Tú Anh (RFI) - Theo nhà phân tích đại lý chiến lược Lưu Tường Quang ở Sydney, Miến Điện đã rút tỉa được "bài học tích cực của các thành viên Asean khác như Mailaysia, Thái Lan và Philippines cũng như bài học tiêu cực của Việt Nam"....
*
Đình chỉ dự án đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư, rồi trả tự do cho hơn 200 tù nhân lương tâm trong đó có nhà sư Shin Gambira, lãnh đạo cuộc « cách mạng áo cà sa » 2007, rồi tuyên bố « không cần thiết phải duy trì kiểm duyệt thông tin ». Vì những nguyên nhân sâu xa nào mà chỉ trong vòng vài ngày, chính phủ mới tại Miến Điện đã có hàng loạt động thái, tuy còn giới hạn, để chinh phục công luận trong và ngoài nước ?
Theo nguồn tin của hãng thông tấn Thiên chúa giáo Asia News từ Miến Điện, chính quyền mới do Tổng thống Thein Sein lãnh đạo đang cố gắng tạo cho mình hình ảnh một chế độ biết tôn trọng nhân quyền.
Nỗ lực này phối họp với vận động ngoại giao nhằm mục tiêu trước mắt là chinh phục cảm tình khiến Phương Tây hóa giải cấm vận kinh tế, thương mại để Miến Điện không bị mất chiếc ghế chủ tịch luân lưu Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á vào năm 2014.
Trong số các điều kiện mà các nước Tây phương đòi hỏi để bỏ cấm vận là chính quyền Miến Điện phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho toàn bộ 2.000 tù nhân chính trị.
Trong số 206 người vừa được thả vào hôm qua 12/10/2011, ngày tổng thống Thein Sein lên đường công du Ấn Độ, có nhiều khuôn mặt tranh đấu trong hai cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu trước đây, phong trào sinh viên 1988 và cuộc cách mạng áo cà sa 2007.
Lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, khen ngợi vụ trả tự do cho hai trăm tù chính trị. Phe đối lập xem đây « là tín hiệu tích cực » và thúc giục nhà nước phải có những bước tiến mới kể cả về tự do báo chí và hủy bỏ kiểm duyệt.
Nhưng nếu chỉ để xoa dịu Tây phương và đối lập chính trị thì tại sao tổng thống Thein Sein lại « chọc giận » Bắc Kinh, ngưng dự án đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawadi, do Trung Quốc đầu tư để phục vụ cho nhu cầu năng lượng Trung Quốc ?
Phải chăng chính quyền mới muốn chứng tỏ với dân là biết lắng nghe công luận trong nước phản đối dự án gây thiệt hại cho môi trường này ?
Hay là chính quyền mới muốn chứng tỏ với Phương Tây là Miến Điện đã đổi mới và tỏ dấu hiệu công khai chống lại ảnh hưởng kinh tế áp đảo của Trung Quốc ?
Hay trong nội bộ guồng máy quyền lực có xung khắc giữa giới quân nhân trẻ mới cởi áo nhà binh lên cầm quyền và thành phần già nua đã bị Trung Quốc mua chuộc nay lên làm « thái thượng hoàng » như tướng Than Shwe ?
Miến Điện « Phản bội Trung Quốc ? »
Theo nhà phân tích Yun Sun, chuyên gia của tổ chức International Crisis Group thì quyết định « gây ngạc nhiên » của Miến Điện bị Trung Quốc là một « hành động phản bội ».
Nhưng điều quan trọng hơn hết, theo bà Yun Sun, là tương lai quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc sẽ còn nhiều bất ngờ khác.
Hài lòng về quyết định của Tổng thống Thein Sein, phong trào chống đập thủy điện Myitsone cho biết sẽ mở chiến dịch thu thập 1 triệu chử ký gởi chính quyền Bắc Kinh.
Miến Điện biết rõ Trung Quốc rất cần Miến Điện và Tổng thống Thein Sein tỏ ra không quan tâm đến quyền lợi của Bắc Kinh khiến cho giới lãnh đạo đâm ra nghi ngờ Miến Điện có chiến lược mới cản trở kế hoạch « mượn đường » đi thẳng ra biển Ấn Độ.
Một khi bình thường hóa với Phương Tây, mở rộng quan hệ với Ấn Độ, bên trong hòa giải với dân chúng, thành viên Asean này sẽ có đủ hậu thuẫn trong ngoài để đối phó với sức ép của láng giềng Trung Quốc, kẻ trang bị vũ khí và hậu thuẫn chính trị cho nhiều phong trào sắc tộc võ trang ở biên giới đông bắc.
Các động thái gây ngạc nhiên của Miến Điện bắt nguồn từ những tính toán chiến lược ra sao và sẽ đi đến đâu?
Theo nhà phân tích đại lý chiến lược Lưu Tường Quang ở Sydney, Miến Điện đã rút tỉa được "bài học tích cực của các thành viên Asean khác như Mailaysia, Thái Lan và Philippines cũng như bài học tiêu cực của Việt Nam".