Chấm dứt một mô thức kinh tế và một văn hóa chính trị (Tổ Quốc) (TQ 120) - Dân Làm Báo

Chấm dứt một mô thức kinh tế và một văn hóa chính trị (Tổ Quốc) (TQ 120)

Ban biên tập Tổ Quốc - “...Cuộc khủng hoảng đã xảy ra sau khi người ta đã làm tất cả để tránh cho nó đừng xẩy ra. Nó đã xảy ra sau khi các nước giàu mạnh không còn chạy trốn sự thực được nữa vì đã tựa lưng vào chân tường. Nó là một cuộc khủng hoảng về mô thức kinh tế...”

Vào lúc này một điều đã chắc chắn: Chúng ta đang sống cuộc khủng hoảng kinh tế dài nhất trong lịch sử thế giới. Sau gần bốn năm thay vì ra khỏi khủng hoảng thế giới đã chỉ bắt đầu một giai đoạn suy thoái mới.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2008, các chính quyền trên thế giới đã đồng loạt khẩn cấp bơm tiền vào hệ thống ngân hàng. Nhưng đây chỉ là biện pháp băng bó cấp cứu chờ đợi những giải pháp thực sự, bởi vì người ta đã chỉ vay thêm và bơm thêm tiền vào một sinh hoạt kinh tế đang khủng hoảng vì khối lượng tiền tệ quá lớn và các khối nợ, công cũng như tư, quá cao. Nhiều tiếng nói đúng đắn đã cất lên cảnh giác rằng phải có những biện pháp rất triệt để và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài rất lâu.

Tại sao? Lý do đầu tiên là vì đây không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng tài chính như người ta lầm tưởng lúc ban đầu. Nếu chỉ vì lý do tài chính thì nó đã không xẩy ra bởi vì các định chế tiền tệ quốc tế không thiếu và hoạt động khá mạnh, mặt khác các nước mạnh nhất cũng gặp và trao đổi với nhau thường xuyên. Cuộc khủng hoảng đã xẩy ra sau khi người ta đã làm tất cả để tránh cho nó đừng xẩy ra. Nó đã xảy ra sau khi các nước giàu mạnh không còn chạy trốn sự thực được nữa vì đã tựa lưng vào chân tường. Nó là một cuộc khủng hoảng về mô thức kinh tế.

Mô thức kinh tế trong hai mươi năm qua là gì? Trong các nước đã phát triển nó là sự kích thích chi tiêu để gia tăng GDP (sản lượng nội địa), ngay cả với cái giá là phải vay nợ ngày càng nhiều. Trong các nước chưa phát triển nó là xuất khẩu thật nhiều hàng hoá với giá thật rẻ, bằng cách bóc lột công nhân dã man và hủy hoại môi trường sinh sống một cách điên cuồng. Hậu quả là, một mặt, các dân tộc đã giàu có lại hưởng thụ quá mức mà sự giàu có của mình cho phép, trong khi các dân tộc nghèo khổ lại phải chịu đựng sự nghèo khổ hơn mức độ mà tình trạng chưa phát triển của mình bắt buộc và, mặt khác các nước nghèo cho các nước giàu vay tiền để có thể tiếp tục tiêu thụ và nhập khẩu. Thế giới ngày một bất công hơn, vô lý hơn và ô nhiễm hơn, các giá trị dân chủ không còn được quan tâm, và các chế độ độc tài gần như được bình thường hóa. Cuối cùng khủng hoảng đã đến khi các nước giàu không thể vay thêm được nữa bởi vì khả năng hoàn trả đã kiệt quệ và phải bắt đầu một giai đoạn cố gắng và cần kiệm lâu dài để phục hồi.

Mô thức kinh tế này là sản phẩm của một văn hóa chính trị bệnh hoạn trong đó, tại các nước dân chủ, các cấp lãnh đạo cao nhất được bầu ra vì trẻ đẹp, giỏi truyền thông và biết tranh cử thay vì lý tưởng, kinh nghiệm, bản lĩnh và thành tích. Các cấp lãnh đạo như thế vừa không muốn vừa không thể áp đặt những cố gắng lớn, như thăng tiến dân chủ và nhân quyền, gia tăng áp lực lên các chế độ độc tài, cầm kiệm về mặt kinh tế. Họ chỉ có thể đưa ra và thực hiện những chính sách thực tiễn, nghĩa là dễ dãi và ngắn hạn, như kích thích tối đa tiêu thụ.

Suy thoái kinh tế dĩ nhiên kéo theo những khó khăn mới cho mọi dân tộc, nhưng đó là điều không tránh khỏi vì thế giới đã đi lạc hướng trong nhiều năm. Chính sự lạc hướng này đã làm khựng lại phong trào dân chủ và cho phép các chế độ độc tài tồn tại. Tin mừng là giai đoạn ân huệ của các chế độ độc tài bạo ngược đã chấm dứt.

Ban biên tập Tổ Quốc


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo