Sếp và bài học về tiết kiệm - Dân Làm Báo

Sếp và bài học về tiết kiệm

Phương Bích - Tôi có rất nhiều lý do để không tin Sếp là con người tiết kiệm như Sếp hô hào chúng tôi. Nhà Sếp ở Sài Gòn, chả mấy chủ nhật Sếp ở lại Phân ban. Cứ cuối tuần Sếp lại bay vào Sài Gòn. Những ngày nào Sếp ở lại Phân ban kể cả ngày thường, hết giờ làm việc mà hứng lên là Sếp đánh xe ô tô biển xanh vào trung tâm thành phố, cách đó chừng hơn chục km để đánh tennis...

*

- Mọi người đi họp nhé!

Phân ban có hơn chục mống, tất cả quây quần trong phòng làm việc của giám đốc. Sếp ngồi chính giữa. Phần đầu là kiểm điểm công tác chuyên môn, chả liên quan gì đến tôi khiến tôi buồn ngủ rũ cả mắt. Phần sau là nói về công tác chung. Cái văn phòng bé tý xíu này thì chả có gì đáng nói. Mọi thứ để duy trì cho cái văn phòng này hoạt động, chỉ trừ có lương, và chi phí cho 2 cái xe ô tô biển xanh thì đều do nhà thầu lo hết. Thực ra cái văn phòng này của Tư vấn dự án là chính, nhưng với cái thế của Chủ đầu tư, Tư vấn vẫn phải bố trí cho cái gọi là Phân ban này ở chung. 

- Các đồng chí phải hết sức tiết kiệm trong việc sử dụng giấy. Tôi thấy các đồng chí vẫn còn lãng phí quá, các đồng chí nên nhớ, mỗi khi các đồng chí tiết kiệm 1 tờ giấy thì các cháu nhỏ nghèo khó sẽ có thêm sách để đến trường…

Cái gì? Đang buồn ngủ mà tôi suýt sặc, hết cả mơ màng!

Trời ơi! Ngày xưa tôi nghe người ta kể có ông thủ trưởng dạy dỗ nhân viên rằng ở nhà thì có cha mẹ dạy bảo, đến cơ quan thì phải biết nghe lời thủ trưởng. Rồi phải biết giữ gìn cái ghế, cái bàn ở cơ quan như nó là của nhà mình vậy. Tôi tưởng đó chỉ là trên báo chí. Mà báo thì mọi người biết rồi đấy, có ít thì hay xít ra nhiều, có bé xé ra to hoặc ngược lại.

Bây giờ thì chính tai tôi nghe thấy rồi nhé, chứ chả phải nghe ai đó kể lại.

Ừ! Phải nói là Sếp nói đúng quá đi ấy chứ. Nhưng chỉ có điều, ai nói câu đó thì tôi tin, chứ là Sếp nói thì tôi quyết không tin.

Tôi biết Sếp từ hồi Sếp còn là chuyên viên thường, công tác tại phân ban phía Nam. Sau sáu bảy năm, vì có cái dự án lớn ở miền Trung nên Phân ban 2 được thành lập. Khi nào dự án kết thúc thì Phân ban 2 cũng sẽ giải thể. Vậy là Sếp được cử làm giám đốc phân ban!

Hồi ấy tôi đang ở ngoài ban. Vì công tác giải phóng mặt bằng ngoài hiện trường thiếu người, nên phải huy động cả cái loại bò sữa như tôi đi tăng cường. May là tôi chỉ phải đi gần, nhưng rồi cũng chán vì mãi chả thấy hết tăng cường. Một lần tôi sang Sở địa chính bổ sung hồ sơ, lúc ra về tình cờ gặp anh Phó giám đốc sở ở cầu thang, anh í quàng vai tôi kéo lại định thơm vào má khiến tôi hết hồn. Theo phản xạ, tôi đẩy anh í ra kêu:

- Ấy đừng

- Ấy đừng à?

Anh í cười nhìn tôi chòng chọc, còn tôi thì giả vờ liến thoắng nhờ cậy anh ấy về cái vụ sổ đỏ của nhà tôi. Anh í bảo:

- Khó đấy.

- Vâng, khó thì mới phải nhờ anh chứ. Hôm nào anh rảnh để em sang?

- Thì cứ sang đi.

Từ tầng 2 xuống nhà xe, gặp đám thanh niên đang ở lại chơi bóng bàn, tôi leo lẻo chào anh í rồi nhanh chân chuồn ra khỏi cổng. Hôm sau tôi viết đơn xin bố trí công tác khác. Tôi thực thà kể cho ông Chánh văn phòng nghe chuyện bị quấy rối, ông í cứ cười khùng khục.

Thế là tôi vào phân ban, làm thủ quỹ. Ôi giời, cái chân này thì trong đó ai kiêm nhiệm chả được. Nhưng tôi cần gì biết đến chuyện đó. Chả mấy khi có cơ hội được tung tẩy.

Vào trong này rồi, tôi mới thấy được một cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi ngầm đặt biệt hiệu cho Sếp là: Lãnh chúa miền Trung! 

Thoạt đầu tôi không nhận ra ngay nếp sinh hoạt và làm việc ở đây. Cho đến khi cô bé phiên dịch người miền Trung rụt rè hỏi tôi: 

- Chị không sợ à?

Tôi tròn mắt hỏi lại:

- Sợ! Sợ cái gì?

- Thì đó, chị đi lại, cười nói rổn rảng…

Hóa ra ở đây có một sự phân biệt rất rõ rệt, giữa những người thuộc cơ quan Chủ đầu tư với Tư vấn nội, với những người địa phương làm việc theo hợp đồng có thời hạn như phiên dịch, tạp vụ, lái xe, bảo vệ, cấp dưỡng. 

Ở đây to nhất, oai nhất là Sếp, mặc dù thực chất Sếp và chúng tôi là dân đi ở nhờ. Trong hợp đồng thì cái trụ sở này là nơi ở và làm việc của Tư vấn, gồm Tư vấn ngoại và Tư vấn nội. Lẽ ra Phân ban phải có trụ sở riêng, nhưng lấy thế Chủ đầu tư, bên Tư vấn phải đồng ý cho Phân ban sử dụng ké một phần. Thậm chí kẻ ở nhờ lại còn oai hơn cả ông chủ. Chắc thằng Tây nó tức lắm, nhưng ở Việt nam chúng tao nó thế đấy. Thậm chí thằng Tư vấn trưởng nào mà không cư xử khôn khéo, cái thằng ở nhờ ấy nó ton hót, xúi bẩy cấp trên đuổi bằng được. Thiếu gì lý do được đưa ra, cứ bảo là không hợp tác, cản trở tiến độ của dự án, thế là đuổi! Thằng khác vào, liệu cơm mà gắp mắm!

Đấy! Thằng Tư vấn nước ngoài mà còn thế, cái đám dân địa phương vào làm thuê ở đây thì là cái thá gì. Thảo nào mà họ cứ nem nép không khác gì con sen, thằng ở ngày xưa. Tôi có dịp đi đến một cái văn phòng trực thuộc ở địa điểm khác, thấy nói lái xe không được phép bén mảng vào khu văn phòng, mà chỉ được ở khu bảo vệ ngoài cổng. Tư vấn được ở nhà có máy điều hòa. Còn bảo vệ, lái xe tạp vụ thì đừng có mơ. Nhưng tôi choáng nhất là cái việc cấm lái xe vào khu văn phòng. Chả bù cho lái xe ở ngoài Ban, oai còn hơn cả chuyên viên.

Mọi người thấy tôi là nhân viên quèn nhất, mà cứ nhơn nhơn như không, đi lại hồn nhiên, cười nói hồn nhiên thì lạ lắm. Hồi mới vào, Sếp bảo:

- Cần về thăm nhà cứ bảo anh, anh bố trí cho đi công tác, đỡ tốn phép.

- Vâng! Nếu cần, em sẽ nhờ anh.

Nói vậy cho đỡ phụ tấm lòng thơm thảo của Sếp, chứ tôi chả bao giờ nghĩ đến chuyện xin xỏ. Phép của tôi hơi bị nhiều theo thâm niên làm việc của tôi, và nếu về thăm nhà thì tôi lại được thanh toán tiền tàu xe theo chế độ. Vậy thì sao lại cần phải nói dối là đi công tác? Cái chân thủ quỹ của tôi thì đi công tác kiểu gì? Cái đáng xin là chức vụ và tiền bạc tôi còn chả thiết nữa là.

Thật khó chịu nhất là ban ơn mà người ta không nhận. Dần dần tôi thấy Sếp khó chịu với tôi. Nhất là cái cách sống “hồn nhiên” của tôi làm phá vỡ cái uy nghiêm ở chỗ này. Thật là không ra làm sao cả. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới chứ. Cứ bằng vai phải lứa như thế này là không được! Cô bé phiên dịch cũng bị ghét lây vì thân với tôi, nó ngưỡng mộ cái mớ lý sự của tôi lắm, còn tôi thì lại ngưỡng mộ nó khi nghe nó kể về những công việc nó làm trước đây. Tôi bảo nó khi nó bảo nó là thư ký riêng cho giám đốc:

- Ở ngoài em giỏi thế, sao vào đây em cứ như con giun con rế thế. Em phải nhớ làm việc gì cũng phải có quy định, mà quy định lại phải dựa theo luật. Không phải ông to nào thích làm gì thì làm được. Phân ban tuyển em vào làm phiên dịch, kiêm thư ký cho Phân ban, chứ không phải cho riêng giám đốc nhé. Đến Phó tổng giám đốc ngoài kia còn không có tiêu chuẩn thư ký nữa là giám đốc phân ban.

Tôi không hỏi quan hệ trước đây giữa Sếp và cô bé phiên dịch như thế nào,.Nhưng từ khi cô bé thân thiết với tôi thì Sếp ghét nó ra mặt. Thậm chí có lần, nhân dịp đi nghỉ mát, cả phân ban vào nhà Sếp ở Sài Gòn chơi. Khi mọi người đứng dậy ra về, Sếp gọi giật cô phiên dịch lại bảo chờ tý, rồi Sếp quay vào nhà cầm ra một xấp phong bì đi phát cho từng người. Đến cô phiên dịch, Sếp thản nhiên đi qua để phát cho người bên cạnh. Khổ thân con bé, ngượng chín cả người. Nó tức tưởi kể cho tôi nghe làm tôi cũng máu nóng bốc lên đầu phừng phừng. Ra là Sếp cố tình gọi nó lại để chứng kiến màn trừng phạt nó đây. Khó có thể nói là Sếp vô tình. Dẫu nó có bé nhỏ mấy thì cũng là một con người đầy đủ hình hài trước mặt Sếp, thế mà Sếp nhớ phát phong bì cho cả người bên phải lẫn người bên trái mà bỏ qua người ở giữa thì nhất định là Sếp không vô tình. Vả lại chính Sếp gọi đích danh nó đứng lại chứ không phải là ai khác. 

Cũng mừng là cô bé phiên dịch ngày nào bây giờ đã trở thành trưởng chi nhánh của một hãng bảo hiểm nước ngoài danh tiếng, lương gần 2 ngàn đô một tháng. Lúc này thì đúng là Trời có mắt.

Tôi có rất nhiều lý do để không tin Sếp là con người tiết kiệm như Sếp hô hào chúng tôi. Nhà Sếp ở Sài Gòn, chả mấy chủ nhật Sếp ở lại Phân ban. Cứ cuối tuần Sếp lại bay vào Sài Gòn. Những ngày nào Sếp ở lại Phân ban kể cả ngày thường, hết giờ làm việc mà hứng lên là Sếp đánh xe ô tô biển xanh vào trung tâm thành phố, cách đó chừng hơn chục km để đánh tennis. Tôi ngẫm chỉ cần Sếp nổ máy, xe lăn bánh ra đến cổng là đã mất đứt 1 ram giấy rồi, chứ đừng nói 1 tờ giấy như Sếp nói. Mà cái nghề làm dự án thì chỉ tốn giấy là nhiều. Mỗi lần soạn văn bản, trình đi trình lại, có khi mỗi lần sửa chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy. Vị chi để ban hành được một tờ văn bản thì có khi phải mất chục tờ giấy bỏ đi là ít. Thay vì hô hào tiết kiệm 1 tờ giấy như thế, sao Sếp không quy định trình bằng file để sửa ngay trên máy có hơn không? Nhưng như thế nó không oai thì phải.

Chuyện ngoài lề về chủ đề tiết kiệm. Hồi tôi mới vào, một lần ngày nghỉ, Sếp khao lòng lợn tại phòng ở của Sếp ở khu văn phòng. Trong khi chờ đợi các cô phục vụ bày ra đủ món ăn, Sếp trưởng và sếp phó cụng bia với nhau. Một cậu sốt ruột bốc một miếng dồi. Lập tức Sếp quát lên:

- Thằng này láo, các cụ chưa ăn mà mày dám ăn trước à?

Cậu kia cười bảo:

- Các sếp uống, nhưng em không uống được thì em ăn.

- Láo toét!

Sếp vẫn buông một câu như vậy. Cậu kia đâm ra dở. Miếng dồi đã gắp lên đến miệng rồi, ăn vào thì chết, mà bỏ xuống thì nhục quá. Thấy vẻ mặt Sếp không có vẻ gì là đùa, thế là miếng dồi đành từ từ hạ cánh xuống đĩa. Trong đời tôi chưa từng chứng kiến những chuyện như thế bao giờ. Cứ tưởng chỉ có ở trong chuyện tiếu lâm.
Cái thằng đành bỏ miếng dồi ấy cũng đặc biệt lắm. Đang từ một thằng nghèo kiết xác, tính cái gì nó cũng quy ra thóc, chỉ qua cái dự án này nó trở thành giàu nứt đố đổ vách. Nó được Sếp phân cho phụ trách toàn bộ mảng đường nhánh, phụ trách gần trăm nhà thầu. Nghe nói có nhà thầu xách cả catap tiền đến phòng ở cho nó. Còn nó cũng chả giấu diếm khi bô bô nói với Sếp phó:

- Em chả hiểu tại sao, anh già hơn em, tiền anh cũng thể nhiều bằng em, thế mà sao gái nó cứ theo anh là thế nào?

Ngay cả khi đã giàu rồi, nó vẫn không bỏ hẳn được thói quen tính bằng thóc mới lạ chứ. 

Sau gần chục năm, bây giờ Sếp đã thành Sếp tổng, còn cậu đành bỏ miếng dồi thì lên giám đốc Phân ban miền Nam. Tôi rời cơ quan đã lâu, nghe anh chị em ở cơ quan đang rên xiết rằng bây giờ đích danh Sếp phê duyệt cấp từng ram giấy một.

Khốn nạn rồi! Đã bảo là nghề dự án thì giấy và mực in là một trong những văn phòng phẩm thiết yếu nhất. Mỗi tháng phòng tôi xin phải sáu, bẩy ram mới gọi là tạm đủ. Bây giờ mà xin từng ram một thì cứ gọi là suốt ngày đi xin cũng đủ chết. Vì xin đâu có được ngay mà còn phải trình, phải xem xét, phải duyệt, rồi viết phiếu xuất kho, rồi lại trình ký… Hu hu! Khổ thân bọn ở lại quá.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo