó giải, nếu không thì chắc họ đã giải và đăng tạp chí rồi.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo