Bài 2 : Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước - Hay là ảo tưởng?
I. Ảo Tưởng?
I.1. Nỗi niềm
Những ý nghĩ thôi thúc tôi viết Bài 2 đơn thuần là nỗi day dứt về sự yếu kém hiện hữu kéo dài của đất nước và mong ước bằng cách nào đó nước ta sẽ thay đổi được, để trên đất nước ta là cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, và trên thế giới là một Việt Nam không thua em kém chị trong mối quan hệ cộng đồng quốc tế.
Trước hết xin nói rõ thế này: Lâu nay tôi vốn dị ứng với bất kỳ một hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội nào ở nước ta có tên gọi “phong trào”. Đơn giản vì trong thực hiện chỉ thấy nó có bề nổi, ít giá trị thiết thực và không bền. Tôi cũng nghĩ rằng sau 35 năm xây dựng đất nước kể từ khi giành được thống nhất và 25 năm sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, chẳng lẽ bây giờ lại nghĩ phải nghĩ đến một cái gì đó mang tính phong trào?- nhất là một phong trào mang tính duy tân đất nước?!.. Song ngẫm nghĩ mãi, tôi thấy đất nước ta trong quá trình phát triển vừa qua của mình, bên cạnh cái được, cái tha hóa đang lấn lướt trên nhiều mặt và có hệ thống, lại trong một bối cảnh thế giới quyết liệt hiện nay. Tình hình trở nên nguy hiểm đến mức đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện và triệt để - như đã trình bày trong Bài 1 và một số bài khác tôi viết trước đó. Những trở lực phải vượt qua lớn quá, rất đa dạng, trên mọi bình diện của đất nước. Nếu như giờ đây không dấy lên được trong cả nước và trong toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta một phong trào thay đổi triệt để đất nước, chẳng những sẽ khó giành được những thắng lợi mới trên chặng đường tới, mà còn có nguy cơ đất nước bị tụt hậu nữa, sẽ tích tụ thêm đủ mọi thứ nguy hiểm và ngày càng bị uy hiếp. Còn chờ nước đến chân mới đem mọi chuyện ra bàn, liệu lúc ấy có bàn được không?
Phải, làm gì? Làm thế nào? Tôi chưa nghĩ ra được. Song nỗi niềm như vậy, tự nhiên khiến tôi tưởng nhớ đến phong trào Duy Tân do các chí sỹ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng, nhất là vì phong trào này tập trung vào yêu cầu mở mang dân trí và thức tỉnh tinh thần dân tộc để thay đổi đất nước, với chủ đề: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Đây còn là một chương trình nghị sự nữa, một quy hoạch có lý để thực hiện: Khai dân trí đi trước.
Theo tôi, yêu cầu cụ Phan và các chiến hữu của mình đặt ra chính là cái nước ta cần trước tiên trong tình hình đất nước lúc này trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Tôi tin rằng dân trí và tinh thần dân tộc cao là yếu tố quyết định. Có trình độ dân trí và tinh thần dân tộc cao, nhân dân ta sẽ tự chọn được, thiết kế được, và sẽ có cách thực hiện được cho mình con đường phát triển của đất nước – trước hết nhân dân ta sẽ tạo ra và lập nên được đội ngũ tinh hoa lãnh đạo đất nước trên con đường phát triển.
Tự giải phóng được mình về tư tưởng và văn hóa, nhân dân ta chắc chắn sẽ xoay chuyển được tình thế[1].
Suy nghĩ nói trên của tôi xuất phát từ mong muốn: Nước ta phải từ chỗ đứng hiện tại, tìm đường phát triển đi tiếp.
Các bài học đất nước ta thâu lượm được trong hơn một thế kỷ nay rất nhiều, kinh nghiệm trên thế giới cũng nhiều, làm sao chuyển hoá được thành sức mạnh của trí tuệ và sáng tạo của cả nước, của toàn dân tộc?
Xin đừng bao giờ quên, những gì đất nước này đang có trong tay cho đến hôm nay là thành quả phải trả giá rất đắt của cả dân tộc này, dù là ai, dù là theo chủ nghĩa nào, dù đứng về bên này hay bên kia – suốt từ đêm dài 80 năm nô lệ và chiến tranh thế giới II đến nay. Để có thành quả như hôm nay, máu Việt Nam nào đã chảy và bao nhiêu tổn thất khác đều là những hy sinh của dân tộc. Mọi vết thương của cả dân tộc này, cần sớm làm lành nó, chứ không phải khư khư giữ mãi hay khoét sâu nó thêm nữa.
Tôi nghĩ đất nước lúc này còn nhiều khó khăn gian truân lắm, nhất là nhìn vào cuộc sống của một bộ phận đông đảo dân cư có thu nhập thấp dù ở nông thôn hay thành thị, vùng sâu vùng xa… Đất nước nhiều mặt còn chậm phát triển, tệ nạn quan liêu tham nhũng hoành hành, thiên tai luôn tàn phá nghiêm trọng… Nhìn vào đâu cũng thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu việc phải làm. Đã thế, lúc này đất nước đang có nhiều khó khăn trong, ngoài rất nhạy cảm. Ngay hiện tại còn phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng có thể còn kéo dài một số năm và sức ép trên Biển Đông... Vì vậy, nên chắt chiu từng kết quả nhỏ để giảm bớt khó khăn, nhất là đừng tự chuốc thêm vào nước mình những khó khăn lẽ ra có thể tránh được, tất cả nhằm tập hợp sức mạnh cả nước.
Dù chưa biết cụ thể phải làm gì và làm thế nào, song tôi mong cho đất nước có một phong trào duy tân xoay chuyển được tình hình. Khát khao như thế cũng là thường tình. Bởi vì hàng ngày tôi thấy trên đất nước ta có không biết bao nhiêu nỗ lực không mệt mỏi của từng cá nhân hay nhiều cá nhân, của các hội, hiệp hội, hay các tập thể, doanh nghiệp, cơ quan, các hộ gia đình ở nông thôn và thành thị… hướng về mục tiêu này…
Trong những nỗ lực theo khuynh hướng nói trên, có không ít những hoạt động đang dần dần xác lập được chỗ đứng có ảnh hưởng và uy tín trong đời sống mọi mặt của đất nước, mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực.
Có không biết bao nhiêu ví dụ: Hiệp hội Khuyến học, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhà xuất bản Trí Thức, tạp chí Tia Sáng… Vietnamnet đã từng khởi xướng “Đổi mới II” (2006)… Gần đây một số nhà kinh tế của nước ta cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có đổi mới II… Khắp nơi trong cả nước tiếng nói kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy.., tuy chưa đủ mạnh như mong muốn, nhưng không nhỏ… Vân vân và vân vân…
Cho phép tôi tại đây được bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng trân trọng của mình đối với không biết bao nhiêu nỗ lực có tên hoặc không có tên, không mệt mỏi của những cá nhân, tập thể, trong đời sống hàng ngày. Nhiều trường hợp là những việc làm âm thầm, trước hết là để tự cứu mình. Không ít những nỗ lực phải trả giá đắt, song bản thân từng nỗ lực ấy và những kết quả thu được để lại không biết bao nhiêu gương sáng về những giá trị cần gìn giữ cho đời này… Đó có thể là một nhân viên bưu vụ nghèo rách mướp nhặt được của rơi trị giá hàng trăm triệu đồng song vẫn tìm mọi cách trao lại bằng được người đánh mất, một em học sinh hoàn cảnh hiểm nghèo vẫn tự lo liệu được việc nuôi mình đi học và nuôi bố mẹ mắc hiểm bệnh vì chất độc màu da cam, một thiếu nhi cứu được 2 bạn mình trong lũ – nhưng chính mình lại phải chấp nhận thua sóng dữ vì kiệt sức trong khi cứu tiếp các bạn khác; một nữ giáo viên già về hưu rồi nhưng vẫn đấu tranh đến cùng chống tham nhũng – vạch tận tay day tận trán từng vụ việc bà biết; một chiến sỹ kiểm lâm hy sinh vì kiên quyết không khoan nhượng với bọn lâm tặc; một doanh nghiệp đã chiến thắng cả tham nhũng tiêu cực trong nước và sự chèn ép của bên ngoài; một chị hiệu trưởng trường đại học dân lập – vì lợi ích học tập của 2000 sinh viên trường mình, đã hết keo này đến keo khác, dũng cảm, không mệt mỏi, đấu tranh, giành giật với cái bảo thủ trì trệ của hệ thống chính trị từng ly từng tý một cái không gian tự do cho việc giảng dạy, cho những hoạt động nuôi dưỡng chí hướng của trường…
Tôi đã có dịp gặp mặt một vài doanh nhân trẻ, tất cả đều tốt nghiệp đại học trong nước hoặc nước ngoài, tất cả đều chọn con đường lập nghiệp ngoài biên chế nhà nước. Phải nói họ rất độc đáo và dũng cảm. Thực sự là họ sáng tạo vô cùng và vượt qua được không biết bao nhiêu rào cản. Chỉ tiếc là đất nước ta - nghĩa là cả hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội – chưa cho những “Bill Gates” Việt Nam nho nhỏ này môi trường đáng có cho họ tung hoành. Có người thành công ở nước ngoài trước, rồi quay về tìm đất dụng võ trong nước… Duy tân đất nước rất cần những tấm gương và những giá trị của từng con người hoặc tập thể như thế - theo tinh thần có bột mới gột nên hồ, nhiều người tốt và tập thể tốt sẽ tạo nên làn sóng mạnh trong cả nước[2]… Song cũng trong lúc tôi viết những dòng này, ngoài cuộc sống hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngắc ngoải hoặc phải đóng cửa.
Câu chuyện cái tăm tre và 2.000 tấn quặng
Anh Nguyễn Văn Hà (12/79/18 Ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội, đt 04 38514597, di động: 0904108850), bạn vong niên của tôi, sau nhiều năm kiếm ăn vất vả bằng nghề lái xe, dành dụm được ít tiền, sự đời tình cờ dẫn anh tới quyết định dốc hết vốn liếng đi sang Thái Lan mua cái máy sản xuất tăm tre xỉa răng.
Vừa học vừa làm, vừa là chủ vừa là thợ, trong khoảng thời gian khá ngắn anh trở thành “nhà sản xuất tăm” từ khâu trồng tre đến bán sản phẩm của mình đi khắp nơi trong ngoài nước, công suất khoảng 18 tấn/năm, xí nghiệp tự lo tự diễn mọi mặt; cả chủ và thợ tất cả các cơ sở gộp lại lúc cao điểm khoảng 270 người…
Thế nhưng bỗng dưng: Thương nhân Trung Quốc đến gặp, đề nghị hợp tác. Từng bước, khách đưa ra các phương án: (1)mua đứt toàn bộ xí nghiệp từ A đến Z, nghĩa là cả rừng trồng tre, nhưng xí nghiệp cứ sản xuất như thường nhật, khách trả lương cho xí nghiệp và độc quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm mang nhãn hiệu mới Trung Quốc; (2)như phương án 1, chỉ sửa đổi ở chỗ giữ lại nhãn hiệu Việt Nam của sản phẩm; (3)mua đứt rừng trồng tre, khách cam kết tiếp tục giữ nguyên việc cung cấp nguyên liệu cho xí nghiệp; (4)mua đứt khâu sản xuất tăm, nhãn hiệu gì cũng được; (5)nhường cho khách bao tiêu sản phẩm trong thị trường Trung Quốc; (6)góp vốn cùng kinh doanh lời cùng ăn lỗ cùng chịu… Anh Hà choáng váng, vì khách dai như đỉa đói. Anh còn muốn vươn xa nữa và đã nhìn thấy các nguồn lực cho phép thoả chí vươn xa của mình… Tất cả các phương án của khách, anh khước từ quyết liệt. Nhưng khách không chịu buông tha.
Thế là sóng dữ cuồn cuộn: Khách làm tăm rởm và tẩm độc hại, gắn nhãn mác của xí nghiệp (nhãn mác nhái), tung ra thị trường rồi tố cáo trên mạng và dư luận, về chuyện tăm của anh Hà chất lượng bẩn. Anh Hà chạy vạy gõ cửa khắp nơi cầu cứu. Sau rất nhiều tháng nỗ lực, anh Hà đã phản công được trên tivi và báo chí nước ta, và nhận được sự giúp đỡ bảo vệ nhãn mác của một số cơ quan hữu quan… Song kết quả đến hôm nay chỉ là tồn tại ngắc ngoải: Xí nghiệp bây giờ chỉ sản xuất khoảng 6 -7 tấn/năm, biên chế chỉ còn lại 34 người. Trên thị trường Việt Nam tăm Trung Quốc vẫn lấn át, vì tăm này bẩn, chế biến sơ sài, chi phí thấp, nên giá bán chỉ bằng ½ giá tăm sạch của xí nghiệp anh Hà.
Ngày ngày, nếu sau bữa ăn các bạn dùng cái tăm tre tẩm quế có bọc giấy trong rất nhiều các nhà hàng, khách sạn, các chuyến bay.., ở nước ta cũng như tại khá nhiều nước khác, có nhãn mác thường là tên nhà hàng, khách sạn bạn đang ở, hay các hãng hàng không bạn đang bay.., có thể đoán chắc đấy là cái tăm tre sạch của xí nghiệp anh Hà… Bởi vì tăm sạch đáp ứng yêu cầu của những nhà hàng này.
Một chủ doanh nghiệp rất nhỏ, để bảo vệ thứ sản phẩm vô cùng nhỏ của mình là cái tăm, anh ta phải vật lộn vỡ óc là như thế và chưa thắng được… Nhưng tại một điểm ở xã Chu Trinh – Cao Bằng, cứ đêm về là có khoảng 2000 tấn quặng, theo báo chí có lẽ là được xúc lậu lên xe tải (nghĩa là ăn cắp?), để rồi đến sáng sớm ầm ầm xuất qua biên giới; đã bao nhiêu lâu với những đêm êm ru như thế? (xem Sài Gòn Tiếp Thị, 13-10-2011)…
Đến lượt tôi cũng choáng váng như anh Hà, vì thực sự không sao hiểu nổi đất nước mình!
Mới đây lại có chuyện thương nhân Trung Quốc mua giá hời vài tấn chè với điều kiện hàng phải trộn thêm bùn, phân trâu, rác bẩn khác… Hàng được mang về Trung Quốc, không phải để bán, mà để cho báo chí và tivi Trung Quốc ghi hình , viết bài, tố cáo chè Việt Nam bẩn!.. Báo chí ta đã phải lên tiếng…
Ngày ngày, qua những gì tôi được chứng kiến, tôi cảm nhận được sự mong muốn nóng bỏng trong dân về những điều tốt đẹp cho cuộc sống của riêng mình và của đất nước. Chắc chắn đấy sẽ là một động lực mạnh. Đồng thời hàng ngày tôi cũng nghe được sự phê phán của dân đối với những sai trái hay tiêu cực. Có thể nói đấy là sự phản ứng rất quyết liệt, rất xây dựng, dù là phản ứng âm thầm, không bộc lộ ra ngoài, nguyên do trước hết vì thiếu công khai minh bạch và mất dân chủ. Sự âm thầm ấy nhiều khi thể hiện ra bên ngoài như một thái độ vô cảm… Ước gì đánh thức được nguồn năng lượng này!
Câu chuyên phi lý đến nỗi, ngồi đâu cứ vài ba người trở lên, mọi câu chuyện đứng đắn lại xoay quanh tình trạng tham nhũng tiêu cực trầm trọng của đất nước, những bất cập mới… – dù là giữa người lái xe taxi và khách trong một “cuốc” đường dài, mấy bác đảng viên về hưu cụm lại với nhau chiều chiều bên bờ hồ, lúc trà dư tửu hậu trong một bữa giỗ của gia đình… Thế nhưng cuộc sống trên báo chí lề phải, các buổi truyền hình về những hoạt động chính thống của đất nước.., lại là một bức tranh đời khoả lấp đi quá nhiều mảng tối... Sao lại có sự khác biệt đến vậy?
Nếu người dân được cung cấp thông tin và những hiểu biết cần thiết, nếu tạo ra được môi trường công khai minh bạch, tạo ra được diễn đàn cho dân nói tiếng nói của mình, chắc chắn sẽ tạo ra một bầu không khí mới tràn đầy nghị lực cho cuộc sống đích thực về mọi mặt của đất nước. Trong tôi càng khát khao đất nước có được một cao trào duy tân.
Cũng xin cho phép tôi nhân đây biểu thị sự phê phán, sự không đồng tình với không biết bao nhiêu việc xấu hoặc chẳng hay ho gì đang diễn ra chung quanh chúng ta hàng ngày hàng giờ.
Chỉ xin kể ở đây một ví dụ rất rất nhỏ: Vừa mới đây tôi được chứng kiến trên tivi trong bữa cơm trưa ở nhà, đó là việc biểu dương một em học sinh mồ côi cha mẹ đã vượt khó nuôi được chính mình và các em mình đi học - đương nhiên với sự giúp đỡ vô danh hoặc hữu danh trong xã hội. Câu chuyện trên tivi đến đây rất đáng ngưỡng mộ và ấm lòng người. Song tôi thất vọng, khi thấy thầy hiệu trưởng đứng ra phát biểu, đại ý nói kết quả này còn là công lao của nhà trường, rồi dặn dò như chỉ thị cho em… Tiếp theo là một đại diện đảng ủy và chính quyền xã, rồi đại diện hội phụ nữ xã.., cũng phát biểu tương tự.., ngoài ra còn thấy xuất hiện trên màn hình vài người nữa – có thể là các chức sắc nho nhỏ đại diện cho tổ dân cư thôn, xóm?.. Tôi tự hỏi: Tại sao có thể nhầm lẫn trách nhiệm phải làm – thậm chí đây là trách nhiệm ràng buộc về pháp lý và được trả lương để làm – là công lao như thế được nhỉ? Mà sao công lao của lắm người thế? Trong buổi tivi này còn có các nhà hảo tâm trao cho em học sinh nọ tiền trợ giúp và quà, tôi hoan nghênh những nghĩa cử này. Cứ giả định rằng các nhà hảo tâm này rất muốn nhân tiện làm một chút “PR” cho mình (public relation) – tiếng nói thời thượng bây giờ đấy, dịch nôm na là quảng cáo cho bản thân, song tôi hiểu được và chấp nhận. Nhưng đến cái chuyện tự nhầm lẫn trách nhiệm phải làm với công lao, lại trên lưng thành quả vượt khó của một em học sinh thì thật là quá đáng. Trong trường hợp cụ thể này, chỉ là sự ăn bám trong một phạm vi rất rất nhỏ cái vinh quang của người khác, song hiện tượng nhỏ này cũng đủ bóc trần một căn bệnh trầm kha của xã hội. Nó cho thấy đất nước đang bị kìm hãm, bị làm hỏng mọi mặt từng li từng tí một và bất cứ ở đâu. Nói chi đến cuộc sống đất nước hiện nay có không biết bao nhiêu sự ăn bám khiếp đảm hơn, dã man hơn nhiều…
Đành tự an ủi, mình nhận thêm được một nhắn nhủ nữa từ đời: Loại bỏ nhầm lẫn kiểu này thật không dễ…
Câu chuyện tivi nho nhỏ vừa kể giúp tôi hiểu thêm chiều sâu của vấn đề: Rồi đây duy tân sẽ phải đụng độ với những gì và với không biết những ai trong mọi giai tầng xã hội – từ đỉnh cao chót vót đến tận gốc rễ của thượng tầng kiến trúc xã hội nước ta…
Tóm lại, trên quan điểm đất nước phải từ chỗ đứng hiện tại, thay đổi triệt để và toàn diện để tìm đường đi tiếp, tôi thấy có đủ lý do nên dấy lên một phong trào sâu rộng duy tân đất nước. Xây thì phải như thế! Chắc chắn duy tân sẽ là một cuộc vận động gian khổ và phức tạp.
I.2. Xin bộc bạch một ý nghĩ nữa
Trong Bài 1 tôi viết:
“Dù với cái giá đau thương như thế nào, chặng đường đất nước đã vượt qua được trong thế kỷ trước là chặng đường hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước. Chặng đường tiếp theo đất nước ta bây giờ phải thay đổi tất cả để từ nay bước vào có thể đặt tên là chặng đường phát triển đổi đời đất nước, đổi đời chính dân tộc Việt Nam ta, để nước ta sớm trở thành một quốc gia phát triển, có vị thế xứng đáng với chính nó trong thế giới hiện đại ngày nay. Gọi đấy là chặng đường tiếp theo, hàm nghĩa dứt khoát là kế thừa, sàng lọc, cải tạo, phát triển những gì đã làm được trong chặng đường trước, để đưa đất nước bước vào chặng đường mới, để đi tiếp.”
Trước khi quyết định chia sẻ với bạn đọc mong muốn của mình việc nước ta nên lựa chọn kịch bản chặng đường tiếp theo với nội dung như vừa trình bày trên, tôi đã “rà soát” lại chính mình, không phải một lần. Cuối cùng tôi khẳng định cho chính mình: …Có lẽ không có một kịch bản khả dĩ xảy ra nào về sự vận động của đất nước, từ cực tả nhất đến cực hữu nhất - với mọi sắc thái khác nhau - là xa lạ đối với sự tưởng tượng của tôi và tôi không thể hình dung được.
Đương nhiên, tôi vẫn một mực lựa chọn cho đất nước mình kịch bản chặng đường tiếp theo.
Vì lẽ này, tôi ước mong một trào lưu duy tân cho đất nước.
Tôi không nghĩ rằng kịch bản này là êm dịu. Thậm chí tôi tin rằng nó rất gian truân và có thể cũng rất đau đớn. Nhưng tôi hy vọng nó tiết kiệm hơn mồ hôi xương máu cho dân tộc. Nhưng điều quan trọng nhất, tôi tin rằng kịch bản này sẽ từng bước gặt hái được những thành tựu chắc chắn; càng thu hoạch được nhiều thành tựu vững chắc, đất nước sẽ càng phát triển, sẽ càng đẩy ra xa mãi nguy cơ phải xóa đi làm lại từ đầu theo kiểu cách mạng hoa lan hoa nhài!
Ai muốn gọi kịch bản chặng đường tiếp theo – kịch bản duy tân đất nước như vậy là diễn biến hòa bình – không sai. Nhưng theo tôi, đây là diễn biến hòa bình đáng mong muốn, ít nhất là tôi mong muốn, nó chẳng liên quan gì đến cái diễn biến hòa bình được nhập khẩu.
Trên mạng, tôi nhận được khá nhiều ý kiến phê phán gay gắt việc tôi lựa chọn kịch bản chặng đường tiếp theo (đã được nêu trong Bài 1). Người lời lẽ ôn hòa nhất nói: Tôi ảo tưởng, mong con người vượt qua được cái bóng của mình. Người khác nói: Tôi quỳ xuống cầu xin quyền lực trở thành bồ tát. Không ít người có lời lẽ còn thậm tệ hơn nhiều lần – ngay cả trong đám bạn bè đồng tuế đồng học của tôi…
Nhưng ngồi viết Bài 2 này, tôi vẫn kiên định với cách nhìn và sự lựa chọn của mình.
Có thể vì tôi sợ cái chết chóc – một tâm lý của một người tuổi “U80” có tới hơn 40 năm trong cuộc đời mình (1946-1989) trực tiếp trải qua hay tiếp xúc với chiến tranh trên tổ quốc mình!.. Nghĩ về tôi như vậy không oan.
Tôi tôn trọng các phản ứng tự nhiên và sự khác biệt chân thực của mọi người đối với suy nghĩ của mình. Nhưng tôi kiên định cách nhìn và sự lựa chọn của mình. Bởi vì đấy là cách nhìn và sự lựa chọn của tôi, được chắt lọc ra từ những gì tôi trải nghiệm, những gì tôi quan sát được trên cuộc đời này. Đúng hay sai là chuyện phán xét của cuộc sống. Về phần mình, tôi không đánh giá cao bất kỳ “sự thông minh” nào theo kiểu cứ vẽ hay phán cho thỏa thích (thỏa cái gì đó thì còn tùy người), còn không quan tâm đến việc đất nước có thể chịu hệ quả gì, sẽ rơi vào thảm họa ra sao.
Sự sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũ là một cuộc xóa đi tất cả làm lại từ đầu, sự phát triển tiếp theo cơ bản là trong hòa bình, trước hết bởi vì chỉ có những quốc gia này mới có tất cả những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị (và môi trường thế giới nữa) để vươn tới sự phát triển tiếp theo cơ bản trong hòa bình như vậy. Có lẽ trừ Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước kia bây giờ là một bộ phận hữu cơ của Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay, tất cả các nước LXĐÂ cũ còn lại cho đến ngày hôm nay – trên 20 năm rồi – vẫn đang phải xây dựng tiếp thể chế dân chủ của mình; riêng tại các nước thuộc Liên Xô cũ tiến trình này còn dài và gian khổ hơn nhiều, cá biệt vẫn có nơi có chỗ chưa thực sự có ổn định.
Tại Iraq và Afghanistan dân chủ được bưng đến tận tay người dân. Nhưng cho đến hôm nay, tại cả 2 nước này máu vẫn đổ và người dân làm gì có dân chủ và hòa bình? Tình hình Sy-ri đang nóng bỏng không kém… Ai-cập sau Mubarak và Ly-bi sau Kadhafi còn cả một chặng đường vô cùng hiểm nghèo và gian truân phía trước. Cầu mong cho 2 quốc gia này không phải tốn thêm nhiều máu nữa cho tương lai của mình bằng cách lựa chọn con đường đoàn kết hòa hợp hòa giải dân tộc… Xin đừng bao giờ quên, con đường dẫn đến Mubarak và Kadhafi lúc đầu cũng là một dạng con đường cách mạng nào đấy. Lùi nữa vào lịch sử, trong Bài 1 tôi đã nêu nhận thức của mình về các cuộc cách mạng đã diễn ra tại các quốc gia trên trái đất này.
Thế còn Việt Nam?
Tôi đã nêu suy nghĩ của mình trong Bài 1 cũng như tại đây. Đến lượt bạn đọc tự nêu suy nghĩ của các bạn, xin mời. Tôi chỉ có thể nói trước: Tôi kiên định.
Vâng, tôi kiên định tới mức không loại trừ rằng khát vọng duy tân này vì những lý do nào đấy có thể thất bại hoặc sẽ bị đàn áp, giập tắt.., như đã từng xảy ra ngay trong lịch sử nước ta, và cả trong lịch sử nhiều nước khác... Không thiếu lý do và sự kiện cho phép hình dung một kết cục như vậy.
Tôi hiểu chứ. Ngay trong đời sống báo chí hàng ngày hiện nay, một bài báo nho nhỏ, có hơi hướng lề trái một tí, cũng phải chịu tới dăm bảy cú điện thoại, rồi phải rút bỏ. Một IDS bé tí teo cũng phải loại bằng được! Cho đến nay có không biết bao nhiêu kiến nghị đúng đắn của giới trí thức về những vấn đề trọng đại của đất nước bị bỏ ngoài tai… Nói gì đến chuyện duy tân to tát!?.. Vân vân…
Song tôi vẫn mong rằng cả nước không phân biệt ai, người dân và người cầm quyền, hãy nên chủ động dồn sức cùng nhau nghĩ, xây dựng và thực hiện kịch bản duy tân đất nước, làm cho những tư tưởng của duy tân trở thành dòng tư tưởng mạnh mẽ trong xã hội nước ta, thành những giá trị đáng khao khát, thành động lực tinh thần của xã hội, thành hành động của xã hội. Hãy khởi sự bằng việc tất cả trấn tĩnh lại, cùng nhau suy nghĩ như thế! Người dân và người cầm quyền! Chỉ riêng việc tao ra được sự hiệp lực với nhau suy nghĩ như vậy của cả nước, của toàn dân tộc cho một ý tưởng như thế, đã có thể tự nó là một thắng lợi mở đường cho một triển vọng tốt đẹp của đất nước, của dân tộc. Duy tân như thế là ngay từ đầu đánh thức cái tâm, cái thiện trong mỗi người, chủ động tránh mọi đổ vỡ, tranh thủ mọi thuận lợi để cải cách, để phát triển. Đấy, theo tôi, chính là con đường tối ưu nhất cần lựa chọn. Hay là có thể vì Phật Thích Ca đã chiếm được một phần trong trái tim tôi, nên tôi còn quá tin, hay chưa mất hết lòng tin vào con người?!..
Tôi nghĩ đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) là người và cũng là pháp nhân thích hợp nhất trong chế độ chính trị và tình hình pháp lý hiện nay của đất nước. MTTQVN có đầy đủ năng lực và chính danh đứng ra vận động trí tuệ và tâm huyết cả nước xây dựng và thực hiện một phong trào duy tân như thế. Có thể gắn sự vận động này với những vận động tham gia thiết thực của toàn dân chung tay tháo gỡ những khó khăn và sớm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế.
Làm được như vậy, vừa thay đổi hẳn không khí nặng nề do mất niềm tin hiện nay trong mối quan hệ giữa dân và thể chế chính trị, vừa tạo ra một hào khí mới, cổ xúy cho cái mới, cái tốt. Chống tham nhũng và mọi tiêu cực trong xã hội có hiệu quả nhất có lẽ cần bắt đầu từ phía “xây” như thế, trước hết là tạo ra công khai minh bạch để cổ xúy cho cái đúng, cái xây, cái tích cực. Bắt tay vào sự nghiệp duy tân này, cả nước sẽ có một khí thế mới hào hùng vì đất nước, đồng thời Việt Nam ngay lập tức sẽ được sự cổ xúy của toàn thế giới tiến bộ, vị thế quốc tế của đất nước sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Xin nói ngay, chắc chắn các nước phát triển trên thế giới kể từ Mỹ trở đi, và cùng với họ là cả trào lưu tiến bộ rộng rãi trên thế giới nữa, trong bàn cờ thế giới hiện nay tất cả đều không ai muốn có một kịch bản “hoa lan hoa nhài” ở Việt Nam. Dẫn chứng là họ có nhiều quan điểm “vênh” với xử sự của ta trong nhiều chuyện, song tất cả đang tìm cách nâng cao quan hệ với nước ta, mong muốn nước ta ổn định và tiếp tục phát triển.
Đương nhiên, điều kiện tiên quyết cho một kịch bản duy tân như thế là - xin mượn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Phải để cho người dân mở mồm ra nói!”, phải có tự do báo chí, phải có dân chủ, phải thực hiện công khai minh bạch.
Xin hỏi: Còn việc nào đáng làm hơn nữa đối với MTTQVN?
Xin kể lại một chuyện cũ. Hà Nội những năm tháng trước cách mạng Tháng Tám về nhiều mặt là một cuộc sống lay lứt, chán trường, mất phương hướng; có những mặt lam lũ, có những mặt bê tha trụy lạc ghê gớm (một Hà Nội của lừa đảo, cờ bạc, nghiện hút, nhà thổ, cô đầu, của tim la – [bệnh giang mai]…).., một Hà Nội vật vờ! Tình cảnh này dễ hiểu vì chiến tranh (chiến tranh thế giới II đã lan đến nước ta), vì nạn đói ở miền Bắc lúc đó, Nhật đến chiếm đóng và làm đảo chính hất Pháp… Thế nhưng ngay những ngày sau Cách Mạng Tháng Tám là một không khí khác hẳn ở hà Nội. Một trong các yếu tố trực tiếp và sớm nhất góp phần tạo ra sức sống mới lúc ấy là phong trào “Khỏe vì nước!”, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng.
Phải, hầu như mọi việc sau những ngày cướp chính quyền bắt đầu từ Khỏe vì nước. Có thể nói, sáng sớm hay chiều chiều rất nhiều đường phố, công viên trở thành các bãi tập thể dục, tập võ cho cả Hà Nội. Già trẻ lớn bé ganh đua nhau tập tành. Song phong trào Khỏe vì nước này đã mở đầu và kéo theo một phong trào khác lớn hơn chính nó rất nhiều. Đó là cả một phong trào rộng lớn cổ xúy cho nếp sống lành mạnh, văn minh, trung thực, đoàn kết, hòa đồng và hiệp đồng cùng nhau trong xã hội – cái tên gọi chung lúc ấy cho sự vận động này là thực hiện đời sống mới. Dân trong phố bắt đầu gặp gỡ nhau, chan hòa (trước kia không thế), cùng nhau tự làm, tự lo liệu việc này việc nọ cho phố xá mình mà chẳng phải có bàn tay nào của chính quyền (lúc này đúng là nhân dân tự quản toàn diện, bàn tay của chính quyền nếu có muốn có cũng không đào đâu ra), trộm cắp và mọi tệ nạn biến mất. Xã hội dân sự là như thế, vốn xã hội quả là có những khả năng khó đánh giá hết. Một nếp sống mới trong xã hội thực sự hình thành. Thực dân Pháp lúc này đã lăm le quay lại. Hà Nội cùng với cả nước sôi sục các phong trào yêu nước: vào tự vệ, tự trang bị vũ khí, quyên vàng cứu nước, đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để hình thành các tuyến, các phố cho sẵn sàng chiến đấu…
Nếu như ngày nay, làm cho toàn dân ý thức được tính hình và mọi thách thức đang đặt ra đối với đất nước, nếu như có được một phong trào duy tân với hào khí như phong trào Khỏe vì nước năm nào!..
Chế độ chính trị của nước ta bây giờ, những người đang giữ vai trò cầm quyền đất nước bây giờ, từng đảng viên và toàn thể Đảng cộng Sản Việt Nam bây giờ có đủ bản lĩnh và nghị lực, trước hết là có đủ cái tâm và ý chí, làm nên một phong trào duy tân đáng mong mỏi như thế? Không một ai trong thâm tâm có thể trốn tránh nổi câu hỏi này, dù muốn. Trong thâm tâm mỗi người cũng tự biết, trả lời như thế nào thì chính mình là thế nấy. Không ai tự chạy trốn được chính mình đâu.
Hôm nay, viết những dòng này, trong tâm khảm tôi vẫn vang lên lời ca hào hùng năm xưa: “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia, nào thanh niên ta góp tài ba…”
Xây dựng nên một cao trào duy tân như vậy, có nghĩa là phải tạo ra được một cái đích mà trước sau dân tộc ta nhất định sẽ hướng tới. Cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước bây giờ và về sau! Cái đích ấy là gì, duy tân phải xác định cho đúng, xác định có sức thuyết phục, làm cho cái đích ấy là của cả dân tộc, trở thành cái đích và lẽ sống của từng người con trong cộng đồng dân tộc này. Bảo vệ đất nước cũng trước hết phải như vậy.
Việc xây dựng và xác định một cái đích như thế trong tình hình đất nước hiện nay không thể là sản phẩm của một bộ não kiệt xuất nào đó, càng không thể là một thứ gì đó “copy” vào – dù có cái tên là chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa. Một cái đích như thế, chỉ có thể được tích tụ và hình thành từ khát vọng của dân. Nhiệm vụ của trí tuệ và lòng yêu nước là phải tinh túy được cái khát vọng ấy của người dân thành cái đích chung như thế của cả dân tộc, trở thành cái cốt lõi của dân chủ cho nước ta, nhất là đúng với tinh thần người dân là chủ của đất nước.
Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tinh túy được khát vọng ấy thành cái đích: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Cái đích chính đáng ấy đã và đang bị rất nhiều sai trái, tiêu cực, tệ nạn quan liêu tham nhũng, và cả dốt nát nữa làm cho mờ đi trong quá trình tha hóa đang diễn ra trên đất nước ngày nay, đảy ra xa mãi người dân, xa đất nước, xa dân tộc… Thậm chí cái đích đúng đắn ấy được sáng tạo thêm những cái đích mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc.., nhưng lại trong một bối cảnh kinh tế - xã hội – văn hóa của đất nước ngày càng mang nhiều cái hoang dã của thời thời kỳ tích tụ tư bản ban đầu. Rút cuộc, cái đích do Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết nên ấy, chưa trở thành mục tiêu trung tâm bất di bất dịch và bất khả xâm phạm đối với toàn bộ hệ thống chính trị. Và chính điều này làm cho nó chưa thu hút được toàn bộ tâm trí và nghị lực của đất nước, lấy đi của nó bao nhiêu ý nghĩa thiêng liêng, gây ra tâm lý hoài nghi trầm trọng trong nhân dân.
Có lẽ vì thế, nên đã phải sáng tạo ra cái định hướng xã hội chủ nghĩa rất co giãn để thích nghi với những hiện tượng khó mà “khớp” với chủ nghĩa xã hội? - một bước lùi hay là một sự khôn ngoan tương tự như các nhà lý luận Trung quốc từng làm:Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đôi ba lần tôi đã có dịp thử phân tích thực chất cái chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc này là gì[3]. Trong thực tế, cái quốc gia theo chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ấy đang gây ra cho nước ta không ít mối uy hiếp rất đặc sắc Trung Quốc...
Thế nhưng trong nhiều bài giảng và giáo trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong không ít phát biểu của những lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước… có sự khẳng định dứt khoát như dao chém cột: Việt Nam kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội… Xã hội loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cái đích xây dựng một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh dù bây giờ chỉ còn tồn tại gần như là một khẩu hiệu như thế, song vẫn chưa được yên thân. Khẩu hiệu này đang bị những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày trên đất nước tiếp tục tước bỏ dần sự thiêng liêng còn lại của nó. Tìm được những quyết sách, những chủ trương lớn bám sát được cái đích Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết nên như thế quả là hiếm. Những sai trái lớn, nghiêm trọng trong kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đi ngược lại cái đích như thế không hiếm! Trong tình trạng xã hội đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc các giá trị như hiện nay (đã trình bầy trong Bài 1) – kịch bản duy tân đất nước phải làm sao xác lập nên được một cái đích tiêu biểu cho khát vọng đích thực và thiết thực của dân tộc thật không dễ.
Tôi không có đủ tư cách, trí tuệ cần thiết cũng không có nốt, để lúc này phác thảo ra một cái đích như thế. Vậy xin khuyến nghị mọi trí tuệ và tâm huyết cùng nhau động não suy nghĩ việc hệ trọng này. Hơn bao giờ hết, cả dân tộc lúc này cần hội tụ lại triệu người như một, tạo ra ý chí, ra sức mạnh thực hiện cái đích mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết nên trong Di chúc của Người. Viết cái gì cụ thể ra bây giờ để thôi thúc, để tạo ra ý chí và sức mạnh hành động thực hiện cái đích như thế,cần lắm. Hay là có thể còn một cách gì khác nữa làm sống động cái đích này?..
Không có cái đích làm động lực như thế, không trải qua con đường duy tân đất nước, mà cố ý hay sơ xuất để xảy ra bất khả kháng đất nước rơi vào đổ vỡ, kể cả kịch bản xóa đi làm lại từ đầu, chắc chắn sẽ đẩy đất nước rơi sâu vào thảm họa, sẽ tụt hậu nữa. Mà như thế, thật chưa biết đất nước lại phải tìm đường ngoi ra như thế nào. Đất nước trong hoàn cảnh như thế, chắc gì thoát khỏi số phận con kiến mà leo cành đa..? Trong khi đó thế giới thì chỉ tiến về phía trước, không biết chờ.
Không có một nỗ lực duy tân sâu rộng và triệt để, chắc chắn cái tha hóa sẽ lấn tới và càng trở nên ác tính hơn (acute), là sự chuẩn bị vô ý thức cho cái đổ vỡ. Xin nhấn mạnh, vào thời khắc nhạy cảm hiện nay của đất nước, theo tôi, càng phải chủ động dấy lên một phong trào duy tân như thế, chứ không phải bàn lùi.
Trải qua kịch bản duy tân của toàn dân tộc đáng mong muốn như trình bày trên, thành công thì thật là toại nguyện và phúc đức cho dân tộc. Nhưng cứ giả định là vì lý do nào đấy nó bị thất bại, thì chí ít kịch bản duy tân bị đè bẹp này cũng có thể là nền móng, là định hướng, là sự chuẩn bị nhất thiết phải có trước, trước khi tình huống bất khả kháng xảy ra cho đất nước một kịch bản tiếp theo nào khác.
Cứ giả thử là bị đè bẹp, một cuộc duy tân bị bóp chết như thế sẽ lại một lần nữa trong lịch sử thôi thúc đất nước bóc toạc mọi dối trá. Đất nước sẽ đứng dạy phân định dứt khoát ai là ai?, phân định trận tuyến đến lúc đòi hỏi phải phân định cho những quyết định mới của dân tộc. Một sự vạch trần và phân định dứt khoát như thế, đến lúc nào đó trong một hoàn cảnh nào đó sẽ là cần thiết, là không thể tránh được.
Cho nên, con đường duy tân như thế có thể tiết kiệm xương máu và thời gian cho đất nước, tránh được từ trước những quanh co, hẫng hụt không đáng có, trước khi kịch bản tiếp theo bất khả kháng phải nổ ra. Đơn giản là thế này: sự nổi dạy khi bất khả kháng phải xảy ra của một nhân dân được trang bị trí tuệ, sẽ khác rất nhiều sự nổi dạy của một nhân dân với động lực là sự bức xúc của tâm lý số đông (tôi tránh dùng cái tên gọi “tâm lý bày đàn”). Nói cách khác, kể cả với khả năng xảy ra kết cục xấu nhất, một phong trào duy tân như thế có thể được coi là một dạng học phí trả trước, trước khi đất nước bất khả kháng phải bước vào thử thách quyết liệt tiếp theo.
Không ai “bói” đúng được bước đi của cuộc sống. Ý kiến của tôi cũng chỉ là một ý kiến để tham khảo, lựa chọn. Không loại trừ cuộc sống có thể còn có các bản đồ và lộ trình khác.
Lại nữa, lịch sử đất nước có một giai đoạn chuyển thời rất đáng để chúng ta ngày nay ngẫm nghĩ, học hỏi. Đó là sự chuyển hóa hòa bình thành công từ triều Lý lúc suy tàn sang triều đại nhà Trần huy hoàng – một thiên sử sáng chói mãi mãi trong lịch sử dân tộc ta. Hòa bình ở đây được hiểu với nghĩa tiết kiệm xương máu nhất, nhà Trần không cần phải tiến hành chiến tranh giành quyền từ tay nhà Lý. Hòa bình ở đây được hiểu là kế thừa tốt nhất mọi thành quả của nhà Lý, phát huy tốt nhất những thành quả này trong thời Trần kế theo.
Đương nhiên ở đây phải đánh giá cao vai trò cá nhân mang tính khởi xướng, hoạch địch và hành động quyết định của Trần Thủ Độ. Xin phép tạm đặt tên là bài học Trần Thủ Độ cho dễ nhớ.
Có lẽ đây là cuộc chuyển hóa hòa bình duy nhất thành công rực rỡ trong lịch sử nước ta từ triều đại vua này sang triều đại vua khác, khẳng định rõ ràng đã từng có một con đường, một công cuộc chuyển hóa hòa bình như thế. Chẳng lẽ bài học thành công này không có ý nghĩa gì đối với đất nước ta hôm nay?- giữa lúc đất nước bất khả kháng đứng trước bước ngoặt phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới hoàn toàn khác trước! Rõ ràng kịch bản duy tân cần học hỏi bài học này, học hỏi trí tuệ của nhân loại hôm nay, để thành công như thời Trần đã từng thành công. Những người đang nắm giữ vận mệnh đất nước trong tay nghĩ gì về bài học Trần Thủ Độ?
Đầu óc tôi có lẽ đủ thực tế để hiểu rằng trong những điều kiện của hệ thống chính trị - xã hội nước ta như hiện nay, không thể chờ đợi xuất hiện một minh quân. Trong bài Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài trong giai đoạn hiện nay (Tạp chí Thời đại mới, số 22, xuất bản tháng 7-2011), tôi đã chứng minh: Tệ hại của tiêu cực, hệ quả của hiện tượng đảng hóa, cả hai thứ này luôn luôn có bản năng đố kị và thải loại hiền tài.
Tôi tự đặt cho mình câu hỏi: “Nếu không sao tìm được một minh quân lúc này, thì kịch bản duy tân có thể thúc đẩy mọi cố gắng của cả nước tạo ra một Trần Thủ Độ tập thể được không?” ngay từ những tâm huyết trong hàng ngũ cầm quyền, từ những tinh hoa trong dân tộc.
Hay là tạo ra trong toàn dân một chí hướng tìm tòi sự chuyển hóa hòa bình theo bài học Trần Thủ Độ, được vận dụng một cách sáng tạo? Được không?
Tôi tin rằng cái thiện và trí tuệ trong lòng đất nước hiện nay vẫn đủ sức làm nên một Trần Thủ Độ tập thể hay một chí hướng Trần Thủ Độ như thế. Rất cần đánh thức và hội tụ cái thiện và trí tuệ ấy, trước hết làm cho cái thiện và trí tuệ ấy vượt qua được nỗi sợ của chính nó, đứng lên thực hiện trách nhiệm của nó.
Cho nên nhìn về mọi phương diện, giả thử nếu không thành công mà lại bị giập tắt, ít nhất kịch bản duy tân đất nước cũng là một chặng đường nên trải qua, trước khi tình hình bất khả kháng xảy ra kịch bản nào khác tiếp theo. Nói một cách khái quát hơn nữa: Vận động là quy luật, là bản chất của cuộc sống; câu chuyện còn lại là kịch bản duy tân này phải dẫn dắt sự vận đông này đi qua chặng đường nào – chứ không phải kìm hãm sự vận động này – sao cho có lợi nhất, tối ưu nhất, với cái giá phải trả thấp nhất trong bối cảnh trong, ngoài hiện nay của đất nước cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Trong Bài 1 tôi đã lưu ý: Thực sự đang có cuộc chạy đua quyết liệt về thời gian giữa một bên là sự phát triển của đất nước và một bên là sự tích tụ trong lòng xã hội nước ta những mâu thuẫn đối kháng có thể dẫn đến “mùa hoa lan, hoa nhài”. 70 năm Liên Xô còn đổ… Cũng trong Bài 1, tôi thầm lo về cuộc chạy đua này, thâm tâm cầu mong phát triển sẽ thắng cuộc, mong muốn sẽ không xảy ra tình hình bất khả kháng dẫn tới các “mùa hoa” này nọ. Mà nếu phải xảy ra các “mùa hoa” này nọ , mong sao là với cái giá phải trả rẻ nhất (chứ không phải là rẻ - vì chuyện này không có được) cho đất nước, cho dân tộc. Cần phải có duy tân là vì vậy.
Nói đến đây, tôi phải thừa nhận cuộc sống đất nước đang tồn tại một sự thật, một tình thế tiến thoái lưỡng nan (một dilemma). Đó là tình trạng giữa một bên là quyền lực thường không biết lẽ phải, bên kia là những hệ quả không thể tránh được của “các mùa hoa lan hoa nhài”. Kịch bản duy tân đất nước không thể có chỗ đứng trong bất cứ bên nào ở đây cả. Làm sao bây giờ?
Giải quyết “dilemma” này như thế nào? – thiết nghĩ từng người con của đất nước đang nợ câu trả lời. Phần tôi cũng vậy.
Hướng của câu trả lời tôi đang theo đuổi trước sau vẫn là kịch bản phát triển đất nước của con đường tiếp theo (hàm nghĩa không xóa đi làm lại từ đầu), kinh qua duy tân thay đổi và chấn hưng đất nước theo tinh thần và hào khí như cụ Phan một thời đã dấy lên.
Sự thực đang tồn tại một tâm lý “sợ” trong cả hai phía: người dân và người cầm quyền. Dân thì sợ bị đàn áp, người cầm quyền thì sợ tuột tay để xảy ra tình hình bị lật đổ. Bài 1 tôi đã trình bày: Dân được giác ngộ, nhất định dân sẽ không sợ. Người cầm quyền lo cho dậu không đổ thì cũng không phải sợ bìm leo! Nhất thiết phải khắc phục bằng được cái tâm lý “sợ”, để cả hai phía không tự mình tước đi nhuệ khí của mình phấn đấu cho cái tốt, cho duy tân vì sự nghiệp quốc gia.
Người cầm quyền nếu vì dân vì nước mà không lo giữ cho dậu khỏi đổ thì làm gì? Nói mà không làm nổi là bất cập, nói mà không làm là nói dối, nói mà làm khác, là lừa đảo - mà như thế câu chuyện trở nên hoàn toàn khác mất rồi. Để cho tha hóa leo thang hoành hành nữa, nguy cơ đổ vỡ sao tránh được? Vậy sự lựa chọn của người cầm quyền nên là đừng để cho cái “sợ” này của mình biến tướng thành thụ động đối kháng, là kiên quyết vượt qua cái “sợ” của mình để cải cách sâu rộng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước, để chặn lại và đảo ngược xu thế tha hóa.
Nội dung đích thực của keo vật thời đoạn này của toàn dân tộc ta, theo tôi, không phải là đập phá, mà phải là dũng cảm vượt qua nỗi sợ của chính mình, dám đối mặt với quan liêu tham nhũng, quyết đẩy lùi tha hóa - kể cả tha hóa của chính mình, trau giồi cái tiên tiến, học hỏi cái mới và xả thân vì nó.
Khát vọng và sức mạnh của dân tộc, xu thế chủ đạo trên thế giới mong muốn có một Việt Nam giàu mạnh và phát triển cùng dấn thân với cả cộng đồng quốc tế tiến bộ, đấy chính là những yếu tố vô cùng quan trọng cho phép nhân dân ta thành công. Không làm được như vậy, nguy cơ nước ta phải chịu nô dịch một lần nữa là hiện hữu – nô dịch kiểu mới. Hiện nay đất nước đã lâm vào sự lệ thuộc ở mức nguy hiểm.
Ngay trong khi tôi đang viết những dòng này (tuần lễ thứ nhất và thứ 2 của tháng 10 – 2011), Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề phải xây dựng Luật biểu tình. Tôi muốn bình ngay rằng, nếu không có các cuộc biểu tình yêu nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong những tháng 7 và 8 vừa qua ở Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh, có lẽ vấn đề này chưa được đặt ra (còn Luật này sẽ là gì thì cần phấn đấu tiếp, chờ đợi và bàn luận sau). Cũng thời gian này, hiển nhiên các cuộc đi thăm nước ngoài của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rõ ràng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo thuận lợi cho chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những sự kiện cụ thể như thế là những ví dụ hé ra triển vọng và không gian hoạt động của kịch bản duy tân đất nước, nếu cả nước dấn thân thực hiện.
Vâng, cái khó nhất là làm thế nào? để nhân dân đứng lên tự giải phóng! Tôi mong được thảo luận rộng rãi để cùng nhau tìm câu trả lời.
Khoảng hai năm nay liên tục, trong điều kiện có thể của mình, qua các cuộc tiếp xúc và một số hội thảo, tôi đã làm một cuộc thăm dò ý kiến theo cách của mình và được kết quả: Lý tưởng nhất trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là ĐCSVN nhận thức được vấn đề và tự đứng lên trước, khởi xướng công cuộc duy tân này. Có thể nói đó là nguyện vọng của nhiều người dân ở mọi tầng lớp khác nhau. Ngay trong 3 kiến nghị gần đây nhất về những vấn đề trọng đại của đất nước, cộng đồng trí thức trong nước và đang sống ở nước ngoài gửi Quốc hội Việt Nam và Bộ Chính trị ĐCSVN, cũng toát lên ý ĐCSVN phải đứng lên trước, và còn nhấn mạnh đó là trách nhiệm phải làm của ĐCSVN. Đó là sự lựa chọn tối ưu cho đất nước và cho ĐCSVN. Lại câu chuyện: Phải quay mặt về phía mặt trời để vượt lên cái bóng của chính mình mà đi!
Như vậy, hy vọng tôi đã trình bày có đầu đuôi cách nhìn và sự lựa chọn của tôi về một cao trào duy tân đất nước.
II. Lịch sử nói gì? Việt Nam dưới triều đại Gia Long và Nhật dưới thời Minh Trị
Từ lâu, mỗi khi nghĩ về thân phận hèn kém ngày nay của quốc gia và dân tộc mình, tôi băn khoăn với không biết bao nhiêu câu hỏi “vì sao?”. Trong những vì sao? không đếm xuể như sao trên trời ấy, cộm lên trên tất cả vẫn là những câu hỏi về vận mệnh đất nước ta trong thế giới ngày nay.
Đất nước ta không nhỏ, dân tộc ta có cả một bề dày lịch sử và văn hóa dù chẳng phải là tuyệt đỉnh nhân loại, nhưng hậu duệ như chúng ta ngày nay chẳng đến nỗi phải hổ thẹn về tổ tiên và nguồn gốc của mình, kể cả đối với những ai đó quá nguội lạnh và để quên đâu đó niềm tự hào về cội nguồn. Đấy là chưa nói hậu duệ chúng ta ngày nay có không ít thua kém tổ tiên mình trong những giai đoạn tổ quốc đứng trước những thách thức quyết liệt nhất, nợ các bậc tiền bối của mình về không biết bao điều!
Một đất nước như thế, một dân tộc như thế, vì sao đến hôm nay vẫn đứng trong hàng ngũ các nước nghèo và lạc hậu trên thế giới?[4] Bài 1 và trong một số bài viết khác tôi đã đưa ra những số liệu so sánh nước ta đi như vừa qua là quá chậm so với thiên hạ.
…Nhất là trong thế giới đương đại ngày nay, chỉ tính từ sau chiến tranh thế giới II, ở cả 5 châu lục cộng lại, đã có tới hàng chục nước từ hoàn cảnh tương tự như nước ta, nay đã vượt lên bỏ xa nước ta về trình độ phát triển. Trong những nước này, một số đã đứng vào nhóm các nước phát triển, một số đã tham gia tổ chức OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), một số nước là thành viên của “G” nọ “G” kia có vai trò nổi bật đối với sự phát triển của cả thế giới. … Vì sao?
Điểm lại, Việt Nam thời Gia Long là một quốc gia phát triển hoàn chỉnh nhất trong lịch sử của mình, và đấy cũng là diện mạo của nước ta ngày nay. Việt Nam thời triều đại Gia Long có thể được coi là một nước mạnh trong khu vực của lịch sử đương thời. Có lẽ ngoài Trung Quốc giữ vị thế lịch sử là “thiên quốc”, thời ấy nước ta nếu không phát triển hơn thì có lẽ cũng không thua kém các quốc gia còn lại khác trong khu vực châu Á bao nhiêu.
Thế nhưng, sau khi triều đại Gia Long củng cố vững chắc địa vị thống trị quốc gia của mình khoảng hơn 5 thập kỷ, ở châu Á vào những năm 1866-1869 xuất hiện cuộc cách mạng Thiên Hoàng Minh Trị[5], đưa nước Nhật đi hẳn về một ngả khác, bỏ lại bơ vơ “Thiên Quốc” mà Nhật đã từng chịu không ít ảnh hưởng, bỏ lại cả châu Á lạc lõng phía sau - trong đó có nước ta.
Không thể không hỏi: Điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa Nhật và Việt Nam như giữa trần gian và địa ngục thế này?
Không có nước nào giống nước nào trên thế giới. Nhưng so sánh tương đối mọi mặt, sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật đại thể không đến nỗi một trời một vực. Nói theo ngôn ngữ cổ, từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đến khoảng giữa đời vua Tự Đức (trị vì 1847- 1883) (nghĩa là khi xảy ra cách mạng Thiên Hoàng Minh Trị 1866-1869), nếu hai nước không được kẻ tám lạng kẻ nửa cân[6], chí ít ta cũng được năm, sáu lạng hoặc nhỉnh hơn chút chút, nghĩa là đều có sự phát triển kinh tế, chính trị và nội trị - bao gồm cả văn hóa – na ná ngang nhau, có những vấn đề về phát triển phải giải quyết trong đối nội và đối ngoại gần như giống nhau.
Sử liệu mách bảo, cái mà lúc ấy nước ta không có hoặc khác hẳn so với Nhật là ở những điểm:
Sức ép mở mang thương mại của các nước “Tây dương” từ đầu thế kỷ XIX (đặc biệt là cuộc tiến công của tầu chiến Mỹ do đô đốc Perry chỉ huy bắn phá Yokohama 1853), có thể được coi như làn sóng cuối cùng dẫn tới sụp đổ triều đại Mạc Phủ, mở đường cho thời đại Thiên Hoàng Minh trị. Từ đây nước Nhật được thúc đảy cải cách, nhằm phát triển mở mang kinh tế theo con đường công nghiệp hóa. Trước đó, tại Nhật đã có những làn sóng, lúc âm thầm, lúc dữ dội, thường xuyên xói mòn mãi đến tận gốc rễ chế độ chính trị phong kiến Tống Nho của Nhật. Đó là quá trình hình thành từng bước và liên tục qua nhiều thế kỷ kinh tế đô thị của các tầng lớp trên, thường trực tạo ra sức ép về văn hóa và tư tưởng. Sức ép này chỉ rình chờ bắt lấy cơ hội thay đổi. Và khi cơ hội đến, chính nó đã trở thành động lực của sự thay đổi nước Nhật[7]. (Sức ép văn hóa tư tưởng này chính là điều đã bị triệt tận gốc ở nước ta suốt triều đại các vua Nguyễn).
Nhật tranh thủ điều kiện này mở rộng tầm nhìn ra toàn thế giới.
Từ đây Nhật đặc biệt chú trọng cải cách giáo dục; đề cao học tập nhiều cái mới, ứng dụng khoa học và công nghệ phương Tây, xây dựng được một chính thể với mục tiêu duy nhất là tạo mọi điều kiện cần thiết để phát triển nước Nhật.
Song cách phản ứng của nước ta thời ấy là:
Bế quan tỏa cảng, coi mở rộng thương mại với bên ngoài chỉ làm hỏng đất nước. Các sứ thần của ta như Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Phan Lương…đi các nơi về báo cáo nhà vua là các nước đều làm khác, khuyên phải thay đổi, nhưng nhà vua đều cho là không hợp, mặc dù suốt toàn bộ sự nghiệp thành vương của mình Gia Long tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, không chi riêng với nước Pháp; khoảng năm 1839 vua Minh Mạng đã cho sứ bộ của mình đi một số nước châu Âu để nắm tình hình... Đã thế, sử liệu còn cho thấy nhìn chung triều đình chủ trương phó thác việc buôn bán cho Hoa kiều, Hoa kiều hầu như đứng ngoài luật pháp...[8] Không ít các trí giả như Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điểu… đã từng đi du học phương Tây, đưa ra nhiều kiến nghị cải cách, song tất thảy đều bị bỏ xó. Mọi điều mới mẻ được tâu lên, các cận thần thường bác bỏ trước – vì cho đấy là những gì “khác đời” và trái với đạo lý và triết lý của triều đình, sau đó đến lượt nhà vua tán thành các cận thần của mình. Không ít trường hợp nhà vua trực tiếp bác bỏ cái mới. Thực tế này đã triệt bỏ mọi khả năng canh tân của Việt Nam khi thách thức và thời cơ đến (Georges Condominas)[9]
Thế giới và thế giới quan của triều đình nước ta ở giai đoạn này chỉ có Trung Quốc và là Trung Quốc, mặc dù triều đại Gia Long ý thức rất rõ Trung Quốc như một mối nguy xâm lược thường trực. Nho giáo và Khổng giáo không những được tiếp thu nguyên vẹn mà còn được nâng lên thành nền tảng trí tuệ, đạo lý và kỷ cương cho đất nước mình, thậm chí còn được vận dụng là chất liệu cho tầm cao văn hóa nước nhà… Tất cả chỉ để nuôi dưỡng lề thói cũ như một giường cột tinh thần gìn giữ sơn hà xã tắc, thực chất chỉ là để gìn giữ triều chính tồn tại. Có thể xem đấy là một dạng ý thức hệ nguy hiểm, được nâng lên tới mức như lẽ sống, một quốc đạo của triều đại này.
Giáo dục chẳng những hầu như không đếm xỉa gì đến khoa học - công nghệ, càng không quan tâm mở mang dân trí, tri thức, mà chỉ tập trung vào dùi mài kinh sử làu làu theo kiểu trích cú tầm chương (chủ yếu là Tứ thư Ngũ kinh, Sử Tàu…), với mục tiêu duy nhất là đào tạo ra các tầng lớp quan lại giúp vua cai trị đất nước. Nguồn lực quốc gia thực hiện mục tiêu này chủ yếu lấy từ thuế đánh vào đất đai rất hạn chế, đương nhiên với mọi hệ quả hủ bại của tình trạng một đất nước kém phát triển; quan liêu tham nhũng tệ hại trở thành tất yếu[10].
Kết quả hai nước gặt hái được cũng hoàn toàn trái ngược nhau:
Nhật trở thành nước đế quốc trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vài thập kỷ sau đã cùng nhiều đế quốc khác tham gia cuộc chiến tranh nha phiến… Sau hơn 3 thập kỷ, năm 1895, Nhật đã có chiến thắng đầu tiên chống Trung Quốc và chiếm được Đài Loan, thập kỷ tiếp sau đó lại chiến thắng đế quốc Nga Hoàng trong thủy chiến ở Hoàng Hải năm 1905 giành được Mãn Châu; tháng 12-1941 – nghĩa là chỉ sau 7 thập kỷ kể từ cách mạng Thiên Hoàng - Minh Trị, Nhật đánh trận Chân Châu Cảng làm nước Mỹ bàng hoàng và trở thành một đế quốc gây chiến tranh thế giới II…
Khi quân Pháp nổ súng chiếm Đà Nẵng 1858, Việt Nam từ đỉnh cao của triều đại Gia Long phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhượng địa Nam Kỳ, rồi lần lần sau nhiều diễn biến khác, phải gông trên người mình ách thuộc địa Pháp cho đến tận 1945, với không biết bao nhiêu hệ lụy.
Những điều kiện địa lý tự nhiên và tình hình thời sự mọi mặt thời đó trong khu vực châu Á cho phép giả định là sức ép mở mang thương mại từ các nước Tây Dương dội vào Nhật lúc bấy giờ đại thể cũng tương đương như tác động vào nước ta. Chỉ có cách tiếp cận và sự lựa chọn giải pháp cho thách thức của hai nước lúc đó khác nhau.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hai kết quả trái ngược nhau của hai nước có lẽ bắt đầu từ tầm nhìn.
Nhận thức thế giới một cách khác, Nhật đã mau chóng học hỏi và tự tạo ra cho mình động lực mạnh mẽ đi vào con đường công nghiệp hóa, bắt kịp sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và vươn lên rất nhanh. Trong khi đó các triều đại vua Việt Nam thay nhau tự trói mình vào tầm nhìn thủ cựu của chính mình để tự vệ, và qua đó tự biến mình trở thành kẻ nô lệ của quá khứ, trước khi bị ngoại bang áp đặt ách thuộc địa.
Rất nên có những công trình nghiên cứu tìm hiểu kỹ thêm khía cạnh Việt Nam thời ấy đã tự trói mình vào triết lý hủ bại để tự làm suy yếu mình, trước khi Pháp có thể dốc ra lực lượng chưa hẳn là mạnh áp đảo về mặt quân sự để khuất phục được Việt Nam thành thuộc địa. Từ điểm này của lịch sử, nên chăng tự hỏi: Ngày nay ta đang tự trói mình như thế nào?
Trước hết phải nói tới bộ máy quan liêu cai quản đất nước ta quá bất cập của thời ấy, được đào tạo ra trên cơ sở một thế giới quan lỗi thời và từ một nền giáo dục lạc hậu như đã nói trên. (So với ngày nay thế nào?) Ngoài việc xây dựng lăng tẩm, khó mà nói rằng các vương triều thời đại Gia Long đã để lại tiến bộ mới nào đáng kể về kinh tế, khoa học công nghệ, hay kết cấu hạ tầng của đất nước… – giữa lúc thế giới phương Tây đã chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, và chủ nghĩa tư bản đang trên đường trở thành chủ nghĩa đế quốc.
Trên cơ sở một nền kinh tế ngày càng sa sút nhanh chóng do sự kìm hãm của bộ máy cai trị quan liêu, và với triết lý quốc gia lấy Nho giáo - Khổng giáo làm gốc như thế, đã hình thành một thượng tầng kiến trúc “gia cố” không ngừng sự lạc hậu của đất nước, làm cho đất nước ngày một nghèo đi và tích tụ những mâu thuẫn xã hội mới. Sức ép thương mại từ bên ngoài và sự thâm nhập của công giáo (được vận dụng là những hình thức mở đường cho chủ nghĩa thực dân) làm cho nội trị đất nước phức tạp thêm, đồng thời làm cho triều đình càng tự trói mình chặt hơn nữa, càng bảo thủ lạc hậu để cố thủ; từ đó quan liêu gia tăng, mâu thuẫn xã hội và loạn lạc ở các địa phương cũng gia tăng. Cuối trào – kể từ Tự Đức, đất nước còn phải chịu thêm gánh nặng loạn các “giặc cờ” (các nhóm giặc cờ đen, cờ vàng khác nhau là tàn dư tan vỡ của cuộc cách mạng Thái bình thiên quốc ở Trung Quốc).
Có thể nói, đến triều Tự Đức đất nước thật sự kiệt quệ, mục nát, triển vọng để phát triển không có, sức đề kháng không còn lại bao nhiêu. Chúng ta trân trọng và tôn vinh ý chí hy sinh chiến đấu của Nguyễn Tri Phương trong bảo vệ thành Hà Nội. Song cũng cần chú ý một chi tiết của lịch sử thành Hà Nội bị hạ năm 1882 (thất thủ lần thứ nhất), được viên lãnh sự Pháp tại Hà Nội thời đó là Kergaradec báo cáo về nước, Tsuboi đã sưu tầm được và đưa vào luận văn tiến sỹ của mình: “…188 thủy thủ hay binh sĩ Pháp và 24 người châu Á, với chỉ 8 họng súng (đại bác hay súng trường?- NT) đủ đánh chiếm một tỉnh thành được bảo vệ bởi những lực lượng thiện chiến nhất của Việt Nam, từ Huế ra, gồm 7000 người, dưới quyền lãnh đạo của viên tướng tài nhất của họ..”[11]. Một số sử liệu chi tiết khác còn ghi, khi tướng Nguyễn Tri Phương từ Huế ra đến nơi để giữ thành, nhiều súng thần công đã hoen gỉ không dùng được, kỷ cương trong thành mục nát… Có lẽ một chi tiết này cũng đủ cho chúng ta thấy tận bên trong mọi hệ quả mọt luỗng sâu xa của một triều chính quốc gia tự trói mình làm nô lệ quá khứ.
Trong phần nói về đình thần – nghĩa là về các tầng lớp quan lại kế cận triều đình của các vương triều thời Nguyễn, sử gia Trần Trọng Kim nhận xét: Nhà vua cai trị đất nước qua đình thần nên hầu như xa rời và không nắm được thực trạng đất nước; đình thần vừa bảo thủ, tranh giành lẫn nhau về ảnh hưởng và quyền lợi, vừa rất sợ những ai hơn mình, coi bất kể cái gì mới đều là không hợp và có nguy cơ làm bộc lộ yếu kém của mình… Sử gia kết luận đau sót: “Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam Kỳ, đã ra đánh Bắc, tình thế nguy cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí, thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được.”[12] Còn sứ Pháp tại Huế P. Rheinart báo cáo về thống đốc Pháp ở Nam Kỳ năm 1875 “…Con số những người muốn chống đối vì mất độc lập công nhiên của đất nước Việt Nam sẽ rất nhỏ không thể lôi cuốn nhân dân. Dân chúng biết là chẳng còn có thể mất gì thêm nữa, sẽ chỉ có thể được lợi trong sự đổi thay, bất kể đổi thay thế nào khỏi tình trạng hiện tại…”[13] Tâm thế dân tình như vậy, làm sao nước không mất?!
Sự tranh giành diệt lẫn nhau trong nội bộ đình thần rất quyết liệt, như xưa và nay thường thấy ở bất kỳ một triều chính chuyên chế nào trên thế giới – nghĩa là không có ngoại lệ. Càng mục nát càng tranh giành nhau. Đỉnh cao của sự vận động này trong lịch sử các triều vua Nguyễn theo các sử liệu Tsuboi sưu tầm được có lẽ là sự việc nhân vật quan đại thần Trương Đăng Quế loại bỏ các kình địch của mình, tự tay tiến hành âm mưu phế con cả của vua Thiệu Trị là Hồng Bảo (An Phong), để đưa con thứ của vua là Hồng Nhậm lên ngôi – vua Tự Đức. Hậu họa là đất nước đã kém, nát, lại không bao giờ được yên do những chống đối phát sinh sau đó.
Cuối đời, vua Tự Đức cũng tiến hành một số thay đổi: cải cách thuế ruộng đất 1875, cải cách quân đội 1876, cải cách thi cử 1879… Tsuboi nhận xét: “…Tuy nhiên mọi cải cách đều hỏng chỉ vì bản thân chế độ không đặt ra một vấn đề nào cho cả Tự Đức lẫn các quan; họ thấy chính quyền của họ điều hành tồi tệ, nhưng họ không ngờ vực gì hết đối với những khuôn phép Nho giáo đang là nền móng của triều đại. Sự tin tưởng mù quáng của họ vào hệ thống đó đã ngăn cản họ…”[14](người trích dẫn tô đậm). Một nhận xét nhức buốt còn nguyên tính thời sự cho hôm nay.
Chỉ có thể kết luận: Chính vì sự mù quáng này, chung cuộc Việt Nam mất nước vào tay thực dân Pháp ở thời điểm Việt Nam phát triển hoàn chỉnh nhất trong lịch sử của mình và là một nước mạnh trong khu vực. Đấy cũng là cảm nghĩ chua xót của tôi khi ngồi vào bàn phím viết “Thời cơ vàng – Hiểm họa đen” năm 2006.
Vì vậy vẫn chưa hết, vẫn nhoi nhói các câu hỏi:
- Vì sao Nhật thời Minh Trị có được cách nhìn khác, dẫn tới tầm nhìn khác và sự lựa chọn khác, trong khi đó Việt Nam dưới triều đại các vua thời Gia Long không có được?
- Vì sao Nhật thời Minh Trị thực hiện được cái mà tầm nhìn mới mở ra cho họ, còn Việt Nam các triều đại Gia Long cuối cùng cũng nhận ra phải cải cách nhưng hoàn toàn bất lực?[15]
- Vân vân…
Sử gia Trần Trọng Kim còn ghi chuyện này nữa: Nước sắp mất, triều đình ta còn cử sứ Phạm Thận Duật sang cầu cứu nước Tàu, mà không biết là chính Tàu lúc này ốc không mang nổi mình ốc, cho nên chỉ rước thêm hậu họa. Tổng đốc Lưỡng Quảng lúc ấy là Trương Thụ Thanh báo cáo về Bắc Kinh: “Nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh phía Bắc sông Hồng Hà…”[16]
Chuyện ngày xưa là như vậy.
Tôi tin rằng kìm hãm kinh tế phát triển qua việc bế quan tỏa cảng đã trực tiếp giữ Việt Nam đứng lại trong chế độ phong kiến nông nghiệp lạc hậu. Song có lẽ chưa đủ. Đến nay tôi thực sự chưa có câu trả lời nào thuyết phục được chính mình về khúc quanh lịch sử này. Chắc chắn còn phải có các yếu tố gì khác nữa sâu xa hơn thuộc phạm trù văn hóa. Xin thỉnh cầu mọi người lý giải.
Trong hầu hết những bài tôi viết gần đây có liên quan, tôi vẫn chưa giải thoát được mình khỏi câu hỏi: Chẳng lẽ dân tộc ta chỉ thông minh dũng cảm, chỉ cố kết được với nhau khi bị ngoại xâm, còn trong thời bình thì…? Xin nói ngay, sự cố kết để tự vệ, để tồn tại như thế, cho dù anh dũng đến thế nào đi nữa, vẫn là dạng thấp hơn so với cố kết để phát triển và để từ đó tạo ra văn hóa của phát triển của dân tộc, của quốc gia. Có phải như vậy không? Tự nhận diện lại dân tộc mình và vai trò của thể chế chính trị – rõ ràng là một vấn đề rất trọng đại của kịch bản duy tân.
Ngoài đời phong phú những đàm tiếu: Một người Việt Nam nếu không hơn, không bằng, không hẳn thua một người Nhật; ba người Việt Nam thường thua một người Nhật; ba người Việt Nam chắc chắn thua ba người Nhật!..
Rồi đây, đàm tiếu hay không đàm tiếu, duy tân hay không duy tân… sẽ có thể tranh luận nổ trời với nhau. Song trước hết xin hãy để lịch sử là tấm gương soi lại mình khởi đầu cho cuộc tranh luận này.
Cuối cùng, dựa vào sử, tôi muốn đặt ra ở đây câu hỏi cũ kỹ đã bao nhiêu người đặt ra và vẫn đang tìm câu trả lời: Có hay không nguy cơ đất nước ta ngày nay lại lỡ hẹn với con tầu thời đại, như triều đại Gia Long đã từng lỡ hẹn? Lịch sự gợi ý cho ta những gì?
III. Những hòn đá tảng và hố đen trên con đường
Có nhiều lắm. Từ lịch sử để lại, và từ những hậu quả do thể chế chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước hôm nay gây ra. Chẳng có cách nào khác, ngoài ý chí nhìn thẳng vào sự thật và chân cứng đá mềm.
Không thể đề cập hết được mọi chuyện trong bài viết này, dù là chỉ lựa chọn những vấn đề lớn. Trong phần III này tôi chỉ xin lẩy ra 2 vấn đề mà tôi cho là nóng bỏng nhất:
1. Quán tính lịch sử,
2. Tình trạng đoàn kết dân tộc hôm nay.
III.1. Quán tính lịch sử
Đây là một trong những chủ đề lớn, tôi đã đề cập đến trong tiểu thuyết “Dòng đời” - xuất bản năm 2006[17]
Gọi là quán tính lịch sử, tôi hiểu đơn giản đấy là những gì lạc hậu vốn có trong quá khứ của đất nước, cách mạng đã tìm cách xóa bỏ hay thay đổi rất triệt để. Nhưng vì nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau, hôm nay những cái cần và phải xếp vào kho lưu trữ của lịch sử như thế cứ tự nó sống lại, hoành hành dữ dội, như thể theo một chu kỳ nào đó của quán tính.
Cái quán tính lịch sử này rất oái oăm và gây ra không ít đau khổ cho đất nước, đã được dân ta bao đời dưới chế độ phong kiến khái quát trong một câu ca dao cửa miệng:
Con vua thì lại làm vua
Con lão sãi chùa lại quét lá đa
Đơn giản là vì cái quán tính lịch sử này thường đảo lộn hay băng hoại hầu hết mọi giá trị hay những nỗ lực tốt đẹp của xã hội, mà trước đó nhân dân và những lực lượng tinh túy của mình phải đổ xương máu mới giành lại hay mới xây dựng nên được, ví dụ chiến đấu dẹp bỏ một triều đại thối nát để dựng lên một triều đại lành mạnh mới. Một khi cái quán tính lịch sử này trỗi dậy, có nghĩa là một chu kỳ mới của cái vòng đời oái oăm đầy đau khổ của đất nước lại bắt đầu…
Tôi vấp phải cái quán tính lịch sử này, đơn giản vì ngày càng cảm thấy, đất nước độc lập thống nhất vừa mới đây thôi, nghĩa là cả một quá khứ hào hùng đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm còn nóng hổi, biết bao nhiêu giá trị cao quý rèn luyện được trong quá trình này còn đang nóng bỏng con tim, thế nhưng sao những tiêu cực trong cuộc sống mọi mặt của đất nước hôm nay cứ như cỏ dại khắp nơi không sao diệt được, càng ngày càng khó diệt. Tất cả chẳng dính dáng gì đến chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa được chọn lựa là mục tiêu phấn đấu.
Tôi nhờ các nhân vật trong truyện làm người phát ngôn cho nỗi lo của mình:
…“...bi kịch lớn nhất của cuộc đời ở mọi quốc gia thường là thắng lợi của một cuộc cách mạng trở thành một thứ chiến lợi phẩm! Kẻ thắng xô sát nhau chia quả thực! Ai nhặt được cái gì thì nhặt! Ai giành được cái gì thì giành!..” (tập II).
“…tệ nạn tham nhũng... Sự bóc lột này lớn hơn hàng trăm lần, hàng nghìn lần, hàng nhiều nghìn lần so với sự bóc lột thặng dư giá trị còn đang tồn tại trong xã hội nước ta...” (tập III). Tất yếu dẫn đến câu hỏi “Đất nước này bây giờ là của ai?”
Hệ quả của những tiêu cực này lớn lắm. “...30 năm xây dựng rồi mà vẫn chưa bước ra khỏi nhóm quốc gia nghèo nhất thế giới! Vẫn còn là một quốc gia lạc hậu!..” “...Chẳng lẽ đã giành lại đất nước rồi, bây giờ lại chịu để mất nước vào cái kiếp nô lệ của nghèo hèn và lệ thuộc?..” (tập IV) Làm gì? Làm như thế nào chặt đứt vĩnh viễn các vòng xoáy của quán tính lịch sử hành hạ đất nước?..
Truyện kết thúc, vợ của nhân vật chính nhắc nhủ chồng – thương binh đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, Phạm Trung Nghĩa,: “Anh chưa hiểu hết bao nỗi lo này đâu… Anh và các đồng chí của anh đang phải bắt tay vào nhiệm vụ khó nhất trong đời mình!..”[18]
Sao? Suốt một đời người trực tiếp trải qua 4 cuộc chiến tranh rồi, bỏ lại một chân trên chiến trường, tóc bạc răng long hết cả với nhau rồi, thế mà bây giờ lại phải cùng với những chiến hữu của mình bắt tay vào nhiệm vụ khó nhất của đời mình?.. Thế là thế nào?!..
Thăm thẳm nỗi lo khủng khiếp về cái quán tính lịch sử, nỗi lo lại phải làm lại từ đầu!…
Từ cái chân giả làm bằng gỗ của đại tá thương binh Nghĩa, trăm ngàn tiếng thét của những người đã ngã xuống vang lên như búa bổ liên hồi trong đầu đại tá:
- “Không được phản bội một hy sinh nào!”
- “Không một mất mát nào được bỏ qua!..” [19]
- …
Trên đây là những thứ từ ngoài đời, được chắt lọc gửi gắm vào truyện.
Truyện mới ra mắt bạn đọc được dăm sáu năm nay, nhưng cái quán tính lịch sử hiện hữu trong đời sống hôm nay yêu quái hơn, hiện đại hơn nhiều lần trong truyện; tinh vi, đau buốt, đồi bại, tàn phá hơn nhiều lần trong truyện… Đất nước cũng đang oằn lên hơn nhiều lần – chỉ cần xem tầm vóc các vụ tham nhũng đổ bể ngày càng lớn hơn, xem các chỉ số lạm phát dăm năm trở lại đây, xem báo chí bị bưng bít gắt gao hơn, quyền của người dân bị xâm phạm, bị tước bỏ nhiều hơn, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng… Chưa nói đến tình trạng tội phạm hình sự quá trầm trọng và số tuổi trẻ phạm trọng tội ngày càng nhiều. Lại còn thêm nỗi lo thâm nhập của quyền lực mềm!..
Câu chuyện trong Bài 2 này không còn bàn về sự hiện hữu của cái quán tính lịch sử nữa, mà chuyển sang xoay quanh cái đang lên ngôi của nó, với tất cả những mầm mống sẵn có của nó từ cái xã hội phong kiến trước kia, ủ kỹ trong môi trường sống của đất nước, đang được thời thi nhau trỗi dậy, nảy nở, bây giờ lại được cộng nhập vào cái mới có hôm nay, với tất cả dây mơ rễ má chằng chịt trên dưới ngang dọc chéo, mang đủ mọi màu sắc xanh đỏ tím vàng, được sản sinh ra từ cái thượng tầng kiến trúc mới tạp-pí-lù đang được hiện đại hóa một cách tạp-pí-lù trong quá trình hội nhập hôm nay…
Một quốc gia vốn mang sâu trong mình tàn dư phong kiến lạc hậu như thế, nhưng lại không có đủ bản lĩnh chăm lo được cho mình có một cơ thể lành mạnh với sức đề kháng tốt để hội nhập, làm sao có khả năng hấp thụ có chọn lọc và sáng tạo? Cho nên cái du nhập và thâm nhậm tạp-pí-lù vào phần xác và phần hồn cơ thể quốc gia mình hôm nay như đang diễn ra là hệ quả tất yếu.
(Cái “chết” của nước ta bây giờ có lẽ là ở chỗ trong thời hội nhập ngày nay nước ta cái gì cũng có, cũng giành được chút xíu, song trong mỗi cái chút xíu ấy cái của chính ta, cái trở thành là ta, không bao nhiêu; mà trong khi đó cái lai căng, cái rởm thường là quá nhiều, lấy đi của ta quá nhiều, lấn át đi quá nhiều cái là chính ta và cái thành là ta. Không kể đến những cái không mời,những cái không muốn mà tự nó cứ ùn ùn đổ vào nước ta… Trạng thái này đều có trong kinh tế, trong nghiên cứu khoa học công nghệ, trong đời sống văn hóa, trong giáo dục, trong tư duy, trong lựa chỗ đứng cho đất nước trên thế giới, trong tầm nhìn xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đối ngoại… Kết cục hiện nay cái ta là ta và thành là của ta còn quá khiêm tốn, chưa tạo ra được bao nhiêu sự phụ thuộc lẫn nhau cần phải có, mà chủ yếu hiện nay cái ta lệ thuộc vẫn nặng hơn.
Không thể đổ lỗi cho yếu kém, mà phải nhìn nhận ta chưa có bao nhiêu cái ý chí giác ngộ sự yếu kém của mình. Trên đời này không gì buồn hơn khi ta tồn tại mà lại không hẳn chính ta là ta! Trong thâm tâm tôi cứ vấn vương câu hỏi: Kể từ khi nước ta tiếp xúc với thực dân Pháp giữa thế kỷ thứ 19 cho đến nay, khoảng một thế kỷ rưỡi trôi qua, nhưng vì sao nước ta vẫn cứ ở trạng thái chung chiêng, lơ mơ, không biết người biết ta cho đến nơi đến chốn trong cái thế giới chẳng dung tha chút nào cái lơ mơ thế này? Hình như ta vẫn cứ phải mượn kính của người mà đọc cái thế giới này, mượn được cái kính nào thì đọc như thế. Ta đọc được cái xu thế tất yếu của thời đại, nhưng lại chưa sao thấy rõ được cái xu thế phát triển của cái thế giới đương đại, cách ta nhìn cái thế giới hiện hữu quanh ta càng lôi thôi…Và cho đến hôm nay, hình như ta vẫn chưa sao đọc chính xác được mình! Trong khi đó hòa nhập, hội nhập vào thế giới đòi hỏi phải thực sự biết người biết ta... Nghĩa là ta đến hôm nay – hết thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này rồi, thế mà vẫn còn lúng ta lúng túng chưa sao tạo ra được vị thế cần phải có cho đất nước. Đổ bao xương máu từ thế hệ này sang thế hệ khác mà đất nước hôm nay sao vẫn còn bị uy hiếp nhiều bề: Sư uy hiếp của lệ thuộc, của vị trí quốc gia nghèo và thua kém, của tình trạng rất dễ bị chấn thương từ bên ngoài bằng đủ mọi thứ quyền lực!.. Cứ nhìn các bước đi của thiên hạ như thế nào, để không thể nào dửng dưng, lại càng không thể cứ dương dương tự đắc mãi không chán là đã từng đánh thắng mấy đế quốc to!.. Đất nước phải thay đổi quyết liệt để sang một trang khác…)
Từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay, đất nước chưa bao giờ có nhiều như bây giờ những thứ có tên gọi như chức tước, danh tước, chức sắc, quân hàm, huân chương, bằng cấp, cấp bậc, cấp ủy, trật tự dọc trên dưới… Chưa bao giờ có nhiều như bây giờ sự phân chia lợi - quyền ngang dọc chéo, hoạt động lễ nghi, lễ lạp, hội hè, cúng bái, mê tín dị đoan, có quá nhiều ma chay, cưới xin, bói toán… Chất lượng của những thứ bên trong mỗi cái tên gọi này nhìn chung thấp, lẫn không ít của giả, có những thứ có thể mua được. Danh sách những tên gọi này khá dài, trong khi đó văn hóa lai căng tràn lan.
Chỉ cần hình dung mỗi một cái tên gọi như thế chứa đựng bên trong những gì, rồi tập hợp những cái tên gọi ấy lại trong một hệ thống ma trận (matrix) cấu trúc hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước, cũng có thể hình dung ra toàn bộ cái linh hồn, cái thượng tầng kiến trúc, các hệ thống, bộ máy, cỗ máy, đơn vị vận hành hay là phục vụ cho sự vận hành của sơn hà xã tắc nước ta hôm nay. Sẽ thấy được tất cả những thứ này cồng kềnh, nhiễu nhương, phức tạp, riêm rúa, ít chất lượng và kém hiệu quả như thế nào. Cũng không biết bao nhiêu hủ tục rơi rớt lại từ ngàn xưa khắp chốn trong nước, nay bỗng dưng được phục hồi, được nâng cao đến tầm nhìn nhận nó là văn hóa, hay là cố ý nhầm lẫn nó là văn hóa… – và xa hơn nữa là làm những việc này nhân danh gìn giữ truyền thống, gìn giữ văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc… Các bước đi của đất nước vì thế rất chậm chạp, hoặc có khi một bước tiến vài bước lùi, tiến chỗ này lùi chỗ khác…
Khái quát lại về thực trạng thượng tầng kiến trúc đất nước và ảnh hưởng của nó, tôi muốn ký hoạ một hình ảnh thế này:Từ khởi sự đổi mới đến năm 1995, nền kinh tế nước ta là một thanh niên tràn đầy sức sống, trên mình anh ta là bộ quần áo rách toác vì các cơ chế chính sách chạy theo không kịp sức lớn và hoạt động năng động của anh ta. Hình ảnh kinh tế nước ta hôm nay là một người có nhiều biểu hiện già trước tuổi, sử dụng quá nhiều thuốc “ICOR” tăng lực, trên mình anh ta có quá nhiều xiêm áo, khung, mũ mão hàng mã và các đồ trang sức hàng tạp hóa, anh ta bây giờ đi đứng chậm hẳn và khó có khả năng tung hoành dọc ngang!..
Ví von là như vậy.
Cái chất phong kiến còn sót lại khá đặm đặc như vậy trong phần xác phần và phần hồn cơ thể đất nước hôm nay sao có những nét hao hao đáng sợ so với những gì sử gia Trần Trọng Kim đã ghi lại về triều chính các vua nhà Nguyễn và những gì có thể đọc được trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Quả thực đã hai thế kỷ trôi qua, nhưng đất nước chưa tiến xa cái quá khứ đau buồn của mình được bao nhiêu.
Bác sỹ P. H…, Thành phố Hồ Chí Minh, mổ xẻ: “Cho dù là người lạc quan nhất bạn cũng cảm thấy bi quan và phẫn nộ khi nhìn chung quanh mình. Phải nhìn nhận rằng tình hình đất nước không khả quan. Biên giới bị kẻ thù xâm lấn. Ngư trường bị kẻ thù chiếm đoạt và kiểm soát. Kinh tế suy thoái. Lòng người ly tán. Cái ác lên ngôi. Đạo đức suy đồi. Hệ thống giáo dục và y tế rối beng. Nhìn chung, nền tảng xã hội bị lung lay đến tận gốc. Tất cả những nét vẽ đó làm cho bức tranh xã hội Việt Nam ảm đạm. Nghèo. Hèn. Câu hỏi là “tại sao”. Tại sao nên nông nỗi này?... Ai cũng có thể tìm cho mình câu trả lời. Có thể nhiều câu trả lời. Nhưng quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đến một câu trả lời đơn giản nhất. Lãnh đạo. Nói chính xác hơn là do lãnh đạo bất tài nên đất nước mới ở trong tình thế nghèo hèn như hôm nay…”[20]
Xin tất cả - người dân và người cầm quyền đất nước - cùng nhau ngẫm nghĩ cho kỹ, để nhìn thẳng được, nhìn thấu được thực trạng đất nước hôm nay, nhận diện chuẩn xác nó, cùng nhau hành động xoay chuyển nó. Đây chính là công việc của cải cách, của dấy lên trong đất nước một cao trào duy tân.
Người dân không đứng lên giành lấy cho mình sự giác ngộ như thế, sao tránh khỏi hoạt động thụ động theo kiểu bày đàn? Vâng, người dân phải vượt qua nỗi sợ của mình, đứng lên giành lấy. Vì không thể trông chờ vào bất kỳ sư ban cho hay lòng bác ái nào.
- A ha, thế là duy tân đang xúi giục dân đứng dậy?
- Đúng. Nhưng với sự giác ngộ tự giành lấy. Một khi sự giác ngộ như thế của dân được tạo mọi điều kiện để trở thành tiếng nói phải được lắng nghe, phải được chấp thuận, phải được thực hiện, có lẽ có thể tránh được các cuộc nổi dạy, và như thế sẽ sang trang được lịch sử.
Người cầm quyền không giác ngộ như vậy, khác gì tự tay xây đắp cho chính mình sự đổ vỡ không thể đảo ngược được? Trên hết cả, người cầm quyền, lại do Đảng lãnh đạo, không đi với dân thì đi với ai? Không vun đắp cho cái giác ngộ của dân, không tạo ra tiếng nói như thế của dân từ sự giác ngộ này thì làm gì? Lãnh đạo là gì?
Vì vậy, xin người dân và người cầm quyền đều phải cùng nhau ngẫm nghĩ, cùng nhau ai phải thực hiện trách nhiệm nấy, không nhầm việc nhầm chỗ. Để sau này đừng một ai nói rằng: “Tôi không biết!”.
Xin nói thêm một ý khác nữa:
Có nhận xét “dân nào, chế độ ấy”. Điều này cũng có cái lý của nó. Tình trạng đất nước như hôm nay, có một phần nhất định do dân ta vốn như vậy, chấp nhận như vậy, cam chịu như vậy.
Xin nói thực thà với nhau thế này để cả người dân và người cầm quyền cùng nghe: Tình trạng như hiện nay ở nước ta mà rơi vào các nước khác như Ai Cập, Tuy-ni-di.., có lẽ phải xảy ra đến hai hay ba mùa “hoa lan hoa nhài” rồi. Ở nước ta không. Vì dân ta tốt quá, cái đó đúng. Vì dân ta còn thương Đảng lãnh đạo quá, cái đó đúng… Vì nhiều thứ nữa… Song còn vì một phần là dân ta vốn như thế… Tôi trạnh nhớ đến anh Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế…”
Tuy nhiên, phải công bằng. Trong bài viết về vấn đề hiền tài, tôi cho rằng: “Một xã hội chịu tác động như thế ngày này qua ngày khác, cùng với nền giáo dục như đang được tiến hành, dần dà cũng tạo nên một thứ văn hóa cần thiết cho sự tồn tại hàng ngày của chính xã hội ấy.”[21] Cho nên, ngày nay “cái nước mình nó thế” còn là hệ quả, là sản phẩm tất yếu của chế độ chính trị nước ta hiện nay. Nhẹ nhàng hơn thì cũng phải nói: Chế độ chính trị nước hiện nay góp phần không ít nuôi dưỡng và làm trầm trọng thêm trạng thái “cái nước mình nó thế”.
Đây chính là một khía cạnh khác nữa vô cùng quan trọng của cái quán tính lịch sử mà duy tân sẽ phải đối mặt!
Có ý kiến viện dẫn câu nói của J. P. Sartre để lý giải, đại ý: Sống trong xã hội gian dối, người không biết nói dối trở thành kẻ vô lại. Cuộc sống cũng thừa nhận có hiện tượng này. Song tôi muốn thiên về ý: Nhận biết thực trạng này, là để khắc phục nó. Vì vậy duy tân phải làm được vai trò đánh thức dân đối với thực trạng này. Cụ Phan Chu Trinh đặt vấn đề khai dân trí trước tiên, có lẽ vì coi nhiệm vụ duy tân trước hết là như vậy. Tôi mong duy tân thay đổi được “cái nước mình nó thế”.
III. 2. Tình trạng đoàn kết dân tộc hôm nay
Xin nói rõ, trước bước ngoặt định mệnh của đất nước, đoàn kết dân tộc trước hết phải là vì nhau và cùng nhau xả thân cho một Việt Nam là tổ quốc ngay trong tim của mỗi người con trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, là cùng nhau xây dựng một thể chế dân chủ vận hành đất nước có phẩm chất gần như đồng nghĩa với tổ quốc – nghĩa là không thể để cho việc xâydựng một nhà nước của dân, do dân vì dân chỉ là một khẩu hiệu.
Đoàn kết dân tộc với nội dung như vừa trình bầy là sự cố kết của ý chí, trí tuệ, tâm huyết với dân tộc, với đất nước, là cố kết của các giá trị chân chính và của đạo đức, của sự khác biệt sáng tạo và phẩm chất của từng cá nhân được tiếp tục trau giồi, rèn luyện, để từng người và toàn dân tộc phấn đấu về một hướng cho một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.[22]
Đoàn kết dân tộc với nội dung mới như thế không thể chỉ là “xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điềm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.., đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa khoan dung…”[23].
Đoàn kết dân tộc như vậy vượt ra ngoài cả liên minh công nông và trí thức, vì nó là cố kết lại với nhau của sự giác ngộ của từng người Việt Nam dù là ai – sự giác ngộ về thực trạng đất nước, về vị thế yếu kém hiện nay của Việt Nam trong thế giới này, về những thách thức đất nước đang phải đối mặt, và từ đó quyết tâm cùng nhau phấn đấu đưa đất nước mình vươn lên thành một quốc gia văn minh trên thế giới. Bên cạnh một Trung Quốc bá quyền và muốn siêu cường, dân tộc ta càng phải cố kết lại với nhau như thế.
Đoàn kết dân tộc như thế còn vượt xa rất nhiều cả “khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ”[24] để cùng nhau giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ đã từng làm nên mọi thắng lợi và thành tựu của nước ta từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay. (Đáng lo là đến nay cái việc “khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ” vẫn chưa làm xong, về nhiều mặt là chưa làm được!)
Đoàn kết dân tộc như thế từ nay về sau trước hết phải được xây dựng, phải được vun đắp thường xuyên và liên tục đời này sang đời khác bởi một nền giáo dục chân chính.
Ngay sau 30-04-1975, nhiệm vụ đoàn kết hòa hợp hòa giải dân tộc đã được đề ra, song vì có quá nhiều cái tha hóa, cái bất cập, nhất là vì nhìn nhận sai về đòi hỏi phải thống nhất dân tộc trên nền tảng của dân chủ, về chiến lược phát triển đất nước.., cho nên đến nay nhiệm vụ này chưa thực hiện được bao nhiêu, và trên thực tế là còn đứng xa đòi hỏi cố kết dân tộc trong giai đoạn mới của đất nước.
Đoàn kết dân tộc với nội dung như vậy là điều kiện tất yếu phải có cho tồn tại và phát triển đất nước, được đặt ra trước bước ngoặt định mệnh hôm nay.
Từ các phần trên của Bài 2 này, mở rộng ra một chút là từ những vấn đề có liên quan tôi đã trình bày trong Bài 1 và trong bài viết trước nữa về vấn đề hiền tài, tôi kết luận: Chúng ta chủ yếu mới đạt được cố kết dân tộc cho sự tồn tại, cho bảo vệ đất nước, chưa có bao nhiêu yếu tố quan trọng này cho phát triển đất nước trước bước ngoặt mới, cho việc xây dựng truyền thống và văn hóa mới cho phát triển lâu dài sau này. Đấy là kết luận 1.
Xem xét thực trạng đất nước hiện nay như đã trình bày trong bài này và Bài 1 – trước hết là xem xét tác động của tha hóa dẫn tới những biểu hiện của trạng thái mất phương hướng, mất niềm tin, vô cảm, tâm lý bi quan chán trường, tâm lý thực dụng không cần đến ngày mai… trong tâm tư của đại bộ phận nhân dân, tôi đi tới kết luận 2: Hiện nay trong xã hội nước ta đang tồn tại cuộc khủng hoảng tinh thần lớn nhất kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay – cuộc khủng hoảng các giá trị.
Song ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI cũng chỉ nêu lên đơn giản đại đoàn kết là đường lối chiến lược và diễn giải nội dung rất công thức, song phần đánh giá thực hiện chỉ nêu “dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ.., …chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc…”[25], nghĩa là nhận thức của đảng cầm quyền còn rất xa thực tế cuộc sống và những đòi hỏi hiện nay, chưa làm rõ những vấn đề mới đặt ra. Đây là kết luận 3.
Trong tình hình có 3 đặc điểm như vậy, lại đang lúc đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế kéo dài từ nhiều năm nay, thách thức bên ngoài rất lớn, nhiệm vụ đoàn kết dân tộc cho giai đoạn này vừa càng trở nên khó khăn, đồng thời càng vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh đất nước. Nghĩa là thành hay bại, sớm thoát ra được khỏi khủng hoảng hiện nay để đi vào một giai đoạn phát triển mới, hay lún sâu vào những bước khủng hoảng tiếp trong nước và thất bại trước những thách thức mới từ bên ngoài, phụ thuộc rất nhiều vào thực hiện ra sao nhiệm vụ đoàn kết dân tộc lúc này.
Tôi nghĩ và hy vọng trong vòng vài năm nữa có thể ra khỏi khủng hoảng kinh tế hiện nay để đi vào ổn định, phát triển, nếu… Nhưng tôi chưa thấy trong vòng vài năm tới có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng các giá trị, cũng chưa biết bao giờ có thể khắc phục được cuộc khủng hoảng này. Điều này có nghĩa: Giả thử ra khỏi được khủng hoảng kinh tế hiện nay mà không có cải cách chính trị đi trước một bước, thì nguy cơ quay lại nó khá lớn và rất sớm theo kiểu ngựa quen đường cũ[26], chưa kể đến tình hình xảy ra những đột biến bất khả kháng (tỷ như dịch bệnh, tsuinami, động đất…), hoặc tình trạng xảy ra một domino nào đó, bắt đầu từ … - ví dụ, nước Hy-lạp vỡ nợ chẳng hạn... -, dẫn tới những cơn địa chấn kinh tế ngoài tầm kiểm soát của con người…
Ví dụ, sau khi ra khỏi khủng hoảng kinh tế rồi, mà cái dối trá vẫn ở thế áp đảo trong đời sống mọi mặt – có nghĩa là cái yếu kém vẫn có dinh lũy kiên cố để ẩn nấp, cái ăn thật làm giả vẫn có đất sống, cái giả vẫn có khả năng thắng cái thật..; trong một tình hình như thế, xin hỏi cái trật tự mới vừa giành lại được hay hình thành được sau khủng khoảng, rồi các thể chế, luật pháp, chính sách đã được cải tiến, rồi một số cái tốt khác vừa mới tạo ra được… – vâng, nghĩa là cứ giả định rằng có nỗ lực (hay có phép tiên) đạt được một trạng thái như thế sau khi ra khỏi khủng hoảng, song những cái tốt đẹp vừa mới giành được ấy sẽ bền vững được bao lâu?
Các văn kiện chính thức của BCHTƯ ĐCSVN khóa XI lần đầu tiên chính thức nêu đích danh và lên án các hiện tượng “chạy ghế” và “nhóm lợi ích”, một tiến bộ rõ rệt so với trước đó (cũng có nghĩa là hôm nay những cái “ác” này đã quá trắng trợn, quá lộng hành, không thể lặng thinh được nữa). Tuy nhiên, nhiều phát biểu – kể cả của người có cương vị cao – thừa nhận đến nay chưa phát hiện được một trường hợp “chạy ghế” nào, kêu gọi mọi người chỉ giùm để trừng trị. Sờ mó vào các “nhóm lợi ích” càng không dễ, báo chí đã nói công khai các đoàn kiểm tra, kiểm toán của Quốc hội, Chính phủ nhiều khi không lấy được số liệu cần phải có của các tập đoàn. Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư có lần phải thừa nhận không kiểm soát hay không nắm được hoạt động của tập đoàn… - nghĩa là căn bệnh đã nặng đến mức cái đầu không vãy được cái đuôi. Vân vân… Cuộc sống thực đến giờ phút này đang là thế.
Như vậy, tiếng nói của đạo đức, của giá trị có được sức nặng bao nhiêu?
Bên trong sự “vô cảm” của những cái “ác” này – đúng hơn có lẽ nên gọi đấy là sự “lỳ lợm” (để tiếp tục vụ lợi), làm gì có có chỗ đứng cho ý niệm về “accountability” (tạm dịch: tính trách nhiệm, tính tin cậy được)? Tính khả thi nào của kỷ cương, luật pháp, chính sách… có thể địch nổi sự lỳ lợm này?
Đến nay, âm thầm hay lộ liễu, sự lỳ lợm vẫn đang thắng. Đồng minh của sự lỳ lợm này là tình trạng bất cập, tình trạng tác trách không thể nào chấp nhận được của một bộ phận không ít những người thuộc biên chế bên Đảng hay bên chính quyền sống ăn lương bằng tiền của dân đóng thuế - một hệ quả tất yếu của toàn bộ chính sách tổ chức – cán bộ và của nền giáo dục nước nhà (bao gồm cả công tác đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị của đất nước). Nơi nương trú của sự lỳ lợm này là bộ máy nhà nước cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả. Chỉ một ví dụ mỗi đêm mất 2000 tấn khoáng sản đem đi xuất tại một cửa khẩu ở Cao Bằng mà không gây nhức nhối gì trong toàn bộ hệ thống điều hành đất nước và cứ để cho nó ngang nhiên tồn tại dai dẳng, đủ minh chứng tình hình này[27].
Bây giờ xin nói vài điều về sự vô cảm trong dân, một hình thái phản kháng thụ động hiện nay, một hiện tượng đang mầm mống không biết bao nhiêu hậu họa. Bàn điều này, chí ít để thấy ngay được rằng mọi bưng bít, trấn áp, che đậy, khỏa lấp, mỵ dân, xoa dịu… sẽ chẳng khác gì mấy việc lấy một miếng vải bẩn băng bó một vết loét trầm trọng, tất yếu dẫn đến nguy cơ hoại tử.
Hiện nay tâm trạng dân ta chưa đến nỗi như viên sứ Pháp tại Huế, P. Rheinart, năm 1875 báo cáo cho cấp trên ông ta[28]. Song hiện nay tâm lý chán trường, bi quan, mất lòng tin, thờ ơ, tránh né, quay về tự lo thậm chí tự làm luật, quay về chỉ quan tâm cho mình, quay về chỉ biết mình… trong dân không thể xem thường. Phổ biến vẫn là câu chuyện ngàn xưa “đấu tranh – tránh đâu?” nhưng ngày nay ở mức độ trầm trọng hơn nhiều, giữa lúc ngoài đời đang xảy ra không biết bao nhiêu việc xấu, việc nghiêm trọng, có bao nhiêu việc không thể bàng quan được[29]. Sự thật của bức tranh toàn cảnh ngoài đời này khác rất xa so với những gì có thể thấy được, nghe được, những gì được phản ánh qua các buổi truyền hình “các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri” – dù là ở ngay thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay ở bất kỳ một tỉnh nào, một khu vực bầu cử nào trong cả nước. Có thể nhận xét: Bức tranh toàn cảnh ngoài đời là sự thật, còn cách tiếp cận và xử lý sự thật theo kiểu như trên tivi nói trên chỉ là “chuồn chuồn đập nước” – chủ yếu vẫn là làm cho có làm, sờ mó được bao nhiêu vào sự thật để xử lý? Nghĩa là cái dân chủ đại diện trong thể chế chính trị của nước ta chỉ có thể đạt được kết quả có tính hình thức như vậy. Làm thế nào bây giờ?
Đang xảy ra hiện tượng một số nước ngừng nhận tiếp lao động Việt Nam sang làm việc, trước hết vì số lao động theo hợp đồng bỏ trốn việc để cư trú bất hợp pháp tại nước chủ nhà lớn quá, tình hình còn tiếp diễn. Số phụ nữ ta lấy chồng nước ngoài ngày càng nhiều, có quá nhiều bi kịch đau thương, có quá nhiều trường hợp biến thành việc buôn bán phụ nữ một cách ghê sợ.., song tình hình này vẫn tăng lên ở nhiều tỉnh. Có doanh nghiệp, có người, đã lo “để” tài sản của mình ở nước ngoài, không phải là vì kinh doanh hay là “tuồn ra ngoài” do gian lận, mà - có người đã nói thẳng với tôi là - vì “tâm lý chợ chiều”…
Ngoài bao chuyện đau lòng về “hình ảnh người Việt” ra, đằng sau, sâu xa bên trong tất cả những hiện tượng vừa nêu trên là gì, là trạng thái gì của đất nước ta hôm nay? Làm sao không lo lắng được trước những hiện tượng như vậy? Cố kết dân tộc lại với nhau như thế nào bây giờ trong tình hình như vậy?
Nhưng lúc này đất nước không thể không thực hiện đoàn kết dân tộc. Chẳng lẽ cứ phải chờ đến lúc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ta mới thức dạy cụm lại?
Song rõ ràng, chỉ có thực thi luật pháp, thực thi dân chủ (giả thử là thực hiện được) mà không đồng thời duy trì, phục dưỡng và tôn vinh các giá trị, làm sao có đoàn kết dân tộc? Mà không có cái này thì cũng chẳng có cái kia.
Hiển nhiên, như thế để bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay đi lên văn minh hiện đại, nhất thiết phải kinh qua một cuộc cải cái triệt để, sâu rộng thể chế chính trị và thượng tầng kiến trúc của đất nước, thậm chí cuộc cải cách này phải đi trước một bước. Bởi vì, đoàn kết dân tộc để bảo đảm giành thắng lợi trước hết là thực hiện sự cố kết các giá trị của dân tộc, chẳng cố kết giai cấp nào thay thế được nó cả. Làm sao thiếu được một cao trào duy tân cho một cuộc cải cách như thế?
Trí thức nước nhà và những người nắm quyền lãnh đạo đất nước nghĩ gì?
IV. Phần kết: Thay đổi cách nhìn
IV. 1 Thay đổi cách nhìn
Thiết nghĩ nên bắt đầu công việc bằng thay đổi cách nhìn.
Nên vượt qua nỗi sợ của chính mình, với tinh thần không cam chịu, để thay đổi cách nhìn. Có ý chí, ai cũng có thể làm được, kể cả những người ít hay không có điều kiện được học hành nhiều. Quyết tâm và giúp đỡ lẫn nhau, chắc chắn ai cũng làm được, cả nước làm được; hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cũng có thể làm được hay sẽ được thúc đẩy. Dân chủ, công khai minh bạch, xây dựng – làm như thế, chắc chắn sẽ làm được.
Thay đổi cách nhìn, sẽ thấy nhiều cái khác, nhiều cái mới.
Ví dụ, tái cấu trúc kinh tế để chuyển sang phát triển năng động và bền vững đang được đặt lên bàn nghị sự quốc gia. Nếu chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về công nghiệp hóa như đã tiến hành hơn 2 thập kỷ vừa qua, rút ra kết luận phải tận dụng tốt hơn nữa lợi thế nước đi sau, phải phát huy hơn nữa nguồn lực lớn nhất của đất nước là con người, tận dụng lợi thế lớn nhất (phần nào còn là các thách thức nữa) của đất nước là đất đai, khí hậu, vị trí địa lý tự nhiên trong hội nhập kinh tế thế giới, lại phải nhằm vào phát triển một nền kinh tế có hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao, tiến tới một nền kinh tế của tri thức, của văn hóa.., chắc chắn thay đổi cách nhìn như thế, chúng ta sẽ tìm ra cách xắp xếp lại nền kinh tế nước ta, thay thế cái gì bằng cái gì, bỏ bớt cái gì và bỏ như thế nào, duy trì cái gì, phát triển cái gì mới… – nhất là trong lúc bản thân cấu trúc kinh tế thế giới và phương thức vận hành của nó đang thay đổi. Tôi đã có dịp trình bày một số suy nghĩ riêng về chủ đề này trong các bài viết trước.
Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý thêm:
- Thay đổi cách nhìn trong kinh tế, trước hết nên khắc phục bằng được cái nôn nóng, manh mún cục bộ (ít nhiều mang tính tranh thủ, chụp giật, chia chác), cái tư duy dễ làm trước, khó bỏ lại sau.., mà phải kiên định chuyển sang cách nhìn chiến lược, bài bản, có tính quy hoạch cao hơn, bước trước chuẩn bị bước sau. Cần thay cách nhìn quá thiên về tăng trưởng để chú trọng hơn về phát triển. Hiện nay không thế.
- Nên chú ý phát triển một nền kinh tế của văn hóa nữa – văn hóa về sản xuất/tiêu dùng theo những chuẩn mực của văn minh, về chất văn hóa trong sản phẩm, về môi trường tự nhiên, về phương thức kinh doanh, về sự hài hòa các lợi ích, về thân thiện với con người và phục vụ con người, về đặc thù văn hóa và cái bản sắc riêng của đất nước ta, về hòa nhập và hội nhập. Chí ít đấy là việc làm ra những sản phẩm kinh tế mang tải nét văn hóa hay giá trị tạo ra sự khác biệt của Việt Nam… Vân vân… Nó còn là gì nữa, tiến hành như thế nào..? Là nước đi sau, ta nên chú ý bỏ công sức bàn vỡ câu hỏi quan trọng này. Nó có thể góp phần quan trọng làm nên sự khác biệt mà nền kinh tế nước ta phải có để có chỗ đứng trong kinh tế thế giới.
- Trong chiến lược công nghiệp hóa, nên đặc biệt quan tâm phát triển tốt hơn nữa 2 ngành kinh tế rất quan trọng của nước nhà: (1) nông nghiệp, (2) dịch vụ. Vì nước ta có lợi thế lớn nhiều mặt cho 2 ngành này. Nói ngắn gọn ở đây là: Học hỏi và hình thành cả một chiến lược lâu dài xây dựng bằng được 2 ngành này theo những hình mẫu tiên tiến và đã thành công trên thế giới. Ta có lợi thế nước đi sau và thị trường rất triển vọng cho 2 ngành này, nhất là kinh tế thế giới đang thay đổi sâu sắc.
Tôi đã đôi ba lần có dịp nói tới và bây giờ xin nhấn mạnh: Giáo dục trước hết, chứ không phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định số phận nước ta trong thế kỷ 21. Nghĩa là giáo dục phải tiến nhanh và trở thành một trong những yếu tố nền tảng phải có cho công nghiệp hóa. Trước sau, nền giáo dục nước nhà cần nhằm vào cái đích hình hài, xây dựng nền tảng và nuôi dưỡng một quốc gia dân chủ của những công dân là con người tự do.
Không thể nói hết chung quanh câu chuyện thay đổi cách nhìn. Về quá khứ, hiện tại, và tương lai. Về thế giới. Về ta và thế giới. Về quan hệ Việt – Trung. Về chính nước ta và mỗi bản thân chúng ta… Về từ thế giới nhìn lại chúng ta… Ở đây tôi xin được nhắc lại để nhấn mạnh một điểm: Nên nhìn rõ những thách thức mới của thế giới hôm nay, đặc biệt là khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, trong đó có nước ta. Chỉ có cách nhìn mới, có đoàn kết dân tộc, có sự dấn thân cùng đi với cả trào lưu tiến bộ của thế giới, nước ta mới tạo ra được chỗ đứng cần phải có tại địa bàn năng động, không ít nóng bỏng và rất quyết liệt này.
Thay đổi cách nhìn về ta, rất nên mạnh dạn nhìn thấu những yếu kém của ta. Nhất là nên từ các bài học của lịch sử, cố nhìn thấu những yếu kém của ta. Đương nhiên không phải để tự ti, mà là để không cam chịu, trước hết là để khiêm tốn, để có ý chí giải phóng mình ra khỏi các thứ bệnh cản trở sự tiến bộ của đất nước, ví dụ: “tâm lý tiểu nông đậm mùi hủ nho” (manh mún, thiển cận coi trời bằng vung, hẹp hòi, bảo thủ, đố kỵ, hợm hĩnh, nhiều khi khôn vặt đến lưu manh nhưng lại dễ bị lừa trong chuyện lớn…), “nếp nghĩ mì ăn liền và bóc ngắn cắn dài” (trong Đảng còn có tư tưởng”nhiệm kỳ”), thói ỷ vào chi viện, thói tự huyễn theo kiểu “nhất thế giới.., nhất Đông Nam Á” và những thứ “xấu xí” khác, … (người Trung Quốc ngày xưa mắc nặng chứng bệnh “AQ”, bây giờ có nhiều thứ bệnh thời nay của “Người Trung Quốc xấu xí”[30]). Tôi rất xin lỗi nếu bị khép tội phỉ báng người mình.
Sông có lúc, người có khúc. Người ít hay người nhiều, con người bao giờ cũng là người, không bao giờ là thánh. Thiết nghĩ, muốn phát huy những phẩm chất dân tộc ta đã tạo dựng nên được suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của mình, nhất thiết phải khắc phục những yếu kém nói trên, đồng thời cần bền bỉ xây dựng cho mình những giá trị và phẩm chất mới phải có, để có thể cùng đi với trào lưu tiến bộ của thế giới, nhất là tính trung thực, sự khoan dung lẫn nhau và ý chí dấn thân vì sự thật, vì tiến bộ. Tạo ra chuyển biến này càng phải là nhiệm vụ của duy tân.
Đang viết, điện thoại reo. Bạn tôi, một nhà giáo tạm thời tử thần ung thư đang điểm danh, xúc động chia sẻ: Học trò anh, cũng là một nhà giáo, khi giải thích cho học sinh của mình lý do xin nghỉ dạy 2 ngày để đi thăm thày cũ, học sinh thích quá vỗ tay hoan hô vì được nghỉ học. Tôi hiểu được các em và nghĩ chắc là các em tôi cũng vui như thế. Nhưng không biết vì sao, tôi vẫn thoáng rùng người nhớ lại đã được đọc, hay được nghe ở đâu đó câu chuyện một phụ huynh học sinh là thương binh già…Trong một buổi họp trường ông ta phê phán (nói cho đúng hơn là mắng) thầy hiệu trưởng, đại ý: …Tôi đã đi qua nhiều chiến trường và chết chóc, đã chứng kiến nhiều người thân thể bị bom đạn làm rách nát song vẫn có cơ may chữa chạy lành lặn… Nhưng nếu một ai đó để linh hồn mình rách nát, thì khó cơ chữa khỏi và hoàn toàn không có đồ thay thế (kiểu như chân tay giả)! Tại trường này, cái khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” ở tường treo trên đầu ông kia kìa, nó chỉ là “lễ” trước tiên! Nhà trường của ông làm ăn như thế này là đang đào tạo ra những linh hồn như thế!..
Có thể hình dung nhiệm vụ giải phóng khỏi thứ di sản văn hóa cần bỏ lại phía sau, lại còn phải nuôi dưỡng cái chân, thiện, mỹ, cái mới nữa.., quả thực là sự nghiệp khó nhất và vô cùng quan trọng, nhất là lúc này và thường xuyên mãi mãi về sau đối với dân tộc ta, sau khi từ nay trở đi Việt Nam là một quốc gia độc lập.
IV.2. Thử nghĩ về được và mất
Thay đổi cách nhìn, cũng nên thay đổi cách nghĩ về được/mất. Có lẽ phải ý chí, trí tuệ và dũng cảm lắm, dám vì mục tiêu trong sáng, dám vì chân lý, mới có thể đụng chạm được vào nhìn lại và thay đổi cách nghĩ về được/mất. Được – mất đã xảy ra. Được – mất cần và phải lựa chọn cho hiện tại và tương lai.
Ví dụ, thành quả cách mạng đã giành được là cái được lớn lắm; song cứ mài cái được rất vinh quang đã thành lịch sử này ra mà hưởng thụ, mà sống, sẽ có nghĩa là mất, rồi sẽ có lúc mất hết vì tha hóa. Cuộc sống của đất nước hôm nay, nói cụ thể hơn nữa là cuộc sống tinh thần, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước hôm nay, đã có ở mức hơi quá nhiều cái trạng thái mài cái được rất vinh quang đã thành lịch sử này ra mà hưởng thụ, mà sống tiếp. Xin kể lại ở đây, lúc sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần phải nhắc nhở, khuyến cáo điều này một cách có ý tứ, kể cả trong những dịp quốc lễ lớn.
Mặt khác, sự thật cuộc sống đất nước có nhiều cái được bị đánh mất đến bây giờ vẫn chưa biết sao lấy lại được. Nhiều lắm. Những cái mất ấy đang gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho đất nước hôm nay, và có thể mai sau nữa, nhất là mất niềm tin. Cứ nhìn lại những giá trị đã xây dựng được nhưng ngày nay đang mai một hoặc bị đảo ngược sẽ rõ, bao giờ làm lại được? Một trong những cái được rất lớn ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công nay bị mất (thoạt đầu có thể là mất do hoàn cảnh chiến tranh), đến giờ chưa có cách gì lấy lại được, đó là Hiến pháp năm 1946. Cứ đem ra thảo luận công khai trong cả nước, chắc sẽ thấy rõ tổn thất này đối với hôm nay lớn như thế nào, và từ đó có thể sẽ có được nhiều gợi ý cho công việc sửa đổi Hiến pháp sẽ phải thực hiện. Sau khi đất nước thống nhất, có nhiều cơ hội lớn tuột tay, đấy là những cái mất vô cùng xót xa, nhất thiết phải nhìn lại.
Thay vì nuôi dưỡng niềm tự hào chính đáng là động lực phấn đấu của hôm nay, nhằm đưa đất nước ra khỏi số phận nghèo hèn, lại đi ngược dòng, muốn lấy cái được đã thành lịch sử làm chân lý, làm giường cột, làm khuôn vàng thước ngọc cho hiện tại và tương lai, thì trên thực tế - dù thừa nhận hay không thừa nhận – là đã chủ động tự quy hoạch và thực hiện cho mình cái mất hết. Phải chăng không ít thứ đã mất hết rồi? Đối với sự nghiệp của Đảng cộng Sản Việt Nam tôi cũng nghĩ như vậy, xin trở lại vấn đề này trong Bài 3.
Trong cuộc sống, trong phấn đấu, trong xây dựng đất nước luôn luôn có được và mất. Mất mà có được bài học và chung cuộc là tạo ra được khả năng xoay chuyển tình thế, thì thực chất và cuối cùng là được. Nhưng được mà phải trả giá lớn, làm hỏng cái được và chung cuộc là số âm với nhiều hệ lụy xấu, thì chắc chắn đấy là mất. Con người ta không phải là ông thánh, lại thêm những yếu kém vốn có của chính nó; đồng thời cuộc sống luôn luôn đi theo bản đồ riêng của nó mà con người khó biết hết được, nên hành động có đúng, có sai là đương nhiên, có được có mất là tất yếu. Tôi nghĩ, nếu có cái tâm và ý chí Tổ quốc trên hết, có trí tuệ dẫn dắt, chắc chắn sẽ có khả năng xử lý đúng đắn cái được/mất đã xảy ra cho hiện tại và tương lai.
Trong lịch sử cận đại, nước ta có nhiều cái được/mất vô cùng quan trọng, người cầm quyền và người dân nhất thiết phải trấn tĩnh xem lại để quyết định đường đi nước bước của tương lai đất nước. Phải như thế, nếu muốn đất nước sang trang, đổi đời.
Trong Dòng đời, má Sáu Nhơn, một cơ sở cách mạng tại Sài Gòn, đã cất gữ một bản viết tay in litho Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945 ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (23-09-1945). Thế nhưng chỉ vài năm sau ngày 30-04-1975, một đêm má phải dứt ruột tiễn con cháu mình đi di tản. Trở lại nhà, ngay đêm ấy, má xé bản Tuyên Ngôn Độc Lập, vừa xé vừa khóc. Song vì tiếc xương máu của nhân dân mình – trong đó có xương máu chính con cháu ruột thịt mình, má lại cất bản Tuyên Ngôn rách vào chỗ cũ. Rồi một ngày, trăng trối trước giờ phút lâm chung, má gọi bầy cháu nội của mình đến và trao tận tay bản Tuyên Ngôn rách: “Các con phải giữ lấy! Bảo nhau cha truyền con nối thực hiện bằng được!..” Còn cụ Phạm Trung Học, chú ruột của đại tá thương binh Phạm Trung Nghĩa phải thốt lên: “Cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt lắm!.. Đắt quá!..”
Ai dám nói những gì nước ta đã đạt dược trong 35 năm đầu tiên của quốc gia độc lập thống nhất là không đắt?
Để giành thắng lợi phía trước, nhất thiết phải học được từ quá khứ bài học được/mất.
♦
Khi tôi viết đến đây, trên thế giới sôi nổi những tin tức về các cuộc biểu tình Chiếm lấy phố Wall ở nhiều nơi phát triển nhất trên thế giới này. Động cơ (motivation) và mục tiêu của hành động này là chính đáng: Nhất thiết phải sửa chữa những khuyết tật của phát triển. Cụ thể ở đây là sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn và việc phân bổ gánh nặng của khủng hoảng quá nặng lên vai tầng lớp thu nhập thấp hơn trong xã hội. Biểu tình như thế không phải là phương thức sửa chữa khuyết tật, nhưng nó đặt ra được vấn đề phải sửa chữa, nó thúc đẩy sự quan tâm và những nỗ lực cho công việc sửa chữa.
Các nước phát triển này, - tư bản hay đế quốc, muốn gọi thế nào thì tùy - lúc này khác có những cuộc biểu tình rất lớn như thế. Vừa mới đây nhất là các cuộc biểu tình ở Mỹ chống chiến tranh Iraq giữa lúc cuộc chiến đang nóng bỏng. Những cuộc biểu tình này ở Mỹ cùng với nhiều thể chế khác nữa của hệ thống pháp quyền Mỹ không phải là không có tác động đối với chính quyền Obama bây giờ. Những sự việc này cho thấy hệ thống chính trị những quốc gia này được thiết kế sao cho có khả năng vạch ra quyết liệt các điều cần vạch ra (dù rằng không phải khuyết tật nào cũng vach ra được), và có khả năng điều chỉnh, sửa chữa những khuyết tật được vạch ra (dù không hiếm trường hợp là không thể, là bất lực). Làm gì có chế độ chính trị tiên thánh nào trên thế giới luôn luôn sửa chữa được 100% khuyết tật xảy ra.
Coi cuộc biểu tình Chiếm phố Wall là sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản, là những “triệu chứng” hay “bằng chứng” cho việc xã hội loài người nhất định tiến lên chủ nghĩa xã hội… là tuỳ cách nhìn của mỗi người. Tôi quan tâm đến một khía cạnh khác: Mong muốn thể chế chính trị ở nước ta có được sức mạnh như thế vạch ra và sửa chữa các khuyết tật. Một cỗ xe hiện đại thế nào đi nữa cũng phải có cái thắng (cái phanh) mới đắc dụng được. Còn hơn thế, phong trào duy tân đất nước tôi muốn xới xáo lên trong Bài 2 này, để gợi ý, để xin được bàn luận.., không phải chỉ có mỗi một việc là làm ra cái thắng cần phải có, nó còn phải nhằm vào cải thiện và xây lại cả bộ máy.
Như đã nêu trên, điểm khởi động là người dân phải đứng lên tự giải phóng. Nên thông qua thực hiện dân chủ và công khai minh bạch để khuyến khích người dân tự đứng lên giải phóng. Cả nước, ngoài Đảng cũng như trong Đảng, xin cùng nhau vắt óc tìm cách thực hiện sự khởi động này.
- Suy nghĩ về duy tân như vậy, tôi ảo tưởng?
- Gần như chắc chắn. Nhất là ảo tưởng về khả năng thực hiện.
- Vậy nêu ra con đường duy tân để làm gì?
- Vì theo cách nhìn của tôi, muốn thực hiện được cải cách triệt để đất nước thì có lẽ nên có một phong trào duy tân như thế làm động lực. Tôi tin đấy là con đường cải cách thành công lâu dài, bền vững, để đất nước đoạn tuyệt hẳn với cái quán tình lịch sử tai ác, đi vào giai đoạn phát triển mới. Để đừng tái diễn cái cảnh sau 25 năm đổi mới, cái quán tính lịch sử bây giờ lại lên ngôi! Tôi hy vọng như vậy!.. Con đường ấy có thể người dân và người cầm quyền không thể đi được trong trạng thái hiện nay… Hoặc là, con đường ấy người dân muốn đi, người cầm quyền không dám, không muốn… Hoặc là, con đường ấy người cầm quyền không muốn, chưa muốn, hoặc phải cân nhắc trong, ngoài nhiều thứ, nhất là vào thời khắc nhạy cảm như hiện nay. Hoặc là, con đường ấy người cầm quyền tự thấy không thể đi được. Hoặc là, người cầm quyền dứt khoát bác bỏ nó… Hoặc là cuộc sống còn có con đường khác?.. Hoặc có thể tôi nghĩ sai… Vân vân… Tôi hy vọng sẽ đến gần sự thật tôi đang đi tìm.
Nguyễn Trung
Võng Thị, ngày 20 tháng 10, 2011
*
Chú thích
[1] Cách nhìn này của tôi không giống quan điểm có cái tên gọi là “giải phóng lực lượng sản xuất” như đã từng thực hiện ở nước ta.
[2] Ví dụ: (1) Chúng ta chắc sẽ rất khó hình dung nổi những cố gắng lặng lẽ, bền bỉ, tự thân – nghĩa là hầu như không có một sự trợ giúp nào có cái tên gọi là “quốc doanh” của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, những nỗ lực giành chỗ đứng cho sản phẩm Việt Nam ngay trên thị trường Việt Nam và nước ngoài. Năm này qua năm khác, Hội này tìm mọi cách đưa các sản phẩm ấy đến các chợ, các vùng khắp cả nước hoặc ra bên ngoài, giới thiệu chúng, vận động người tiêu dùng hiểu và yêu thích tiêu thụ, vận động các doanh nghiệp cùng nhau bảo vệ nhãn hiệu và thương trường của mình chống lại thị trường lậu và nạn cướp nhãn hiệu... (2)Khó mà nói hết những khó khăn do nghèo thiếu và những khó khăn do những cái đầu chật hep từ bên ngoài NXB gây ra mà Nhà xuất bản Tri thức phải vượt qua để dịch và mang đến bạn đọc chúng ta những bộ sách quý giá của văn minh nhân loại đang vô cùng cần thiết cho nước ta lúc này. Khỏi phải nói người đọc chúng ta vui như thế nào khi có trong tay các cuốn sách như Bàn về tự do, Nền dân trị Mỹ … Còn rất rất nhiều những ví dụ làm ấm lòng người như thế, vân vân…
[3] Tìm đọc các bài viết “Biển Đông, cái biển hay cái ao?”, “Tô-tem sói…” vân vân… trên tạp chí Thời Đại Mới các số trong năm 2011.
[4] Ngày nay Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, song cách diễn đạt như vậy vẫn không thay đổi vị trí nước ta đứng xa về phía cuối trong bảng xếp hạng quốc gia tính theo GDP p.c.
[5] Theo sử liệu,
[6] Đơn vị đo lường cũ của ta: 1 cân ta = 16 lạng ta.
[7] Xem: Cao Huy Thuần, Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc? , tạp chí Thời đại mới, số 19 – xuất bản tháng 7-2011. Trong bài này, dựa vào tìm hiểu những công trình nghiên cứu của những học giả lỗi lạc của Nhật, Cao Huy Thuần cho rằng sức ép về văn hóa, tư tưởng thay đổi nước Nhật có trước cả thời kỳ khai sáng ở châu Âu.
[8] Xem Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, NXB Đà Nẵng 2001; Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885”, MXB Nhã Nam & NXB Tri thức, 2001
[9] Xem thêm Tựa cho sách của Tsuboi, Tsuboi - sách đã dẫn.
[10] Tham khảo thêm (a) những sử liệu và những lời bình của Trần Trọng Kim, trong “Việt Nam Sử Lược”; (b) những sử liệu rất phong phú của các giáo sỹ ngoại quốc, các quan chức và nhà buôn các nước, trước hết là Pháp, được Yoshiharu Tsuboi sưu tầm, hệ thống hóa và lý giải trong luận văn tiến sỹ của mình, bảo vệ tại Pháp năm 1982, sau đó đã xuất bản thành sách với tựa đề “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” – đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam.
[11] Xem Y Tsuboi, sách đã dẫn, trang 255, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, do 2 NXB Nhã Nam và Tri Thức đồng phát hành năm 2011.
[12] Xem Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 420, bản do NXB Đà Nẵng in và phát hành năm 2002.
[13] Xem Y Tsuboi, sách đã dẫn, trang 136.
[14] Tsuboi, sách đã dẫn, trang 339.
[15] Nên tham khảo thêm bài viết của anh Cao Huy Thuần, nêu trong chú thích (4).
[16] TRần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 522.
[17] Nguyễn Trung, tiểu thuyết Dòng đời, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2006.
[18] Nguyễn Trung, “Dòng đời”, sách đã dẫn, tâp IV, tr 857, 858.
[19] Tìm xem thêm: Trần Bạch Đằng, “Vài suy nghĩ về tiểu thuyết Dòng đời”
[20] Tôi chưa xin phép tác giả trích dẫn, nên xin viết tắt tên tác giả như vậy.
[21] Nguyễn Trung, trong Tạp chí Thời đạ mới, số 22, xuất bản tháng 8-2011.
[22] Gần đây và tại Đại hội XI, cái đích của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tinh túy trong Di Chúc của người được viết lại là: xây dựng một “Việt Nam hòa bình, độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giầu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Viết chi tiết và viết dài ra như thế vẫn là cái đích của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí minh đã đúc kết nên. Điều cốt yếu là phấn đấu thực hiện thành công cái đích này.
[23] Văn kiện Đại hội XI, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 240.
[24] Xem Nguyễn Trung, bài về vấn đề Hiền tài, TĐM số 22, đã dẫn.
[25] Văn kiện Đại hội XI, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 171.
[26] Theo dõi trong 25 đổi mới, cũng thấy chu kỳ các cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước ta có biểu hiện ngắn lại, nội dung cũng ngày càng phưc tạp hơn, cuộc khủng hoảng hiện nay là phức tạp nhất vì chủ yếu là khủng hoảng cơ cấu kinh tế.
[27] Trên thực tế bộ máy nhà nước của hệ thống chính trị nước ta là hai bộ máy song trùng, dính vào nhau, đan xen nhau, chồng lấn nhau ờ mọi cấp mọi ngành giữa hai bên đảng và chính quyền. Nếu gọi mọi người làm việc ăn lương ở cả hai bộ máy này dưới cái tên chung là viên chức, hầu như chắc chắn nước ta có tỷ lệ này tính theo số dân cao nhất Đông Nam Á và vào loại rất cao trên thế giới. Song điều nguy hiểm nhất là nó rất kém hiệu quả, tính trách nhiệm và tin cậy được thấp (accountability), rất khó cải cách, một trong những nguyên nhân làm cho chống tham nhũng trở thành gần như không thể. Cách đào tạo, tuyển chọn và sử dụng đội ngũ viên chức này càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
[28] Tìm xem Tsuboi, sách đã dẫn.
[29] Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI đã phải nêu khá rõ thực trạng này. Xem Văn kiện Đại hội XI, sách đã dẫn, tr, 173.
[30] Tên quyển sách “Người Trung Quốc xấu xí”, của Bá Dương.