Ama Thanh (bạn đọc Danlambao) - Chưa bao giờ mà người dân tộc thiểu số hết mặc cảm vì bị phân biệt đối xử. Hiện nay thì mức độ càng gia tăng cho dù nhà nước có nói như thế nào thì những lời nói đó cũng giả dối. Chúng tôi kể vài sự việc đau lòng cho mọi người nghe để cùng thấu hiểu nổi đau bị khinh rẻ của những người dân tộc như chúng tôi:
1. Chuyện đi nhà thương: anh Ama Niêm ở km19 buôn Cuôr Đăng bị tai nạn giao thông. Gia đình đưa lên bệnh viện tỉnh Daklak trên thành phố cứu chữa. Mới vào thì bệnh nhân người Kinh là người gây tai nạn được cứu chữa chu đáo. Còn Ama Niêm thì chả có ai ngó ngàng gì. Người Kinh kia dù bị nặng hơn nhưng có người quan tâm. Ama Niêm nằm hơn 2 tiếng đồng hồ mới có người bác sĩ đến hỏi thăm là có tiền chạy chữa không? Sau khi gia đình cam kết là có tiền thì mới được chạy chữa và bác sĩ cho đi chụp phom X-quang. Còn người Kinh bị tai nạn cùng lúc với Ama Niêm thì đã chụp từ lâu. Vì chạy chữa chậm nên bệnh tình của Ama Niêm rất nghiêm trọng. Sau này ra điều trị thì không riêng gì Ama Niêm mà những người dân tộc khác đều bị bác sĩ và y sĩ coi khinh ra mặt.
Con em người dân tộc Êde đi nhà thương hay chích ngừa cũng bị các nhân viên ý tế khinh bỉ ra mặt. Họ chửi là người dân tộc không biết giữ vệ sinh, dơ bẩn.
2. Chuyện đi học: Con cái người dân tộc đi học thì thường học kém hơn do không biết tiếng Việt rành như con cái người Kinh. Đã vậy khi đi học do không đi học thêm ở nhà cô giáo là người Kinh nên các cháu không theo kịp bài vở. Vì không có tiền để đi học thêm, nhà ai có tiền cho con đi học thêm thì chưa chắc là hết phân biệt đối xử. Trẻ con người dân tộc bỏ học nhiều vì bị coi khinh hơn là do học kém.
3. Chuyện có người thân ở nước ngoài. Sau biểu tình năm 2001 và 2004 nhiều người dân tộc bỏ trốn qua Cam Pu Chia bằng đường rừng và họ được các nước tư bản tự do đón nhận. Vì vậy họ thỉnh thoảng gởi tiền về cho thân nhân ở buôn làng. Nhưng khi người nhà ở buôn làng ra ngân hàng nhận tiền thì công an cấm không cho ngân hàng phát tiền cho họ. Như cô H' Razoen ở km52 huyện Krongpach cho biết. Cô vừa nhận 1000 USD của anh trai từ Mỹ gởi về. Vừa ra khỏi ngân hàng thì công an chặn lại và tịch thu không lập biên bản gì cả. Công an đã lấy của cô tổng cộng là 1300 USD. Mới đây một người thân ở Mỹ gởi về cho gia đình Ama Bươm ở Krongana số tiền là 200 USD vậy mà công an cũng không cho nhận. Công an buộc ngân hàng gởi trả lại Mỹ số tiền này. Những thân nhân ở Mỹ muốn gởi tiền về VN cho người dân tộc thì gởi cho người Kinh nhận dùm. Có người lấy tiền công, có người Kinh tốt bụng nhận chuyển dùm mà không lấy tiền công. Nhưng gởi tiền cách này thì cũng đến tay người dân tộc.
4. Chuyện làm hộ chiếu: chuyện làm hộ chiếu thì vô cùng khó khăn. Anh Y Than là con của mục sư có chân trong Tổng liên hội dưới Sài Gòn mà khi đi làm hộ chiếu thì công an xuất nhập cảnh tỉnh Daknong không cho phép làm hộ chiếu. Một nhân viên du lịch ở Nha Trang lên thành phố Buôn Ma Thuột dẫn một thanh niên dân tộc đi làm hộ chiếu nhưng công an tỉnh Daklak cũng không chịu cấp hộ chiếu. Anh thanh nên ở Nha Trang rất rành luật lệ nên cãi lý này nọ. Phía công an tỉnh Daklak thì khuyên anh hướng dẫn du lịch là anh không nên giúp người dân tộc làm hộ chiếu. Anh hướng dẫn viên du lịch nói lại rằng: "Hồ chủ tịch tuyên bố dân tộc Việt nam là một, đất nước Việt Nam là một vậy mà tại sao các anh chia ra làm 2? Người dân tộc hay người Kinh gì cũng là người vậy sao có sự phân biệt đối xử". Công an Dakak nói là nếu anh không về thì sẽ bắt anh ấy.
5. Chuyện đi nhà thờ: người Kinh thì đi nhà thờ chỗ nào cũng được nhưng người dân tộc từ buôn này mà đi nhà thờ ở buôn khác công an biết được là bắt phạt tiền. Nhiều buôn không có nhà thờ phải lén lén mới đi nhà thờ được. Đi về thật khuya sớm thì không bị công an bắt được.
6. Chuyện đi thăm bà con họ hàng: không biết người Kinh thì sao chứ người dân tộc muốn từ Daklak qua bên Daknong thì phải có giấy đi đường của công an huyện thì mới được đi thăm.
7. Trong nhà tù: những tù nhân bị bắt sau các đợt biểu tình hay những ai chạy qua Cam Pu Chia rồi chạy về khi đi tù thì bị tra tấn dã man. Ai gần chết thì nhà tù thả về nhà chưa được 1 tuần thì tắt thở mà chết. Người dân tộc đi tù vì biểu tình thì thân nhân không được đi thăm. Y Hewl Knull ở huyện Cư M Gar có cha đi tù ở Hà Nam, miền bắc từ năm 2003 đến nay chưa biết sống chết ra sao vì cha của Y Hewl Knull đi biểu tình chống nhà nước cướp đất của đồng bào.
Trên đây là một phần nhỏ những chuyện bị đối xử. Còn rất nhiều nữa nhưng chúng tôi chưa thể kể hết nổi khổ của người dân tộc bị đối xử ngược đãi. Mong là khi biết tin tức này thì các cơ quan nước ngoài lên tiếng giúp cho số phận của người dân tộc thiểu số bi coi khinh. Không biết bao giờ thì người dân tộc chúng tôi hết bị ngược đãi?
Buôn Mê Thuột ngày 1.10.2011