Vận nước! - Dân Làm Báo

Vận nước!

Kỳ Duyên (TuanVietnam)Không biết các cơ quan chức năng, pháp luật của Việt Nam rồi đây sẽ xử lý, ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa Tham nhũng, Lợi ích nhóm đến đâu? Chỉ biết với đà này, anh em nhà tham nhũng và lợi ích nhóm có cơ đẩy lùi... "vận nước".

Có một con bệnh làm suy yếu xã hội đã quá nhiều năm, nhưng lúc nào cũng khiến nhân dân bừng bừng "bốc hỏa", vì nó liên quan nhãn tiền đến vận nước. Bởi tuy nguy hiểm nhưng nó ẩn họa trong cơ thể xã hội quá kín đáo và khéo léo. Đến nỗi mọi thang thuốc chữa trị đến giờ vẫn không có hiệu quả là bao.

Đó là con bệnh Tham nhũng

Quan "tham" và dân "gian"

Báo cáo của Tổng Thanh tra CP tại phiên họp Quốc hội ngày 24/10 mới đây cho biết, từ 1/10/ 2010 đến 31/7/2011, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 163 vụ tham nhũng (có 349 bị can). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã truy tố 194 vụ tham nhũng (391 bị can). Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 171 vụ (409 bị can)

Đã có 67 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, trong đó cách chức 14 người, cảnh cáo 16, khiển trách 34...

Thế nhưng, thảo luận về tình hình thực hiện công tác này, nhiều Ủy viên Thường vụ QH băn khoăn, con số thất thoát do tham nhũng lên tới 11.400 tỉ đồng, chỉ mới thu hồi được hơn 300 tỉ (2,6%), một tỷ lệ hơi bị... bèo. Chính phủ cũng nhận định, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp.

Đẩy lùi tham nhũng là đòi hỏi khẩn thiết của nhân dân.

Cũng xin nói thẳng, tham nhũng không phải là "nỗi khổ của riêng ai".

Nó là căn bệnh của mọi quốc gia, từ tiên tiến văn minh, đến chậm tiến. Nhưng chắc chắn nó sẽ giảm bớt, nếu cơ chế quản lý xã hội quốc gia đó tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, và thiết kế phù hợp quy luật phát triển.

Đáng chú ý, tham nhũng giờ cũng không buông tha ai.

Không chỉ các quan chức có chức quyền bị tiền ăn, mà tiền còn ăn ngay chính cán bộ, nhân viên cơ quan công quyền trong lĩnh vực hành chính các cấp, thầy giáo, thầy thuốc, cảnh sát giao thông, tòa án... Chả thế từ lâu có câu chí lý- quan tham, dân gian.

Tham nhũng được khái quát, nâng lên nên thành ...văn hóa- "văn hóa tham nhũng"- một thứ văn hóa đáng tủi hổ.

Để hiện tượng tham nhũng, ăn tiền mang tính hệ thống, chắc chắn có vấn đề khiếm khuyết của cơ chế quản lý xã hội.

Người viết bài tâm đắc với ý kiến của  GS. TS Đỗ Thế Tùng (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo do Tạp chí Cộng sản và Viện khoa học Xã hội VN tổ chức: Nếu như tham nhũng không được đẩy lùi thì nên hiểu là tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, đang là cơ chế "nuôi dưỡng" chứ không phải đẩy lùi tham nhũng!

Những khiếm khuyết, lỗ hổng tạo sơ hở cho tham nhũng nảy nở là gì?

Đó là cơ chế xin- cho. Cơ chế quản lý kiểu này cho con người quyền quyết định, ban cho quá lớn, nhưng lại thiếu sự giám sát, kiếm soát để kiềm chế lạm quyền. Điều đó tạo ra điều kiện tốt để tham nhũng có điểm tựa thêm... sức bật.

Đó là sự ưu đãi độc quyền, không có đối thủ cạnh tranh trong kinh tế thị trường của các doanh nghiệp Nhà nước. Ở đây, lợi ích nhóm  gắn với tham nhũng như bóng với hình. Sớm muộn, các DNNN phải được thay đổi cách thức quản trị theo thông lệ quốc tế, chứ không phải theo mệnh lệnh hành chính xin- cho như hiện nay.

Đó là tệ mua bán chức quyền, là quy định quy định công khai minh bạch tài sản quan chức, nhưng lại có "vùng cấm"...

Đó là chưa có Luật Bảo vệ nhân chứng. Trong khi các quy định hiện hành bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn chung chung, chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo đảm an toàn cho người tố giác tham nhũng.

Người Việt nào cũng nằm lòng câu triết lý sống này: "Đấu tranh, tránh đâu"? Một câu hỏi chắc chắn không có câu trả lời! Vì thế, luôn tồn tại trong xã hội nghịch lý chua chát: Người ngay sợ kẻ gian, người tốt sợ kẻ xấu, người lương thiện sợ kẻ lưu manh.

Mặt khác, bộ máy phòng chống tham nhũng từ cấp tỉnh trở xuống, lại do Chủ tịch UBND tỉnh - người có thẩm quyền ban phát xin- cho, nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, quyết định và chỉ đạo. Với mô hình vừa đá bóng vừa thổi còi, ngay từ đầu, đã có nhiều tranh cãi tại Quốc hội về hiệu quả của nó.

Chẳng thế mà, mới đây Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đề xuất đổi vai- trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh hiện nay, phải là Chủ tịch HĐND, chứ không phải Chủ tịch UBND tỉnh, hoặc cần có một cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập. Dư luận đang chờ đợi xem liệu những đề xuất mới này có được chấp nhận.

Chợt nhớ điệp khúc một ca từ hài hước: "Vì sao anh không nói. Vì sao anh không n...ó...i...í...í..."

Con bệnh tham nhũng còn có một kẻ họ hàng thân thiết, rất gần gũi. Nó không nham nhở về khái niệm như tham nhũng, mà có khi rất mỹ miều, bóng lộn, chải chuốt, nhân danh tập thể. Nhưng thực chất cũng mang bản chất tham lam phạm pháp, ích kỷ, chỉ biết mình...

Nó là Lợi ích nhóm

Hạt muối nhỏ- lợi ích to

Ngày 24/10 mới đây, ViêtNamNet có bài viết "Hoa mắt vì lợi trước mắt, bóp chết sản xuất trong nước".

Đọc mà bỗng thấy ...hoa cà hoa cải, vì cái cách tư duy lợi ích nhóm, nó ranh ma luồn lách. Đến hạt muối bé xíu cũng không thoát!

Theo đó, Tổng cục Hải quan vừa kết thúc chuyên án điều tra về nhập khẩu muối tại ba DN đã lộ ra không ít gian lận.

Đó là chuyện Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam, được Bộ Công thương cấp tới bẩy giấy phép nhập khẩu muối công nghiệp với số lượng lên tới 221.740 tấn để sử dụng vào sản xuất công nghiệp. Do đó, được hưởng thuế suất ưu đãi 15% (so với mức 50% thông thường).

Tuy nhiên, DN này chỉ bán một phần cho các đối tác phục vụ mục đích công nghiệp, còn lại để sản xuất muối ăn bán ra thị trường nội địa.

Đến lượt đối tác cũng không bỏ lỡ cơ hội. Ngưu theo ngưu, mã lại theo mã!

Muối mua về cho sản xuất công nghiệp, họ cũng bán một phần ra thị trường dưới dạng muối ăn để kiếm lời. Việc làm này kéo dài trong 5 năm liền. Khiến từ lâu, xã hội đặt câu hỏi, nước ta bờ biến hàng nghìn km, không thiếu muối. Vậy mà sao muối ăn thiếu đến nỗi phải nhập? Và cơ quan chức năng bắt đầu nghi ngờ.

Có biết đâu, muối trong nước mắt diêm dân thì thừa thãi?

Thế nhưng, khi mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện, chả phải bé xíu như hạt muối mới dễ lọt. Ngay cả những lĩnh vực to và khó nhá như ngành cơ khí, cũng không thoát.

Dù có nhiều chính sách ưu đãi phát triển cơ khí trong nước, nhưng các DN trong nước vẫn bỏ qua những công trình, phần việc DN có thể làm được để thuê nhà thầu nước ngoài...

Hậu quả là ngành cơ khí trong nước lãnh đủ- ngày càng èo uột. Trong khi, "cơ khí chế tạo luôn là nòng cốt của công nghiệp sản xuất nội địa".

Lớn nhất, và mênh mông nhất là thị trường địa ốc vốn rất nhiều lợi nhuận. Nhiều DN hoa mắt và tưởng bở trước những nhà đầu tư ngoại đề ra những dự án tỷ đô. Nhưng  vốn huy động nhiều nhất cuối cùng vẫn là từ trong nước.

Cái "ngu phí' thời kinh tế thị trường nó thiên biến vạn hóa, dù các DN, anh nào cũng cứ ngỡ mình "khôn"... nhất làng!

Quá hí hửng hướng ngoại, có những dự án, đất bị chiếm rồi bỏ không, thành dự án treo làm khổ người dân địa phương, làm mất cơ hội việc làm của biết bao người lao động trong nước.

Có biết đâu, muối trong nước mắt diêm dân thì thừa thãi? Ảnh minh họa

Thế thì nói gì tới các ngành dễ "nát nhừ" như thức ăn chăn nuôi, rau quả, thực phẩm chế biến...

Cứ là nhập khẩu tuốt.

Trong khi kinh tế nội địa, sản phẩm hoa quả, thực phẩm sống... trong nước không tiêu thụ nổi, và cũng chết nghẹt vì sự chèn ép của hàng nhập khẩu.

Một câu hỏi đặt ra, cơ quan quản lý Nhà nước nào đồng tình cấp phép cho các DN, để bóp chết sản xuất trong nước như vậy, với lý do dễ lọt tai là phục vụ sản xuất vì chất lượng các mặt hàng nội địa không đạt yêu cầu?

Phục vụ sản xuất hay phục vụ cái ví tiền của quản lý Nhà nước lẫn DN, bỏ mặc người lao động kiểu "sống chết mặc bay, tiền chúng ông bỏ túi"?

Cái chủ nghĩa mackeno, vì sao lại nảy nở, bắt rễ sâu trong trí não và tâm hồn những DN và quản lý Nhà nước đó đến vậy?

Thực chất nó là gì? Diện mạo nó ra sao? Hãy nghe ông Vũ Tiến Chiến (nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng TƯ) phát biểu tại ĐH Đảng lần thứ XI: "Đã xuất hiện dấu hiệu liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng"

Đến hạt muối bé xíu còn không thoát khỏi thân phận nữa là...Thanks

Hạt muối nhỏ, các DN và quản lý Nhà nước biết "nhìn ra", lợi ích  to phết!

Hạt muối mặn, chỉ mặn chát với diêm dân, với lợi ích cộng đồng và quốc gia. Chưa nói đến những lĩnh vực to tát, như đất đai nhá.....

Không biết các cơ quan chức năng, pháp luật của Việt Nam rồi đây sẽ xử lý, ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa Tham nhũng, Lợi ích nhóm đến đâu? Chỉ biết với đà này, anh em nhà tham nhũng và lợi ích nhóm có cơ đẩy lùi..."vận nước".

Chuyện nhãn tiền!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo